Diễn xướng Mo Mường |
Khi nói về việc thực hành diễn xướng mo gắn với các nghi lễ tín ngưỡng của người Mường người ta thường hình dung về một xã hội cổ truyền. Tuy nhiên, trong bối cảnh đương đại, việc thực hành diễn xướng mo không giới hạn trong các tài liệu cổ xưa, trong đời sống thôn quê hay trên cửa miệng của người già hoài cổ mà còn thâm nhập vào thế giới báo chí, truyền thông và internet.
Sự khuấy đảo của thời đại kỹ thuật số đã khiến cho Mo Mường mở rộng phạm vi, môi trường thực hành diễn xướng. Nếu như trong xã hội cổ truyền Mo Mường chỉ được diễn xướng và kết thúc cũng với các nghi lễ tín ngưỡng, việc truyền thừa chủ yếu diễn ra theo phương thức truyền miệng thì trong thời đại kỹ thuật số, quá trình thực hành diễn xướng Mo Mường đã được ghi lại và lưu truyền trên không gian mạng theo nhiều phương cách khác nhau. Các nhà khoa học nghiên cứu về văn hóa dân gian gọi chung những hiện tượng như vậy là văn hóa dân gian trong thời đại kỹ thuật số. Cố nhiên, một giá trị văn hóa đặc sắc, nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu cả ở trong nước và trên thế giới như Mo Mường cũng không nằm ngoài dòng chảy ấy. Thời đại kỹ thuật số vừa tạo cơ hội, vừa đặt ra những thách thức trong việc gìn giữ, bảo tồn những giá trị của di sản văn hóa Mo Mường.
Cái khó ló cái khôn
Những năm về trước, sau khi Chính phủ ban hành Quyết định Quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội (sau đây gọi tắt là Nếp sống văn minh) thì Hòa Bình (nơi sinh sống của đông đảo đồng bào dân tộc Mường) cũng ban hành Quyết định về việc thực hiện Nếp sống văn minh. Điểm chung của những Quyết định này là đều nhằm xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, giúp người dân bớt đi gánh nặng trong việc tổ chức các lễ tục theo phương thức cổ truyền, đây cũng chính là khía cạnh mang tính chất nhân văn mà những Quyết định này mang lại cho các dân tộc ở nước ta.
Đối với người Mường, Quyết định về việc xây dựng Nếp sống văn minh cũng đã giúp cho đời sống của đồng bào có những chuyển biến tích cực, nhiều gánh nặng về kinh tế được trút bỏ. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực ấy thì Quyết định về việc thực hiện Nếp sống văn minh đã ít nhiều có ảnh hưởng đến quá trình vận động và lưu truyền của nhiều giá trị văn hóa cổ truyền, trong đó có Mo Mường. Nếu như trước đây, Mo Mường được thực hành diễn xướng đến 12 đêm Mo, tương ứng với đó là nghi lễ tang ma sẽ kéo dài 12 đêm thì ngày nay, Quyết định về việc thực hiện Nếp sống văn minh chỉ cho phép các gia đình thực hiện nghi thức tang lễ trong khoảng thời gian từ một đến hai đêm mo. Cố nhiên, việc thực hành diễn xướng di sản Mo Mường cũng phải giản lược từ 12 đêm xuống còn một đến hai đêm. Việc giản lược một cách cơ học này đã đặt cộng đồng Mường vào một thách thức lớn, đó là làm thế nào để duy trì và truyền thừa các giá trị quý báu của Mo Mường?
Rước kiệu tại Lễ hội Khai Hạ - Mường Bi |
Như chúng ta đã biết, Mo Mường ngoài chức năng thực hành trong đám tang còn có chức năng giáo dục và truyền bá những phong tục tập quán tốt đẹp của cộng đồng. Nói cách khác, thực hành diễn xướng Mo Mường chính là dịp để thầy mo (thay lời của hồn người chết) giáo dục con cái và kể lại những phong tục tập quán tốt đẹp cho người nghe (cộng đồng). Xem xét ở góc độ này thì quá trình thực hành diễn xướng Mo Mường chính là quá trình dạy học. Ở đó thầy mo hiện lên với tư cách là một “thầy giáo”, một “nhà văn hóa”, người nghe chính là những “học trò”, ngôi nhà sàn (nơi diễn ra đám tang) chính là “lớp học”, nội dung của các bài (roóng) mo chính là nội dung “bài giảng” và những nghi thức liên quan đến thực hành diễn xướng và nghi lễ tang ma chính là “nội quy lớp học”. Như vậy, việc giản lược thời gian thực hành diễn xướng mo chính là hành động cắt giảm dung lượng và thời lượng dạy học. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc bảo tồn và truyền thừa Mo Mường mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc giáo dục con người. Thực trạng này đã thúc đẩy con người ta tìm ra một không gian mới cho việc thực hành diễn xướng Mo Mường, đó là không gian kỹ thuật số.
