Tôi gặp anh Đăng Bẩy lần đầu tiên là vào khoảng... cỡ đầu năm 1997. Ấy là lần tôi chở nhà thơ Trần Quốc Thực về Phủ Lý lo việc bốc mộ cho anh trai anh từ Tây Nguyên về quê, sau nhiều chục năm vùi xác nơi những cánh rừng cà phê bạt ngàn. Ấn tượng đầu tiên của tôi về nhà báo, dịch giả Đăng Bẩy, sếp trực tiếp của anh Trần Quốc Thực, khá kỳ lạ. Anh đeo một chiếc túi dết, trong đựng giấy bút, bản thảo, cùng mấy quyển Phụ san Văn nghệ Dân tộc và Miền núi mới ra lò còn đang thơm mùi mực in. Đăng Bẩy nhỏ thó, hơi ngăm ngăm, nhưng nhanh nhẹn, tự tại, đi lại bắt tay chào hỏi mọi người một cách chủ động và vui vẻ, rất chi là thứ bậc và bài bản, đúng kiểu người thân trong nhà từ “Trung ương” về quê. Thì ra anh đã từng về đây nhiều lần, đã từng đóng vai trò “sếp nhà” vài dịp, để mọi người vừa trông ngóng vừa khấp khởi mà cũng không cần phải quá giữ khoảng cách!
Nhà văn, dịch giả Nguyễn Đăng Bẩy |
Sau đó là những tháng ngày cộng tác đắc lực của chúng tôi trong việc duy trì nhịp ra báo mỗi tháng một số. Tôi đóng vai trò tìm dịch những tin bài quốc tế, đủ các thể loại. Còn anh đọc duyệt, tán thưởng, và đặt hàng cho những số tiếp theo. Rồi kéo nhau đi lòng lợn, bún đậu, thịt chó... khắp các quán hàng quanh Hà Nội. Sự cộng tác thân thiết đến mức chẳng bao lâu sau, tôi đã gần như thành người của báo, cung cấp bài vở cho cả ba tờ Văn nghệ “già”, Văn nghệ Trẻ và Văn nghệ Dân tộc. Thậm chí chúng tôi còn cùng nhau bàn cách xử lý những bê bối nhức nhối trong tòa soạn. Những tháng ngày đáng nhớ đó, chúng tôi hình thành một bộ tứ léng phéng, gồm anh Đăng Bẩy và Trần Quốc Thực ở báo Văn nghệ, nhà thơ Đỗ Quý Bông bên báo Bưu điện sang, và tôi, trẻ nhất, là một kỹ sư cơ khí chuyên đi làm các công trình dây chuyền máy móc của Viện Nghiên cứu cơ khí, Bộ Công nghiệp. Chúng tôi tiếp đón đủ các thành phần, tầng lớp nhà văn nhà báo từ Nam ra Bắc, những Nguyễn Thanh Mừng đến từ Bình Định; Phạm Quang Trung, Vi Văn Hiệp trong Tây Nguyên ra; Pờ Sảo Mìn về từ Lào Cai; Nguyễn Khôi đến từ Sơn La; Ngọc Bái và Hoàng Thế Sinh về từ Yên Bái; Trần Đại Thanh xuống từ Lạng Sơn; Trần Đăng Thao bên báo Giáo dục và Thời đại sang; Ngô Tự Lập, Hồng Thanh Quang ghé từ cánh Quân đội... Nhưng thường xuyên nhất phải là các cán bộ, nhân viên trẻ thuộc bộ phận kỹ thuật của tòa soạn 17 Trần Quốc Toản, những Thắng Gầy, Thắng Béo, Phan Hữu Đố, Lê Tâm, Ngô Xuân Khôi, rồi cả các anh lớn tuổi hơn là Trần Huy Quang, Phạm Đình Ân, Triều Dương... Trong những “vụ việc” đó, Đăng Bẩy khi nào cũng đóng vai trò đi chợ trong bếp, xin thêm hành mùi rau sống, chọc ghẹo bà chủ, cô chạy bàn... rồi pha trò khiến cả chiếu rượu cười nghiêng ngả.
