Sáng tác

Núi vỡ - Truyện ngắn dự thi của Lữ Hồng

Lữ Hồng
Truyện
11:09 | 28/08/2024
Baovannghe.vn- Làng Xom thuộc xã mới thành lập, lọt giữa thung. Ngày hắn mới vào, chỉ thấy chon von dăm bảy nhà sàn. Năm qua tháng lại, dân tứ xứ lên chia đất
aa

Hắn ngồi vụt dậy, mồ hôi rỉ ướt lưng. Đêm vẳng. Tiếng gió nặng nề rít ra từ giấc mơ. Hắn rùng mình, đầu lưỡi đã cứng lại mà tiếng gọi Vôn vẫn còn the thé trong cuống họng. Vôn ơi! Hắn nghe mòng mòng trong đầu. Trái núi từ đâu vừa đổ ập xuống, toác giữa cơn mê sảng. Vôn chạy đến xóc cả ruột gan trên con đường rừng bết đỏ. Tiếng khóc của đứa trẻ cột sau lưng nó ư ử trong cái biển sương mù đầy giá buốt. Sấm rền. Đàn chim càng rối rít. Hắn thấy rõ mười đầu ngón chân Vôn bấm vào nhầy nhụa lần ra khỏi bìa rừng. Xa, xa dần. Vôn ơi… Trong mơ, hắn gọi rã, nước mắt trào ra thành vũng, đen quánh lại. Cổ khô đặc sau những với gọi mơ hồ. Hắn dò chân xuống giường tìm nước, loạng choạng như cái cây lạc loài đang giơ những cành lá vụn lên trời cầu khẩn trước khi bung rễ đổ ập xuống trong ngày núi vỡ. Hắn đẩy nhẹ cửa bước ra ngồi thụp xuống hiên. Bầu trời đêm ánh lên những chùm sao nhỏ. Vôn theo hắn mấy đêm nay rồi. Hắn ngửa mặt nghĩ thầm, linh hồn con bé liệu có gần gũi với một ngôi sao nào đó không nhỉ.

Núi vỡ - Truyện ngắn dự thi của Lữ Hồng
Minh hoạ Công Quốc Hà

*

Làng Xom thuộc một xã mới thành lập, lọt giữa thung. Ngày hắn mới vào, chỉ thấy chon von dăm bảy nhà sàn. Năm qua tháng lại, dân tứ xứ kéo lên chia đất của người Jrai làm rẫy. Nhà ngói mọc lên, đất đỏ nhạt dần. Hai mươi năm kể từ khi bàn chân va vào núi, hắn không soi gương nữa. Mặt sông cuồn cuộn mấy cũng đến hồi trơ sỏi, nói gì mặt người. Thầy giáo tháo giày, lần nào say, hắn cũng điên tiết gây sự với mấy đồng nghiệp đùa dai vì câu nói ấy. Hắn chúa ghét! Đời chưa cay đắng hay sao mà còn tự giễu.

Tối nay sấm giật đùng đùng. Hắn bỏ chén cơm xuống chiếu, ra cửa thò tay định rút cái áo nhưng ngó thấy trăng còn quầng nên thôi. Hắn quay vào, vấp phải chiếc xô xanh, lúc nãy để sẵn dưới đất, khi nào nghe thằng nhỏ bên lán đối diện réo thì chạy cho nhanh. Cuối mùa, khan nước, trường có mỗi cái giếng khoan thì nhường hết cho công trình xây phòng học mới. Khuya mới xách ké được vài xô. Đời thuở nào rồi mà nước như của để dành. Ở khu nhà công vụ này, hết thiếu nước nôi lại hụt điện đóm, ai về dăm bữa nửa tháng là dọn đi ngay. Riêng hắn trụ lại. Nói nhà công vụ cho oách chứ kì thực lụp xụp thôi, mái đổ xuống gần đến thềm, mục như chiếc chiếu cói hắn mang từ quê vào. Cửa nẻo chỉ đẩy nhẹ một cái là bổ nhào. Những đêm gió lạnh tràn về, hắn chìm trong bốn bức tường rung lên bần bật. Nhưng bấm bụng ở riết thì quen. May hắn chưa đèo bòng.

