Diễn đàn lý luận

Văn chương trẻ đồng hành khát vọng phương Nam

Lê Thiếu Nhơn
Lý luận phê bình
07:00 | 11/10/2024
Baovannghe.vn - Hội nghị Những người viết trẻ Thành phố Hồ Chí Minh 2024 diễn ra từ ngày 11 đến 13/10, là một sự kiện không chỉ dành riêng cho các cây bút đang học tập và cư ngụ trên địa bàn đô thị lớn nhất phương Nam.
aa

Ban tổ chức chủ động mời thêm các cây bút trẻ ở các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa Vũng Tàu… giúp cuộc gặp gỡ văn chương mang đúng tinh thần “Đồng hành khát vọng phương Nam”.

Đây là lần thứ 5, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện dành riêng cho các cây bút trẻ. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nên khoảng cách giữa hội nghị lần thứ 4 và hội nghị lần thứ 5 là 7 năm, thay vì 5 năm như thường lệ. Tính từ năm 2017 đến nay, một thế hệ cầm bút mới đã xuất hiện, trẻ trung hơn và tự tin hơn. Tài liệu chính thức của Hội nghị Những người viết trẻ Thành phố Hồ Chí Minh là cuốn sách Dòng chảy của nước tập hợp tác phẩm chọn lọc của 62 cây bút, ít nhiều chứng minh điều ấy. Nhiều tác giả sinh sau năm 2000 đã góp mặt, rộn ràng và khác biệt, so với những cây bút 8X hay 9X.

Văn chương trẻ đồng hành khát vọng phương Nam
Nhà văn Bùi Tiểu Quyên - đại biểu dự hội nghị.

Ở một đô thị nhộn nhịp mang đẳng cấp quốc tế như thành phố Hồ Chí Minh, văn chương chưa bao giờ bị ru ngủ bởi những mơ tưởng viễn vông. Văn chương buộc phải vận hành trong sự năng động của cộng đồng, và nỗ lực dự phần vào đời sống tinh thần của cộng đồng. Với đặc trưng ấy, nghề cầm bút chuyên nghiệp đối mặt nhiều thử thách, với các bạn trẻ muốn tìm kiếm cơ hội lập thân theo cách riêng mình. Cũng may, sức quyến rũ của một môi trường sống cởi mở vẫn không ngừng thu hút dòng người nhập cư liên tục, đã giúp đội ngũ văn chương thành phố Hồ Chí Minh đều đặn bổ sung những gương mặt mới. Vì vậy, Hội nghị Những người viết trẻ Thành phố Hồ Chí Minh 2024 lại chứng kiến thêm một thế hệ rời vạch xuất phát để theo đuổi đam mê sáng tạo. Bây giờ, không còn những tờ báo ưu ái đăng tải sáng tác cho các cây bút trẻ, như hai thập niên cuối thế kỉ 20. Thế nhưng, bù đắp lại, mạng internet đã và đang tạo ra không gian thuận lợi cho các cây bút trẻ được phô diễn đam mê văn chương. Có không ít cây bút từ bệ phóng của Blog hay Facebook, mà trở thành tác giả có sách bán chạy trên thị trường. Mặt khác, tận dụng công nghệ thông tin, các cây bút trẻ tỏ ra nhạy bén trong việc quảng bá và tiếp thị tác phẩm. Thậm chí, nhiều cây bút trẻ dễ dàng phát hành được tác phẩm của mình đến tận vùng sâu, vùng xa thông qua kết nối thế giới ảo.