Sống với Đăng Bẩy gần như cả nửa cuối của cuộc đời anh, tôi nhận thấy ở con người này ba nét đặc trưng: ham vui, nhưng chừng mực, và rất có trách nhiệm. Tôi xin kể lần lượt những đặc điểm ấy, nhưng theo thứ tự ngược, từ sau ra trước.
Câu nói thường xuyên, có thể gọi là nằm lòng, của anh Đăng Bẩy chính là: Ăn cơm Chúa, múa tối ngày! Thật vậy, anh rất ghét những người “tuần chay nào cũng có nước mắt”, nhưng rồi vô tích sự, hay quên, thậm chí vỗ đít phủi toẹt trách nhiệm. Từ việc lớn như chức trách Tổ trưởng Đảng, Đại diện Công đoàn, Trưởng ban Văn nghệ Dân tộc, rồi sau này là Thư ký tòa soạn báo Văn nghệ, bao giờ anh cũng cặm cụi hoàn thành một cách chi li, tỉ mỉ, không ai có thể chê trách. Hàng ngày, hàng giờ ghi chép sắp xếp, đi đâu, làm gì cũng đều hướng đến việc mình đang gánh vác. Bàn tiệc đã bày đông đủ ngoài quán, anh em chờ đợi, nhưng Đăng Bẩy vẫn lẩn mẩn gõ nốt những dấu chấm dấu phẩy cuối cùng để buổi chiều báo kịp đi nhà in! Đến những việc nhỏ như bất chợt có cộng tác viên nào ghé tòa soạn chơi, hứng lên mời nhau đi chiêu đãi cốc bia chén rượu, thì những ngày sau đó, Đăng Bẩy như người mắc nợ. Lúc nào cũng đau đáu phải giúp lại gì đó cho “khổ chủ”, chí ít cũng là tặng tờ báo, quyển tạp chí số đặc biệt, hoặc lựa dịp tiến cử một can cớ thuận lợi, một nhân vật “hữu trách” nào đó cho dự định mà bạn quý đang ấp ủ, chứ chẳng bao giờ thấy anh “quên” một cách lãng xẹt. Tiêu biểu là những chuyến đi, bao giờ về Đăng Bẩy cũng có tin bài đăng báo, hoặc chí ít thì cũng trăn trở với những người, những việc đã từng trải qua, chứ không bao giờ anh quên một cách dễ dàng.
Do vậy, bảo sao mà Đăng Bẩy được nhiều người nhớ, mà toàn những “đối tượng” từ âm ti củ tỉ, từ thuở hồng hoang tiền sử nào đó. Ta thường gọi đó là chơi bền, các cụ gọi là chuyến đò nên nghĩa. Đăng Bẩy thực sự là người trọng nghĩa!
Các bạn văn đến thăm Nhà văn, Dịch giả Đăng Bẩy (ngoài cùng, bên phải) |
Cuộc đời Đăng Bẩy, nếu cứ nguyên đà kĩ sư cơ khí đã từng được đào tạo bài bản ở đất nước anh cả đỏ Liên Xô, thì chắc chắn sẽ lừng lững trở thành một lãnh đạo nào đó cỡ cục, vụ, viện... trong ngành công thương từ lâu rồi chứ chẳng chơi. Cùng học với anh, thậm chí nhiều đàn em các lứa sau anh, tố chất chẳng xuất sắc gì hơn anh, mà cũng nghênh ngang vai kia ghế nọ bảnh chọe khét lẹt. Ấy nhưng anh lại khác. Anh bảo hồi 1981, cái lo đầu tiên của một tay công chức chỉ đơn giản là có gian phòng tập thể để dễ bề cưới vợ! Mà báo Văn nghệ thì có mấy gian để xe, gác xép ngấp nghé trong góc, cụ Hồng Phi lại khéo rủ rê... Vậy là quyết! Anh về Ban Văn học nước ngoài cùng cụ Ngô Vĩnh Viễn, chuyên về mảng tiếng Nga, lúc ấy đang là “bửu bối” của thời kỳ quá độ. Hồi đó các chuyên gia Liên Xô, các nhà văn, nhà thơ Xô viết sang Việt Nam đi đến đâu là ở đó sáng bừng lên hào quang của văn minh, trí tuệ. Anh Bẩy đi theo tổ chức đoàn, phiên dịch xì xồ cho bạn, biết ăn kanbasa (giò Tây), biết uống lisma (trà đen)... đã thực sự là một hình mẫu lý tưởng cho bạn bè trong giới, đặc biệt là các chị em đang cữ ngấp nghé.
