Trong nóc chỉ còn có một mình Nhật vẫn nằm còng queo ôm tròn lấy bếp lửa, một tay gối lên đầu, môt tay dằn lên bụng. Tiếng động của những bước chân đi trên sàn làm anh thức giấc. Có tiếng người hỏi:
- Nhật, không đi nổi à?
Nhật hé mắt ra, không đáp, rồi nhắm mắt lại. Cả đêm qua, con sâu trong bụng làm tội anh, nổi lên từng luồng cào cấu, thắt quặn cả ruột. Mắt Nhật nhắm nghiền lại mà không ngủ được một chút. Gần sáng Nhật thiếp đi. Những cơn đau bụng như vậy đến hầu như cơm bữa. Nhật không rên. Rên chỉ làm cho đau thêm thôi. Chịu đựng đã trở thành thói quen, anh mím môi và thở ra nhè nhẹ. Định ngủ tiếp, nhưng sực nhớ điều gì, Nhật gượng ngồi dậy, với tay vào cửa buồng trong lấy khẩu súng. Anh đặt khẩu súng nằm dài trên sạp, kéo xích nó sát vào, rồi để cho thân người tự ngã xuống.
Mặt trời đã chờm qua khỏi các đỉnh núi phía đông. Sương tan hết. Giờ máy bay địch bắt đầu hoạt động. Có nhiều tiếng ù ù nghe văng vẳng xa lắm, thoạt tiên chưa phân biệt được. Nhật vẫn nhắm nghiền đôi mắt. Tiếng động cơ rõ dần. Nhật lẩm bẩm:
- Máy bay!
Nhưng anh vẫn không nhúc nhích, hay vọng nó bay qua chỗ khác để cho anh nằm yên một chút. Những cơn đau quặn ruột đã phá rầy anh suốt đêm qua rồi. Bây giờ máy bay đến quấy rầy nữa.
Tiếng động cơ mỗi lúc một gần. Qua tiếng rú của nó cũng có thể đoán được nó đang xông tới.
- Chà, máy bay bắn.
Tiếng rú chạy dần về làng Mực. Không nằm yên được với nó nữa đâu, Nhật vừa chống tay ngồi dậy vừa với lấy khẩu súng; đang khoác cái bờ lệt và sửa lại tấm đồ, thì máy bay đã đến trên đầu. Nhật cũng chưa hiểu sẽ định làm gì, nhưng cứ theo thói quen nhảy ra khỏi nóc.
Chiếc máy bay khu trục vừa bay vừa lướt, xông tới như một thằng ăn cướp. Nó quầng nhanh hai vòng, rồi nghiêng cánh lao thẳng xuống. Nhật ngồi thu mình, ngước mắt nhìn theo hướng lao của nó.
Thôi đúng là nó bắn rẫy làng mình rồi.
Một quả bom phóng ra, bay theo. Tiếng bom rú lên như xé cả lỗ tai, cắm phập vào rừng. Bom không nổ. Chiếc máy bay lại bắt đầu bay lên, lượn theo vòng quầng lúc nãy, rồi lao trở xuống. Trên khoảng trời trước mặt Nhật, chỉ có một mình nó tung hoành, ngang ngang dọc dọc. Nó hằm hằm muốn nghiền nát ngay Nhật, nghiền nát tất cả những cái gì đang ở dưới bụng nó, dưới cánh nó. Nó vừa hung hăng, vừa ngông nghênh. Hình như nó không biết sợ, và nó không sợ cái gì cả. Dưới tầm mắt và dưới uy lực của bom đạn của nó, cái gì cũng nhổ rứt, cái gì cũng có thể chà nát bấy đi được. Cây rừng kia hiền lành quá, chỉ làm được gió thổi, không bẻ được cái cánh của nó. Nương rẫy kia, bắp non thân mềm như tay chân con nít, mì sáu tháng đu đưa qua lại như con gái cõng nước, không cản được cái đạn của nó. Nó đảo qua, đảo lại, tìm tòi, soi mói, gầm gừ đe dọa, ngang ngửa hoách lác, giống hệt những thằng lính đánh bộ của chúng đang sục sạo trong hàng rào các ấp. Có lẽ đánh hơi được mồi, nó quăng cao hẳn lên rồi chuẩn bị lao xuống.
Đúng thế, nó bắt đầu lao xuống lần thứ ba. Quả bom mới phóng ra, đen thui thủi bay kèm theo đít nó, càng rơi gần tới mặt đất càng rú lên điên dại.
Ầm! Tiếng nổ đập vào vách núi, chấn động cả rừng, rêm cả mặt đất. Nhật đang nằm. Những mảnh bom bay đi vèo vèo cùng với đất bụi mới bị đào lên, ném ào ào khắp bốn phía, vung vãi đổ xuống như những trộ mưa giông lớn đột ngột.
Nhật rạp người, ép mình bẹp sát mặt đất bàng hoàng một chút rồi nhổm dậy. Cái gì đang diễn ra đằng trước mặt Nhật kia kìa!
- Cái rẫy của mình!
Nhật thét lên, tiếng thét nghẹn trong cổ sắc lại nhọn hoắt, và gọn lỏn. Không biết hơi nóng từ đâu đến mà nhanh thế, bốc lên khắp mình anh, cháy ran ran như có lửa đốt. Nhật mở to mắt, nhìn kỹ lại. Đích xác rồi, chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Cái rẫy của Nhật vẫn nằm ôm tròn lấy mặt đất, bây giờ bị khoét ran nham nhở như thân người loét nát. Thân mì thân bắp và thân thể của tất cả những cây quen thuộc như đôi mắt của đứa con bị xé tơi ra, đổ xuống, ngã sõng sượt trên lưng mẹ nó. Nhật đảo mắt nhìn lại mình. Đôi mắt anh lướt nhanh trên hai cánh tay, trên bộ ngực, trên cái bờ lệt, trên tấm đồ, soi vào tận trong quả tim, dò hỏi, kiếm đi kiếm lại, rồi bỗng dừng gấp lại trên đầu nòng súng. Đây rồi! Sự suy nghĩ đọng lại, thoáng qua như một tia chớp. Những ý nghĩ vụt qua lúc đó là kết quả đúc lại của bao nhiêu chuyện đã nghe, bao nhiêu hình ảnh đã thấy, bao nhiêu điều đã hiểu.
... Ngày tỉa bắp năm ngoái, máy bay thằng Mỹ đến bắn lần đầu. Chị Diềng ôm con chạy vào rừng. Chạy chỗ nào cũng nghe tiếng nó rú. Chạy miết, chạy miết. Lên đến núi cao, vẫn còn nghe tiếng nó. Đêm ấy, cả làng hú mãi, không nghe tiếng trả lời. Đốt đuốc bủa đi tìm suốt đêm đến sáng. Khi tìm ra được, thấy chị Diềng ôm con gục lăn trong hố đá chẹt, tay chân đã cứng đờ.
