Vì rằng từ đời ông cha người Mông đến vùng này dựng bản chưa từng nghe đến một sự lạ lùng như vậy. Thế mà có nhé. Là Vàng Sìn Khái, người có đứa con gái đẹp hơn cả bông bí trên nương, người có nhiều trâu bò ngựa dê nhất, cũng là người giàu nhất ở vùng Lùng Chính Thượng đấy. Nhưng tờ giấy này, không phải tờ giấy bình thường, chả dễ kiếm được đâu. Ầy già! Ầy già! Bấy giờ thì người trong vùng mới biết đến cái khôn của Vàng Sìn Khái. Không khôn mà mới ngoài bốn mươi, Vàng Sìn Khái đã có một cơ ngơi sừng sững giữa bản Lủng Pờ à. Không khôn mà trâu bò ngựa dê nhà Vàng Sìn Khái vàng đỏ, vàng đen khắp núi rừng Thèn Pả à.
Rất nhiều thằng trai chưa vợ muốn được ứng tuyển làm con rể nhà Vàng Sìn Khái. Nghe đâu còn có cả thầy giáo người Dao là Lý Văn Ba dạy ở điểm trường tiểu học Lũng Phìn cũng muốn được làm rể nhà họ Vàng. Nhưng thầy giáo già quá, ba mươi sáu mùa đốt nương, chỉ kém người có thể sẽ trở thành bố vợ năm tuổi thì không được rồi. Lần lượt các ông mối đến, các thằng trai đến nhà họ Vàng, cuối cùng chỉ còn hai thằng trai được nhà Khái lựa chọn để đưa ra thử thách là Hùng Lềnh Của và Vừ Sá Cho. Thằng Của này từ lâu đã nổi tiếng cả vùng Lùng Chính Thượng, cả huyện Mèo Vạc. Đấy là vì nó từng là học sinh đầu tiên của cái huyện xa tít mù tăm này đoạt giải nhất học sinh giỏi cấp tỉnh năm lớp 9. Thằng Của đã giỏi lại còn đẹp, vẻ đẹp vạm vỡ, tươi tốt như một cây sa mộc trên sườn dốc khô cằn. Ngày ấy, thằng Của được báo, đài huyện, tỉnh nhà viết bài, đưa tin ca ngợi nhiều lắm, nhiều đến nỗi người bản Lủng Pờ đi ra ngoài được ai hỏi ở đâu đều không nói là ở Lủng Pờ mà cứ bảo ở bản có cái thằng Hùng Lềnh Của. Thế là người này ầy già, người kia ầy già xuýt xoa về cái bản Lủng Pờ và thằng Của. Tốt nghiệp trung học phổ thông với tấm bằng đỏ chói, Hùng Lềnh Của không đi học tiếp mà rời quê đi làm. Mọi người cứ tự hỏi sao thế, sao thế chứ, không ai trả lời được, chỉ bố mẹ và năm đứa em của thằng Của biết lý do thôi. Thằng Cho con nhà Vừ Già Pó thì người Lùng Chính Thượng không ai là không biết nó, vì bố nó là chủ tịch xã. Từ bé thằng Cho đã trắng trẻo, to lớn khác những thằng con trai cùng lứa. Bây giờ dễ mà nó cao đến mét tám rồi, chả có cái cửa nhà nào trong vùng cho nó đi vừa, trừ cửa nhà nó. Người ta bảo thằng Cho như một thằng trai Tây là vì từ bé nó được bố mẹ mua cho rất nhiều sữa để uống. Sữa này ông chủ tịch phải nhờ người mua từ thành phố chuyển lên. Sữa được đựng trong hộp sắt, bên ngoài có in hình cô gái tóc vàng, mắt xanh, tay xách cái xô đầy tràn sữa trắng, một hộp bằng tiền mua một con dê. Từ bé đến khi thôi uống sữa chắc thằng Cho uống cả mấy trăm con dê, hết dê thì uống cả mấy chục con bò rồi. Thằng Cho cao lớn khác thường nên có biệt tài đánh bóng chuyền. Nó đứng bên mép lưới, chỉ cần rướn người, vẩy tay một cái, sấm sét khắc dội xuống đội bên kia. Mỗi dịp có thi đấu bóng chuyền là lũ con gái dán mắt vào những cú nhảy, cú đập bóng của thằng Cho rồi má cứ nóng bừng lên, khắp người cứ nóng bừng lên. Người quanh vùng bảo một trong hai thằng đấy mà làm rể nhà Khái đều xứng mặt cả. Nhưng chọn thằng trai nào thì không phải dễ đâu, thế mới có cái sính lễ là tờ giấy kia...