Vậy nhưng anh rất biết điểm dừng, chỉ chuyên tâm chí thú với vai trò phóng viên, biên tập viên mẫn cán trong tòa soạn, thỉnh thoảng dịch thêm từ nguồn mấy tạp chí “đọc trộm” ở cửa hàng ngoại văn phố Tràng Tiền. Nhưng cũng chính từ đây mà bạn đọc, bạn viết cả nước dần biết tên anh. Những áng thơ, bài văn quốc tế dần qua tay anh mà đến được với đông đảo độc giả cả nước suốt một thời gian khó.
Nết chừng mực ở anh còn thể hiện rất rõ trong việc phấn đấu quy hoạch sự nghiệp của đời mình. Người ta thì chen vai thích cánh tự thể hiện, tự quảng cáo để nổi bật, sáng lên... rồi len vào ghế nọ, vai kia. Còn anh cứ cần mẫn như con ong gom mật ngọt cho đời, chuyển giá trị đến công chúng quảng đại, chẳng một chút ồn ào. Chính vậy mà mãi tận năm 2000 anh mới làm đơn xin vào Đảng, rồi 2003 mới ngỏ lời xin gia nhập Hội, sau rất nhiều động viên, thúc giục, thậm chí dằn dỗi của lãnh đạo cơ quan, lãnh đạo Hội Nhà văn. Anh bảo mình chưa “chín”, thì muốn nhường cơ hội cho những bè bạn khác. Để rồi khi xét duyệt, ai cũng bảo sao ông này vào muộn thế, và tất cả cùng đồng ý chuẩn thuận, chẳng cần bàn cãi gì nữa.
Cái sự chừng mực ở Đăng Bẩy không phải là vẻ “khiêm tốn rởm”, lại càng không giống như nết tự kỷ, co mình lại, hay “nấp trong đống rơm”, “ngậm miệng ăn tiền” đầy rẫy ngoài xã hội. Câu cửa miệng mỗi khi gặp cuộc tranh cãi, hay sự vụ gì không hẳn như ý, nơi anh thường là “Thôi, mềnh viềng” (Thôi, mình về - bắt chước giọng đồng bào miền núi). Bởi anh hiểu cái sự tranh đoạt, bon chen nơi công cộng thì luôn có thể xảy ra bất cứ thời nào, ở bất cứ giai tầng nào, chứ không riêng gì nơi đầu đường xó chợ. Và cũng chính nhờ nết “biết mình biết người” như thế, Đăng Bẩy thuộc diện được ai cũng quý, thậm chí ngay cả khi anh có gì không nên không phải, thì ai cũng cười xòa, sẵn sàng thể tất mà không ghét bỏ gì anh. Bản thân tôi nghĩ, cứ với nết cặm cụi, nhu hòa “thôi mềnh viềng” của anh, thì ngay cả nơi hang hùm nọc rắn nhất, Đăng Bẩy cũng vẫn được mọi người yêu quý.
