Sáng tác

Gã xe ôm “bảnh bao”. Truyện ngắn của Nguyễn Văn Đệ

Nguyễn Văn Đệ
Truyện
14:59 | 07/03/2025
Baovannghe.vn- ...Hồi trẻ, phải nói Hoành đã có tiếng là đẹp trai nhất làng Ngang. Người hắn dong dỏng cao, cặp mắt sáng, tóc đen nhánh, khuôn mặt vuông chữ điền và nhất là hắn có làn da trắng mịn cộng với giọng nói rất có duyên của hắn làm nhiều cô gái phải lòng.
aa

Bây giờ thì hắn trở thành một gã đi xe ôm thực thụ. Hoành “xe ôm”. Nhiều người gọi thế. Họ hàng, bạn bè, bà con trong làng Ngang, xã Bến, huyện Hà của hắn gọi thế. Có điều trông hắn đi xe ôm, ai cũng thấy hơi buồn cười vì từ mặt mũi, cho đến cách ăn mặc của hắn trông rất bảnh bao. Nhưng hắn đang từ một cán bộ có triển vọng của xã lại phải đi xe ôm thì chỉ mình hắn mới biết rõ nguồn cơn...

Gã xe ôm “bảnh bao”. Truyện ngắn của Nguyễn Văn Đệ
Minh họa. Nguồn: Internet

...Hồi trẻ, phải nói Hoành đã có tiếng là đẹp trai nhất làng Ngang. Người hắn dong dỏng cao, cặp mắt sáng, tóc đen nhánh, khuôn mặt vuông chữ điền và nhất là hắn có làn da trắng mịn cộng với giọng nói rất có duyên của hắn làm nhiều cô gái phải lòng. Chính vì đẹp trai nên vừa học xong phổ thông, vì thi đại học vài lần không đỗ hắn liền cưới cô Nụ, cô gái vẫn mê hắn từ lâu lại đang làm thủ quỹ của xã. Mấy năm sau, khi hai đứa con Hoành, một gái đầu đặt tên là Nết và một trai út tên Thanh đã lớn, ông chủ tịch xã bấy giờ vốn là người họ gần với Nụ, thấy Hoành, cháu rể của ông khá oách, nên ông bố trí cho hắn một chân văn phòng ủy ban xã. Đấy là một bước ngoặt trong đời hắn. Hàng ngày sáng chiều hắn đến trụ sở xã với bộ quần áo khá chỉnh tề, có ai cần xin đóng dấu, nhìn tờ giấy đã có chữ ký của lãnh đạo hắn mở tủ lấy con dấu đóng cái cộp. Công việc của hắn nhẹ nhàng, chả mấy bận bịu lo toan. Trong suốt một thời gian dài, hắn làm được một số việc tốt. Chẳng hạn hắn đề xuất với xã nên khuyến khích bà con vay vốn của ngân hàng dành cho người nghèo, để họ thu mua cá tươi chế biến thành mặt hàng thủy sản khô. Ở cái làng Ngang này, nhiều hôm biển về khuya, cá để lâu ươn, mất giá, người ta có thể ướp muối tranh thủ những ngày nắng đem phơi để bán vào những ngày mưa, thứ cá khô này đi chợ xa sẽ bán rất đắt. Hắn gọi là “Quy luật giá trị”. Xã thấy hắn có lý, nhiều người nghe theo hắn, làm theo hắn mà thoát nghèo, có người trở nên khá giả. Nhất là chuyện hắn tự bỏ tiền túi ra mua đâu được một cái máy Ni- Côm, báo bão từ xa. Nhờ chiếc máy của Hoành mà mấy đoàn thuyền ra khơi tránh được vài ba trận gió lớn. Ngay cả chuyện chị Trinh, ba lăm tuổi không lấy được chồng nhưng chửa hoang, dân biển làng Ngang từ xưa tới nay con gái chửa hoang bị người ta xa lánh, hôm chị Trinh đẻ, mà lại đẻ khó, mấy người y sĩ ở bệnh xá có lẽ vì mặc cảm nên cứ để mặc chị ta la khóc trên bàn đẻ, lúc đó tình cờ Hoành đi qua, thấy thế, hắn liền dùng xe máy của hắn, huy động thêm chiếc nữa, tìm võng làm cáng chuyển gấp tuyến trên kịp mổ cho Trinh được mẹ tròn con vuông. Vì thế, nhiều người cảm phục hắn, khen hắn là người có tâm. Còn chị Trinh thì khỏi phải nói. Chị bảo: “Ơn anh Hoành, em mang theo suốt đời”. Rồi chuyện hắn đề xuất với xã thành lập hợp tác môi trường, mua xe gom rác, xử lý rác thải để đường làng sạch sẽ. Nhất là hắn lên loa xã yêu cầu mọi nhà làm công trình phụ hợp vệ sinh, không được phóng uế bừa bãi trên bãi biển. Nhiều năm làm cán bộ văn phòng xã, hắn gây được uy tín, người ta cho rằng rồi hắn sẽ trở thành một cán bộ lãnh đạo chủ chốt xã Bến chứ chẳng chơi. Ấy thế nhưng rồi cuối năm đó, ông chủ tịch xã họ gần của vợ Hoành nghỉ hưu. Tùng, Phó chủ tịch trên bố trí lên thay. Tùng bằng tuổi Hoành, hắn không học hết cấp ba mà trước khi vào làm cán bộ xã, Tùng chỉ là một tay buôn đường dài, có vốn, hắn đầu tư vào đất, mua những thửa đất hoang, chia lô bán nền nên lãi to, trở thành một tay giầu có nhất làng. Lúc Tùng làm Chủ tịch xã, chính anh ta đang có chuyện lùm xùm làm nhiều người dị nghị. Đấy là chuyện chị Hơ, một người phụ nữ thân cô thế cô, chị không lấy được chồng nhưng có một căn nhà nhỏ trên ba sào đất đầu làng, đây là mảnh đất hương hỏa bố mẹ Hơ đã mất để lại cho chị. Theo như chị Hơ thì chị có vay của vợ chồng Tùng đúng một trăm triệu để sửa lại căn nhà và mở một cái quán nhỏ với lãi xuất thỏa thuận. Nhưng sau chừng hơn một năm, Tùng cho dân quân đuổi chị Hơ ra khỏi mảnh đất của chị và tuyên bố chị Hơ đã bán ba sào đất này cho Tùng. Chuyện tá hỏa mới vỡ lẽ ra là chị Hơ bán ba sào đất cho Tùng chứ không phải chị vay tiền. Thực tình thì chị Hơ không có chữ, lúc chị vay tiền,Tùng có đưa cho chị một mảnh giấy và bảo chị điểm chỉ vào. Từ mảnh giấy này,Tùng đã làm xong sổ đỏ đứng tên Tùng từ lúc nào chị Hơ không biết. Chuyện vỡ lở làm chị Hơ choáng váng, nhiều ngày liền chị Hơ khóc lóc lăn lóc trên mảnh đất của mình làm nhiều người bức xúc.

