Sáng tác

Lạc rừng - Truyện ngắn dự thi của Hà Ninh Tùng

Hà Ninh Tùng
Truyện
09:15 | 04/07/2024
Rừng núi xứ Thanh điệp điệp trùng trùng với hàng loạt dãy núi đá vôi dựng đứng nối tiếp nhau vô tận. Xa xa trên những ngọn núi cao lác đác những cổ thụ...
aa

Lão Hủ đẩy nhanh cái điếu cày vào gầm bàn, cố thở cho ra hết chỗ khói nơi hàm răng vàng cũng như nước điếu để nói cho tròn được hai tiếng “Đi thôi!”, rồi đứng phắt dậy quay người về phía Tuấn Cận tỏ vẻ háo hức chờ đợi. Tuấn Cận chẳng thèm quay lại nhìn lão, khó chịu ra mặt. Hắn cúi xuống nhặt con dao nắp, khoác cái ba lô lên vai rồi thủng thẳng bước đi.

Chả là hôm nay có một đoàn cán bộ điều tra của Bộ về đơn vị hắn đang công tác để điều tra về dấu hiệu cư trú của một loài trong bộ linh trưởng. Cuộc họp phân công chiều qua đã xác định đoàn công tác sẽ chia làm hai tổ và hắn sẽ ở cùng tổ với lão Hủ. Đây là cơ hội tốt để cấp trên nhìn nhận thấy được năng lực của hắn. Hắn không muốn có một sự cố nào xảy ra. Hắn cần một người khỏe mạnh, có năng lực như hắn để chuyến công tác được thành công tốt đẹp. Vậy mà đen đủi thế nào hắn lại ở cùng tổ với lão Hủ. Cái thân lão ấy lão còn chưa tự lo nổi, sức khỏe thì yếu, chẳng biết gì về công nghệ, về định vị GPS. Thậm chí đến xem cái bản đồ giấy lão còn chẳng biết, đã chẳng giúp được gì khéo lại trở thành gánh nặng.

Nghe nói lão Hủ trước đây là bộ đội chiến đấu ở Campuchia và từng là trung đội trưởng của một trung đội trong đoàn quân tình nguyện Việt Nam. Sau giải phóng thì lão được chuyển sang ngành kiểm lâm, đến nay cũng đã gần bước vào cái tuổi “lục thập nhi nhĩ thuận” rồi mà nghe nói sang năm Nhà nước mới cho lão được “về vườn”. Kể chính sách của Nhà nước cũng lạ, cái thứ gần như không còn giá trị sử dụng như lão thì còn tha thiết gì mà không cho về sớm theo nguyện vọng, giữ lại tổ ăn beo ăn bám, chẳng tích sự gì. Lão cũng đã hai ba lần đệ đơn xin về trước vì lí do sức khỏe, nhưng vẫn chưa được cấp trên chấp thuận.

Lạc rừng - Truyện ngắn dự thi của Hà Ninh Tùng
Lạc rừng - Minh họa Phạm Hà Hải

Trong bốn người ở Trạm thì lão Hủ cao tuổi nhất, Tuấn Cận là người trẻ nhất. Ở vào cái tuổi của lão còn đọc còn viết được là tốt lắm rồi. Vậy nhưng xã hội ngày càng phát triển, yêu cầu của công việc ngày càng cao. Nào là báo cáo phải bằng văn bản in, tập huấn trực tuyến qua room, nào là phải biết sử dụng bản đồ số mapinfor, máy định vị GPS… Tất cả những thứ đó lão đều chẳng biết gì sất, có cho sống thêm 50 năm nữa lão cũng chịu. Ngược lại, Tuấn Cận lại là người thông minh và thành thạo mấy thứ nói trên, được đánh giá là người có năng lực nhất trong Trạm. Vì vậy để được hoàn thành nhiệm vụ vào cuối tháng, cái gì lão Hủ cũng phải nhờ vào Tuấn Cận. Nào là: “Tuấn Cận, mày làm hộ tao cái báo cáo tháng với.” “Tuấn Cận, mày xem hộ tao cái cây bị hạ đó nằm ở vị trí tọa độ nào.” “Tuấn Cận, mày xây dựng hộ tao cái tuyến tuần tra với.” Tuấn Cận thấy mình quan trọng với mọi người trong Trạm và đặc biệt là lão Hủ, nên nhiều lúc hắn tự kiêu và tự cho mình được cái quyền đặc cách như không cần tham gia lao động công đoàn, thậm chí chẳng chịu nấu cơm, rửa bát. Trong mắt hắn, lão Hủ chỉ như một kẻ vô dụng và có ý coi thường lão ra mặt. Về phần lão Hủ, lão như biết được thân phận của mình, chẳng dám phàn nàn với ai. Lão làm đủ mọi việc từ làm vườn, quét nhà, nấu cơm, vò chè... Những lúc rảnh rỗi lão lại đan rào, sửa máng nước... vừa làm vừa hát rất vui vẻ.

Mặt trời đã lên cao tới ba cây sào, mặt phía đông của những tán lá cây vàng óng lên từng mảng như rải mật. Những con chim quao quao, chim khướu la inh ỏi cả góc rừng khi phát hiện những vị khách không mời mà tới. Đưa tay lên che chòm nắng chói chang đang chiếu vào mặt, ông trưởng đoàn trải tấm bản đồ giấy ra đất rồi nói rõ lịch trình chuyến công tác.