Cái đặc tính lớn nhất nơi Đăng Bẩy này, tưởng như mâu thuẫn với hai nết ưu trội của anh tôi vừa kể ở trên, mà thực ra không phải. Chúng rất thống nhất. Mà thậm chí còn là một!
Tôi ít thấy ai ham vui đến độ như Đăng Bẩy.
Anh em bè bạn tụ tập ở đâu, ới phát là anh đến ngay.
Người phương xa về, rượu ủ lâu sắp mở..., thoắt cái đã thấy anh nói cười xởi lởi, chưa khi nào vắng mặt!
Giai đoạn sau này khi đã yếu còn đỡ, chứ trước kia, thời hào hùng, thì anh thuộc diện không biết từ chối! Cho nên bạn bè thường vẫn yên tâm tuyệt đối. Lên lịch với nhau cho chán đi, phút cuối gọi Đăng Bẩy không bao giờ phải thất vọng.
Mà không chỉ các vụ bung biêng, kể cả khi phải lo toan gánh vác bươn bả, anh cũng không nề hà tham góp.
Tôi nhớ nhất vụ lo chuyển mộ nhà thơ Hoàng Hữu (tác giả thi phẩm Hai nửa vầng trăng nổi tiếng). Chỉ với tư cách bạn bè thôi, mà không lần gặp gỡ bàn việc nào giữa các yếu nhân hay các cơ quan hữu trách mà anh không có mặt. Không cuối tuần nào anh không bắt tôi chở xe máy từ Hà Nội ngược Việt Trì để hoàn thành một nhiệm vụ, dù chỉ là thay một chữ (“thi sĩ” hay “nhà thơ”) trên tấm bia, việc mà đúng ra chỉ cần gọi điện thoại cũng xong. Thế nhưng Đăng Bẩy quan niệm, sự vui sẽ đến sau khi cùng nhau thống nhất và công việc suôn sẻ. Tất nhiên là lại rượu vào ý tưởng ra, lại anh-chú dàn hàng ngang, lại thơ văn lai láng... Để rồi những tháng ngày tiếp sau đó, những ký ức, những keo sơn lại bền bỉ vun bồi cho những cuộc vui trong tương lai.
Sách Phúc âm Ngộ đạo có lời khẳng định: Sự thật chính là sự vui! Tôi nghĩ câu này thật đúng với quan niệm của Đăng Bẩy. Anh không vui gượng, vui gắng, vui vay cười khống, mà bao giờ cũng đĩnh đạc tham góp những nội dung thiết thực cho mỗi phút giây tưng bừng. Mà kể cả những tháng ngày cuối cùng sức tàn lực kiệt, không còn đủ mủ, nhựa cho những chuyến đi, bài viết, cuộc gặp ân tình nữa, anh cũng chưa bao giờ hé một tiếng kêu rên, một lời than thở tiêu cực. Anh bảo những cái đó thực chẳng ích gì, mà anh cũng không cần đóng đinh, cắm chốt gì vào cuộc đời vốn đã ngổn ngang bề bộn này nữa. Những lần tôi đến thăm anh, hai anh em chỉ ngồi yên lặng bên nhau, nhắc những cốc sữa, miếng quả, rồi móm mém cười nhìn ra cửa sổ. Nơi đó có hình bóng cả một thời náo hoạt, những tâm hồn, khí phách lúa ngô khoai sắn... Tôi biết trong lòng anh cũng không ít những giông bão, nhưng đó là những vần vũ của cả một đời đóng góp, trải nghiệm, cả một sự nghiệp “bất hiển diệc thế”, chứ không đơn thuần là xúc cảm vô cớ, nông nổi...
Giờ đây nhà văn, dịch giả Đăng Bẩy đã đi xa, nhưng tôi biết anh vẫn sẽ thường xuyên về rủ rỉ, lục cục, đôi lúc “chí chóe”... với những người ở lại.
Cầu trời thương lấy anh tôi
Để làn mây trắng cuối trời
mãi bay...
-------
Bài viết cùng chuyên mục: