Sáng tác

Sự ra đời của buổi tối. Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Tiến

Nguyễn Vĩnh Tiến
Truyện
06:00 | 28/09/2024
Baovannghe.vn - Bấy lâu, những buổi tối của tôi dần dần mất hết ý nghĩa. Các sự việc diễn ra: Tiếng động, âm thanh, thuốc nhỏ mũi... giống hệt nhau. Khoảng thời gian từ 17h30 đến 22h30
aa
Sự ra đời của buổi tối. Truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Tiến
Sự ra đời của buổi tối - truyện ngắn của Nguyễn Vĩnh Tiến

Buổi tối được sinh ra từ câu căn dặn của bố tôi với cô em út:

- Con nhớ mua thêm một vỉ thuốc ngủ.

Còn trước đó, nào thì tivi với dầu gội đầu và một loạt những sự tinh tế, nào thì mẹ đau bụng, nào thì hai ông khách trẻ con đến thăm đột xuất. Cô em thứ hai kêu mệt. Còn tôi, tôi ở đâu đó quanh quẩn giữa những sự kiện nhỏ.

Bấy lâu, những buổi tối của tôi dần dần mất hết ý nghĩa. Các sự việc diễn ra: Tiếng động, âm thanh, thuốc nhỏ mũi... giống hệt nhau. Khoảng thời gian từ 17h30 đến 22h30 có một màu sắc xanh lè và một mớ âm thanh hỗn loạn. Tivi nói gì thế nhỉ: "Hãy cố gắng sống tốt đẹp ngày hôm nay nhé!" Bố tôi từ chiều đã vô cùng buồn bã khi đọc được mẩu tin trên một tờ báo. Ông cứ lẩm bẩm một mình: "Hỏng rồi, hỏng rồi." Mẹ tôi đau bụng nằm trên giường và kêu. Mẹ thậm chí còn yêu cầu tắt tivi ngay lập tức. Bãi công ở Hàn Quốc hay vụ bắt cóc con tin, rồi nổ máy bay nữa. Vô nghĩa quá, vô nghĩa quá.

Tôi thấy nét mặt thất vọng của bố, không thể cầm lòng được, mới tò mò hỏi:

- Hỏng cái gì thế hả bố?

Bố bảo:

- Người giàu càng giàu và người nghèo càng nghèo, khoảng cách về thu nhập giữa 20% dân số thuộc diện giàu nhất và 20% dân số thuộc diện nghèo nhất đã tăng gấp đôi, từ 30 lần đến 60 lần.

Tôi hỏi:

- Thế thì liên quan gì đến chúng ta hở bố?

Bố tiếp tục tường thuật lại thông tin ông vừa nhận được:

- Tài sản của 358 tỉ phú trên hành tinh cao hơn tổng thu nhập của 45% dân số thuộc diện nghèo nhất trên trái đất.

Tôi hỏi tiếp:

- Thế bố buồn vì điều đó phải không?

Bố đột ngột nhìn tôi, có phần hơi ngạc nhiên, rồi ông buông giọng:

- Bố buồn vì các con không hiểu gì về điều đó.

Sau đó ông quay sang dặn cô em út về việc đừng quên mua thuốc ngủ. Tôi chui vào một góc nhà, nơi đấy có một chiếc bàn thấp, mấy chén trà uống dở, nguội tanh, bên cạnh treo một chiếc đàn ghi-ta to và cũ. Và bấy giờ đột nhiên tôi nhận ra sự hiện diện của một buổi tối.

Bây giờ thì căn phòng im lặng. Cô em thứ hai đã ngủ trên chiếc đệm trải giữa nhà, cô 19 tuổi và chẳng nghĩ đến việc phủ lên người một tấm chăn mỏng. Cứ thế, ngồn ngộn giữa căn phòng là cô, sắc đẹp của cô là của cô, sự đau bụng của mẹ là của mẹ. Cũng phải thông cảm đôi chút vì cô đang mệt, cô kêu mệt từ chiều. Tuy nhiên cô là một trở ngại trong việc di chuyển của mỗi cá nhân trong căn phòng, ai cũng thương cô, cũng không nỡ đá phải đôi chân 19 tuổi của cô đang bò nguều ngoào ra khỏi tấm đệm. Sự hoạt động của chân cô là sản phẩm của giấc mơ cô. Có lẽ cô đang mơ đến việc trình diễn mốt thời trang hay mơ đến việc ngày nào đó, phụ nữ sẽ đá vào đít chồng với một cách thức như thế nào.