Chủ nhật, trẻ lên nương với cha mẹ. Hắn ngủ li bì. Ngủ chứ biết làm gì. Nhớ có một lần, hắn cũng chịu khó dậy từ mờ đất, tròng vào cổ chiếc áo phông cộc tay màu rạm, mon men ra quán. Bên cạnh đám đất trống sau trường có một hàng mở sớm. Cà phê ngái mùi phân trâu. Hắn lững thững tiến đến chiếc ghế nhựa góc trong cùng thì nghe tiếng mụ Loan bàn bên the thé:

- Mát trời, mối ra khỏi tổ nhỉ!

Đám người ngồi cùng mụ cười rú lên. Kệ xác, hắn chờ cà phê nhỏ hết phin, ực một phát rồi đứng dậy bỏ về, bảo chủ quán kí sổ. Thế là thôi hẳn.

Cả làng nói hắn lập dị. Thầy giáo mà lập dị. Suốt ngày trốn trong xó phòng bưng bít, chẳng thân tình với ai ngoài lão Tiến, đồng nghiệp và cũng là bạn nhậu. Tất nhiên hai người đều kì quặc. Mấy cô giáo đơn thân bên trường tiểu học cứ rỉ tai nhau, kiểu như hắn, có ma thèm lấy. Lương nhà nước tăng rồi mà sống tằn tiện, cấm có mời ai tô phở bao giờ. Bốn chục tuổi đầu chưa nhà chưa cửa, quê quán ở đâu chẳng ai thèm rõ. Hắn thì nghĩ mình ế vì mặt rỗ. Nghe hắn nói thế, lão Tiến cứ bụm miệng cười. Hễ có giáo viên nữ về trường là y rằng hắn bị gán lấy gán để. Hắn cứ thộn mặt ra, lâu lâu lại cười cho xong chuyện. Hắn cũng từng thích ra mặt một giáo sinh thực tập nhưng nghe đâu từ lần cô ấy vứt cành hoa hắn tặng vào sọt rác thì thôi hẳn. Bông nhựa hắn rút từ bình hoa để bàn trên lớp chủ nhiệm ấy. Khổ thân bọn học trò đi tìm suốt buổi.

*

Trời gì mà nắng như rang. Sân trường khô không khốc, chỉ sót mấy bông lau tím ghé sát vào bờ rào tránh gió. Hắn ôm cặp táp bước vào phòng hội đồng. Cuộc giao ban sáng nay rộn lên vì có sự xuất hiện của Thương. Hiệu trưởng Thể giới thiệu đây là giáo viên ở thị trấn về tăng cường cho học kì này, thay cô Hạnh nghỉ chế độ thai sản. Cái vẻ thôn nữ dịu dịu hiền hiền trong đôi mắt Thương dễ khiến người ta có cảm tình ngay lần đầu gặp gỡ. Hắn ngồi xuống, đối diện với cô gái lạ nhưng cố ý nhìn chếch đi. Nghe ông Thể nói như đùa:

- Xa xôi quá nhỉ. Chưa lập gia đình nhiều khi cũng bất lợi thế đấy cô Thương ạ! Sơ hở là điều chuyển, tăng cường mãi thôi.

Như chớp được lời, Loan hất hàm về phía hắn rồi nhìn Thương ra dấu:

- Trường này còn mỗi… là chưa có gì đâu. Em xin ở nhà công vụ là hợp lí rồi đấy. Biết đâu!

Không nhận ra ác ý trong câu nói của Loan, gò má Thương ưng ửng. Cô khẽ cúi mặt. Còn hắn tuyệt nhiên không đáp lại, chỉ lầm bầm gì đó trong miệng có trời mới hiểu. Nội dung tuần tới thế thế, các đồng chí liệu mà lo. Ông Thể vừa dứt câu, chưa kịp thở dài như thường lệ thì hắn đứng dậy đi một mạch về phòng, như bỏ ngoài tai câu hiệu trưởng nói với theo:

- Chiều thầy nhớ xuống nhà Vôn 8C nhá, nó bỏ lớp hai ngày rồi.