Hội nghị Những người viết trẻ Thành phố Hồ Chí Minh 2024 cũng là dịp để đánh giá tương đối rõ nét sự hình thành đội ngũ tác giả được chào đời và lớn lên trong hòa bình. Nghĩa là, điểm danh những tác giả sinh từ năm 1975 trở lại đây, đã thấy một lực lượng trẻ bổ sung màu sắc sinh động cho nền văn chương Việt Nam, như Nguyễn Thị Châu Giang, Ly Hoàng Ly, Vũ Đình Giang, Trương Anh Quốc, Đào Phong Lan, Tiến Đạt, Ngô Liêm Khoan, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Nguyễn Phong Việt, Ngô Thị Hạnh, Phương Huyền, Võ Thu Hương, Văn Thành Lê, Tống Phước Bảo, Trần Đức Tín… Họ làm nhiều nghề khác nhau để mưu sinh, nhưng vẫn giữ được ngọn lửa sáng tạo văn chương một cách bền bỉ. Một đặc điểm của văn chương trẻ nói riêng và văn chương thành phố Hồ Chí Minh nói chung, là sự trong sáng dung nạp những sự khác biệt về cá tính sống lẫn phong cách viết. Tác giả trẻ phương Nam không tẩy chay hay miệt thị những biểu hiện không giống mình, nên văn chương đa dạng và phong phú. Người giữ nhịp điệu lục bát truyền thống vẫn đứng chung với người khao khát tân hình thức hoặc hậu hiện đại. Người say sưa tiểu thuyết ngôn tình vẫn đồng hành người mải mê đổi mới cấu trúc truyện ngắn. Họ chấp nhận nhau, họ dìu dắt nhau, họ nâng đỡ nhau để có được tác phẩm như mong muốn của mỗi người.

Văn chương trẻ đồng hành khát vọng phương Nam
Nhà văn Huỳnh Trọng Khang - đại biểu dự hội nghị.

Đáng chú ý, văn chương trẻ thành phố Hồ Chí Minh đang hình thành những tác giả mang phẩm chất công dân toàn cầu. Họ sinh sau năm 2000, thông thạo ngoại ngữ và có thể sáng tác bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh. Ví dụ, tác giả trẻ Minh Anh sinh năm 2007 đã đoạt giải A của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam với tập thơ song ngữ Một ngày từ bên trong. Còn đại biểu trẻ nhất ở Hội nghị Những người viết trẻ Thành phố Hồ Chí Minh 2024 là tác giả trẻ Cao Việt Quỳnh sinh năm 2008, có bộ tiểu thuyết Người sao Chổi gồm 3 tập được trao tặng Giải thưởng Sách quốc gia. Chắc chắn, những tác giả - công dân toàn cầu này hoàn toàn có khả năng tự tin hội nhập văn chương quốc tế. Ý thức chuyên nghiệp được tác giả trẻ Cao Việt Quỳnh 16 tuổi bộc bạch: “Đã theo nghề viết, mỗi người nên tự đặt ra một thời khóa biểu nghiêm ngặt, đơn giản từ việc mỗi ngày viết bao nhiêu chữ, vào thời gian nào… Như vậy mới kịp tiến độ, để bản thân không trì hoãn bởi thành quả đã có. Nhưng chúng ta cũng phải hiểu, không thể ép con chữ lên giấy được, nó phải đến từ trong trái tim. Ngồi xuống, đột nhiên không có cảm hứng, ý tưởng, thì phải chấp nhận là bản thân đang không có cảm hứng, ý tưởng vào lúc đó. Khi ấy, chúng ta nên thư giãn, đi dạo, làm những thứ mình thích, không liên quan đến việc viết. Rồi sau đó, ta sẽ đột nhiên có một sự “lóe sáng”, một nguồn cảm hứng đến từ những nơi chốn không ai ngờ tới”.

So với Hội nghị Những người viết trẻ Thành phố Hồ Chí Minh lần 4 (năm 2017) thì hôm nay các gương mặt tác giả trẻ đã đông đảo hơn và nhiều dấu ấn hơn. Qua giải thưởng Tác giả Trẻ của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam hay những cuộc thi văn chương chuyên nghiệp, những tên tuổi đã được khẳng định như Bùi Tiểu Quyên, Ngô Thúy Nga, Trần Ngọc Mai, Võ Chí Nhất, Vĩ Hạ, Huỳnh Trọng Khang, Nguyễn Trần Khải Duy, Ngô Tú Ngân, Trần Văn Thiên, Đoàn Nguyễn Anh Minh… Và họ cũng khác thế hệ đi trước, khi tự chọn con đường riêng để đột phá, có người chuyên tâm viết cho thiếu nhi, có người đầu tư mảng truyện tranh, có người khai thác mảng khoa học viễn tưởng, có người sáng tác đề tài trinh thám phá án… Họ chủ động tạo dựng thế giới văn chương của họ, đầy hào hứng và đầy nhiệt huyết. Hạn chế phải âu lo hiện tại là sự thưa vắng những tác giả trẻ ở lĩnh vực lí luận phê bình. Vài cây bút như Nguyễn Đình Minh Khuê hoặc Trương Mỹ Ngọc dường như vẫn chưa tương tác trực diện với nhịp điệu văn chương đang chuyển biến mau chóng của nhu cầu xã hội. Nếu không hình thành những sinh hoạt học thuật thường xuyên và không có những diễn đàn tích cực, thì trong vòng một thập niên tới, đời sống văn học thành phố Hồ Chí Minh sẽ hụt hẫng vì khoảng trống lí luận phê bình.

