Sáng tác

Làng ven sông - Truyện ngắn dự thi của Vũ Hồng Lam

Vũ Hồng Lam
Truyện
21:00 | 24/07/2024
Cuối chiều, chân trời phía tây xám xịt, đỏ bầm những đám mây màu cánh gián. Không khí oi bức nặng nề.
aa

Chiều nào cũng quen lệ, tôi đứng nép mình bên khe hở tấm liếp tre nhìn qua dãy rào thưa dõi theo anh Trực - con bác Bá. Tóc anh húi cao, ngơ ngác bước thất thểu trên lối mòn ngổn ngang đá vụn. Tiếng anh kêu thảng thốt, khàn khàn đứt quãng theo làn gió tạt đầu thu: “Mận ơi, em đâu rồi, Mận ơi?”

Chẳng có ai trả lời. Bởi lẽ mọi nhà ven sông ai cũng biết anh ấy đã hoá rồ sau ngày chị Mận - con nuôi ông Nho kẹo kéo - bỏ làng ra đi vào giữa đêm sương rồi biền biệt không về. Nắng cuối trời vẫn còn rơi rớt cuối chân đê.

Mẹ tôi ngồi tráng bánh bên bếp lò lửa cháy rừng rực buông tiếng thở dài não nuột. Cha tôi đứng cắt may chiếc áo dài cho mụ Tôn trên phố cũng dừng tay kéo:

- Kệ nó, bà để ý làm gì lo làm đi! Miệng đời nói vậy mà đúng, đời cha vay thì đời con trả thôi!

- Nhưng thằng Trực có làm gì nên tội. Tính tình hắn hiền khô như cục đất, quăng đâu nằm đó, có gây thù chuốc oán với ai đâu.

Mẹ tôi chợt ngừng lại khi có tiếng cười vang ngoài bờ sông. Giọng điệu cười nửa như mỉa mai giễu cợt, nửa như xa xót ngậm ngùi. Nhóm người tập trung bên bờ nước đưa mắt nhìn ngơ ngác, rồi tụi trẻ con chơi trò rồng rắn kéo thành đoàn dài rậm rịch bước theo chân anh Trực tiến về bãi lau xanh. Vẳng tiếng chim vành khuyên côi cút buông giọng kêu thương lúc trời chiều bảng lảng.

O Lời có thời trẻ giúp việc nhà cho bác Bá nên rành rẽ gia đình anh Trực. Có lần vào nhà tôi xay bột, o rủ rỉ bên tai mẹ tôi:

- Thằng Trực là con riêng ông Bá với o Diếp. Năm đó Diếp nghe lời tán tỉnh ngon ngọt của ông già hám gái rồi lỡ thất thân đến nỗi có thai. Mà chị biết rồi đó, con gái làng mình không chồng mà chửa thì chỉ có đậy mo vào mặt, bỏ xứ mà đi thôi. Vì thế trước ngày trốn theo thằng Liệu vô Nam, Diếp đem đứa con mang nặng đẻ đau của mình đến giao cho ông Bá.

Tiếng chiều rơi lặng lẽ cuối ngày chỉ còn nghe vi vu theo ngọn lá vàng cuốn tròn lăn trên bãi cỏ hoang xơ xác. Làng Triều Vân tôi ở vốn làm nghề chài lưới. Dòng sông Nhuệ len lỏi trong những cánh rừng già từ thượng nguồn đổ xuống, lửng lơ giữa phố phường trầm mặc rồi vòng quanh ôm trọn làng mạc vào lòng mình trước khi nhập vào đầm nước lợ mênh mang tràn ra biển lớn.

Con cá thìa nước lợ thịt tươi ngon nấu canh thơm nước ngọt sắc. Giữa trưa hè nắng rát, húp một muỗng canh mát rần cổ họng. Tàn đêm, tiếng con Phèn lạc mẹ rống lên nghe não nùng bi xiết. Dân làng kháo nhau, canh khuya nhớ cài chặt cửa đừng để con tu hú đen lọt vào, điềm xui sẽ tự nhiên kéo đến.

Cha tôi không tin điều đó bởi cạnh nhà tôi đã có ngôi miếu thổ thần tồn tại gần hai trăm năm. Chạng vạng nào chị Hà cũng dắt tôi qua cắm vào lư hương lớn giữa sân ba cây nhang. Mùi thơm phảng phất giữa ráng chiều nhoà nhạt tối. Gần nửa năm không thấy một giọt mưa. Có lẽ trời giáng cơn đại hạn nên dòng sông Nhuệ cạn khô, trồi lên những bãi cát lớn.