Hoành phàn nàn với vợ:

- Thằng cha Tùng quá lắm, làm Chủ tịch xã mà bất lương.

Vợ Hoành nhăn mặt:

- Em biết anh không hợp với Chủ tịch xã. Nhưng biết làm thế nào, người ta có ô có lọng, anh đừng khuấy lên mà vạ vào thân.

Một hôm đang giữa đêm, Hoành lay vợ dậy:

- Anh bảo này: Hôm trước xã tổ chức đi du lịch ở Hạ Long, thằng Tùng cho em cùng đi, còn anh thì ở nhà là ý làm sao?

Vợ Hoành nhăn nhó lắc đầu:

- Việc đó sao anh lại hỏi em. Chủ tịch bảo cán bộ chủ chốt đi hết, anh phải ở nhà phụ trách chung.

Hoành lôi vợ ngồi trộc dậy, gắt:

- Anh nghi thằng Tùng có ý với em, em nói thật đi. Có phải thỉnh thoảng nó “sân siu” tiền quỹ cho em là muốn tán tỉnh em không?

Vợ Hoành giãy nãy:

- Không phải. Anh nghĩ em hư hỏng rồi à? Còn tiền quỹ, cứ có lệnh là em mới xuất. Đúng là thỉnh thoảng em cũng có tí mầu, nhưng ít thôi, mà con Nết hồi này cần tiền học thêm...

Hoành càng cáu:

- Sao em không nói thật. Em tưởng anh không biết à. Anh nghi từ lâu rồi.