Hắn nghe mà cũng chẳng thèm quay hỏi, rằng tại sao cô Loan chủ nhiệm lớp đấy mà hắn lại phải đi vận động thay.

Đợi hắn đi khuất, Loan mới tới gần Thương, giọng giả lả:

- Chị trêu mày chứ đừng có dại mà rớ vào em ạ.

Gương mặt của Thương vì câu nói vừa rồi mà kém sắc hẳn đi. Cái vẻ vừa ngỡ ngàng vừa tiếc nuối. Rồi đây, nhà công vụ chỉ có hai người…

*

Chiều phơn phớt ánh hồng từ rặng mây xa. Những đàn chim tao tác. Hắn nhằm hướng làng Lung mà chạy. Cánh áo phần phật gió. Hắn chửi thầm hắn. Thằng Bảo sửa xe gần trường hối thay nhông sên cả chục lần rồi. Xe cộ cám cảnh quá. Đổi số lên dốc là nó lì ra. Phải tránh mấy chiếc xe tải chở mì đang giờ từ Ia Muc về phố, chết máy mấy lần. Từ trường đến nhà Vôn nhắm chừng cũng xa, hắn dừng lại bên đường làm điếu thuốc. Ở trường phải nêu gương cho bọn nhỏ. Vả hắn không nghiện mấy, thỉnh thoảng bất chợt nhớ tới thôi.

Tiếng sáo rít khẽ trong hốc núi. Khói nhờ nhờ bay lên mắt. Hắn tiện tay vứt điếu thuốc hút dở xuống rãnh nước lề đường rồi đi một đoạn nữa. Nhà Vôn gần đó, giống cái chòi canh rẫy hơn là một ngôi nhà. Thấy trống trơn, hắn vòng ra sau. Vườn rộng mà xơ xác, chỉ có đám chuối tiêu đang trổ một buồng cong cong và đàn gà con líp nhíp thấy người bỏ trốn. Hắn giẫm phải cái gì trơn nhầy ngã soài ra đất, tóc lẫn vào rơm.

Mặt trời xuống núi rồi mà người chưa về. Đầu hắn bắt đầu ong ong. Sáng này đã kịp chở gạo đâu, gói mì húp vội chả thấm tháp gì. Bụng hắn trống lỏng giống y cái vườn nhà Vôn. Con bé này làm khổ thầy quá. Hắn ngồi xổm ở hiên, lầm bầm trong miệng. Thỉnh thoảng lại ra sau nhà ngó lên buồng chuối. Ngó đến lần thứ năm thì hắn thò tay bẻ một quả hườm hườm. Hắn đếm buồng chuối có cả thảy là sáu nải. Hắn nhìn kĩ rồi, quả nào bé thì còn xanh quá. Chát ngắt làm sao nuốt. Thì đành một quả hơi lớn vậy. Xong, hắn cho vỏ chuối vào túi quần, thủng thẳng chờ đợi…

Hắn nghĩ cũng buồn, chẳng hiểu cơn cớ gì hồi đó lại rời quê lên Tây Nguyên. Gần nhà cũng có cái trường be bé nhưng hễ nhắc tới thôn xóm, làng xã là hắn giả điếc. Bố hắn cụt một chân phải đi nạng, chỉ xớ rớ việc vặt trong nhà. Còn lại thì mẹ hắn lo tất. Việc đồng áng nhiều khi phải cố chứ sức người có hạn. Bố hắn được mời họp thôn mấy lần. Người ta bảo đâu phải ai cụt chân cũng là thương binh. Phải giấy tờ. Phải minh chứng. Hắn ức mãi chuyện ấy. Suốt ba năm nay hắn không về, viện cớ dịch giã di chuyển khó khăn, cũng may ông bà ở quê không đau yếu bệnh tật gì. Có thằng út học ở Sài Gòn, hè với tết nó về là được rồi. À, chừng mấy tháng nữa là tới mùa lụt. Năm nào cũng nơm nớp ngóng tin. Hoa màu lời lãi mấy mà bão một trận là sạch trơn. Năm nào gọi về cũng nghe bà cụ nói, đợi mày trên đó ổn ổn thì bố mẹ dọn lên ngay, trồng lúa trên núi chắc không lụt được hả con. Hắn vâng dạ liên hồi, không lụt được, không lụt được.

