Sáng tác

Xe đêm. Truyện ngắn dự thi của Đặng Chương Ngạn

Đặng Chương Ngạn
Truyện
16:55 | 06/12/2024
Baovannghe.vn - Khách bến xe liên tỉnh khác xuất phát ban ngày, hay đầu giờ sáng. Nơi xuất phát đầu tiên, một sân cỏ gần đình làng Nhỏ ngay sát biển, nằm bên sông Cam Hạ vào đúng 21 giờ, khi mọi người chuẩn bị lên giường, những ngôi nhà quê sập cửa, tắt điện.
aa

Đi xe chủ yếu khách quen. Họ hầu hết lên thành phố để khám, chữa bệnh, điểm đến là bệnh viện K… Đi giờ ấy, kịp lấy thẻ khám đầu giờ sáng, nếu phải thử máu, xét nghiệm nữa, cũng có thể nhận được kết quả vào buổi chiều, chậm nhất cuối ngày còn kịp bắt xe quay trở về nhà.

Bình nói vọng lên: - Bác Tài sắp đến đầu cầu Ông Kè đón dì Trâm!

Có tiếng ai đó ở hàng ghế trên:

- Dì Trâm đã về với ông bà hai tuần rồi!

Bình nhắc tiếp:

- Bác Tài, đầu đường Lò Vôi hôm nay có một khách!

- Ông Chuyền Lò Vôi cũng lên tầng trên tuần rồi!

Bình lặng đi. Trong xe, khách nhắc nhau kỷ niệm những lần đi xe đêm với dì Trâm và ông Chuyền. Xe qua đình làng Kẻ Nha, anh cố gọi to, kéo dài giọng để tâm trạng tươi lên một chút bằng thứ âm thanh kẹo kéo ngái ngủ trong đêm:

- Điểm tiếp đón ông Hồng ngã tư Đồng Bướm bác Tài ơi!…

Bác Tài tăng ga, nói đủ để phụ xe đang đứng bên cửa hông chiếc Ford Transit 16 chỗ nghe:

“Ông Hồng về nhà cách đây hai ngày. Cưới vợ cho con trai đúng ba ngày thì lặng lẽ ra đi. Ông có mời tao qua dự đám cưới!”

Bình day mặt ra cửa xe, chăm chú nhìn đường, lờ như không nghe bác Tài nói gì về ông Hồng. Ở điểm Phân Bón Xanh có ba khách. Chỉ có dì Lý khách quen cũ, hai khách mới: một chú khoảng trên bốn mươi còn người kia chắc chỉ hơn Bình 5-6 tuổi, đều lần đầu tiên đi xe đêm.

- Chú và anh xuống đâu ạ? – Bình hỏi theo lệ.

- Cả hai cũng xuống K với tao! – Dì Lý đỡ lời.

Thêm một vị khách ở Ngã Tư Vía, hai khách ở cầu Cá Chạch nữa là hết chỗ, tức dư ra ba người ngồi ghế sub và Bình phải đứng nép bên cửa.