Trẻ con trong vườn rủ nhau ra bờ sông bì bõm lội vớt cá. Tiếng quẫy nước xấp xõa hoà theo tiếng hò reo đùa giỡn. Tôi đứng bên bờ sông lộng gió muốn nhào ra hoà nhập vào đám bạn bè vô tư vọc nước. Vệt nắng cuối ngày như một lát cắt bầm nát mảnh trời chiều.

Chị Mận có khuôn mặt trái xoan, má lúm đồng tiền, dáng người dong dỏng cao trong bộ lụa hồng phất phơ theo gió, tay cắp rổ đi dọc triền sông hớt hải kéo áo tôi lại:

- Đừng nghe lời tụi nó rủ rê xuống nước chết đuối nghe không!

- Em chỉ chạy chơi trên bờ thôi, mẹ bảo không biết bơi thì đừng xuống nước, chạng vạng ma da kéo chân chết.

- Thím nói đúng đó, em phải nghe lời! Thôi, theo chị vô vườn ông Đán ngồi chơi!

Chị em tôi lần mò trên đám cỏ khô tranh tối tranh sáng đến ngồi vắt vẻo lên tảng đá lớn sau bờ rào tre khu vườn rậm rạp. Đám bồ hóng bay sà vào mắt cay xè. Ánh trăng non đầu tháng đã lững lờ hiện ra trên đọt cau cao, lẻ loi ngôi sao Hôm mọc vội. “Ăn miếng kẹo này cho đỡ đói bụng, lát về ăn cơm sau nghe Tú!” Chị Mận bẻ đưa tôi miếng bánh tráng kẹp đậu phộng. Tôi ngồi yên nhấm nháp hột đậu bùi, lắng tai nghe tiếng chị nhai rau ráu như đang nhai xương.

Cảm giác rờn rợn chạy dọc theo sống lưng. Nhìn gương mặt chị trắng bệch, lạnh toát lúc này tự nhiên tôi rùng mình liên tưởng đến khuôn mặt quái dị xoã tóc dài của bà Chằng trong truyện tranh “Bóng người bên ngôi giếng cổ” tôi vừa đọc tuần rồi.

- Sao em nhìn chị chăm chăm vậy?

- Em thấy chị đẹp quá!

- Bà Thới nói chị lạ lắm phải không?

- Họ nói chị chẳng giống ai ở làng này.

Chị Mận nhếch mép cười buồn, ánh mắt tự nhiên đanh lại có vẻ gay gắt. Tôi hốt hoảng ngồi yên, tay vân vê miếng giấy báo, nhìn lảng ra làn sóng lăn tăn bạc rập rờn ánh thuỷ ngân. Dòng sông Nhuệ hiền lành trước khi hoà mình vào cửa biển đã cuộn trào sóng dữ sục sôi. Tiếng nước oàm oạp vỗ bờ xen giữa hàng phi lao lộng gió, lách cách tiếng gõ xua cá vào mạn thuyền chài.

- Người ta nói vậy mà em có tin không?

- Không, em không tin! Em thương chị như chị Hà em ở nhà vậy.

Mà làm sao tôi tin được lời đồn đại vu vơ mơ hồ của người trong xóm được. Hàng ngày chị Mận vẫn hiện hữu bên tôi bằng da bằng thịt với nụ cười tươi nhưng ẩn chứa nhiều u uất.

Làng ven sông - Truyện ngắn dự thi của Vũ Hồng Lam
Làng ven sông - Minh họa: Họa sĩ Ngô Xuân Khôi

Chẳng ai biết từ đâu xuất hiện đứa bé gái sơ sinh non nớt nằm khóc oe oe trên bậc thềm ngôi miếu cổ cuối làng. Buổi chiều trời mù sương, giá lạnh rát buốt thịt da. Anh Nho cúi mình trên chiếc xe đạp cọc cạch, leng keng chạy chầm chậm trở về sau một ngày bán dạo. Ba ga buộc thùng kẹo kéo và cái chân xếp bằng gỗ. Đồ đạc phương tiện mưu sinh của người đàn ông lam lũ, suốt ngày ruổi rong đây đó kiếm tiền nuôi chị vợ thọt chân và đứa con trai lên hai bị hở hàm ếch, quanh năm chỉ chừng đó.

Nghe tiếng trẻ con khóc ngất sau gốc si già cằn cỗi, ngạc nhiên, anh Nho dừng xe lại bước đến xem. Con ai mà đem vứt bỏ đây vậy trời? Nỗi xót xa xen lẫn áy náy tội nghiệp. Lương tâm không chịu nổi, buộc lòng anh Nhớ ngồi xuống ôm đứa nhỏ vào vòng tay ủ ấm. Nhìn trước ngó sau chẳng có ai, anh lặng lẽ đẩy xe về. Chị Nho sửng sốt thắc mắc khi thấy chồng bỗng dưng ôm đứa nhỏ vào nhà.

