Sáng tác

Người Vũng Rô. Truyện ngắn dự thi của An Bình Minh

An Bình Minh
Truyện
08:00 | 05/11/2024
Baovannghe.vn- Chiến tranh. Tôi cứ nghĩ, không bao giờ tôi và Trần Đức Hinh còn có thể gặp lại. Nhưng rồi bất ngờ, số phận đã gắn chúng tôi lại với nhau trong mọi khúc quanh, khúc thẳng của cuộc đời.
aa

- Báo cáo thủ trưởng! Thủ trưởng em mời thủ trưởng sang xơi cơm.

Một cậu lính trẻ măng đứng nghiêm trước cửa nhìn tôi cười, lễ phép. Tôi ngỡ ngàng. Và phải mất vài giây sau tôi mới nhận ra câu báo cáo đó chính là dành cho mình. Hóa ra lính của cậu Hải - Trần Đông Hải, trưởng khu công trình đảo Trường Sa Lớn mời tôi sang ăn cơm.

Phải thú thật là cái câu báo cáo lễ phép ấy đã làm tôi vừa bất ngờ, vừa thú vị. Tôi từng là phóng viên một tờ báo nhỏ ở Phú Yên về hưu, trong nghề ngoại trừ có đôi lúc được cơm bưng nước rót của những doanh nghiệp hiếu khách trong tổng kết mừng công, còn lại là hầu hết đều phải nhũn nhặn, thuyết phục sao cho êm xuôi để thu nhặt thông tin cho đầy bài viết, có khi nào lại được gọi là thủ trưởng một cách cung kính, lịch sự như lúc này. Nhưng cái vui lớn hơn chính là nguyên cớ của câu báo cáo. Sáng nay, tôi vừa gặp Hải, con trai của người đồng đội thân thiết, là thủ trưởng của đám lính trẻ này sau hơn chục năm xa cách.

Người Vũng Rô. Truyện ngắn dự thi của An Bình Minh
Minh họa Ngô Xuân Khôi

*

Chiến tranh. Tôi cứ nghĩ, không bao giờ tôi và Trần Đức Hinh còn có thể gặp lại. Nhưng rồi bất ngờ, số phận đã gắn chúng tôi lại với nhau trong mọi khúc quanh, khúc thẳng của cuộc đời.

Đó là cái hôm vợ chồng tôi cãi nhau. Thì cũng vẫn là cái cuộc cãi vã vặt vãnh của một gia đình nghèo sống trong ở thời buổi người khôn của khó trong những ngày đầu hòa bình. Vợ tôi là con gái của một cán bộ tập kết quê ở Phú Yên. Tôi là trai Hà Nội phục viên. Sau lễ cưới, theo gia đình nhà vợ hồi hương, hai vợ chồng tôi được ở trong căn nhà sáu mươi mét vuông có sân trước sân sau ngay giữa lòng thị xã Tuy Hòa, nguyên là “chiến lợi phẩm” của bố vợ tôi sau những năm chiến tranh xa quê. Đó quả là một thuận lợi mà các đồng đội của tôi dẫu có ngủ mơ cũng không bao giờ thấy được.

Đúng lúc ấy thì Hinh xuất hiện. Như từ trên trời rơi xuống, anh đứng dạng chân giữa cửa với bộ điệu quắc thước ngang tàng lấp kín toàn bộ ánh sáng trong phòng khách nhà tôi. Hinh vẫn như xưa, đen gầy, hai mắt sâu hoắm, một vai anh quàng chiếc ba lô xộc xệch đích thị phong cách của một lính chiến phục viên. Như một người vẫn thường đến nhà tôi nhiều lần, anh đùa giỡn, quát: “Thôi. Tôi can. Xin ông bà tám bỏ làm mười cho. Ha ha…”

Cũng vì cái giọng quát như Trương Phi, nhưng lại pha lẫn điệu cười ấy mà tôi chỉ ngỡ ngàng đúng ba giây đã nhận ngay ra anh. Rồi khỏi nói, chúng tôi lao vào nhau, ôm chầm lấy nhau, hai tay sờ nắn khắp cơ thể để cảm nhận sự lành lặn của bạn mình, thử xem có chỗ nào đó thiếu hụt mà chiến tranh đã lấy đi mất không.

