Sáng tác

Ăn xổi. Truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng

Nguyễn Thu Hằng
Truyện
06:00 | 13/09/2024
Baovannghe.vn- Dần dần vợ thạo việc nuôi lợn, chồng chuyển qua hợp tác với ngài Thụ Di ở công ty cám Lộc Gia. Chồng học bằng lái xe, mua xe tải ra tận công ty của ngài để lấy cám về trang trại, chồng lấy cám ở chỗ ngài Di chở cho các trang trại khác để ăn hoa hồng.
aa
Đang lúc con lợn sề vật đẻ thì chồng gọi. Tiếng lợn lúc rống, lúc rên, át cả chuông điện thoại nên vợ không biết mà bắt máy. Thau cám vừa hòa xổi đã bị sề dí mõm hất đổ, bắn tung tóe, mùi cám bay tóa khắp chuồng. Lợn con lũ lượt chui ra, miệng đơm đớp, mũi hêch hếch, hin hít ngửi mùi cám. Mười ba con lớn bé kêu ăng ẳng được vợ lau rửa sạch sẽ, kiểm tra răng miệng, tiêm thuốc phòng. Tay vợ đã mỏi nhừ, lưng đau muốn gãy ra, bụng cứ sôi lên cuồn cuồn, đành ngồi dựa vào tường mà thở dốc, mùi cám lợn bay vào khoang mũi, chui xuống cuống họng len lỏi tới tận tim phổi.
Ăn xổi. Truyện ngắn của Nguyễn Thu Hằng
Minh hoạ Đào Quốc Huy

Ông thì ông đập mẹ cái điện thoại ra! Trước cửa chuồng lợn, chồng xuất hiện, mặt đỏ bừng vì tức giận. Bao giờ cũng thế. Hễ tức là chồng văng vật, là đe đập. Vợ chưa kịp thanh minh thì sau lưng chồng xuất hiện một ông khách ăn mặc sang trọng, dáng lùn, mắt một mí, trán hơi hoi hói. Chồng không biết hay là cố tình lên mặt với khách, lại sa sả mắng như tát nước vào mặt vợ. Điếc à? Gọi chục cuộc mà không chịu nghe máy. Còn mải đỡ đẻ cho sề. Vợ khẽ khàng. Mặt chồng đỡ đỏ hơn. Được bao nhiêu con? Mười ba con. Chồng dịu giọng, đây là ngài Thụ Di. Ngài là sếp ở công ty cám Lộc Gia đấy. Ngài Di bước thêm vài bước, vợ bước ra vài bước, rồi vội vàng khúm núm cúi chào ngài Di. Về ngài này thì vợ từng nghe chồng kể đã lâu.

Từ hồi mười lăm, mười sáu tuổi, chồng đã theo cha mổ lợn, cũng đã tới chục năm cầm dao chọc tiết lợn chứ không ít. Rồi sau, tự dưng đêm ngủ hay nằm mơ từng cái đầu lợn bị cắt, máu mê đỏ lỏm, thi nhau lăn về đầu giường kêu ẳng ẳng, chồng đâm mất ngủ, ốm rề rề. Vợ đi xem bói, thầy phán ám khí nặng lắm, nếu không bỏ nghề để tích phúc sẽ khó có con, rồi sau về già đến cái bát mẻ chẳng có mà ăn, thế nên chồng quyết định từ bỏ nghề mổ lợn sát sinh để chuyển qua nghề chăn nuôi lợn. Lứa đầu tiên, chưa có kinh nghiệm, lợn ốm, chết, tưởng cụt vốn. Bác Thi từ trang trại Đồng Mật sang chơi, cười hô hố cái cách chồng nuôi lợn còn bắt vợ băm bèo thái khoai, nấu cám thì làm sao mà lãi được.

