Chuyên đề

Trả lễ - Truyện ngắn của Bàn Thị Ba

Bàn Thị Ba
Văn học địa phương
08:00 | 02/11/2024
Baovannghe.vn - Ở làng Dao này đến giờ thực sự vẫn còn những chuyện rất kỳ cục. Chuyện cưới hỏi vẫn theo lệ xưa cũ.
aa

Đêm. Bóng tối lan tràn. Xóm núi đã say ngủ bỗng náo động. Từ trong nhà Pham, tiếng kêu thất thanh vọng ra: "Bà con ơi! Cứu con tôi! Cứu với!". Mấy người đốt đuốc chạy tới. Trong nhà, mẹ đang đỡ cô bé Pham vật vã trên giường. Mặt Pham tái xanh, chân tay duỗi mềm. Một trung niên hớt hải: "Có chuyện gì thế chị?" Mẹ Pham vừa khóc vừa nói: "Hình như… con bé… ăn lá ngón!". Mọi người lao tới, người thì tìm đũa cả cậy miệng, người thì đưa ngón tay vào cổ họng Pham để gây nôn. Một lúc sau, cô bé đã nôn thốc nôn tháo. Mọi người vội đưa Pham ra trạm xá xã. Thật không ngờ cô bé lại làm như thế!

Mấy hôm trước, vào buổi chiều muộn, đang mải lấy dây thừng buộc sẹo mũi từng con trâu vào cột chuồng rồi chuẩn bị đốt đống rác hun muỗi thì chợt có tiếng gọi réo rắt của bé Nhụn: Chị ơi! Về nhà nhanh lên! Pham chạy ra: Có việc gì thế em? Nhụn kéo tay chị: Mẹ bảo chị về có việc! Pham nói với em: Ừ! Để chị làm xong đống hun muỗi rồi sẽ về! Bé quay người sắp chạy đi còn dặn với: Xong thì chị về ngay nhé! Rồi chạy ù đi. Chẳng biết có việc gì mà mẹ lại gọi về vội thế?

Đốt lửa nhóm xong đống hun muỗi, đóng dóng chuồng trâu cẩn thận, Pham sải bước về nhà. Vừa đến chỗ máng nước lần để rửa chân tay, đã nghe tiếng mẹ: Ơ! Cái con bé này sao chưa thấy về nhỉ? Pham vội đánh tiếng: Con về rồi mẹ ạ! Rồi bước vào cửa bếp, bỗng nhìn thấy sự lạ. Một cái mẹt đặt bên bếp lửa, trong mẹt là một cái đùi lợn rất lớn, dễ chừng hơn cả chục ky lô. Cô bé tròn mắt: Cái gì đây hả mẹ? Mẹ bối rối: À... ừ! thịt lợn tết chú Nải xóm trên vừa mang đến cho đấy! Pham há hốc miệng: Chú Nải mang cho á? Lời ông chú họ nói với mẹ sau hôm chú Nải mang rượu đến nhà bỗng vang lên bên tai: Gả con bé Pham vào nhà chú Nải thì tốt quá! Nhà ấy được đấy! Pham hốt hoảng. Gả là thế nào đây? Có phải chú họ và chú Nải đã nói với nhau chuyện gì đó? Sao mẹ không nói rõ cho mình biết nhỉ? Chị Lá cùng làng đấy, lúc trước nhà chồng cũng năm lần bẩy lượt đến hỏi, mãi rồi nhà gái mới đồng ý. Lúc chị lấy chồng cũng mười bẩy, bằng tuổi Pham bây giờ. Thế mà chị ấy đã bị chồng bỏ. Anh ta đến ở rể hơn hai năm, chị đã sinh một bé gái giờ lại bảo không hợp, không cưới nữa. Bố mẹ chị ấy sang nhà trai làm lớn chuyện. Người ta mang sang trả cho nhà chị năm đồng bạc trắng gọi là "bạc rửa mặt". Thế là xong! Chỉ năm đồng bạc thôi mà có thể dẫm đạp lên đức hạnh, trinh tiết của người phụ nữ. Thật đáng sợ! Nhìn cái đùi lợn trong mẹt, Pham hiểu đây là lễ cầu thân của nhà chú Nải. Người ta thường làm như thế sau khi đã mang rượu đến hỏi để xin được so tuổi đôi trai gái. Pham ngẩn người! Không có lẽ mẹ và chú họ đã đồng ý để nhà người ta đến hỏi cưới mình? Pham trách mẹ: Sao mẹ lại nhận cái này? Mẹ bảo: Mẹ đã kịp nói gì đâu! Chú ấy mang đến nói biếu nhà mình để ăn tết, nói xong là về luôn. Pham gần như sắp khóc: Làm thế nào bây giờ hả mẹ? Mình nhận là mắc nợ đấy! Mẹ khẽ gắt: Sao con phải cuống lên như thế? Có phải nhà mình bảo người ta mang đến đâu? Lúc ấy, trong đầu cô bé vụt nảy ra ý nghĩ ngay thẳng mà vô cùng quyết liệt: Phải đem đi trả ngay bây giờ!

