Sáng tác

Bên trong mặt nạ “Cái chết đỏ”

ĐAN NGỌC
Văn học nước ngoài
08:05 | 03/07/2024
“Cái chết đỏ” đã phá huỷ đất nước trong một thời gian dài. Chưa từng có bệnh dịch nào lại nguy hiểm và khủng khiếp đến thế. Biểu hiện của căn bệnh này là máu - cái màu đỏ thẫm và sự kinh dị của máu. Người bệnh sẽ thấy đau nhói, đầu óc đột ngột quay cuồng, hoa mắt chóng mặt, sau đó máu sẽ chảy ồ ạt qua lỗ chân lông dẫn đến tử vong.
aa
Bên trong mặt nạ “Cái chết đỏ”

Những vết ban đỏ trên cơ thể, đặc biệt là trên mặt bệnh nhân, sẽ như một lời tuyên án, khiến họ bị cách ly hoàn toàn khỏi cộng đồng. Cả quá trình từ lúc khởi phát, diễn biến và kết thúc của căn bệnh chỉ vỏn vẹn trong nửa giờ đồng hồ.

Thế nhưng, hoàng tử Prospero vẫn vui vẻ, không có chút gì lo sợ và tâm trí vô cùng minh mẫn. Khi một nửa dân số của vương quốc đã chết, ông triệu tập một nghìn người khỏe mạnh trong tầng lớp quý tộc và cùng họ rút vào khu biệt lập sâu bên trong một lâu đài tu viện. Đây là một công trình kiến trúc rộng lớn và tráng lệ, được xây từ gu thẩm mỹ lập dị nhưng đầy uy quyền của chính hoàng tử. Bao xung quanh là một bức tường cao và kiên cố. Trên tường có những cánh cổng bằng sắt. Sau khi tất cả vào bên trong, họ dùng lò nung và búa tạ mang theo, hàn chặt các chốt cửa lại.

Họ quyết tâm không chừa lại bất kỳ lối ra vào nào, nội bất xuất ngoại bất nhập. Bên trong tu viện đã được dự trữ đầy đủ lương thực. Với những biện pháp phòng ngừa như vậy, họ đánh cược để chống lại sự lây lan. Họ để mặc cho thế giới bên ngoài tự sinh tự diệt. Trong lúc này mà còn buồn rầu hay lo nghĩ thì chỉ là sự ngu ngốc. Hoàng tử đã chuẩn bị tất cả mọi thứ để những người bên trong tha hồ giải trí. Có chú hề, có nghệ sĩ biểu diễn ngẫu hứng, có vũ công ba lê, có dàn nhạc, có gái đẹp, có rượu ngon. Tất cả những thứ này cùng sự an toàn đều có đủ trong tu viện. Ngoại trừ “Cái chết đỏ”.

Vào khoảng cuối tháng thứ năm hoặc thứ sáu trong thời gian ẩn dật và trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành dữ dội nhất ở bên ngoài, hoàng tử Prospero đã chiêu đãi cả nghìn vị khách của mình một buổi tiệc hóa trang siêu hoành tráng.

Đó là một lễ hội hóa trang khêu gợi. Nhưng trước tiên hãy để tôi kể về những căn phòng nơi buổi đại tiệc được tổ chức. Có một dãy gồm bảy phòng hoàng gia. Tuy nhiên, ở nhiều cung điện, những dãy phòng như vậy thường được bố trí thành hàng dài và thẳng, cửa mỗi phòng sẽ trượt về phía tường ở hai bên, do đó không làm cản trở tầm nhìn toàn cảnh của từng phòng. Ở đây lại khác hẳn, quả rất hợp với sở thích những thứ quái đản của hoàng tử.

