1. Nghe cây
- Cái cây này hỏng rồi. Nhìn xanh tốt thế thôi nhưng chỉ một trận bão là gãy đổ.
An thong thả nói, chẳng buồn để ý đến sự nghi hoặc dâng đầy trong mắt Loan. Anh sải bước đến cạnh cây keo cổ thụ, bước đi dài trên đôi chân thon, vững chãi. Khuôn mặt thanh tú, xương gầy áp vào thân cây, bàn tay vỗ bồm bộp, đôi mắt nhắm lại, như đang trò chuyện, lắng nghe điều gì đó. Đôi môi mỏng hồng nhạt hơi nhếch lên:
- Bên trong sâu đục ruỗng cả. Nếu tinh tai, cô có thể nghe thấy điều đó.
Loan hững hờ hỏi:
- Cậu nghe được cỏ cây, hay nói chuyện được với nó?
An như chẳng để ý tới sự mỉa mai trong câu hỏi của Loan. Anh tiến lại phía cô, cách hơn 1m thì dừng lại, nhìn sâu vào mắt Loan, từ tốn:
- Có những người bên ngoài luôn toát ra vẻ xinh đẹp, mạnh khỏe, nhưng bên trong đã héo úa từ lâu. Cây cũng thế thôi, đừng để đôi mắt đánh lừa, chỉ cần học cách lắng nghe, cảm nhận.
Loan bối rối, vừa bởi ánh mắt sâu thẳm của An, vừa bởi câu nói như bóc trần mọi thứ. Cô im lặng đi xuống đồi, An lặng thinh đi sau, duy trì khoảng cách 1m. Đến lúc Loan lên ô tô về lại Hà Nội, cô nhận ra mình chưa cho An một câu trả lời.
Trong bữa cơm tối, Loan hỏi chồng:
- Theo anh, mình nên chọn thuê một cậu thanh niên trẻ khỏe, có bằng kỹ sư nông nghiệp hay chọn ông nông dân nhà gần Đồi Trăng trông coi, làm vườn luôn?
Dũng chan canh, uể oải nhai, không ngước mắt lên nhìn vợ:
- Em thấy ai hợp ý em hơn thì chọn.
Loan không kể chuyện cái cây, cô không muốn nhắc lại câu ví von của An ban chiều. Nhưng Loan không dừng được việc nói về những ứng viên, theo thói quen từ trước tới nay, huyên thuyên mọi thứ với chồng.
- Ông nông dân được cái gần đồi, ông ấy biết thổ nhưỡng, quen thời tiết, nhìn lại chịu khó. Nếu thiếu vật dụng gì, ông ấy cũng có thể về nhà cầm sang. Có điều, dễ sinh tính ỷ lại, mình không ở đó trông coi, lúc nào ông ta có việc gì lại chạy về nhà. Sáng ngủ dậy tà tà ăn mì, trưa tạt qua làm đôi bát cơm rồi đánh một giấc, chiều xâm xẩm lại đi đón cháu. Đồi có quả nào ông ta vặt hết về nhà, mình cũng không quản được.
Cậu trai kia tình nguyện ở lại đồi, lại có kiến thức nhưng đàn ông như chim ấy, mỏi thì dừng, chán lại bay, chẳng biết có được dăm bữa nửa tháng không. Trên đồi buồn như vậy. Chưa kể có vẻ hiếu thắng nữa...
Loan ngẩng đầu lên, chồng cô đã đặt tăm xuống, đi ra bàn uống nước. Đồ ăn trên mâm còn thừa hơn nửa. Loan thở dài đứng dậy, mang bát đũa ra bồn rửa.
Hai hôm liền Hà Nội mưa. Ở vùng núi ảnh hưởng của bão càng lớn. Lúc bão tan, Loan tức tốc tự lái xe hơn 30 km về vùng Đồng Dâu, Thạch Thất. Con đường vào làng ngập ngụa bùn đất. Loan bỏ xe ở đầu làng, đi ủng, leo gần 1 km mới đến quả đồi nàng mua. Đống hoa mẫu đơn mới trồng đổ rạp, những hạt hoa mới gieo chắc cũng trôi tuột không còn một mống. Cây keo cô đơn cổ thụ xanh tươi trên đỉnh, ngày nào Loan còn tính chuyện làm một bàn trà thưởng nguyệt bên dưới tán nó, nay gẫy ngang thân đổ gục, nửa thân trơ ra rỗng tuếch đầy nước. Một con nhái nhảy qua rơi tõm xuống, nước bắn cả ra ngoài. Đồi Trăng giờ chẳng khác nào cô gái bị thổi bay mái tóc giả, trơ ra cái đầu trọc lốc, đầy vết mụn nhọt thảm thương.