Xe bắt đầu tăng tốc. Từ đây đến K sẽ không dừng lại ở đâu nữa, chạy thẳng một mạch. Hành khách đều cố ru mình vào giấc ngủ cho chặng đường dài. Chỉ ít người còn thức, thức vì đau không sao ngủ được, thức vì chờ đến giờ uống đợt thuốc cuối ngày, hay giúp người bệnh bên cạnh qua cơn nôn ớ… Họ trao đổi qua lại, cố giữ giọng nhỏ đủ nghe không ảnh hưởng đến người khác: “Dì phải chúc đầu về phía trước, mới dễ thở hơn được!”; “Cắt luôn bàng quan đi cô ạ. Không có bàng quan có thể mang túi đựng nước tiểu. Còn để sẽ di căn qua nhiều bộ phận khác…”; “Em ngưng hoá trị. Đầu như sư rồi không sao. Nhưng em không ngủ được mỗi lần vào thuốc”; “Cháu bị gì mà đi K?” – Bình nhận ra giọng khàn khàn của ông Cầm, theo sổ nhật ký, ông ấy đã đi xe này chừng ba tháng, đang hỏi anh thanh niên mới gia nhập xe đêm tối nay-“Bệnh viện đa khoa nghi cháu bị ung thư gan. Cháu thì đâu thấy gì, vẫn khoẻ, vẫn uống được cả chai rượu đế!”- “ Thì đấy, trước tao cũng khoẻ. Chiều nào ngồi với bạn bè cũng đi một chai năm. Thấy chán ăn, mệt mỏi, đôi khi ớn lạnh… nhưng nghĩ chẳng có bệnh gì. Đến hôm quằn quại vùng thượng vị cấp cứu thì ung thư gan đã giai đoạn cuối” – “Chắc cháu bị vì cháu dùng Cysteamine, Maxsure xử lý trái cây hàng ngày!”- “ Chẳng dùng gì cũng bị - người phụ nữ vừa lên tiếng ấy là cô Trang ung thư tuỷ - Dì dạy học, cả đời không tiếp xúc với thuốc trừ sâu. Nhà ăn rau sạch tự trồng… Chất độc nó đã nhiễm vào không khí, vào nguồn nước từ lâu rồi. Mà thôi, ngủ đi mọi người. Còn sức mai leo mấy tầng lầu!”

Xe trôi đi trong màn đêm đang quánh dần lại bởi lớp sương mù đầy bụi nước đang chùng xuống. Đèn pha đã bật nhưng cũng chỉ đủ soi một khoảng sáng 40-50 mét trước đầu xe.

*

Số phận quẳng Bình lên chiếc xe Ford màu ghi vàng một cách đường đột. Đường đột như sự ra đi của cha anh. Ung thu phổi di căn giai đoạn cuối mà không biết. Khi ho ra máu đi cấp cứu thì đã muộn. Cha anh nằm thêm chín tháng, thời gian đủ để căn nhà, tất cả tài sản trong nhà ra đi cho các lần chuyển viện, mổ, hoá trị, lại mổ, hoá trị và hàng loạt các liệu pháp điều trị khác của đủ các loại ông thầy. Trong đó không thiếu mấy vị lang băm… Cả khoản tiền, để qua năm nhất, Bình có thể đi du học như kế hoạch người đã vạch ra từ khi anh còn học lớp 10, mẹ cũng đã đổ hết cho hi vọng níu giữ cha anh lại… Ngày đưa cha về nhà thì không còn tiền thuê xe cứu thương. Bác Tài xuất hiện, vĩnh biệt vị khách xe đêm vui tính. Cũng không quen biết gì hơn ngoài phận khách xe đêm mà đôi khi biết kể một vài câu chuyện hay và lạ. Nhìn hai anh em Bình ngơ ngáo trước nhà xác bệnh viện vì không có tiền thuê xe cứu thương đưa xác cha về, bác Tài đã rút sạch tiền trong ví đưa cho hai đứa…

Sau đám tang, Bình đến gặp ông. Gặp để cảm ơn ông và xin giãn nợ, chớ anh đã làm gì có tiền. Thực ra khi đưa tiền cho anh em Bình, ông Tài cũng không nói gì về nợ nần và khi nào phải trả.

Ông Tài nhìn Bình rất lâu, rồi hỏi:

- Mày định đi làm gì? Có việc chưa?

- Cháu sẽ kiếm việc gì đó ở đây, hoặc lên thành phố.

- Tao biết chỗ bốc xếp ở bến xe cần người. Nhưng tạng như mày việc đó không hợp. Hay làm phụ xe cho bác. Tao bao ăn sáng, trưa, trả mày sáu triệu đồng một tháng. Nửa năm mày trả hết nợ. Nửa năm còn lại gom tiền để đi học. Năm sau quay lại trường.