Vợ Hoành thú thật:

- Đúng là anh ta có ý đó. Hôm đi Hạ Long, nghỉ ở khách sạn, nửa đêm anh ta gọi điện thoại cho em, nhưng em không cầm máy. Rồi anh ta gõ cửa phòng em. Nhưng em không mở. Đúng là anh ta có nằn nì gạ gẫm em. Nhưng em không chịu, thằng cha mắt ti hí ấy, đừng hòng lay chuyển được em. Nhưng anh đừng làm to chuyện, không hay đâu.

Hoành tin vợ, anh khẽ gật đầu:

- Biết rồi, anh tin em. Nhưng có lẽ anh sẽ kiện hắn, anh không chịu được nữa rồi.

Vợ Hoành nhướng mày:

- Anh kiện về chuyện gì, có gì cụ thể làm căn cứ để anh kiện được ?

- Chuyện chị Hơ. Cả làng nhiều người bức xúc phẫn nộ, mình là cán bộ phải tìm ra lẽ công bằng, phải bênh vực kẻ yếu chứ? Anh sẽ giúp chị Hơ đi kiện.

- Anh đúng là bố luật sư tương lai. Nhưng anh giúp người ta kiện, thua thì nhà mình khổ đấy.

Mặc, Hoành không nghe vợ, trực tiếp viết đơn rồi đưa chị Hơ lên huyện kiện Tùng, nhưng huyện bao che cho Tùng, chị Hơ thua kiện. Tùng lấy cớ bắt Hoành thôi việc, vợ Hoành cũng bị vạ lây, phải nghỉ luôn. Vợ chồng Hoành lâu nay vốn chỉ quen việc hành chính. Vì giúp người kiện Chủ tịch xã mà trở nên thất nghiệp, không có việc làm, không có gì để thu nhập. Năm đó cái Nết con gái Hoành vừa tốt nghiệp, dù tốt nghiệp loại khá nhưng Nết mang tấm bằng đi gõ cửa nhiều cơ quan mà không nơi nào nhận. Có người chuyên lo chạy việc từ trên thị trấn nói với vợ chồng Hoành muốn cho con có việc làm hẳn hoi thì phải có một khoản tiền lớn. Vợ Hoành nhăn nhó với chồng:

- Lo đâu được mấy trăm triệu. Có bán nhà ra bờ biển ở tạm thì cũng chỉ được hơn một trăm, làm thế nào bây giờ? Con bé lớn lắm rồi, không có việc làm, nó sao lấy được tấm chồng hẳn hoi?

Hoành nghe vợ rên rỉ não cả ruột. Hắn bắt đầu căng óc ra tính toán. Hắn nghĩ rằng cái làng Ngang này những người làm nghề ngư không có ai giầu. Những kẻ có máu mặt trong làng phất lên chủ yếu là mấy anh thầu xây dựng, ăn bớt các công trình công cộng. Một số kẻ khá giả khác vì có chức có quyền, nắm giữ kinh tế ở các ngành, một vài người buôn chuyên nghiệp gặp may phất lên. Ừ, hay đi buôn vài chuyến coi, thử vận may coi sao. Hắn nghĩ thế rồi hắn bàn với vợ:

- Hồi này mực được nhiều, mấy nhà chở mực khô lên biên giới trúng đậm. Vợ chồng mình cứ làm theo họ coi.

- Nhưng nhà mình làm gì có tiền mua hàng?

Hắn gãi đầu:

- Nhà mình có cái xe máy bán nó đi cũng được hơn chục triệu coi như đã có tiền thuê xe đi đường. Mà mình là người sống chí tình với bà con ngư dân, ai cũng thương mình. Mình mua chịu, bán được hàng, trả vốn ngay cho họ, lãi mình hưởng.

Vợ hắn nghe theo. Quả nhiên nhiều người tin hắn bán chịu hàng cho hắn. Vợ chồng hắn đi một chuyến mực cùng mấy nhà buôn trong làng lên biên giới. Không ngờ khác với mấy lần trước, lần này cánh buôn Trung Quốc ngừng nhập mực. Thế là hắn lỗ, lỗ to. Vợ hắn lo sợ ngồi khóc. Hắn bảo :

- Thôi khóc mãi thì giải quyết được gì. Bà con người ta cũng hiểu đấy. Những người mình mua hàng có ai đòi gắt mình đâu. Từ từ rồi lo. Cháo húp quanh công nợ trả dần.