- Hiện tại thực phẩm của chúng ta mang đi đủ ăn trong ba ngày, chúng ta sẽ đi thông tầm, trước bốn giờ chiều phải đến được vị trí lán Khe Ngòn để ăn tối và nghỉ qua đêm tại đây, ngày mai đi tới đỉnh Pù Gió rồi quay về. Ai được phân công mang vác đồ thực phẩm, lửa, đèn pin, máy móc và hồ sơ khác… phải thường xuyên chú ý kiểm tra, không được bỏ quên dọc đường để ảnh hưởng kết quả của công việc.

Nói rồi ông rút ra một tệp giấy phát cho mọi người và dặn:

- Đây là mẫu biểu mô tả dấu hiệu cư trú, mọi người nhớ chú ý các dấu hiệu như dấu chân, thức ăn thừa, chất thải và các dấu vết khác để lại và ghi chép cụ thể. Không ai có thắc mắc gì thì chúng ta tiếp tục lên đường.

Trong đoàn, lão Hủ là người cao tuổi và sức khỏe kém nhất, lão ngồi bấy nhiêu hãy còn chưa ráo mồ hôi, nghe thấy ông trưởng đoàn giục đi ngay bèn sấn đến bên Tuấn Cận nói nhỏ:

- Tuấn Cận, mày mang hộ tao cái túi này với, cái vết đạn ở hông tao hôm nay trở trời hay sao mà nhức quá. Không khéo sẽ có mưa to mất.

- Chú chỉ khéo bày trò, trời đang nắng đẹp thế này mà mưa được mới lạ. Phỉ phui cái mồm.

Tuấn Cận cười khẩy, bỏ mặc lão Hủ rớt lại phía sau rồi cố bước cho nhanh để dẫn đầu đoàn. Vừa đi hắn vừa nghĩ: Bao nhiêu năm đèn sách với bao nhiêu lí thuyết quý báu học tại trường, đây là lúc mình phải thể hiện được trình độ chuyên môn cũng như nhiệt huyết của bản thân với ngành, biết đâu sẽ được cấp trên đánh giá cao rồi đề bạt vào chức nọ chức kia.

- Báo cáo anh khu vực này là địa bàn em quản lí, em đã từng tới đây độc lập điều tra nhiều lần. Khu vực này có năm loài linh trưởng thuộc một bộ, hai họ. Trong đó có loài mà hôm nay cần điều tra - Tuấn Cận bắt đầu khoác lác.

- Rất tốt! Thức ăn chủ yếu của các loài này là gì để lát nữa chúng ta tập chúng quan sát dấu hiệu thức ăn thừa?

Tuấn Cận mặc dù chưa từng một lần dám bén mảng vào đây một mình nhưng đã lỡ nổ rồi giờ rút lời cũng dở. Hắn nghĩ bụng: Rừng núi thâm u thế này thì làm chó gì có thằng nào vào đây mà xác minh được ta nói đúng hay bịa.

- Báo cáo anh, 5 loài này phân bố ở 6 dạng sinh cảnh và sử dụng 106 loài thực vật thuộc 35 họ, 3 ngành làm thức ăn. Em đang xây dựng và sẽ sớm hoàn thiện bản đồ phân bố các loài, cũng như tuyến điều tra giám sát, số hoá bản đồ để dùng phần mềm mapinfor sử dụng lâu dài ạ!

- Tốt lắm! Đơn vị có những người như đồng chí thì yên tâm rồi, chuyến đi này chắc sẽ gặt hái nhiều thành quả.

Nghe Tuấn Cận nói, trong đoàn ai cũng thầm khâm phục trình độ cũng như sự tận tâm, nhiệt huyết của cán bộ trẻ này. Ai cũng yên tâm và phấn khởi trừ lão Hủ, lão đã đi chậm lại còn không thèm chú ý vào đường, vừa đi lão vừa nhìn trước ngó sau, nhìn trời nhìn đất.

Rừng núi xứ Thanh điệp điệp trùng trùng với hàng loạt dãy núi đá vôi dựng đứng nối tiếp nhau vô tận. Xa xa trên những ngọn núi cao lác đác những cổ thụ ước chừng chục người ôm, mọc vượt lên trong rừng già, dang những cánh tay khổng lồ, cổ quái vươn tít tận trời xanh. Dưới thung, những dải sương mù đặc quẹo như những dải bột từ những chiếc cối xay khổng lồ của nhà trời đang đổ xuống các xứ Mường, len lỏi chảy tràn vào các thung, các khe của hạ giới. Trông từ trên cao chẳng khác gì một bức tranh hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc.

Tiếng gà Mường ai theo gió thánh thót vang lại chắc đà chính ngọ rồi. Vậy mà hôm nay ông mặt trời đi đâu vắng để cho những đám mây đen, những đám sương mù mải chơi không chịu quay về tiên giới. Lúc này đoàn người đang di chuyển qua một cái thung dài, hai bên là hai dãy núi đá rất cao và dốc. Hai dãy núi đá tựa như hai con khủng long khổng lồ đang đi song song với nhau, kẹp chặt đoàn người vào giữa.