Nói tóm lại là căn phòng đã im ắng, mẹ không kêu nữa vì chẳng kêu làm gì. Bố vẫn đang rất buồn vì tình hình thị trường hóa quốc tế. Em út đã ra ngoài đường, sau khi mua xong quyển sách ôn thi đại học với giá 20.000đ, cô sẽ không quên việc mua cho bố một vỉ thuốc ngủ.

Tôi nghĩ đến thuốc ngủ. Tại sao người ta lại không ngủ được nhỉ, có phải người ta có một mớ suy nghĩ rối như bòng bong trong đầu không? Hay là người ta có một sự đau đớn, một sự bất lực mơ hồ nào đó đem lại? Hay là người ta không thể cứ ngồi trơ trơ trước một màn đêm đen ngòm trống trải? Hay mất ngủ chỉ đơn thuần là một thứ bệnh giống như đau bụng.

Tôi cầm lấy cây đàn và quyết định đến an ủi mẹ. Tôi ban đầu dạo một bản nhạc soạn từ một bài dân ca quan họ "Hoa thơm, bướm lượn." Mẹ tôi im lặng vì chắc tiếng đàn của tôi nghe cũng xuôi tai. Đi từ truyền thống đến hiện đại, nghe hẳn là xuôi tai hơn. Sau đó tôi cố gắng bắt chuyện với cơn đau bụng của mẹ:

- Mẹ ơi, mẹ còn nhớ Tết năm ngoái không, thế này nhé, con viết thế này mẹ nghe có được không?

“...Nhớ nhà đông khách, bóng người đông vách, và khói bay như lời chúc Xuân, gió từ sông đến, cuốn làn khói bếp, làm chúng tôi đứng ngây tiếc xuân có phần mất đi, nay bạn ơi, bếp lửa hồng, ngày xuân cũ, còn nấu trong trái tim chúng ta những nồi bánh chưng..."

Mẹ bảo:

- Ừ, tết này phải nấu bánh chưng mới được.

Tôi hơi cụt hứng nhưng nếu phải hi sinh cái hứng trình bày sáng tác của mình để đổi lấy sự quên đi cơn đau bụng của mẹ thì tôi cũng sẵn sàng. Tôi tiếp tục gợi chuyện:

- Mẹ ơi, mẹ còn nhớ cái đợt mẹ mua cành đào chẳng có bông hoa nào không? Thế mà con viết: "... Đào thắm tươi sắc hoa sắc xuân sắc người sắc tôi..."

Mẹ cười:

- Ờ, bố mày hồi ấy phải làm mấy bông hoa đào bằng giấy, à này, con đã uống thuốc tẩy giun chưa?

Tôi hoàn toàn cụt hứng về việc định trình bày một nhạc phẩm xúc động cho mẹ nghe. Tôi trả lời mẹ:

- Con chưa uống, thế khoảng 6 tháng không tẩy giun có sao không mẹ.

Mẹ tôi đáp án:

- Cả 6 năm không tẩy giun cũng không sao, à mà đến giờ xem phim Bao Công rồi, con bật tivi lên cho mẹ xem.

Tôi buồn bã cất cây đàn vào chỗ cũ và bật tivi. Người ta trước khi chiếu phim còn khẳng định rất rõ ràng và rành mạch về một "bản lĩnh đàn ông thời nay" bằng việc mô tả một anh thanh niên giằng lấy con cá nhỏ mà bạn anh vừa câu được làm mồi và sau đó câu được một con cá kiếm. Sau đó vẫn chưa đến lượt Bao Công xuất hiện, dầu gội đầu và dầu nhớt luôn có chỗ đứng ở mọi lúc, mọi nơi. Vụ trước xử còn đang dở dang, hôm nay sẽ xử nốt. Việc gì khó - có Triển Chiêu - thằng nào liều – thằng ấy chết – Cẩu đầu trảm - là phim hết.

Mẹ tôi xúc động thực sự trước những hoàn cảnh éo le. Có lẽ nhờ cơn xúc động ấy, mẹ quên đi cơn đau bụng đang bám theo dai dẳng từ chập tối.

