1.
Thành ngữ có câu “gan bé như chuột”, chính là nói chuyện của tôi vậy. Câu này thầy giáo dạy cho tôi, hồi ấy tôi mới học cấp 1, tôi nhớ là trong một tiết ngữ văn ngày thu, thầy chúng tôi đứng trên bục giảng, thầy mặc áo đại cán vải kaki màu xanh thẫm, ở trong còn có áo sơ mi trắng tinh tươm. Hồi đó tôi ngồi chính giữa hàng đầu, tôi ngẩng mặt nhìn thầy, thầy cầm quyển sách giáo khoa trên tay, ngón tay phủ đầy bụi phấn màu đỏ, màu vàng, màu trắng, thầy đang đọc to bài văn, mặt thầy với tay thầy cùng cả quyển sách thầy cầm trên tay đều cao cao tại thượng trên đầu tôi, thế nên nước bọt thầy liên tục phun xuống mặt tôi, tôi đành liên tục đưa tay lên, liên tục lau đi nước bọt thầy. Thầy để ý thấy nước bọt mình đang phun vào mặt tôi, hơn nữa khoảnh khắc nước bọt thầy bay tới, tôi sẽ sợ hãi chớp mắt một cái. Thầy dừng đọc bài, đặt sách xuống, đi vòng qua bục giảng, tới trước mặt tôi, thầy giơ tay phải dính đầy bụi phấn, xoa mặt tôi một cái giống như rửa mặt cho tôi, rồi thầy xoay người cầm cuốn sách đặt trên bục giảng lên, vừa đi lại trong lớp vừa tiếp tục đọc bài. Thầy đã lau sạch nước bọt trên mặt tôi, nhưng lại làm mặt tôi dính đầy bụi phấn màu đỏ, màu trắng, màu vàng, tôi nghe trong lớp vang lên tiếng cười hề hề, hi hí, ha hả, hô hố, vì mặt tôi giờ lòe loẹt như con bướm vậy.
Đến lúc này thầy chúng tôi đọc đến câu “gan bé như chuột”, thầy hạ cuốn sách trên tay xuống cạnh đùi, rồi nói:
“Thế nào gọi là gan bé như chuột? Chính là nói một người nhát gan, có lá gan bé như chuột nhắt... đây là một thành ngữ...”
Thầy nói xong mà mồm vẫn mở, vẫn muốn nói tiếp. Thầy nói:
“Thí dụ như...”
Mắt thầy quét tới quét lui trong lớp, tìm một thí dụ, thầy chúng tôi ưa nhất là thí dụ, lúc nói đến “sinh động hoạt bát” thầy bèn gọi Lữ Tiền Tiến đứng dậy, “thí dụ Lữ Tiền Tiến, sinh động hoạt bát chính là như anh ấy, đít như có cắm cây chổi rơm, không làm sao ngồi yên được”. Nói đến “môi hở răng lạnh”, thầy bèn gọi Triệu Thanh đứng lên, “thí dụ Triệu Thanh, làm sao mà anh ấy khổ thế? Chính là vì cha anh mất rồi, cha chính là môi, khi không có môi, răng sẽ lạnh đánh lập cập.”
Thầy chúng tôi thường hay thí dụ như vậy:
“Thí dụ Tống Hải... Thí dụ Phương Đại Vĩ... Thí dụ Lâm Lệ Lệ... Thí dụ Hồ Cường... Thí dụ Lưu Kế Sinh... Thí dụ Từ Hạo... Thí dụ Tôn Hồng Mai...”
Lần này thầy nhìn thấy tôi, thầy bảo:
“Dương Cao.”
Tôi nghe thấy tên mình, bèn đứng dậy, thầy nhìn tôi một lúc, rồi xua tay nói:
“Ngồi xuống.”
Tôi ngồi xuống. Thầy gõ ngón tay lên bục giảng bảo cả lớp:
“Trò nào sợ hổ giơ tay lên.”
Tất cả học sinh trong lớp giơ tay, thầy nhìn một lượt rồi nói:
“Bỏ tay xuống.”
Chúng tôi đều bỏ tay xuống, thầy lại bảo:
“Trò nào sợ chó giơ tay lên.”
Tôi giơ tay, nghe thấy tiếng cười hi hí, con gái trong lớp đều giơ tay, nhưng con trai không có đứa nào giơ. Thầy nói:
“Bỏ tay xuống.”
Tôi với đám bạn nữ bỏ tay xuống, thầy hỏi tiếp:
“Trò nào sợ ngỗng giơ tay lên.”
Tôi vẫn giơ tay, nghe tiếng cười rộ, mới biết lần này chỉ có một mình tôi giơ tay, lần này đến các bạn nữ cũng không giơ tay. Cả lớp tôi ngoác mồm cười, chỉ có thầy chúng tôi không cười, thầy đập thình thình lên bục giảng một hồi, mới dập được tiếng cười đi. Mắt nhìn thẳng phía trước chứ không nhìn tôi, thầy nói:
“Bỏ tay xuống.”
Tôi bỏ tay xuống. Sau đó thầy đưa mắt nhìn tôi, nói:
“Dương Cao.”
Tôi đứng lên, tôi thấy thầy đưa tay ra, ngón tay thầy trỏ vào tôi, thầy nói:
“Thí dụ Dương Cao, anh này đến ngỗng cũng sợ...”
Nói đến đây, thầy dừng lại một thoáng, tiếp theo rổn rảng mà rằng:
“Gan bé như chuột, ấy là nói Dương Cao vậy...”
2.
Tôi quả là gan bé như chuột, chẳng dám đi ra bờ sông, cũng chẳng dám trèo lên cây, là vì ba tôi lúc sinh thời, thường bảo với tôi thế này:
“Dương Cao, con cứ ra sân trường chơi, ra phố chơi, đến nhà bạn học chơi, đi đâu chơi cũng được, miễn là không được ra bờ sông chơi, không được trèo lên cây chơi. Con mà rơi xuống sông là sẽ chết đuối, con mà rơi trên cây xuống là sẽ ngã chết đấy.”
Thế là tôi đành phải đứng giữa trời nắng hè, từ xa nhìn bọn nó, nhìn Lữ Tiền Tiến, nhìn Triệu Thanh, nhìn Tống Hải, nhìn Phương Đại Vĩ, nhìn Hồ Cường, nhìn Lưu Kế Sinh, nhìn Từ Hạo. Tôi nhìn bọn nó ở dưới sông, nhìn nước sông đằng xa bắn tung tóe, nhìn bọn nó cái đầu đen xì, cái mông trắng lốp, cứ từng đứa từng đứa cắm đầu xuống sông, rồi lại từng đứa từng đứa phơi mông dưới sông, chúng nó gọi trò này là “bán bí ngô”. Chúng nó dưới sông hướng về phía tôi gọi:
“Dương Cao! Mau xuống đây đi! Dương Cao! Mau xuống bán bí đi!”
Tôi lắc đầu, nói: “Tao sẽ chết đuối đấy!”
Chúng nó nói: “Dương Cao, mày thấy Lâm Lệ Lệ với Tôn Hồng Mai không? Mày xem hai đứa nó cũng xuống rồi, hai đứa nó là con gái còn xuống rồi, mày con trai mà lại không xuống à?”
Đúng là tôi có thấy Lâm Lệ Lệ với Tôn Hồng Mai, tôi thấy bọn nó mặc quần sọt hoa, mặc áo sát nách hoa, xuống dưới sông rồi, nhưng tôi vẫn lắc đầu, nói lại:
“Tao sẽ chết đuối đấy!”
Chúng nó biết tôi không chịu xuống sông, bèn đòi tôi trèo cây, chúng nói:
“Dương Cao, mày không xuống nước, thế mày trèo lên cây đi.”
Tôi nói: “Tao không biết trèo cây.”
Chúng nó nói: “Chúng tao đều biết trèo cây, sao chỉ có mỗi mày không biết trèo cây?”
Tôi nói: “Rơi từ trên cây xuống là ngã chết đấy.”
Chúng nó bèn đứng dàn hàng ngang dưới sông, Lữ Tiền Tiến nói:
“Một, hai, ba, hô...”
Chúng nó đồng thanh hô lên: “Thành ngữ có câu gan bé như chuột, ấy là nói ai?”
Tôi lí nhí nói: “Tao.”
Lữ Tiền Tiến hét về phía tôi: “Bọn tao chưa nghe thấy.”
Tôi bèn nhắc lại: “Ấy là nói tao.”
Chúng nó nghe thấy tiếng tôi rồi, bèn không dàn hàng nữa, lại quay về dưới sông, nước sông lại bắt đầu bắn tung tóe. Tôi ngồi xuống gốc cây, lại nhìn chúng nó dưới sông hi hí hô hố, nhìn chúng nó lại bán những quả bí mông trắng lôm lốp.
Tôi là một người trung hậu thực thà, câu này không phải tôi tự nói ra, mà là mẹ tôi nói, mẹ tôi thường kể với người ngoài, khen cậu con mình:
“Thằng Dương Cao nhà tôi trung hậu thực thà hết chỗ nói, nó nghe lời, cần cù, bảo nó làm gì nó làm nấy, nó trước giờ chưa từng ra ngoài gây lộn, chưa từng đánh nhau với người ta, ngay cả chửi mắng người ta tôi cũng chưa từng nghe thấy...”