Sự phát triển của khoa kỹ thuật đã giúp việc thực hành diễn xướng Mo Mường được lưu lại và lan truyền trên nhiều nền tảng kỹ thuật số, trong đó nền tảng Youtube đang tỏ ra chiếm ưu thế nhất. Trong khoảng năm năm trở lại đây, việc lưu trữ và lan truyền các video về Mo Mường đã được nhiều kênh Youtube chú trọng và đầu tư. Có thể kể đến một số kênh tiêu biểu như Vong Bui TV, Người Mường TV2- Văn hóa các dân tộc Việt Nam hay Minh Bùi TV… Trong số nhiều kênh Youtube đang hoạt động thì đáng chú ý hơn cả là kênh Vong Bui TV ¬được thiết lâp và sở hữu bởi Nghệ nhân ưu tú Bùi Huy Vọng. Việc một nghệ nhân ưu tú tham gia ghi hình và lưu truyền hoạt động thực hành diễn xướng Mo Mường đã phần nào xua đi sự hoài nghi của độc giả về độ tin cậy và chất lượng của những thông tin được lan truyền trên không gian kỹ thuật số. Hơn thế nữa, hoạt động này là minh chứng rõ nét nhất thể hiện sự thích ứng của cộng đồng và nghệ nhân trong việc tạo ra môi trường sống mới cho Mo Mường.
Việc thực hành diễn xướng Mo Mường trên nền tảng Youtube là một trong những giải pháp để giải quyết bài toán về việc cắt giảm dung lượng và thời lượng mà vẫn đảm bảo được việc truyền thừa các giá trị của Mo Mường. Do đặc thù gắn với nghi lễ tang ma mà khi giản lược thì nội dung các bài mo sẽ được cắt bỏ và chỉ thực hành diễn xướng các phần liên quan đến nghi lễ bắt buộc. Điều này tạo ra sự khó khăn trong việc bảo tồn. Tuy nhiên, với không gian kỹ thuật số thì chủ nhân của nó có thể chọn để ghi lại video ở nhiều phần mo ở nhiều vùng Mường, trong nhiều nghi lễ khác nhau, tạo thành những phân đoạn ngắn có thể dễ dàng lưu lại và lan truyền trên không gian mạng. Nền tảng Youtube cùng với sự ra đời của các Câu lạc bộ Mo Mường đã giúp cho những phần mo bị lược bỏ trong nghi lễ tang ma có điều kiện được thực hành diễn xướng trở lại và lan tỏa đến với với những yêu văn hóa Mường.
Sự tác động của thời đại kỹ thuật số đã giúp cho không gian thực hành diễn xướng Mo Mường trở nên linh hoạt, mở rộng hơn, tạo ra môi trường sống mới cho Mo Mường. Hành động này là minh chứng tuyệt vời cho câu nói “cái khó ló cái khôn” của cộng đồng trong việc bảo tồn và truyền thừa giá trị văn hóa quý báu của tiền nhân. Tính năng động đã giúp cho không gian số vừa trở thành môi trường tiềm năng, vừa đặt ra những thách thức mới cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Mo Mường.
Tiềm năng đi kèm với thách thức
Quá trình chuyển đổi phương thức thực hành diễn xướng Mo Mường từ hình thức truyền miệng đơn thuần cho đến hình thức sáng tạo, lưu truyền và biến đổi trên nền tảng kỹ thuật số và không gian ảo đã chạm đến những vấn đề có tính chất kinh điển của văn hóa dân gian. Hệ quả của vấn đề này là hàng loạt các vấn đề mới được đặt ra như: sự tương tác giữa truyền thống và đổi mới, sự thay đổi của hình thức thực hành diễn xướng... tất cả những điều này đều tạo ra những thách thức mới trong việc tìm hiểu phương thức và cơ chế vận hành của văn hóa nói chung, Mo Mường nói riêng trong thời đại kỹ thuật số.
Giống như nhiều hiện tượng mới xuất hiện thường tạo sự hoài nghi, nhiều học giả văn hóa dân gian đã bày tỏ sự e ngại về giá trị của Mo Mường được thu thập hoặc sáng tạo và lưu truyền trên các nền tảng trực tuyến và kỹ thuật số. Điều này xuất phát từ việc các chuyên gia lúc bấy giờ chưa thể hình dung hết những thay đổi chóng mặt của công nghệ đã tác động như thế nào đến sự thay đổi của việc thực hành diễn xướng Mo Mường. Tuy nhiên, trong cơn bão của sự phát triển công nghệ được gọi với cái tên là cách mạng 4.0, các chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian đương đại như Olia Lialina và Dragan Espenschied đã định nghĩa một cách rõ ràng rằng “văn hóa dân gian kỹ thuật số là những phong tục, truyền thống và các yếu tố văn hóa của không gian ảo, văn bản và phương tiện âm thanh mới được tạo ra từ sự tương tác của người dùng với các ứng dụng máy tính cá nhân” (dẫn theo V. Wasilewska trong bài “Folklore in the Digital Age”, tạm dịch, “Văn hóa dân gian trong kỷ nguyên số”).