Tôi quyết định phải xuống bếp đun một ấm nước để pha một ấm trà mới. Có lẽ cần phải nói chuyện riêng với bố và hi vọng bố bớt căng thẳng. Bố, sau một hồi loanh quanh phía ngoài lan can, đã quyết định trở lại căn phòng, ông rón rén đi qua những cái cẳng chân xinh đẹp của cô con gái 19 tuổi. Chỗ duy nhất mà ông có thể ngồi, đó là góc nhà, nơi có tôi và cây đàn to, cũ. Nước sôi rất nhanh và tôi mời bố một chén trà nóng. Bố thoạt tiên từ chối uống với lí do:

- Tao đã phải mua thuốc ngủ thì mày biết rồi đấy!

Nhưng tôi lại khẩn thiết:

- Đây là chè Yên Bái, không phải chè Thái đâu, bố cứ thử một chén, mất ngủ, con xin chịu trách nhiệm. Thế là bố vì cả nể mà cầm lấy chén nước trà. Hai bố con ngồi im lặng trong thứ ánh sáng vàng quạch từ phim Bao Công hắt ra. Trong lúc im lặng đó, có tiếng Bao Công: "...Không hiểu ta có ác không nhỉ?" Tôi suýt nữa phì cười. Buổi chập tối, một trong hai ông khách trẻ con lên khẩn khoản nhờ tôi vẽ một bức chân dung Triển Chiêu để sau đó ép Plastic treo lên góc học tập. Tôi từ chối ngay với lí do:

- Anh không thích Triển Chiêu thì làm sao vẽ được giống?

Cậu bé nhìn tôi đầy vẻ ngạc nhiên:

- Sao anh lại không thích Triển Chiêu?

Tôi trả lời:

- Anh cũng không biết nữa.

Hai ông tướng trẻ con nhìn tôi đầy vẻ thất vọng. Sau đó, hai cậu bé chào cả nhà ra về. Bố hỏi tôi:

- Thế việc làm của con đến đâu rồi?

Tôi trả lời:

- Con đã nộp đơn, bản sao bằng đại học, bằng ngoại ngữ tin học đủ cả nhưng chưa thấy hồi âm gì cả.

Bố nói tiếp:

- Mày dốt lắm, phải năng động lên con ạ, trong thời buổi kinh tế thị trường này, phải trở thành một con người kinh tế.

Tôi đáp:

- Dạ vâng, con dại, phải bỏ hết văn thơ và cả nhạc nữa hả bố?

- Có thế mà mày vẫn không hiểu - Bố giảng giải - Các giám đốc đang bù đầu vào hết hợp đồng này đến hợp đồng khác, nhân viên này thì đang tìm mọi cách đá vào chân nhân viên kia một cái, ai còn thời gian để nghe thơ với chả ca của mày. Khôn ra đi con ơi.

Tôi biết nếu tiếp tục tranh cãi, sẽ lâm vào ngõ cụt. Tôi hiểu bố định truyền một thông tin ngắn gọn cho tôi: Phải giàu lên; nếu giàu lên thì tao không mất thời gian để bù đầu kiếm tiền nuôi mày nữa; lúc bấy giờ tao may ra mới có thể thanh thản để thưởng thức thơ văn, nhạc phẩm của mày được.

Tôi định hỏi bố một câu nhưng xem ra câu đó có vẻ ngây thơ quá nên thôi ngay. Câu đó nguyên văn như thế này: "Ta giàu lên, có khiến cho bao người khác nghèo đi không? Chính bố vừa phát biểu rằng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng lớn cơ mà!"

Cô em út đã về, cô có một điệu đẩy cửa truyền thống, 12 người trong hai căn hộ có thể nhận biết cùng một lúc khi nào cô về. "Uỳnh!" một cái, mấy trăm triệu nơ ron thần kinh đột tử. Cô khoe với cả nhà rằng cô đã tiết kiệm được 16000đ vì thật may mắn cô thấy ở trong hàng đồng nát có quyển sách giống hệt quyển cô đang cần, chỉ xấu hơn một chút nhưng không sao. Điều quan trọng là nó giá 2000đ, cộng thêm tiền cô tự thưởng cho mình một chiếc bánh mì batê là 2000đ nữa. Mẹ nhìn cô tỏ vẻ hài lòng còn bố thì đang băn khoăn về việc cô có nhớ mua thuốc ngủ hay không?