- Xe bác đâu cần phụ. Mỗi mình bác vẫn nhẹ ơ mà.

- Đúng vậy. Xe 16 chỗ mấy chủ cần phụ. Nhưng tao già rồi, lại bị thoát vị đĩa đệm, cứ nhảy lên nhảy xuống cũng hơi mệt. Gặp hành khách có hành lý nặng không lẽ không khênh giúp. Mà khênh về tê hết cả tay. Hơn nữa, tao kiêm phụ, xe sẽ phải dừng hơi lâu, làm khổ cô bác đợi…

Vậy là Bình, sinh viên học gần hết năm nhất, vừa vượt qua kỳ thi tiếng Anh Ielts 7.0 điểm, đang ôm mộng đi du học, trở thành phụ xe, lính của ông Tài 65 tuổi. Nhiệm vụ của Bình đưa đón khách lên xuống, xách giùm đồ cho khách. Khi xe chạy thì nhớ nhìn đường, thấy khách đón nhắc bác Tài, canh me các bảng biển báo tốc độ. Mỗi khi xe về bãi thì dọn xe. Mỗi tuần rửa xe bên ngoài và nội thất.

Ngày đầu tiên nhận việc, ông Tài đưa cho Bình cuốn sổ học trò nhàu nát, lem đầy dầu mỡ:

“Cháu chỉ cần quan tâm đến trang cuối cùng. Khách đi xe mình chủ yếu khách quen. Cháu nhớ lịch họ đi xe, điểm đón xe, để nhắc bác khi sắp đến”.

“Xe chúng ta đặc biệt hơn các xe khách khác: chúng ta là xe đêm.”

*

Xe đêm.

Ngay chuyến đi đầu tiên Bình đã hiểu xe đêm là gì.

Cuốn sổ “Nam Tào” nhàu nhĩ ông Tài đưa cho Bình là danh sách những người khách quen, hầu hết đều là những người bị bệnh ung thư. Những tên khách đầu cuốn sổ đã bị xoá hết ở những trang sau, đó là những người đã mất vì bệnh, hay đã chuyển đi điều trị ở bệnh viện nơi khác. Những trang sau, lâu lâu lại có một cái tên bị gạch ngang, Bình biết đó là tên của bệnh nhân đã chết, đã về với ông bà, về nhà hay lên tầng trên theo cách nói của bà con, họ không bao giờ còn bước lên xe đêm nữa. Giống như tên của cha anh, xuất hiện trong cuốn sổ vào tháng tư năm trước, và bị xoá vào ngày anh đưa cha về nhà. Bốn tháng đầu, đều đặn mỗi tuần, cha anh đón xe một lần vào sáng thứ sáu, ba tháng tiếp theo cha anh đi xe vào thứ hai và thứ sáu. Điểm đón Ngã Tư Vía, một điểm gần nhà anh. Cha đi bộ từ nhà ra đấy chừng hai cây số.

Xe đêm, đúng hơn đó là chuyến xe của tử thần.

Chiếc Ford đã quá cũ. Khi mua xe, chỉ có ít tiền, ông Tài đành kiếm chiếc xe đã qua sử dụng. Những năm gần đây, xe vẫn đủ tiêu chuẩn để vượt qua những kỳ kiểm định, nhưng nội thất sập sệ và các tiện nghi đều xuống cấp. Máy điều hoà ba chớp ba nháng lúc có lúc không. Mấy cửa kính lung lay như răng bà lão vì đã bị bung roong. Còn ghế khách ngồi, lớp giả da phai màu, nhàu, rách nhiều chỗ lòi ra cả đệm mút. Nó quá tàn tạ để chở những khách hàng sang trọng ở các tuyến xe chạy hàng ngày.