Tối đó, Loan tìm lại số An, gọi hẹn An ngày mai lên Đồi Trăng, ký hợp đồng, chính thức làm việc.
2. Đồi Trăng
Chồng Loan không tháo vát như vậy. Anh là nhà văn, nhà báo, đầu toàn thơ ca, chữ nghĩa, không dành cho những thứ phàm tục. Với anh, có tiền đủ sống là may mắn lắm rồi. Dũng bảo, người ta chỉ nên vừa đủ sống, để có động lực luôn phải làm việc, để không sinh hư, tàn phá chính mình và tàn phá thiên nhiên. Có điều, Dũng không bao giờ cản Loan. Khi Loan thông báo mua Đồi Trăng, Dũng thở dài nói với vợ:
- Cả quả đồi hơn 1 tỷ, em gom hết tiền nhà, bán vàng hồi môn được 700 triệu, giờ vay nóng nửa tỷ lấy đồi rồi lại thế chấp đồi cho ngân hàng đập vào, mỗi tháng tự nhiên gánh một món tiền lãi. Chưa kể không biết bao giờ đất lên giá...
Loan đánh gãy câu nói của chồng:
- Cái Hương bạn em mua quả đồi lớn ngay cạnh hơn 2 tỷ, đáng ra nó định mua luôn cả hai suất nhưng muốn tạo điều kiện cho mình. Nó bảo chả mấy tăng gấp đôi, gấp ba. Có ai làm ăn mà không vay nợ đâu. Tiền để đấy ngày càng mất giá, chứng khoán thì như chơi với lửa, nay tăng mai thủng đáy, bao người nhảy lầu, vàng thì bấp bênh, chênh với quốc tế cả chục triệu. Mình cũng phải tính chứ dựa vào mấy đồng lương của em và anh, lúc khỏe không sao, ốm đau biết thế nào.
Như mọi lần tranh cãi, bao giờ Dũng cũng để cho Loan thắng. Tối đó, anh ở trong phòng làm việc đến hơn 2h sáng.
Thầy bói bảo số Loan lận đận. Vốn tính mua nhanh, bán gọn, mà Covid ập đến, trở tay không kịp. Sau gần một năm, mọi thứ dần gượng dậy, nhưng để bán một món lớn không đơn giản. Mỗi tháng trả lãi Loan đều như cứa từng khúc ruột. Hương trường vốn nên bình chân như vại, mỗi lần Loan kêu gào lại khuyên bình tĩnh, bán giờ cắt lỗ, mấy nữa đất lên lại tiếc. Thấy Loan như lửa cháy đến mông, Hương khuyên hay đầu tư làm homestay, điểm checkin du lịch cho giới trẻ, vừa thu được tiền vừa dễ cho việc mua bán. Chịu khó bỏ ít kinh phí cải tạo rồi chạy quảng cáo, sau này mỗi ngày thu vài triệu, có khi cả chục triệu. Đúng là người làm kinh doanh đầu óc nhảy số nhanh hơn bình thường.
Mấy tuần liền, Loan hăng say lên mạng tìm hiểu về các homestay, tham gia các hội nhóm học hỏi kinh nghiệm. Cô thuê lão nông trong làng phát quang quả đồi, chỉ để lại cây keo cô đơn trên đỉnh, mua một đống cây, hạt giống về giao cho ông. Có điều, người đàn ông quanh năm trồng lúa và ngô, không biết làm thế nào để trồng hồng và mẫu đơn cho nghệ thuật theo ý bà chủ. Trông nó như một khoảng ruộng rúm ró, xộc xệch chẳng có nửa phần thi vị.
Chán nản, Loan lên nhóm Bỏ Phố Về Rừng trên facebook, xin lời khuyên của các hội viên. An inbox cô, nói có thể giúp cô thiết kế lại cả quả đồi, biến nó thành nơi tiên cảnh. An chụp cho Loan cả bằng kỹ sư Nông nghiệp. Loan bảo, cô không có nhiều tiền, chỉ có thể trả 8 triệu/ tháng. An gửi hình mặt cười kèm dòng trả lời: Không vấn đề gì, chỉ cần chị chuẩn bị cho tôi một chỗ ở, gạo nước mắm muối đầy đủ.