Mo Mường với sự hỗ trợ của các nền tảng số mà tiểu biểu là Youtube đã tạo ra một môi trường thực hành diễn xướng kiểu mới. Ở đó, người tiếp nhận hoặc là chính danh, hoặc là ẩn danh hoặc là bút danh cũng được thoải mái bày tỏ cảm xúc, trạng thái của mình thông qua phần bình luận (comment). Điều này tạo ra một không gian dân gian mới cho Mo Mường. Tuy nhiên, chính những đổi thay do tác động của công nghệ số đến nội dung, hình thức thực hành diễn xướng Mo Mường đã đặt ra những thách thức mới cho việc thực hành diễn xướng Mo Mường gắn với công tác bảo tồn.
Thách thức đầu tiên có thể dễ dàng nhận thấy là sự tác động của kinh tế thị trường đã khiến cho nhiều chủ kênh Youtube sử dụng các ngôn từ mang tính chất thu hút người xem (câu like) như “Mo Mường trong đá.m m.a (đám ma – tác giả) ở Hòa Bình hay nhất từ trước tới nay”, “Trích đoạn hay nhất trong Mo Mường Hòa Bình”, “mo mường (Mo Mường– tác giả) Độc lạ nhất hòa bình (Hòa Bình – tác giả)”… Rõ ràng những tiêu đề sử dụng những tính từ mạnh như “hay nhất”, “độc lạ” đã vượt xa sự cần thiết của việc bảo tồn, quảng bá Mo Mường và có phần hướng đến việc thu hút sự tiếp cận càng đông càng tốt của người xem để thu lợi nhuận về mặt kinh tế. Cũng cần phải nói ngay rằng, lợi nhuận kinh tế được mang lại từ việc sưu tầm, lưu trữ và lan tỏa các video về Mo Mường không phải là xấu, tuy nhiên, điều đáng băn khoăn ở đây là: chất lượng và giá trị của những video đó có thực sự giống với tiêu đề hay không? Đây là một câu hỏi mà có lẽ hầu hết những người đọc bài này đều đã tự có câu trả lời cho mình. Chưa kể, lĩnh vực văn hóa dân gian, trong đó có Mo Mường thì chúng ta khó có thể xác định được một phiên bản tốt nhất trong nhiều phiên bản đã ra đời. Nói cách khác, thật khó để trả lời cho câu hỏi “Thế nào là tốt nhất?”
Các thiếu nữ Mường Bi |
Một thách thức nữa trong việc thực hành diễn xướng Mo Mường trên nền tảng số là nguy cơ đóng băng của một giá trị văn hóa vốn rất sống động. Chúng ta đều biết, việc thực hành diễn văn hóa dân gian nói chung trong đó có Mo Mường tạo được sức hút là bởi sự sống động của đối tượng được thực hành diễn xướng. Nghĩa là, mỗi lần thực hành diễn xướng sẽ tạo ra một phiên bản khác nhau của Mo Mường. Ngoài việc mỗi nổ (dòng) mo có một giọng khác nhau thì chính bản thân một ông mo với mỗi đám tang khác nhau cũng sẽ có sự khác nhau trong thực hành diễn xướng. Chính sự khác nhau ấy đã tạo sức hút cho Mo Mường, nó khiến cho dân Mường nghe mo cả một đời không chán. Điều này cũng giống như trường hợp người Việt (Kinh) đi xem chèo vậy! Vẫn là vở chèo ấy, người xem có thể đã xem nhiều lần, thuộc hết nội dung nhưng vẫn háo hức khi nghe tin có đoàn chèo biểu diễn. Sự háo hức đó đến từ sự năng động của quá trình diễn xướng. Như vậy ngoài nội dung và ý nghĩa thì cái thu hút người nghe là các hoạt động sống động của nghệ nhân trong quá trình thực hành diễn xướng. Tuy nhiên, nếu như trong môi trường truyền thống, việc thưởng thức hoạt động thực hành diễn xướng Mo Mường sẽ kết thúc ngay sau đám tang, phiên bản diễn xướng ấy cũng khép lại thì trong thời đại số, các phiên bản thực hành diễn xướng Mo Mường được lưu lại một cách cố định. Điều này ít nhiều sẽ tạo ra sự đông cứng trong quá trình tiếp nhận.
Như vậy, sự tác động của thời đại kỹ thuật số đã khiến cho việc thực hành diễn xướng Mo Mường ngày càng trở nên linh hoạt và năng động hơn. Điều này vừa tạo ra những tiềm năng vừa tạo đưa ra những thách thức cho cộng đồng trong việc bảo tồn và quảng bá các giá trị của di sản Mo Mường. Sự tồn tại mạnh mẽ của Mo Mường trong không gian số đã cho chúng ta thấy rằng những giá trị của Mo Mường vẫn luôn tồn tại ở đó, nhưng những phương thức truyền thừa mới đã xuất hiện, đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp tổng thể để vừa bảo tồn, vừa phát huy được những giá trị của Mo Mường trong một thế giới đương đại đầy sự năng động.