Các phòng được bố trí một cách bất thường đến mức tại vị trí đang đứng chỉ có thể nhìn trong phạm vi căn phòng đó. Cứ hai mươi hoặc ba mươi thước lại có một khúc cua gấp và ở mỗi khúc cua lại có một hiệu ứng khác hoàn toàn. Ở bên phải và bên trái, chính giữa mỗi bức tường có một cửa sổ kiểu Gothic cao và hẹp nhìn ra một hành lang khép kín chạy theo những khúc cua của dãy phòng. Những cửa sổ này làm bằng kính có màu cùng tông màu chủ đạo của căn phòng đó.

Ví dụ, căn phòng ở chính đông được treo rèm màu xanh thì cửa sổ của nó có màu xanh. Căn phòng thứ hai có đồ trưng bày và thảm màu tía thì những tấm kính cũng có màu tía. Căn thứ ba có màu xanh lá xuyên suốt và các cửa sổ cũng vậy. Căn phòng thứ tư được trang trí và chiếu sáng bằng màu cam - căn phòng thứ năm màu trắng - căn phòng thứ sáu màu tím. Căn thứ bảy được phủ kín bởi những tấm thảm nhung đen treo khắp trần nhà và dọc các bức tường, thả từng nếp nặng nề trên tấm thảm sàn cùng chất liệu và màu sắc. Nhưng chỉ duy nhất căn này, màu của cửa sổ không tương ứng với đồ vật trang trí trong phòng. Những tấm kính ở đây có màu đỏ - một màu máu đậm đặc.

Hiện tại, trong số bảy phòng này không căn nào có đèn hay nến, giữa vô số đồ trang trí bằng vàng nằm rải rác khắp nơi hoặc treo lủng lẳng trên trần nhà. Ánh sáng được chiếu vào từ cái lò lửa đặt trên chiếc kệ ba chân ngoài hành lang kê đối diện mỗi cửa sổ. Do đó, qua mỗi tấm kính, ánh sáng trong phòng trở nên rực rỡ và chói loá. Nhưng trong căn phòng phía tây hoặc căn phòng đen, ánh lửa xuyên qua những tấm kính màu máu chiếu vào những tấm rèm tối màu, trông cực kỳ rùng rợn và tạo ra vẻ man rợ trên khuôn mặt của những người bước vào, đến nỗi có rất ít người trong bọn họ dám đặt chân vào đó.

Cũng chính trong căn phòng này, có một chiếc đồng hồ cực lớn bằng gỗ mun được kê tựa vào bức tường phía tây. Con lắc của nó đung đưa tới lui tạo ra một tiếng kêu đơn điệu, nặng nề và buồn tẻ; khi kim phút đi được một vòng trên mặt đồng hồ, kim giờ sẽ điểm, từ cái chuông bằng đồng phát ra một âm thanh rõ ràng, vang to, trầm hùng và vô cùng du dương, nhưng lại mang một âm điệu kỳ lạ đến mức cứ mỗi một giờ trôi qua, các nhạc công trong dàn buộc phải tạm dừng biểu diễn để lắng nghe âm thanh đó; vì thế, những người đang khiêu vũ cũng phải dừng lại; điều đó khiến nhóm người đang vui vẻ xôn xao trong giây lát; và, trong tiếng ngân vang của chuông đồng hồ, người ta nhận thấy sắc mặt của những người đang phấn khích nhất đột nhiên trở nên tái nhợt, còn những người đã lớn tuổi và trầm tĩnh hơn thì đưa tay lên trán như thể đang chìm đắm trong suy tư hoặc đang thiền định.

Nhưng khi tiếng ngân của đồng hồ hoàn toàn lắng xuống, một tiếng cười nhẹ lan tỏa khắp gian phòng. Các nhạc công nhìn nhau và cười cho sự căng thẳng và hành động ngớ ngẩn của chính mình, họ thì thầm nói với nhau rằng họ sẽ không như vậy nữa khi tiếng chuông tiếp theo vang lên. Rồi, sau khoảng một giờ (tương đương ba nghìn sáu trăm giây của thời gian trôi qua nhanh chóng), tiếng chuông đồng hồ lại vang lên và cảnh tượng bối rối, run rẩy, trầm mặc lại diễn ra như cũ.