- Con ai vậy anh?

- Không biết nữa, ai bỏ rơi trước miếu, thấy lạnh lẽo tội nghiệp anh đem về.

- Chừ tính sao đây anh?

Nuôi nó làm phước đi em, sau này có ai đến nhận thì mình cho lại người ta.

Chị Nho lẳng lặng ôm đứa nhỏ vào buồng. Mấy ngày sau, ông Cả Lé nghe tin lật đật qua ngồi chơi, rung đùi nhâm nhi ly trà nóng đặt tên con bé là Mận.

“Vợ chồng cậu khỏi lo chuyện kiếm thêm đứa con gái hủ hỉ tuổi già nữa rồi!”

“Máu mủ của ai, biết nó có thương mình không?”

“Chuyện đời mà, có ai biết được ngày sau ra sao!”

Tháng ngày trôi, Mận lớn dần lên, đẹp sắc sảo mặn mà. Nhiều trai làng đã giở mòi ngấp nghé. Hàng ngày, giúp cha chuẩn bị đẩy xe kẹo đi bán, dọn dẹp nhà cửa đâu đó gọn gàng xong, Mận qua am mụ Quỳnh ngồi xem các dì, các chị dâng lễ hầu đồng. Tôi cũng lọt tọt theo sau. Nhà tôi cách nhà ông Nho bởi khu vườn bác Bá.

Năm đó chị Mận đang tuổi xuân thì. Sau khi trang điểm má phấn môi son, đội chiếc khăn vành vào trông chị như một bà hoàng lộng lẫy. Tôi ngẩn ngơ sững sờ nhìn chị không ra. Mà làm sao tôi biết được, trong thân thể tròn trịa xinh xắn ấy có chân mạng đồng cô.

Chị em tôi vẫn chia nhau miếng bánh, củ khoai trong vườn nhà bác Bá xin được từ lộc cúng ở am mụ Quỳnh. Bàn tay chị nõn nà trắng trẻo bóc vỏ củ khoai lang đưa tôi. “Ăn đi em!” Tôi nhai nhóp nhép ngon lành. Không hiểu sao mình yêu chị Mận đến thế. Chị Hà tôi suốt ngày buôn bán trên chợ, ít khi ngó ngàng đến đứa em trai.

“Sao chị thương em nhiều vậy?”

“Chị chẳng biết nữa, có lẽ là chị không có em trai.”

Chiều hè trời nóng rát da, chị Mận qua kêu tôi:

- Ra bờ sông tắm với chị!

Trời đang nhá nhem tối. Dù đang lo xay bột nhưng tôi vẫn ngừng lại, lẻn ra ngõ sau đi theo chị. Tới gốc si già, chị quay lại:

- Em không biết bơi thì ngồi trên bờ, đừng xuống nước!

Nói xong chị cởi tuột áo quần rồi cứ thế lội ào xuống sông vẫy vùng giữa làn nước trong xanh trước đôi mắt ngơ ngác thán phục của tôi. Sao chị Mận lại bơi lội tài tình đến thế! Bãi lau này chiều xuống vắng vẻ, chẳng có ai. Chiếc thuyền nhỏ mui cong hờ hững chèo qua. Làn khói xám xanh bốc lên từ bếp sau chờn vờn trên mặt sóng.

Sau một hồi lặn hụp thoả thuê trong dòng nước mát, chị lên bờ xõa tóc xả sơ áo quần. Mặc bộ đồ lụa trắng xong chị kéo tay tôi về. Con đường nhỏ giữa hai dãy chè tàu tối đen. Ngọn đèn bão lắt lay của ông cụ Thìn đã treo cao trên cành ổi. Bầy đom đóm lập lòe.

Mẹ tôi hay đem lễ vật qua dâng bên am mụ Quỳnh, gọi chị Mận là cô với niềm tôn kính vụng về. “Cô Ba thuỷ phủ đó con!” Tôi không quan tâm tới điều ấy, bởi dù sao đó chỉ là chị Mận thân thương bình thường của mình.

Cho đến một ngày, chị Mận được nhận làm con nuôi mụ Quỳnh rồi trở thành tôi tớ nhà Ngài thì ông Nho tức mình đập bàn phản đối quyết liệt. Chảo đường đang sôi sùng sục chỉ muốn đổ ụp ra giữa nền nhà.

Ông Quỳnh đã già, hom hem móm mém nhưng còn có tật táy máy, thèm gặm cỏ non.

- Mày qua bên đó là tàn đời thôi con ơi!

Bà Nho xua tay gàn lại:

- Con cái lớn rồi, để nó tự quyết định đời mình thôi, ông ơi! Đã đến lúc lá rụng về cội, nước chảy về nguồn rồi, ông còn giận dỗi làm chi!