Xẩm trời, người già trong làng đã bắt đầu nhóm củi. Hắn đứng dậy phủi quần định quay ra ngõ thì Vôn vừa về tới. Thấy thầy, mặt nó trĩu xuống, mấy sợi tóc xoăn khen khét mùi cứ ửng lên giữa chiều muộn. Hắn bước tới vỗ nhẹ vai con bé, bảo hai ngày nay đi đâu. Giọng Vôn ngắt quãng. Cái gùi trên lưng nó hết đong đưa. Hắn liếc thấy trong gùi có mấy đọt măng le, chắc vừa bẻ ở rừng. Con bé quẹt nước mũi, mấy ngón tay còn lấm đất. Hắn nghèn nghẹn trong huyết quản, chỉ nói được một câu rồi bước nhanh ra xe. “Sáng mai nhớ ra lớp, học một buổi rồi về làm gì thì làm. Thầy đợi em.” Phải đứa khác, hắn đã dọa mời thôn trưởng xuống gặp bố mẹ rồi. Nhưng chiều nay nhìn Vôn, hắn không đành. Vôn không phải đứa trẻ lười học. Tra hỏi thêm chỉ làm nó lúng túng. Có đứng đó tới tối, cũng chưa chắc nó mở miệng. Thôi. Biết thầy xuống nhà là được rồi. Hắn trên đường về còn thầm trách mình ất ơ, lại quên chưa hỏi bố mẹ con bé đâu. Không chủ nhiệm nên có phần lơ đãng.

*

Thời tiết xấu. Không biết sương hay mưa nhỏ mà cứ lâm thâm. Thương đẩy cửa sau, ngó qua bên dây phơi của hắn, thấy còn lủng lẳng cái áo màu gạch tôm. Hắn lại đi đâu nhỉ. Mấy tháng trời ở cạnh nhau, chưa bao giờ hắn có việc ra ngoài mà biết mở miệng gởi nhà gởi cửa. Nhiều khi thấy trời sầm xuống là Thương tự động chạy sang kéo quần áo giúp. Quần áo móc ở cửa, hắn về, có thấy cũng chẳng nói năng gì.

Chiều nay mây bay thấp, trắng nhờ nhờ màu sữa đục. Thương ra đứng cửa trước, thi thoảng lại ghé mắt nhìn, xem hắn về chưa. Trời sập tối thì thấy hắn chân thấp chân cao, bước mà như muốn ngã chúi về phía trước. Thế ra cả buổi chiều nay lại bù khú với lão Tiến. Vợ lão chửi đổng khắp xóm mà hắn chưa kinh. Hắn đẩy cửa cái rầm, nằm vật ra chiếu. Chai rượu đế của lão kia mua ở đâu mà nặng quá, hắn mệt rũ, không nhấc người lên được, đành nằm thở dốc. Cửa mở toang hoác. Đến khi ngồi dậy được thì thấy bát mì ai úp sẵn trên bàn, kèm theo lọ Phật Linh. Hơi dầu gió nóng còn sợi mì thì nguội. Hắn ngạt mũi không ngửi được là mùi sa tế hay bò hầm.

Đỡ cơn men, hắn trở mình dưới tấm chăn mỏng, mơ màng nghĩ đến cô gái phòng bên, chẳng tài nào ngủ được. Hắn nhìn đồng hồ rồi lại nhìn cái xô để dưới chân giường. Có lẽ ngoài giờ lên lớp thì những lúc đi xách nước ban khuya, hắn và người con gái ấy mới tiện nói với nhau vài câu. Tiếng kêu của thằng nhỏ bên công trình làm hắn giật bắn cả mình. Hắn bật dậy xách xô ra cửa, không quên ới Thương một câu. Trong đêm tối, hai con người vừa lụi cụi xách nước vừa trò chuyện khe khẽ:

- Chiều nào em cũng thấy có đôi chim cứ là đà phía sau cây điều anh Nghĩa ạ.