Vợ hắn gạt hai hàng nước mắt :

- Nhưng lấy tiền đâu lo việc cho con bé. Tôi nhìn thấy con bé cứ ngơ ngác mà thương, không khéo nó không có việc, rồi ế chồng.

Một hôm vào lúc chiều muộn có một đoàn xe tháp tùng một vị lãnh đạo Trung Ương về thăm xã. Bà con trong làng Ngang kéo nhau ra đường ngó ngó nghiêng nghiêng. Đột nhiên có tiếng la lên nhao nhao :

- Xe chẹt người. Chết rồi, trời ơi. Xe ông to chẹt người.

Cả làng Ngang xúm lại kéo từ gầm xe ra một người máu me lênh láng cả đôi chân, họ nhận ra Hoành. Vợ Hoành nghe tin chạy ra đến nơi nhìn thấy chồng thì ngất xỉu.

- Trơi ơi, anh lái xe như thế nào thế này?

Anh lái xe mở cửa ngơ ngác:

- Dạ, cháu lái đúng đường, sao lại tông phải chú ấy nhỉ?

- Lái đúng đường mà tông phải người à?

- Thôi cấp cứu người đã, đưa người bị tai nạn lên xe, chở đi bệnh viện ngay

- Ông cán bộ Trung ương lo lắng ra lệnh cho người lái xe.

Tối hôm đó là một buổi tối bận bịu của trụ sở ủy ban xã Bến. Chủ tịch xã phân công người cùng cán bộ đoàn công tác lên bệnh viện đôn đốc việc cứu chữa cho Hoành rồi tập trung tiếp khách. Đoàn cán bộ trung ương có cả cán bộ tỉnh, huyện đi theo đều tỏ ra lo lắng. Nhưng được một lúc bệnh viện điện về Hoành chỉ bị xây xát ở hai bàn chân và bắp đùi. Các bộ phận quan trọng vẫn bình thường. Hú vía. Nhưng vợ con Hoành kêu khóc la lối thảm thiết nhất định đòi ông cán bộ to nhất của đoàn phải chịu trách nhiệm. Điều đó thì rõ rồi. Ông cán bộ trưởng đoàn nói rằng ông rất lấy làm tiếc vì sự việc không may xảy ra và đích thân ông, sau khi đã làm việc với xã xong, bảo một chiếc xe khác trong đoàn đưa ông lên tận bệnh viện thăm người bị xe đâm.

Sau này, mấy người đưa Hoành lên bệnh viện đều cảm thấy Hoành có thái độ rất lạ. Mặc dù vết thương của Hoành không nặng lắm, nhưng Hoành rên la ghê gớm và một mực đòi bồi thường. Cuối cùng ông cán bộ to của trung uơng phải nói:

- Thôi thế này. Cậu lái xe nói cậu ấy đi không sai, nhưng sai đúng gì thì xe cũng đã gây thương tích, chúng tôi đồng ý bồi thường, anh tính xem nên phải bồi thường cho anh bao nhiêu để đoàn còn đi công tác các tỉnh khác, thời gian chật vật lắm.

Hoành nhăn nhó rồi nhắm mắt lại, một lúc sau hắn đưa ra một mức tiền khá lớn. Hai trăm triệu đồng.

Ông cán bộ trung ương và mọi người đưa mắt nhìn nhau nhưng rồi họ chấp nhận:

- Thôi cũng may không chết người. Người mà chết thì mình mang tiếng to.

- Hoành nằm ở bệnh viện chừng nửa tháng rồi về nhà. Hắn không ló mặt ra hè nhà, hễ có người đến thăm hắn lại lên giường rên ư ử. Một buổi tối lên giường nằm bên chồng, vợ hắn hỏi, giọng xúc động :

- Làm sao mà bố nó đòi được những hai trăm triệu đồng?

Hoành dí ngón tay vào mặt vợ:

- Khẽ cái mồm chứ. Tai vách mạch rừng. Cái Nết ngủ rồi hả. Tao cố tình lao vào xe cái ông to ấy nhằm hi sinh đi cái chân kiếm khoản tiền lo việc cho cái Nết. Không ngờ cái chân không bị mất, mà có tiền, mà cả đôi chân vẫn còn nguyên đây. Số mình có khi cũng có quý nhân phù hộ. Bấy nhiêu tiền dồn hết lo việc cho cái Nết.