Chỉ những hành khách xe đêm mới chấp nhận bước lên xe ông Tài. Bước lên vì nó là chiếc xe chịu lách vào những đường lộ nhỏ gần nhà, tiền vé rẻ nhất khách còn có khả năng chi trả và chấp nhận lên đường vào cái giờ oái oăm mỗi đêm.

Xe đêm lặng lẽ với hành trình của nó, lặng lẽ nhận vào nó những người bệnh, những con người đã được định mệnh gọi tên, đang sống nhưng đã đếm dần ngày sẽ ra đi. Bình đứng bên cánh cửa hông, tay luôn đặt trên nắm cửa để có thể mở nhanh nhất, nhào ra đường khi xe sắp dừng và mắt không ngừng quan sát hai bên đường… Những đêm hè đứng gió, khi băng qua cánh đồng, mùi thuốc ấy bốc lên quấn vào xe đến ngạt thở… Lướt qua những dòng sông đầy chai, lọ thuốc, bao phân hoá học nổi lềnh bềnh mà lâu rồi không ai còn quan tâm thu dọn, rồi nó chạy dọc theo sông Then, nước sông vẫn trong, vẫn long lanh và xanh biếc nhưng cũng từ lâu đám trẻ chăn trâu không còn dám xuống tắm…

Đêm, chiếc xe trôi đi trong ý nghĩ của Bình, ý nghĩ đó luôn quặn lên đau đớn về một miền quê đang bị đầu độc, đang dần chết từng ngày…

Xe đêm. Truyện ngắn dự thi của Đặng Chương Ngạn
Ảnh pixabay

Hôm nay, Bình phải cõng bác Hà từ xe lăn đặt vào chỗ ngồi, quay lại chỗ cửa Bình đã khóc. Đây là người bệnh mà anh vẫn đón tại điểm cầu Xéo Dai. Trong sổ ghi ông đã đi xe đêm hơn ba năm rồi. Mới 50 tuổi, đã già như ông lão bảy mươi, mặt dúm lại như quả nho khô, khắp thân da sần từng đám vảy, đụng vào ông lục cục chỉ da và xương. Ông bị ung thư dạ dày đã di căn sang gan. Những lần gần đây đều phải đi với người nhà và không còn sức bước lên xe được nữa. Bình phải phụ dìu hay cõng ông. Bác Hà nói:

“Ta làm tội con quá! Ta đau lắm con ạ. Giá được chết đi.”

Nhưng ông vẫn ráng sống ít lâu để sắp xếp xong công việc!

Mọi người nói công việc của ông là những món nợ chưa thanh toán được. Nợ của những khoản vay từ 10 năm trước đầu tư cho ba sào ruộng trồng mít. Ông đã trả dần trong các năm qua. Ông quyết tâm trả hết trước khi nhắm mắt. Không để con phải gánh nợ, và cũng không để mang tiếng quỵt nợ. Ông đã qua ba lần mổ, hai lần mổ dạ dày, một lần mổ gan. Lần thứ hai cắt hết dạ dày, nằm xỉu trên bàn mổ cả tiếng đồng hồ không còn tín hiệu sống. Bác sỹ lắc đầu, báo với gia đình chuẩn bị hậu sự thì bất ngờ ông hồi tỉnh lại. Có lẽ, cái trách nhiệm phải sống để trả nợ không cho ông đi. Cha Bình cố sống qua tháng chín năm rồi cũng là vậy. Cha chờ mong kết quả thi của em An. Dù mỗi ngày sống cha đau đớn tận cùng. Ngay khi có kết quả em An thi đậu được vào trường chuyên, cha đã ra đi… Khuôn mặt cha lúc ấy hết sức bình thản.

Mỗi khi nhìn những hành khách xe đêm cắn răng âm thầm chịu cơn đau, Bình vẫn luôn tự hỏi: Trong số họ có bao nhiêu người đang sống như một nghĩa vụ? Có lẽ hầu hết những bệnh nhân trẻ đều như vậy. Đã lâu rồi, họ rất ít hi vọng được chữa lành, họ vẫn đương đầu với căn bệnh để sống vì còn qúa nhiều trách nhiệm với con, cháu, vì nhiều công việc đang còn dang dở.