- Con vẫn ở nhà với cha mẹ như cũ mà!

- Nhưng tao không ưa cái bản mặt trâng tráo của lão ấy!

- Con biết cách đối xử mà ba!

Chị Mận thôi ở nhà làm kẹo, ngày ngày qua nhà mụ Quỳnh học nghề thêu. Cái mùi đường hăng hắc quen thuộc đó đã làm chị ngán tới tận cổ rồi. Mùa đông lặng lẽ trôi qua, cây ngô đồng dần thay lá khác, non tươi tràn trề lộc mới. Người buồn phiền chuyện chị Mận qua am Cây Gõ nhiều nhất là anh Trực.

Một chiều xuân năm sau tôi tình cờ nghe nói hai người đã thương nhau thắm thiết lâu rồi. Yêu đương không hề có tội. Cái tội là chị Mận đã trở thành con nuôi mụ Quỳnh, điều đó đi đôi với việc chị không được quyền tự do luyến ái khi chưa có sự cho phép của ông Quỳnh. Ai nghe nói đến chuyện vô lí này cũng đều tỏ lòng bất mãn. Tôi cũng băn khoăn thắc mắc. Nhưng thôi, đó là việc nhà người ta, xen vào làm gì, lo bài vở cho đàng hoàng đã!

Gia đình bác Bá giàu có nhưng nếp nhà khắt khe phong kiến. Anh Trực bị phân biệt đối xử tàn tệ. Trong khi các anh chị em được ăn học đàng hoàng, ra đời có việc làm ổn định trở thành ông này bà nọ thì Trực ngày đêm cởi trần hùng hục chẻ củi nấu lò rượu rồi chăm chút nồi cháo cám cho đàn heo đông đúc ụt ịt trong chuồng ăn.

Chiều đến, xong xuôi việc nhà, Trực xuống bến Vạn chèo đò đưa khách qua chợ kiếm thêm chút tiền tiêu vặt để chú Sương về nghỉ. Dòng sông uốn khúc quanh co lượn giữa cánh đồng xanh đến đoạn này tự nhiên hẹp lại. Bến Vạn nép mình dưới lũy tre già lả ngọn. Bên kia sông, ngôi chùa Giác Viên cổ kính với mái ngói đỏ mốc rêu xanh đậm nét tiêu sơ giữa hai hàng cau thẳng tắp. Chợ chiều xác xơ vắng hoe.

Mận từ đâu sau hàng rào bông bụp bỗng nhiên xuất hiện đột ngột, thoăn thoắt bước xuống lòng đò ngồi chễm chệ.

- Cho em qua sông với!

- Sắp tối rồi, giờ này còn qua đó làm chi?

- Em qua chùa bốc mấy thang thuốc bổ về cho cha, độ này ông kêu mệt mỏi ăn ngủ không ngon.

- Nghe lời anh, đừng qua bên mụ Quỳnh nhiều nữa!

- Sao vậy anh?

- Em không thấy cha em và ông Quỳnh hay hậm hực sừng sộ nhau hả?

- Bên nào cũng chỉ là cha mẹ nuôi thôi!

- Sao em lại nói vậy?

Chuyện Mận là con nuôi ông Nho lâu nay chẳng ai nhắc tới. Chị Mận vẫn đinh ninh ông bà Nho là cha mẹ ruột mình và coi anh Ty sún đớt đát, vụng về là người anh máu mủ ruột rà. Cho đến một ngày, chị em Lụa vì tức tối đã xỉ vả vào mặt Mận hét lên: “Mày là đồ con trôi sông lạc chợ tới đây, được chú Nho nhặt về nuôi nấng vậy mà không biết thân biết phận!” Chuyện ganh ăn ghét ở là lẽ thường tình bởi Mận mặn mòi xinh xắn hơn Lụa và trai làng theo đuôi chị như bầy ong chờn vờn trên cánh nhuỵ hoa.

Mận nấc lên nức nở, chạy một mạch về nhà bù lu bù loa khóc kể với mẹ. Bà Nho thở dài buồn bã. “Chuyện tới nước này mẹ không còn giấu giếm con làm chi nữa…” Bí mật chôn kín suốt mười mấy năm trời giờ đây đã bị phanh phui. Dưới ngọn đèn dầu le lói cạn, sắp lụn bấc lúc canh tàn, bà Nho nức nở ôm con gái vào lòng thầm thì kể lại chuyện chiều đông lạnh lẽo ngày xưa. Gió ngoài vườn vẫn điên cuồng thổi loạn. Ông Nho còn ngất ngưởng lai rai với mấy ông thợ làm guốc ở ngoài đình.

