Diễn đàn lý luận

Nhà văn - dịch giả Đoàn Tử Huyến: Người truyền dẫn tri thức văn hóa Đông Tây

Lê Huy Hoà
Chân dung văn học
18:00 | 24/09/2024
Baovannghe.vn - Chơi với anh, tôi có nghe nhiều “giai thoại” kì thú về thú chơi của anh: một người uống rượu kĩ tính, nhiều em trẻ say nắng, thích hát karaoke
aa

Tôi gặp anh lần đầu tiên (năm 1991) tại sảnh khách sạn Hoàn Kiếm, Hà Nội. Bữa ấy là cuối giờ chiều, tôi đến gặp người đồng nghiệp Nga, Trưởng ban biên tập của tờ Báo ảnh Việt Nam (phiên bản tiếng Việt) vừa sang công tác, nhận thư và quà của các đồng nghiệp cũ thời tôi làm chuyên gia tiếng Việt tại Nhà xuất bản Tiến Bộ (Liên Xô) gửi nhờ ông chuyển. Ban biên tập tạp chí in tiếng Việt (kể trên) thuộc biên chế nhà xuất bản. Lúc tôi đến, đã thấy người bạn Nga đang ngồi tiếp một chàng trai người Việt, dáng dấp nghệ sĩ, với bộ tóc dày để dài, hàng ria mép được tỉa tót gọn gàng, đặc biệt anh có đôi mắt sáng, nét cười tươi, có duyên… Thoạt nhìn anh bạn này đã thấy có cảm tình. Anh bạn Nga đứng lên bắt tay tôi và chỉ tay giới thiệu tôi với chàng trai cũng vừa đứng lên. Qua giới thiệu, tôi biết anh là Đoàn Tử Huyến, cán bộ biên tập Nhà xuất bản Lao Động. Nghe giới thiệu tên, dù gặp lần đầu, tôi không thấy ngạc nhiên, bởi tên anh đã không còn xa lạ với dân làm sách chúng tôi thời điểm bấy giờ! Chẳng là mới rồi (năm 1990) anh vừa đoạt giải thưởng Văn học dịch của Hội Nhà văn Việt Nam cho tác phẩm Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgacov - một bản dịch tiếng Việt, mà trong một trả lời phỏng vấn báo chí, anh quan niệm: “Là công trình dịch thuật lớn nhất, công phu và tâm đắc nhất.”

Tôi được biết anh cũng đến nhận quà của một người em họ đang làm chuyên gia tiếng Việt ở cùng ban biên tập với ông khách Nga này. Trong lúc hai người nói chuyện tôi tranh thủ mở gói quà, trong gói quà, ngoài thư, kẹo socola là một cuốn sách tiếng Nga. Tôi đang mân mê các món quà, thấy anh Huyến liếc mắt qua, chăm chú nhìn bìa cuốn sách. Đoán ý anh, tôi đưa cuốn sách cho anh coi. Anh đưa tay đỡ cuốn sách, lật giở coi những trang mục lục cuối sách, đầu gật gù vẻ thích thú. Đó là cuốn Bách khoa thư dành cho phụ nữ trẻ, công trình tập thể của các tác giả Tiệp Khắc do Nhà xuất bản Tiến Bộ xuất bản (bản dịch tiếng Việt mang tên Bách khoa phụ nữ trẻ). Khi đưa trả lại tôi cuốn sách, anh hỏi sao các bạn biết mà tìm và gửi sách này cho anh.