- Đây. Ngon lành. Phải mỗi tội…

Nói rồi chẳng cần ý tứ, Hinh kéo áo tuốt lên hai vai để lộ ra một thân hình loang lổ những mảng vằn vện cổ quái hệt như hình xăm trổ của tay anh chị. Tôi lặng người, còn vợ tôi thì kêu lên hoảng hốt. Phúc tổ được Trời Phật thương. Ngon lành thật - tôi nghĩ. Cháy xém gần như toàn thân mà khuôn mặt vẫn nguyên vẹn, mắt xếch, sống mũi dọc dừa, râu quai nón chạy từ hai bên chân tóc mai phủ xuống kín cằm, khiến cho trăm thằng đàn ông ganh tị mơ ước.

Tôi và Hinh là trai Hà Nội cùng nhập ngũ một ngày. Rồi cùng kéo pháo lên Quảng Ninh đánh nhau với máy bay Mỹ những trận nảy lửa trong suốt thời gian đầu của chiến dịch “Sấm Rền”. Vừa lúc quen quen với bầu trời xanh thẳm, với những đường bay của giặc lái Mỹ tập kích từ biển vào các yếu địa của vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc thì Hinh được điều đi công tác bí mật. Công tác bí mật hồi ấy chỉ có thể là đi B - vào Nam chiến đấu. Chuyện này với Hinh thì gần đúng. Chả là, trước khi đi bộ đội anh có nghề trung cấp máy tàu thủy, nên bây giờ anh được điều vào lữ đoàn tàu “không số” chở vũ khí vào Nam.

Theo dòng kể vắn tắt của Hinh thì… đi trên biển cũng giống như đi trong rừng thẳm. Biển cũng có những lối mòn giữa những con sóng lớn che chở cho tàu thuyền. Và biển mênh mông nên cũng có những vùng trống, bãi hoang mà kẻ thù không thể bao quát, dòm ngó được. Thế nên mới gọi là “đường Hồ Chí Minh trên biển”… Là lính, không ai thích kể khổ, nên Hinh chỉ nói sơ qua, nhưng tôi biết nhiều về tàu “không số” hơn thế, nhất là những hiểm nguy gian khổ, những chuyến ra đi mà không trở về. Mười lăm năm đi trên biển không hải đồ, không thiết bị định vị hiện đại, đã có hơn 1.900 chuyến tàu “không số” huyền thoại, chuyên chở tổng cộng hơn 150 nghìn tấn vũ khí, đạn dược, thuốc chữa bệnh… vào miền Nam, rải khắp từ Đà Nẵng vào đến tận Cà Mau; trong đó đã có 19 tàu phải chiến đấu trong tình huống trứng chọi đá hoặc cuối cùng phải nổ mìn, thủy thủ hi sinh cùng con tàu, không để tàu lọt vào tay kẻ thù. Trong những tình huống tử huyệt đó, 76 người đã hi sinh nằm lại vĩnh viễn nơi đáy biển.

Giống như các tàu không số khác, con tàu của Hinh và các đồng đội cũng phải cải trang giả dạng ngư dân ở vùng biển miền Trung - Quảng Nam, Đà Nẵng luồn lách theo con sóng và bãi trống lúc bơi giữa lộng, lúc trong khơi, lênh đênh trên biển chở vũ khí vào Nam. Sau ba chuyến tàu đến đích và quay về trót lọt - chuyến đầu cập bến bãi biển An Thổ trống trải ở Quảng Ngãi, hai chuyến sau xuống bến cuối tận Vàm Lũng, Cà Mau kín đáo, đến chuyến thứ ba, tàu của Hinh và đồng đội được lệnh quay ra Bắc, thay tàu lớn do Liên Xô viện trợ chở gần 70 tấn vũ khí chạy ra vùng biển quốc tế rồi quay vào hải phận Việt Nam để cập bến Vũng Rô.

Vũng Rô là một cảng bí mật được thành lập năm một chín sáu tư để tiếp nhận vũ khí chi viện cho chiến trường Khu 5 và Tây Nguyên. Là bến nước sâu, Vũng Rô có đáy biển bằng phẳng, sóng êm với độ sâu gần hai mươi mét, đạt điều kiện lí tưởng cho những con tàu ngàn tấn neo đậu. Cầu cảng có tên là Bãi Chính được lắp ghép bằng gỗ cho tàu cập mạn nằm sát vách núi kín đáo, thuận tiện cho việc bốc dỡ hàng hóa từ tàu xuống bến và chuyển lên nơi tập kết được an toàn. Cảng có vị trí rất đắc địa được bao bọc bởi các dãy núi đá lớn cùng rừng già với nhiều hang động và gộp đá đủ để làm nơi tập kết cất giấu vũ khí. Đồng thời cũng tại đây còn có nhiều tuyến hành lang an toàn lên căn cứ Phú Yên và tiếp nối với các tỉnh Tây Nguyên. Kể từ khi thành lập đến lúc tàu của Hinh cập bến, Vũng Rô đã đón được 3 chuyến tàu “không số”, tiếp nhận và vận chuyển hơn 100 tấn vũ khí lên bờ cất giấu, cũng như hộ tống đưa đến các vùng chiến được an toàn.

Đúng hẹn, 2 giờ sáng đêm ấy, con tàu “không số” của anh em Hinh vào đến cửa biển Vũng Rô giảm tốc bật ám hiệu. Chỉ nửa phút sau, một chiếc ghe chài gắn máy như từ dưới biển ngoi lên, bật đèn rùa làm hoa tiêu dẫn tàu vào cầu cảng nước sâu Bãi Chính. Một sự phối hợp nhịp nhàng hơn cả cuộc hợp đồng tác chiến thành thục âm thầm trong đêm tối đã hoàn thành các công đoạn bốc xếp từ hầm tàu lên boong, từ boong tàu xuống thuyền và cập bờ chuyển lên các gộp đá tập kết, nhanh gọn như một băng chuyền được điều khiển bằng thiết bị tối tân hiện đại.

Nhưng khi tàu vừa hoàn thành công đoạn phức tạp, nặng nhọc ấy thì phía cửa biển Vũng Rô pháo sáng bắn trắng trời. Không có phương tiện thiết bị quan sát thì cũng hiểu, ngoài kia địch đã bịt kín cửa biển hòng “bắt sống” con tàu đem về “triển lãm chiến tích” và “tố cáo Bắc Việt”… Một phương án tác chiến quyết tử đã được định sẵn, thuyền trưởng cùng Hinh và bốn đồng đội nổ máy tức tốc lao tàu ra biển chấp nhận đối đầu chiến đấu trong thế trận một phần nghìn tia hi vọng, đồng thời sẵn sàng cho nổ mìn đánh tan con tàu.