*

Chuyến xe đêm qua.

Đứng bên đường vẫy xe gần tiếp giáp ngã tư Hương Trà là một cô gái còn rất trẻ. Bình không gọi bác Tài dừng xe dù cô gái nhảy cả ra đường. Chỉ khi cô gái chạy theo xe hay cánh tay vung lên rối rít như một đưa bé con bị đuối nước, vùng vẫy tuyệt vọng, Bình mới nói bác Tài dừng xe lại. Bình bung cửa chạy ngược về phía khách.

- Sao anh không dừng xe?

Bình đón xách giùm cái túi da.

- Anh cứ nghĩ em gọi nhầm xe… Em đang chờ xe khác?

- Sao nhầm được, xe đi viện K!

- Em cũng đi viện K?

Cô gái chạy hết thở được rồi nên chỉ gật đầu.

Viện K ư? Một cô gái trẻ đẹp như thế, chắc chỉ hơn con An em Bình 2-3 tuổi. Chính cái váy bò, áo khoác rất mốt đã làm cho Bình không dừng xe vì nghĩ cô gái đang đón một chiếc xe du lịch hạng sang nào đấy.

Nước da cô ấy trắng như dân ở dọc sông La vậy, mắt to đượm buồn. Buổi sáng, khi xuống xe ở cổng bệnh viện K, cô gái hỏi Bình:

- Sao nhìn anh, em ngờ ngợ như anh bên Bách Khoa 62?

- Anh học khoá 62. Nhưng nghỉ rồi! Cha anh ung thư mới mất!

Chỉ một câu đủ hiểu không cần giải thích thêm.

- Em học bên Ngân hàng năm nhất. Đau vào viện cấp cứu... Em cũng đã nghỉ học hai tuần.

Thực ra, Bình đã nhận ra ngay Vy khi trời hửng sáng. Anh không nhắc cho Vy vào lúc này rằng: Bình biết cô, cô là một phần ký ức tươi đẹp của anh, ngày trước, tất cả cuộc đi thi học sinh giỏi toán của huyện, tỉnh, họ đều chạm mặt nhau.

Bình hồi ấy, không dám làm quen Vy vì cô có vẻ ít nói và xa cách.

Cuốn sổ điểm danh trên tay Bình thêm một cái tên mới: Nguyễn Nhật Vy đón tại Ba Giang thứ tư, số điện thoại… ( xuống K).

*

Cuốn sổ “Nam Tào” từ ngày Bình giữ đã thêm 35 người bệnh mới và anh cũng đã gạch bớt 21 người. Có những người ra đi nhanh đến không ngờ chỉ sau 5-6 lần đi xe đêm. Người thanh niên lên xe cùng dì Lý trong cái đêm mù sương ở Phân Bón Xanh bị ung thư thực quản, chỉ đi xe đêm đúng bốn chuyến thì nằm lại bệnh viện K hơn tháng rồi về nhà. Chuyến trở về trên chiếc Innova màu bạc biển số 99 chạy ngay trước xe Ford 16 chỗ. Cụ Hà cũng đã lên xanh dù các món nợ chưa trả hết. Hôm đưa tang cụ, Bình lại khóc. Trên đường về, trong cơn đau, Bình đã dùng que sắt nhọn chọc thủng lốp đoàn xe cung cấp hoá chất đậu trước quán ăn Nam Nghĩa.