Loan vốn thắc mắc, một kỹ sư kiếm đâu chả được việc, chạy grab ở Hà Nội còn được hơn hai chục triệu, lựa chọn về nơi xó xỉnh nghe cóc nhái kêu hẳn có vấn đề. Hôm gặp mặt, lòng hoài nghi của cô càng lớn. Vì An quá đẹp, hơi gầy, trắng xanh, vài sợi râu lún phún nhưng không che được ngũ quan sắc nét, cơ thể cân đối, cao ráo đầy phong trần trong chiếc quần jean rách và chiếc áo phông bạc màu. Lúc nói chuyện trên facebook, vì An để avatar là một bông hoa sen màu đen, nên Loan không để tâm. Ảnh trên bằng tốt nghiệp mờ tịt, Loan chỉ nhớ mang máng tốt nghiệp loại khá, kém cô 3 tuổi.
Nếu không có trận bão làm đổ cây keo trên đỉnh đồi Trăng, Loan không định gọi lại cho An. Lần gặp lại dưới chân đồi, An khoác chiếc túi du lịch cũ, hành trang coi vẻ chẳng nhiều nhặn gì, nắng chiều đổ thành một bóng dài, như bóng cây keo cô đơn hôm nào. Loan bỗng nghĩ, phải chăng, câu nói “những người bên ngoài toát ra vẻ xinh đẹp, mạnh khỏe nhưng bên trong đã héo úa từ lâu” - là câu An nói về chính mình.
3. Vọng Nguyệt
Có lần, Loan hỏi An, sao lại nhận công việc này, An bảo:
- Tôi hay xem các hội nhóm liên quan đến công việc, sở thích của mình. Tôi cũng ước một ngày nào đó, có một mảnh đất tùy ý trồng cây. Khi thấy chị đăng về Đồi Trăng, tôi biết nó là nơi tôi cần đến. Sao chị lại gọi nó là Đồi Trăng?
- Chủ cũ ở đây đặt vậy. Người ta bảo, đến mùa trăng, đứng ở đây là sáng nhất, rõ nhất. Chắc vì đây là nơi cao nhất vùng - Loan giải thích. Cậu đi như vậy, bố mẹ cậu cũng đồng ý à? - Loan hỏi thêm.
- Tôi không có bố mẹ, tôi lớn lên ở chùa. Trụ trì bảo, một sáng mùa hè, nghe tiếng trẻ khóc lớn ngoài cửa chùa, ra thấy có thằng bé đỏ hỏn bọc tã sơ sài để trong làn, có mảnh giấy nguệch ngoạc viết: Tôi 17 tuổi, trót dại, giờ không nuôi nổi con, bố mẹ không chấp nhận. Mong nhà chùa cưu mang.
Trụ trì từ bi nuôi dạy tôi, cho tôi đi học, đặt tên là Bình An, mong tôi sau này cả đời bình an.
- Sau này cậu có đi tìm bố mẹ không?
- Không. Cũng chẳng biết đâu mà tìm. Có duyên ắt gặp lại.
- Vậy sao cậu không ở chùa nữa?
- Năm tôi 15 tuổi, có một cô gái theo cha lên chùa cúng dường. Chúng tôi hay viết thư cho nhau. Cô ấy thi Đại học Nông nghiệp để sau này ra trường bố cô ấy dễ xin việc cho, tôi cũng nộp đơn theo. Chúng tôi yêu nhau âm thầm 4 năm đại học, khi ra trường, tôi về chùa xin phép hoàn tục, trụ trì chỉ thở dài, lúc tôi đi không nhìn một lần nào.
Ngày trụ trì mất, tôi không về. Người ở chùa có gọi cho tôi nhưng tôi đang chìm trong cơn say điên dại. Hôm đó cũng là ngày người yêu tôi đi lấy chồng. Không phải lỗi của cô ấy. Bố cô ấy làm địa chính, câu kết với người ta bán rẻ đất đai, vụ việc sắp bị khui ra, cô ấy phải lấy con chủ tịch huyện để có người bưng bít hộ. Chỉ trách tôi, ngoài tình yêu không có gì ngoài đôi bàn tay trắng. Đúng lúc tôi lang thang không biết bấu víu vào đâu thì thấy Đồi Trăng của chị. Chắc cũng là duyên.
- Cậu thực sự không trách cô ấy sao?
- Không. Yêu là từ bi. Trịnh Công Sơn chẳng từng viết: Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ. Tình yêu thực sự là phải đặt người ta trên bản thân mình, mong người ta hạnh phúc, vợi bớt đi những đau khổ muộn phiền chứ không phải là những chấp niệm oán hận, trách móc. Có lẽ duyên của chúng tôi đã hết.