... Anh cán bộ thường nói với du kích: anh em này, thằng Mỹ không dám đi đường đất đến làng mình, vì làng mình có nhiều chông, nhiều thò, nhiều bẫy đá. Nó phải tìm cách bay lên trời mà đến. Trên trời, không có chỗ cho mình cắm cái chông, không có chỗ cho mình gài cái thò, không có chỗ cho mình sắp cái bẫy. Mình phải dùng cái súng...
Lòng căm tức đối với kẻ địch trong con người như một đống lửa bị vùi. Nó cháy âm ỉ. Sờ phía ngoài chỉ thấy âm ấm, hay có khi hầu như không phân biệt được với nhiệt độ bình thường. Đến lúc mặt xáp mặt với kẻ địch, cái tàn ác, cái ngông nghênh, cái láo xược, cái hiếp đáp của chúng như một cơn gió thổi phăng lớp vỏ bên ngoài. Chính lúc đó kẻ địch là người châm ngòi. Người ta quyết định. Người ta hành động. Bề ngoài tưởng như bản năng, nhưng bên trong chính là kết quả của lý trí.
Nhật đứng thẳng người dậy. Hình như có một tiếng gọi giật giọng từ phía rẫy lại. Tiếng gọi như thét:
- Nhật! Bắn chết nó đi!
Nhật đẩy vội viên đạn lên nòng, quăng tấm đồ vào bụi, chạy nhanh lại phía có tiếng kêu. Anh ngồi tựa vào một gốc cây lấy thế. Tiếng người lại thét lên, gần hơn và gắt hơn lúc nãy:
- Nhật! Bắn chết nó đi!
Chiếc máy bay quần ngay trước mặt Nhật. Nó đây rồi. Nó bắt đầu chúi xuống, hai cánh xòe rộng ra, mỗi lúc một rộng thêm. Nó muốn quặp cả thân người Nhật, bé nhỏ thua nó hàng trăm lần. Những cái lỗ to, vuông có, tròn có, có lẽ là mắt của nó, hằm hằm nhìn, cắm vào Nhật. Nó như có một mũi tên, độc địa lắm, đang phóng xuống.
Khẩu súng trong tay Nhật, mới giương lên, đưa qua đưa lại hình như ghì chưa chắc lắm. Trước mặt anh, đầu ruồi nhỏ trở lại, khe ngắm thì nhòe ra. Thân máy bay choán hết cả tầm mắt. Nó rít lên, cố dùng hết sức lực tạo nên tiếng rít ghê rợn nhất. Trong nháy mắt, nó đã lao đến sát Nhật. Nó sắp vồ lấy anh, một sức mạnh vô hình nào đó, đẩy anh ngã về phía sau; người anh ngửa dần, ngửa dần cho đến khi lưng anh bị thân gốc cây chắn lại. Khẩu súng thì vẫn ở nguyên tư thế cũ, nhưng mắt anh đã rời khỏi khe ngắm và đầu ruồi; ngón tay bóp cò cứng đơ không nhúc nhích. Con quái vật vừa xô anh ngã xuống, lại vút lên ngay. Nó đã qua mặt Nhật, nhỏm dậy Nhật mới biết là mình chưa bắn.
Nhật buông súng. Đầu óc trống rỗng. Bỗng tiếng kêu lại thét lên như tiếng của chị Diềng, đúng là tiếng của chị Diềng, gấp gấp nói dồn trong hơi thở. Tiếng kêu không phải ở đằng trước nữa mà ở ngay chỗ Nhật đang đứng.
- Nhật, phải bắn đi, mày sợ à?
Nhật thu súng lùi trở lại. Phải bắn. Nhưng ở chỗ này mắt nó đã thấy mình rồi. Chiếc máy bay có lẽ cũng đã bắt gặp địch thủ. Như một đôi sư tử vờn nhau, nó thì ngóc đầu vút lên rồi chuẩn bị lao xuống. Còn Nhật đưa mắt liếc nhanh về phía kẻ địch, nhân lúc nó quay sấp lưng, khom người vụt chạy qua một thân cây khác.
Mặt trời và ánh sáng, cả rừng núi và thú vật ngưng trở lại, nín thở theo dõi cuộc đọ sức vô cùng kỳ lạ. Bao nhiêu chim chóc, bao nhiêu côn trùng im bặt hết. Không còn một tiếng động nhỏ nào khác ngoài tiếng gầm gừ, tiếng nổ liên hồi, dội đi dội lại của bom đạn. Còn Nhật, thì cả tiếng gào rú, tiếng bom nổ và tất cả những gầm gừ đe dọa của địch thù, Nhật cũng không nghe thấy. Chỉ nghe dồn mãi, dồn mãi tiếng thét đang vang lên, ngay trong lòng Nhật.
- Bắn đi!
- Bắn ngay đi!
- Bắn chết ngay tức khắc nó đi!
Mồ hôi sủi lấm tấm trên trán, trên lưng và trước vành ngực. Mới bước vào cuộc đấu, có lẽ chưa bập đỏ điếu thuốc, thế mà đã mệt lả. Nhật thở hắt ra cho mũi bớt nồng thuốc đạn, lấy tay chùi mấy giọt mồ hôi đang làm nhòe con mắt, rồi gác súng lên một chắn cây. Chiếc máy bay cũng đã nghiêng cánh đâm xuống. Hai cánh xòe rộng ra, mỗi lúc mỗi rộng. Nó phóng về trước, vẫn hết sức là độc địa, hết sức là nham hiểm, hằm hằm cắm nhìn Nhật.
Cây súng nằm im quá. Con mắt nhìn sáng quá.
Một tiếng nói rất gọn. Lần này không phải một tiếng thét, nó nhẹ nhàng, khoan thai, như một câu nhắc nhở:
- Bắn đi... Nhật!
Ngón tay bóp cò làm cái việc từ từ và cẩn thận của nó. Một tiếng nổ. Trong tiếng bom đạn ồn ào và dữ tợn, tiếng gầm rú lồng lộn và cuồng điên, tiếng nổ của viên đạn súng trường từ trong nòng súng của Nhật thoát ra bé bang quá. Rừng núi và chim chóc nào có nghe được. Chỉ có Nhật, đang lắng nghe từng tiếng nói của chị Diềng để dồn hết lòng căm thù vào công việc tinh vi nhất của người săn thú, và nếu có ai nữa thì có lẽ chỉ có chị Diềng nữa thôi, là nghe rõ. Tiếng súng tròn trịa và âm vang làm sao, nghe tựa như phát súng lệnh mở đầu một trận công đồn ác liệt vào quá nửa đêm. Nhưng rừng núi ạ, chỉ giống tựa như thế thôi, còn thì khác lắm, không phải là tiếng súng mở đầu cho một trận đánh, mà lại là tiếng còi kết thúc cuộc đấu. Từ lúc mới giao tranh, mắt Nhật vẫn không rời mắt khỏi kẻ thù, bây giờ sáng lên:
- A, nó say rượu rồi!