Mẹ tôi nói đúng, tôi trước giờ chưa từng mắng chửi người ta, cũng chưa từng đánh nhau với người ta, nhưng người ta lại cứ muốn chạy đến chửi mắng tôi, chạy đến đánh nhau với tôi. Chúng nó xắn tay áo lên quá khuỷu, xắn ống quần lên quá gối, chặn đường tôi lại, rồi xỉa ngón tay vào mũi tôi, rít nước bọt nhổ vào mặt tôi, chúng nó nói:
“Dương Cao, mày dám đánh nhau với bọn tao không?”
Lúc đó tôi sẽ nói: “Tao không dám đánh nhau với bọn mày.”
“Thế thì,” chúng nó nói, “mày dám chửi bọn tao không?”
Tôi sẽ nói: “Tao không dám chửi bọn mày.”
“Thế thì,” chúng nó nói, “bọn tao chửi mày nhá? Mày nghe này! Mày là thằng đầu đất! Đầu đất! Đầu đất! Đầu đất! Đầu đất! Đầu đất! Đầu đất lại nhồi thêm não bùn!”
Đến cả Lâm Lệ Lệ và Tôn Hồng Mai, chúng nó là con gái, ngay cả con gái cũng không buông tha tôi. Có lần, tôi nghe đứa con gái khác bảo hai đứa nó rằng:
“Hai đứa mày cứ đi bắt nạt con gái bọn tao, bọn mày giỏi thì có dám đi đánh nhau với thằng con trai nào không?”
Lâm Lệ Lệ và Tôn Hồng Mai nói: “Ai bảo bọn tao không dám?”
Liền đó chúng nó đi ra chỗ tôi, đứa trước đứa sau kẹp lấy tôi, chúng nó nói:
“Dương Cao, bọn tao cần tìm con trai đánh nhau, bọn tao đánh nhau với mày nhé. Bọn tao không muốn hai đánh một, bọn tao một đấu một thôi. Bọn tao hai đứa, Lâm Lệ Lệ và Tôn Hồng Mai, cho mày chọn một.”
Tôi lắc đầu, nói: “Tao không chọn đâu, tao không đánh nhau với bọn mày.”
Tôi định bỏ đi, Lâm Lệ Lệ với tay kéo tôi lại, hỏi:
“Mày nói bọn tao nghe, mày không đánh nhau với bọn tao, hay là không dám đánh nhau với bọn tao?”
Tôi nói: “Là tao không dám đánh nhau với bọn mày.”
Lâm Lệ Lệ thả tôi ra, nhưng Tôn Hồng Mai túm tôi lại, nó nói với Lâm Lệ Lệ:
“Không thả nó đi thế này được, còn phải bắt nó nói gan bé như chuột...”
Thế là Lâm Lệ Lệ hỏi tôi: “Thành ngữ có câu gan bé như chuột, ấy là nói ai?”
Tôi nói: “Ấy là nói tao.”
3.
Lúc sinh thời, ba tôi thường bảo mẹ tôi:
“Thằng bé Dương Cao này gan bé quá, sáu tuổi vẫn chưa dám nói chuyện với ai, lên tám tuổi còn chưa dám ngủ một mình, mười tuổi đầu chưa dám tựa người vào thành cầu, giờ nó mười hai tuổi rồi, đến ngỗng còn sợ...”
Ba tôi nói không sai, tôi gặp phải một bầy ngỗng là hai cẳng chân run bắn không đừng được. Tôi sợ nhất là chúng nó xông lên, chúng nó vươn thẳng cái cổ, xòe rộng hai cánh nhắm tôi xông tới, lúc đó tôi đành nhằm thẳng phía trước cắm đầu đi. Tôi đi qua cửa nhà Lữ Tiền Tiến, đi qua cửa nhà Tống Hải, rồi còn qua nhà Phương Đại Vĩ, qua nhà Lâm Lệ Lệ, mà đám ngỗng kêu đến vỡ họng kia vẫn còn rượt theo tôi, chúng nó cứ quác quác quác quác váng lên, có lần còn theo tôi đi ra khỏi ngõ Dương gia, đi hết cả đường Giải Phóng, đi thẳng một mạch đến tận trường, chúng nó cứ quác quác đi qua sân trường, tôi thấy bao nhiêu người bu lại xung quanh, tôi nghe bọn Lữ Tiền Tiến hét lên với tôi:
“Dương Cao, mày giơ chân đá chúng nó đi!”
Thế là tôi xoay người lại, nhắm thẳng con ngỗng ở chính giữa, đá một cái nhẹ hều, lập tức thấy chúng nó càng hung hãn kêu váng lên, càng hung hãn xông tới, tôi gấp rút quay mình, rảo bước đi thẳng.
Bọn Lữ Tiền Tiến hét: “Đá đi! Dương Cao, mày đá chúng nó đi!”
Tôi hối hả đi, hối hả lắc đầu, hối hả nói: “Chúng nó không sợ tao đá.”
Bọn Lữ Tiền Tiến lại hét bảo: “Mày lấy đá đập chúng nó đi!”
Tôi nói: “Tao đâu có cầm đá trong tay.”
Chúng nó cười ha ha nói: “Vậy mày chạy trốn cho nhanh!”
Tôi vẫn hối hả lắc đầu, nói: “Tao không chạy được, tao mà chạy, chúng mày sẽ cười tao mất.”
Chúng nó nói: “Bọn tao đang cười mày rồi đây!”
Tôi nhìn kỹ bọn nó, tôi thấy bọn nó mồm đều vành rộng ra, mắt đều híp tịt lại, cười ha hả ha hả, cười xiêu vẹo cả người. Tôi nghĩ bụng chúng nó nói đúng, đằng nào chúng nó cũng cười tôi rồi, thế là tôi bèn co hai cái cẳng, chạy ù đi.
“Lỗi là lỗi ở mắt con ngỗng,” về nhà mẹ tôi nói, “mắt ngỗng nhìn gì cũng thấy nhỏ hơn thực tế, do vậy gan ngỗng là to nhất.”
Mẹ tôi còn nói: “Lũ ngỗng nhìn cửa nhà mình chỉ bé bằng cái khe, cửa sổ nhà mình thì chỉ bằng lỗ thủng đít quần, cái nhà mình nhỏ bằng cái chuồng gà thôi...”
Còn tôi thì sao? Đến tối, tôi nằm một mình trên giường, thường nghĩ mình trong mắt ngỗng to bằng cỡ nào. Tôi nghĩ bụng, mình to nhất chắc cũng chỉ bằng một con ngỗng khác.
4.
Hồi nhỏ, tôi thường nghe thấy các bà nói chuyện tôi gan bé, các bà mà tôi nghe thấy là mẹ Lữ Tiền Tiến với mẹ Tống Hải, cả mẹ Lâm Lệ Lệ với mẹ Phương Đại Vĩ. Mùa hè các bà thường ngồi dưới bóng cây, nói chuyện nhà người ta. Các bà rúc ra rúc rích, tiếng các bà còn vang hơn tiếng ve trên cây. Các bà nói hoài nói mãi rồi cũng nói đến cái thằng tôi, các bà kể rất nhiều chuyện tôi gan bé đến thế nào, một lần các bà còn nói đến ba tôi, nói ba tôi cũng hệt như tôi, gan bé giỏi sợ.
Sau khi nghe mấy chuyện này, tôi trong lòng phiền não, ra ngồi một mình ở bậc cửa. Tôi nghe được chuyện trước kia chưa từng biết, các bà nói ba tôi là người lái xe chậm nhất thế giới, nói chẳng ai muốn lên ngồi xe tải ba tôi lái, vì tài xế khác đi hết đường mất ba tiếng, ba tôi mất năm tiếng vẫn chưa đến nơi. Vì sao? Các bà nói ba tôi gan bé, nói ba tôi lái xe nhanh sẽ sợ khiếp vía. Sợ cái gì? Sợ mình bị tông chết.
Bọn Lữ Tiền Tiến thấy tôi ngồi một mình trên bậc cửa, bèn đi lại, đứng trước mặt tôi, cười nói:
“Bố mày đúng là gan bé, gan bé giống mày, mày gan bé là do di truyền, là thừa hưởng từ bố mày, bố mày thừa hưởng từ ông mày, ông mày thừa hưởng từ ông của ông mày...”
Chúng nó nói một hồi đến cao tằng tổ khảo mười mấy đời của tôi, rồi hỏi:
“Bố mày dám nhắm mắt lái xe không?”
Tôi lắc đầu, nói: “Tao không biết, tao chưa hỏi bao giờ.”
Lữ Tiền Tiến bèn nói cha nó có thể một miếng nuốt chửng cả con lợn Đại Bạch, cha nó là đồ tể giết lợn, nó bảo tôi:
“Mày có mắt tự nhìn, mày cũng thấy cha tao còn vâm hơn con lợn Đại Bạch.”
Cha thằng Tống Hải là bác sĩ khoa ngoại, Tống Hải nói cha nó vẫn thường tự mình làm thủ thuật cho mình, nó bảo:
“Tao thường nửa đêm tỉnh dậy, thấy bố tao ngồi ở bàn bếp, đầu cúi xuống, mồm cắn đèn pin, đèn pin chiếu vào bụng, bố tao tự mình khâu bụng cho mình.”