Vợ hắn ôm chặt lấy chồng cười rúc rích :

- Chà, không ngờ bố mày cũng lắm mưu. Tôi mà biết bố nó định như thế tôi không cho, làm thế lỡ ra...

- Lỡ cái gì? Tao có chết thì mẹ nó có đứa khác ngay.

Vợ Hoành ngồi trộc dậy, dí ngón tay vào trán Hoành:

- Tôi vả vào cái mồm anh bây giờ, bỏ cái thói ghen bóng ghen gió ấy đi ngay?

Hoành cười:

-Ừ, bỏ. Chuyện vừa rồi là do đường cùng thì phải liều, liều mà thắng quả đấy. Số tiền này ai hỏi gì mẹ nó cứ nói để chữa cho phục hồi đôi chân. Tiền thuốc bây giờ đắt lắm. Mẹ mày cứ nói thế. Để tao cố khập khễnh một thời gian nữa cho người ta khỏi để ý.

Nhưng rồi người để ý nhất đến hai cái chân của Hoành lại chính là chủ tịch Tùng. Tùng ngẫm nghĩ đến vụ tai nạn xảy ra đối với Hoành. Tại sao chuyện lỡ chân ngã trước xe không xảy ra với ai mà sảy ra với thằng cha Hoành, cái thằng cha lúc nào cũng có ý phá mình? Nó có lớ ngớ thật không? Không thể? Hay hắn cố ý? Đúng rồi, lúc nào hắn cũng muốn hạ cái chức chủ tịch xã của mình. Vào lúc mình mời được cán bộ trung ương về xã thăm để mình tăng uy tín, hắn lại bày cách gây sự. Và khi biết Hoành có được gói tiền rồi cho vợ chạy lên thị trấn tìm cái lão Tấn chuyên lo chạy công chức thì Tùng ngồi lặng đi một lúc lâu. Đôi mắt lim dim của Tùng chau lại. Một lúc sau Tùng vỗ đùi. Thôi chết rồi, có khi thằng cha Hoành này đã tính sẵn cả rồi.

Mối thù Hoành bày cho chị Hơ kiện Tùng làm Tùng xuýt nữa mất chức vốn âm ỉ nay lại trỗi dậy trong lòng Tùng. Tùng gặp lãnh đạo công an huyện yêu cầu điều tra lại vụ tai nạn. Lập tức công an vào cuộc, họ tổ chức dựng lại hiện trường. Suốt gần một tháng trời, Hoành bị công an mời lên hàng chục lần. Và thật bất ngờ, cuối cùng Hoành phải thú nhận chính Hoành đã nghĩ ra và tạo nên cái tình huống xe tông vào mình.Thật trớ trêu, Hoành phải nộp lại số tiền hai trăm triệu mà ông cán bộ trung ương đã bồi thường. Đúng là lợi bất cập hại. Một lần nữa nhà Hoành trở nên trắng tay, vợ chồng Hoành hoang mang nhiều ngày. Bà con trong làng Ngang xã Bến cũng bàn ra tán vào:

- Gớm, cái lão Hoành thế mà to gan.

- To gan quá, ai lại dám chơi khăm ông to nhà nước.

- Chủ tịch Tùng thì bảo:

- Tất nhiên là vỏ quýt dày phải có ngón tay nhọn chứ. May mà hắn còn thành thật thú tội, trả tiền cho người ta, chứ nhẽ ra người ta phải xử hình sự đối với hắn vì cố tình gây nên tai nạn.

Nết thương bố mẹ nên an ủi:

- Tại bố cả. Bố bày ra cái trò vớ vẩn ấy làm gì mang tiếng. Con không làm công chức thì con sẽ tìm việc làm gì phù hợp có sao đâu. Có bao nhiêu đứa bạn con không làm việc cho nhà nước mà vẫn sống bình thường, vẫn lập được gia đình. Bố mẹ đừng quá lo lắng cho con nữa.

- Nhưng không lo lắng sao được.Từ khi nghỉ việc ở xã, nhà hắn rơi vào tình cảnh khó khăn. Vợ chồng Hoành coi như thất nghiệp. Nết coi như hết hi vọng xin việc làm. Thanh, thằng con thứ sắp học hết trung học phổ thông, không dám nghĩ đến kỳ thi đại học. Đang lúc khốn khó thì Trinh, người đàn bà trước đây được Hoành đưa đi bệnh viện mổ đẻ đến thăm. Chị Trinh bảo:

- Ơn anh ngày trước em biết lấy gì trả. Đấy, con bé nhà em may nhờ anh nay cháu khỏe mạnh, lớn rồi, cháu học lớp một rồi đấy. Thiên hạ cười mãi rồi cũng thôi. Biết anh chị đang bí, em bàn thế này: Em có ít tiền dành dụm được, muốn cho anh chị vay mua một cái xe máy.