Ông Quỳnh có tật xấu táy máy tay chân, nhiều lần rình lúc Mận sơ hở ở chỗ vắng là xáp vào ôm chặt cứng, sờ mó lung tung. Mận vùng vẫy đẩy ông ta ra. Chẳng biết chia sẻ nỗi niềm chua xót cùng ai, chị chỉ còn cách chạy ra bờ hè ngồi khóc tức tưởi.

Trực là thanh niên mới lớn, lưng dài vai rộng nhưng không đủ bản lĩnh như Lục Vân Tiên trước vòng vây của bọn lục lâm thảo khấu. Anh lặng lẽ đến ngồi bên chị nhẹ nhàng: “Nghe lời anh đừng qua bên mụ Quỳnh nữa!”

Nhưng cả hai nào có ngờ đâu, chính bà Nho đã bán Mận cho ông Quỳnh lấy một số tiền lớn đưa thằng Ty vào Sài Gòn vá môi trên và sửa lại gương mặt méo mó khó coi. Chiều cứ dần trôi vào trong sâu lắng. Ý tưởng tìm một chỗ vắng lao đầu dìm mình xuống dòng nước xanh cứ lởn vởn trong đầu Mận mỗi lần ngồi bên anh dưới ánh chiều tà.

Thấy tôi đi học về ngang qua cây cầu đá chị Mận kêu lại: “Tú ơi, tối đem áo ra chị thêu lại bảng tên cho!” Tôi ậm ừ không dám hứa bởi mỗi lần nhìn gương mặt lạnh giá của chị dưới ánh trăng non mờ ảo là lòng tôi hãi hùng với bao nỗi sợ lan man. Chị bỗng trở nên xa lạ khác hẳn chị Mận ban ngày.

Ông Nho và ông Quỳnh có chuyện xích mích cãi nhau rồi đâm ra thù hận. Sự việc âm ỉ bắt đầu từ bữa nhậu ở nhà ông Bá lúc cuối chiều. Rượu vào lời ra. Trong lúc cao hứng quá chén ông Quỳnh nói toạc móng heo ý định cưới Mận về làm lẽ hòng sinh thêm đứa con trai nối dõi tông đường vì mụ Quỳnh đã hết thời sinh nở.

Ông Nho đang phờ phạc đạp xe về tới nhà đã nghe miệng mụ Thẻo nói oang oang đầu xóm. Nộ khí xung thiên, ông vứt đồ đạc vào góc, chụp cây rựa chẻ củi bén ngót bước thẳng ra cổng, nghênh ngang đứng giữa ngã ba đường chửi đổng: “Thằng nào muốn lấy con Mận phải bước qua xác của tao!”

Ông Nho vung tay chém mạnh rựa vào thân cây bứa cái phụp dính chặt, cán rựa rung rung. Từ nhỏ đến giờ tôi chưa hề thấy ông Nho hùng hổ dữ tợn như thế này. Mặt ông đanh lại trong ánh nắng chiều vàng gay gắt. Bà Nho sợ chồng làm bậy nhào ra kéo tay ông van vỉ lạy như tế sao: “Tôi xin ông bớt giận, chuyện đâu còn có đó mà!” Bà chỉ còn biết xuống nước bởi há miệng mắc quai, tiền đã trót tiêu tan hết rồi. Đám nhậu bên nhà ông Bá từ từ giải tán êm ái ra về.

Mấy ngày sau, chiếc xe đạp ông Nho cọc cạch chạy trên con đường đất mấp mô ven nghĩa địa cuối làng thì bị một cây tre dài thọc vào bánh nghe cái “rắc”. Ông Nho lật tay lái bật ngã sóng soài trên bãi cỏ. Ba bốn tên thanh niên khoẻ mạnh xúm vào thi nhau đấm đá túi bụi. Hết đường đỡ, ông Nho đành ôm đầu lăn lộn chịu trận. Nhắm chừng ông sắp gục bọn kia vẫy tay ra dấu kéo nhau rút lui về phía làng Dâu.

Khi ông Nho gắng lết về tới nhà thì trời đã tối mịt. Bà Nho đứng nhìn cảnh tượng chồng máu me bê bết chỉ biết ôm mặt than trời trách đất. “Ông thấy chưa, mình thân cô thế cô, làm sao cự lại tụi nó được!” Mận ngồi khóc thút thít trong buồng.

Sau lần chấn thương đó ông Nho trở nên kiệt quệ nằm liệt giường với lời thề sẽ trả thù. Nhưng lực bất tòng tâm. Người trong làng biết chuyện chỉ xầm xì bàn tán vài hôm rồi ai lo thân nấy. Con cháu dòng họ ông Quỳnh đông, hơi đâu can thiệp vào chỉ thêm rắc rối. Chuyện phiền hà đến tai, ông Bá kêu Trực vào dặn: “Thời tao loạn nhiễu nhương, mày có thân thì lo giữ, dính dáng vào chuyện tình ái lăng nhăng có ngày mang họa đó con!”