Thật là may mắn cho cả gia đình, cô đã nhớ và thuốc ngoại hẳn hoi. Thế là bố yên tâm vì đêm trước bố mất ngủ. Lí do mất ngủ thật đơn giản ấy là bố trót nghĩ đến tương lai gia đình. Thế là một loạt khó khăn kéo đến, một loạt giải pháp kéo đến nhảy nhót tứ tung trong đầu. Bố nằm đến tận 2 giờ sáng, sau khi đếm được 2671 con bò trên một thảo nguyên Mông Cổ, sau đó thì lịch kịch ngồi dậy vào bếp sốt lại cơm để ăn. Cả nhà vì lí do bố vào bếp mà mất ngủ theo.

Tôi và bố thường là hai người ngủ sau cùng trong nhà. Đêm nay, sau khi Bao Công chém đầu tên đại gian đại ác. Mẹ đã ngủ ngon... Hai cô em gái tổng cộng là bốn cái cẳng chân bắt đầu tìm được vị trí thích hợp. Bố uống hai viên thuốc ngủ và trong khi chờ thuốc ngấm, bố ngồi xem chương trình bóng đá do Dunhin tài trợ. Và khi thuốc đã ngấm thực sự, bố mắc màn cho mẹ, cho hai cô em gái và quay về dặn tôi:

- Đi ngủ sớm đi, mai còn lấy sức làm việc.

Vậy là chỉ còn tôi, đại diện cuối cùng của buổi tối trong căn phòng này, tôi nghĩ lan man về sự giàu nghèo, sự dấn thân rồi những viên thuốc ngủ. Cuộc sống quả là còn nhiều ý nghĩa. Tôi khẳng định điều đó rất nhiều lần với một anh bạn vong niên.

Thời gian luôn được sinh ra, kể cả khi người ta lãng quên đời thường trong giấc ngủ.

Mọi buổi tối đều đã và sẽ được tiếp tục sinh ra cùng với một loạt các giá trị mới. Tôi có ngủ ngon trong đêm nay không?

----------

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc truyện: Trăng mắc cạn. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Thúy Đọc truyện: Hư cấu. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Nhật Huy Đọc truyện: Ký ức đồng vọng. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính Đọc truyện: Phong lan của núi rừng. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung Đọc truyện: Những ngôi sao xô lệch. Truyện ngắn dự thi của Minh Vũ
Văn nghệ Trẻ, số 25/1997
Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Gạch nối Sơn Tây - Thơ Nguyễn Quang Hưng

Baovannghe.vn- Sông Hồng đi qua xứ Đoài/ Vác theo vùng trời vỡ rạn/ Đường trung du mốc trắng/ Xanh bãi bờ gọi niềm trai tráng
Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Bài thơ "Mẹ ngồi tựa cửa" của Hải Thanh

Baovannghe.vn - Hình ảnh Lá rơi... lại tưởng bước chân ai về đã được nhắc đến trong thi ca khá nhiều. Nói cũ thì cũng đúng. Nhưng không hiểu sao với bài Mẹ ngồi tựa cửa của nhà thơ Hải Thanh, tôi lại không nỡ nghĩ như vậy.
Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Với người được tặng nhiều sách - phỏng vấn của Vũ Thị Hân Hoan

Baovannghe.vn - Quả thực cô hỏi thế tôi cũng khó trả lời. Có lẽ các nhà văn, nhà thơ tặng sách cứ nghĩ rằng, ở cương vị lãnh đạo tôi là người ham đọc sách, nên họ ra sức tặng
Thời tiết ngày 6/10: Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác

Thời tiết ngày 6/10: Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 6/10: Hà Nội sáng sớm có sương mù. Đà Nẵng đến Bình Thuận chiều tối có mưa rào và giông rải rác.
Bộ Giáo dục và Đào tạo: Lấy ý kiến về môn thi thứ 3 vào lớp 10 PTTH trên toàn quốc

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Lấy ý kiến về môn thi thứ 3 vào lớp 10 PTTH trên toàn quốc

Bovannghe.vn- Bộ GD&ĐT đề nghị các Sở GD&ĐT tổ chức lấy ý kiến từ các cơ sở giáo dục phổ thông đối với một số nội dung liên quan, trong đó có môn thi thứ 3 vào lớp 10 PTTH trên toàn quốc