Minh họa của Lê Cù Thuần
Minh họa của Lê Cù Thuần

Hôm chú Nải xách rượu đến, mẹ phải gọi chú họ sang ngồi nói chuyện. Chú họ Pham thì khỏi nói rồi, ông ấy là trưởng họ, là người bảo thủ số một ở làng Dao này. Suốt cả tối chỉ có người lớn nói chuyện, bọn trẻ không để ý chả biết họ nói gì. Pham thì lo nấu cơm cho cả nhà ăn. Xong bữa thì dọn dẹp, rửa bát. Mọi việc xong xuôi mới được ngồi vào bàn học bài. Cơn buồn ngủ ập đến lúc nào không biết, cô bé ngủ gục xuống bàn học, lúc sau tỉnh dậy phải ra sân vã nước lã vào mặt cho tỉnh để học nốt bài của ngày mai. Giờ bố đã mất, mẹ lại ốm yếu luôn. Các anh chị lớn, người đi công tác, người thì ở riêng. Chỉ còn Pham là lớn nhất, các em thì lít nhít, chưa biết làm việc gì. Chỉ là cô bé chưa qua tuổi thiếu niên, nhưng Pham đã trở thành trụ cột gia đình. Mọi việc trong nhà đều giúp mẹ làm. Ngày đó, đang kỳ thi chuyển lớp thì bố ốm nặng, đưa đến bệnh viện nửa tháng rồi cũng không cứu được bố, nỗi đau tang tóc bất chợt ụp xuống. Đàn con nháo nhác như chim mất ổ. Mẹ đau đớn lâm bệnh. Pham đã tưởng mình không được đi học nữa. Nghỉ thi để làm tang lễ cho bố xong, cô giáo chủ nhiệm và các bạn đã đến động viên gia đình và xin mẹ cho Pham đi học tiếp. Mẹ ngần ngừ mãi rồi cũng đồng ý. Thế là cô bé lại miệt mài cuốc bộ gần chục cây số cùng bạn bè qua đò vượt sông ngày ngày đến trường.

Ở làng Dao này đến giờ thực sự vẫn còn những chuyện rất kỳ cục. Chuyện cưới hỏi vẫn theo lệ xưa cũ. Cứ thấy con gái nhà ai vào mắt là người ta tùy tiện mang rượu đến hỏi xin cưới về làm dâu, thậm chí có nhà còn xin cho con trai đến ở rể nữa chứ. Không ai cần phải hỏi xem cô gái có đồng ý hay không. Chuyện lớn của cả đời người mà cứ như chuyện đùa. Cái thân đàn bà con gái trong việc dựng vợ gả chồng thật sự không được tính đếm. Cô bé Pham cũng không phải là ngoại lệ. Nhà chú Nải và mấy nhà khác đã ưng cô từ lúc còn bé tý. Giờ chỉ mới hơi trổ mã nhưng cô bé đã trở nên xinh tươi, dịu dàng và duyên dáng. Tính tình xởi lởi, hay cười, lễ phép, thường giúp đỡ mọi người nên người già trẻ con đều rất mến cô. Mấy nhà ở làng xa đã ngấp nghé đánh tiếng. Nhà chú Nải ở xóm trên, con trai chú cũng chỉ hơn Pham một hai tuổi, chưa biết nói chuyện với các cô gái thế nào. Nhưng có lẽ cậy ở gần nên chú Nải đã đem rượu đến hỏi trước. Mải nghĩ, bỗng giật mình, thấy trời đã sắp tối rồi, Pham đứng lên bảo mẹ: Con mang đi trả đây! Mẹ nhìn con gái: Con định đem trả thật sao? Pham dứt khoát: Phải trả chứ! Mẹ lắc đầu: Không được! Phải hỏi chú họ đã! Pham cầm tay mẹ: Mẹ ơi! Nhà mình không thể nhận thứ này đâu! Mình không thể mắc nợ người ta được! Con không lấy chồng bây giờ đâu! Mẹ chần chừ: Nhưng mẹ lo…. Pham một mực: Không nhưng gì nữa! Con sẽ đem đi ngay! Mẹ lắc đầu buông xuôi: Thôi, tùy con vậy! Pham tìm cái sọt, lót lá chuối rồi cho cái đùi lợn vào đó, nhờ mẹ khiêng đặt lên gác ba ga xe đạp, buộc chắc, đẩy ra đến đường cái. Pham và bé Nhụn, người cầm tay lái, người đẩy phía sau, cứ thế mà đi. Trời xẩm tối, mới đến nhà chú Nải. Chiếc xe đạp được đẩy vào tận cửa, Pham tháo dây buộc, bảo em gái giúp khiêng cái sọt đặt xuống cạnh bếp lửa. Chú Nải chạy đến: Ơ! Cái gì thế cháu? Pham bảo chú: Chúng cháu đến trả lại chú cái này! Trong ánh lửa bếp, mặt chú bỗng đỏ rần, cô bé lễ phép: Chúng cháu xin phép đi về ạ! Rồi dắt xe đạp cùng em gái trở về nhà.