Tôi nói với anh, tôi vẫn thường xuyên viết thư, nhờ các bạn kiếm giúp tôi những cuốn sách được bạn đọc bên ấy yêu thích, ưu tiên sách về phái đẹp. Tôi nhìn sang, thấy anh cười hiền, lộ hàm răng trắng bóc. Khi tôi cám ơn người đồng nghiệp Nga và chào hai người ra về, anh Huyến bắt tay, xin tôi số điện thoại, hẹn gặp lại để bàn về việc dịch và giới thiệu cuốn sách tôi vừa nhận. Thật tình cờ, chính từ lần gặp ấy cùng cuốn sách tôi nhận được từ các đồng nghiệp Nga hôm đó, tôi và anh Huyến đến với nhau như một mối lương duyên vậy. Chừng gần một tuần sau, vào một buổi sáng cuối tuần, tôi nhận được điện thoại anh Huyến gọi và hẹn gặp tôi ở cơ quan. Anh đến, suốt buổi chúng tôi bàn việc dịch và in cuốn sách. Dự án liên kết đầu tiên giữa tôi và anh đã sớm đơm hoa, kết trái ngọt. Ngay sau in lần đầu, Bách khoa phụ nữ trẻ đã trở thành một “hiện tượng” về ấn phẩm bán chạy, còn có cả “scandal” in lậu sách! Trên thị trường sách lúc bấy giờ Bách khoa phụ nữ trẻ liên tục “nối bản”, thậm chí, cuốn sách còn được chọn làm quà cưới cho các cặp vợ chồng trẻ! Chúng tôi quen và gắn bó với nhau từ ngày ấy, ngoài chuyện hợp tác trong một số ấn phẩm khác, tôi có mời anh tham gia hiệu đính một số đầu sách dịch của nhà xuất bản, cả những công trình do tôi biên soạn, đứng chủ biên, có sử dụng nguồn tư liệu nước ngoài. Tôi thấy ở anh có một phẩm chất của một người làm sách nổi trội: kĩ lưỡng trong biên tập, chỉ làm những gì mình tâm huyết. Điều này tôi càng bị thuyết phục ở những công việc giữa tôi và anh suốt nhiều năm. Sau này, qua lời anh kể, tôi biết sau khi tốt nghiệp Đại học Quốc gia Vôronezh (Liên Xô) về nước, anh được tổ chức điều động về làm cán bộ giảng dạy Văn học Nga ở trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội. Sau đấy anh quyết định “nhảy việc” như cách gọi của giới trẻ sau này. Có thể niềm đam mê sách đã thôi thúc anh tìm bến đỗ mới. Nhà thơ, dịch giả Thái Bá Tân đã giới thiệu anh chuyển về làm biên tập sách ở Nhà xuất bản Lao Động. Kí ức về thời gian làm thầy giáo đại học thường trở về trong anh, mỗi khi chúng tôi ngồi coi tivi, nhiều MC trẻ trung, xinh đẹp của Đài Truyền hình Trung ương là học trò của anh. Họ nhớ một thầy giáo vui tính, để mớ tóc dài, say mê với những bài giảng sinh động, những câu chuyện bên lề về tác phẩm, về tác giả văn chương Xô viết, đã lôi cuốn các sinh viên, qua các giờ trên lớp, các buổi ngoại khóa, các đêm giao lưu văn nghệ của sinh viên trong khoa. Trong các giờ đứng lớp, người thầy giáo trẻ với chất giọng Nghệ Tĩnh truyền cảm đã chuyển tải nét đẹp của tâm hồn Nga từ các hình tượng nhân vật đa dạng, nhiều sắc màu. Các học trò của anh, dù biết thầy đã chuyển nghề, vẫn thường xuyên đến thăm thầy, vừa cùng thầy ôn lại những kỉ niệm ấm áp, lại được nạp thêm những kiến thức mới, khi chia tay, lại được thầy tặng sách quý.

Nhà văn - dịch giả Đoàn Tử Huyến: Người truyền dẫn tri thức văn hóa Đông Tây

Nhà văn, dịch giả Đoàn Tử Huyến.

Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Chơi với anh, tôi có nghe nhiều “giai thoại” kì thú về thú chơi của anh: một người uống rượu kĩ tính, nhiều em trẻ say nắng, thích đi hát karaoke có “tay vịn”… Nhưng đấy cũng chỉ là bạn bè dệt, thêu về anh những lúc ngồi nhậu, “tám” chuyện. Anh không thuộc người thích rượu, nếu có uống cũng chọn rượu để uống. Có điều đặc biệt, những khi nhậu, anh ăn rất ít. Nhiều lúc tôi nghĩ, người ăn ít như anh mà sao dai sức như vậy, nghĩ vậy nhưng cũng chẳng hỏi làm gì, âu cũng là cái tạng của mỗi người sinh ra trên đời này vậy. Thú chơi anh ham mê là cờ tướng. Mỗi khi tiếp cộng tác viên xong, thấy khách không vội, anh thường mời chơi cờ. Tôi có hỏi ông bạn gần nhà anh, dân chuyên Toán, dạy Đại học Bách khoa Hà Nội, một người chơi cờ giỏi, muốn biết “trình” chơi cờ của anh, ông này nói, anh Huyến cũng chỉ là người biết chơi cờ, không xuất sắc. Có điều, người ta thích chơi cờ với nhà văn này, vì mỗi ván cờ, anh thường có những nước cờ hay, có tính “đột biến” như cầu thủ hàng công của môn túc cầu “quần đùi, áo số” vậy! Sở thích chụp ảnh, cũng được xem là thú chơi anh yêu thích, theo đuổi đến khi anh rời cõi tạm trong một chuyến đi xa nhà mãi mãi. Nói theo ngôn ngữ của làng túc cầu, những sở thích kể trên của nhà văn, dịch giả Đoàn Tử Huyến chỉ là thú chơi ngoài “đường biên”, còn trong sân cỏ, thú chơi chính, có thể là của cả cuộc đời anh là thú chơi… sách!

Anh Huyến có một thời gian làm Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài. Qua anh, tôi được biết, các cộng tác viên tạp chí đều là những dịch giả - nhà văn tên tuổi, thông thạo các ngoại ngữ, có thể kể đến Nguyễn Thanh Châu (tiếng Anh), Nguyễn Văn Dân (tiếng Pháp), Trần Đức Mậu (tiếng Đức), Nguyễn Trung Đức (tiếng Tây Ban Nha), Trần Đình Hiến (tiếng Trung), Tạ Minh Châu (tiếng Ba Lan)… Qua đó đủ thấy anh có “tầm” bao quát các nền văn học lớn trên thế giới như thế nào. Đoàn Tử Huyến hầu như đã dành hết tâm sức cho tạp chí. Anh hầu như không còn thời gian cho những việc riêng nữa. Tôi thấy ái ngại, phần lo cho sức khỏe của anh, cho khát vọng đổi mới nội dung, hình thức của tạp chí… và cũng mơ hồ nhận ra rằng sau những bước đi ban đầu vẫn phải tính cuộc đua đường dài nữa! Liệu tư duy đổi mới trong “kiến tạo” nội dung mỗi số tạp chí có luôn được sự ủng hộ của lãnh đạo hội, của những người có trách nhiệm hiểu và cả sự săm soi, xét nét của đồng nghiệp? Nghĩ vậy mà tôi cũng chưa tìm được cơ hội nói về những linh cảm của tôi với anh. Mặt khác, tôi cũng hiểu, với một cá tính mạnh như anh, thuyết phục được anh là điều không dễ. Và điều gì đến ắt sẽ đến. Sau gần 2 năm làm việc anh đã quyết định chia tay tạp chí dù vẫn còn nhiều dự định. Sau khi nghỉ làm việc, anh dành toàn bộ thời gian cho việc làm sách. Vào thời gian này, để đáp ứng được với đòi hỏi của cơ chế thị trường, đội ngũ những người làm sách tư nhân trong Nam, ngoài Bắc đã có những bước phát triển mới về chất. Đã xuất hiện những “đại gia” tư nhân làm sách có “số má” trong giới làm sách Thủ đô. Anh Huyến được tôn vinh là một trong “tứ đại gia” làm sách gồm: nhất Quỳ, nhì Bách, tam Miên, tứ Huyến. Tôi có đọc một bài viết về 4 nhân vật này trên một tờ báo (lâu rồi tôi không nhớ tên tờ báo) nhưng tôi thực sự có chút băn khoăn, bởi người viết chưa chỉ ra sự khác biệt trong quan niệm hành nghề nơi họ, hiểu nôm na là “động lực” nào đã khiến họ thành công, bài học học được từ họ là gì… Trong bốn đại gia, người thứ tư, Đoàn Tử Huyến, người tôi biết, động cơ làm sách, làm văn hóa đọc khác với 3 người kia: anh không đặt nặng mục đích kiếm tiền, chạy theo lợi nhuận có được từ kinh doanh sách, mà vì cái lớn hơn, đáng quý hơn.