Lại còn cha thằng Phương Đại Vĩ, Phương Đại Vĩ nói cha nó có thể một đấm thủng tường. Đến cả cha thằng Lưu Kế Sinh, gầy đến nỗi nhìn không thấy thịt, một năm thì hết nửa năm nằm viện, Lưu Kế Sinh nói ông có thể cắn đinh sắt làm đôi.
“Thế còn bố mày thì sao?” chúng nó hỏi tôi, “bố mày có bản lĩnh gì? Bố mày có dám nhắm mắt lái xe không?”
Tôi vẫn lắc đầu: “Tao không biết.”
Chúng nó bèn bảo: “Mày mau đi hỏi bố mày đi.”
Chúng nó đi rồi, tôi cứ ngồi mãi trên bậc cửa, chờ ba về. Chập tối, mẹ tôi về trước, thấy tôi ngồi bần thần trên bậc cửa, mẹ hỏi:
“Dương Cao, con làm gì thế?”
Tôi bảo: “Con ngồi trên bậc cửa.”
“Mẹ biết con ngồi trên bậc cửa rồi,” mẹ tôi nói, “mẹ hỏi con ngồi trên bậc cửa làm gì thế?”
Tôi nói: “Con chờ ba về.”
Mẹ tôi bắt đầu nấu cơm tối, mẹ múc nước từ trong lu ra vo gạo, nói:
“Con mau vào nhà, giúp mẹ rửa rau.”
Tôi không vào nhà, vẫn ngồi trên bậc cửa, mẹ tôi gọi rất nhiều lần, tôi vẫn ngồi trên bậc cửa, ngồi mãi đến lúc trời tối, ba tôi về, tiếng bước chân ông chậm rề rề, vọng lại trên phố đêm, tiếp đó ông hiện ra ở ngã rẽ, tay cầm cái túi da cũ rách, cái bóng đen xì tiến dần tới chỗ tôi, tôi thấy ánh đèn trong nhà rọi tới chân ông, rồi đèn nhanh chóng từ chân ông dâng lên, dâng tới ngang ngực, ông đứng lại, cúi đầu, cái đầu vẫn còn trong bóng tối, hỏi tôi:
“Dương Cao, con ở đây làm gì thế?”
Tôi nói: “Con đợi ba về.”
Tôi đứng lên, cùng ba tôi đi vào nhà. Ba tôi ngồi vào ghế, tì tay phải lên bàn, mắt nhìn tôi, lúc này tôi mới hỏi ông, nói:
“Ba có dám nhắm mắt lái xe không?”
Ba tôi nhìn tôi cười, lắc đầu, nói:
“Nhắm mắt làm sao lái xe được.”
“Tại sao?” tôi nói, “tại sao ba không nhắm mắt lái xe?”
“Nếu ba nhắm mắt lái xe,” ba tôi nói, “ba sẽ bị tông chết mất.”
5.
Mẹ tôi nói đúng, tôi là đứa trung hậu thực thà, hiện giờ tôi cũng đã có việc làm rất tốt, tôi làm nhân viên tạp vụ ở một xí nghiệp cơ khí, tôi với Lữ Tiền Tiến làm cùng một phân xưởng trong cùng một xí nghiệp, nó làm thợ nguội, tay lúc nào cũng lấm đầy dầu mỡ, áo quần cũng thế, nhưng nó rất vui, nó bảo nó làm công việc tay nghề cao, coi việc tôi làm không ra gì, nói việc của tôi chẳng cần tay nghề gì cả. Việc của tôi đúng là không cần tay nghề gì, việc của tôi chỉ là cầm cây chổi quét cho sạch sàn xi măng của xưởng, tôi không có tay nghề, nhưng tay tôi với áo quần tôi cũng không có dầu mỡ, còn Lữ Tiền Tiến móng tay đen kìn kịt, từ hồi vào xí nghiệp tới nay, móng tay nó lúc nào cũng đen kìn kịt như vậy.
Thật ra hồi mới vào xí nghiệp, Lữ Tiền Tiến là nhân viên tạp vụ, tôi mới là thợ nguội. Lữ Tiền Tiến không chịu làm nhân viên tạp vụ, bèn cầm cây giũa đi gặp giám đốc xí nghiệp, cắm giũa vào rãnh bàn giám đốc, nói mình không chịu làm nhân viên tạp vụ, muốn đổi sang công việc khác. Thế là tôi với Lữ Tiền Tiến đổi nhau, nó thành thợ nguội, tôi thành nhân viên tạp vụ. Lữ Tiền Tiến sang làm thợ nguội rồi, bèn đem cây giũa ấy cho tôi, bảo tôi cũng đi cắm giũa vào rãnh bàn giám đốc đi. Tôi hỏi nó:
“Sao làm vậy?”
Nó nói: “Mày chỉ cần cắm giũa, sẽ không phải làm tạp vụ nữa.”
Tôi lại hỏi nó: “Sao mày không cho tao làm tạp vụ?”
“Mả mẹ mày, thật sự là ngẫn mà.” Nó nói: “Tạp vụ là nghề thấp kém nhất, lẽ nào mày còn không biết sao?”
Tôi nói: “Tao biết, tao biết chúng mày đều không chịu làm nhân viên tạp vụ.”
Nó giơ tay đẩy tôi, nói: “Mày biết là được rồi, mày mau đi đi.”
Nó đẩy tôi ra khỏi phân xưởng, tôi tiến lên vài bước, lại quay người trở vào trong xưởng, Lữ Tiền Tiến chắn đường tôi, nói:
“Làm sao mày lại trở vào rồi?”
Tôi nói: “Nếu mà tao cắm giũa vào rãnh bàn giám đốc, giám đốc vẫn bắt tao làm tạp vụ, thì tao làm thế nào?”
“Không có đâu!” Lữ Tiền Tiến nói, “Mày chỉ cần cắm giũa thế này này, giám đốc trong lòng sợ hãi, giám đốc chỉ cần sợ hãi, sẽ cho mày làm thợ nguội trở lại.”
Tôi lắc đầu, nói: “Giám đốc không sợ nhanh thế đâu.”
“Sao lại không?” Lữ Tiền Tiến đưa cả hai tay đẩy tôi, miệng nói: “Không phải là tao làm ông ta sợ rồi sao?”
“Là ông ta sợ mày,” tôi nói, “nhưng ông ta không sợ tao đâu.”
Lữ Tiền Tiến nhìn tôi chăm chú một hồi, sau đó bỏ tay xuống, nói:
“Mày nói đúng, giám đốc không sợ mày đâu, chẳng đứa mả mẹ nào sợ mày đâu, mày đẻ ra đã là số đi quét sàn rồi.”
Lữ Tiền Tiến nói cũng đúng, tôi đẻ ra đã là số đi quét sàn, tôi rất thích quét sàn, tôi thích quét cho xưởng chúng tôi sạch tinh tươm lên, tôi thích cầm cây chổi đi đi lại lại trong xưởng, đến cả lúc ngồi xuống nghỉ, tôi cũng thích ôm cây chổi ấy. Người trong xưởng thường bảo tôi:
“Dương Cao, mày ôm chổi trông cứ như ôm đàn bà ấy.”
Tôi biết chúng nó đang cười mình, tôi không để bụng, vì chúng nó vẫn thường cười cợt tôi. Tôi chịu không biết vì sao chúng nó thích cười tôi đến vậy. Thấy tôi quét sàn, chúng nó sẽ nhìn tôi cười ha hả, thấy tôi đi đường, chúng nó sẽ chỉ tôi cười ha hả, tôi đi làm sớm, chúng nó cười tôi, tôi tan làm muộn, chúng nó cũng cười tôi. Kỳ thực mỗi lần đi làm tan làm tôi đều rất đúng giờ, đều là giờ quy định của xí nghiệp, thế nhưng chúng nó vẫn cứ cười tôi, chúng nó cười tôi là vì chúng nó toàn đầu giờ vào muộn, cuối giờ về sớm. Có lần, Lữ Tiền Tiến nói với tôi:
“Dương Cao, ai cũng đi muộn về sớm, sao mày cứ đúng giờ đến đúng giờ về vậy?”
Tôi nói: “Vì tao là một người trung hậu thực thà.”
Lữ Tiền Tiến nhìn tôi lắc đầu, nói: “Có mà vì gan mày quá bé ấy.”
Tôi thấy mình không phải gan bé, tôi thấy là do mình thích công việc này. Lữ Tiền Tiến không thích công việc của nó, không thích vị trí thợ nguội tay nghề cao mà nó cắm giũa đổi được, thế nên ngày nào nó cũng đi làm rất muộn, không chỉ đi muộn, mà còn thường ôm cái chiếu cũ vào góc xưởng nằm ngủ, có lần Tống Hải với Phương Đại Vĩ đến chơi, chúng nó cũng đang giờ làm trốn ra ngoài, thấy Lữ Tiền Tiến ngủ trên chiếu cũ ngáy từng cơn, bèn gọi nó dậy, bảo:
“Thằng mả mẹ này thực phong lưu quá đi, giờ làm còn được ngủ, sao mày không vác cái giường ở nhà đến luôn.”
Bấy giờ Lữ Tiền Tiến bèn dụi mắt cười hề hề, rồi hỏi bọn nó:
“Chúng mày hôm nay không phải đi làm hả?”