Mìn nổ. Thuyền trưởng và bốn đồng đội hi sinh. Riêng Hinh số đời hi hữu, nhờ được sóng biển và sức ép từ nổ mìn đẩy anh trôi dạt vào bờ. Hinh sẽ chết nếu như không có một phép tiên. Hải Thu - một cô bé tuổi đầu trung học đệ nhị cấp đã nhìn thấy anh, toàn thân cháy xém, thoi thóp tả tơi nằm lẫn trong đám rong rêu giữa mấy hòn đá bóng lưỡng to như trâu đằm sát mép nước. Thu hét lên gọi cha - ông Huỳnh đang thăm lưới giăng cá nhỏ ven bờ ở gần đó chạy đến đưa anh lên núi. Ngay sau đó, ông Huỳnh kín đáo luồn rừng tìm đường vác Hinh về nhà đốt lửa hâm nóng thân nhiệt sơ cứu. Đêm sau, ông bí mật chuyển anh lên quê vợ ở Gia Lai nhờ một thày lang người dân tộc giỏi nghề chữa bỏng điều trị. Vợ ông và bé Thu thỉnh thoảng lại lấy cớ về quê ngoại để thăm nom, tiếp tế gạo nước nhu yếu phẩm. Vết thương của Hinh phải chữa trị từng phần, quan trọng nhất là không được để tình trạng vết bỏng bị nhiễm trùng lây lan lâu dần khiến chân tay bị co quắp, bệnh nhân sẽ thương tật suốt đời. Chữa trị vết thương bỏng là một trong các thủ thuật rất nan giải, hiểm nghèo bởi đồng thời với việc chữa lành là phải nuôi dưỡng tái tạo từng vùng da nhỏ. “Da lành không phải chỉ là để cho đẹp. Mà nó chính là lớp lá chắn bảo vệ cho đàn gân xương bên trong.” Ông thày lang dặn dò nôm na như vậy với mẹ con Hải Thu.

Việc chữa trị từ khi Hinh nằm bệt đến lúc vịn tường tập đi từng bước kéo dài mấy năm liền. Đến khi Hinh khỏi bệnh lành lặn, đi đứng nhanh nhẹn thì cũng là lúc hòa bình, từ Bắc vô Nam nối liền nắm tay cũng vừa đến. Chả hiểu có phải vì niềm vui chung lan tỏa, hay vì duyên trời se mà em Thu thỉnh thoảng theo mẹ lên chăm người bệnh rồi sinh lòng yêu mến anh bộ đội đẹp trai hiền lành. Họ vợ nên chồng. Cưới nhau xong, vợ chồng Thu - Hinh ở lại Gia Lai, sẵn ngôi nhà rộng rãi, đất đồi của họ hàng nhượng lại, “bán như cho”, chuột sa chĩnh gạo cũng chỉ đến thế là cùng.

Ở Gia Lai làm ăn yên phận, ba năm sau Hinh trở ra Hà Nội vào đơn vị xác minh hồ sơ và các chế độ của “liệt sĩ trở về”. Tại đây anh đã tìm đến gia đình bố mẹ tôi, biết được hành trình “trai theo vợ” của tôi… để rồi ngang tàng đứng sấp bóng ở cửa nhà tôi mà hòa giải cuộc cãi vã hôm ấy… Rồi khi cơn sóng lừng của vợ chồng tôi tan biến dưới trời xanh thăm thẳm của thị xã Tuy Hòa thì câu chuyện của chúng tôi chuyển vào hồi kết với câu nói của anh trùng khớp với ý nghĩ của tôi: “Hóa ra thế quái nào mà hai thằng Hà Nội lại cùng lấy được vợ Phú Yên. Chắc cái số mày ạ.”

Sau lần gặp gỡ đầu tiên ấy, năm nào chúng tôi cũng qua lại nhà nhau. Gia đình Hinh an cư lập nghiệp trên mảnh đất đồi trù phú, vỡ đất trồng cà phê trúng mùa liền ba vụ, lại được bán trong lúc “thương lái nước ngoài đổ dồn vào Việt Nam vét hàng với giá trên trời”, nên vợ chồng rủng rỉnh hầu bao. Cũng vì thế mà mỗi lần đến nhà tôi, Hinh lại như một nhà trang trí nội thất sành điệu, ngó nghiêng đo đếm để tài trợ vài thứ đồ dùng gia dụng thiết yếu cứu gia đình tôi hẳn “một bàn thua trông thấy”. Lần sau cùng cách nay hai năm, vẫn là Hinh chỉ nhìn lướt qua rồi phán:

- Cái giường này tã quá. Nhún ba nhát sập. Thay cái khác. Ti vi cát sét thì được nhưng phải điều thêm cái bàn học cho con dâu tương lai của tao. Bây giờ chúng không thể như mình ngày xưa, nằm bò trên giường mà học được.