Loan bật cười:
- Cậu nói như ông cụ non. Duyên đến do trời nhưng giữ duyên do người. Nếu thực sự nghĩ có duyên với nhau, thì phải cố nắm lấy, không thể ngồi im nhìn nó mất đi rồi đổ cho ý trời được.
An im lặng, chiêu nốt ngụm trà, đứng dậy ra cuốc đất, nơi cây keo đổ hôm nào. Lưng trần vạm vỡ đổ sang màu mật ong, sáng bóng dưới ánh chiều. Từng giọt mồ hôi lăn trên đó như mạ vàng lấp lánh. Mái đầu đinh ngày lên đồi giờ đã dài gần chấm vai, lười không cắt, được túm cao trên đỉnh đầu. Loan mải mê như nhìn một bức tranh sơn mài, cho đến khi nghe tiếng An vọng lại:
- Chỗ này, theo tôi chị nên cải tạo thành một cái đình, để chơi cờ, thưởng trăng, đặt là Đình Vọng Nguyệt.
4. Trung Thu
Loan thực sự coi An là duyên trời sắp đặt cho Đồi Trăng. Chỉ mấy tháng dưới tay An, Đồi Trăng đã lột xác hoàn toàn. Đường lên đồi lát đá phiến xám, hai bên là cỏ hồng. Những cây hồng ăn quả vào mùa bắt đầu ửng đỏ như má giai nhân đa tình. Hoa lê nở sớm bung những nụ trắng kiều diễm. Mẫu đơn dẫn lối đỏ rực đan xem hoa bướm vàng chấp chới như sắp bay lên trời. Núi đổ từ trên xuống róc rách, ngân nga bản nhạc thiên nhiên bất tận. Lưng chừng đồi là khoảng không lớn làm Đài Tiên Tửu, trên kết đèn hoa, dưới xếp những hàng bàn ghế nhỏ, chiều có thể nướng gà đồi, tối có thể mở rạp chiếu phim lưu động. Men theo con đường hoa hồng lên đến đỉnh là Đình Vọng Nguyệt ngói đỏ rực rỡ, giữa là bàn đá trắng đặt bộ cờ tiên, ghế băng gỗ dài được làm mộc từ chính ngọn keo đổ, xù xì đầy phong vị. Từ việc chọn cây, thuê người chở những gốc lê, hồng hàng chục tuổi trên miền núi cao phía Bắc xuống, đến chuyện nhân giống cỏ hồng, chăm hồng Sapa... An đều một tay làm, thuê thêm lão nông gần đồi. Việc Loan có thể làm là chi tiền, và ngắm hoa.
Giữa thu, gió đồi hun hút, váy hoa bay tung lên, Loan vô thức ôm chặt hai tay trước cảm giác gai lạnh. An vẫn quần kaki bạc, cởi trần cầm vòi nước nhẹ nhàng tưới cho cụm hồng Sapa đang bung nở rực rỡ. Loan say ngắm, buột miệng:
- Đẹp quá!
Loan nói nhỏ ở cuối gió, chẳng hiểu An có nghe thấy không. An cúi xuống, ngắt bỏ bông tàn, thốt lên:
- Hoa dẫu đẹp đến mấy cũng không tươi bằng một nụ cười.
An nói vừa đủ nghe, gió đưa chất giọng trầm ấm truyền đến, quấn quýt bên tai Loan.
Lúc đi ngang qua cây hồng, An dướn người, với quả hồng chín đỏ trên cao, đưa cho Loan:
- Chị thử xem, hồng đầu mùa chị là người xứng đáng thử nhất đấy.
Rồi ngâm nga:
Một năm có lắm là ngày/ Mùa thu mùa cốm vào ngay mùa hồng.
Loan vừa bóc vỏ, vừa tò mò:
- Thơ cậu làm à?
- Không. Thơ Nguyễn Bính, tôi thuộc nhiều thơ Nguyễn Bính lắm. Chị thích tôi đọc cho nghe.
Loan vừa ăn hồng, vừa chìm trong những vần thơ, cho đến khi nắng nhạt, An hỏi cô sao không về, phụ nữ lái xe trời tối nguy hiểm. Loan bảo, tối nay cô muốn ở lại đồi đón Trung Thu, từ ngày mua đồi, cô chưa ngắm trăng ở đây bao giờ. Chồng Loan đi tham gia trại sáng tác trong Đà Nẵng cả tuần mới về. Cuối tuần ở nhà cũng chẳng biết làm gì. Bạn bè thì con cái bìu díu cả.