Bọn Phương Đại Vĩ nói: “Có phải đi làm, là chúng tao trốn ra.”
Lữ Tiền Tiến bèn bảo: “Không phải là như nhau sao? Mấy đứa mả mẹ mày cũng phong lưu chán.”
Tiếp đó, bọn Phương Đại Vĩ gọi tôi lại, bảo tôi:
“Dương Cao, bọn tao lần nào đến cũng thấy mày đang quét sàn, mày lúc nào thử bắt chước Lữ Tiền Tiến nằm trên chiếu cũ mà ngủ thế này xem?”
Tôi lắc đầu, nói: “Tao không ngủ đâu.”
“Vì sao?” chúng nó hỏi.
Tôi ôm chổi nói: “Tao thích công việc của mình.”
Chúng nó nghe thấy câu này đều cười ha hả ha hả, lấy làm quái lạ, nói:
“Trên đời này thế mà vẫn có người thích quét sàn!”
Tự tôi không thấy có gì quái lạ, vì tôi thực tình thích quét dọn cho xưởng sạch tinh tươm lên, tôi còn lau cho tất cả máy móc trong xưởng bóng lộn lên. Xưởng chúng tôi nhờ có tôi đã trở thành xưởng sạch sẽ nhất xí nghiệp. Người xưởng khác đều muốn mời tôi qua, nhưng người xưởng tôi không đồng ý. Cả xí nghiệp đều biết những chuyện này, ngay cả người ngoài cũng biết, đến bạn học cũ của tôi là Lâm Lệ Lệ và Tôn Hồng Mai cũng biết, chúng nó có lần bảo tôi:
“Dương Cao, mày là người làm việc tốt nhất xí nghiệp mày, thế mà mỗi lần tăng lương, mỗi lần cấp nhà, đều không đến lượt mày... Mày xem cái thằng Lữ Tiền Tiến, giờ làm thì đi ngủ, thế mà tăng lương thấy mặt nó, cấp nhà đến lượt nó, việc thì nó chả làm gì, nhưng miếng ngon nào cũng có phần nó...”
Tôi nói với bọn nó: “Tao không bì với Lữ Tiền Tiến được, Lữ Tiền Tiến là người lắm mưu chước, tao không bằng, tao chẳng có mưu chước gì hết.”
Chúng nó nói: “Lữ Tiền Tiến mà có mưu chước gì? Chỉ là cầm dao đi hù ông giám đốc nhà mày.”
Chúng nó nói không đúng, Lữ Tiền Tiến chưa hề cầm dao đi hù giám đốc chúng tôi, chỉ trừ hồi mới vào xí nghiệp có cầm cái giũa, sau đó không còn cầm cái gì hết. Nó nghe nói xí nghiệp sẽ tăng lương cho một số ít công nhân, bèn đi tay không, hễ đi làm là tới văn phòng ông giám đốc, không đến làm ở xưởng chúng tôi nữa. Nó ngày nào cũng tới văn phòng ông giám đốc, ngồi vào ghế ông giám đốc, uống trà của ông giám đốc, châm thuốc lá thơm của ông giám đốc, tán chuyện với ông giám đốc triền miên không nghỉ. Đến một hôm, ông giám đốc bảo nó:
“Lữ Tiền Tiến, danh sách tăng lương đợt này đưa xuống rồi, có tên cậu đấy.”
Lữ Tiền Tiến mới trở về làm ở xưởng chúng tôi. Lữ Tiền Tiến vừa trở về, manh chiếu cũ ở góc xưởng kia không bỏ không nữa, lại cả ngày có người nằm ngủ.
Lữ Tiền Tiến tăng lương hết lần này đến lần khác, lương tôi một ly vẫn chưa nhúc nhích, Lữ Tiền Tiến bèn dạy bảo tôi, nói:
“Dương Cao, mày nghĩ xem, hồi mới vào xí nghiệp, hai đứa mình lương bằng nhau, bao nhiêu năm qua, tao ngày ngày đến ngủ, mày ngày ngày đến làm, rốt cuộc lương tao lại cao hơn lương mày, mày biết đấy là vì sao không?”
Tôi hỏi: “Vì sao?”
Nó nói: “Đấy gọi là gan bé chết đói, gan lớn chết no đấy.”
Tôi không đồng ý với nó, tôi lắc đầu nói:
“Tao không đi gặp giám đốc, không phải vì gan tao bé, là vì tao cảm thấy lương tao kiếm được đủ dùng rồi, vì thế tao không sợ lương tao ít hơn lương mày.”
Lữ Tiền Tiến nghe tôi nói vậy, cười hề hề hồi lâu, rồi nói:
“Trên đời này vẫn còn loại người như mày.”
Lữ Tiền Tiến là bạn tốt của tôi, trong bụng nó vẫn thường muốn giúp tôi. Xí nghiệp xây thêm một tòa nhà nữa, Lữ Tiền Tiến lại tới bảo tôi:
“Dương Cao, mày thấy không, xí nghiệp cuối cùng cũng xây thêm nhà mới rồi, cái thứ mả mẹ đó xây cũng mất ba năm. Chúng mình phải đi gặp giám đốc, bảo ông ta phân cho mình nhà mới. Mày phải biết, lần này phân nhà xong, mười năm nữa xí nghiệp cũng không xây thêm nhà mới đâu, vì vậy sống chết phải giành bằng được một căn.”
Tôi hỏi nó: “Sống chết cỡ nào?”
Nó nói: “Từ hôm nay trở đi, tao sẽ đến ngủ ở nhà giám đốc.”
Lữ Tiền Tiến nói sao làm vậy, hôm đó vừa chập tối, bèn ôm cái chăn, cười hì hì đi tới nhà giám đốc. Lữ Tiền Tiến mới ngủ ba đêm ở nhà giám đốc, đã cầm được chìa khóa nhà mới, nó giơ chìa khóa trước mắt tôi đung đưa hồi lâu, nói:
“Mày thấy chưa, cái này gọi là chìa khóa! Đây là chìa khóa nhà mới đó!”
Tôi cầm lấy chìa khóa của Lữ Tiến Tiền, nhìn kỹ một hồi, đúng là một cái chìa khóa mới, tôi hỏi nó:
“Mày ôm chăn đến nhà giám đốc ngủ, giám đốc nói sao?”
“Giám đốc nói sao?” Lữ Tiền Tiến nghĩ rồi lắc đầu, nói, “Tao quên ông ta nói sao rồi, tao chỉ nhớ mình nói với ông ta, nhà chúng tôi quá nhỏ, tôi không có chỗ ngủ ở nhà, mới dọn sang chỗ ông đây ngủ...”
Tôi ngắt lời nó, nói: “Nhà mày so với nhà ai cũng to hơn, làm sao mày lại không có chỗ ngủ được?”
“Thế mới gọi là sách lược,” Lữ Tiền Tiến nói, “tao nói thế, nghĩa là bảo với giám đốc, nếu ông ta không cho tao nhà mới, tao sẽ ở luôn nhà ông ta. Kỳ thực ông ta cũng biết nhà tao to, nhưng ông ta vẫn cho tao cái chìa khóa này.”
Tiếp đó, Lữ Tiền Tiến lại bảo tôi: “Dương Cao, tao dạy mày mưu chước này, từ hôm nay trở đi, hằng ngày mày quét xưởng thì đem rác đến đổ trước cửa nhà giám đốc, không đến ba ngày, giám đốc sẽ gửi cái chìa khóa mới tận tay mày ngay.”
Nói rồi, nó giơ chìa khóa của mình tận mắt tôi: “Mới y xì đúc với cái của tao này.”
Tôi lắc đầu, nói: “Nhà tao tuy không to, tao với mẹ tao ở vẫn rất rộng, tao không cần nhà mới đâu.”
Lữ Tiền Tiến nghe tôi nói vậy, bèn vỗ vỗ vai tôi cười hề hề, nói:
“Mày vẫn là gan bé, y như bố mày.”
6.
Chúng nó đều nói ba tôi gan bé, nói ba tôi trước giờ không dám nổi khùng với người ta, đến to tiếng cũng chưa từng thấy, còn người ta có thể xỉa ngón tay vào mũi ba tôi, có thể túm ngực áo ba tôi, có thể sướng miệng chửi bới ba tôi, mà ba tôi vẫn tuyệt nhiên không nói một câu. Chúng nó còn nói ba tôi thấy ai cũng cúi đầu gập lưng, dù là gặp phải người ăn mày xin cơm, ba tôi cũng tươi cười nói chuyện. Nếu đổi lại là người khác, đã sớm cho người ấy một đá bay khỏi cửa rồi, nhưng ba tôi lại cho người ấy ăn, cho người ấy uống, mà mặt mũi vẫn tươi cười hết mực. Chúng nó kể rất nhiều chuyện về ba tôi gan bé, sau cùng, đến cả chuyện ba tôi không hút thuốc không uống rượu cũng đem ra nói.
Nhưng chúng nó không biết thần thái ba tôi khi ngồi trong xe tải, khi ba tôi đi về phía chiếc xe Giải Phóng ấy, tiếng bước chân ba tôi vang dội hơn lệ thường, cánh tay ba tôi cũng vung rộng hơn hẳn lệ thường. Ba tôi mở cửa xe, ngồi vào buồng lái, rất chậm rãi đeo đôi găng vải trắng, ba tôi đặt bàn tay đi găng lên bánh lái, chân đạp ga, rồi ba tôi lái chiếc xe tải nhãn hiệu Giải Phóng ấy đi.