Bẵng đi hơn một năm sau đó không thấy Hinh đâu. Tôi đang định lên Gia Lai thăm anh thì Thu - vợ Hinh đột ngột xuất hiện với dáng vẻ hoảng hốt khiến tôi nghĩ dại chuyện chẳng lành. Thu mếu máo, tội nghiệp:

- Bác lên ngay khuyên chồng em. Khổ lắm, làm sao mà cầm gậy chống trời được. Em van lạy đủ điều, anh ấy không nghe, lại còn nói gở. Thần chết đã chê anh ở Vũng Rô rồi thì chẳng thằng nào động vào anh được.

Ngay chiều hôm đó, tôi tức tốc bám xe đò lên gặp Hinh. Thì ra Hinh đang một mình chống lâm tặc. Suốt mấy năm qua, huyện của anh liên miên xảy ra các vụ phá rừng. Di dân tự do ở phía Bắc vào khiến cho lâm tặc mượn gió bẻ măng, ngang nhiên mang cả xe reo, cưa vòng vào phá rừng cướp gỗ. Ác một nỗi là việc “mở cửa rừng” tiếp tay cho lâm tặc lại là mấy tay ủy ban xã, móc nối với một vài cán bộ huyện. Hinh biết chuyện này, nhưng sẵn máu chính trực quả cảm của người lính, anh âm thầm tập hợp chứng cứ, phát đơn tố cáo.

Đơn lên huyện, lòng vòng một vài nơi rồi lại quay về xã. Bọn lâm tặc không lạ gì người tố cáo chính là Hinh. Chúng mớm lời đe dọa nhưng anh không chuyển, tiếp tục theo đuổi vụ việc. Cuối cùng chúng đã phi một lưỡi lê Mỹ cắm vào cây hoa ngọc lan trước sân nhà Hinh để thị uy, đe dọa. Mặc. Hinh không ngán. Anh vẫn để nguyên lưỡi dao cắm ngập trên thân cây như một tín hiệu nhận thách đố.

Xế chiều, tôi đến nhà Hinh. Vừa đặt chân vào bậc cửa, chưa kịp hỏi han nói năng câu gì thì Hinh đã bảo:

- Vợ tao cầu cứu mày phải không? Mày đừng nói gì sất. Tao không nghe đâu. Không sợ. Bọn mình từng là người lính mà.

Cái từ “Người Lính” là trai Hà Nội chúng tôi nhiễm từ hồi xem các bộ phim về hồng quân Liên Xô trong chiến tranh vệ quốc. Nó linh thiêng, cao cả theo chúng tôi vào bộ đội trong suốt những năm chiến tranh. Bởi vậy, khi nghe Hinh nói thế thì tôi hiểu mọi lời khuyên của tôi theo chiều hướng nào đó cũng vô nghĩa.

Rồi Hinh kéo tôi vào nhà thì thầm vắn tắt cái kế hoạch lên tỉnh kiện và nếu cần thì ra cả trung ương. Anh bảo: “Trồng cà phê mấy năm tao đã tích cóp được đủ tiền cho tàu xe, lưu trú. Không lo.” Tôi ngồi nghe. Không nói được câu gì đã đành, nhưng vẫn phải ậm ừ để giấu đi nỗi thất vọng về cái tiên đoán kết cục “kiện củ khoai” vô nghĩa của Hinh. Dường như Hinh cảm nhận được tôi nghĩ gì, nên anh kết thúc câu chuyện:

- Thôi mày về đi. Có gì tao báo. Quanh đây đều có tai mắt của tụi nó cả. Mày đến thế này là bất lợi.

Tôi về. Cả một tháng lòng nóng như lửa đốt.

Rồi linh tính mà tôi thấp thỏm lo âu… cũng đến. Hinh vừa nộp đơn lên tỉnh, đang định ra trung ương để cấp tập dội pháo tầm xa đánh “vu hồi” thì có trát của tòa án nhân dân huyện. Phiên tòa hình sự xét xử Hinh với nhiều oan khuất tức tưởi, nhưng nhờ có tình tiết giảm nhẹ, anh bị kết án 36 tháng tù vì tội vu khống. Phần mình, tôi cứ ân hận mãi, không biết có phải vì sự xuất hiện của mình chiều hôm đó ở nhà Hinh đã khiến bọn lâm tặc ra tay trước hay không.