Chiếc máy bay đảo qua đảo lại, đỏ phực, chúi bên này, chúi bên kia, rồi chúi xuống. Tiếng động ào ào như cây rừng già đổ, chạy quanh bốn phía núi, chuyển động mãi, chuyển động mãi, một chặp rất lâu mới im hẳn.
Nhật quay về chỗ cũ, lấy đồ, chạy gấp về phía máy bay rơi...
Địch thủ của Nhật bây giờ nằm quay ra đấy, lăn kềnh trên mặt đất. Thân thể nó gãy nát vụn, văng tứ tung ra các phía, trải ra như một con voi mới bị xẻ thịt. Xương xóc lòi ra. Cặp cánh bị chặt làm đôi, chui sâu và thớ đất. Toàn thân nó sém đen chẳng khác những thân cây các rẫy mới bị đốt. Con mắt nó đâu rồi? Đui hết. “Tưởng mày nhìn thấy tao chứ! Té ra mày không thấy!” Nhật rút cái rựa gõ vào những tấm kim khí, nó vang lên những tiếng coong coong nghe vừa lạ tai, vừa thích thú. Nhật bật cười to lên. Trông nó bây giờ thảm hại làm sao, hèn yếu và bất lực làm sao: cái đầu nó cắm xuống đất giống như một thằng tù binh đang phủ phục. Nhật kiễng chân trèo lên mình nó. Anh nhún thử. Thân nó nhún lên nhún xuống như khi anh đứng nhín trên các thân cây nằm ngang trên rẫy. “Mày không rú nữa đi, mày không bắn nữa đi? Tưởng mày ăn thịt tao. Không ngờ tao làm cái lửa thui xác mày...”
Trời trong xanh văn vắt. Nhật trố mắt nhìn khẩu súng rồi lại nhìn vào tay chân anh. Tự nhiên anh tìm thấy khẩu súng trường quen thuộc của anh, ở tay chân anh, ở trong lồng ngực chẳng có gì khác trước của anh một sức mạnh gì mới lạ, từ trước đến nay anh chưa hề thấy. Cây cỏ vẫn hiền lành ít nói. Chim chóc lại ríu rít đùa giỡn. “Rẫy rừng ơi, mày có biết cái gì mới xảy ra không?” Những bông hoa súng đỏ đủ các màu xanh, đỏ, trắng, vàng, lung lay vẫy Nhật: “Anh Nhật ơi, anh giỏi hơn nó nhiều lắm...”
*
Dân làng Mực hạ được một chiếc máy bay. Tiếng đồn đi xa như dòng sông A Vương và bay nhanh hơn cả chim phí. Lúc đầu, tiếng đồn lan ra trong huyện Nam Giang, sau bay đến huyện Đông Giang rồi lên đến Tây Giang.
Người Kà Tu cũng nghe tiếng. Người Kà Tăng cũng nghe tiếng. Mà người Ve cũng nghe tiếng. Người ta nói:
- Dân làng Mực giỏi thật. Họ đứng đầu huyện Nam Giang thôi.
Người khác thêm:
- Họ đứng đầu huyện Nam Giang. Phải, họ còn đứng đầu cả ba huyện nữa.
Nhưng người ta lại bảo:
- Dân làng Mực bắn được cái máy bay Mỹ mà họ không phấn khởi.
Người ta hỏi nhau:
- Sao họ không phấn khởi?
Rồi chính người ta tự trả lời:
- Làng Mực không phấn khởi vì làng Mực sợ thằng Mỹ trả thù, đem máy bay đến bắn nát cái nương, nát cái rẫy.
- Sao lại sợ?
- Có người sợ, có người không. Thanh niên đốt đuốc đi xem. Nhưng già làng thì bảo: súng nó nhiều, đạn nó nhiều, súng mình ít, đạn mình ít; nó bay trên trời, mình ở dưới đất, nó bắn mình dễ trúng, mình bắn nó khó trúng lắm.
Tiếng đồn từ làng Mực bay đi, rồi lại quay trở về làng Mực. Du kích nghe được trước, về nói với dân làng:
- Các làng nói làng mình bắn được máy bay mà dân làng mình không phấn khởi.
- Người ta nói: dân làng mình không phấn khởi, dân làng mình sợ.
Tiếng nói của các làng quay về làng Mực như một cơn gió thổi miết ngọn lửa các bếp, làm sáng bập bùng suốt cả đêm. Dân làng ít ngủ. Nhật đi các bếp, nói với mọi người:
- Tui đã bắn nó rồi, tui biết. Mình mà sợ thì nó dễ sợ. Cũng như mình bị sốt rét thôi, trời nóng cho mấy, nhưng mình lạnh từ trong cái bụng nên mình cứ run... Nó không ghê như mình tưởng đâu...
Tiếng rì rầm kéo dài mãi, bếp này chuyển qua bếp khác, từ cửa đầu trên đến cửa đầu dưới, rồi lại trở về cửa đầu trên như những điệu hát đuổi. Những con suối rồi cũng chảy đến sông, từ những lời bàn tán xảy ra những cuộc tranh luận. Tranh luận đến những cuộc họp. Hội họp lại làm người ta gắn bó với nhau dần hơn. Rồi, như tiếng trống, tiếng chiêng trả qua trả về dội trong núi, dân các làng lại nghe tiếng đáp của làng Mực qua cái chữ viết, trong một bức thư:
Đồng bào các làng trong huyện,
Ngày 25 tháng Năm năm 1962, làng Mực hạ được một chiếc máy bay Mỹ. Máy bay khu trục, do Nhật, du kích làng Mực bắn. Một phát thôi. Bằng súng trường.
Các làng nói: làng Mực bắn được máy bay mà không phấn khởi.
Bữa trước dân làng Mực có sợ thật. Dân làng Mực đã họp Đại hội. Dân làng Mực báo tin cho các làng biết là:
Bữa nay, dân làng Mực không sợ nữa.
Không phải sợ cái máy bay thằng Mỹ mà thằng Mỹ thôi không bắn. Sợ nó, nó vẫn cứ bắn mình. Không bắn nó, nó tưởng mình thua, nó càng bắn hung.
Súng nó nhiều, đạn nó nhiều. Súng mình ít, đạn mình ít. Nhưng không kể nhiều, không kể ít. Chỉ kể cái quyết tâm. Mình có quyết tâm, mình bắn được.
Đồng bào các làng trong huyện.
Từ ngày nhờ có cách mạng, các dân tộc miền núi mình bỏ được cái tục trả đầu. Bữa nay, dân làng Mực họp, đề nghị với các làng một việc. Mình chưa biết cái rẫy thằng Mỹ, cái nóc thằng Mỹ. Mình không đến nhà nó kiếm ăn một bữa nào. Sao nó lại đến lấy đầu dân các làng mình, phá hư cái rẫy của mình? Dân các làng mình phải bắt thằng Mỹ trả đầu lại.
Các làng có đồng ý với làng Mực không?
Bức thư còn nói thêm:
Du kích Nhật có thành tích bắn được cái máy bay đầu tiên, nên thay cái tay cả làng ký tên vào bức thư này. Các làng thấy chữ Nhật ký cũng như thấy chữ ký của cả làng Mực.