Chúng nó nói ba tôi trước giờ không dám mắng chửi người ta, đến cả vợ con mình cũng không dám mắng nhiếc. Chúng nó nói không sai, ba tôi trước giờ chưa hề mắng chửi mẹ tôi, cũng chưa hề mắng chửi tôi, nhưng khi ba tôi ngồi trong xe tải, khi ba tôi cho xe chạy bon bon trên đường, ba tôi thường thò đầu ra ngoài cửa sổ, gầm lên với người đi bên ngoài một câu:
“Muốn chết hả!”
Lần đó tôi đang ngồi cạnh ba tôi, thấy cành lá bên ngoài cửa sổ lấp lánh chạy qua, thấy mặt đường dưới nắng đằng trước nháng lên lóa mắt, người đi đường ở hai bên đều dưới tầm mắt tôi, khi trong số họ có người dợm muốn qua đường, ba tôi sẽ gầm lên với người đó:
“Muốn chết hả!”
Ba tôi gầm xong, sẽ quay đầu lại ngó tôi, tôi thấy mắt ba tôi lấp lánh nháng lên, lúc ấy ba tôi thần thái ngời ngời, bảo tôi rằng:
“Dương Cao, con quan sát kỹ, lần sau sẽ cho con hét.”
Vậy là tôi mở tròn con mắt, nhìn người đi đường trước mặt, khi nhìn thấy phía trước có người dợm qua đường, rồi lại rụt quay về vệ đường, tôi bèn bám lấy thành cửa sổ xe bằng cả hai tay, ngoác to miệng, nhưng không phát ra tiếng nào, tôi sợ.
Ba tôi nói: “Không phải sợ, nó không đuổi kịp xe mình đâu.”
Tôi thấy xe chúng tôi chạy ro ro qua, người kia ở đằng sau thoắt cái đã nhỏ lại. Tôi biết cha nói rất đúng, người đi đường không đuổi kịp chúng tôi, tôi có thể to gan lên mà gầm với họ. Tôi lại lần nữa bám lấy thành cửa sổ, chăm chú nhìn người đi lại trên đường, khi lại có người dợm sang đường, bỗng nhiên người tôi run cả lên, tôi hướng về ông ta lí nhí hét lên một câu:
“Muốn chết hả!”
Ba tôi nói: “Bé quá, con nói bé quá.”
Trong gương chiếu hậu, tôi thấy xe rất nhanh đã bỏ lại người ấy đằng xa, tôi bèn vận hết hơi sức hét lên:
“Muốn chết hả!”
Thế rồi tôi tựa vào lưng ghế, mệt đến nỗi người vắt không ra giọt hơi, thấy ba tôi nắm lấy bánh lái cười ha hả, một lát sau tôi cũng bật cười.
7.
Tôi thích chơi với Lữ Tiền Tiến, vì Lữ Tiền Tiến to gan, so với bọn Triệu Thanh, Tống Hải, Phương Đại Vĩ, Hồ Cường, Lưu Kế Sinh cho đến Từ Hạo đều to gan hơn, tuy người nó gầy bé nhất, nhưng gan lại to nhất. Tôi thường nghĩ bụng, có phải là mắt Lữ Tiền Tiến cũng giống như mắt ngỗng, mắt nó nhìn ai cũng gầy bé hơn mình, nên ai nó cũng không sợ. Trên mặt nó có ba đường sẹo dao chém, đều là do nó tự dùng dao bếp rạch lên. Nó đánh nhau hễ thua là chạy về nhà, cầm dao trong bếp lại đuổi theo người kia, đuổi kịp rồi, đầu tiên sẽ lấy dao rạch một đường trên mặt mình đã, rồi sau đó huơ dao đuổi chém người kia, thế là người ấy sợ.
Sau chuyện đó, bọn Tống Hải nói: “Chẳng ai dám cầm dao tự cắt vào mặt mình cả, chỉ có Lữ Tiền Tiến dám, thế nên ai cũng sợ nó.”
Tôi từng hỏi Lữ Tiền Tiến: “Mày sao lại trước hết tự rạch mặt mình vậy?”
Lữ Tiền Tiến nói: “Đây là tao cho đối phương hay, tao bất cần đời. Đấy gọi là: thằng gan bé sợ thằng gan lớn, thằng gan lớn sợ thằng bất cần đời vậy.”
Vì vậy tôi biết Lữ Tiền Tiến so với người to gan còn to gan hơn nữa, nó là thằng bất cần đời, tôi hỏi nó:
“Người bất cần đời thì sợ thứ gì?”
Nó nói: “Người bất cần đời gì cũng không sợ.”
Lần này thì nó nói không đúng, kỳ thực người bất cần đời vẫn có lúc sợ, Lữ Tiền Tiến chính là dạng này. Buổi tối hôm nọ, đã rất muộn rồi, tối hôm ấy tôi với Lữ Tiền Tiến đều làm ca đêm, tôi rời xí nghiệp trước, đi tới một đoạn phố không thắp đèn đóm, trời đổ mưa, tôi đứng vào mái chìa trú mưa, đứng trong bóng tối mười mấy phút liền, nghe thấy tiếng chân người bước lại gần, vì tối quá, tôi không nhìn rõ ai, chỉ thấy mờ mờ tỏ tỏ một bóng người thấp bé, đến gần hơn tôi mới thấy người ấy trùm tấm áo, còng người bước lại, khi đi ngang tôi người ấy bèn bật ho, tôi lập tức biết đấy là ai, đấy là Lữ Tiền Tiến. Lữ Tiền Tiến bị cảm, đã ho cả ngày rồi, nó ho nghe còn ghê hơn tiếng nôn, cổ họng như bị cát bít lại, nó vừa “gừ gừ khạc ựa ựa ựa” vừa đi ngang chỗ tôi.
Lúc đó tôi đã đứng dưới mái chìa tối om om mười mấy phút rồi, tuy là chưa bị mưa ướt mặt, nhưng cũng thấm đẫm giày, lúc đó Lữ Tiền Tiến đi ngang qua, tôi lập tức mừng rỡ chạy bổ tới, từ đằng sau ôm chầm lấy nó, tôi cảm thấy người Lữ Tiền Tiến thình lình cứng lại, rồi nghe thấy nó hét lên thất thanh:
“Tao là đàn ông! Tao là đàn ông! Tao là đàn ông!”
Tôi trước giờ chưa hề nghe thấy tiếng hét kiểu này, nghe như tiếng gà trống gáy. Tiếng ấy không giống tiếng Lữ Tiền Tiến chút nào, Lữ Tiền Tiến trước giờ chưa hề nói hay hét bằng giọng như vậy. Lữ Tiền Tiến giãy thoát khỏi tay tôi, sống chết chạy đi, nháy mắt sau đã rẽ sang phố khác. Nó chạy mất hút nhanh quá, tôi còn chưa kịp bảo nó tao Dương Cao đây. Tay tôi vừa ôm lấy nó, nó đã hét lên rồi, làm tôi cũng hoảng một phen, đợi tới lúc định thần lại, nó đã chạy mất tăm tích.
Tối hôm ấy, tôi mãi không hiểu vì sao nó phải hét “tao là đàn ông”, tôi biết Lữ Tiền Tiến là đàn ông rồi, chỉ là không biết vì sao nó phải hét lên như thế. Kỳ thực, nó không hét, tôi cũng biết nó là đàn ông. Đến ngày hôm sau, ở nhà Tống Hải, lúc ngồi cùng với bọn Lữ Tiền Tiến, Triệu Thanh, Tống Hải, Phương Đại Vĩ, Hồ Cường, Lưu Kế Sinh, Từ Hạo, tôi mới biết vì sao Lữ Tiền Tiến phải hét như vậy.
Lúc đó, Lữ Tiền Tiến ngồi đối diện tôi, vừa hút thuốc thơm vừa uống trà, nó kể với cả đám chúng tôi:
“Tối qua tao gặp một đứa cưỡng gian, nó định cưỡng hiếp tao...”
Tống Hải hỏi nó: “Một mụ định cưỡng hiếp mày hả?”
“Một thằng.” Lữ Tiền Tiến nói, “Nó tưởng tao là con gái...”
“Sao nó lại tưởng mày là con gái được?” chúng nó hỏi.
“Tao choàng một cái áo hoa,” Lữ Tiền Tiến nói, “lúc tan làm có mưa, tao mới vớ áo khoác một đứa con gái trong xưởng, trùm lên đầu, vừa đi ra khỏi xí nghiệp, rẽ vào đường Học Quân, mả mẹ cái đường đó một cái đèn cũng không có, tao vừa rẽ vào đường đấy, thằng cưỡng gian kia bèn từ sau lưng nhào tới, ôm chặt lấy tao...”
Tới đó tôi mừng rỡ kêu lên: “Vì thế mày mới hét: Tao là đàn ông! Hóa ra là mày đã trùm cái áo của phụ nữ...”
Chúng nó ngắt lời tôi, hỏi Lữ Tiền Tiến: “Nó ôm chặt lấy mày, xong mày làm sao?”
Lữ Tiền Tiến nhìn tôi, nói với bọn nó: “Tao tóm chặt lấy hai tay thằng kia, gập người một cái, quật nó ngã ra đất...”
“Xong rồi sao?”
“Xong rồi...” Lữ Tiền Tiến lại nhìn tôi, nói tiếp: “Tao giơ chân đạp vào mồm nó, tao bảo: Tao là đàn ông...”
Nghe Lữ Tiền Tiến nói đến đó, bọn Tống Hải đều quay đầu nhìn tôi, chúng nó có vẻ nhớ lại câu tôi nói lúc nãy, Tống Hải chỉ vào tôi hỏi:
“Hình như nó vừa nói gì thì phải?”
Tôi lại cười, chúng nó lại quay ra hỏi Lữ Tiền Tiến: “Xong rồi sao?”
“Xong rồi...” Lữ Tiền Tiến mắt vẫn nhìn tôi, nói tiếp: “Tao đá nó ba phát, lại kéo nó đứng dậy, bạt tai nó ba cái, xong rồi... xong rồi...”
Lữ Tiền Tiến thấy tôi cười càng lúc càng thích chí, bèn quay qua tôi tròn xoe con mắt, nói:
“Dương Cao, mày cười cái gì?”
Tôi nói: “Kỳ thực tao không biết mày trùm áo của phụ nữ, trời tối quá, vốn là nhìn không rõ mày trùm cái gì.”
Tôi thấy mặt Lữ Tiền Tiến tái xanh, lúc này bọn Tống Hải đều nhìn sang tôi, chúng nó hỏi tôi:
“Mày vừa nói cái gì?”
Tôi chỉ vào mũi mình, nói với bọn nó: “Người ôm lấy nó tối qua là tao.”
Chúng nó nghe tôi nói xong đều điếng người, tôi nhìn Lữ Tiền Tiến, nói tiếp:
“Tối qua mày chạy nhanh thật, tao còn chưa kịp bảo mày là tao Dương Cao đây, mày đã chạy mất tăm tích rồi.”
Tôi nhìn Lữ Tiền Tiến mặt xám xanh đứng dậy, đi đến trước mặt tôi, vung tay giáng tôi hai cái bạt tai “bốp bốp”, đánh tôi mặt mày xây xẩm, liền đó túm lấy ngực áo tôi, lôi tôi ngồi trên ghế dậy, đầu tiên lên gối thúc vào bụng tôi, làm bụng tôi đau như thể ruột gan lộn tùng phèo, sau đó nhắm giữa ngực tôi thoi một đấm chí tử, giây phút ấy tôi muốn đứt cả hơi thở.
8.
Sau đó, tôi từ dưới đất bò dậy, đi ra khỏi nhà Tống Hải, chậm chạp đi theo đường Giải Phóng, đi lên cầu Hướng Dương, tôi dừng chân, tựa vào thành cầu. Chính ngọ, trời nắng không mở mở nổi mắt, thân thể vẫn còn ê ẩm đau, tôi nghe thấy tàu đi lại dưới cầu, rạch vào nước sông phát ra những tiếng òng ọc. Tôi nhớ đến ba tôi, ông đã mất năm tôi mười hai tuổi, đến mùa hè cái năm ba tôi mất và cái xe tải hiệu Giải Phóng mùa hè năm đó, và cả cái xe mooc cũ nát đó.
Ba tôi cho tôi ngồi vào xe ông, ông muốn đưa tôi đi Thượng Hải, đi cái thành phố to đùng ấy. Xe tải ba tôi chạy bon bon trên đường hè, gió bị nắng hun nóng thổi tóc tôi bay phơ phất trong buồng lái, làm áo may ô của tôi kêu lật phật, tôi nói với ba:
“Ba nhắm mắt lại đi.”
Ba tôi nói: “Nhắm mắt làm sao lái xe được.”
Tôi nói: “Tại sao? Tại sao ba không nhắm mắt lái xe được?”
Ba tôi nói: “Con thấy cái xe mooc trước mặt kia không?”
Tôi thấy trước mặt có một cỗ xe kéo mooc, đang chạy chậm rì rì, trong thùng rơ mooc đằng sau đầu kéo có hơn chục người nông dân đang ngồi, tất cả đều ở trần, thân mình đen trũi như lươn, cũng bóng loáng như lươn. Tôi nói:
“Con thấy.”
Ba tôi nói: “Nếu mà ba nhắm mắt lái xe, ba con mình sẽ tông vào cái xe mooc đằng trước kia, mình sẽ bị tông chết.”
“Con chỉ cần ba nhắm một tí thôi,” tôi nói, “ba chỉ cần nhắm lại một tí thôi, là con có thể đi bảo bọn thằng Lữ Tiền Tiến, bảo là ba dám nhắm mắt lái xe.”
“Thế thì ba nhắm mắt một tí vậy,” ba tôi nói, “Con nhìn mắt ba này, ba đếm đến ba là nhắm nhé, một, hai, ba...”
Mắt ba tôi cuối cùng cũng nhắm lại, chính mắt tôi thấy ba nhắm lại, ba nhắm lại một tí, tới lúc ba mở mắt ra, xe chúng tôi đã sắp tông vào xe mooc đằng trước rồi. Xe mooc đang hoảng hốt tạt về bên trái, ba tôi cố sức xoay bánh lái xuống dưới, xe chúng tôi vượt lên quệt vào thành bên phải xe mooc.
Tôi nhìn thấy mấy người đen trũi như lươn trong rơ mooc sau đầu kéo, đều giơ tay về phía chúng tôi, tôi biết họ đang chửi mắng chúng tôi, thế là ba tôi thò đầu ra, hét lên với họ:
“Chúng mày muốn chết hả!”
Sau đó ba tôi quay đầu lại, cười với tôi rất đắc thắng, tôi cũng cười theo ba. Xe ba con tôi tiếp tục chạy bon bon trên đường hè, cành lá lướt qua lấp la lấp lánh trong mắt tôi, tôi thấy hoa màu ngoài đồng từng mảnh từng mảnh trải rộng mãi ra, tôi còn thấy dòng sông quanh co uốn khúc, thấy nhà cửa, thấy người đi lại trên đường đồng.
Thế nhưng xe của ba tôi bị trục trặc, ba tôi xuống xe, mở nắp ca pô đằng trước, bắt tay vào sửa chữa chiếc xe tải nhãn hiệu Giải Phóng. Tôi vẫn ngồi nguyên trên buồng lái, tôi muốn xem ba tôi, nhưng nắp ca pô dựng lên chắn mất tầm mắt, tôi không nhìn thấy ba, tôi chỉ nghe thấy tiếng ông sửa xe, ông ở dưới nắp ca pô không ngừng gõ đập gì đấy.
Mất hồi lâu, ba tôi từ trên đầu xe nhảy xuống đất, ông đóng nắp ca pô, đi lại phía tôi, lấy từ dưới ghế tôi ngồi ra một mảnh vải, ông lau dầu mỡ trên tay, đi vòng sang bên kia xe. Lúc ông kéo mở cửa xe, sắp sửa trèo lên lại, vừa đúng là lúc cỗ xe mooc vừa nãy chạy đến, xe mooc chạy qua trước mặt chúng tôi thì đứng lại, mấy người đen trũi như lươn trên xe đều nhảy cả xuống, họ đi về phía ba con tôi.
Ba tôi tay vẫn nắm cửa xe, nhìn họ đi tới trước mặt chúng tôi, tay họ túm lấy ngực áo ba tôi, ít nhất có ba cánh tay cùng lúc tóm lấy ba tôi, tôi nghe thấy họ hỏi ba tôi:
“Đứa nào muốn chết hả? Mày hay chúng tao?”
Ba tôi không nói câu nào, bị đám kia lôi ra giữa đường, tôi nhìn thấy tay họ thò vào túi ba tôi, họ móc lấy tiền của ba rồi bỏ vào túi mình, sau đó nắm đấm của họ giáng vào mặt ba tôi, mười mấy người bọn họ cùng đánh ba tôi, họ đánh ba tôi ngã lăn ra đất.
Tôi ngồi trên xe khóc hu hu, tôi không trông thấy ba mình nữa, bọn họ đã vây kín quanh ba tôi rồi. Tôi ngồi trên xe khóc váng lên, bọn họ ở dưới đá ba tôi, bọn họ đá một hồi, bắt đầu giãn ra, tôi mới nhìn thấy ba, ông nằm co quắp trên mặt đất, như đang tự ôm lấy mình. Tôi sống chết khóc cho to, tôi thấy bốn người trong số họ kéo mở khóa quần, họ nhắm ba tôi đang nằm trên đất đái một bãi, họ đái vào mặt ba tôi, đái lên chân ba tôi, đái lên ngực ba tôi. Tôi khóc rống lên, qua làn nước mắt nhạt nhòa, tôi thấy họ đi lại chỗ xe mooc, trèo lên rơ mooc, đầu kéo kêu phạch phạch phạch phạch, xe mooc của họ lại chạy về phía trước.