Dù vậy, đây vẫn là một bữa tiệc vui vẻ và hoành tráng. Gu thẩm mỹ của công tước thật kỳ lạ. Ông có con mắt tinh tường về màu sắc và hiệu ứng. Ông không quan tâm đến những phong cách trang trí theo mốt nhất thời. Những ý tưởng của ông táo bạo và rực lửa, những thiết kế của ông tỏa sáng rực rỡ như một thứ gì đó man di. Có một số người cho rằng ông bị tâm thần. Nhưng những người đi theo ông lại không cảm thấy như vậy. Phải tận mắt chứng kiến, lắng nghe và chạm vào những thứ ông tạo ra mới tin chắc rằng ông không hề điên.

Ông gần như trực tiếp chỉ đạo hầu hết việc bố trí những vật trang trí có thể di chuyển của bảy căn phòng khi tổ chức lễ hội lớn này. Chính gu thẩm mỹ độc đáo của ông đã tạo ra nét đặc trưng cho phục trang của các khách mời. Có một điều chắc chắn là chúng đều kỳ quái. Có rất nhiều thứ lóa mắt, lấp lánh, sắc sảo và kỳ ảo - giống như những gì người ta thấy sau này trong vở kịch Hernani. Có những hình thù kỳ lạ theo phong cách Ả Rập với các chi tiết và phụ kiện không ăn nhập với nhau. Có những trang phục hoang tưởng trông như được thiết kế bởi một kẻ điên. Có rất nhiều thứ đẹp đẽ, gợi tình, kỳ dị, một chút đáng sợ, và không thiếu những thứ gây ra cả sự ghê tởm.

Thực tế là, ở cả bảy căn phòng, hàng loạt những kẻ đang mơ cứ đi lại lang thang. Chúng vặn mình, di chuyển khắp nơi, phản chiếu lại sắc màu của căn phòng, khiến tiếng nhạc hoang dại của dàn nhạc công như là âm thanh vọng lại của mỗi bước chân. Rồi bất chợt, chiếc đồng hồ bằng gỗ mun trong căn phòng tím ngân vang. Và sau đó, trong một khoảnh khắc, mọi thứ đều tĩnh lặng làm nền cho tiếng vang của đồng hồ. Những kẻ mộng du như bị đóng băng, đứng bất động. Rồi tiếng ngân xa dần và một tiếng cười nhẹ khẽ khàng vang lên trước khi biến mất. Và sau đó, nhạc lại nổi lên, những kẻ mộng du lại sống lại, vặn mình trước sau, vui vẻ hơn bao giờ hết. Toàn thân phản chiếu màu sắc của ánh sáng rọi vào từ lò lửa trên chiếc kệ đỡ ba chân qua những khung cửa sổ lấp lánh.

Nhưng trong số bảy căn phòng, không một người đeo mặt nạ nào dám mạo hiểm bước vào căn phòng nằm xa nhất về phía tây. Bởi đêm đã tàn dần; ánh sáng hắt qua những tấm kính cửa sổ màu máu trông đỏ hơn; và màu đen của tấm rèm lông thú thì nhìn thật rùng rợn; ai bước vào phòng, đặt chân lên tấm thảm lông thú cũng sẽ nghe thấy tiếng chuông trầm đục phát ra từ chiếc đồng hồ bằng gỗ mun gần đó to hơn.

Nhưng những căn phòng khác thì chật kín người và không khí trong đó thì cuồng nhiệt, sôi động. Những điệu nhảy cứ tiếp diễn liên tục cho đến tận lúc chuông đồng hồ điểm báo nửa đêm. Và rồi, như tôi đã kể, tiếng nhạc ngừng lại; những bước nhảy Valse cũng dừng hẳn; giống như trước đó, một sự bất động khó chịu bao trùm lên tất cả. Lần này, chiếc đồng hồ sẽ điểm mười hai tiếng. Có lẽ vì thế, trong khoảng thời gian kéo dài, những kẻ đang vui vẻ chợt có những suy nghĩ chín chắn hơn. Cũng có lẽ vì thế, trước khi tiếng chuông cuối cùng hoàn toàn chìm vào im lặng, nhiều người trong đám đông đã nhận ra sự xuất hiện của một nhân vật đeo mặt nạ mà trước đó không ai để ý đến. Và khi tất cả mọi người đều được rỉ tai nhau về sự xuất hiện của người mới này, thì cuối cùng, cả phòng rộ lên một tiếng ồn ào hoặc tiếng rầm rì, thể hiện sự không hài lòng và ngạc nhiên - sau đó, cuối cùng, là sự sợ hãi, kinh hoàng và ghê tởm.

Trong một đám đông hóa trang kỳ dị như tôi đã miêu tả, có thể dễ dàng hình dung chẳng có vẻ ngoài bình thường nào có thể gây ra một ấn tượng mạnh mẽ như vậy. Thật vậy, sự tự do phóng khoáng của buổi hóa trang đêm đó gần như không giới hạn; nhưng nhân vật đáng ngờ kia đã vượt qua cả Herod, và thậm chí vượt ra ngoài giới hạn không có giới hạn của hoàng tử. Ngay cả những kẻ liều lĩnh nhất thì trong tim cũng có những sợi dây rung động mà khi chạm vào không thể không có cảm xúc. Ngay cả với những kẻ hoàn toàn mất trí, coi sự sống và cái chết như trò đùa, cũng có những vấn đề không thể biến thành trò đùa được. Thật vậy, cả căn phòng giờ đây như đều cảm thấy chắc chắn rằng trang phục và phong thái của kẻ lạ mặt kia không thể hiện sự hài hước mà cũng chẳng đại diện cho chuẩn mực nào.

Kẻ đó cao gầy, toàn thân được che phủ từ đầu đến chân trong bộ đồ của người chết. Chiếc mặt nạ che đi khuôn mặt được chế tạo gần như giống hệt với khuôn mặt của một xác chết cứng đờ đến mức dù cố gắng quan sát kỹ thế nào cũng khó có thể phát hiện ra đó chỉ là hoá trang. Tuy nhiên, tất cả những điều này có lẽ đã được những kẻ cuồng nhiệt điên rồ xung quanh chấp nhận, nếu không muốn nói là tán thành. Nhưng kẻ hóa trang đã đi quá xa khi mang hình tượng của “Cái chết đỏ”. Áo choàng của hắn ta lấm lem máu - và trên chiếc trán rộng cùng tất cả những phần còn lại trên khuôn mặt, đều được rắc đầy những vết ban đỏ thẫm.

Khi ánh mắt của hoàng tử Prospero rơi vào hình ảnh ma quái này (như để hoàn thành vai diễn của mình một cách trọn vẹn hơn, nó di chuyển chậm rãi và trịnh trọng giữa những người đang nhảy điệu Valse), người ta thấy ông ta run rẩy dữ dội trong giây lát đầu tiên, với một cơn rùng mình mạnh mẽ do sợ hãi hoặc ghê tởm; nhưng ngay sau đó, lông mày ông ta đỏ lên vì giận dữ.

“Kẻ nào dám?” Ông ta gào thét bằng giọng khàn khàn với những cận thần đứng gần mình. “Kẻ nào dám xúc phạm chúng ta bằng trò chế nhạo báng bổ này? Bắt lấy hắn và lột mặt nạ hắn ra - để ta biết người mình cần treo cổ là ai vào lúc mặt trời mọc, trên đỉnh thành!”