Đến bây giờ, người ta cũng không biết rõ tục trả đầu bắt đầu từ lúc nào và lai lịch của nó ra sao nữa? Chỉ biết rằng khi đứa con đã khoác được chiếc bờ lệt theo cha mẹ đi rẫy, thì cha mẹ dẫn con đến một khoảng rừng đã định trước. Nơi đó, phải thấy được trời để trời chứng kiến, nơi đó phải có gốc cây to để gốc cây to nhớ giúp lời nói. Ông cha cầm cái rựa kêu con đến. Người mẹ đứng một bên, cầm ngọn mác.
- Này, mày ngó đây mà nghe ta nói.
Cái rựa đã mài sắc từ đêm hôm trước. Người cha cầm rựa, chặt đứt ngay một cái cây trước mắt. Ngọn cây rời ra, ngã xuống. Người cha đưa lưỡi rựa chỉ vào ngọn cây nằm lăn dưới đất:
- Cái đầu của làng ta bị làng bên cạnh chặt rời xuống, như ngọn cây này không bao giờ chắp lại được. Mày có thấy không? Con ma làng ta chết cụt đầu, như cây này héo khô cụt ngọn.
Ông cha trao lại cái rựa cho người mẹ, cầm lấy ngọn mác:
- Cái thù này là của mày, như thân mày đẻ ra có cái tai, cái mắt. Cái thù này mày phải nhớ như mày nhớ nồi cơm điếu thuốc. Cái thù này mày phải trả như mày phải làm rẫy, bắt cá. Chỉ có đầu của làng nó rơi xuống đất thì đầu con ma làng mình mới chắp lại được. Chỉ có khi nào ngọn mác này dính máu làng nó, cái nợ này mày mới trả xong. Mày là con trai, mày cầm mác. Mày là con gái, mày nhắc lũ đàn ông. Mày còn nhỏ, mày để bụng. Mày lớn lên, mày phải đi rình. Mày già yếu, mày phải sai bầy con. Mày chết đi, không được mang theo mà phải gửi trở lại...
Người cha nói như đọc những câu phù chú; cuối cùng, nhìn thẳng vào mắt đứa con:
- Nhớ không mày! Ma làng ta, còn năm cái đầu chưa chắp được.
Tháng Mười, lúa đã suốt xong, là tháng trả đầu. Trả đầu xong mới ăn Tết.
Đến tháng ấy, thanh niên trong làng vác mác ra đi, không nói gì với cha mẹ. Cha mẹ cũng không nói gì với con. Nó đã ăn bữa cơm, nó đã hút điếu thuốc mới. Nó đã biết, nó đã nhớ, nó phải làm. Người thanh niên mò vào rừng, theo một con đường bí mật, đi đến làng có nợ. Khi đã tìm được chỗ phục, anh ta vác mác đứng đó, không ăn cái cơm, không hút điếu thuốc. Chờ cho được người làng bên kia vô tình đi qua, lao mác chặt đầu. Chỉ khi nào thấy cái đầu rơi xuống anh ta mới thu mác. Để nguyên ngọn mác dính máu, băng rừng chạy về.
Khi gần đến làng, quay mặt về hướng làng, hú lên một tiếng. Tiếng hú cứ kéo dài mãi, cho đến khi nào ngớt hơi mới thôi.
Dân làng đã chực sẵn, nổi trống, nổi chiêng hú lên đáp lại và chạy ùa ra đón. Đến đúng tại chỗ mà người cha cầm rựa chém ngọn cây năm xưa, anh ta dừng lại. Đôi vai anh ta lắc qua lắc lại. Những chiếc khuyên, những chiếc còng trên cổ tay cổ chân chạm vào nhau, khua theo điệu lắc lư của thân người. Không nói, người thanh niên giơ tay cắm phập ngọn mác xuống đất. Máu theo lưỡi mác chảy xuống. Anh ta vẫn không nói. Để ngọn mác nói thay.
- Đấy, chiến công.
Người già nhất trong làng đã đánh tiếng trống danh dự để đáp lại tiếng hú vang dài của anh ta lúc nãy, bây giờ bước ra, đưa tận tay anh ta một ống rượu.
Sau đó, ông già quỳ xuống, lấy ngón tay quệt một chút máu ở lưỡi mác bôi lên trên cán. Ông rút mạnh cây mác tung cao lên trời. Cứ thế, cây mác tung lên rồi rớt xuống gọn trong tay ông ta, rồi lại tung lên rớt xuống giữa tiếng chiêng trống và reo hò điên đảo.
Tất nhiên ở làng bên, mấy ngày đêm sau, không ngớt tiếng khóc. Và tháng Mười năm sau, đến lượt làng bên này, nước mắt lại đầm đìa như những trận mưa dầm dai dẳng sau mùa suốt lúa, hết đêm này qua đêm khác. Tiếng nức nở rền rĩ ai oán, nghe vừa bi thảm, vừa ghê rợn. Lâu lâu, giữ những dòng kể lể nhức nhối ấy lại nấc lên những tiếc nấc, ngắn cụt, cắt ngang sự đau đớn đang quằn quại, tưởng như chính lúc đó, đang có một ngọn mác độc địa lao tới cắt đứt sự sống chính đáng của một con người...
Từ khi có cách mạng, cách mạng nói với mọi người:
- Thằng Pháp ngày trước, thằng Mỹ ngày nay cai trị đồng bào mình. Cái vải không có mà mặc, phải mặc bằng vỏ cây. Cái gạo không đủ ăn, phải đi đào củ mài. Cái tay không biết viết, cái miệng không biết đọc, chẳng hơn gì con chim, con cá. Chúng nó mới thiệt là thằng thù. Còn máu đồng bào mình là máu chung, thịt đồng bào mình là thịt chung, người mình là người chung một nòi giống. Phải thương nhau, xóa bỏ hiềm thù...
Ý thì chỉ chừng ấy. Nhưng việc làm, là cả một kỳ công như những kỳ công lớn của lịch sử. Bây giờ, đồng bào thường nói: ôn lại chuyện cũ, nước mắt chảy hoài, còn nhiều hơn mưa núi. Người Kà Tu ơi, người Kà Tăng ơi, người Ve ơi, có cào nát cả cái ngực, có rách nát cả cái tay, cũng không đau đớn bằng.
Các dân tộc trong vùng đều có chữ viết, việc ấy vui như khi người ta tìm được lửa. Nhờ cách mạng, họ bỏ được tục trả đầu lẫn nhau; việc ấy lại vui mừng như khi họ có chữ viết.
Từ đó, đến tháng Mười, khi lúa đã suốt xong, các dân tộc họp Đại hội liên hoan đoàn kết. Đại hội liên hoan đoàn kết xong mới về ăn Tết.
*
Lại sắp đến tháng Mười.