Tôi vẫn còn đang khóc rống, tôi thấy ba mình từ dưới đất chậm chạp bò dậy, ba tôi bò dậy xong thì đứng lặng một lúc, tôi thấy ba tôi xiêu vẹo đứng đó. Tôi khóc ngất lên ngất xuống, ba tôi quay người lại, đi đến bên xe, kéo mở cửa xe, tôi thấy máu và bụi đất dính lẫn với nhau trên mặt ba tôi, tóc tai quần áo đều ướt đẫm, ông thở phì phò trèo lên xe. Tôi khóc run ngằn ngặt, ba tôi vươn tay qua, đưa bàn tay dầu mỡ lau mặt cho tôi, tay ông lau mặt tôi một hồi rất dịu dàng, lau một hồi cho mặt tôi sạch hết nước mắt. Sau đó ông đặt tay lên bánh lái, nhìn theo xe mooc chạy đằng trước, ông nhìn hồi lâu, nhặt cái ca để dưới chân lên, ông đưa tôi cái ca, nói:
“Dương Cao, ba khát quá, con ra bờ sông múc ca nước lại đây.”
Tôi thút thít đón cái ca trong tay ba, tôi mở cửa xe, trèo xuống xe, đi ra bờ sông, tôi ngoảnh lại nhìn ba tôi một cái, thấy ông đang nhìn tôi, thấy mắt ông chảy ra hai hàng lệ, tôi đi đến bờ sông.
Lúc tôi múc đầy ca nước đứng dậy, xe ba tôi đã khởi động rồi, tôi sống chết từ bờ sông chạy lại, làm nước trong ca sánh hết ra đất, nhưng xe ba tôi đã đi mất rồi. Tôi đứng bên vệ đường khóc hu hu, hướng về phía cái xe tải đang chạy đi kêu hu hu, tôi hướng về phía ba tôi hét lớn:
“Ba ơi đừng bỏ con! Ba ơi đừng bỏ con!”
Tôi vừa la khóc vừa chạy tới trước, tôi cho là ba tôi không muốn có tôi nữa, cho là ba tôi muốn vứt bỏ tôi. Ba tôi lái xe nhanh như gió, tôi thấy xe ba tôi bắt kịp cái xe mooc kia, sau đó tôi nghe một tiếng rầm kinh khủng, tôi thấy xe ba tôi đã tông vào cái xe mooc kia, tôi thấy trước mắt cuộn lên một đám bụi khổng lồ, từ đám bụi bốc lên một cột khói đen.
Tôi dừng phắc, tôi đứng đó thật lâu, sau đó tôi mới đi tới, tôi thấy rất nhiều xe hơi chạy đến chỗ đó đều dừng cả lại, người trên xe đều nhảy cả xuống, đứng vây quanh chỗ đó. Tôi cứ đi mãi về phía ấy, chỗ đó cách tôi rất xa, đợi tôi tới nơi, trời đã sắp tối mịt rồi, tôi đi đến bên xe ba tôi, tôi thấy đầu xe của ba đã bị tông móp rồi, cửa xe của ba cũng bị tông xiêu vẹo rồi, ba tôi nằm vắt qua bánh lái, trên đầu ông toàn là kính vỡ, bánh lái chọc rách áo ông, chọc thủng cả ngực ông. Ba tôi chết rồi, máu của ông nhuộm đỏ cả người ông. Tôi nhìn thấy mấy người lúc nãy trên xe mooc đều bị văng cả xuống đất, có mấy người tuyệt không nhúc nhích, có mấy người nằm đó rên hừ hừ. Tôi còn thấy chim sẻ rơi đầy mặt đất, san sát như hoa màu dưới ruộng, tôi biết chúng nó chết vì chấn động từ tiếng rầm kinh khủng lúc nãy, chúng nó vốn đang ở trên cây, chúng nó vốn đang vui vẻ hoan hỉ, thế nhưng xe tải của ba tôi thình lình đâm vào xe mooc kia, chúng nó mới chết bất thình lình như vậy.
9.
Tôi rời khỏi cầu Hướng Dương, về đến nhà, mẹ tôi không có nhà, quần áo mẹ giặt hồi sáng sớm đang phơi trên sào tre trước cửa sổ, tôi thấy quần áo khô rồi, bèn rút quần áo, gấp xong mang cất vào tủ. Tiếp đó tôi quét lại một lượt sàn hồi sáng sớm mẹ đã quét, lau lại một lượt bàn hồi sáng sớm mẹ đã lau, xếp lại một lượt giày hồi sáng sớm mẹ đã xếp gọn, lại châm thêm cho đầy nước trong cốc của mẹ. Rồi tôi vào nhà bếp cầm con dao, đi ra khỏi nhà.
Tôi cầm dao bếp đi về phía nhà Lữ Tiền Tiến, khi đi qua cửa nhà Tống Hải, Tống Hải gọi tôi lại, nói:
“Dương Cao, mày đi đâu đấy? Mày cầm dao bếp làm cái gì?”
Tôi nói: “Tao phải đi đến nhà Lữ Tiền Tiến, tao cầm dao là định đi chém Lữ Tiền Tiến.”
Tôi nghe thấy Tống Hải bật cười ha hả ha hả, tôi nghe nó nói đằng sau lưng:
“Phương Đại Vĩ, mày nhìn thấy không, mày nhìn thấy Dương Cao cầm dao bếp không? Nó nói nó phải đi chém Lữ Tiền Tiến.”
Tôi thấy Phương Đại Vĩ đang đi lại phía tôi, nó nghe thấy Tống Hải nói, bèn dừng chân, hỏi tôi:
“Mày phải đi chém Lữ Tiền Tiến thật à?”
Tôi gật đầu, nói: “Tao phải đi chém Lữ Tiền Tiến thật đấy.”
Tôi nghe thấy Phương Đại Vĩ cũng bật cười ha hả, tiếng nó cười y xì đúc với tiếng Tống Hải, nó nói với Tống Hải:
“Nó nói phải đi chém Lữ Tiền Tiến thật đấy.”
Tống Hải nói: “Đúng rồi, nó nói như thế đấy.”
Tôi nghe thấy hai đứa nó cùng cười ha hả, chúng nó đi theo đằng sau tôi, chúng nó nói muốn tận mắt xem tôi chém Lữ Tiền Tiến ra sao. Thế là tôi đi đằng trước, chúng nó đi đằng sau, lúc cả bọn đi qua cửa nhà Lưu Kế Sinh, Tống Hải với Phương Đại Vĩ hét lên:
“Lưu Kế Sinh! Lưu Kế Sinh!”
Lưu Kế Sinh hiện ra ở cửa, ngó chúng tôi bảo: “Gọi tao có chuyện gì?”
Tống Hải với Phương Đại Vĩ nói với nó: “Dương Cao định đi chém Lữ Tiền Tiến, mày không muốn đi xem trò hay ư?”
Lưu Kế Sinh nhìn tôi lấy làm quái lạ, nó hỏi tôi: “Mày định đi chém Lữ Tiền Tiến à?”
Tôi gật đầu, nói: “Đúng rồi, tao định đi chém Lữ Tiền Tiến đấy.”
Lưu Kế Sinh cũng bật cười y như bọn Tống Hải, nó lại hỏi tôi: “Là mày định chém chết Lữ Tiền Tiến à, hay chém bị thương?”
Tôi nói: “Cho dù không phải chém chết, cũng phải chém cho nó trọng thương.”
Ba đứa chúng nó nghe tôi nói thế xong, lập tức ôm bụng cười ầm lên. Tôi không biết sao bọn nó phải cười đến như thế, tôi nói với bọn nó:
“Nói thế nào thì Lữ Tiền Tiến cũng là bạn của bọn mày, tao định đi chém nó, mà chúng mày lại hớn hở thế này.”
Tôi nói dứt lời, chúng nó cười bò ra đất, tôi nghe thấy tiếng cười của chúng nó đã thành “hí hí hí hí”, giống như tiếng dế kêu. Tôi không để ý đến bọn nó nữa, một mình đi lên trước, lúc đi qua cửa nhà Hồ Cường, tôi nghe thấy bọn Tống Hải ở đằng sau lại gọi lớn:
“Hồ Cường! Hồ Cường! Hồ Cường!”
Tôi mới biết bọn nó vẫn đi theo sau lưng tôi, thế là khi tôi đến cửa nhà Lữ Tiền Tiến, sau lưng tôi đã có năm người, là Tống Hải, Phương Đại Vĩ, Lưu Kế Sinh, Hồ Cường với Từ Hạo, chúng nó vừa cười ha hả vừa đẩy tôi vào nhà Lữ Tiền Tiến.
Lúc ấy Lữ Tiền Tiến đang ngồi ở bàn ăn dưa hấu, tay cầm một miếng dưa hấu, trên má dính hạt dưa hấu, nó ngẩng đầu nhìn chúng tôi, nhìn thấy tôi tay cầm dao bếp, mồm còn nhai dưa hấu lúng búng nói:
“Cầm dao bếp làm gì đấy?”
Bọn Tống Hải vừa cười vừa bảo nó: “Dương Cao định cầm dao bếp đến chém mày đó!”
Lữ Tiền Tiến mở to mắt, nó nhìn tôi, lại nhìn bọn Tống Hải, nói:
“Bọn mày nói gì cơ?”
Bọn Tống Hải cười ha hả, ha hả nói: “Lữ Tiền Tiến, mày chết đến đít rồi còn ăn dưa hấu, mày có ăn nữa cũng không để làm gì, dưa hấu mày ăn vào còn chưa biến thành phân, mày đã chết rồi, mày không thấy Dương Cao tay cầm con dao đấy ư?”