- Ừ, giống bìm bịp đấy cô. Chúng nhát và bay kém lắm. Bần cùng mới phải vỗ cánh. Hễ thấy chốn ồn ào là chúng lủi ngay.

- Giống anh à?

Vừa dứt câu, Thương biết mình lỡ lời, nín thở và cắm cúi đi. Hắn im lặng một giây rồi cũng gật đầu:

- Ừ, nhưng chúng thì luôn có đôi…

*

Mấy ngày nay cây rụng lá liên hồi. Gió rít trong mấy hốc đá sau trường đến rợn. Nhánh cây điều đã khẳng nay còn run rẩy như cánh tay của gã say thòng xuống đất. Ruột gan hắn muốn bổ nhào. Không khí đặc vo lại trên sợi dây phơi đồ. Thương vẫn một vẻ mặt vừa nghi ngại vừa tin cẩn, hết ra rồi vào, như thể một người chuyên vận hành máy trong xí nghiệp chẳng ngơi tay được. Nhưng hắn không chú tâm tới. Trong người có cơn sốt nhẹ. Hắn ngồi ở bậc cửa rồi chốc chốc lại vào thu lu trong nhà, nắn vuốt bàn tay đã cầm phấn bấy nhiêu năm. Bỗng một cơn mưa giông chực tới. Gầm trời vần vũ như tóc người điên xõa giữa không trung. Chưa bao giờ hắn thấy mình trống trơ như thế. Dợm người bước ra cửa, định ới Thương dăm ba câu cho đỡ buồn thì hắn giật mình thấy mụ Loan mặt tái nhợt chạy xô đến, khàn lên trong cổ:

- Làng Lung… làng Lung… thầy Nghĩa ơi… ơ…i!

- Làm sao! Chị bình tĩnh xem nào!

Mụ Loan chỉ vừa kịp ré lên tên “cái Vôn” là hắn xỏ dép cưỡi honda chạy thẳng. Ra tới cổng thì đụng đầu xe ông Thể, hắn bươn đi, bỏ lại cái lắc đầu ngán ngẩm của tay hiệu trưởng. Lão lầm bầm trong miệng, lại phải gió ra đấy, thầy bà gì cứ suốt ngày dở dở điên điên.

Mặt trời chưa bao giờ xuống nhanh đến thế. Phía bên kia núi đã bắt đầu tỏa những ánh hồng nhờ nhạt. Hắn đến nơi đã thấy nhà Vôn đông kín. Con bé nằm duỗi dưới nền xi măng. Mặt nhầy nhụa, người của trạm xá chưa lau hết vết máu trên trán nó. Đám khói từ đâu len qua thanh cửa sổ túa vào ho sặc. Nhà ai đốt rác, tiếng nổ lụp bụp xen vào tiếng khóc rối của một đứa trẻ trạc tuổi Vôn mà hắn chỉ nhớ mang máng đã từng học mình. Nó chụp lấy tay Vôn, lay Vôn, ú ớ như người câm điếc.

Người trong làng đã kịp gùi gạo đến, ngồi túm tụm từ nhà ra vườn. Cái kệ tủ mọt chưa kịp ăn hết được hai thanh niên khiêng vứt ra sân để có chỗ bỏ quan tài. Căn nhà có mùi khác lạ với ngay cả hắn, một người chưa từng đặt chân vào. Tấm hình Vôn vừa được người ta đưa tới. Hắn đứng xơ rơ trong góc, nhìn như thôi miên vào gương mặt của đứa học trò thoáng chốc đã thành di ảnh. Con bé cười hiền như một bức tranh. Ngay sáng nay lúc họp hội đồng, mụ Loan vẫy hắn lại, giơ hai tấm hình thẻ lên rồi hỏi trống không, thế đứa nào là Vôn, chỉ giúp. Hắn chẳng buồn mở miệng, chỉ thẳng vào tấm hình bên tay trái mụ rồi lững thững bước đi. Loan nhìn hiệu trưởng Thể cười khì, hai năm trước em bận quá, giờ mới dán học bạ cho bọn nhỏ.