Ông trưởng đoàn giục mọi người:

- Theo bản đồ thì chúng ta mất 50 phút để vượt qua cái thung này, sau đó đi về phía tây 90 phút nữa là đến lán Khe Ngòn, mọi người đi nhanh hơn chút nữa, kẻo trời sắp đổ mưa mất.

- Anh cứ yên tâm, em xem dự báo thời tiết rồi, hôm nay tại huyện mình không có báo mưa đâu ạ - Tuấn Cận trấn an.

Nhưng cái mà Tuấn Cận gọi là “dự báo thời tiết” ấy chỉ đúng ở ngoài khu dân cư mà thôi, còn ở trong rừng già thì những cơn mưa bất chợt đổ xuống xối xả là việc hết sức bình thường. Hiện tượng này gọi là mưa rừng hay mưa tiểu khí hậu, điều này có lẽ Tuấn Cận chưa học tới.

Vừa đi chưa được một phần ba cái thung thì bỗng nhiên mây đen từ đâu kéo đến mỗi lúc một dày hơn, bầu trời bỗng tối sầm lại rồi một tiếng nổ long trời lở đất kèm ánh sáng chói loà phát ra. Lão thần Sét từ đâu thình lình xuất hiện vung búa phang thẳng vào ngọn một cây đa bên sườn núi. Một nhát, rồi hai nhát, ba nhát…, sau mỗi nhát búa, ngọn đa lại cháy bùng lên. Rồi lão hung hăng, lồng lộn vung búa tứ tung, từ sườn đồi này vắt sang sườn đồi kia, bổ tới tấp vào những cây cổ thụ mọc cao hơn những cây khác. Một cành cây to không chịu được cú bổ sấm sét gãy lìa ra khỏi thân cây nghe đến “Oác!” một cái, rồi trượt theo sườn núi đá nhắm thẳng đoàn người rầm rầm lao xuống. Đám người hoảng hốt chạy tán loạn. Tuấn Cận nhảy tót sang bên đường nép vào một gốc cây lớn, mặt tái mét. Hắn lắp bắp: “Cái... cái gì vậy?” Lão Hủ hô lớn:

- Mọi người chú ý, di chuyển ra chỗ rộng của lối mòn, đừng nấp gần gốc cây lớn.

Những người tội nghiệp này thật quá nhỏ bé so với lưỡi búa của lão thần Sét, sau một hồi vung búa loạn xạ không tìm thấy đối thủ, lão hậm hực bỏ đi. Lão đi còn chưa khuất bóng thì trời bắt đầu đổ mưa. Mưa! Ối giời ơi, mưa khiếp quá! Những đám mây đen tích tụ dày đặc từ sáng đến giờ đã không chịu được sức nặng nữa nên đồng loạt đổ xuống. Đúng là mưa như trút nước, mưa trắng trời. Bao nhiêu đồ đạc nào thịt, gạo, cá khô, đèn pin, bật lửa, hồ sơ và các thiết bị nghiệp vụ khác đều ướt nhẹp hết. Ông trưởng đoàn hết nhìn mọi người lại nhìn đống đồ đạc ướt sũng lắc đầu ngao ngán. Tuấn Cận cố lảng tránh ánh mắt của ông trưởng đoàn, hắn biết tình thế này thì giữ được cái thân lành lặn đi về đến Trạm đã là tốt lắm rồi chứ tác nghiệp cái gì được nữa. Lão Hủ thì tỏ ra rất bình thản. Lão tặc lưỡi:

- Mưa thì mặc mưa, đứng đây chịu trận mãi cũng không phải là cái cách, con đường phía trước hãy còn dài, đằng nào cũng ướt, chúng ta vẫn phải tiếp tục thôi, cần phải sớm di chuyển ra khỏi cái thung lũng này may ra mới đến được lán Khe Ngòn trước khi trời tối.

Tuấn Cận uể oải khoác cái ba lô lên, mặt tỏ vẻ rất khó chịu vì thái độ thờ ơ của lão Hủ, như kiểu chuyến công tác thành công hay thất bại cũng chẳng can gì tới cái thứ “trâu cày cuối vụ” ấy. Cơn mưa đã làm cho con đường trở nên lầy lội, chỗ đất cứng thì mặt đường trơn như bôi mỡ, chi chít trên mặt đường là những vết guốc trâu rừng bẩn thỉu và nhếch nhác. Càng đi lối mòn ngày càng hẹp lại, vết guốc trâu không còn dàn đều trên đường nữa mà đi tập trung vào lối mòn tạo thành những sống trâu cắt ngang lối mòn từng nhịp, từng nhịp như những bậc thang. Đòi hỏi người đi phải bước chính xác vào những bậc thang ấy.

Oạch! Một cú ngã trời giáng. Tuấn Cận nằm sóng soài trên mặt đất, cái kính cận rơi tõm xuống vũng bùn, một bên lâm hàm rơi ra khỏi vai áo, lỉa dép chui tọt lên bắp chân để lộ cổ chân chi chít những con vắt to nhỏ đang thi nhau hút máu, vài con khác hút no nê đã nhả ra để lại những vết cắn máu chảy dài không ngừng.

- Khỉ thật! Con đường đang lành lặn ai lại rỗi hơi đem cuốc vào lên luống như luống rau thế này?