Lữ Tiền Tiến bỏ miếng dưa hấu trong tay xuống, giơ tay trỏ tôi, lại trỏ vào mũi mình, rồi nói:
“Bọn mày bảo nó định đến chém tao à?”
Bọn Tống Hải đồng loạt gật đầu, chúng nó nói: “Đúng!”
Lữ Tiền Tiến đưa tay quệt mồm, nó lại trỏ tôi rồi nói với bọn kia:
“Bọn mày bảo Dương Cao định cầm dao bếp đến chém tao à?”
Bọn Tống Hải lại đồng loạt gật đầu, chúng nó nói: “Đúng vậy!”
Lữ Tiền Tiến nhìn tôi, tiếp đó cũng bật cười ha hả ha hả y như bọn Tống Hải. Lúc đó tôi mới cất lời, tôi nói:
“Lữ Tiền Tiến, ban nãy mày đánh tao, mày đánh vào mặt tao, mày đánh vào ngực tao, còn lấy chân đá vào bụng tao, đá vào đầu gối tao, làm mặt tao ngực tao bụng tao đầu gối tao đau đến tận giờ. Ban nãy lúc mày đánh tao, tao mãi không đánh trả, tao không đánh trả không phải vì tao sợ mày, là vì tao không biết phải làm sao, giờ tao đã biết phải làm sao rồi, tao phải ăn miếng trả miếng! Tao phải dùng con dao bếp này chém mày!”
Tôi huơ con dao bếp trong tay, cho Lữ Tiền Tiến thấy rõ, cũng cho bọn Tống Hải thấy rõ.
Lữ Tiền Tiến với bọn Tống Hải nhìn con dao bếp trong tay tôi, ngoác miệng thật to, phát ra tiếng cười ha hả. Tôi nghĩ bụng thế này là thế nào đây? Sao bọn nó lại cười ha hả? Tôi bèn hỏi chúng nó, nói:
“Bọn mày cười cái gì? Bọn mày vì sao mà hớn hở thế? Lữ Tiền Tiến, mày vì sao mà cũng cười? Bọn Tống Hải cười tao còn hiểu được, mày cũng cười tao thật không hiểu.”
Tôi thấy bọn nó càng cười rầm rĩ hơn, Lữ Tiền Tiến cười đến bò cả ra bàn, Tống Hải với Phương Đại Vĩ đứng bên cạnh nó, hai đứa nó đều một tay ôm bụng, tay kia vỗ lấy vỗ để vào vai Lữ Tiền Tiến. Tiếng cười của bọn nó dội vào lỗ tai tôi ong ong, tôi giơ dao bếp đứng đó, không biết phải làm sao. Tôi cứ nhìn chúng nó cười hồi lâu, rồi nhìn chúng nó dần dần ngưng cười, nhìn chúng nó giơ tay gạt nước mắt. Tiếp đó tôi thấy Tống Hải lại nắm đầu Lữ Tiền Tiến dúi xuống bàn, Tống Hải nói với Lữ Tiền Tiến:
“Mày chìa cái cổ cho Dương Cao.”
Lữ Tiền Tiến thẳng đầu dậy, nó xô Tống Hải ra, nói:
“Không được, tao làm sao chìa cổ cho nó được.”
Tống Hải nói: “Mày chìa cổ cho nó đi, mày không chìa cho nó, nó sẽ không biết phải làm sao.”
Bọn Phương Đại Vĩ cũng đứng ngoài nói: “Lữ Tiền Tiến, nếu mày không chìa cổ cho nó, thì đâu có vui.”
Lữ Tiền Tiến chửi một câu: “Mả mẹ chúng mày.”
Sau đó nó vừa cười vừa kê đầu lên bàn, bọn Lưu Kế Sinh đẩy tôi đến trước mặt Lữ Tiền Tiến, Tống Hải cầm con dao trong tay tôi giơ lên, kéo theo bàn tay tôi cầm dao đặt lên cổ Lữ Tiền Tiến. Con dao bếp của tôi vừa gác lên cổ Lữ Tiền Tiến, cổ Lữ Tiền Tiến bèn rụt lại, mặt nó đang dán vào bàn cười hích hích, nó nói:
“Con dao bếp này làm cổ tao nhột quá.”
Tôi thấy trên cái cổ sạm nắng của Lữ Tiền Tiến có mấy nốt mụn đỏ, tôi nói với Lữ Tiền Tiến:
“Trên cổ mày có rất nhiều nốt đỏ, mày bị nhiệt rồi, gần đây mày ăn ít rau rồi.”
Lữ Tiền Tiến nói: “Gần đây tao nói chung là không ăn rau.”
Tôi nói: “Không ăn rau thì ăn dưa hấu cũng được.”
Bọn Tống Hải nói với tôi: “Dương Cao, mày đừng nói lăng nhăng nữa, không phải mày định chém Lữ Tiền Tiến à? Bây giờ cổ Lữ Tiền Tiến nằm dưới dao mày rồi, bọn tao xem mày chém làm sao?”
Đúng vậy, bây giờ cổ Lữ Tiền Tiến đã nằm dưới dao tôi rồi, tôi chỉ cần huơ tay lên, rồi chém xuống, là có thể chặt đứt cổ Lữ Tiền Tiến rồi. Thế nhưng tôi thấy bọn Tống Hải lại bật cười ha hả lần nữa, bụng nghĩ bọn nó hớn hở thế này, bọn nó hớn hở là vì tôi định chém Lữ Tiền Tiến, thế là tôi thấy đau lòng thay cho Lữ Tiền Tiến, tôi nói với nó:
“Chúng nó còn là bạn bè của mày đấy, nếu chúng nó thật là bạn bè của mày, chúng nó sẽ không hớn hở thế này, chúng nó nên tới khuyên bảo tao, chúng nó nên tới lôi tao ra, thế mà mày nhìn bọn nó xem, bọn nó đều mong tao chém mày.”
Chúng nó nghe tôi nói xong, càng cười rộ hơn, tôi nói với Lữ Tiền Tiến:
“Mày xem, chúng nó lại cười.”
Lữ Tiền Tiến cũng đang cười, mồm nó dính vào bàn nói:
“Mày nói đúng, chúng nó không phải là bạn bè chân chính của tao, mày cũng không phải, nếu mày là bạn tao, sẽ không cầm dao đến chém tao.”
Nghe thấy Lữ Tiền Tiến nói như vậy, lòng tôi có chút bất an, tôi nói với nó:
“Tao định đến chém mày là vì mày đánh tao, nếu mày không đánh tao, tao sẽ không đến chém mày.”
Lữ Tiền Tiến nói: “Tao mới đánh mày mấy cái, mày đã cầm dao đến chém tao rồi, mày đã quên là lúc trước tao giúp đỡ mày thế nào.”
Tôi nhớ lại rồi, tôi nhớ lại rất nhiều việc lúc trước, nhớ lại những việc Lữ Tiền Tiến từng làm vì tôi, nó vì tôi mà đánh nhau với người khác, vì tôi mà cãi cọ với người khác, vì tôi mà làm rất nhiều việc, nhưng bây giờ tôi lại muốn chém nó, tôi cảm thấy mình không nên chém nó, nó tuy là có đánh tôi, nhưng nó vẫn là bạn tôi. Tôi bỏ con dao bếp khỏi cổ nó, nói với nó:
“Lữ Tiền Tiến, tao không chém mày nữa...”
Đầu Lữ Tiền Tiến ngẩng dậy khỏi bàn, nó giơ tay xoa cổ, cười ha hả với bọn Tống Hải, bọn Tống Hải cũng cười ha hả với nó.
Tôi nói tiếp: “Tuy là tao không chém mày nữa, nhưng cũng không thể cứ thế này là xong được, lúc nãy mày bạt tai tao rất nhiều cái, đá tao rất nhiều cú, bây giờ tao chỉ bạt tai mày một cái, chúng mình coi như là hòa.”
Nói rồi tôi giơ tay giáng cho Lữ Tiền Tiến một bạt tai, người trong nhà đều nghe thấy lòng bàn tay tôi tát vào mặt Lữ Tiền Tiến, tiếng cười của bọn nó thình lình tắt hết. Tiếp đó tôi thấy Lữ Tiền Tiến trợn tròn xoe mắt, chỉ vào tôi chửi:
“Mả mẹ mày!”
Nó hất đổ ghế, sải một bước đến trước mặt tôi, nhắm thẳng mặt tôi giáng liền bốn bạt tai “bốp bốp bốp bốp”, đánh cho tôi mặt mày xây xẩm, hai mắt tối sầm, sau đó nó nhắm thẳng ngực tôi thoi một đấm chí tử, khiến phổi tôi cũng kêu ong ong. Đến lúc tôi ngã quay ra, nó còn đạp lên bụng tôi một cái, khiến ruột gan tôi lộn tùng phèo. Lúc tôi ngã xuống đất, tôi cảm thấy chân nó còn đá tôi mấy phát, đều là đá vào chân tôi, khiến chân tôi đau muốn gãy. Tôi nằm lăn ra đất rồi, tôi nghe thấy tiếng chúng nó nói chuyện ong ong, tôi không nghe rõ chúng nó đang nói gì, tôi chỉ cảm thấy cơn đau trong người từ đầu đến chân, từng cơn từng cơn, đang vắt người tôi giống như vắt khăn vậy.
16/6/1996
Dư Hoa
An Lý dịch từ nguyên tác tiếng Trung Quốc