Chồng sang Đồng Mật học hỏi kinh nghiệm chăn lợn trang trại của bác Thi. Còn bao nhiều vốn liếng, chồng đầu tư xây dựng lại hệ thống chuồng trại và không ngừng học tập để áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất. Chồng dắt con dao phay lên tận gác mái bếp, không cho ai động chạm đến. Vợ chẳng phải cành cạch băm bèo thái khoai, không bị dao lẹm vào tay đầy sẹo như trước, vợ cho lợn ăn xổi, chỉ việc hòa cám vào nước ngoắng tít lên, thế là xong. Lúc tắm lợn, rửa chuồng trại đều có sự hỗ trợ máy bơm, vợ chỉ cần cắm điện cầm vòi là nước phụt căng tung tóe, phân gio chảy tuột theo hệ thống mương máng xuống ao cá, cá đớp ăn, quẫy ùng ục.

Dần dần vợ thạo việc nuôi lợn, chồng chuyển qua hợp tác với ngài Thụ Di ở công ty cám Lộc Gia. Chồng học bằng lái xe, mua xe tải ra tận công ty của ngài để lấy cám về trang trại, chồng lấy cám ở chỗ ngài Di chở cho các trang trại khác để ăn hoa hồng. Thời gian sau, thấy chồng làm ăn được, ngài Di tin tưởng, giục chồng đầu tư vốn mở hẳn một đại lý cám ngay trên trang trại của chồng để tiện bề giao dịch, chồng cảm ơn rối rít và bắt tay thực hiện ngay.

Hôm nay, lần đầu tiên ngài Di đích thân đến đây. Không biết là có việc gì mà ngài đến. Vợ nghĩ ngợi mà không dám nói năng gì. Chợt ngài Di đi vào chỗ lợn con đang nằm, tóm lấy một con lợn còn đỏ hỏn giơ lên cao. Vài sợi rớt chảy từ miệng con lợn xuống như sợi tơ. Vợ sợ chồng mắng vì tội chưa làm vệ sinh cho lợn sơ sinh sạch sẽ. Mà chồng mắng thật. Nhưng ngài Di xua tay gàn, giọng ngài nghe như tiếng suối chảy, khác hẳn cái giọng của chồng nói với vợ, lúc nào cũng như cuốc vào lỗ tai. Không sao đâu. Con lợn này thế mới là khỏe mạnh đấy. Cho tôi mượn cái kéo đi. Vợ vội vàng lấy cái kéo mà vợ vừa cắt rốn cho đàn lợn. Nó không được sạch sẽ lắm, vợ phải dội nước phích nóng vào, đưa cho ngài. Ngài Di bảo, được rồi, sạch rồi, giờ thì cắt đuôi cho chú lợn mới sơ sinh này nhé. Chú Thênh mang cái gói thuốc tôi để trong túi treo ngoài cửa vào đây, cho chúng uống để tránh nhiễm trùng. Ngài Di cắt đuôi lợn nhẹ như người ta cắt ngọn rau muống. Chú lợn đau đớn kêu oen oét. Máu chưa kịp chảy ra từ vết thương, ngài đã lấy bông chấm thuốc miết đi miết lại, máu cầm ngay. Vợ khẽ rùng mình, khổ thân chú lợn con mới ra đời đã phải chịu đau đớn bị cắt mất đuôi. Vợ húng hắng lấy giọng rồi khẽ hỏi, thưa ngài, sao phải cắt đuôi làm nó đau đớn thế chứ? Ngài Di chưa kịp trả lời, chồng xen vào mắng vợ, cái ngữ đàn bà đái không qua ngọn cỏ thì biết cái quái gì. Thưa sếp, em nhìn thấy giống lợn Móng Cái là người ta hay cắt đuôi lắm đúng không? Đúng rồi. Đúng rồi. Nhưng sao phải cắt đuôi lợn? Vợ vẫn cứ hỏi. Cắt đuôi để cái đuôi không vẫy, vẩy lung tung làm bắn bẩn lên lợn, lên người chăm sóc nó, cái đuôi cứ vẫy suốt cũng làm tiêu hao năng lượng đã nạp vào trong nó. Nên giữ cái đuôi cũng chẳng để làm gì, chỉ gây phiền toái, chi bằng cắt phéng đi cho rồi.

Chồng vỗ tay tán thưởng, sếp Di làm cám mà giỏi, kinh nghiệm nuôi lợn hơn cả chúng em thế này thì có ngày chúng em chết đói. Ngài ấy cười, mắt một mí tít lại còn như một đường chỉ, cũng là học hỏi kinh nghiệm bà con cả thôi. Vợ chẳng sợ lộ mình là cái giống đái không qua ngọn cỏ, lại hỏi, thưa ngài Di, lợn Móng Cái người ta mới cắt đuôi, lợn nhà em có phải giống lợn Móng Cái đâu? Ồ! Thế cứ phải đẻ ở Móng Cái mới là lợn Móng Cái à? Chú Thênh quên cái chuyện chú nhờ tôi tìm người lấy tinh cao cấp cho lợn nhà chú rồi à? Lợn nào mà chẳng cắt đuôi được? Tiếng vỗ tay của chồng bôm bốp như hoan hô trên hội trường. Chồng nháy mắt ra lệnh, vợ cũng vỗ tay theo, thằng Sình đang đứng xem ở cửa chuồng cũng vỗ tay theo. Ngài Di trước khi lên nhà trên cùng chồng dặn vợ cứ làm như thế. Nhưng chồng ra tới cửa thì quay lại nhắc vợ, làm nhanh lên đấy, dạy cho thằng Sình làm nữa, rồi lên đi chợ, bếp núc cho tử tế để chồng còn tiếp ngài Di cho thật chu đáo.

Chưa đầy một tiếng thức ăn đã xong. Chiếu được trải trên thảm cỏ ở gốc cây nhãn. Rượu ngâm rễ đinh lăng chôn xuống đất ngay đầu giọt gianh mái hiên đã từ ba năm nay, chồng sai thằng Sình đào lên để tiếp khách quý. Mâm dọn lên, đầy ngần ngật các món. Mùi lá chanh thơm phức trên đĩa thịt gà chọi luộc, cá chép câu dưới ao hấp xả gừng, món thịt chuột đồng nướng vàng suộm, món xoay lợn luộc với hành hoa, lạc rang, ngọn rau lang luộc chấm nước cáy dầm tỏi. Chồng mời ngài Di ra dùng bữa. Vợ định xuống xem lại đàn lợn con ra sao thì ngài Di bảo, mời cô ấy ngồi ăn cùng với anh em ta cho vui. Chưa bao giờ khách của chồng mà vợ được ngồi cùng ăn cả, nên vợ ý tứ nhìn chồng, bắt được tín hiệu đồng ý, vợ khẽ dạ, rồi đi vào nhà tắm, lúc sau thì lên, người đã sạch sẽ, mơn mởn.

Rượu ngâm rễ đinh lăng vợ uống có ba chén mà chếnh choáng. Vợ đã từ chối nhiều lần nhưng không xong, vợ vẫn nhớ tới cái que thử thai lên hai vạch đỏ mà tối qua mới thử. Chồng nhìn cái que với hai vạch đỏ chót, nói giỡn, sau nhiều năm chờ đợi con cung quăng của chồng cũng đã chịu làm tổ trong dạ con của vợ, may mà vợ không phải đi thụ tinh nhân tạo giống con lợn sề chứ không thì chồng trả về nơi sản xuất.

Vợ nhìn thấy chồng cũng uống nhiều. Chồng khoe là sẽ hợp tác làm ăn lớn với sếp Di. Cả thửa ruộng gần trang trại lợn sạch của chồng sẽ được thuê đất lâu dài để làm công ty con. Sếp Di sẽ cử chồng làm giám đốc cho sếp, chồng sẽ phải tuyển thêm nhiều thợ làm nữa. Rồi từ đây cám sẽ vận chuyển khắp nơi, miền ngược, miền xuôi, trong Nam, ngoài Bắc. Vợ lúc ấy chỉ cần đẻ những đứa con trai khỏe mạnh để nó kế nghiệp sau này.

Vợ không hiểu bằng cách nào có thể làm được những điều to lớn như thế, nhưng đó là chuyện làm ăn của chồng với sếp Di, vợ không nên biết nhiều làm gì, chồng từng dặn thế. Vì đàn bà biết nhiều là hãm con đường làm ăn của đàn ông lắm. Đàn bà như vợ chỉ cần biết nuôi lợn, nấu ăn và quan trọng là biết đẻ, thế là được. Vậy đàn ông thì cần biết cái gì? Vợ đã nghĩ như vậy nhưng không dám hỏi chồng. Chồng lại mắng cho thì dại mặt. Ngài Di vừa uống ăn vừa trò chuyện. Vẻ như ngài ấy thích món chuột đồng quay nhất, chồng gắp tiếp món xoay lợn thì ngài xua tay, cứ để ngài tự nhiên, thích gì thì tự gắp thôi mà, chồng hích hích cười.

Cuối cùng thì ai cũng say. Chiếc giường của hai vợ chồng được nhường cho ngài Di nằm ngủ. Còn vợ dìu chồng vào buồng của thằng Sình. Cái thằng cháu họ của vợ hay lêu lổng được chồng lôi lên đây phụ việc trong trang trại. Nó lười lau chùi, dọn dẹp nên buồng hôi rình, ẩm thấp, mốc meo, nhưng vợ cùng chồng nằm vật ra mà lịm đi chẳng biết giời đất gì. Lúc tỉnh dậy, vợ thấy chồng nôn một bãi hổ lốn, dọn nửa tiếng chưa sạch mùi, vừa dọn vợ vừa muốn nôn khan mà không nôn được. Lên nhà trên, ngài Di cũng đã phun ra một bãi. Vợ lại lóp ngóp lau dọn, mà còn phải làm thật khẽ kẻo ngài Di mất giấc ngủ.

Lúc vợ đang giặt giũ ở cầu ao thì chồng tiễn chân ngài Di về. Vẻ hơi ngại, ngài Di nói, xin lỗi cô Thênh, đã làm cô vất vả nhiều.Vợ đỏ mặt, lắc lắc đầu, có gì đâu ạ, mong ngài lại đến nhà em chơi. Ngài và chồng đi rồi mà hai má vợ cứ nong nóng lên. Chồng thường xuyên say, thường xuyên cho ra như thế, vợ thường xuyên dọn, nhưng chưa bao giờ chồng xin lỗi vợ, chồng còn lè nhè mắng cho, làm vợ thì phải biết hầu hạ chồng những lúc này chứ còn lúc nào?

Tối chồng chở một xe cám về, gọi thằng Sình mãi không lên khuân cám với chồng, chồng bắt vợ ra khiêng cùng hai bao cám vào trong kho cất đi trước. Chẳng may, vợ trượt tay làm rơi một đầu bao, đứt chỉ, bột cám bung ra một mầu trăng trắng nhờ nhờ, vợ hỏi cám gì mà mầu này thì chồng cấm cẩu, gắt, im mồm, hỏi gì hỏi lắm thế, nhờ có mỗi việc khiêng bao cám còn làm tuột. Cám được khuân vào kho, chồng đóng cửa kho kiểm hàng. Vợ xuống khu chuồng trại, con sề đã ăn khỏe, đàn con đang tranh nhau rúc vú mẹ đòi bú, những chiếc đuôi đã bị cắt cụt theo thói quen vẫn hơi ngoe nguẩy.

*

Bà Phụ đồng ý ký giấy bán ruộng. Theo giá mặt bằng thì phải trả tới ba trăm triệu. Vợ hỏi tiền đâu ra mà mua, chồng gắt mắm tôm, đã có cách. Vợ lại hỏi, liệu bên trên có cho san lấp? Chồng mắng, khu này là đất chuyển đổi, đã lo liệu đâu vào đấy cả rồi. Bà Phụ cầm tạm sáu chục triệu trước. Cát chở về lấp đầy. Bà Phụ lại sang đòi tiền. Chồng nói ngon ngọt, bà cầm tiền về cũng chỉ gửi ngân hàng chi bằng để chồng vay, sẽ trả lãi gấp ba có hơn không? Đương nhiên bà Phụ thấy hơn đứt ngân hàng đã đồng ý liền.

Hai tháng sau thì nhà xưởng mọc lên. Máy móc, nguyên liệu làm cám chất đầy kho, nào ngô, khoai, sắn, đường, cá khô, vỏ tôm, vỏ sò, vỏ lạc, trấu, mạt cưa… Máy xay xát, máy nghiền bột, máy trộn chạy sình sịch tối ngày. Khói bụi mù mịt. Mùi cám nồng nặc quấn lấy người vợ. Hàng nhiều quá, thằng Sình và vợ cáng không nổi. Chồng thì đi chở cám, đi giao dịch tối ngày, sau phải thuê thêm thằng Bính, thằng So, cái Nõn xóm dưới lên phụ giúp việc ở xưởng. Hàng chạy. Không chỉ có cám lợn, chồng còn dài tay lấn thêm cả cám gà, cám cá… Những nhà gần thì tự đánh xe đến lấy, nhà xa tận trong thung hay trên núi cao, đặt hàng, chồng chở vào tận nơi, hẹn giao hàng ở điểm nào đó trung tâm nhất. Đàn lợn của vợ cũng sinh sôi nảy nở nhiều nên, cứ chưa đến ba tháng tính từ khi tách đàn đã có thể xuất chuồng, con nào con đấy béo núc, cụt đuôi, cân cứ tạ trên tạ dưới như thường. Vợ nói với chồng, ăn xổi lớn xổi, ngày trước cả năm mới được một con, chồng thõng câu, chẳng xổi, ngâm như trước có mà ăn cám.

Hôm ấy, đang trộn cám đóng bao thì vợ thấy một người đàn bà từ trên núi đi ngựa xuống mua hai bao cám vứt lên lưng ngựa trở về mà quên không trả tiền. Vợ đòi, chị ta nói, trừ nợ chồng. Chồng tôi nợ chị tiền gì? Hỏi chồng thì biết. Thằng Sình không chặn nổi con ngựa của chị ta. Vợ gọi chồng ra ba mặt một lời. Còn ngái ngủ, nhưng vừa nhìn thấy mặt người đàn bà kia, chồng đã xua tay ra hiệu bảo cho đi. Chị ta vừa quất ngựa thũng thẵng đi vừa cười như nắc nẻ vào cái vẻ mặt ngây đơ, vào cái bụng như trống cái đang ưỡn ra của vợ. Hai thằng người làm cứ bấm bụng cười. Vợ tỉnh ra. Đạp đổ bao cám đang đóng, sấn sổ đuổi theo chồng lên nhà, phải hỏi cho ra nhẽ. Ngủ với nó rồi phải không? Chồng chẳng kém, đập bàn rầm rầm hòng uy hiếp tinh thần đối phương. Ngủ cái con mẹ gì! Chẳng không mà nó trừ nợ à? Chỉ có nợ tình.Tình gì ngữ gái suối ấy. Á, a, thế mà còn chối, vợ đã như hét lên. Hôm ấy dẫn ngài Di lên núi chơi, thấy nó đang tắm tiên bên suối, ngài ấy nổi hứng, gạ tình nó. Tưởng ngon xơi, ai đời, giữa quãng nó giở trò, định kêu lên, tôi phải bịt miệng nó lại bằng hứa cho hai bao cám, nó mới yên. Không tin. Gắt xong, vợ lên cơn ghen, nhè cái lồng bàn mà dậm cho gãy tan nát. Chồng hơi hoảng vì từ trước tới giờ vợ chưa dám biểu lộ sự tức giận bao giờ cả, nhưng chồng vẫn giữ uy lực của mình, rít lên ầm ầm, không tin thì mặc mẹ mày. Chồng ra xe, nổ máy phóng đi. Bỏ mặc vợ vẫn nhảy choi choi trên nền nhà với cái lồng bàn đã tan nát. Vợ vật ra, khóc tức tưởi.

Đêm, vợ lên cơn đau bụng đẻ. Thằng Sình liên lạc với chồng mãi không được, nó đánh xe máy đưa vợ lên bệnh viện. Bác sĩ kiểm tra, thai quá to, mà cửa mình vợ chỉ mở được hai phân, phải chuyển vợ vào mổ cấp cứu, thằng bé nặng tới năm cân hai lạng, vợ chỉ nghe được bác sĩ nói thế rồi thì thiếp đi. Quá trưa hôm sau, chồng mới lên bệnh viện. Người vẫn sặc mùi rượu, vừa bế con, chồng vừa đưa cho vợ cả một bọc tiền lớn, vợ quay vào tường, chồng lè nhè, còn chê ít à?

*

Chồng thuê thêm nhân công, làm việc chuyên nghiệp hơn. Đẻ xong, vợ không phải vào xưởng trộn cám, đóng bao như trước nữa. Vợ mặc váy, đeo bông tai vàng, dây chuyền vàng, lắc vàng, đánh phấn, sơn móng chân móng tay, ngồi ở quầy giao dịch tiếp khách, giao hàng, nhận tiền. Con thì gửi bà Phụ bế thuê, tối đón về thì nó chỉ ngồi trong nhà chơi với siêu nhân hay máy bay, tầu rùa, không nghịch ngợm, quấy khóc gì nên vợ nhàn. Thằng bé mới hai tuổi mà đã hai mươi cân, đi kiểm tra định kỳ bác sĩ bảo con bị tiểu đường và mỡ máu, cần kiêng khem kỹ. Việc chuồng trại giờ giao cho hết cho cái Nõn. Gái một con, vợ giờ đẹp mơn mởn. Tuy có điều vợ ngày càng ít nói, ngoài chuyện làm ăn, tiền nong, hàng họ ra, vợ không nói chuyện gì mấy. Kể cả là hôm trước chồng có báo, vừa xây dựng được thêm mối, phải đi chở hàng xa mấy ngày, vợ ở nhà nhận bao bì mẫu, chỉ đạo người làm đóng theo công thức mới cho cẩn thận, vợ cũng gật đầu nhận lệnh, không qua một lời vặn vẹo. Người làm đều thạo việc, số cám lấy trên công ty về tháo ra trộn đều với các chất tự nghiền chế, tạo thành nhiều bao cám mới, đóng bao có nhãn mác cẩn thận, vợ chỉ việc đếm bao kiểm hàng mà tính tiền.

Một hôm, vợ đang đếm hàng cho thằng Sình chở đi giao thì chồng điện thoại, vợ dừng tay nghe máy. Chồng bảo, chiều nay ngài Di mở tiệc sinh nhật tại khách sạn Hoa Chanh, chồng mắc việc bận chưa về kịp, vợ đi thay, rồi dập máy ngay.

