Chưa hẳn vì nó tạo thành một thời khắc, cái thời khắc đặc biệt mà mọi người gọi là lập xuân của đất trời. Dập dìu và rộn ràng. Ríu rít và rộn ràng. Cả hình ảnh, cả âm thanh đều mê hoặc con người, nó như một bức họa của sự sống thanh sạch miên viễn, lại vừa như một bản giao hưởng của sự sinh sôi nảy nở bất tận. Sự hòa trộn giữa hai điều tưởng chừng tương phản ấy, kì thực lại diễn đạt được cái ý nghĩa nhất thể tạo nên và thăng bằng cho thế giới này. Không biết bao nhiêu lần tôi đã ngước nhìn, lắng nghe nỗi bồi hồi xúc động bên trong mình. Cho tới giờ này, tôi nghĩ rằng mình thật may mắn khi đã có sự giao cảm thật sớm, thật ấn tượng với Cái Đẹp ngay tại quê nhà.
Hình ảnh minh họa. Nguồn: pinterest |
Năm 2010, đi với một chuyên gia về én, mới biết anh ta có tất cả những lời gọi tình, gọi bầy trong chiếc usb của mình. Đặt máy phát ở điểm cao nhất có thể, một ngọn cây, một mỏm đá, cắm usb vào và chọn lựa các file âm thanh, thế là chúng tôi có thể nắm bắt vùng này có bao nhiêu chim mái, chim cồ và cả bao nhiêu chú chim choai choai. Cái phút giây mà dòng âm thanh ấy vang lên rồi những chấm sáng chao liệng hội tụ dần trên bầu trời cũng gây sự hứng thú và ngạc nhiên, một chút rung động trong lòng nhưng là niềm rung động bé mọn tủn mủn. Nó mang ý nghĩa nhất thời như loại công việc thực dụng này vậy, chưa đủ sức hình thành nên Cái Đẹp đến ngất ngây lòng người như bầy én quanh tháp đèn biển Kê Gà. Tiếng ríu rít của bầy én ở cung bậc cao chói, dường như chúng nghĩ chúng đang mang sứ mệnh rót vào tai con người những âm thanh tinh tế nhất, da diết nhất có thể mà Mẹ Thiên Nhiên muốn tạo ra, có khả năng đánh thức những gì đang thiêm thiếp trong mỗi con người. Những ý tưởng nhằm đạt đến sự thăng hoa bỗng chốc nở xòe, thôi thúc, kêu đòi, một cơn khát từ tiềm thức đang được thỏa mãn, được giải khát. Quả thực là đang có sự lập xuân từ chính bên trong, từ tâm hồn con người nếu như ai đó dù vô tình hay hữu ý ngắm được, nghe được cái khung cảnh én chao quanh tháp đèn, cái âm thanh én chao quanh tháp đèn. Tôi hình dung đến một thân cây già cỗi xù xì nhất lúc này cũng xé da xé thịt cho những mầm ngọc nhú ra.
Còn một nguyên nhân khác khiến tôi rung động mỗi khi ngắm nghe cái rộn ràng mùa én bay ở mũi đất Kê Gà này. Đó là bãi biển, đó là thủy triều lên xuống rất rõ rệt theo dòng nước sâu chia đảo Kê Dữ (nơi có tháp đèn) với bãi cát, với làng cát. Khi thủy triều rút là khi đường bãi hiện ra, cát chưa kịp khô, bước chân đỡ lún quang gánh đỡ nặng. Từ khi mới sinh được mươi ngày, tôi đã nằm trong chiếc thúng, một đầu đôi quang gánh của má tôi trong những ngày bươn bả áo cơm trên bãi mặn rát thân thuộc này. Má tôi đã kể với tôi về những tháng ngày cực nhục ấy như một vết thương không bao giờ khép miệng trong đời. Mấy mươi năm sau má còn rơi nước mắt, má còn sụt sùi mỗi khi kể lại, tôi ngầm hiểu có những nỗi đau sâu kín đằng sau sự cực nhọc thân xác mà má đã nói được thành lời. Có lẽ vì vậy mà vùng bãi bờ này đã trở thành vùng từ trường tình thương đối với riêng tôi, mỗi khi về với nó, tôi như một con người vốn bầm dập với đời, vốn chai sạn với đời, chợt bấn loạn, chợt nhạy cảm, chợt chìm sâu, chợt rung lên, những gì trước mắt đã hòa trộn với kí ức để tạo ra một hiện thực khác, hiện thực của riêng tôi.
Bây giờ, hàng quán đã tràn ra sát mép con đường bãi ngày xưa. Bây giờ, làng chài đã thành làng du lịch náo nhiệt chào mời. Bây giờ, những người bà con của tôi ở đây, cùng những thế hệ nối tiếp của người dân quê ấy nhưng không còn chân chất mộc mạc. Dường như sự phát triển nơi đây không đồng bộ, thái độ tôn sùng vật chất đã dắt con người đi theo một nẻo khác, xa lạ...
Lòng người phố chợ lúc nào cũng suy tư, lo lắng. Nhưng về lại Kê Gà lần này, khi ngước nhìn tháp để lắng nghe rộn ràng mùa én, lòng tôi đã lại lâng lâng tâm thế hồi xuân. Khi con người muốn thu lợi bằng mọi giá, làm con chim én nào đã bình an. Nhưng tôi vẫn ước sao mình được một lần hóa thân thành cánh én hướng thượng kia, để cho đời một nốt nhạc trong bản giao hưởng bất tận trên cao.