Vào tháng tháng 11 năm 1999, khi mọi việc đã chín muồi anh khai trương Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây tại địa điểm là nửa sàn tầng trệt thuê của công ty nhà đất tại một chung cư trên đường Trần Quý Kiên, quận Cầu Giấy, Hà Nội, với triết lí hoạt động rất rành rõ: “...luôn cố gắng gìn giữ văn hóa đọc, đem tri thức đến mọi thế hệ người Việt, để tri thức len lỏi trong từng xóm, làng Việt Nam.”

Anh Huyến và cộng sự tập trung khai thác, đầu tư làm các bộ sách về các chí sĩ, các nhà văn hóa lớn của đất nước. Sản phẩm đầu tiên của trung tâm ngay khi ra mắt đã để lại một dấu ấn đặc biệt trong lòng bạn đọc: Phan Bội Châu toàn tập (10 tập) do giáo sư Chương Thâu khảo cứu, biên soạn, giáo sư Trần Văn Giàu viết lời giới thiệu. Tiếp theo, các bộ sách có giá trị của các học giả tên tuổi lần lượt ra đời, được bạn đọc nhiều thế hệ tìm đọc như Nguyễn Công Trứ, Phan Chu Trinh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phan Khôi, Trương Tửu, Phan Ngọc… cùng các tác gia lớn của các nền văn học thế giới liên tiếp được dịch và xuất bản như: R. Tagore tuyển tập tác phẩm (2 tập), Tuyển tập thơ A. Puskin, F. Kafka - tuyển tập tác phẩm, Lỗ Tấn tuyển tập, Thơ chọn lọc W.Szymborska, 108 nhà văn thế kỉ XX - XXI… Ngoài ra, không thể không nhắc tới Mỹ học Hegel cùng các tác phẩm triết học, mĩ học, văn học của các triết gia thế giới, các nhà văn đoạt giải Nobel lần lượt được dịch và xuất bản riêng, chung. Ngoài ra, với mong muốn phục vụ tốt nhất cho bạn đọc, trung tâm đã tổ chức thư viện đọc miễn phí. Anh chỉ đạo sách trưng bày, giới thiệu bạn đọc ở đây phải ưu tiên đảm bảo sách chất lượng. Mô hình Thư viện - cà phê sách Đông Tây được xem là mô hình đầu tiên xuất hiện ở Hà Nội. Các độc giả đến với trung tâm, có thể ngồi uống cà phê, đọc sách, lướt web, truy cập internet tìm kiếm thông tin mình cần. Thư viện Đông Tây vừa phục vụ khách đọc sách tại chỗ, mượn về nhà, có thể đăng kí mua sách, mượn sách online, đáp ứng theo sự phát triển của khoa học công nghệ… Khách đến với Thư viện - cà phê sách Đông Tây nhiều nhất là các bạn trẻ, sinh viên các trường gần trung tâm. Có thể nói, Thư viện - cà phê sách Đông Tây đã là địa chỉ văn hóa đáng tin cậy của nhiều thế hệ bạn đọc ham đọc sách suốt những năm qua, giúp họ có điều kiện tốt trên con đường chiếm lĩnh tri thức, để lại nhiều kỉ niệm khó quên với họ. Một hoạt động thường xuyên, được xem như “đặc sản”, nét văn hóa đẹp độc đáo của trung tâm là các buổi ra mắt sách của các tác giả. Trước mỗi lần chuẩn bị cho những buổi ra mắt sách, tôi thấy anh bỏ ra nhiều công sức nhất. Tôi ngầm hiểu, chi phí cho các buổi ra mắt sách theo quy chế đã được “hiến định”: phía trung tâm tự lo. Xây dựng nội dung, tìm người giới thiệu, gửi giấy mời khách tham gia, chuẩn bị hậu cần cho buổi gặp mặt…, tôi thấy anh thường chuẩn bị khá chi tiết, cụ thể. Vì anh coi những lần như thế này là một dịp để tôn vinh những đóng góp của nhân vật được giới thiệu, làm sao cho “xứng đáng”. Tôi nhớ, một lần ghé chơi với anh, đúng lúc gặp người nhà của một tác giả sẽ giới thiệu trong buổi ra mắt sách sắp tổ chức, khi người đại diện gia đình có nhã ý “đóng góp” tài chính”, anh Huyến đã tìm mọi cách “khước từ” thiện chí chân thành của họ. Chứng kiến chủ nhà lúng túng, có chút ngượng ngùng, tôi thấy có gì đấy “đáng thương” nơi anh: một người hoạt bát, tinh tế, quyết đoán thường ngày biến đâu mất. Thấy vậy, tôi chen ngang, giải thích rõ để người khách hiểu và vui vẻ chấp nhận thiện chí của chủ nhà.