Minh hoạ: Lê Hải Anh |
2. Xe chạy từ Hà Nội lên thành phố quê Của đúng 5 giờ sáng. Của đi chuyến xe đầu tiên về Mèo Vạc. Gần ba năm trời không được gặp người thân, không được sờ vào mái tóc mềm óng, không được nắm đôi tay như hai búp hoa của Vàng Hoa Lanh, lòng Của chộn rộn lắm rồi. Xe liên tiếp vào góc cua, thi thoảng vài cô gái hoảng sợ ré lên. Không bận tâm đến những gì diễn ra quanh mình, Của nhìn ra những vạt đồi đang trổ biếc dưới màn mưa bụi. Của mơ về một nông trại. Ở đấy, Của sẽ trồng thật nhiều ngô, lúa, nuôi thật nhiều dê ngựa trâu bò, trồng những vạt đồi tam giác mạch rực rỡ để Hoa Lanh ngắm mỗi ngày. Ở đấy, cỏ sẽ trải mướt xanh, lúc rảnh rỗi Của sẽ để Hoa Lanh gối đầu lên cánh tay rắn chắc của mình, rồi cùng mơ về những đứa bé. Của cũng không quên trồng ở đấy một nương lanh, những ngày mùa thu rảnh rỗi, Hoa Lanh sẽ tước lanh dệt vải, lại lấy sáp ong vẽ lên tấm vải, rồi thêu ngàn sắc ong bướm, hoa rừng, như đời bà, đời mẹ vẫn làm thế.
Tay trái nắm tay phải, tay phải lại chuyển sang nắm tay trái. Chuyển đi chuyển lại đến mấy lần vẫn là cái cảm giác thô tháp, chai sần. Là Của đang lần tìm cái mềm mướt trên đôi búp tay Vàng Hoa Lanh trong chính đôi bàn tay trai tráng của mình. Ồ, tay một thằng con trai từng xúc bao tấn cát, sỏi, xi măng thì sao có thể mềm mượt như tay con gái. Đứa con gái ngồi bên cạnh Của có mái tóc nhuộm vàng hoe giờ đã mê mệt ngủ, mùi hương con gái làm quả tim Của đập thình thịch... thình thịch... Cái cần cổ ngần trắng như một cuống hoa ngoẹo sang một bên làm cái đầu nhỏ xinh gục hẳn vào vai Của. Của định dịch ra mà sợ đứa con gái lạ giật mình, lại thôi. Đứa con gái này đẹp quá, không biết là con gái vùng xuôi đi du lịch hay con gái bản nào. Nhưng có đẹp bao nhiêu cũng không thể sánh với Vàng Hoa Lanh được. Ngày trước, thời bà, thời mẹ Của, đàn bà con gái chỉ biết đến cái bếp, vạt nương, cánh rừng, bây giờ lũ con gái như những cánh bướm nay ở vạt rừng hôm sau đã đậu giữa thành phố. Gái bản xuống phố đi học, đi làm ngày càng nhiều, những đứa chịu ở lại với núi rừng như Hoa Lanh ít lắm. Nhớ Lanh, Của thương Lanh nhiều, mong một lần được đưa người thương đi chơi thành phố.