Vy đã trở thành bạn thân với phụ xe. Cứ đến đoạn đường xe tăng tốc và không bắt khách nữa, em thường chuyển lên ngồi gần cửa hông để thì thầm nói chuyện với Bình. Chắc em bị ngay từ khi đang học 12. Em thường nhận đi phun thuốc cho cả xóm. Phun thuốc được trả công cao hơn vì phải thanh niên khoẻ mới làm được. Mà em đang cần tiền để đi học. Vậy nên ai gọi cũng nhận, phun thuốc ngày không kịp, phun cả tối, cả đêm. Mặc quần áo phong phanh ra ruộng, luôn là bộ sơ mi, quần bò. Nhiều khi thuốc sâu ngấm cả lưng áo, đêm về, mệt quá để vậy lăn ra ngủ.

Đến bây giờ em vẫn thuộc tên từng loại thuốc trừ sâu. Các thứ thuốc diệt cỏ đều cực độc. Đứa bạn em thất tình chỉ uống có một nắp chai mà cháy hết ruột, lên viện cấp cứu súc hết thuốc ra mà vẫn chết vì ruột đã nát nhừ. Thuốc ấy, em không uống nhưng ngấm vào người em do những lần bất cẩn cũng phải tính ra cả chai.

Lần đầu tiên, Bình thấy bờ vai anh có ý nghĩa là những lúc cho Vy mượn để ngủ gà gật trên đường, để kìm một cơn đau. Hầu như những lần sau Vy đều ngả vào vai Bình để ngủ, trong giấc ngủ chập chờn cùng với những cơn nấc giật và tiếng khò khè như kéo bể của một bệnh nhân ung thư phổi đã di căn.

Vy cũng chỉ đi xe đêm đúng 15 lần. Ra đi mà chưa kịp nằm viện ngày nào.

Bình xin phép bác Tài buổi chiều đó không rửa xe như thường lệ để viếng Vy. Mẹ Vy gửi cho Bình một chồng sách. Những cuốn sách Vy thích đọc.

Từ đám tang, Bình vội trở về để kịp đi chuyến xe vào 21 giờ đêm ấy.

*

Ngày nghỉ sau khi Vy mất, Bình mượn ông Tài chiếc xe máy vào tối thứ bảy theo lịch chiếc Ford Transit ngưng chạy. Bình mua đầy bình xăng, rồi chiết ra 5 chai nửa lít cho vào cái túi vải. Đêm đến, Bình phóng xe đi. Nơi anh đến đầu tiên là Phân Bón Xanh trên đường 16.

Bình dựng xe bên lộ cầm theo chai xăng đi ra phía sau trạm Phân Bón Xanh, anh rút hộp quẹt ra bật lửa, châm vào đoạn vải mồi trên miệng chai. Một cú đá bất thần vào tay Bình làm văng chai xăng xuống ruộng. Người đàn ông mặc áo đen, thấp đậm từ đâu sau đám mía, nhào tới. Anh kịp tung một nắm đấm trúng ngay mặt, làm ông ta ngã ngửa. Bình vùng chạy, nhưng người đàn ông áo đen đã phi thân theo, xô anh ngã, và khoá cứng hai tay.

Dưới ánh điện, Bình kịp nhận ra chính là ông chủ Ford Transit, bác Tài. Ông đẩy Bình ra xa Phân Bón Xanh rồi ấn anh ngồi xuống gờ đá vỉa hè. Bác Tài ngồi xuống bên cạnh, xoay mặt Bình lại, nhìn thẳng vào mắt:

- Đồ ngu! Mày định vào tù?

Bình thốt lên trong sự kinh ngạc:

- Sao… bác… biết?

- Gì mà không biết. Tao đã thấy mày nhiều lần đi xịt bánh mấy xe chở thuốc… Ngu và trẻ con. Mày chỉ làm khổ tài xế. Chúng cũng chỉ là kẻ chở thuê. Mày làm xẹp lốp, nó đi tìm xe bơm lốp, mất mấy tiếng đồng hồ, rồi xe vẫn chạy, cả tấn chất độc vẫn đến nơi cần đến. Mày có chận được đâu. Có hàng ngàn con đường để thứ chất độc đó tìm đến những vùng quê…

Im lặng.

- Đêm nay, mày định đốt mấy chỗ?

Bình chìa ra 4 chai xăng còn lại.

- Quanh vùng này có khoảng 50 điểm. Mày cần 50 chai như vậy. Nhưng mày chỉ đốt được đêm nay 5 điểm, ngày mai mày đã bị bắt tống vào nhà tù rồi 45 điểm còn lại ai đốt… Mà, mày có đốt người ta sẽ dựng lại ngay!

Bác Tài ngả lưng nằm trên thảm cỏ vỉa hè, Bình cũng nằm xoài xuống. Mọi đêm, giờ này xe Ford đã đi được nửa hành trình. Bất giác, bác Tài quay qua hỏi Bình, thật lạ lùng ông gọi anh là con:

- Năm trước, chúng ta có giao hẹn trả hết nợ bác, con sẽ quay lại trường học. Con đã trả hết nợ của ta cũng đã hơn một năm, bọn học với con đã qua năm thứ ba rồi, sao con chưa quay lại trường?

- Con vẫn chưa chuẩn bị đủ tiền.

- Con có bao nhiêu?

Im lặng.

- Bác biết con chẳng có bao nhiêu. Việc gì con làm mà ta không biết. Con đã không thu tiền nhiều khách và lấy tiền con trả cho họ. Con không thể làm thế được, con trả bao nhiêu cho đủ, khi những hành khách khốn khổ ấy ngày nào cũng chất đầy xe chúng ta. Con làm vậy, con sẽ không bao giờ quay lại được trường học.

Tối đó khi chia tay nó, bác Tài - người đàn ông khô khan, tưởng chỉ là gỗ đá - lần đầu tiên ôm Bình rất chặt. Mũi bác vẫn rỏ máu vì cú đấm của Bình.

*

Đã xuất hiện một xe khách 29 chỗ giường nằm lấy một phần tuyến bác Tài vẫn chạy. Những người khách kinh tế còn khá, những người bệnh giai đoạn đầu đều đón xe giường nằm. Bác Tài cho xuất bến chậm hơn 30 phút so với thời gian trước. Ford đón những khách quen cũ và những người khách trên đường lộ 22 mà xe 29 chỗ không vào được và những người bệnh giai đoạn cuối muốn tiết kiệm từng đồng tiền lẻ.

Bác Tài không hề buồn, giận khi bị tranh mất khách, tâm trạng bác giống như bớt đi được một gánh nặng khi có một người khác gánh dùm. Bình không còn nhẩm đếm chuyến xe thứ mấy của mình nữa. Đã quá nhiều chuyến xe trong gần hai năm qua từ khi Bình làm phụ xe. Bình đã thông thạo hết các bến đỗ, tuyến nhánh, giờ giấc cho từng điểm đến. Và không còn lóng ngóng khi đón khách. Biết ai sẽ phải xách giùm túi, ai cầm tay đỡ lên xe, ai phải cõng họ một đoạn đường. Lúc nào thì mở tung cánh cửa sau xe để đưa khách đi xe lăn… Bình cũng đã biết một vài thứ thuốc đều trị ung thư để tư vấn cho bệnh nhân và hỗ trợ họ khi say, sốc thuốc.

Anh nhớ rất chính xác giờ giấc ngày đi khám của từng người… nhưng ít trò chuyện tâm sự riêng tư với người bệnh. Mỗi hoàn cảnh giãi bày như thêm một gánh nặng chất lên vai.

Một ngày đầu thu, sau khi thả hết khách ở bệnh viện K, bác Tài không cho xe qua bến Nam như mọi ngày, ông cho xe chạy thẳng vào trung tâm thành phố và dừng xe lại trước cổng trường đại học Bách Khoa.