Hội nghị Những người viết trẻ Thành phố Hồ Chí Minh 2024 sẽ có một số hoạt động bổ ích như dâng hương tại Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, giao lưu với sinh viên Đại học An Giang, tham quan di chỉ văn hóa Óc Eo, thăm nơi ở và viết của học giả Nguyễn Hiến Lê tại Long Xuyên… Thế nhưng, quan trọng nhất, mang đậm dấu ấn hội nghị nhất, vẫn là những tham luận của các đại biểu trẻ. Mạnh dạn và hào hứng, nhiều cây bút đã gửi tham luận đến hội nghị, trình bày quan điểm văn chương của mình một cách rõ ràng và quyết liệt.

Trong tham luận “Con đường tiểu thuyết của tác giả trẻ”, đại biểu Lâm Phương Lan bày tỏ: “Con người có thể nhịn ăn, nhưng không thể thiếu nước. Tôi quan niệm rằng, con đường sáng tác tiểu thuyết cũng vậy, có thể đi chậm “nghỉ ngơi”, nhưng tuyệt nhiên không nên dừng lại. Khi càng chạy trên con đường sáng tác tiểu thuyết, dù nhanh dù chậm, tôi càng không nhìn thấy đích đến. Bởi mỗi cuốn tiểu thuyết được hoàn thiện sau khoảng thời gian rất dài, nó chỉ là điểm chạm mang dấu ấn cá nhân. Thể loại, nội dung từng câu chuyện được kể bởi các tác giả trẻ phần lớn là nhặt gom ở độ tuổi đang dần trưởng thành cùng vốn sống ít ỏi. Vì thế, con đường sáng tác càng phải ôm đồm nhiều hơn, bằng việc đi nhiều, đọc nhiều, lắng nghe nhiều, chia sẻ nhiều… Nhưng càng nhiều, càng thấy thiếu. Bởi người viết không chỉ phải nạp liên tục lượng kiến thức khổng lồ, song song là tìm hiểu sâu nền tảng đa văn hóa, bắt kịp hơi thở của thời đại xoay chuyển không ngừng, kĩ thuật kể một câu chuyện dài hàng trăm nghìn chữ để níu kéo người đọc, đòi hỏi người viết tiểu thuyết phải hết sức kiên nhẫn”.

Trong tham luận “Tuổi trẻ viết cho tuổi thơ” gửi tới hội nghị, đại biểu Bùi Tiểu Quyên chia sẻ: “Trong các tác phẩm của mình, người cầm bút trẻ không ngừng mang đến những câu chuyện bất ngờ, mới lạ trong nỗ lực vượt qua những giới hạn cũ. Khám phá và tái khám phá không gian văn hóa nơi mình sinh sống cũng như khơi mở khả năng sáng tạo không giới hạn của bản thân. Những câu chuyện trao gửi thông điệp nhân văn, ý nghĩa nhưng không sáo rỗng, giáo điều. Sự chân thật đến từ cảm xúc, cái đẹp đến từ những giá trị và sức hấp dẫn có được từ trí tưởng tượng phong phú được thể hiện qua ngôn ngữ giàu hình ảnh. Những yếu tố cần có trong tác phẩm dành cho thiếu nhi đều được tìm thấy trong nhiều sáng tác của người trẻ: phiêu lưu khám phá, khơi gợi trí tò mò, sáng tạo; hài hước, ngôn ngữ trong sáng, truyền cảm hứng và trao gửi thông điệp tích cực… Viết vốn là nhu cầu tự thân của mỗi người cầm bút, nhưng trên hành trình dấn bước với văn học thiếu nhi, qua các tác phẩm của mình, người trẻ còn cho thấy ở họ ngoài nguyện ước được trao gửi và sẻ chia giá trị là tinh thần khát khao được khám phá, thử sức và làm mới chính ngòi bút của mình. Điều đặc biệt và rất đáng tự hào là nhiều tác phẩm của người trẻ đã được chọn in vào sách giáo khoa. Đây cũng là dấu ấn rất riêng cho thế hệ người cầm bút trẻ hôm nay”.