Những ngày sau đó, khi đi làm ruộng, làm nương, tình cờ gặp chú thím ấy, Pham có chào hỏi thì đều bị lơ đi, không ai thưa lại một câu nào cả. Cô biết người nhà ấy ghét mình lắm, nhưng cũng chẳng sao. Cô bé thấy mình làm đúng, dám làm thì dám chịu. Cơ mà xưa nay đã có cô gái nào ở làng Dao này dám làm thế đâu! Pham là người đầu tiên dám thể hiện dứt khoát thái độ không đồng ý để người ta hỏi cưới và tự đem trả lễ vật cho nhà trai. Rồi cũng đến lúc chú họ đến. Tiếng chú rất to từ ngoài sân: Chị dâu có nhà không? Mẹ chạy ra: Chú tìm chị à? Mặt chú rất căng: Con bé Pham đâu? Mẹ lo lắng: Chú hỏi cháu nó có việc gì thế? Chú có vẻ rất bực: Việc gì à? Chị xem! Nó đã làm gì để người lớn nhà này mất mặt? Sao chị dám cho nó làm thế? Mẹ lúng túng: Tôi... tôi...! Đúng là đàn ông gia trưởng mà. Mẹ Pham nhẫn nhịn quá! Những người đàn bà ở làng Dao này chẳng có chút quyền hành nào cả. Vẫn biết là sẩy cha còn chú nhưng là đàn em sao chú lại lên mặt với chị dâu như thế được chứ? Pham từ trong nhà chạy ra: Chú! Sao chú lại quát mẹ cháu thế? Chú quay lại: À! Con này giỏi! Lại còn dám hỏi vặn ta hả? Cô bé Pham nhút nhát thường ngày, giờ lại dám hỏi chú: Chú bảo sao ạ? Chú cầm tay Pham kéo vào nhà: Đi vào nhà! Ta sẽ nói cho mày biết! Nhà chú họ toàn con trai, chỉ có một đứa con gái nên có việc gì lớn nhỏ là Pham lại sang giúp đỡ cơm nước dọn dẹp. Chú thím thương Pham như con đẻ. Pham cũng coi chú thím như cha mẹ mình. Nhưng hôm nay thì khác, chú giận Pham thật rồi! Ngồi vào bàn uống nước, chú sẵng giọng: Sao cháu đem trả lễ cho nhà chú Nải mà không nói cho ta biết? Tự dưng Pham khá bình tĩnh: Chú định gả cháu cho con trai chú Nải à? Thái độ bề trên kể cả, chú bảo: Đúng vậy thì sao nào? Nhà ấy tốt thế, còn chê cái nỗi gì nữa hả? Bố cháu đã dặn ta phải cưới gả cháu đàng hoàng! Câu nói của chú chạm đến sự lo lắng, nỗi sợ hãi giấu kín bấy lâu khiến lòng Pham như bùng nổ. Pham nói nhanh: Chú ơi! Cháu mới mười bẩy tuổi, cháu muốn đi học, cháu không lấy chồng! Chú bực tức: Hừ! Học lắm cho hư người hử! Gái lớn thì phải gả chồng! Pham giãy nảy: Cháu không thể! Chú họ đập bàn quát: Mày liệu đấy! Tưởng ta không dám đánh đòn hả! Ngày mai phải đến nhà người ta xin lỗi. Nếu không thì đừng có trách! Ông chú bước ra ngoài còn nói sẵng với mẹ: Chị liệu mà dạy bảo con bé! Đừng để nó làm chuyện xấu hổ với xóm làng! Mẹ miễn cưỡng: Ừ! Tôi sẽ dạy bảo nó!