3. Từ nhỏ Của, Cho và Hoa Lanh cùng học chung trường. Hai thằng trai học khóa trên, Lanh khóa dưới. Của và Cho là hai thằng trai sáng sủa, đẹp đẽ, thông minh, thầy cô nào cũng quý yêu. Nhưng Của con nhà nghèo lại có sức học tốt, chăm chỉ hơn, có nhiều thành tích ở các cấp học, thế là mọi người cứ đem Cho ra so với Của. Ngay cả bố mẹ Cho cũng bảo: “Mày toàn uống sữa Tây, ăn cơm với thịt mà thua thằng uống nước suối, ăn mèn mén là sao?” Bởi vì bố mẹ Cho là những người giỏi giang, từng bước chân ra ngoài, đi nhiều nơi, ăn mòn bát đũa thiên hạ, nay quay về làm cán bộ nên biết chăm nuôi, đầu tư cho hai anh em Cho. Thế nên, bố mẹ không muốn anh em Cho thua bất cứ đứa trẻ nào trong vùng này. Mỗi lần dự bế giảng năm học, khi nghe nhà trường xướng tên học sinh tiêu biểu, phải lên trao thưởng cho Hùng Lềnh Của, trong khi Cho chỉ được đại diện nhà trường trao thưởng, bố Cho hậm hực lắm. Hậm hực không biết trút vào đâu nên về nhà thường cáu gắt với vợ, quát mắng hai đứa con. Của cứ vô tư, xanh tràn như cái cây trên núi, hồn nhiên như con thú trong rừng. Nhưng Cho thì buồn, buồn rồi sinh ra ghét cái thằng hơn mình, vì nó mà mọi người cứ so mình với nó. Thế là hai đứa dần xa nhau. Lúc đầu Của chả hiểu chuyện gì xảy ra với Cho đâu. Của hỏi gì Cho cũng lắc đầu, rủ làm gì nó cũng im im rồi lảng đi. Lòng Cho bỗng sâu hút như một vực xoáy, không biết có gì trong đó, Của muốn bước vào cho tường tận mà không thể. Một thời gian sau thì Của biết vì sao Cho thành ra như thế với mình. Sáng ấy, khi đi chăn dê trên núi, Của nhìn thấy Cho ngồi buồn so bên một miệng vực, tấm lưng to lớn của Cho rung lên, rồi những tiếng khóc như một dòng nước bị nén chặt vọt tóe. Tiếng khóc của một thằng trai thật buồn, nghe như tiếng kêu của một con thú dính bẫy. Của không hiểu chuyện gì, nấp vội vào một lùm cây để quan sát. Tiếng khóc mỗi lúc mỗi lớn, rồi Cho hét lên: “Hùng Lềnh Của, tao ghét mày, ghét... mày! Sao cái gì mày cũng hơn tao? Sao mọi người cứ lấy mày để so với... tao?”. Hai thằng vừa nhận kết quả thi vào lớp 10, Của giành ngôi thủ khoa, Cho chỉ vừa điểm đậu. Có lẽ, Cho lại bị bố mẹ dày vò và trong suy nghĩ của Cho, Của là một trong những nguyên nhân của sự dày vò ấy. Từ đó, Của chung đường với Cho mà hai thằng đã không cùng hướng, đã xa lại càng xa.
Đến ngày Hoa Lanh xuống trường thị trấn thì sự tức tối trong Cho càng như một miệng núi lửa lúc nào cũng như sắp trào lên. Hoa Lanh đã ra mặt chơi với Của, bỏ qua những lời tỉ tê mời mọc đi chơi chợ, đi uống cà phê của Cho. Cái hôm mấy đứa người Mông ở Lùng Chín Thượng, Mậu Duệ cùng học rủ nhau đi chơi thác Nậm Lạch, trong đám chỉ Cho có xe máy, số còn lại phải đi mượn xe đạp. Đến lúc xuất phát, Cho bảo Lanh lên xe máy nhưng Lanh một mực chối từ, nó lại đi ra phía thằng Của đang dắt cái xe đạp cà tàng từ khu kí túc xá. Cho ức quá, lẳng tất số đồ đạc định chở cho cả đám, bỏ về. Cuộc đi chơi ấy không biết diễn ra những gì, trong đầu Cho tưởng tượng ra nhiều thứ lắm. Càng tưởng tượng lửa càng dâng lên khắp người, dâng ngập cả đầu, chỉ muốn nổ tung, đốt cháy hết mọi thứ thôi.
4. “Hùng Lềnh Núi, đã về đến nhà chưa? Cho chú gửi lời thăm hỏi đến mọi người trong gia đình cháu! Luôn mạnh như núi và thành công trong mọi việc nhé!”. Thi thoảng, chú Tâm, kĩ sư trưởng công trường, vẫn luôn gọi Của bằng cái tên ấy. Đọc dòng tin nhắn của chú, Của thấy một nỗi nhớ, rưng rưng.