Khách sạn nằm giữa một con phố mới mở dưới thị trấn, vợ đã theo chồng tới đây hồi cuối năm ngoái khi ngài Di cũng mở tiệc chiêu đãi tổng kết cuối năm. Đèn, nến lập lòe. Sau lời phát biểu của ngài Di, lời đồng thanh hô chúc mừng sinh nhật, âm nhạc nổi lên chói tai, ba cô vũ công múa bụng lắc loạn xị, người dự tiệc vừa ngồi ẩm thực vừa ngắm ngực, ngắm mông các cô thây nẩy. Ngài Di đi chúc rượu từng bàn, cười cười nói nói hỉ hả. Tới bàn của vợ, ngài Di liếc nhanh mắt nhìn rồi khen, lâu không gặp cô Thênh dạo này trẻ đẹp ra như gái mười tám. Vợ đỏ mặt, cất lời chúc mừng sinh nhật ngài và tặng quà. Ngài nhận quà, tay chạm tay vợ khiến vợ run bắn. Uống xong li rượu mạnh, vợ thấy nhức đầu, vợ đi ra hành lang rồi bước chân xuống vườn đứng dưới gốc cây tùng. Chợt ngài Di tay cầm li rượu đi ra chỗ vợ. Vợ cúi người chào. Ngài xua xua tay, ấy ấy, sao em không ở trong kia mà lại ra đây đứng một mình? Ngài Di gọi vợ là em nghe thật êm ái. Chồng đã không gọi thế từ lâu rồi. Dạ, tiếng nhạc to quá,… em hơi nhức đầu. Chết, chết. Dưới này sương sa không khéo cảm lạnh, vào ngay đây để bôi dầu.Vừa nói ngài vừa đặt tay trái lên trán vợ. Vợ khẽ xoay người để tránh, nhưng không được. Ngài kéo tay vợ dẫn vào một gian nhà lợp lá cọ, ngay sau gốc tùng, có bàn, có giường đệm. Ngài Di ấn vợ ngồi xuống giường, rồi kéo ngăn tủ lấy cái hộp. Mở nắp hộp, một dây chuyền có gắn viên ngọc trai cứ lấp lánh trước mắt vợ. Em thấy nó đẹp không? Đẹp lắm ạ. Nhưng nó cũng không bằng em đâu. Em như chiếc ngó sen được tuốt sạch bùn bẩn. Nó sẽ là của em. Ngài Di quỳ thụp dưới chân vợ, một tay nâng dây chuyền lên trước mặt vợ, một tay đã đặt lên đùi vợ, mắt ngài nhìn mắt vợ đắm đuối, giọng dịu như tiếng suối, ấm như ngọn lửa. Vợ đỏ mặt, run rẩy, không, em phải về nhà.Vợ bám thành giường định đứng dậy nhưng ngài Di ôm sấn lấy vợ, vật ngửa ra giường, hôn chùn chụt, rồi hổn hển nói, đừng từ chối ta, chồng em đã gửi em tới đây rồi thì lo gì. Cửa phòng đóng sập. Đèn phụt tắt tối om. Chỉ còn cây nến cháy trong góc phòng. Và ngài Di béo nung núc như con lợn cạo lao tới vợ. Vợ giẫy giụa kêu cứu nhưng tiếng nhạc trên kia vẫn bập bùng chói tai, chẳng ai nghe thấy. Tóc vợ xổ tung như dòng suối, ngài Di cười khùng khục, vợ đã bị ngài lột trần như nhộng, nhũn như con chi chi, miệng ngài líu lưỡi, em đẹp lắm, đẹp lắm.

*

Chồng về, vẻ mặt bơ phờ. Chồng bảo vợ chuẩn bị trăm năm mươi triệu găm trước cho ngài Di để hai tuần nữa bốc hàng ra. Vợ cứ chần chừ không đưa, chồng chửi tục luôn, điếc à? Chồng mở tủ, thấy hộp dây chuyền có viên ngọc trai, chửi tiếp, bố khỉ. Hay lấy tiền của ông đi mua dây chuyền đấy? Mà mù mắt à, cái dây này là hàng mỹ ký cũng mua. Tiền hàng đâu mau đưa đây! Mặt bỗng tây tấy đỏ, cái đêm hôm ấy bỗng hiện về, vợ giằng lấy cái dây chuyền, đút trở lại ngăn tủ. Sao phải găm tiền trước nhiều thế? Bà Phụ đang đòi tiền, không trả bà ấy một ít đi.Trả con khỉ! Găm tiền trước kẻo sắp tới hàng lên giá thì mất mấy chục triệu như bỡn, có những cốc phải ăn xổi, biết chửa? Ngài Di hé lộ thông tin mật như thế. Không có đủ ngần ấy đâu.Vay nóng đâu đấy, có nhanh lên không thì bảo? Vợ đành phải nhanh. Chồng mang tiền đi găm cho ngài Di, về thì nồng nặc mùi rượu. Chồng ngật ngưỡng đi vào chỗ làm việc của vợ, chìa cho vợ xem một gói ni lông nhỏ mà chồng vừa rút từ ba bao hàng chồng vừa chở về. Không có tiền găm trước làm sao có loại mới ra lò này về đây, trên công ty hàng này cũng hết rồi, sếp Di ưu tiên cho mỗi nhà mình nên cho tuồn về trước. Nhớ, từ nay, cái này không trộn vào cám, mà bán kèm mỗi bao cám một gói. Về cho dân tự trộn xổi, lợn cứ là nục nạc.