Dạy con lễ nghĩa phải trái vậy thôi chứ cả đời ông Bá ỷ mình có quyền thế, ăn trên ngồi trước cũng đã tèm nhem hại đời biết bao người con gái làng này. Trực là một trong những hậu quả để lại cho ông gánh sau ngày o Diếp bỏ đi. Ông Bá chê gia cảnh chị Mận nghèo hèn, nhiều tai tiếng. Lai lịch Mận ở đâu không ai biết, chỉ một người biết rõ ngọn nguồn, đó là người đàn bà đành đoạn bỏ con trước ngôi miếu cổ năm nào, nhưng người đó giờ đây đã như cánh chim biền biệt cuối chân trời.

Làng ven sông - Truyện ngắn dự thi của Vũ Hồng Lam
Làng ven sông

Mấy năm sau này khi bước vào trung học, bài vở nhiều, tôi ít khi lẽo đẽo theo chân chị Mận ra bờ sông tắm giặt. Bên am mụ Quỳnh có cái giếng sâu nước trong vắt. Thời thơ ấu hồn nhiên chạy chơi quanh vườn cũng từ từ trôi qua. Đâu đó trong các vòm cây, chiều nào cũng văng vẳng tiếng chim sáo buồn thiết tha gọi bạn buổi đông về như giọng hát nghẹn ngào tức tưởi của anh Trực bên bến Vạn điêu tàn, lâu rồi chẳng thấy khách lai vãng lại qua.

Ông Quỳnh giữ riết Mận trong nhà, cấm không cho chị bước chân về thăm ông Nho đang nằm rẹp ở trên giường. Anh Ty sún lấy được cô vợ người Miên. Về làm dâu được vài tháng, chán chường cảnh sống tối tăm, hai người dắt díu nhau vào Long Khánh tìm vùng đất mới sáng sủa hơn. Căn nhà giờ chỉ còn mình bà Nho lụi đụi vào ra trong tẻ lạnh.

Con trai trong làng đều nhìn chị Mận như kẻ lạ từ cõi nào hiện đến chốn này. Lớn lên một chút họ đã vội vàng lo chuyện vợ con. Người chững chạc thì rủ nhau vào miền trong sinh sống. Nhiều bà mẹ lo lắng thường dặn con mình tránh xa Mận ra. Chị đâm bơ vơ giữa cảnh cô độc nghèo nàn. Chỉ còn lại anh Trực thuỷ chung, chiều nào cũng chống sào trên bến cũ ngóng chờ.

Giữa trưa hè năm đó, hai con trâu đực nhà ông Tạo đang say sưa gặm cỏ giữa đồng bỗng nhiên bị sét đánh chết lăn quay. Cũng may lúc ấy cha con ông đang lặn hụp mò cua bắt ốc trong lùm tre dưới con mương bùn sình đặc quánh. Những ánh chớp chói lòa kèm theo tiếng nổ trời long đất lở của cơn lốc cạn đánh thức giấc trưa nồng của làng Triều Vân.

Bàng hoàng như trong cơn mộng dữ, bà con ùa ra xem xác đôi trâu đực cháy đen thui. “Tai họa giáng xuống làng mình rồi!” Người ta nhìn nhau ngơ ngác, xì xào bàn tán lung tung. Đêm trăng vắng lặng. Chị Mận nhào ra vườn xổ tóc khóc lóc gào thét thảm thê. Mẹ tôi, bà Nho và mụ Biểu chạy qua dìu vào nhà dỗ dành một lúc chị mới nằm yên, quay mặt vào vách tức tưởi nghẹn ngào. “Không khéo con Mận nổi điên rồi bà ơi!”

Đi học về tới nhà, tôi cất cặp sách vào góc chạy vù qua thăm chị Mận. Nhà mụ Quỳnh vắng tanh. Ông Quỳnh còn say sưa chè chén đâu đó chưa thấy mặt mày. Bóng nắng chảy tràn trên góc sân trước am gay gắt. Nhìn khuôn mặt trái xoan má lúm đồng tiền phờ phạc, trắng bệch với cặp mắt vô hồn của chị, tự nhiên tôi chợt rùng mình, ớn lạnh chạy dọc sống lưng.

- Chị bị sao vậy? Chị có khoẻ không?

- Chị khổ lắm em ơi!

- Ai làm cho chị khổ?

- Ông ta lại giở trò cưỡng ép chị, chị chống cự không lại…

Nỗi tức tưởi cố kìm nén bỗng bật ra thành tiếng khóc oà vỡ vụn giữa chiều tàn. Tôi nhìn hai cánh tay chị và mảng vai trần trên cổ áo thấy nhiều vết sưng bầm tím của lằn roi đánh, hoảng hốt kêu lên:

- Ông Quỳnh đánh chị hả?