Thư làng Mực hẹn các làng mùa suốt lúa xong dân làng Mực sẽ đi đến Đại hội rất đông. Đến đông, nhưng không phải là đến người thường mà toàn là những người có thành tích bắt thằng Mỹ trả nợ đầu.
Dân tộc Kà Tu chép lại thư làng Mực bằng tiếng Kà Tu cho người lội qua sông A Vương đem đến các làng người Kà Tu ở. Dân tộc Ve dịch thư làng Mực qua tiếng dân tộc Ve, cho người lội ngược trở về, đem đến các làng người Ve ở. Các anh cán bộ người Kà Tăng sợ trễ ngày trễ tháng, thức đêm thổi lửa, ngồi dịch thư làng Mực từ tiếng Ve sang, cứ ngược con nước, ngược cái dốc, hối hả chuyển về các làng người Kà Tăng ở. Người ta viết lên đá: Học tập anh Nhật làng Mực diệt máy bay Mỹ... Đường núi cũng có nhiều ngã ba. Ở các ngã ba chia đường về các làng, người ta dựng gấp lên những tấm bảng làm bằng các ruột mò o, lấy mực chàm tự tay pha chế, viết lên những dòng chữ thiệt đậm:
Ve, Kà Tu, Kà Tăng đoàn kết một lòng lấy đầu thằng đế quốc Mỹ!
Ở các bếp, người già gọi thanh niên đến:
- Này, Nhật làng Mực bắn được cái máy bay. Thanh niên làng mình đừng để thua đấy!
Thế nhưng, thư làng Mực đã đi hai tháng mà chưa có cái thư nào trả về. Không phải máy bay thằng Mỹ đã sợ không dám bay. Vẫn không ngày nào không có máy bay và hầu như không ngày nào không phải nghe tiếng dội của bom đạn địch.
Có người đã nói:
- Biết mà! Súng nó nổ to như sấm. Đạn nó nhiều như là lá cây. Súng mình nhỏ như que củi. Đạn mình bắn viên một, viên một như chim mổ kiến. Máy bay của nó bay nhanh hơn con chim, lặn nhanh hơn con cá, mắt mình không kịp nhìn. Bắn không trúng đâu!...
Nhưng có người lại bảo:
- Không phải! Tại mình chưa học được cái cách bắn. Rủ nhau đến cán bộ mà học đi thôi.
Thanh niên, tự vệ, du kích nghe phải, rủ nhau đi, nên nóc anh cán bộ Bin ngày nào cũng có người đến.
- Anh Bin có nhà không bà già?
- Anh Bin đi đâu bà già?
Bà già chỉ ra rẫy. Người ta rủ nhau ra rẫy. Ra rẫy tìm không thấy. Bà già chỉ ra con nước, người ta đi về phía con nước.
Chiều về, bà già hỏi Bin:
- Bin! Người các làng đến hỏi con, mẹ chỉ ra cái rẫy, không có. Mẹ chỉ ra con nước, có gặp con không?
- Có gặp.
- Họ hỏi cái gì mà gấp thế?
Bin đã lớn, đi theo cách mạng đã lâu rồi. Bà thấy Bin làm cách mạng cũng như thấy Bin làm việc nhà thôi. Bà không giữ con lại, chỉ lo không biết cái việc của Đảng giao cho con, con có làm tốt không, Bin biết mẹ hay lo cho mình, nói rõ với mẹ:
- Mẹ ơi, họ đến hỏi cái cách bắn máy bay. Làng Cho-rung nói: anh Bin ơi, anh Nhật làng Mực bắn được chiếc máy bay mà du kích làng tôi không bắn được, tại làm sao? Làng Rô lại nói: anh Bin! Anh để làng tôi thua làng Mực rồi. Làng Triên thì chọc tức: anh đã hạ được cái máy bay nào chưa, anh Bin?
Bà mẹ đến gần Bin:
- Thế con có biết cách giúp các làng không?
Bin cười:
- Ô, biết làm sao cho đủ! Giúp làm sao cho đủ!
Bà già Bin nghe nói, trố mắt:
- Không biết cho hết, làm sao làm cán bộ? Không giúp cho hết, làm sao lãnh đạo các làng? Con phải chỉ cho đồng bào. Không bày vẽ cho đồng bào đánh giặc không phải cán bộ.
Bà già nhìn Bin:
- Con không biết, phải đi tìm thằng Nhật mà hỏi.
Tiếng nói của bà mẹ thường có sức mạnh rất kỳ lạ. Ngày trước, khi người ta gửi gắm lại cho con những mối thù riêng, khi nào cũng phải cố làm cho nó thần bí, ly kì như dẫn con vào một cái hang sâu thẳm. Bây giờ, khi khuyên nhủ con về công việc cách mạng, người ta làm với tất cả sự bình dị và hiền lành như đang cho con bú.
Sáng hôm sau, Bin xách súng đi rất sớm. Bà già Bin gọi con lại hỏi:
- Bin, ai đến hỏi con nói con đi đâu?
- Ai đến hỏi, bảo họ về đi. Con đi xa mai chưa về. Mốt chưa về. Mẹ nói ngày kia họ đến, có con ở nhà.
Bà già Bin ở nhà, chờ con bốn bữa, nấu cơm bớt gạo bốn lần. Lần thứ nhất bớt gạo, bà nói: ba bữa nó mới về. Lần thứ hai bớt gạo, bà nói: chiều mai nó về thôi. Lần thứ tư bớt gạo, bà lẩm bẩm một mình: tối nay, nó ăn cơm nhà đấy. Đến bữa thứ năm, đong thêm gạo, nấu cơm xong, dọn sẵn ngồi chờ. Ngồi chờ mà nhớ con mắt của nó, con mắt giống như con mắt cha nó để lại; cái da nó giống như màu đất rẫy. Bà có công đẻ nó ra nhưng Đảng dạy cho nó cái đầu óc. Nó không sợ việc khó. Nó chỉ sợ cái dốt thôi... Chờ mãi vẫn không thấy Bin về.
Du kích các làng lại có người đến hỏi:
- Bà già ơi, anh Bin về chưa hả?
- Tôi thức thêm ba đêm rồi, mà chưa thấy bóng nó về.
Bà già chạy qua nóc Dú mà hôm Bin đi có ghé qua. Đi nửa đường đến nóc Dú thì thấy dân trong làng đến nóc Dú đông lắm. Bà vừa đi vừa hỏi:
- Làm gì ở nóc Dú mà đông thế?
- Có cái tin tức mới.
Bà tất tưởi bước theo, cố ráng chạy lên trước. Đến nơi, người ta ngồi chật cả nóc. Người đến sau, không chỗ, đứng lấp cả cửa. Bà không lấn vào được. Bà quay lại hỏi chị con gái đứng bên:
- Tin gì thế?
- Tin anh Bin.