Trời vào đêm rất nhanh. Gió mạnh xộc giữa căn nhà. Tiếng khóc cười chì xuống. Người ra vào không thôi. Mấy đứa trẻ làng Lung thấy thầy Nghĩa nên mon men đứng gần. Thằng Sục nhón lên nói thầm vào tai hắn:

- Nó đi gùi măng bị cây rừng ngã đập vào đầu đó thầy. Đau lắm. Nó cột thằng Vin theo nữa nhưng thằng Vin không chết.

- Bố mẹ Vôn đâu, Sục! - Hắn mơ mơ mòng mòng hỏi.

- Nó không có bố. Mẹ nó chết rồi. Cũng là đi gùi măng đó thầy. Nó có chị gái nhưng bỏ đi từ tháng Ninh Nông, vì tức người già không cho lấy thằng Hưk cùng họ, dọa sẽ đau ốm liên miên hoặc không có con cái. - Sục kể vanh vách như ai khiến, dù ngày thường cạy răng không nghe tiếng.

Nhìn mắt thằng bé thẫm lại, hắn ngửa cổ như cố hít lấy một hơi thở muộn. Vừa lúc đó, cán bộ Hin với người nhà khệ nệ khiêng túm con lợn ra sau vườn, sai người đun nước mổ ngay để làm lễ nhỏ và chia cho người làng tới dự, không quên nói như đùa, thằng Vin lớn lên sẽ trả. Hắn dợm nghĩ đến xâu thịt lủng lẳng người ta sẽ mang đến cho hắn bằng một sự kính trọng mà nhợn. Những đám trước trong làng, hắn vẫn dùng với rượu cho quên mùi.

Hắn bước ra đám cà phê bên hông nhà ngún hơi men. Khuya, bà con vẫn ngồi như kiến, thanh niên dọn bàn uống rượu từ chiều, cái bóng đèn mắc thòng lọng trên cây, soi đủ để người thấy mặt người. Loan và Thương vừa đến. Thương ngồi thụp xuống đỡ Vin từ tay người làng rồi bế như ru. Cu cậu nằm gọn lỏn trong lòng người phụ nữ xa lạ, có khi choàng dậy khóc ré lên, hai nắm tay cứ lần tìm vú mẹ trên tấm ngực gầy nhom. Hơi núi về đêm lạnh buốt. Hắn liếc thấy túm bắp vàng ở gác bếp. Chiều nay đừng mưa rừng thì có khi hai đứa trẻ đã um lên dằn bụng rồi. Cảm giác đau đớn này nếu nhờ morphine liệu có giảm được chăng! Hắn trở ra đứng trước cổng nhà Vôn, lãnh đạm bập điếu thuốc vào kẽ môi rít trắng. Vôn đã chết. Đứa học trò thương nhất của hắn đã chết. Không gì nhầm lẫn.

Vôn không phải là đứa trẻ đầu tiên của làng Lung chết rừng. Nhưng sao ngọn núi trước mặt hắn lúc này vẫn như vừa bị cắt một vết đầu tiên. Hoặc chăng hắn đã thấy điều gì đó từ cái đen ngòm bất diệt của chân trời xa mịt. Hắn nhớ về cơn sốt nhẹ trên da chiều nay mà lòng xỉn lại.