Hơn ba năm trước, đúng dịp Của chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông thì mẹ phải đi viện điều trị dài ngày. Bố bán hai con trâu, cả đàn bò mà bệnh tình của mẹ vẫn chưa thuyên giảm. Con ngựa - “chiếc xe máy” - của cả nhà cũng có nguy cơ phải bán nốt. Thế nên, Của không làm hồ sơ xét tuyển vào trường đại học mơ ước từ lâu. Của thi xong tốt nghiệp, mẹ cũng được về nhà, nhưng mẹ như một cái dây bí héo trên nương, tóc chẳng còn, da xanh rớt. Ngày đầu tiên nhìn thấy mẹ từ viện về, bà nội Của khóc từ chiều đến tối khuya. Đêm ấy, đứa em gái út cũng cứ nấc lên trong cơn mê. Nhìn mẹ, nhìn cả nhà, Của xót lắm, thế là Của theo một người họ hàng rời núi xuống Bắc Ninh làm phụ hồ, mong giúp bố trả những món nợ cứu mẹ. Nơi của làm việc là hệ thống công trình xây dựng của một tập đoàn lớn. Ngặt nỗi, thời điểm ấy “giặc” Covid - 19 từ nước láng giềng tràn vào nước ta rồi hoành hành khắp nơi, thế nên mọi hoạt động bị siết chặt. Có thời điểm các công trình phải dừng hoạt động. Quen làm việc đến lúc ngồi không cũng sốt ruột. Nhưng thực ra Của chả ngồi không, vì thi thoảng mấy đứa em khóa sau vẫn nhắn tin hỏi những bài tập khó. Thế là Của lại hì hụi cày toán, lý, hóa như thời đi học.
Một hôm rất khuya, Của vẫn hì hụi với bài toán khá lạ nơi góc công trường. Bài toán này, một cậu em họ đã nhờ mà suy nghĩ mấy hôm Của vẫn chưa tìm ra cách giải. Không dám làm phiền mọi người, Của phải ra phía sau lán, ngồi dưới bóng điện công trình. Đúng lúc Của như muốn nhảy lên vì đã giải được phương trình lượng giác hóc búa thì có một giọng trầm ấm bên tai: “Khá lắm! Giải được bài toán thế này mà phải đi làm phụ hồ thì...”. Của ngoảnh lại vừa chạm ánh mắt một người đàn ông tầm thước với gương mặt chữ điền phúc hậu. Qua mấy câu chào hỏi xã giao, Của biết chú tên là Tâm, phụ trách kỹ thuật ở những công trình này. Từ hôm ấy, thi thoảng chú Tâm lại lui tới bộ phận của Của, bao giờ chú cũng dành cho của ánh nhìn thật ấm áp.
Hôm ấy, Của bị ốm, phải nằm lại lán thì chú Tâm ghé vào. Chú nở nụ cười thân ái rồi hỏi han tình hình sức khỏe, gia đình Của. Hơn một năm đi làm Của chưa gặp người có chức sắc nào trong công ty lại gần gũi, bình dị với những người thấp bé đến vậy. Quê quán, hoàn cảnh gia đình, cho đến lý do tranh thủ giải bài toán hôm trước... Của thành thật hết trước những lời hỏi han ân cần của chú. Nhìn Của say sưa nói về những cảnh đẹp trên cao nguyên đá, về một gia đình đông đúc, nghèo khó nhưng đầm ấm, đầy tình yêu thương,... thi thoảng chú Tâm lại mỉm cười. Rồi để động viên Của hướng về những điều tốt đẹp phía trước, chú chia sẻ với Của những gập ghềnh, trắc trở trong cuộc đời của chú. Thực ra, trước đây gia đình chú cũng chẳng hơn gia đình Của. Chú từng thi đại học không đậu, nhập ngũ hai năm, xuất ngũ về làm xe ôm. Nhưng rồi, một lần chở người khách lạ đi quãng đường gần 30 km trong đêm, chú đã bị kẻ xấu tấn công với động cơ giết người cướp của. Sau lần chết hụt đó, chú nghỉ việc chạy xe một tuần, chỉ nằm nhà suy nghĩ, rồi chú quyết định dành số tiền tiết kiệm để ôn thi đại học. Mùa thi năm ấy đã mỉm cười với chú.
Sau hai tuần nói chuyện với chú Tâm, Của nhận được cuộc điện thoại của Hoa Lanh. Người yêu bật mí về cái giấy mà bố Vàng Sìn Khái yêu cầu ở chàng rể tương lai. Thế là Của không chần chừ nữa, Của phải đi học để lấy cái bằng thôi...
5. Đứa con gái vẫn vô tư gục đầu lên vai Của ngủ. Của bắt đầu thấy tê vai nhưng không dám động cựa mạnh. Đứa con gái trở mình, có cái gì vừa rơi xuống sàn xe. Của gượng nhẹ tay nhặt lên. Gì thế này? Thẻ sinh viên. Ối giồ, hoành tránh nhỉ! Sinh viên ngành công nghệ thông tin cơ đấy. Đại học Bách khoa, oách thật. Giàng Thị Hoa, cái tên đẹp quá. Gương mặt thanh tú, đôi mắt to tròn, nét môi cong hờn dỗi như cười của Hoa làm sáng bừng tấm thẻ. Của ngắm mãi bức ảnh, thấy những nét thân quen. Gương mặt, đôi mắt rõ giống Hoa Lanh, nét môi cong tinh nghịch, chắc hẳn hay dỗi hờn, nũng nịu kia là của Phương Hà. Có lẽ cô bé Hoa này cùng trường với Phương Hà, sinh viên năm nhất cả. Nghĩ đến Phương Hà, Của thấy như mình có lỗi. Nhưng biết làm sao được...
6. Sang đến buổi học online thứ bảy, cô bé Phương Hà phong Của là “đại sư phụ”. Hà bảo đã học nhiều thầy cô, qua nhiều trung tâm luyện thi rồi nhưng chưa đâu cho cô bé cảm giác thích thú những bài toán khó như học với Của. Là cô bé thông minh, lém lỉnh, khéo mồm khéo miệng nịnh Của vậy thôi chứ Của chỉ là chàng sinh viên hệ trung cấp một trường nghề, sao dám so với các thầy cô lão luyện. Của nghĩ thế, nhưng vẫn rất vui bởi sự hứng thú, tiến bộ vượt bậc của Phương Hà. Hai hôm trước, bài kiểm tra toán giữa kì của Phương Hà đạt điểm tuyệt đối. Vì là kiểm tra online nên mấy đứa bạn cứ xì xầm, đến đứa thân nhất với Hà cũng inbox hỏi: “Mày dùng phao trợ giúp à?”. Hà chỉ thả những cái mặt cười đầy khiêu khích khi nó cứ muốn truy đến cùng. Chốt cuộc buôn dưa lê, Hà tuyên bố xanh rờn: “Rồi mày sẽ biết con bạn của mày lợi hại thế nào. Thời của Vũ Phương Hà đã đến... Hehe”.
Của dạy toán cho Phương Hà là bởi được sự nhờ cậy của chú Tâm. Rời công trường mấy tháng nhưng thi thoảng Của vẫn gọi điện thăm hỏi chú. Dịp dịch bệnh bùng phát trở lại, chú gọi điện cho Của, chia sẻ rằng Phương Hà lớp 12 rồi mà không đi học trực tiếp được rất là nguy. Con bé thông minh, nhiều khát khao nhưng học hành lãng tử, đăng kí mấy khóa học online rồi, chả hợp chỗ nào. Nó muốn thi vào Đại học Bách Khoa, mà chú thấy lo lắm. Hay là Của giúp chú, giúp em xem sao, biết đâu gặp đúng thầy đúng thuốc lại ổn? Của ậm ừ định chối từ, vì Của thấy lúng túng không biết phải bắt đầu với việc dạy một cô bé xa lạ như thế nào. Mấy hôm sau, Của nhận được con laptop mới và một thùng sách do chú Tâm gửi. Ngoài sách toán cấp ba, còn mấy cuốn sách viết về kỹ thuật chăn nuôi Của rất muốn tìm mua mà chưa có điều kiện. Tài thật, chú Tâm như đoán được những suy nghĩ trong đầu Của.