Bình đang nằm dài ngủ một giấc theo thói quen, để sẽ bật dậy khi đến bến Nam đón khách như mọi buổi sáng. Bị bác Tài đánh thức, Bình ngạc nhiên khi thấy mình đang đứng trước cổng trường.

- Bác đến đây làm gì?

Bác Tài cười với Bình:

- Bác đuổi việc con và chấm dứt hợp đồng!

Ông chìa cho anh mấy tờ giấy: thủ tục nhập học, các khoản tiền phải đóng.

- Xin lỗi con, bác đã tự tiện nhờ một đứa bạn con làm thay con!

- Nhưng con phải quay về nhà để lấy đồ?

- Tất cả đã có sau xe. Bác đã qua nhà lấy và đã thưa chuyện với mẹ con.

Bình đứng đấy, ngây mặt ra, không biết nói gì, khi ba lô mọi thứ được dúi vào tay, anh vẫn đứng im.

- Ai sẽ phụ xe cho bác trong những ngày tới?

- Bác sẽ tự lo. Cũng đã có người nhận lời. Bác cũng như cháu, không ngày nào không tự hỏi: khi nào sẽ thoát được xe đêm. Mong vậy, nhưng đời bác có lẽ sẽ gắn với xe đêm cho đến khi chiếc Ford nát này ra đi, hay bác ra đi trước!

Bình đứng đấy.

Phải, anh từng mong thoát được những chuyến xe đêm. Thoát khỏi những chuyến đi với những khách đang mang trên người án tử, thoát khỏi chuyến xe thần chết.

Nhưng Bình biết, dù không còn phụ xe đêm, anh cũng chẳng bao giờ thoát được những chuyến xe ấy nữa. Anh sẽ vẫn hành trình cùng những chuyến xe đêm... Hành trình theo một cách khác…

Nguồn Văn nghệ số 39/2022

Văn nghệ, số 39/2022
Chuyện, với chim. Truyện ngắn của Kevin Canty

Chuyện, với chim. Truyện ngắn của Kevin Canty

Baovannghe.vn- Ấy là một đêm xuân đẹp trời, tôi mở hết cửa sổ. Tôi ngồi trên chiếc ghế xịn dưới cây đèn bàn, còn đâu trong nhà thì tối, nhấm nháp rượu gin và đọc một trong những tập thơ của nàng. Đây là lúc nàng đang ở đám cưới, ngủ với bạn trai cũ. Sau này tôi phát hiện ra. Tôi đọc thơ độ một năm một lần, nhưng lần này thì tôi đang tìm gì đó, một bí mật hay manh mối nào.
Bất chợt về thơ. Tạp bút của Nguyễn Trọng Tạo

Bất chợt về thơ. Tạp bút của Nguyễn Trọng Tạo

Baovannghe.vn - Có kẻ uống vài chén rượu là u mê lẫn lộn đến buồn cười. Rượu với một số người lại là chất xúc tác giúp họ bật sáng hết công suất và trở thành lung linh huyền ảo lạ thường. Tôi yêu sự phát sáng của rượu, vì nó là bạn của sáng tạo thơ ca. "Bầu rượu - túi thơ" chẳng là một đôi bạn tri kỷ từ xưa đó sao?
Hoạt động kỷ niệm "Ngày tôn vinh tiếng Việt năm 2025"

Hoạt động kỷ niệm "Ngày tôn vinh tiếng Việt năm 2025"

Baovannghe.vn - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 9100/VPCP-QHQT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn về việc thực hiện Ngày tôn vinh tiếng Việt năm 2025
Bản tin Văn nghệ ngày 12/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 12/12/2024

Baovannghe.vn - Triển lãm “Quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Cao Bằng, Tổng Cục Chính trị chỉ đạo
Cha quê - Thơ Lê Gia Hoài

Cha quê - Thơ Lê Gia Hoài

Baovannghe.vn- Vẫn đây lam lũ những phận người/ Áo nâu sờn rách nụ cười thôn quê