*

Hắn định xuống làng Lung nhưng nghĩ thế nào lại rẽ vào một bờ đất thấp bên chân núi đầy lau sậy và cỏ khô. Phong cảnh nơi này cứ chiều đến lại buồn mê mải. Cái khí trời ấy có lẽ bốc lên từ những ao hồ nhỏ quanh làng. Tiếng muỗi đầy ẩn ức. Hắn ngồi bệt ở đó cả giờ liền, không biết đích xác mình làm gì ngoài chuyện làm mồi cho lũ muỗi. Một tháng sau ngày Vôn mất. Hắn dần sợ những đêm nằm đợi cơn ngủ mê u ám tìm Vôn. Tội nghiệp con bé. Bụi cây non choàng nhẹ sắc hồng của hoàng hôn rủ xuống trước mắt, có khi hắn cũng chẳng còn đủ sức để ngồi dậy sau mấy đêm ròng cứ rạng sáng là chong mắt. Không ai báo trước với hắn rằng, sau hai mươi năm trọ ở buôn làng, sự ra đi của một đứa trẻ sẽ ám ảnh hắn nhiều đến thế.

Hắn quay ra thì trời đã sậm tối. Giờ này thì rõ sợ, không dám xuống khu nhà mả làng Lung nữa. Nhưng đường về canh cánh một nỗi, Vôn cứ nằm thế à, nhà mồ nó bây giờ, ai đã đem cơm trò chuyện với nó chưa. Lễ bỏ mả chắc còn lâu nữa…

Vậy là, rừng đã nuôi bao người và cũng cướp đi bao người. Hắn chợt nhớ da diết cái gùi đong đưa trên lưng Vôn chiều nao. Bây giờ cái gùi ấy chắc đong đưa về cõi mây ngàn. Hắn đã định cho Vôn cái gì đó nhưng không còn kịp nữa. Hắn chỉ ước một lần chụp được Vôn trong mơ, dúi vào tay nó cái kẹo, bảo có thầy đây đừng sợ. Nhưng Vôn như gió.

*

Gần sáu giờ chiều mà trời còn sáng. Cỏ sân trường mùa này đã lên từng trảng xanh. Hắn ngồi trước hiên nhà công vụ trông ra. Lâu nay lão Tiến cũng ít rủ sang nhà uống rượu. Cũng đúng thôi, lão còn vợ con nheo nhóc. Hắn nhướng mắt nhìn xa xa rồi cúi đầu. Những ngọn đèn đầu tiên của làng Xom đã lấp ló. Quán cà phê ngay đám đất trống sau trường phát ra tiếng cãi vã không thể nào hiểu nổi. Gió bắt đầu lạnh. Thương khẽ ngồi xuống bên hắn. Hắn im lặng quay qua, không biết cô đứng ở cửa nhìn sang đã lâu.

- Nhớ Vôn thầy nhỉ… Làm sao mình có thể biết được con bé đang ở đâu trong cõi vô biên này.

Thương tự tiếp lời mình khi thấy hắn lặng thinh. Còn hắn thì lắc đầu, di di ngón chân cái vào điếu thuốc nằm dưới đất lúc nãy vẫn còn đốm sáng, thì thào:

- Hồi đêm Vôn nó lại về. Dẫn theo thằng Hanh, thằng Hiêc nữa. Sương cứ bập bùng như lửa thiêu. Chúng đùa với tượng mồ rồi hát nghêu ngao. Tôi gọi mãi. Bóng của chúng dài ra. Như tảng đá đằng kia, đằng kia kìa.

Nói đoạn rồi hắn tự ngập ngừng:

- Mà thôi, Thương đừng nghe, kẻo sợ…

- Tết này thầy về quê chứ! Hai bác chắc còn mạnh giỏi nhỉ! - Thương gợi thêm chuyện như có như không.

- Ừ. Khỏe cả cô ạ. Thế còn bên nhà…

- Em còn mẹ thôi. Trời thương vẫn chợ búa hằng ngày.

Hắn nghe buồn như thể chính hắn chỉ còn mẹ thôi. Chẳng biết lấy can đảm ở đâu mà hắn chợt nhìn chằm chằm gương mặt của người đang ngồi kề bên hắn chiều nay. Cái mặt rỗ như vừa rỗ thêm, hắn không giấu nổi trước trời đất cái ý nghĩ muốn yêu một người đàn bà thực sự. Hắn nghĩ đằng nào cũng phải nói ra. Như thể đằng nào cũng phải để nước mắt được chảy ra.

- Thương! Tôi… - Hắn lí nhí trong miệng đến hắn cũng không nghe rõ lời.

- Sơ kết học kì xong là em về lại thị trấn đó thầy. - Thương cố nói nhỏ, vẻ rất khó khăn, giống một người đang thú tội hơn là tâm sự.

Hắn bỗng sượng trân. Cảm giác như vừa thất bại hoàn toàn. Hết rồi. Như một người lính bị đâm trọng thương và ngã gục giữa chiều khao khát. Tai hắn ù đi, không thể nghe nổi âm thanh nào ngoài tiếng gió. Thương sẽ đi. Người con gái dịu dàng nhất đời hắn từng gặp sẽ đi khỏi làng Xom. Không gì nhầm lẫn.

- Chiều mai nhờ thầy chở xuống làng Lung, em gửi cho Vin ít sữa. À, tí nữa thầy nhớ rút quần áo kẻo mưa.

Hắn gục gặc, gục gặc, đột nhiên nhớ ra điều gì đó liền thò tay cố nhét một tờ giấy có ghi mấy dòng nhăng cuội vào sâu trong túi áo. Thương ngoảnh vào nhà. Bỏ lại hắn với chiều. Hình như chính cô cũng biết mình không làm gì khác được.

*

Hắn bỏ làng Xom trong một ngày nắng đầu mùa dai dẳng. Hai mươi hai năm trượt dài trong gặp gỡ, từ li. Đất Tây Nguyên còn đỏ. Trời Tây Nguyên còn xanh. Nhưng hắn chọn ra đi, như người lính được quyền xuất ngũ trước thời gian sau lần lâm trọng bệnh. Không ai biết trong chiều ấy, hắn trèo lên một mỏm đá cố gào mấy tiếng thật lâu. Hắn cố tin một niềm tin sau cuối, rằng mình vô can. Núi đã tự cắt đau. Vôn và những đứa trẻ của làng Lung như cây non tự chết và Thương đã tự quay về chính nơi cô ra đi. Trả hết. Trả hết lại từ đầu. Hắn chấp nhận mỗi giấc mơ là không thể nào xua khỏi. Sáu giờ chiều, hắn ra tới quốc lộ. Một chiếc xe giường nằm tuyến Bắc Nam vừa xịch tới. Từ đâu mắc vào giữa bụi gai ven đường một tờ giấy mỏng màu vàng mơ, loại giấy người ta thường dùng để viết thư. Tiếng bác tài giục như chửi khách. Gió giật lên, tung tóe cả câu nói của mẹ trong đầu hắn khi nhảy lên xe. Trồng lúa trên núi chắc không lụt được hả con?

Lữ Hồng

Mộng là chiêm bao. Truyện ngắn dự thi của Nhụy Nguyên Đọc Truyện: Gió Cùa se sắt. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp Xin lỗi Hungary - Truyện ngắn dự thi của Yen Platz Nghệ thuật khắc kỉ. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính Đọc truyện: Trăng mắc cạn. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Thúy
Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Baovannghe.vn - Ba bộ phim đặc sắc được công chiếu "Dòng sông hoa trắng" ngày 11/12; "Cây bạch đàn vô danh" ngày 12/12 và "Người đàn bà mộng du" ngày 13/12
“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

Baovannghe.vn - Vượt qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo “Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh do Nxb Kim Đồng tổ chức
Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn- Ngơ ngác, bấn loạn, tôi loanh quanh ở nhà chờ, nơi nhận hành lí để thoát ra ngoài. Cả ba tiếng đồng hồ trôi qua tôi chưa thấy gã. Gã lặn mất tăm với chiếc vali
Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Baovannghe.vn - Nhà văn Han Kang vừa có buổi gặp gỡ với báo chí tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển trong thời gian chuẩn bị cho buổi nhận giải Nobel Văn chương.
Tờ lịch - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Tờ lịch - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Bóc tờ lịch cuối năm/ Mùa Đông còn chút lá