Vợ Hoành cau mặt:

- Cái ăn hàng ngày còn chưa đủ, mua xe làm gì, xe để anh ấy rảo lượn à?

Trinh bật cười:

- Không phải. Em thấy xã ta có mấy người lên thành phố đi xe ôm, cũng kiếm ra tiền đấy.

Hoành vỗ đùi:

- Phải đấy. Xe ôm thì tôi làm được. Ngày trước nhà có xe, thỉnh thoảng có ai nhờ chở đi xa có việc, tôi vẫn chở đấy thôi. Xe máy thì tôi thạo.

Thế rồi vợ chồng Hoành đồng ý vay tiền tiền Trinh mua ngay một cái xe máy mới.

Buổi sáng đầu tiên đi xe ôm, vợ Hoành ngần ngừ:

- Bố mày làm nghề này, mẹ con tôi lo lắm. Hồi này ti vi đưa nhiều tin bọn kẻ cướp hay cướp xe ôm, giết cả người đấy. Hay là bố mày cho tôi ngồi theo sau?

- Không được. Chở ba công an bắt phạt. Tôi sẽ đi cẩn thật, khách không đứng đắn tôi không chở.

- Hôm đó Hoành cho xe chạy lên thành phố, dừng lại ở ngã tư, chỗ có dãy ghế dưới cái mái che. Hoành biết đó là bến xe buýt. Một số người đi xe ôm đang đứng lố nhố. Thấy Hoành đến, vài người liếc mắt nhìn nhau. Một gã thanh niên tóc húi trọc tiến lại gần Hoành, hất hàm:

- Ở đâu đến đấy?

Hoành nhoẻn cười:

- Tôi ở quê mới lên.

- Hay đấy. Kiếm ăn được mấy chuyến rồi?

Hoành khẽ lắc đầu:

- Hôm nay đi khai trương.

Gã thanh niên cười gằn:

- Thế biết luật chưa?

Hoành ngơ ngác hỏi:

- Luật gì ạ?

Gã thanh niên cười gằn:

- Lại còn giả ngây giả ngô nữa hả. Được. Chờ đấy rồi biết hết.

Đúng lúc ấy chiếc xe buýt đỗ lại. Mấy người bước xuống xe. Đám xe ôm dồn tới:

- Bác áo xanh của tôi.

- Chị đội nói đi với tôi.

Một bác xách cái túi nhỏ nhìn Hoành rồi nhìn cái xe bảo:

- Anh chở tôi đến phố Hàng Nón. Nhà số 33

Hoành hứng khởi đưa cho ông khách một cái mũ bảo hiểm. Chờ ông khách ngôi yên sau xe, Hoành từ từ cho nổ máy rồi lách xe đi. Đường thành phố Hoành chưa quen lắm. Hồi còn làm cán bộ xã, nhiều lần Hoành cũng có việc ra thành phố. Nhưng cái phố Hàng Nón thì Hoành chưa biết nên thỉnh thoảng Hoành phải dừng xe hỏi đường.

Một lúc sau Hoành quay trở lại chỗ cũ. Đám xe ôm xúm quanh:

- Ê, ông bạn mới toanh. Kiếm được khá chứ. Tiền đâu?

Hoành ngơ ngác:

- Gì ạ?

- Gì hả?

Gã thanh niên tóc húi trọc sấn lại:

- Vẫn không biết luật hả. Kiếm được bao nhiêu thì nôn ra đây?

Vừa nói gã vừa vừa giơ nắm đấm dứ dứ sát mặt Hoành. Mấy tay xe ôm cũng dựng xe vây quanh, trừng mắt nhìn Hoành. Cuối cùng Hoành phải móc ra tờ bạc hai chục ngàn khách vừa đưa cho. Một lúc sau Hoành len lét dắt xe lỉnh đi chỗ khác. Suốt ngày hôm ấy, Hoành vòng đi vòng lại trên mấy con đường cũng chỉ đi được hai ba cuốc, đủ tiền xăng.