Bà kiễng chân, đưa mắt lọt qua cổ mấy người đứng trước dòm vào trong: thằng Bin không có. Chỉ có Dú. Dú ngồi xếp bàn ở giữa sạp, trán nó còn đổ mồ hôi. Tay trái nó làm bộ điệu. Tay phải nó cầm ống điếu, ngón tay bịt lên miệng ống. Lâu lâu nó lại đưa ống điếu lên miệng. Nó muốn hút nhưng nó mắc nói không hút được. Bát nước để trước mặt Dú, uống chưa hết. Chân cẳng nó bị gai cào đầy những vết cắt, bây giờ còn rớm máu. Bà thoáng đoán được Dú đi đâu về rồi.
Người ra nhìn cả vào miệng Dú, nhìn cả vào tay Dú, lâu lâu, thốt lên một câu:
- Thế à? Rồi sao nữa?
Dú vẫn mải mê nói, tấm dồ xệ qua một bên vai mà cũng không để ý tới.
- Khi đến Bà Vã, mặt trời ở giữ đỉnh đồi rồi. Nắng nóng như lửa. Anh Bin bò trước tui bò sau. Không phải mình bò vào cái đồn của nó. Mình bò lên cái đồi ở bên, cách đồn nó không xa. Cái điếu thuốc nó hút mình cũng thấy. Cái đầu thằng Mỹ trong máy bay mình
cũng thấy.
Máy bay lên rồi lại xuống, xuống rồi lại lên. Tôi nói với anh Bin:
- Đúng rồi, cái đồn Bà Vã lúc nào cũng có máy bay. Máy bay chi nhiều rứa?
Anh nói:
- Chắc nó thay quân.
- Nó thấy mình không?
- Mình tủ cỏ cùng người, thấy gì được.
Anh nhìn mãi cái máy bay. Anh nói cái gì một mình không biết. Một lúc lâu, anh quay lại nói với tôi:
- Dú ơi, có sợ không?
- Không sợ.
- Không sợ thì chuẩn bị để bắt đầu bắn. Cầm lấy khẩu tiểu liên, đưa cho mình cái súng trường.
Tôi chưa đưa, hỏi lại:
- Ở đây gần đến, bắn tiểu liên dễ trúng.
- Ở đây với cái đồn, bắn tiểu liên cũng được. Nhưng mình không bắn tiểu liên.
- Cái tiểu liên của anh tốt mà!
- Du kích chỉ có súng trường. Mình bắn máy bay là để mình lấy cái kinh nghiệm, không phải để lấy cái thành tích cho mình.
- À...
Tôi nói đùa:
- Anh đã sẵn sàng chưa? Chứ cái súng trường của tôi sẵn sàng rồi đó.
Tôi nằm chờ mãi mà không thấy đạn nổ. Anh giương súng lên, cho cái nòng chạy theo máy bay. Máy bay bay lên, cái nòng lại chạy lên, máy bay hạ xuống, cái nòng lại theo xuống. Rồi anh đặt súng nghỉ.
Tôi giục:
- Anh Bin! Bắn đi chứ! Run cái tay à? Mặt trời sắp đi ngủ rồi.
Tôi nhỏm dậy, lết lại gần chỗ anh Bin. Chưa đến chỗ, đã nghe nổ cái đoàng. Một phát thôi. Tôi hỏi:
- Này, trúng không?
- Biết trúng biết không.
Đạn trong đồn bắn ra còn hơn trên máy bay bắn xuống. Lộ chỗ phục kích rồi, phải rút lui thôi. Chạy rách hết cái dồ, chảy máu cùng cả cái chân, cái mặt...
Xen lẫn giữa tiếng chép miệng và tiếng nhỏ nước trầu, tiếng người hỏi qua đáp lại. Dú nói to hẳn lên:
- Trinh sát bộ đội địa phương về báo cáo nó trúng đạn rớt ngay tại chỗ; lính trong đồn ra khiêng mười chín cái xác, không phải ít đâu.
Một tiếng “u... cha... cha” kéo thật dài. Lúc đó, bà già Bin mới len vào được.
- Thế thằng Bin đâu rồi?
Mọi người ngoái cổ lại, im lặng. Dú thốt lên:
- A! Bà già Bin.
- Dú! Thằng Bin thế nào?
Dú nói thong thả:
- Lính trong đồn bắn quá, anh Bin chạy một đường, tui chạy một đường, chưa bắt được liên lạc.
Bà già mở to mắt ra, nhưng cái nhìn thì mờ lại. Bà nhìn Dú nhưng bà không nói với Dú:
- Cha... cha... Nó không đi đến nhà anh Nhật: nó đi đến cái đồn Bà Vã.
Chín đêm sau nữa, bà già Bin mới nhận được một cái giấy. Dú đem đến đọc cho bà nghe. Thơ viết rất ngắn:
Mẹ ơi,
Con đã rút được cái kinh nghiệm bắn máy bay. Con đã trả lời được cho du kích các làng rồi. Hôm nay con phải đi làng Tôi gấp, có việc...
Bà già Bin thở ra:
- À, cái thư thằng Bin... Đi việc gì mà gấp thế?
- Không biết.
*
Làng tôi họp Đại hội.
Đôn là cán bộ du kích của làng tôi. Đôn biết điều băn khoăn của đồng bào trong làng. Hôm gặp Đôn ở đại hội huyện cách đây mới mấy bữa, anh Bin nói:
- Bắn máy bay, cũng khó, mà cũng không khó. Ăn thua là mình biết lấy cái sải đón đầu. Nó bay không mạnh, mình lấy xa, nó bay mạnh, mình lấy gần. Nó bay cao đúng tầm súng của mình, mình bắn. Cũng như bắn đón con heo con nai thôi.
Anh Bin dẫn Đôn ra rẫy vừa làm vừa nói. Bin lấy cái súng của Đôn làm động tác, lấy con chim làm mục tiêu. Từ bữa ấy, đêm nào ngủ, Đôn cũng thấy cây súng và máy bay nhảy nhót trong đầu óc. Đôn nghĩ: cái công sự đã đào sẵn trên rẫy rồi, cái nạng súng đã chặt chôn trước rồi. Cái vòng ngụy trang ngày nào cũng thay lá. Cây súng, sáng sớm đã thông nòng chuẩn bị. Con mắt này đã tập lấy cái sải đón đầu. Cái tay này liếc súng theo máy bay còn giỏi hơn cầm cái ná... Này, đám con gái của làng ơi, đừng lo hoa sung không có người tặng; ông già, bà già ơi, đừng sợ cái tên làng Tôi bị quên đi mất. Du kích làng này không thua đâu...
Anh đem điều nghĩ nói với đám con gái:
- Thực đấy. Du kích bây giờ khác trước rồi.
Đám con gái bíu vai nhau cười rũ rượi:
- Phải rồi, du kích bây giờ đẹp hơn trước chớ.
- Không, không phải đẹp hơn. Súng không thêm, người không thêm. Thêm cái tinh thần, thêm cái kỹ thuật cho nên nó khác.
Thấy Đôn khen du kích, một ông già xen vào. Ông nghiêng đầu, lấy hết bộ điệu ưỡn người ra, hỏi:
- Thế đồng bào có khác trước?
Đôn chưa kịp đáp, đám con gái đã cướp lời:
- Khác chứ, có thêm cái vợ, có thêm cái con...