Đề cập một ngách độc đáo của văn học thiếu nhi đang cần tác giả trẻ góp sức, đại biểu Nguyễn Trần Thiên Lộc hé lộ: “Từ năm 2012 đến nay, tôi có hơn mười năm cộng tác với Room to Read, một tổ chức phi chính phủ, hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ giáo dục cho trẻ em ở những vùng khó khăn tại 11 nước châu Phi và châu Á. Họ nghiên cứu khá kỹ lưỡng về khả năng đọc ở từng độ tuổi. Qua đó, họ lập bảng phân loại về trình độ đọc theo từng lớp (từ lớp 1 đến lớp 5) và thu gom/xuất bản sách theo từng cấp độ để đưa về các thư viện ở các trường tiểu học vùng khó khăn. Công việc của chúng tôi là sáng tác truyện cho cấp độ đọc 1 và 2. Sau đó phải bàn bạc với họa sĩ minh họa để cho ra đời những cuốn sách tranh chỉn chu nhất theo những tiêu chí chặt chẽ của Room to Read. Sách tranh là thể loại sách kết hợp giữa lời văn và tranh vẽ để câu chuyện có thể được kể ra phần lớn bằng hình ảnh, giúp các em có thể hiểu được câu chuyện mà không phải đọc chữ quá nhiều. Mục tiêu của chương trình là giúp học sinh tiểu học các vùng khó khăn hứng thú với việc đọc sách, tạo thói quen để các em trở thành người đọc độc lập trong tương lai”.

Trong các tham luận sẽ trình bày tại Hội nghị Những người viết trẻ Thành phố Hồ Chí Minh 2024, cũng có rất nhiều trăn trở và suy tư, thể hiện trách nhiệm của tác giả trước sáng tạo phụng sự xã hội. Tham luận “Số lượng có làm nên chất lượng truyện ngắn trẻ”, đại biểu Tống Phước Bảo cho rằng: “Tốc độ viết của các bạn trẻ khiến hầu hết độc giả lẫn bạn văn đều nể trọng. Tuy vậy chúng ta vẫn nhìn nhận để hoàn toàn đảm bảo chất lượng thì rất khó. Bởi ở một số tác phẩm chạy theo tốc độ đáp ứng cho các báo theo tuần chỉ gói gọn trong 2000 chữ rất khó để thể hiện hoặc tung tẩy câu chữ. Nhưng, những khoản nhuận bút dù khá khiêm tốn vẫn hỗ trợ các cây bút trẻ, mới trong cuộc sống này. Kiểu mà làng văn trẻ hay đùa nhau là “mưu sinh”. Vẫn có rất nhiều cây bút đang cố gắng cân bằng câu chuyện sống bằng nghề viết. Cá nhân tôi cho rằng nhìn thực tế để thấy số lượng tác phẩm của một cây bút trẻ có thể giúp câu chuyện cuộc sống phần nào đảm bảo trước đã rồi mới tính đến chuyện “định danh”. Một phần cũng có thể thấy một số cây bút trẻ háo hức tìm kiếm một vùng độc giả bằng cách sản xuất ồ ạt tác phẩm trên các diễn đàn mạng xã hội, để chứng tỏ sự năng động và mở rộng tệp độc giả mới của mình. Hiện có rất nhiều diễn đàn văn học mạng với sự cởi mở trong duyệt bài để thu hút các cây bút trẻ và mới tập viết. Dù về chất lượng khó kiểm soát vì phần nào cũng có sự du di, dễ dài và đôi khi để ra vấn nạn đạo văn, xào bài. Tuy nhiên vẫn có những cây bút chọn lối đi này để tiếp cận văn chương. Họ được các anh chị đi trước đang tham gia sinh hoạt trong các diễn đàn định hướng và dìu dắt để từ đó phát triển hơn nữa các tác phẩm của mình”.

Còn trong tham luận “Nhận diện thơ trẻ phương Nam”, đại biểu Trần Đức Tín sốt ruột: “Tôi muốn một sự phát triển tột bậc của vườn thơ Trẻ, mọi bông hoa trong vườn đều khoe sắc và ngát hương. Ta thử nhìn một cách công tâm mà điểm lại với thơ Trẻ chúng ta có bao nhiêu tác phẩm được giữ lại trong lòng độc giả, có bao nhiêu cái tên được gắn với dòng trôi của thơ hiện nay, hay nhỏ bé hơn, có bao nhiêu câu thơ chúng ta viết ra mà nó còn “sống” đến hôm nay? Chúng ta đã làm được gì nhiều cho thơ Trẻ này, chúng ta đã mải mê loay hoay với chính bản thân mình mà không chung tay góp phần, điểm danh, đặt tên cho dòng thơ Trẻ chung của mọi người. Thử nêu ra và điểm danh lớp trẻ của phương Nam hiện nay trong tổng quan văn chương cả nước xem, chúng ta sẽ bất ngờ đến ngượng ngùng, hổ thẹn. Mà cánh cửa thành công không bao giờ được dựng giữa đường, nó luôn ở phía cuối, chỉ có cách duy nhất là ta đi đến tận cùng con đường để mở nó. Chúng ta đang có lợi thế là Trẻ: công sức, quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám thể nghiệm và dám chịu thất bại. Hay nói cách khác, vì chúng ta Trẻ nên chúng ta còn thời gian cho sự thất bại. Và ta đều biết, không có sự thành công nào tự nhiên đến, vậy sao chúng ta còn chưa bước?”.

Văn chương luôn là hành trình đam mê giữa niềm hào hứng và nỗi nhọc nhằn. Văn chương trẻ thường có màu sắc như món quà tinh thần trên con đường lập nghiệp của mỗi cá nhân. Sự tưng bừng ở vạch xuất phát luôn dự báo sự thưa thớt dần theo chiều dài tháng năm. Không có gì phải ngạc nhiên mà cũng không có gì phải băn khoăn. Văn chương cần tinh thần cống hiến và lao động bền bỉ, không thể quá sốt ruột và cũng không thể sớm nản lòng. Văn chương trẻ TP.HCM giống như một cuộc chạy tiếp sức, người nọ nối người kia khơi dậy vẻ đẹp đô thị. Những bài thơ mơ mộng, những truyện ngắn gai góc, những tiểu thuyết ngổn ngang hay những tản văn nồng nàn đều là một phần của đời sống được chắt chiu và lắng đọng. Văn chương trẻ thành phố Hồ Chí Minh giúp cộng đồng thêm hiểu, thêm yêu một vùng đất hào hiệp cưu mang từng số phận con người.

Lê Thiếu Nhơn | Báo Văn Nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đón đợi văn trẻ từ tầm nhìn văn hóa Nhà văn trẻ với khát vọng lớn Nhà văn trẻ và khát vọng lớn Dòng chảy đa dạng và năng động của văn trẻ TP.HCM Văn trẻ - đừng như những ánh sao băng
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.
Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Nhà văn Nguyễn Chí Trung

Baovannghe.vn - Nhà văn Nguyễn Chí Trung trưởng thành từ thiếu sinh quân. Đi lính từ bé và làm cán bộ đại đội từ trẻ - ngày nền nông nghiệp của ta xứng danh với cái tên “nghèo nàn và lạc hậu” thì ông hòa nhập vào lớp thanh niên “vượt lên hàng đầu, vượt là vượt như tên bay”...