Công việc của một người “cầm trịch” Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, vừa tạo cảm hứng mà cũng lấy đi nhiều niềm ham mê khác nơi anh. Nhân có lần ngồi uống bia với anh, lan man nhiều chuyện, chúng tôi quay qua bàn về lao động dịch sách và đội ngũ các dịch giả trong nước. Tôi nói, những dịch giả nước ta, luôn có sự tiếp nối đáng tự hào nhưng các dịch giả thế hệ kế cận chưa thấy xuất hiện gương mặt nào để lại dấu ấn. Nghe tôi nói, anh Huyến im lặng chốc lát, rồi chậm rãi hỏi: “Theo anh, người dịch sách quan tâm điều gì trước nhất?” Tôi có chút bất ngờ trước câu hỏi của anh, nhưng liên tưởng về những cuốn sách nổi tiếng gắn với tên các dịch giả, tôi đáp: “Có lẽ, việc trước tiên là tìm được sách hay!” Anh Huyến xem ra cũng bất ngờ về câu trả lời của tôi, anh không nói, chỉ gật đầu, mỉm cười và cầm ly bia vừa rót đầy đưa về tôi, như chúc mừng câu trả lời mà anh cho là tâm đắc! Với người làm sách tâm huyết với nghề, người ta vui vì sản phẩm của mình làm ra được bạn đọc đón nhận, nhưng bằng trực cảm nhạy bén, anh cũng đã sớm nhận ra rằng văn hóa đọc hôm nay bắt đầu bị thu hẹp bởi các phương tiện truyền thông đa phương tiện, chưa nói là bị đẩy lùi xuống thang bậc khác. Hiện tượng này đòi hỏi người làm sách phải có cách tiếp cận mới. Trước mắt, phải ươm trồng một thế hệ yêu và thích đọc sách ngay từ trong trường học phổ thông các cấp, sinh viên trong các trường đại học. Khi biết tin nhà giáo dục trẻ, tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh sáng lập Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”, anh đã chủ động liên hệ và cùng chung tay trong các hoạt động của câu lạc bộ. Được sự hỗ trợ và tư vấn chuyên môn của người anh, người thầy có nhiều kinh nghiệm làm sách, cô giáo trẻ Nguyễn Thụy Anh như có thêm động lực để thiết kế các chương trình, nội dung hoạt động của câu lạc bộ mỗi ngày thêm sinh động, mang đến những cảm hứng bất tận, giúp trẻ hào hứng đọc sách, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, giàu tính nhân văn từ những trang sách. Đã có nhiều mô hình đọc sách, xây dựng tủ sách được nhân rộng từ thành công của Câu lạc bộ “Đọc sách cùng con”. Năm 2015, khi đang ở xa, tôi có nhận được thư mời đến dự lễ khai trương Thư viện gia đình, anh Huyến gửi qua email. Tôi có chút ngạc nhiên, vì nghĩ, anh đã có một rừng sách ở Thư viện sách Đông Tây, vậy còn lập thêm Thư viện gia đình làm gì. Nhưng tôi nghĩ, cách “chơi sách” của anh mấy ai mà sánh được! Anh là người nghĩ và làm gì cũng “khác” người! Điều tôi nghĩ khi nhận được giấy mời kể trên cũng giống như cảm nhận của người bạn thời “trẻ trâu” của anh, tiến sĩ Trần Thất ở Bộ Tư pháp, trong bài viết chia sẻ sự kiện này trên VietNamNet (18/4/2023), nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam: “Nghĩ cho cùng, cuộc đời Huyến từ bé đến giờ có thể gói gọn trong một từ “SÁCH”. Huyến đọc sách, dịch sách, làm sách, chơi sách, kết bạn sách, kiếm tiền bằng sách, đến cả uống rượu cũng với sách… Nói dại mồm, Huyến còn sống sờ sờ ra đó nên mới phải dài dòng một chút chứ nếu không chỉ cần một câu gói lại cho vuông là “Huyến sống trong sách, chết vùi trong sách”. Sách như một định mệnh của cuộc đời Huyến…”