An nghe nói vậy lẳng lặng xuống đồi mua con cá suối dễ hơn 2 cân, xiên que nướng. Loan khoác thêm chiếc áo An đưa ngẩng mặt lên ngắm trăng tròn kiêu hãnh rực rỡ đang từ từ lên cao, reo thích thú:
- Trăng đẹp quá, tôi chưa bao giờ thấy trăng như vậy, kể cả Trung Thu. Thành phố toàn nhà cao tầng, không thấy được ánh trăng dâng.
An cười, cả khuôn mặt bừng lên dưới trăng. Đến cả hàm răng cũng lấp lánh:
- Từ nhỏ, tôi đã làm bạn với trăng. Tôi kể với trăng tất cả những tâm sự của mình. Từ ngày lên đồi, tối nào tôi cũng chờ trăng, kể cả những đêm mưa.
Loan cầm đĩa cá An đưa, bĩu môi:
- Tôi không nghĩ cậu lại lãng mạn nửa mùa thế. Cậu nghe câu chuyện này chưa: Anh nói anh thích hoa hồng, em liền trồng hoa hồng sau vườn nhà. Anh nói anh thích cô ta, em liền chôn cô ta ngay cạnh hoa hồng.
An không giận, cũng không cười, chỉ quay sang hỏi Loan:
- Chẳng nhẽ phải ngừng yêu một người vì người đó đã có gia đình hay sao? Tình yêu như cái cây, mỗi ngày nảy mầm, trổ lá. Khi nó lớn rồi, làm sao có thể đốn bỏ?
Loan bối rối vì ánh mắt nghiêm túc của An, cô ngập ngừng:
- Chẳng phải cậu là thợ làm vườn sao?
- Nhưng tôi chẳng thể dọn dẹp nổi trái tim mình.
Loan lúng túng không đáp, không gian rơi vào trầm mặc, chỉ còn ánh trăng vàng lười biếng nằm dài trên cỏ cây. Một lúc sau An đúng dậy bảo:
- Hôm nay chị ngủ trong phòng tôi, tôi mang lều ra đây ngắm trăng luôn. À, về phần dựng nhà cho thuê qua đêm, theo tôi chị không nên xây kiên cố, nhìn vừa thô, vừa tốn kém. Chị đặt mua nhà container ấy, sơn màu xanh, đặt lẫn vào cây cỏ, vừa nhanh chóng, hiện đại, đúng trend bọn trẻ, vừa tiết kiệm thời gian, công sức.
Loan gật gù:
- Cậu tìm đặt mua đi, tính hộ tôi luôn kinh phí để tôi chuẩn bị.
Đêm ấy, Loan nằm trong căn nhà cấp bốn xây dưới chân đồi, nhìn lên lưng chừng đồi chỗ Đài Tiên Tửu, thấy một bóng người ngồi im như tượng bên chiếc lều căng sẵn. Cả người tưới đầy trăng.
5. Tan biến
Từ ngày có An, Loan dựa dẫm giao cả Đồi Trăng vào tay An. Có điều chuyện tiền nong không ai lo được ngoài Loan. Tên bắn khỏi cung không thể dừng lại, hơn nữa trồng cây sắp đến ngày ăn quả. Loan đau đầu tính xem đào đâu ra mấy trăm triệu để đắp vào đồi. Ô tô cũ bán chắc cũng được hơn 200 triệu, nhưng bán rồi mỗi lần về đồi lại thuê tắc xi thì tiền cá quá tiền cơm. Khoản vay mua đồi còn chưa trả xong, giờ vay tiếp chỉ còn cách cắm sổ nhà. Có điều Dũng kiên quyết không đồng ý. Mặc cho Loan lúc dùng lý lẽ, lúc ngọt nhạt năn nỉ, anh lắc đầu, đóng cửa phòng làm việc.
Lo xoay tiền, Loan cũng bận không lên đồi trăng. Thi thoảng, An gửi cho nàng vài tấm hình chụp hoa mơ, hoa mận, sương giăng chiều tà. Loan post lên facebook, bao nhiêu người vào hỏi thăm. Hương inbox: “Thế này là ăn tiền rồi, mở cửa bán vé đi. Tao mở hàng cho, dẫn một mớ khách đồng nghiệp cơ quan lên cho mấy mụ sồn sồn chụp áo dài. Đảm bảo là tha hồ thích”. Loan ậm ừ: “Chờ 1-2 tuần nữa tao lắp xong nhà container là hoàn thiện”.