- Làm gì có ai vào đây cuốc, đó là vết chân của những đàn trâu đi qua, cứ con đi sau lại giẫm đúng vào vết chân con đi trước, sau nhiều lần sẽ tạo nên những vết bậc thang ấy. Mày phải bước vào chính giữa cái bậc ấy và bấm năm đầu ngón chân xuống chứ - Lão Hủ giải thích.

Ông trưởng đoàn vừa uể oải bước tới, nhìn thấy Tuấn Cận bê bết bùn đất bèn nói với lão Hủ:

- Qua bãi đất trống bên kia nghỉ chút đã. Ý đồng chí thế nào?

- Theo tôi cũng chỉ còn chừng 10 phút đi bộ nữa là chúng ta vượt qua cái thung này rồi, đến lúc đó nghỉ luôn một thể.

- Nhưng đồng chí xem ai cũng mệt rồi, liệu có tiếp tục đi được nữa không?

Tuấn Cận nổi xung nói chen vào:

- Chú thích thì tự đi một mình đi! Nhìn xem ai cũng đã mệt lả người vì đói và lạnh rồi. Vội đi đâu? Đi để sống hay đi để chết?

Vậy là đoàn người lần lượt kéo nhau ra bãi đất trống ngồi nghỉ. Mặc cho mọi người gọi, lão Hủ vẫn cứ đi đi lại lại, hết ngó lên trên đồi rồi lại nhìn dưới đất. Mắt lão hết hướng ra xa xăm, rồi lại dứ dứ mũi vào không trung hít hít. Xa xa tít đỉnh Dông như có tiếng gì vọng lại, nghe rì rì, rào rào… lúc nghe rõ, lúc tan biến vào hư không. Lão đưa một tay lên che tai để lắng nghe.

- Mấy chục năm ở rừng chú nghe tiếng đại ngàn còn chưa chán hay sao mà lắng vậy? - Tuấn Cận châm biếm.

Lão Hủ chẳng quan tâm, lão vẫn lặng im, dõi cả ngũ quan lên đỉnh núi. Rồi bất thình lình quay về phía mọi người hô lớn:

- Chạy, chạy ngay đi!

- Chú bị làm sao vậy, sao mà chạy? - Tuấn Cận gằn giọng hỏi.

Vẻ mặt hiền lành thường ngày của lão Hủ bỗng dưng biến đâu mất, thay vào đó là sắc mặt nghiêm nghị, quyết đoán của một trung đội trưởng ngày nào. Lão thét lớn đến lạc cả giọng:

- Tất cả nghe đây! Ở đây bây giờ tôi là chỉ huy, ai cầm được gì thì cầm, còn đâu vứt bỏ lại, lập tức chạy nhanh theo tôi!

Mọi người ngơ ngác. Lão Hủ một tay vơ cái túi gạo, tay kia rút con dao ở cạp quần chỉ về phía Tuấn Cận. Đôi mắt trợn ngược lên trông rất dữ tợn. Lão quát lớn:

- Chạy ngay! Mày muốn chết phải không?

Tuấn Cận tuy láu cá nhưng hiền lành, ngại va chạm. Thấy thái độ quyết đoán và dữ tợn của lão Hủ như vậy thì cả kinh, từ trong tiềm thức hắn linh cảm được có chuyện gì đó chẳng lành, tốt nhất là chạy kẻo biết đâu lão già điên này xiên cho phát thì thiệt thân. Chân nhanh hơn não, hắn chẳng kịp vớ theo gì cứ thế ba chân, bốn cẳng mà chạy. Những người khác thấy vậy cũng cắm đầu cắm cổ chạy theo. Lão Hủ cố chạy len lên đầu và hô lớn:

- Không được chạy theo lối mòn, mọi người hãy chạy theo tôi về phía sườn đồi kia, thoát khỏi cái thung này càng nhanh càng tốt!

Những tiếng rì rì, rào rào vừa nãy nghe mỗi lúc càng rõ hơn, gần hơn. Bấy giờ nó thành tiếng ầm ầm, ào ào, ục ục… Bằng kinh nghiệm nhất định của những người đi rừng, lúc này mọi người cảm nhận được nguy hiểm chết người đã cận kề. Lũ, đúng rồi! Một cơn lũ quét kinh hoàng sắp ập xuống đây. Cơn mưa lớn trên diện rộng sáng nay trải dài từ Viêng Xay kéo sang Mường Mìn đã hình thành những túi nước khổng lồ treo lơ lửng trên đầu và bây giờ những túi nước ấy đang vỡ tung toé ra, đồng loạt lao xuống chân Dông. Chỉ vài phút nữa thôi cái thung này sẽ ngập trong trận “đại hồng thuỷ”.

Vừa chạy lão Hủ vừa ngước nhìn lên lưng Dông, tiếng ào ào lan tới đâu thì cây cối đổ rạp tới đó, kéo theo những luồng nước đỏ ngầu lẫn đất đá bắn theo tung toé. Lão hô lớn hơn:

- Nhanh nữa lên! Nước về đến nơi rồi! Ai băng được qua con khe cạn đằng trước thì cố bò thật nhanh lên cao.

