Này là mùa hè mở lối dắt con về quê ngoại. Con đường mấy mươi năm rồi vẫn còn nguyên những dấu mốc, vẫn xanh mờ làng mạc, vẫn ngút mắt đồng bãi và mênh mông thăm thẳm sông hồ. Nhà mẹ ngược Tây nhưng về ngoại lại rẽ sang Đông.
Những nẻo đường quê. Ảnh minh họa |
Đường càng xuôi càng đưa con về gần với biển. Những trưa hè nắng mưa bất chợt mới thấy biển ngay trước mặt mình. Đó là lúc sau lưng hầm hập nắng và hừng hực gió Lào, nhưng trước mắt lại là cả một khoảng trời râm dịu mắt với mây lam xám đang dâng lên cuồn cuộn và gió nặng trĩu hơi nước, mát quẩn chân người. Rồi mưa trước mặt, nắng ở sau lưng. Con nhẩn nha đi giữa một khung trời trong vắt bởi nắng đuối sức đuổi theo không kịp mà mưa lang thang chưa vội đến làm gì. Những lúc thong thả trong khoảng trời riêng giữa mưa, giữa nắng ấy tha hồ mà chọn lựa sẽ dừng chân chờ cơn mưa đi qua ở chỗ nào. Ở chỗ mái hiên có giàn hoa giấy trắng bồng bềnh như mây trời hay chỗ giàn hoa đỏ như lửa rừng rực muốn bay lên. Ở chỗ cái cổng vòm rợp màu hoa muống tím hay chỗ có giàn ti gôn hồng như mắt nắng li ti. Hàng chục sắc màu hoa vẫy gọi và cũng từng ấy mái hiên, từng ấy cánh cổng rộng mở đón chào. Để rồi lại háo hức lên đường vì dấn thêm đoạn nữa là cả một khoảng đầm mênh mông hoa ấu, cánh đơn, mỏng manh như cánh bướm, hoặc trắng, hoặc vàng, sáng rực lên, lấp lánh trên nền lá xanh bóng, xoáy tròn thành tia như những mặt trời xanh.
Phía Tây chói lóa, ồn ào còi xe và bụi bặm phố phường lùi lại xa tít phía sau. Bình yên là phía trước với con đường thẫm màu nhựa hút mắt, với dưới chân là hai vệt cúc đồng đội bốn mùa hoa, hoặc ít, hoặc nhiều tùy theo là xuân hay hạ. Loài cúc hoang chẳng kể mình là hoa dại, cứ trắng kiêu hãnh, thanh tân, cứ rập rờn cánh, sáng ngời lên nhị vàng, lung linh trong nắng gió thời gian. Con đường trôi đến đâu, hai bờ mương ôm viền theo đến đấy. Mùa này đầy cơi lên thành con đường hoa. Không thấy mặt nước, không thấy bờ chỉ thấy ngút ngát, trùng trùng hoa bèo tím. Sáng đậm màu, nao nức ngả sang hồng. Trưa nhạt đi, phai nhòa trong nắng nhưng hàng triệu con mắt biếc xanh vẫn lặng lẽ ngóng chờ. Những con mắt hoa chỉ lặng im nhưng hơn ngàn lời nhắn nhủ. Gọi mình dẫu gấp đến đâu cũng dừng lại, chụp vài tấm hình, lưu bạn vào nỗi nhớ. Bởi vì chỉ chút nữa thôi, xế mặt trời là đường hoa rũ cánh, chưa hết một ngày đã đi trọn một đời hoa.
Nếu đường về ngoại đi trong nắng vàng và thênh thang giữa gió và ngày giỗ kị ông bà đều vào hè thì lối về quê nội lại xanh mờ sương cuối đông và bạc màu ảo ảnh trong mưa giăng kín lối vào xuân.
Tránh xa đường lớn ồn ào xe cộ, con rẽ ngang, men lối tắt tìm về. Đường quê nhỏ ven theo sông đào, cuối đông trập trùng trạng nguyên bừng sắc. Không phải là trạng nguyên trồng trong chậu trưng ngày Tết. Chỉ là trạng nguyên bên rệ đường, nghiêng bóng xuống lòng sông. Cành dưới xòa rộng nâng cành trên. Tất cả đều đội mũ hoa đỏ chấm nhị vàng kiêu hãnh. Không bon chen, không lấn át, trạng nguyên cứ thế nương vào nhau mà rực rỡ hết mình. Ngày trước thế. Bây giờ vẫn vậy. Và con mong mãi sau này con đường trạng nguyên vẫn còn đó, đừng biến mất theo những thăng trầm dâu bể. Để mỗi năm tiễn kẻ đi, đón người về lại khơi dậy trong lòng người dẫu là đi hay ở những khát vọng xa xôi.
Nhưng con đường quê nội không chỉ là trạng nguyên cuối năm tràn sắc đỏ mà còn chờ con trong bời bời hoa xoan tím mùa xuân trên dẻo đê mảnh mềm, men theo sông nhánh rẽ về làng. Hoa xoan tím hồng li ti xen vệt biếc nhưng phấn ngứa, cứ yên tâm nở như những vầng mây bồng bềnh, xen đâu đó những chùm quả khô sậm màu mật. Quả xoan chỉ dành riêng cho bọn chào mào, nhưng chào mào bấy lâu nay vắng bóng, đành ngẩn ngơ quắt lại trên cành, chờ đợi mỏi mòn những bóng chim lạc cánh, biết đâu sẽ có lúc trở về nâng bước phiêu du.
Ơi những con đường mặc định trong kí ức mở lối dẫn tình yêu của những trái tim xa ngàn dặm tìm về. Về với nội, với ngoại đang mỏi mòn trông đầu ngõ. Về với mẹ đang cặm cụi sau vườn mà mắt vẫn ngóng ra đầu hồi có lối tắt dẫn ra sân, chờ đứa cháu nào đó bất ngờ ào ra, chân trần dẫm trên nền đất mịn, tay cầm củ khoai, củ dong bà phần sẵn hồi hôm, reo vang lên lanh lảnh: Bà ơi! Con về với bà đây!
Báo Văn nghệ số 1+2/2016