Trời cuối thu đầu đông se lạnh. Ngoài đường đã có người mặc áo khoác nhẹ. Dũng xù xụ áo choàng, khăn len, đôi mắt sau kính trắng không giấu được vẻ thâm quầng. Trước lúc ra khỏi nhà, Dũng đứng ở cửa nhìn Loan thật lâu. Loan bối rối hỏi chồng:
- Có việc gì thế anh?
Dũng luống cuống đút tay vào túi áo, dặn Loan:
- Nhớ mặc ấm giữ sức khoẻ…
Anh cúi xuống nhìn mũi giày, định nói thêm điều gì rồi thở dài, quay đi. Tiếng cửa sập mạnh làm Loan giật mình.
Buổi chiều, Loan đang ở cơ quan thì có điện thoại của cảnh sát giao thông, thông báo ô tô bị cháy, chồng cô đã qua đời, nguyên nhân có thể là do dây điện trên xe bị chuột cắn, chạm mát dẫn đến chập điện mà chồng cô lại chọn đoạn đường xóc. Cảnh sát bảo chuột làm tổ cả trong động cơ.
Suốt mấy ngày sau đó, Loan như người máy, chạy Đông chạy Tây lo chuyện tang lễ cho chồng. Bạn bè người thân liên tục gọi điện, sợ cô nghĩ quẩn. Điện thoại vừa sạc một tí là hết pin. Loan chán nản vứt di động một nơi, chẳng buồn sạc tiếp.
Sau lễ cúng tuần của chồng, Loan mới nghĩ đến Đồi Trăng. Loan cũng muốn hít thở không khí trong lành, thoát khỏi không gian ám mùi hương trong bốn căn phòng. Loan bắt taxi lên đồi, gọi mãi không thấy An mở cổng. Giữa trưa, nắng hanh hao vàng đổ xuống, Loan cảm giác nước trong mình đang bốc hơi, da khô lại, cổ bỏng rát, muốn gọi to mà không thành tiếng.
Đúng lúc ấy, lão nông Loan thuê ngày trước vồn vã chạy đến:
- Cô đấy à, tôi chờ cô mãi. Cậu An đưa chìa khoá cho tôi nhờ tôi chuyển lại cho cô. Cậu ấy bảo có việc cần đi gấp, gọi cô không được. Cậu ấy dặn tôi thay cậu ấy chăm sóc đồi. Mấy nay tôi vẫn tưới cây, nhổ cỏ đều, cô yên tâm.
Loan lảo đảo suýt ngã, mặt đỏ bừng lên. Lão nông giật mình đỡ lấy cô, mở cổng, dìu Loan vào căn nhà cấp bốn, rót cho cô cốc nước đầy, dặn dò:
- Cô say nắng rồi, uống cốc nước nghỉ ngơi một chút. Tôi chạy về nhà nấu cơm cho bọn trẻ, hôm nay bà nhà tôi đi chùa. Cần gì cô cứ gọi.
Loan nằm trên chiếc giường đơn. Cả căn phòng vẫn còn đượm mùi mồ hôi của An. Tay Loan run rẩy mở điện thoại vào phần tin nhắn, lục tìm tên An giữa mấy chục tin nhắn của những người thân sơ, với những lời chia buồn sáo rỗng, na ná nhau.
“Chị Loan. Tôi gọi điện cho chị mãi không được. Tôi cần đi tìm lại bạn gái tôi, bố cô ấy mất, cô ấy cũng ly hôn rồi. Bây giờ cô ấy chẳng còn ai. Chị nói đúng, duyên do trời nhưng giữ duyên do người. Tôi sẽ không để lỡ duyên lần nào nữa. Tiền lương tháng này chị không cần chuyển cho tôi, coi như lời cảm ơn của tôi về những ngày chị đã cho tôi nương tựa ở Đồi Trăng”.
Loan run rẩy bấm số An, chỉ có những tiếng tút tút kéo dài. Trang cá nhân cũng đã khoá. Hai người đàn ông, mới hôm trước còn sờ sờ trước mặt cô, giờ tan vào hư vô.
6. Nhật ký
Loan lê xác về Hà Nội, cảm giác chơ vơ, không biết bấu víu vào đâu. Dường như cả thế giới đã rời đi. Đau khổ, tức giận… khiến người Loan như chuẩn bị nổ tung. Cô vào phòng làm việc của Dũng, điên cuồng xô đổ chồng sách xuống nhà. Một tờ bệnh án văng ra từ cuốn sổ màu nâu dày cộp. Loan khuỵ xuống nền nhà, nhìn trân trân vào tờ bệnh án, trên đó ghi tên Dũng cùng kết luận ung thư dạ dày giai đoạn 2.
Loan run run lần giở cuốn sổ nâu – đó là nhật ký của Dũng. Cô vẫn cười chồng thời buổi 4.0 mà facebook, tiktok không biết, tối ngày cắm cúi ghi chép như một ông già.
Ngày…
Cô ấy nghe người ta mua một quả đồi để đầu tư, người như cô ấy trước giờ chẳng kinh doanh tính toán gì, mình lo lắm. Nhưng mình đâu còn nhiều thời gian để lo cho cô ấy nữa. Để cô ấy học cách tự lập một mình cũng tốt.
Ngày…
Cô ấy dành nhiều thời gian tính toán cho quả đồi, cô ấy hay lên đồi nhiều hơn. Cô ấy bỏ thói quen kể với mình mọi chuyện trên trời dưới bể.
Mình ngày càng đau nhiều nhưng vẫn cố ăn để cô ấy không phát hiện ra, mỗi lần lên cơn đau, mình đều vào phòng làm việc đóng cửa lại. Ngày xưa, chỉ một thay đổi nhỏ, dù mình giấu thế nào cô ấy cũng nhận ra. Bây giờ, dường như tâm can cô ấy đều không ở đây nữa.
Ngày…
Sắp Trung Thu, mình vốn muốn làm điều gì cho cô ấy, nhưng bác sĩ lại bắt vào viện xạ trị. Mình nói với cô ấy phải đi Đà Nẵng tham gia trại sáng tác, cô ấy chỉ gật đầu.
Lâu rồi, mình không viết được gì, cô ấy cũng không hỏi nữa.
Ngày…
Cô ấy muốn cầm cố nhà để có tiền đầu tư hoàn thiện Đồi Trăng. Mình không đồng ý, sợ sau này đến căn nhà cô ấy cũng không giữ được. Đứa con không may mất, mình cũng mất, cái nhà là thứ duy nhất chứa ký ức về gia đình này. Dù đau buồn nhưng cũng có những lúc rất ngọt ngào.
Ngày…
Đêm qua cơn đau khiến mình tỉnh dậy không kìm được tiếng rên, sợ đánh thức cô ấy, hoá ra cô ấy không ở bên cạnh. 2 giờ, không biết cô ấy đi đâu, mình lo quá, định gượng dậy đi tìm thì thấy tiếng kẹt cửa kẽ. Một lúc sau thấy cô ấy lên giường, không hiểu sao tay thơm toàn mùi bơ.
Ngày…
Mình dúi tí tiền cho tay bảo vệ nhờ check camera, thấy vợ mình đêm qua đi xuống hầm gửi xe, mở nắp capo, lấy hộp tròn ở tay ra bôi lên đống dây dợ. 5h sáng cô ấy xuống đóng nắp capo rồi tập thể dục. Mình tự tay xoá video, nói với tay bảo vệ, bị vợ nghi ngoại tình nên kiểm tra xe, nhờ hắn giấu không kể với ai kẻo mọi người trong chung cư biết lại cười.
Lúc lên nhà mở tủ lạnh, mình thấy hộp bơ Trường An vơi đi 1/3.
Ngày…
Mấy hôm nay thay vì tranh xe với mình, đi đâu cô ấy cũng đi xe máy, bảo nhường mình cho tiện công việc.
Mình đau quá, không phải thể xác mà ở trong tim này.
Ngày…
Mình muốn hét lên với cô ấy, muốn đập phá đồ đạc, muốn nổi điên, muốn tung hê mọi thứ. Nhưng nghĩ lại, cũng để làm gì nữa. Chẳng phải mình từng hứa với cô ấy, ở bên mình sẽ toàn niềm vui sao. Mình đâu đem lại cho cô ấy mấy ngày vui.
Ngày…
Cô ấy có vẻ lo lắng, thở dài thườn thuợt suốt, mắt trũng lại. Thôi thì mình quyết định chấm dứt để tác thành cho cô ấy. Chấm dứt những cơn đau này.
Xin một đêm nữa thôi, được nằm nghe nhịp thở của em.