Lúc này nước từ hai mái Dông đã chảy tràn xuống thung, dồn theo lối mòn giận dữ ào đến. Cảnh tượng chẳng khác nào hàng ngàn vó ngựa Mông Cổ trong những bộ phim cổ trang đang truy sát phía sau lưng đoàn người. Lão Hủ băng nhanh qua được cái khe cạn, nhảy tót lên một mỏm đá, một tay níu một ngọn cây, một tay chìa ra kéo lần lượt từng người lên khỏi cái khe cạn. Người cuối cùng vừa lên khỏi khe thì cũng là lúc lũ vừa ập đến. Nước ào ào tràn qua kéo theo những tiếng nổ long trời từ những tảng đá lăn lục cục đập vào nhau vỡ tan. Những cây gỗ cổ thụ từ Thượng Lào bị bật gốc cuốn theo dòng lũ lao băng băng như những toa tàu. Một tảng đá lớn từ đâu lăn đến đánh “Rầm!” một cái rồi kẹt mắc cứng ngay chỗ hẻm của khe cạn, làm cho nước lũ va vào tung lên thành một cột nước trắng xoá. Tuấn Cận “mặt cắt không còn giọt máu”, hắn đưa tay lên sờ ngực trái. May quá! Quả tim vẫn còn đập ở đây. Lão Hủ thở phào nhẹ nhõm:

- Ơn giời! Chúng ta thoát rồi!

Đoàn người uể oải kéo đến một chỗ quang trên sườn Dông. Sau trận chạy lũ, thật may mắn không ai bị thương đáng kể, nhưng sức lực thì gần như đã cạn kiệt. Có bao nhiêu lương thực, đèn pin, bật lửa, đồ đạc và công cụ mang theo đều đã trôi hết theo dòng lũ. Ông trưởng đoàn hổn hển cất tiếng hỏi:

- Có ai biết chỗ này là chỗ nào không?

Chẳng có ai lên tiếng cả.

- Có ai kịp cầm theo được cái gì không?

- Mọi đồ đạc đều bị vứt bỏ lại, em còn mỗi cái máy GPS đeo bên người là không bị rơi ạ - Tuấn Cận trả lời.

- Tôi thì chỉ cầm theo được mỗi đùm gạo - Lão Hủ lên tiếng.

Ông trưởng đoàn lắc đầu ngao ngán:

- Vậy là xong! Chúng ta tuy vừa thoát được lũ, nhưng khó qua được đêm nay do đói, khát và lạnh. Con đường quay trở lại thì đã bị lũ cắt đứt, phía trước thì chúng ta hoàn toàn mất phương hướng, có gạo nhưng lại không có nồi và lửa. Phải làm sao đây?

Giọng khàn khàn của lão Hủ phá tan bầu không khí im lặng:

- Mọi người cứ bình tĩnh. Đói, rét không đáng sợ bằng khát. Việc đầu tiên là phải tìm ra nước để giải quyết cơn khát đã, sau đó sẽ tìm đường sang lán Khe Ngòn, nếu tìm được thì chúng ta sẽ có chỗ ăn, nghỉ đêm nay.

Ông trưởng đoàn vỗ vai lão Hủ:

- Cảm ơn đồng chí rất nhiều, nhờ có đồng chí mà anh em trong đoàn thoát chết trong gang tấc. Nhưng với tình hình này giữ được mạng về đến Trạm Kiểm lâm còn khó chứ thực hiện nhiệm vụ gì được nữa? Chúng tôi toàn người ở xa, không quen thuỷ thổ, trong đoàn chỉ có đồng chí là có kinh nghiệm nhất. Bây giờ giao cho đồng chí làm trưởng đoàn, nhiệm vụ duy nhất là đưa được cả đoàn về Trạm an toàn, mọi việc chúng tôi đều nhất nhất nghe theo.

- Được rồi! Bây giờ mọi người chờ tôi ở đây, tôi đi tìm nước đã.

Lão Hủ đội lại cái mũ cối lên đầu rồi vụt đi ngay. Lão mò xuống gần cái khe cạn hồi chiều, trong lòng thầm nghĩ: Ở gần khe ẩm, kiểu gì cũng có những cây ráy dại. Xuống đến đầu khe cạn, lão bèn lần theo dọc khe. Quả đúng như phán đoán của lão, đi một đoạn đã gặp ngay một bụi ráy to đùng. Lão cẩn thận lựa một cái lá to và lành nhất lót vào mũ cối rồi lần lượt đổ nước mưa đọng từ những cái lá khác vào. Chẳng mấy đã đầy một mũ cối nước mưa.

Sau khi đã cơn khát, ai nấy tinh thần phấn chấn hẳn lên, niềm hi vọng lại được thắp sáng.

- Tiếp theo chúng ta sẽ phải làm gì? - Ông trưởng đoàn hỏi.

- Bây giờ chúng ta phải xác định được hướng để cắt rừng tìm về lán Khe Ngòn, ở đó chúng ta có lửa và nồi để nấu ăn. Tuy đang mùa hè nhưng ở trong rừng ban đêm nền nhiệt giảm xuống rất sâu, nếu chúng ta không tìm được lửa và thức ăn để duy trì thân nhiệt thì sẽ rất nguy hiểm. Lúc lũ đến mặc dù đang chạy nhưng tôi vẫn định hình trong đầu nếu cắt về hướng nam, đi hết sườn Dông này sẽ sang đến lán Khe Ngòn. Tuấn Cận, mày dùng máy định vị GPS xác định hướng nam đi!