Ngày hôm sau Hoành lại lên thành phố. Có người nói với Hoành những người mới vào nghề xe ôm thường phải đến cửa ga tàu hỏa, ở đấy đông khách, ít ai cát cứ, chiếm chỗ. Thế là Hoành tìm đến sân ga.

Một buổi đang trưa, một chị ăn mặc khá sang trọng người xức nước hoa đi vào sân ga, đi vào chỗ mua vé, nhưng chị chỉ ngó nghiêng nghiêng rồi trở ra. Mấy người xe ôm sán lại:

- Chị về đâu tôi đưa chị về?

Nhưng Chị ta phẩy tay, chăm chú nhìn từng mặt người. Cuối cùng chị đến bên Hoành, bảo:

- Anh đưa tôi về nhà.

Đấy là một câu chuyện cho đến bây giờ Hoành vẫn còn bâng khuâng. Đưa chị ta về nhà, chị không trả tiền đi xe trước cổng nhà mà bảo Hoành dắt xe vào sân. Đấy là một ngôi nhà năm tầng trong khu Đô thị mới của thành phố. Chị ta bảo Hoành:

- Anh vào nhà uống nước đã, trời nóng quá.

Hoành nghe lời chị ta bước vào phòng khách. Chị khóa cổng lại. Vừa rót nước mời Hoành chị vừa nói như phàn nàn:

- Nhà chả có ai, em có mỗi đứa con gái lớn lấy chồng tại thành phố Hồ Chí Minh.

- Thế anh nhà đâu? – Hoành bất giác hỏi.

Chị lắc đầu:

- Anh ấy mất lâu rồi. Tôi ở vậy mà anh. Cô đơn lắm. Này, anh đi xe cả ngày ngoài trời, ta vào trong này có điều hòa, làm cốc bia cho mát rồi đi. Tủ lạnh chứa bia mà không có ai uống.

Hoành ngần ngại. Nhưng rồi thấy nói đến bia Hoành ứa nước miếng. Hồi làm cán bộ xã, ngày nào mà chả có bia. Hoành ậm ờ đứng lên bước theo chị chủ nhà. Phải nói lần đầu tiên được ngồi trong căn phòng mát lạnh và yên tĩnh, được uống cốc bia tươi mát rượi nói chuyện với người phụ nữ người thành phố làm Hoành cứ bối rối. Càng bối rối hơn khi chị ta ngồi xích lại gần Hoành. Nhưng rồi Hoành bình tĩnh lại, người lâng lâng. Chả hiểu sao những cử chỉ của chị làm Hoành xốn xang. Người Hoành rạo rực khi bàn tay của chị chạm vào bàn tay Hoành:

- Em ở đây có một mình mà anh.

Câu nói thỏ thẻ ấy thốt lên mấy lần cho đến khi Hoành và chị ta quấn vào nhau trên chiếc giường đệm êm ru kê ngay sát bộ bàn ghế hai người vừa ngồi lúc nào Hoành không biết nữa. Trưa hôm đó Hoành làm xong cái việc mà cho mãi chiều tối, khi Hoành về đến nhà, Hoành vẫn chưa hết bàng hoàng. Hoành nhớ lúc hối hả mặc quần áo, chạy ra ngoài lấy chiếc xe máy dắt ra cửa. Hoành nổ máy ngay, chị chạy ra giữ tay làm Hoành hoảng hốt, miệng Hoành lắp bắp:

- Chị ơi. Sáng đến giờ chị là người mở hàng, tôi chưa có đồng nào.

Hoành nói, giọng lạc đi. Hắn lộn túi áo như để chứng minh cho chị ta biết mình là người thật thà.

Chị dí ngón tay vào trán Hoành:

- Anh tưởng tôi là gái làm tiền à?

Nói rồi chị đặt vào tay Hoành một tờ bạc năm trăm nghìn mới cứng. Chị mở cửa cho Hoành. Hoành phóng xe ra đường.

Một hôm Hoành ế khách, chiều tối Hoành cho xe lượn lờ trước cửa nhà chị. Chị đang đứng trước cửa như chờ Hoành. Cũng mấy lần như thế. Sau này Hoành biết chị có tên là Tớn, chị làm việc ở cơ quan thanh tra tỉnh. Chị tâm sự:

- Em bị một cái bệnh rất lạ. Lâu không chung chạ với đàn ông thì em ốm. Lạ lắm. Trước đây em có bồ bịch với một anh cùng cơ quan, rồi bị đánh ghen, em sợ lắm, không dám chơi thân với anh nào nữa. Trông anh “bảnh bao” đẹp trai khỏe mạnh thế sao phải đi xe ôm?