Loan sững người, gào khóc như điên dại, dùng tay chân cào cấu bản thân, xé nát cuốn sổ và cả tờ bệnh án. Tại sao hai người đàn ông đều đối xử với cô như vậy? Cô hận chồng đã tỏ vẻ cao thượng, sao còn để lại cuốn nhật ký dày vò cô. Cô hận An đã gieo vào lòng cô hy vọng rồi lại tước bỏ tất cả. Cô vốn tưởng tất cả những lời nói, hành động của An là tín hiệu ngầm cho mình. Hoá ra hoa trôi hữu ý, nước chảy vô tình.
7. Nguyệt
Gần cuối năm, một đôi tình nhân trẻ chuyển đến Đồi Trăng. Hành trang không nhiều nhưng khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc. An mở cổng, đỡ túi, đưa Nguyệt vào căn nhà cấp bốn, phủi giường chiếu để cô ngồi xuống.
- Chỗ này lâu không ai ở, bụi quá. Em ngồi nghỉ, anh dọn dẹp một chút. Mấy nữa mình đập chỗ này đi, xây lại một căn nhà mái bằng nhỏ, kiên cố. Xây cả cho em một nhà vệ sinh đầy đủ tiện nghi nữa.
Nguyệt nhìn khắp căn phòng bừa bộn, chật chột, giọng có chút chua xót:
- Gần một năm qua anh ở chỗ này sao? Chăm cả quả đồi có mệt lắm không? Tay anh chai sần hết rồi, da cũng đổi màu…
- Có sao đâu, đàn ông sương gió chút mới trưởng thành. Chỉ có lao động rã rời mới có thể giúp anh buổi tối chìm vào giấc ngủ. Ngày ấy, nếu không có Đồi Trăng, không biết anh thế nào.
Nguyệt luồn tay vào mái tóc đã được cắt gọn gàng của An, âu yếm:
- Tại sao anh lại chọn ở Đồi Trăng?
An cười vang:
- Nghe cái tên, anh liên tưởng ngay đến em. Anh còn làm cả đình Vọng Nguyệt. Anh nghĩ mình sẽ ở cả đời chốn này, nhớ về nàng Nguyệt Nga của anh. Không ngờ chúng ta sớm thế lại được về bên nhau.
Nguyệt bùi ngùi:
- Cả em và bố đều không ngờ nhà đó chỉ hứa suông. Bố chồng em chẳng đỡ được gì hết, sự việc của bố em bung bét ra, ông ta chỉ nói: Giả ốm, chạy lấy giấy tờ bệnh viện để khỏi ngồi tù. Bố em uất quá mới sinh bệnh nặng, đến lúc mất còn rơi nước mắt ân hận vì làm ảnh hưởng tới con. Lúc bố em mất, cả hai bố con ông ta sợ liên luỵ cũng chẳng ra mặt giúp làm đám tang. Em đưa đơn ly hôn, nhà đó ký ngay, bảo em ra luôn khỏi nhà…
Thấy Nguyệt rơi nước mắt, An ôm nàng vào lòng vỗ về:
- Anh xin lỗi không thể lo cho em. Từ nay về sau sẽ không bao giờ để em khóc nữa.
Nguyệt lấy khăn lau mặt, bước ra nhìn khắp đồi, giọng đã tươi lại:
- Đồi đẹp quá, có điều em không muốn mở cửa thương mại. Mọi người lên dẫm hoa, bẻ cành chụp ảnh sẽ làm hỏng mất khung cảnh thần tiên nơi đây. Chúng ta trồng thêm các loại cây ăn quả giá trị kinh tế cao, bán cũng đủ tiền sinh hoạt.
An giơ tay kiểu nhà binh, hô to:
- Rõ, thưa bà chủ. Em bỏ tiền mua chỗ này, anh chỉ là thợ làm vườn của em. Mọi ý muốn của em đều là mệnh lệnh.
Nguyệt cười, rồi lại chợt trầm tư:
- Sao nữ chủ nhân nơi đây lại đột ngột qua đời, để ngân hàng phát mãi chỗ này vậy?
An giọng trùng xuống:
- Anh không rõ lắm. Nghe tin em, anh vội lao đi tìm. Chỉ thấy bác nông dân gần đây kể lại, chồng chị ấy không may tai nạn ô tô qua đời. Chị ấy chắc nhớ thương chồng quá nên không thiết sống nữa. Ngày em cưới, anh cũng từng định quyên sinh.
Nguyệt thở dài, thì thầm:
- Chị ấy có xinh không?
An vuốt mấy sợi tóc loà xoà trên mặt người yêu, vén về sau tai, khẽ nói:
- Anh không biết, vì lúc ấy, trong mắt anh toàn là em.
Nguồn Văn nghệ số 46/2022
Tranh minh họa. Nguồn pinterest.com |