- Máy GPS bị nước vào hỏng nguồn rồi còn đâu. Nhưng theo phán đoán của tôi, hướng nam sẽ đi bên này - Tuấn Cận lí nhí trỏ tay về phía bên phải hắn.

Lão Hủ lắc đầu:

- Không được, chỉ một phán đoán sai lầm lúc này sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Chúng ta không còn đủ sức để đi xa hơn 5 km nữa. Chết tiệt! Cũng tại trời hôm nay quá âm u, không thể nhìn thấy sao Hôm, nếu không đã có thể xác định được hướng tây và suy ra hướng nam rồi.

Mọi người nhìn lão Hủ với ánh mắt cầu cứu. Lão trầm tư đi xung quanh một gốc cây lớn, mắt đăm chiêu quan sát thân cây. Rồi reo lên:

- Đây, đây chắc chắn là hướng nam.

- Liệu có đúng không? Làm sao đồng chí dám chắc chắn điều ấy? - Ông trưởng đoàn thắc mắc.

- Tôi chắc chắn, cái cây này đã chỉ ra. Đa số các loài cây trong rừng phần rêu mọc trên vỏ cây ở các hướng không đều nhau, mặt vỏ cây ở phía đông luôn mọc nhiều rêu hơn do mặt phía đông luôn có thời lượng chiếu sáng trong ngày thấp nhất, ánh mặt trời ở phía đông cũng dịu chứ không nắng gắt bằng khi mặt trời quay về hướng tây. Vì vậy mặt vỏ cây phía đông luôn ẩm ướt hơn các hướng còn lại và rêu trên vỏ cây phía đông cũng sẽ phát triển hơn. Từ đó chúng ta có thể suy ra các hướng còn lại - Lão Hủ giải thích.

- Hay quá! Đồng chí học được những điều này ở đâu vậy?

- Tôi học được trước đây khi hành quân trong rừng.

Ông trưởng đoàn vỗ đùi tâm đắc:

- Hay lắm, chính xác là như vậy. Đi thôi!

Niềm tin của mọi người đối với lão Hủ lúc này là tuyệt đối, ai cũng hăng hái quên cả mệt mỏi. Chỉ có Tuấn Cận là không đủ sức theo đoàn, hắn bị thương ở cổ chân, toàn thân run lập cập vì lạnh, trán nóng như lửa, mồ hôi ướt đầm. Hắn bắt đầu lên cơn sốt, lão Hủ và mọi người phải thay nhau dìu hắn. Lão Hủ lâu lâu lại ân cần động viên:

- Tuấn Cận, cố gắng lên, sắp đến rồi. Sang đến lán Khe Ngòn tao sẽ tìm thuốc hạ sốt cho mày uống, mọi chuyện sẽ ổn thôi.

Đúng như phán đoán của lão Hủ, đi chừng 3 km băng qua đúng ba cái đồi bát úp thì một bãi trống hiện ra. Lấp ló trong sương mờ trên bãi đất trống ấy là một mái nhà tranh. Lão Hủ reo lên:

- Đây rồi! Lán Khe Ngòn đây rồi mọi người ơi!

Tất cả đều sấn lên, kẻ rướn cổ, người dụi mắt. Rồi đồng loạt reo hò mừng rỡ:

- Hoan hô! Hoan hô! Chúng ta thoát nạn rồi.

Lán Khe Ngòn là một lán tạm ở giữa rừng, nó được dựng lên để phục vụ các đoàn công tác ở lại qua đêm do quá xa không thể đi về trong ngày. Ở đây có một cái lán và một góc bếp nho nhỏ, nhưng xung quanh vẫn được anh em kiểm lâm trồng các loại cây gia vị như ớt, chanh, sả… và cây thuốc nam khác. Lão Hủ dìu Tuấn Cận nằm lên cái phản được ghép từ những tấm bìa gỗ của bọn lâm tặc vứt lại, rồi đi vòng quanh lán kiểm tra tình hình. Nhưng hỡi ôi! Cơn mưa quái ác hồi chiều cũng đã vùi dập cái lán không thương tiếc. Nước lớn tràn qua lán đã cuốn đi tất cả nồi, niêu, mắm, muối, bật lửa…, mái lán cũng bị gió giật rách tả tơi nhiều chỗ. Nghe lão Hủ báo lại tình hình, ông trưởng đoàn thất thần trong vài giây rồi gieo mình xuống phản, mắt nhắm nghiền, mọi người chẳng ai một lời nào.

Lão Hủ kéo cái bạt rách hứng nước mưa vào một cái bát sứt còn sót lại, giã vội nắm thuốc lão vừa hái được sau nhà đưa cho Tuấn Cận uống, rồi quay sang trấn an mọi người:

- Mọi người cứ bình tĩnh nằm đây nghỉ một lát, để tôi tìm cách lấy lửa, sau đó sẽ tìm cách nấu cơm và đi kiếm thức ăn.

Lão Hủ ra ngoài một vòng rồi quay lại với một ôm củi trên tay. Lão quẳng củi vào xó, vươn tay bẻ một cái mè luồng trên mái nhà, móc ra từ cạp quần một con dao nhọn được làm từ lưỡi lê súng AK, rồi ngồi thụp xuống giữa nhà hì hục vót vót, gọt gọt… Dưới bàn tay khéo léo và lưỡi lê sắc bén của lão, từng sợi gỗ mỏng tanh và nhỏ như sợi tóc quăn tít đều đều văng ra từ khúc mè. Thoáng một cái đã được một nắm sợi gỗ.

Tuấn Cận nheo mắt quan sát cái lưỡi lê đang thoăn thoắt trong tay lão Hủ. Đã hơn một lần hắn được nghe lão Hủ kể về sự tích cái lưỡi lê ấy, nhưng hắn chẳng thèm quan tâm. Nghe nói cái lưỡi lê ấy từng cứu mạng lão và là một kỉ niệm rất buồn.

Khi còn ở Campuchia, một lần lão cùng một người lính của mình đi thị sát tiền trạm để cho trung đội mở đợt tấn công vào cứ điểm của một toán Pol Pot, chẳng may dính vào ổ phục kích của hai tay súng nấp từ hẻm đá bắn ra. Sau loạt đạn, cả lão và đồng đội đều gục xuống. Một viên đạn xuyên qua hông phải của lão, bật tung dây lưng và hất văng khẩu K54 ra xa. Đồng đội của lão nằm bất động, khẩu AK 47 văng qua một bên còn lưỡi lê AK thì rơi ngay cạnh lão. Lão bị bắn xuyên hông nhưng chỉ vào phần mềm và sườn non nên không chết. Nhưng nếu không nằm bất động giả chết thì cũng không có cơ hội đấu lại với hai tay súng kia. Hai gã Pol Pot bước lại gần đá đá lên người lão rồi lại quay sang đá lên người đồng đội lão. Chỉ chờ có vậy, lão nhanh chóng chụp lấy lưỡi lê AK vùng dậy đâm xuyên tim một thằng, còn một thằng lão quật ngã sấp xuống đất, rồi cứ thế lão ngồi đè lên đâm lia lịa vào lưng mặc cho hắn đã gục hẳn. Lão bò sang ôm lấy đồng đội mà gào khóc. Đôi mắt người chiến sĩ ấy đã không bao giờ có thể chớp được nữa. Lão điên cuồng dùng cây lê AK đào vội một cái hố, chôn đồng đội xuống đó rồi lết về đơn vị. Kể từ đó lão luôn đem cây lê AK theo bên mình, như để nhắc lão nhớ đến một kỉ niệm buồn của một thời khó khăn, gian khổ.

- Tuấn Cận, cái máy GPS của mày đâu rồi?

Tiếng lão Hủ làm Tuấn Cận giật mình trở lại với thực tại. Hắn lập bập:

- Nó hỏng rồi chú còn lấy làm gì?

- Đưa cục pin đây cho tao.

Lão Hủ rút ở túi áo ngực ra một cây bút bi. Lão lôi cái ruột bút ra lấy cái lò xo, dùng tay và răng kéo thẳng hai đầu của lò xo ra chỉ giữ lại hai vòng ở giữa, rồi đấu hai đầu dây thép vào hai cực của cục pin. Thật kì diệu, hai vòng lò xo nóng dần lên rồi đỏ như dây tóc bóng điện. Lão dí vào đống sợi gỗ, ngọn lửa bùng lên. Cả đoàn mừng vui khôn xiết, ít nhất cũng có lửa để sưởi ấm, cùng lắm là ăn gạo rang, uống nước cũng sống qua đêm nay rồi.

Lão Hủ lại cởi cái quần ngành ra, cắt đứt hai ống quần rồi lồng chúng vào nhau, sau đó đổ túi gạo vào trong ống quần, lấy dây lạt buộc hai đầu lại rồi quay sang dùng lưỡi lê thoăn thoắt đào một cái hố to ngay giữa nền nhà. Đào xong lão cho cái túi gạo vào hố, cẩn thận vùi đất lại và chuyển bếp lửa lên ngay trên cái hố. Lão quay sang dặn ông trưởng đoàn trông chừng Tuấn Cận và bếp lửa rồi xách cây lê AK khuất nhanh vào cánh rừng.

Những cơn mưa của đầu mùa hạ sau bao ngày nắng hạn đã đem đến cho cánh rừng một luồng sinh khí mới, mát mẻ hơn, tràn đầy năng lượng hơn. Bọn chão chuộc, ếch, nhái… sau bao ngày nằm trong hang hốc nứt nẻ bây giờ đua nhau mò ra, tìm bạn tình để giao phối, tiếng kêu râm ran khắp cả khu rừng. Nước đã ngập lấp xấp mắt cá chân, lão Hủ lội lõm bõm qua một bãi bằng, căng mắt nhìn vào những gốc sim. Một đôi, hai đôi, ba đôi… cứ thế lão tóm từng đôi chão chuộc, ếch đang cõng nhau ân ái. Lội hết bãi sim lão lại vòng xuống dưới suối, rồi ngược theo những nhánh khe nhỏ. Ở trong rừng có một loài cá chỉ xuất hiện ở những khe cạn, ít nước. Cứ mưa xuống là chúng đua nhau bơi ngược theo dòng nước và nằm mắc lại ở những vũng nước nhỏ. Thoạt trông chúng rất giống cá lóc, nhưng chỉ bé bằng ngón tay cái, con nào to lắm thì bằng cán liềm. Khi bơi ngược dòng do nước cạn nên chúng phải dùng hai bên mang lắc lắc xuống đất để vượt lên. Vì vậy người Thái bản địa ở đây gọi là cá lấc láo. Lão Hủ thừa biết hôm nay, sau cơn mưa kiểu gì lội ngược những nhánh khe cạn sẽ bắt được loại cá này. Nhận định của lão không hề sai, chỉ lội một đoạn đã gặp ngay những vũng nước nhỏ với rất nhiều cá lấc láo. Vũng thì ba con, vũng thì năm con, có vũng cả mười mấy con. Ước chừng đã quá đủ thức ăn cho cả đoàn, lão vội vàng quay về lán.