Hai người đi xe thồ từ trên núi xuống mua cám lợn. Thằng Sình bê cám lên xe. Bên trong, chồng đang sắp xếp lại kho hàng, còn vợ ngồi trước quầy tính tiền. Vợ kéo ngăn tủ ra đưa cho khách bốn gói dạng thức ăn đặc biệt, bảo về nhà trộn xổi cho ăn, lợn sẽ lớn như thổi, toàn thịt nạc, xuất chuồng được giá lắm. Vợ còn đang hướng dẫn thì đột nhiên có hai người đàn ông ập vào, giơ thẻ cán bộ thanh tra, tịch thu luôn mẫu vật, chụp ảnh hiện trường, lập biên bản ngay lập tức.

Đoàn thanh kiểm tra kết luận, vợ, chồng Lý Văn Thênh sản xuất, kinh doanh cám công nghiệp bất hợp pháp, không đăng ký, không đóng thuế, còn làm hàng nhái hàng giả, nhất là trong cám có chất tạo nạc Salbuttamol và Clenbutarol bị cấm từ lâu. Vợ đau đớn khóc rưng rức. Đoàn thanh tra tịch thu toàn bộ sáu mươi tấn cám có chất tạo nạc không rõ nguồn gốc, cùng những gói chất tạo nạc giấu kín trong kho. Không những thế, chồng sẽ bị phạt, mức phạt có nguy cơ lên tới bảy mươi triệu đồng và có khả năng sẽ phải hầu tòa chiếu theo luật mới ban hành. Chồng vội vàng thành khẩn khai rằng mọi nguồn hàng đều lấy từ công ty cám Lộc Gia của ngài Di, trong lúc vợ vừa khóc vừa nôn khan.

Người ta đến công ty Lộc Gia điều tra thì được trả lời, cám của chồng bán đã không còn đảm bảo nguyên nhãn mác của công ty Lộc Gia, Di cũng chẳng làm chức vụ gì ở đấy, chỉ là dạng xổi cò tiếp thị bán cám, bán bao nhiêu ăn hoa hồng bấy nhiêu, gã đã không qua lại chỗ công ty từ nửa tháng nay, giờ Di đi đâu không ai rõ.

Nguyễn Thu Hằng | Báo Văn nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đầm Vạc. Truyện ngắn của Phùng Văn Khai Sông. Truyện ngắn của Đặng Vương Hạnh Nước mắt của dòng sông. Truyện ngắn của Kiều Xuân Quỳnh Chiều nắng tắt ngoại ô. Truyện ngắn của Phương Liên Đọc truyện: Mật mã lạc quan. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Tiến Hóa
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Baovannghe.vn - Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Văn nghệ điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.
Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Baovannghe.vn - Con đường ấy mang tên "Đông - Tây". Đơn giản là nó nối hai phương của một thành phố. Con đường lớn, đẹp, lối đi hai chiều.
Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Baovannghe.vn - Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) là cuốn sách có giá trị tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội.
Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Baovannghe.vn- Tôi từ thương nhớ mà đi/ Vọng trong ngày cũ xanh rì chiêm bao/ Nam non ướt ngọn mưa rào/ Nồm già nứt vách chênh chao nếp nhà
Chiều đã Chạp - Thơ Nguyên Hậu

Chiều đã Chạp - Thơ Nguyên Hậu

Baovannghe.vn- Chầm chậm nhé trời chiều nay đã Chạp/ Người tha hương đã kịp về đâu/ Ai rửa phèn chua nhàu nhĩ áo nâu/ Rơi giấc phố tiếng dế ngày xa lắc