Ông già bật cười theo, vừa cười vừa lắc đầu:
- Không phải khác về cái vợ, không phải khác về cái con.
Và để cho mọi người biết ý mình muốn nói thật, ông đứng thẳng người đưa tay ra giải thích:
- Con mắt cũ thôi. Cái tai cũ thôi. Cái máy bay thằng Mỹ cũng cũ thôi. Nhưng bữa trước, mình nghe cái tiếng nó rú, mình chạy miết vào rừng, không dám ngồi lại. Bữa nay mình biết cái sức nó rồi, mình cứ làm rẫy...
Giữ tiếng cười đùa đó, có tiếng động cơ máy bay. Đám con gái gọi giật Đôn:
- Anh Đôn! Máy bay!
Hình như không phải họ báo tin. Họ ra lệnh đấy. Đôn vội giật cái vòng ngụy trang, hối hả giục du kích, xách súng chạy ra rẫy. Chạy được mấy bước, Đôn quay lại, không thấy ai theo mình, anh gọi to:
- Anh Buốc, anh theo tui chứ?
Buốc cũng nổi tiếng là bắn giỏi. Buốc có thể bắn được chim đang bay. Năm ngoái, đi rừng gặp con nai, con nai chạy hoảng, đâm thẳng tới anh, anh bắn một phát trúng giữa cái đầu. Tháng Bảy vừa rồi, đi lấy mật về, con mang đang kiếm ăn, nghe tiếng động, chạy ngang qua trước mắt, Buốc bắn một phát trúng ngay lỗ tai. Đồng bào nói: anh Buốc lớn tuổi rồi, nhưng mắt sáng như cây đuốc. Ban đêm, anh biết đi giỏi hơn con cọp. Ban ngày, anh nhìn thấy rõ người làm rẫy bên kia sông. Cái tay Buốc lẫy ná còn khéo hơn tay con gái đưa kim.
Đôn bươn lên đến bìa rẫy, liền men theo hàng sắn ngụy trang tới công sự. Đôn nhảy xuống hầm thì Buốc cũng vừa tới nơi.
Đôn ngước lên trời, ngoảnh về phía tiếng động. Trời hôm nay xanh gớm. Hèn gì chúng nó hăng đi bắn phá. Chiếc khu trục mới còn là một chấm đen dính trên nền trời, bỗng chốc đã xù nhanh ra, trông thấy rõ cả đầu lẫn cánh. Nó vẫn ngang ngược như mọi ngày, bay sà xuống, xông sát tới rẫy. Nó vẫn tưởng chỉ có một mình nó thống trị khoảng trời này mà thôi. Nó nghiêng cánh liếc vào rừng, rồi nghiêng cánh liếc qua rẫy. Có lẽ nó đánh hơi được cái gì trên con đường mòn qua đám rẫy này. Không phải, nó bay qua rẫy rồi rẽ về phía sông. Nó đi tìm cầu treo và sục sạo các đám ná. Nó sà xuống lướt giữa hai chóp núi dựng sát bên bờ rồi cất lên.
Từ nãy, Đôn vẫn đứng chạng háng trong hố, chờ. Anh quay người theo nó. Nòng súng liếc theo. Cái gì cũng sẵn sàng cả rồi. Chỉ còn bóp cò nữa thôi. Nhưng chiếc máy bay vừa cất lên, lại không bay về phía rẫy nữa, quầng rộng về phía sau làng Tôi. Tiếng động cơ xa dần.
Từ hầm bên kia, Buốc gọi sang:
- Nó đi rồi, tiếc quá, máy bay khu trục.
Đôn định gác súng nhảy lên. Tiếng động cơ bỗng lại rõ dần. Nó quay lại à? Chiếc máy bay đang nghênh ngang lướt xồng xộc tới. Đôn nghĩ: thời cơ đây rồi!
Chưa lần nào Đôn thấy phải gấp rút như lần này. Phải tranh thủ với nó. Phải nhớ cái tên làng Tôi. Phải trả lời bức thư cho làng Mực. Đừng để phụ lòng đám con gái làng kết hoa sung.
Đoàng! Vai anh nảy nhẹ lên một chút. Đôn mở cả hai mắt, chờ đợi. Trước mặt Đôn, chiếc máy bay vẫn ung dung lướt trên rẫy, rạch một đường qua mặt Đôn. Có tiếng Buộc nói thật to:
- Anh Đôn ơi! Anh bắn đằng sau đuôi nó rồi.
Đôn hạ súng xuống. Có cái gì bồn chồn trong ruột khó mà phân tích được. Nó không rớt. Thật ư? Không phải tại cái tay bóp cò. Không phải tại cây nạng đỡ súng rung. Anh Bin nói: ăn thua là do mình lấy cái sải đón đầu. Anh Nhật bắn cái máy bay đang bổ. Anh Bin bắn cái máy bay đang lên, mình bắn cái máy bay bay ngang. Cái máy bay khu trục bay nhanh hơn trực thăng. Phải lấy bớt lại, một sải thôi.
Đôn lại đặt súng lên nạng. Chiếc máy bay vụt lại, càng gần càng rú lên dữ dội. Nó lồng lộn xăm xăm vồ tới, như một con chó dại thoáng thấy người qua đường. Địch thủ của Đôn đó rồi. Còn địch thủ của nó? Đôn vẫn đứng chạng háng, hai chân đặt bằng trên miếng đất rẫy của làng anh. Đất rẫy của làng, phía dưới thì đỡ thân anh, làm cho anh đứng vững, xung quanh thì bao bọc che chở lấy người anh. Cây bắp che cây súng của anh, không để cho khe ngắm bị nhòe, con mắt bị chói. Cây mì phủ kín đầu anh không để cho thằng thù thấy bóng. Dân làng thì đang chờ xem anh bắn. Cái gì của làng cũng đều lo cho anh cả. Anh thấy vững chắc lạ thường. Anh đặt ngón tay trỏ vào cò, bàn tay trái đỡ lấy bụng súng. Đầu óc anh đang nói với hai tay và con mắt: một sải nhé... một sải thôi nhé... phải cho đúng một sải đấy nhé... Thân người anh uốn theo vòng quầng của địch thủ.
Đoàng! Một phát nữa.
Phát súng nổ chưa hết tiếng dội thì đã nghe tiếng chiêng tiếng trống trong làng rung lên ào ào như một cơn gió đang cuốn. Trong âm thanh ầm ầm của chiêng trống đó, có tiếng dân làng truyền nhau:
- Cái máy bay thằng Mỹ ăn đạn anh Đôn ỉa ra lửa rồi!
Buốc nhảy lên khỏi hầm, chạy lại. Đôn ôm choàng lấy Buốc đang nhìn vào mắt Đôn. Con mắt như rọi ánh đuốc vào lòng...
... Đôn vừa chạy vừa hú lên. Tiếng hú lanh lảnh, kéo dài như không muốn dứt. Dân làng đã chờ sẵn. Hàng trăm tiếng nói cùng kêu lên một chút:
- Đôn!... Đôn!... Đôn!...