Không gian quanh lán im phăng phắc, mọi người đang chìm trong giấc ngủ miên man. Lão Hủ nhẹ nhàng ngồi nướng cá và ếch. Nướng xong lão xếp gọn gàng sang một tàu lá chuối rừng, rồi quay lại đào cái hố dưới bếp lửa nhấc túi gạo lên, đổ ra tàu lá chuối. Một đống cơm trắng, dẻo thơm bốc khói nghi ngút. Sức nóng của bếp lửa đã rút dần nước từ lòng đất vào túi gạo và ép túi gạo chín dần thành cơm. Đây là kinh nghiệm nấu cơm không có nồi, có nước mà lão học được ở chiến trường.

Tuấn Cận tỉnh giấc chống tay ngồi dậy, trước mắt hắn là một mâm cỗ đầy ắp cơm và thức ăn. Tiếng động của hắn làm mọi người cùng tỉnh giấc. Lão Hủ sấn đến đỡ Tuấn Cận và nói với mọi người:

- Cả nhà dậy ăn cơm thôi nào!

Lão Hủ sắp xếp chỗ cho mọi người, rồi tự mình ngồi xuống. Lão chia cho mỗi người một nắm cơm to, cố ý lựa những con cá và con ếch to hơn đẩy về phần của Tuấn Cận rồi nói:

- Tuấn Cận, mày cố ăn đi cho mau khoẻ.

Bữa cơm trông có vẻ đơn sơ nhưng với mọi người là cả một bữa tiệc xa xỉ, thịnh soạn. Tuấn Cận ăn một lèo hết hai con cá, quay sang bốc vài nắm cơm nhá ngấu nghiến rồi lại xé một cái đùi ếch to. Ối trời ơi! Thịt ếch mới ngon làm sao! Vừa dai, vừa thơm, vừa ngọt, vừa béo... Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ hắn chưa từng được ăn miếng thịt ếch nào ngon đến như vậy. Bao nhiêu năm “bám rừng, bám bản” hắn cũng chưa từng nghĩ món cá lấc láo nướng lại ngon đến thế này…

Tiếng một thanh củi cháy gãy sập trên bếp lửa làm Tuấn Cận giật mình tỉnh giấc, hắn hé mắt nhìn ra ngoài. Trời đã khuya lắm rồi, bên ánh lửa bập bùng, lão Hủ với lưỡi lê trên tay vẫn ngồi đó. Lán nhỏ, người lại đông, mái lán dù đã cố khắc phục cũng chỉ chống dột được chỗ kê phản, dưới đất còn đúng một chỗ không dột lão Hủ đành phải nhường nốt cho “Ông bếp”. Lão ngồi ngay cửa hiên nhìn ra màn trời đêm tĩnh mịch, chốc chốc lại quay sang đút thêm củi vào bếp. Trên vai áo, những giọt mưa vô tình từ chỗ dột vẫn lộp bộp rơi, làm chiếc logo hình cái khiên thêu bốn chữ “Kiểm lâm Việt Nam” thêm thẫm màu vì ướt đẫm.

Hình ảnh lão già đau yếu, nhẫn nại và cầu toàn thường ngày biến đâu mất. Trước mắt Tuấn Cận giờ đây lão Hủ như một chiến thần, một chiến thần ẩn náu trong hình hài bình dị được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian để chăm lo và bảo vệ hắn. Vậy mà bấy lâu nay hắn vẫn luôn coi thường, thậm chí có lần còn nói hỗn. Nghĩ đến đó Tuấn Cận lòng se thắt lại, hắn cố nén để không bật ra một thứ gì đang kẹt cứng trong cổ họng, nhẹ nhàng bước đến đặt hai bàn tay lên vai lão Hủ, rồi đứng lặng im. Lão Hủ chẳng cần hỏi chuyện cũng rõ tâm can Tuấn Cận lúc này. Ngoài trời mưa vẫn tí tách rơi, trên vai lão Hủ, nước vẫn dột thấm vào thịt da lạnh tê tái. Giữa những giọt mưa giá lạnh ấy có hai giọt nóng hổi rơi xuống bờ vai, một cảm giác ấm áp lan truyền khắp cơ thể lão Hủ, lão bất giác vòng tay qua vai nắm chặt bàn tay Tuấn Cận. Bốn tia mắt dõi tìm nhau tận phía chân trời, nơi đó sao Mai đã lấp ló ở non xa của Mường Mìn tĩnh mịch. Văng vẳng đâu đây như có tiếng Xường ai thánh thót vọng về.

Báo Văn Nghệ số 26/2024

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".