- Ừ, chị chống cự là lão ta đánh đau lắm chịu không nổi, chắc chị phải tìm cách trốn đi nơi khác thôi, sống cảnh này khổ quá em ơi!

- Chị tính đi đâu?

- Chị cũng chưa biết, nhưng trước sau gì cũng phải bỏ xứ này đi may ra mới yên thân được, biết đâu trên nẻo đường rong ruổi đó đây chị lại gặp được cha mẹ ruột của mình.

- Em nghĩ chuyện đó mong manh lắm, nhưng thôi chị cũng nên tránh xa chỗ này. Sang năm em theo chú Tương lên phố học nghề rồi, chị em mình không còn gần nhau được nữa.

- Anh Trực cũng khuyên chị nên trốn đi nơi khác. Tội nghiệp, anh ấy thương chị nhiều lắm!

- Em biết, nhiều người quanh đây ai cũng biết anh chị thương nhau và bất mãn với hành động của ông Quỳnh.

- Nhưng có ai giúp được mình đâu em!

Chị Mận đột nhiên buông tiếng thở dài trên miệng cười méo mó. Chiều rớt những giọt nắng loang lổ cuối ngày. Cây bàng bên góc miếu cổ lá cành héo rủ xác xơ. Gần năm rồi trời hạn hán, đất ruộng cằn khô nứt nẻ. Lòng sông Nhuệ cạn queo trơ ra những bãi cát vàng, tụi nhỏ chạy chơi vọc nước bùn cho mát.

Ông Nho sốc nóng nhắm mắt lìa trần. Chiếc xe đạp lọc cọc leng keng và đồ nghề làm kẹo kéo cho đứa cháu đem về làng Thới Lại. Chị Mận nghẹn ngào gục bên xác cha nuôi khóc ngất. Giữa trời nắng chói chang, ông Toàn thuê nhóm thợ về xây ngôi nhà thờ tổ bề thế giữa làng, sửa lại căn nhà rường cổ mái lợp ngói âm dương phô diễn vẻ giàu có của mình.

Thế rồi không biết tin đồn từ đâu lan truyền chị Mận có thai. Không chồng mà chửa, chuyện đó ở làng này xưa nay cấm kị. Nó như quả bom nổ chậm chôn giữa cánh đồng. Bà con rỉ tai nhau xì xầm bàn tán. Dù đã chừng mực đoán trước phần nào nhưng mẹ tôi cũng bất chợt thoáng ngỡ ngàng.

Gặp chị ngồi giặt áo quần bên giếng, tôi không còn nhận ra nét mảnh mai thon thả thuở nào. Người chị mập ra, dáng vẻ nặng nề, ánh mắt nhìn tôi gượng gạo.

- Cuối tháng này lão ấy về An Truyền ăn đám giỗ, lúc đó chị sẽ đi.

- Đêm cuối tháng không trăng trời tối lắm!

- Không sao em, đến giờ hẹn anh Trực sẽ chèo đò đưa chị qua sông. Tới chợ chị đi nhờ xe Lam chú Toản lên phố lấy hàng để ra ga Văn Xá. Lần này chị đi không biết ngày về, chị em mình e khó gặp lại nhau.

- Bữa đó em qua tiễn chị nghe!

Chẳng hiểu sao suốt tuần tôi cứ lẩn quẩn bên nhà chị cả ngày mặc kệ ánh mắt nhìn khó chịu của ông Quỳnh. Lão ta có vẻ hả hê, hi vọng cái bầu thai tượng hình trong bụng chị là đứa con trai kháu khỉnh. Niềm ước mơ ấp ủ lâu nay sẽ có ngày thành sự thật. Bộ ria mép rung rung trên nụ cười rạng rỡ.

Nhà mụ Quỳnh vắng tanh. Con Phèn đang chạy chơi bên vườn bác Bá. Tôi xách thùng qua giếng lấy nước thấy chị Mận ngồi thổi cơm bên bếp.

- Tối nay chị đi, chuẩn bị lon cơm muối mè để ăn đường cho chắc bụng, khoảng bảy giờ tối anh Trực đợi chị ở bến đò.

- Xay bột xong em sẽ ra.

- Đừng để ai biết nghe!

Thấy con quạ đen đập cánh sàn sạt bay về cuối vườn buông tiếng kêu rời rã chị em tôi giật mình ngước mặt nhìn theo. Đêm không trăng không sao, bầy đom đóm lập lòe trên mấy bụi cỏ. Tôi mò mẫm ra tới bến Vạn thì anh Trực và chị Mận đã ngồi gọn trên ván thuyền mỏng manh từ lúc nào. Gió thổi lao xao làm con thuyền lắc lư theo nhịp sóng. Mấy đêm liền không ngủ làm gương mặt chị Mận hốc hác.