Câu chuyện cứ thế bay ra khắp làng. Cái làng Dao ấy, có chuyện gì mà người ta không biết cơ chứ! Cứ ló mặt ra đường là người ta lại chỉ chỏ thì thầm với nhau: Đứa gái dám đem lễ vật trả nhà trai kia kìa! Nghe nói nó thích trai làng khác rồi! Thật là một đứa gái lăng nhăng! Có người kể với Pham rằng, con trai chú Nải còn nói đổng: Con bé Pham á! Xấu xí thế mà đòi lên mặt! Để xem ai thèm lấy nó! Nghe thấy mà nhói lòng. Chẳng hiểu thế nào mà bọn bạn ở trường cũng biết chuyện. Sáng đến lớp, mấy cậu ngỗ nghịch đã chạy đến trước mặt Pham. Chúng làm mặt hề trêu: Lêu lêu, lấy chồng rồi còn đi học! Tất cả phá lên cười. Pham đỏ mặt xấu hổ, đuổi theo định cốc đầu bọn nó mà không kịp đành chạy nhanh vào chỗ ngồi giấu mặt vào quyển sách.

Mấy hôm sau, Pham đang lúi húi ở bếp, chú họ lại đến. Chú quát hỏi từ ngoài cửa: Cháu đã đến nhà người ta xin lỗi chưa hả? Pham giật mình: Cháu! Cháu… Ông chú không để Pham kịp nói hết mà quát to: Sao? Ngươi không nghe lời của ta hả? Pham bỗng nhiên bình tĩnh: Cháu không đi! Cháu không có lỗi gì cả! Ông chú bước tới: Cái gì? Dám cãi ta hả? Pham đứng lên: Chú định bán cháu à? Bỗng ông chú lao tới tát bốp vào mặt Pham, cô bé loạng choạng sắp ngã. Ông hầm hầm bước ra cửa: Dám láo với ta hả? Liệu hồn! Cẩn thận ta đuổi ngươi ra khỏi cái dòng họ này! Ông chú đi rồi, Pham mới khóc tấm tức.

Mà cô bé Pham cũng gan lớn thật. Dám ăn cả lá ngón tự tử! Chắc là uất ức quá, không có lối thoát nên làm liều. May mà mẹ phát hiện kịp thời mà kêu cứu mọi người đến giúp. Trong đêm, bác sỹ trạm trưởng đã rửa dạ dày kịp thời nên Pham đã hồi tỉnh. Cả làng bị một phen hú vía. Ông chú trưởng họ của Pham cũng giật mình. Ông tự nhủ: May mà con bé không sao! Suýt nữa thì mình gây tội lớn rồi!./.

Nguồn (Tạp chí Văn nghệ Hà Giang - Số 8/2024)

Vỏ lạc đỏ. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thu Hà SG Dịu. Truyện ngắn của Phố Hoa Mùa cỏ đắng. Truyện ngắn dự thi của Trang Thụy Mây xanh từ quá vãng. Truyện ngắn dự thi của Nhụy Nguyên Đi qua một người điên - Truyện ngắn của Nguyễn Hồng Thái
Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 9/12/2024

Baovannghe.vn - Hà Nội Concert: Hoà nhạc Mùa đông do Đài PT-TH Hà Nội tổ chức tại Nhà Hát Lớn vào tối 13/12 với sự tham gia của Dàn giao hưởng trẻ Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Thủ tướng Chính phủ: Thi đua, khen thưởng truyền cảm hứng cho toàn xã hội

Baovannghe.vn - Sáng 9/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới

Baovannghe.vn - Ban Nội chính TƯ, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật ra mắt sách “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Đề xuất áp dụng thuế khí thải có giảm thiểu được ô nhiễm không khí?

Baovannghe.vn - Xe máy được chỉ ra là phương tiện xả khí thải lớn nhất gây ô nhiễm môi trường như NO2, CO, SO2, NMVOC, CH4, nhất là bụi mịn PM2.5.
Biết viết và không biết viết

Biết viết và không biết viết

Baovannghe.vn - Tôi thường dè dặt khi đưa ra các dự đoán về công nghệ, nhưng tôi khá tự tin về dự đoán này: trong vài thập kỉ tới, sẽ không có nhiều người có thể viết.