… Nhưng rồi Trời có mắt. Hinh thụ án được nửa năm thì vụ án phá rừng bị phanh phui. Với dư luận của nhân dân trong xã và lòng tốt của thẩm phán, một phiên tòa tái thẩm đã được tổ chức. Hinh được trắng án, phục hồi công dân và được thông báo công khai tại hội trường ủy ban xã. Ngay sau đó, vợ chồng anh và thằng Hải 5 tuổi kéo nhau xuống quê cha ở cao nguyên Vân Sơn phía Tây tỉnh Phú Yên, nơi có mạch nước ngầm huyền bí đã cho cây cối xanh tốt quanh năm để định cư lâu dài. Kể từ đấy, tôi và Hinh hai thằng trai Hà Nội lấy vợ Phú Yên sống những ngày đầm ấm của đời cựu chiến binh dư âm khúc quân hành.

*

Tôi và Hải ngồi bên nhau trong những phút hiếm hoi ở Trường Sa Lớn để nghe kể về nghề công binh hải quân. Có lẽ đó là nghề cực nhọc nhất của lính hải quân xây dựng công trình trên biển. Nào là xi măng, cát sỏi, sắt thép và cả nước ngọt để trộn bê tông..., tất tật đều phải chở ra từ đất liền. Rồi từng người phải bốc vác đi chông chênh giữa sóng gió trên cầu cốp pha tròng trành như diễn xiếc, không khéo léo dẻo dai có thể ngã lộn nhào bất cứ lúc nào. Mùa gió bão năm ngoái do phải chạy đua tiến độ đã có chiến sĩ ngã dập lá lách phải nằm lại ở đảo, vài ba năm nữa mới bốc về nghĩa trang liệt sĩ ở quê nhà.

Thực ra những căng thẳng của chúng cháu bây giờ so với bố cháu và các chú thuở xưa chắc không thấm vào đâu. Nói bảo lí luận nhưng cháu nghĩ chính Vũng Rô muôn thuở đã cho chúng cháu sức sống để trụ vững và hoàn thành nhiệm vụ.

Rồi Hải kể. Năm thi đỗ vào quân đội, điểm của Hải cao lắm, có thể cầm chắc vào ngành xây dựng bách khoa, để mai kia ra nghề đi xây dựng công trình dân dụng. Chẳng nói đâu xa, Tuy Hòa của anh đã lên thành phố với các dự án đang chuyển động từng ngày. Nhưng khi biết tin anh trúng tuyển vào kĩ thuật quân sự, bố anh mừng lắm. Ông chỉ nói ngắn gọn, không phải đơn giản mà ông đặt tên cho anh là Trần Đông Hải.

Chúng tôi ngồi bên nhau trên bờ kè bê tông phía sau là rặng phong ba đang nở những chùm hoa trắng ngà phảng phất mùi thơm nồng ấm quện hương vào gió mênh mang. Biển về đêm sao giăng chi chít, những ngôi sao lung linh huyền diệu như sà xuống thấp tưởng chỉ với tay là có thể chạm vào được. Mặt biển mùa này phẳng lặng, dịu êm, bất giác tôi mơ mộng thì thầm như thời trai trẻ: “Biển đêm nay lặng sóng giống hồi ở Vũng Rô. Cháu nhỉ.”

- Dạ…

Tiếng Hải đáp xa xăm như vọng từ nỗi nhớ quê nhà. Vũng Rô.

Vỏ lạc đỏ. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hà SG Mùa cỏ đắng. Truyện ngắn dự thi của Trang Thụy Mây xanh từ quá vãng. Truyện ngắn dự thi của Nhụy Nguyên Đọc truyện: Thành hoàng hồi hương. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hằng Đất ao. Truyện ngắn dự thi của Đào Quốc Vịnh
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.