- Giờ này em mới ra được hả?

- Ăn cơm tối xong em mới đi.

- Chị ngồi nói chuyện với anh Trực một lát đợi em. Giờ này chắc chị đi được rồi, em ở lại mạnh giỏi nghe!

- Chị đi gặp nhiều may mắn!

Anh Trực gật đầu với tôi. Chị Mận buông tay để tôi bước lên bờ. Con đò nhỏ từ từ tách bến. Trong ánh sáng lờ mờ cuối chân trời hắt lên mặt sóng lăn tăn tôi vẫn còn thấy chị ngồi trên tấm ván mỏng quay lại nhìn đưa tay vẫy vẫy giã từ. Tôi thẫn thờ đứng trông theo cho đến khi con thuyền nhỏ khuất dạng sau luỹ tre già rủ bóng ven sông mới lặng lẽ trở về.

Chị Mận ra đi không hẹn ngày trở lại. Ngày ngày anh Trực bơ phờ, thẫn thờ buông tiếng hát thương nhớ bóng hình xa, bất lực ôm khối tình buồn. Mấy năm sau tôi từ phố về thăm cũng không thấy anh lấy vợ. Có lẽ chẳng có ai bù đắp được nỗi hụt hẫng thiếu vắng người cũ trong lòng anh.

Chiều về nhà ngồi xay bột giúp mẹ, tôi bỗng ngơ ngác giật mình khi nghe có tiếng gọi thểu não của ai đó ngoài triền sông vắng: “Mận ơi, Mận ơi em bỏ đi đâu rồi!”

- Tội nghiệp, thằng Trực ngày càng điên nặng, lảm nhảm kêu réo suốt ngày ngoài đường, ai nghe cũng xót xa!

- Anh ấy thương chị Mận lắm mẹ à!

- Nó điên loạn vì thất tình con Mận bỏ xứ này đi biệt mấy năm nay.

Tiếng kêu não nề của anh Trực rền rĩ trong bóng chiều nhoà nhạt tối làm lòng tôi cũng đau đớn xót thương. Đâu đó thoảng tiếng đập cánh phành phạch của con quạ đen lẻ loi bay về cuối vườn nhà bác Bá, lâu nay trở thành hoang phế tiêu điều sau ngày gia đình bác kéo nhau vào Biên Hoà sinh sống, bỏ anh Trực bơ vơ ngoài bến Vạn cuối làng giữa dòng nước mênh mang.

Phòng số 9 - Truyện ngắn dự thi của Lưu Thị Mười Chạy dưới mưa - Truyện ngắn dự thi của Đặng Chương Ngạn Vua không ngai - Truyện ngắn dự thi của Phan Đức Nam Chú Mười Ba - Truyện ngắn dự thi của Vĩ Nguyên Mười sáu đồng xu trắng - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Tiến Lợi

Vũ Hồng Lam| Báo Văn nghệ

Báo Văn nghệ số 29/2024
Nhớ Đà Lạt - Thơ Lê Nguyệt Minh

Nhớ Đà Lạt - Thơ Lê Nguyệt Minh

Baovannghe.vn- Nghĩ nhanh kẻo cơn mưa tới/ Hè mang phù sa qua đây
Với Đào Tấn chuyện đời như kịch

Với Đào Tấn chuyện đời như kịch

Baovannghe.vn - Ngày trước, người viết tuồng có tài trước hết phải là một nhà thơ có tài. Đào Tấn là một nhà thơ có tài. Nhưng như thế chưa đủ. Người viết tuồng có tài còn phải là một đạo diễn có tài, một nghệ sĩ biểu diễn có tài, và một nhạc sĩ có tài nữa.
Nương ngày tháng ta về - Thơ Nguyễn Xuân Sang

Nương ngày tháng ta về - Thơ Nguyễn Xuân Sang

Baovannghe.vn- Những ngày tháng mười một gọi nhau về/ Vỡ òa đong đưa chiếc nôi kỉ niệm
Thời tiết ngày 24/11: Miền Bắc tiếp tục hanh khô, trước khi đón không khí lạnh mạnh

Thời tiết ngày 24/11: Miền Bắc tiếp tục hanh khô, trước khi đón không khí lạnh mạnh

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia thời tiết ngày 24/11 khu vực Bắc bộ duy trì trạng thái nắng hanh, Nam bộ mưa nắng đan xen
Quốc hội thông qua Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới mang tính đột phá

Quốc hội thông qua Luật Di sản Văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới mang tính đột phá

Baovannghe.vn - Chiều 23/11, tại Kỳ họp thứ Tám Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với 9 điểm mới so với luật hiện hành.