Văn học thiếu nhi có tác dụng nuôi dưỡng, giáo dục, hình thành nhân cách cho bạn đọc nhí. Điều đáng mừng là trong dòng chảy văn học Việt Nam đương đại, văn học thiếu nhi luôn được coi trọng và có những bước phát triển nhất định. Trong số các cây bút thiếu nhi, Trung tá, nhà văn Nguyễn Xuân Thủy (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) là người có những sáng tác hay dành cho các em nhỏ.
Sau thành công của “Tôi kể em nghe chuyện Trường Sa” (tác phẩm được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn của hai bộ sách “Kết nối tri thức” và “Chân trời sáng tạo”), đầu năm 2024, anh lại cộng tác với Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt các độc giả tác phẩm mới với nhan đề “Đại náo nhà ông ngoại”.
Bìa cuốn sách - Ảnh: NXB |
Có thể nói, tác giả đã xây dựng thành công một thế giới trẻ thơ nói chung, trẻ em ở thành phố nói riêng trong tác phẩm này. Những cô bé, cậu bé Mắt To, Gấu Trúc, Mắt Híp, Ngúng Nguẩy đều mang trong mình những đặc trưng của một thế hệ thiếu nhi thành phố thời 4.0: Thích đồ ăn nhanh, ham mê các đồ công nghệ điện tử... Tuy vậy, những cô bé, cậu bé trong “Đại náo nhà ông ngoại” vẫn giữ được những “ADN” của lứa tuổi mình. Đó là sự nghịch ngợm, tinh quái, hồn nhiên. Khi đến nhà ông ngoại “lánh nạn” đại dịch Covid-19, bốn anh chị em đã “đại náo” nơi đây bằng vô số hành động nghịch ngợm, đặt người thân vào tình huống “dở khóc dở cười” như tráo biển đề tên các cây thuốc nam của bà ngoại, nghịch máy tính, nghịch bàn trang điểm của vợ chồng cậu đến “tan nát”, nhuộm đen lông chó... Đó là sự trong sáng, ngây thơ trong suy nghĩ và hành động. Mắt To và các anh chị em đã làm lễ “chôn cất” cho thú cưng, không muốn ăn thịt cá trê bắt từ ao vì thương nó.
Bên cạnh việc phản ánh thế giới trẻ thơ hồn nhiên, ngộ nghĩnh thông qua những câu chuyện “cười ra nước mắt” như đã nói ở trên, văn học thiếu nhi còn có một chức năng đặc biệt quan trọng là giáo dục. Mọi tác phẩm viết cho thiếu nhi đều hướng đến cái đích sau cùng là giúp cho trẻ em nắm những bài học về đạo đức, luân lý sơ khai nhất, những kỹ năng sống cần thiết nhất cho tương lai sau này.
Trong “Đại náo nhà ông ngoại”, tác giả đã khéo léo khi lồng ghép chức năng này qua những câu chuyện, những suy nghĩ của các thành viên gia đình Mắt To. Hình ảnh chú Hạ vì lo chống dịch đến mấy tháng sau mới về nhà thăm con mới sinh đã gieo vào lòng các em nhỏ hình ảnh đẹp về người lính Cụ Hồ. Việc Mắt Híp phải vào bệnh viện thăm khám vì lỡ uống thuốc ngủ của ông bà trong trò chơi bác sĩ đem đến cho các bạn đọc nhỏ tuổi về những gì nên và không nên, được phép và không được phép làm.
Là cuốn sách viết cho thiếu nhi, nhưng tác phẩm này không chỉ dành cho các độc giả nhỏ tuổi mà còn hướng đến những người lớn, đặc biệt là bậc làm cha, làm mẹ. Trong tác phẩm, những “thói hư tật xấu” của người lớn như bia rượu quá độ hay những việc “điển hình, gương mẫu” như chăm chỉ tập thể dục, lao động hăng say... đều được tác giả miêu tả qua góc nhìn, suy nghĩ của trẻ thơ, qua đó tạo nên những “cảnh báo”, “khuyến nghị” kịp thời cho các bậc phụ huynh trong sinh hoạt thường nhật. Trẻ con rất hay để ý, nhìn vào ứng xử của người lớn để học tập, tiếp thu. Do đó, phương pháp giáo dục trẻ em tốt nhất chính là gương mẫu. Thông điệp tác giả gửi đến các bậc phụ huynh vừa giản dị, vừa sâu sắc.
Tiến sĩ Đoàn Minh Tâm - Báo Quân đội nhân dân