…Trong cuộc đời làm sách, tôi luôn nghĩ mình được trời ban, vì đã cho tôi gặp 3 người thầy, những người luôn mãnh liệt truyền cảm hứng cho tôi. Người đầu tiên, tôi luôn coi là “cha đỡ đầu”- đưa tôi vào nghề - “người rước chữ” - là đại tá, nhà văn Đỗ Gia Hựu. Người thứ hai, nhà vật lí lí thuyết, dịch giả Phạm Văn Thiều, người đặt nền móng cho dòng sách “Khoa học và khám phá”. Và người thứ ba, nhà văn, dịch giả Đoàn Tử Huyến, một người “chơi sách”. Họ là những trí thức dấn thân, tận hiến cho công việc mình yêu thích, luôn tìm kiếm những tác phẩm đích thực mang đến cho bạn đọc những giá trị khai minh, khai sáng. Tôi muốn bằng những cảm xúc của mình, lần trở về miền kí ức chưa xa, thử phác thảo chân dung họ, như một sự tri ân về những đóng góp mang nhiều ý nghĩa từ chính các nhân vật của tôi. Hy vọng, bạn đọc cũng có chung cảm nhận như tôi.

Lê Huy Hoà | Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục

Nhà văn Ngọc Trai người con xứ Huế Nhớ về cơn gió lạ cao nguyên Nhà văn Trần Công Tấn với những tác phẩm " Dòng chảy cuộc đời" Thanh Thảo cùng con ngựa thơ bất kham của mình Hồng Thanh Quang: “Một mình ta đã quá chật ta rồi”
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...
Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Baovannghe.vn - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft đã chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách với việc ra mắt 8080 Books, một nhà xuất bản được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong xuất bản và kể chuyện. Được đặt tên theo bộ vi xử lý Intel 8080 – nền tảng cho sự khởi đầu của Microsoft trong thập niên 1970 – 8080 Books không chỉ là một cột mốc mới trong chiến lược đa dạng hóa của công ty mà còn đại diện cho tham vọng đưa công nghệ vào thay đổi ngành xuất bản vốn còn nhiều hạn chế.
Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Baovannghe.vn- Đối diện nhau, con cá mập và Tử thần, kẻ bị giết và kẻ giết, con mồi và gã thợ săn, đối tượng của cái chết và tay sai của cái chết, con cá mập nằm sóng soại trên sàn thuyền, Tử thần thì đứng thẳng hiên ngang, một trục hoành - một trục tung, tạo thành một hệ tọa độ bất đắc dĩ giữa biển xanh sâu thẳm, mỗi kẻ đeo đuổi những huyễn tưởng khác nhau, nhưng sau rốt đều xuất phát cùng từ một gốc: ám ảnh về những trò ảo thuật.
Khai mạc: Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Khai mạc: Hội nghị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam

Baovannghe.vn - Trong hai ngày 21 và 22/11, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Trượt - Thơ Vũ Thanh Hoa

Trượt - Thơ Vũ Thanh Hoa

Baovannghe.vn- Đám mây chiều sũng nước/ trùm lên thành phố