Hoành nói rõ hoàn cảnh mình. Nói với Tớn về nỗi lo phải xin việc cho con gái.

- Để em nghĩ xem có cách nào xem có giúp được cho anh không. Học pháp lý, thi công chức vào ngành thanh tra thì hợp đấy.

Một hôm trở về nhà. Đưa tiền cho vợ, vợ Hoành cứ trố mắt nhìn Hoành:

- Bố mày vớ được tiền à ở đâu thế này...?

Bất giác Hoành nói dối:

- Anh nhặt được cái ví người ta đánh rơi, anh báo công an. Người mất tìm được ví mừng lắm. Trong ví có giấy tờ và nhiều tiền nên cho anh đấy.

Vợ Hoành bảo:

- Số anh thỉnh thoảng có quý nhân phụ trợ. Này cái thằng cha Tùng, chủ tịch xã ấy, thăng quan rồi. Huyện thăng hắn lên làm phó chủ tịch huyện.

Hoành cau mặt:

- Nói thế nào chứ. Hắn có học hành gì đâu mà được lên huyện làm phó chủ tịch.

- Thế mà có đấy. Nghe nói có bằng đại học. Chả hiểu ra làm sao nữa.

- Có thật. Khắp làng Ngang đang xôn xao. Ai cũng bảo cái gã chả học hành gì, làm việc chỉ vụ lợi lại được thăng quan tiến chức. Một hôm Hoành đem chuyện đó nói với Tớn:

- Tôi cùng mấy người trong xã viết đơn kiện. Chị giúp tôi.

- Hoành viết đơn thật. Mấy hôm sau Tớn cùng đoàn thanh tra tỉnh về huyện Hà. Chưa đầy một tháng, cả huyện Hà nháo nhác về chuyện phó chủ tịch huyện mới được đề bạt bị truất chức vì bằng giả. Trong huyện điều tra ra có mấy cán bộ dùng bằng giả.

Hôm Tớn đưa Hoành về nhà,Tớn bảo Hoành:

- Anh sẽ được thưởng.

- Thưởng gì?

Lãnh đạo bảo:

- Sẽ đặc cách cho con gái anh vào ngành làm việc.

Hoành bất chợt ôm lấy Tớn, cảm động:

- Đúng là anh có quý nhân phù hộ.

VN15/2016

Bản tin Văn nghệ ngày 19/3/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 19/3/2025

Baovannghe.vn - Các phim được chọn chiếu là các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của Ấn Độ như: Tiếng gầm tự do, Sống chỉ một lần, Nữ đô vật, Tiếng anh tiếng em.
“Đồng chí” dự Liên hoan sân khấu tại Hàn Quốc

“Đồng chí” dự Liên hoan sân khấu tại Hàn Quốc

Baovannghe.vn - Vở kịch “Đồng chí” của Hội Sân khấu TPHCM sẽ là tác phẩm nước ngoài đầu tiên xuất hiện tại Liên hoan Sân khấu Busan (Hàn Quốc).
Tháng Ba - Thơ Thy Nguyên

Tháng Ba - Thơ Thy Nguyên

Baovannghe.vn- Mưa bụi rắc. Mùa xuân còn ngỏ/ Vai anh gầy. Vuông ý nghĩ em
Hòa nhạc rock trống Taiko cùng ban nhạc Nhật Bản Bati-Holic

Hòa nhạc rock trống Taiko cùng ban nhạc Nhật Bản Bati-Holic

Baovannghe.vn - Hòa nhạc rock trống Taiko Bati-Holic sẽ diễn ra tại Nhà hát Tuổi Trẻ, 11 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, vào 19h30 ngày 22/3, và tại Nhà hát Bến Thành, số 6 Mạc Đĩnh Chi, Quận 1, TP Hồ Chí Minh vào 19h30 ngày 26/3.
Lớn lên từ Ví Giặm - Thơ Nguyễn Doãn Việt

Lớn lên từ Ví Giặm - Thơ Nguyễn Doãn Việt

Baovannghe.vn- Mẹ nghén thai con/ Câu ví ru từ trong trứng nước