Ông già nhiều tuổi nhất làng, bước ra đưa tận tay Đôn một ống rượu. Rồi ông quay lại đám con gái giơ tay gọi:
- Đám con gái trong làng! Đem đến cái hoa sung!
Cái hoa sung bây giờ đẹp quá. Hôm kia, thiếu nhi trong làng trèo lên cây hái xuống, con gái trong làng xách nước sông A Vương về rẩy lên để giữ màu tươi. Những người khéo tay nhất trong làng lấy chỉ gió nhuộm đỏ kết lại thành chùm sáng ngời như ngôi sao mọc sớm. Ông già đỡ lấy hoa, gắn lên ngực Đôn. Gió rừng đưa nhè nhẹ làm rung chuyển những chiếc lá ngụy trang trên lưng Đôn chưa kịp tháo.
- Đôn ơi, cái hoa này là hoa của rừng núi. Nhưng dân làng đem về kết lại, nên cái hoa này là hoa của rừng núi. Nhưng dân làng đem về kết lại, nên cái hoa này thành ra cái bụng của làng ta. Màu đỏ tươi như máu, nhắc con nếu có phải đổ máu để đánh đuổi thằng thù đế quốc ra khỏi nước, cũng đừng ngại. Màu xanh, xanh như núi rừng con ở, bảo con phải nhớ cái làng Tôi, làm cho làng Tôi thêm tiếng tốt. Màu trắng, hiền lành và trong như dòng nước sông A Vương tắm mát thân con, đó là lời dân làng chúc con khỏe mạnh. Còn màu vàng, như ngôi sao trong lá cờ cách mạng, sẽ như ngọn đuốc soi sáng đường con...
- Đôn ơi! Con nhớ đấy!
Ông già ngừng nói, ngắm nhìn Đôn. Con mắt nó, thiệt đúng là con mắt của người Kà Tu. Cái miệng nó, thiệt đúng là cái miệng của người Kà Tu. Nó đánh thằng Mỹ về tóc nó còn dính đất bụi ngoài rẫy.
Ông bỗng sực nhớ điều gì. Ông ngoảnh quay phía đám con trai, giơ tay lên, nói lớn:
- Đám con trai ơi... Đem đến cái vòng chỉ đỏ.
Có tiếng người nói:
- Cây súng anh Đôn chưa có mà! Cây súng anh Đôn đâu rồi.
Đôn đứng yên lặng từ nãy đến giờ, đang sống trong một giấc mơ vui, nghe tiếng người hỏi, quay lại đáp:
- Anh Buốc còn cầm ngoài rẫy.
Ông già nghe Đôn trả lời, giơ tay về hướng đám con trai:
- Hãy khoan. Hãy khoan đem đến cái vòng chỉ đỏ.
Ông đưa cả hai tay về phía trước, quay người xung quanh bốn phía, ra hiệu. Nhịp tay ông vẫy mạnh, vung lên, đập xuống. Dân làng hiểu ý, vỗ chiêng vỗ trống theo. Tiếng chiêng tiếng trống bây giờ vừa hoan hỉ đánh nhịp cho mọi người nhảy múa, vừa thúc giục liên hồi như đốc quân xung trận.
Bỗng lại có tiếng động cơ... Chiêng trống cũng bỗng dừng lại để mọi người lắng nghe cho rõ.
Ông già cao tuổi quắc mắt, nhìn về đường rẫy. Thằng Buốc đang đứng đó. Nó đang đứng trên cái đất rẫy của làng. Nó đang cầm súng của thằng Đôn mới bắn. Nó đang đối chọi cho thằng thù, một sống một chết. Buốc ơi, con có nghe rõ tiếng chiêng trống của dân làng hay không? Ông đưa cả thân người về phía trước, xòe rộng bàn tay, phất lên. Chiêng, trống không được phép dừng, lại nổi dậy. Bây giờ, tất cả đã thôi múa nhảy. Tiếng trống giục liên hồi. Tiếng chiêng vỗ theo từng ba, bốn tiếng một, bừng bừng như đang lăn vào một cuộc xáp trận.
Một tiếng súng nổ. Tiếng súng của Buốc? Đúng rồi, tiếng súng trường của Buốc.
Mọi người lại muốn ngừng tay chiêng trống. Ông già cao tuổi vẫn đứng ở giữa sân, lại dang rộng hai tay ra, đưa cả thân người và dùng cả cái đầu, lắc như rung ra lệnh:
- Thúc trống nữa đi. Thúc chiêng nữa đi.
Lại đoàng! Tiếng chiêng trống bây giờ nghe như thác đổ, như nước lũ tràn về, như những cơn bão lớn nhất của rừng núi, và gầm lên, rền hơn cả sấm. Giữa vùng trời của làng tôi, hai tia lửa, bắt được dầu, phụt lên cháy rừng rực, rơi thỏm xuống.
Một tiếng hú ngân dài lanh lảnh xé ngang tiếng chiêng trống, tiếng hú uốn lên uốn xuống, khi cao khi thấp cứ lượn quanh như một dòng suối con đang chảy. Khi quá dài, nó ngứt một chút, rồi lại hú nữa. Chiêng trống vẫn vỗ dồn, và hàng trăm tiếng hú khác đáp lại. Buốc ơi, dân làng biết tín hiệu rồi, đừng hú nữa mà đứt hơi! Nhưng Buốc vẫn hú, tiếng hú cứ vang lên, lanh lảnh như muốn xuyên mãi, xuyên mãi vào các ngóc ngách của rừng núi, báo tin mừng cho đôi chim “bóp bóp” đang ngủ ngày, cho cái hoa sung đang tắm nắng, cho những con ong đàn đang mải mê hút mật, cho bầy cá niên không chừng chiều nay đang lên cạn đẻ trứng. Tiếng hú vẫn cứ vang mãi như muốn nhờ cành cây và ngọn gió, nhờ con chim phí và con phượng hoàng băng qua núi Giàng, vượt qua dòng A Vương trả lời cái bức thư làng Mực vừa gửi đi tất cả mọi nơi.
Tiếng hú cứ rõ dần như đang hút mọi người về phía đó. Buốc lao người băng băng chạy về. Tay anh ta giơ cao khẩu súng lên trước...
... Đêm ấy, các nóc trống thao thức chờ mãi không thấy người về. Dân làng ở cả ngoài rẫy trên các đồi dọc ven sông: ông già cao tuổi, anh Đôn, anh Buốc, và cả anh cán bộ Bin mới vừa chạy tới. Cái dồ mới chưa kịp cất. Cái cà tu đẹp chưa kịp thay. Bằng những cái rựa thôi, cũ lắm rồi, những lưỡi rựa mà đá mài, cây rừng và những giọt mồ hôi lạt muối qua bao mùa rẫy đã ăn khuyết đi, bây giờ bề ngang chỉ bằng hai ngón tay, người ta làm thêm trận địa. Chờ chúng đến...