Lúc này, hoàng tử Prospero đang đứng trong căn phòng phía đông, hay còn gọi là phòng màu xanh, khi ông ta thốt ra những lời này. Chúng vang vọng khắp bảy căn phòng một cách to rõ và dõng dạc - bởi hoàng tử là một người đàn ông dũng mãnh và khỏe khoắn, và tiếng nhạc đã im bặt khi ông ta giơ tay lên.

Sự việc diễn ra tại căn phòng màu xanh, nơi hoàng tử đứng cùng một nhóm các cận thần mặt tái mét bên cạnh. Ngay lúc hoàng tử lên tiếng, nhóm người này có một động thái rầm rộ nhẹ hướng về kẻ lạ mặt, lúc này cũng đang ở gần đó, và giờ đây, hắn đang tiến gần hơn đến người đang nói với những bước chân chậm rãi và uy nghiêm. Nhưng vì một nỗi sợ hãi vô hình nào đó mà trò hề điên rồ của kẻ đeo mặt nạ đã gieo rắc lên cả đám người, không ai dám đưa tay ra bắt hắn; vì vậy, hắn ta đi ngang qua chỗ hoàng tử chỉ cách khoảng một thước, không gặp bất kỳ trở ngại nào. Trong khi cả căn phòng đông đúc, như thể theo một mệnh lệnh duy nhất, nhất loạt từ trung tâm các phòng dạt về phía tường, trước khi có một động thái dứt khoát nào được thực hiện để bắt giữ hắn, hắn ta vẫn thẳng tiến, nhưng với những bước chân uy nghiêm và đều tăm tắp không đổi, xuyên qua phòng màu xanh đi đến phòng màu tía - qua phòng màu tía đến phòng màu xanh lá - qua phòng màu xanh lá đến phòng màu cam - qua phòng này lại đến phòng màu trắng - và thậm chí từ đó đến phòng màu tím.

Đúng lúc đó, hoàng tử Prospero, điên cuồng vì giận dữ và xấu hổ về sự hèn nhát nhất thời của mình, vội vã lao qua sáu căn phòng, trong khi không ai dám đi theo ông bởi một nỗi kinh sợ về cái chết đã bủa vây tất cả. Ông ta rút ra một con dao găm và với tốc độ hung hãn, đã đến gần trong vòng ba hoặc bốn bước chân của kẻ kia. Khi chạm đến bức tường trong cùng của phòng màu tím, hắn đột ngột quay lại và đối mặt với kẻ đang đuổi phía sau. Một tiếng hét thất thanh vang lên - con dao găm rơi xuống lấp lánh trên tấm thảm lông thú màu đen, ngay sau đó, hoàng tử Prospero ngã vật xuống đất và chết.

Như đã bị đẩy vào đường cùng của sự tuyệt vọng, cả đám những kẻ ăn chơi lập tức lao vào căn phòng đen và tóm lấy kẻ đeo mặt nạ, kẻ có dáng người cao lớn đang đứng thẳng và bất động trong bóng tối của chiếc đồng hồ bằng gỗ mun. Họ há hốc mồm, kinh hoàng tột độ khi phát hiện bên trong bộ quần áo của người chết và chiếc mặt nạ xác chết mà họ đang sờ sạo hoàn toàn trống rỗng.

Đến lúc này, sự hiện diện của “Cái chết đỏ” mới được thừa nhận. Nó đã đến như một tên trộm trong đêm. Từng người một đổ gục xuống sàn những căn phòng ăn chơi giờ đã nhuốm đầy máu, mỗi người đều chết trong tư thế tuyệt vọng khi ngã quỵ. Chiếc đồng hồ bằng gỗ mun cũng chết cùng thời điểm tắt thở của kẻ ăn chơi cuối cùng. Ngọn lửa trên các kệ đỡ ba chân cũng tắt hẳn. Bóng tối, sự thối rữa và “Cái chết đỏ” đã nắm quyền ngự trị vĩnh viễn tất cả.

Đan Ngọc (Dịch từ nguyên bản tiếng Anh)

Báo Văn Nghệ số 26/2024

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.