Thế là Của lao vào nghiên cứu lại những bài toán một thời từng say mê. Của chìm vào xa lộ toán, đến nỗi quên cả việc sắp xếp về thăm nhà. Dịch bệnh cứ bùng lên rồi dịu xuống, thành phố mấy lần lockdown, Của rất sốt ruột. Số tiền tiết kiệm chỉ đủ tiền học phí, thuê phòng, ăn ở khoảng một năm. Dịch bệnh không qua mau, bị kẹt lại giữa thành phố này, Của chẳng biết xoay sở ra sao. Mà cái bằng trung cấp thú y thì năm rưỡi mới lấy được.
Ngày nhận được tin Phương Hà đỗ Đại học Bách Khoa với điểm số 29, điểm toán là 9.8, Của thấy như chính mình sắp được ngồi trên giảng đường đại học. Chú Tâm khi báo tin, cười sảng khoái trong điện thoại: “Núi ơi, chú vẫn không tin đây là sự thật. Cháu và Phương Hà làm tốt lắm... tốt lắm”. Nhập học được gần tháng, Phương Hà bất ngờ lên Thái Nguyên thăm Của. Cô bé hồn nhiên, thông minh, dí dỏm. Hai đứa ngồi với nhau bên hồ từ trưa đến cuối chiều, chuyện tưởng như không muốn dứt. Trước khi Phương Hà lên xe về Hà Nội, Của bắt tay tạm biệt nhưng bàn tay búp sen trắng hồng của cô bé như chẳng chịu rời. Của cảm nhận được sự run rẩy, nắm níu vừa dịu dàng vừa mãnh liệt từ búp sen ấy. 15.11, sinh nhật lần thứ 22, Của nhận được hộp sô - cô - la và tấm thiệp in những bông hồng đỏ rực từ Phương Hà. Trong tấm thiệp ấy là những lời ý nhị, nồng nàn, dịu ngọt. Phương Hà ơi, em là một cô gái phố, tài năng, xinh đẹp. Thanh xuân của em còn dài lắm, em sẽ gặp được rất nhiều chàng trai xuất sắc. Đắn đo hơn một tuần Của mới gửi bức thư điện tử cho Hà. Em hiểu rồi. Anh là cái cây của núi, anh phải về rừng. Em gái Phương Hà luôn tin, ủng hộ mọi quyết định của anh. Chúc anh hạnh phúc. Cô bé reply, sau một quãng dài im lặng.
*
7. - Của à, ra xuân này có nhiều ngày tốt lắm đấy. Nhà Vàng Sìn Khái mấy lần bắn tin rồi. Cưới vợ phải như hái quả đầu mùa, không nhanh là có người hái mất đấy.
Đi ngang qua thằng cháu rắn rỏi, cao ngộc đang chải cái bờm mướt mượt của con ngựa tía, ông nội nói với Của câu ấy rồi cứ mủm mỉm cười. Ông nội hiền lắm, cái miệng ông tươi lắm. Mỗi khi ông cười làm Của nhớ đến những con sóng lăn tăn trong hồ Mắt Rồng. Ai có nói gì khó nghe ông cũng chỉ cười cười. Nếu thấy người ta nói không thể lọt lỗ tai được nữa thì ông bỏ đi chỗ khác, không vục vặc, tranh cãi với ai bao giờ. Bố Của được cái nết ấy của ông. Rồi khi Của sinh ra, bố lại truyền cho Của. Người ở Lùng Chính Thượng này bảo lấy được chồng giàu không bằng lấy được chồng hiền. Muốn con gái lấy được chồng hiền thì cứ nhà họ Hùng mà gả. Mỗi lần nói lại câu ấy với Của, bà nội vui, tự hào lắm, trong hai con mắt như chứa cả rừng đào rộ hoa.
Bố mang về từ suối cái thùng gỗ ngọc am đã kì cọ nhẵn bóng. Cái thùng gỗ này dùng để tắm, tuổi nó còn hơn tuổi Của đấy. Ngày trước bố xin cưới mẹ, ông ngoại đòi sính lễ là một cái thùng gỗ ngọc am kèm các lễ vật khác theo phong tục. Bố đã đi khắp cả vùng cao nguyên đá, sang tận Hoàng Su Phì mới tìm được. Nó được nghệ nhân chế tác đồ gỗ nổi tiếng vùng Thèn Chu Phìn là Mua Văn Pao làm ra. Thế nhưng ngày đón dâu, ông ngoại lại tặng cho bố mẹ mang về nhà họ Hùng. Ông bà nội không bao giờ dùng đến nó, bảo đấy là của riêng nhà ngoại dành cho bố mẹ. Ông lại bảo anh em Của chui ra từ cái thùng gỗ ngọc am. Ngày bé, anh em Của hay chui vào bụng cái thùng chơi trốn tìm.
- Nhà sắp có con dâu mới, phải sắm thêm một cái thùng gỗ nữa. Con dâu không thể dùng chung cái thùng này với bố mẹ được. Mai bố con ta sang bên Thèn Chu Phìn, ông Pao đã giữ cho nhà ta cái to nhất rồi.
Của không trả lời bố vì chả nghe thấy bố nói gì, chỉ cười cười. Tay đang dùng khăn tắm khô cho ngựa mà đầu chỉ nghĩ đến vồng ngực vun đầy, hôi hổi đập và đôi môi ngọt lịm, thơm như mật ong của Hoa Lanh tối qua thôi. Cái bằng tốt nghiệp lớp sơ cấp thú y có giá trị thật đấy. Sính lễ đã trao tay, nhiệm vụ bố vợ tương lai giao Của đã hoàn thành. Không hoàn thành mà được à? Bố Vàng Sín Khái mà chưa được sờ vào nó thì còn lâu mới kéo được con gái Hoa Lanh xinh đẹp của bố đi chơi nhé.
8. Của dắt ngựa chậm bước bên Hoa Lanh cùng xuống chợ. Gió xuân ấm quá, gió vờn chiếc váy hoa dập dềnh, giỡn mái tóc nhấp nhánh của Hoa Lanh, những sợi tóc mây thơm nức, vấn vít trên vai, trên má Của. Bờm, đuôi con ngựa tía cũng bị bọn gió tinh nghịch thổi tung lên. Người, ngựa đi gần đến chân dốc Gió thì nghe tiếng hí dài phía sau. Của và Hoa Lanh cùng ngoái lại. Ai kia nhỉ? Con ngựa bạch cao lớn tựa một núi tuyết giữa dải sương mờ, trên đỉnh núi tuyết là một đôi trai gái.
- Chị Hoa Lanh! Anh Của!... Đứa con gái ngồi phía sau chàng trai cất tiếng họa mi khi con bạch mã vừa trờ tới. Chàng trai ngồi phía trước thì nháy mắt cười!
Ối giồ, sao cái cô sinh viên Giàng Thị Hoa lại ngồi trên lưng ngựa của thằng Cho thế này? Lạ nữa, thằng Vừ Sá Cho mà lại chịu đi ngựa!?... Của “đứng hình” mất mươi giây vẫn chưa load được sự tình. Cô bé Hoa cứ nhìn Của mủm mỉm cười, đôi má hồng rực lên. Trông điệu bộ của Của, thằng Cho bật cười, nó bảo: “Hùng Lềnh Của! Từ nay mình là anh em tốt nhá!”. Không để Của trả lời, nó thúc hai gót chân vào sườn con bạch mã, rồi cả người lẫn ngựa vút đi. Tiếng cười của Hoa trong như suối đầu nguồn vọng lại. Hết bất ngờ này đến bất ngờ khác làm những ý nghĩa trong đầu Của quay như cái cối xay ngô trong vòng tay đều đều của bà nội. Bấy giờ, Hoa Lanh mới véo cái mũi cao của Của một cái, rồi mắng yêu:
- Đúng là chàng ngốc! Cái Hoa, con nhà cô em đấy... Nhà nó bên Coóc Sử Choáng nên ít sang bên này. Nó đã “làm ra” một Vừ Sá Cho khác đấy nhá... Mà anh với Cho...
Không để Hoa Lanh nói hết câu, Của bế thốc Hoa Lanh bằng đôi tay cuồn cuộn, đặt lên lưng ngựa, rồi nhảy tót lên. Con tía vút đi, tiếng lục lạc ngân vang trong lũng núi.