Diễn đàn lý luận

Cái đẹp đẫm máu

Nguyễn Phương Khánh
Tác phẩm và dư luận
06:00 | 29/08/2024
Baovannghe.vn - Edogawa Ranpo (1894-1965) được xem là thủy tổ của văn học kinh dị, trinh thám Nhật Bản. Bút danh của nhà văn (ông tên thật là Hirai Tarou) trở thành tên giải thưởng văn học danh giá (Edogawa Ranpo Award) của Hội Trinh thám Nhật Bản (Mystery Writers of Japan) trao tặng hằng năm cho tiểu thuyết trinh thám (chưa từng được xuất bản) hay nhất. Di sản văn chương của Edogawa Ranpo cho đến nay là nguồn cảm hứng cho rất nhiều sáng tác văn học cũng như điện ảnh, truyện tranh, game… ở Nhật Bản và trên thế giới.
aa

Edogawa Ranpo (1894-1965) được xem là thủy tổ của văn học kinh dị, trinh thám Nhật Bản. Bút danh của nhà văn (ông tên thật là Hirai Tarou) trở thành tên giải thưởng văn học danh giá (Edogawa Ranpo Award) của Hội Trinh thám Nhật Bản (Mystery Writers of Japan) trao tặng hằng năm cho tiểu thuyết trinh thám (chưa từng được xuất bản) hay nhất. Di sản văn chương của Edogawa Ranpo cho đến nay là nguồn cảm hứng cho rất nhiều sáng tác văn học cũng như điện ảnh, truyện tranh, game… ở Nhật Bản và trên thế giới.

Tuy nhiên, so với nhiều tên tuổi trinh thám hiện đại được dịch thuật, tiếp nhận ở Việt Nam như Higashino Keigo, Minato Kanae, Otsuichi hay Gosho Aoyama (tác giả bộ truyện tranh nổi tiếng Thám tử lừng danh Conan)…, trường hợp Edogawa Ranpo lại xuất hiện tương đối muộn. Các tác phẩm lớn của ông chỉ lần lượt được giới thiệu đến công chúng Việt Nam trong vài năm gần đây. Trong năm 2023 và 2024, một loạt truyện ngắn và tiểu thuyết hay nhất của Edogawa xuất bản ở Việt Nam gây sự chú ý đối với các độc giả yêu thích dòng văn học trinh thám, kinh dị.

Hai tiểu thuyết ngắn đều thấm đẫm vẻ đẹp quái dị, tàn ác, dâm đãng hòa quyện sự giết chóc của những kẻ cuồng si đen tối, được tường thuật bằng một văn phong thấm đẫm chất thơ cùng nhiều miêu tả tâm lí tinh tế, gây sởn gai ốc cho người đọc.

Điểm nổi bật trong phong cách sáng tạo của Edogawa Ranpo là sự hoà trộn chủ nghĩa duy mỹ, tính sắc dục, kì quái trong các cốt truyện. Các nhân vật trung tâm của ông đều là những tên giết người biến thái đam mê cái đẹp đẫm máu, tâm lí đen tối phi lí. Những vụ án được xây dựng đầy logic biến hóa hấp dẫn, đan cài cách giải quyết nhiều yếu tố khoa học (kiểu Edgar Allan Poe) thông qua tài năng thám tử, hoặc vĩnh viễn bí ẩn không có lời giải dù đã trưng ra rất nhiều bằng chứng, dấu vết li kì. Bằng các kĩ thuật phân tích, mô tả tâm lí tội phạm sắc bén, những truyện kể của Ranpo tạo nên màu sắc riêng trong thế giới kinh dị trinh thám thế giới bởi kiểu tụng ca cái đẹp quằn quại trong đam mê hủy hoại. Ác tâm song song với cái đẹp ma mị trong những cách thức giết chóc máu lạnh khiến người đọc không khỏi sửng sốt.

Cái đẹp đẫm máu
Bìa sách Con thú mù

Quyển Con thú mù giới thiệu đến bạn đọc hai tiểu thuyết ngắn độc đáo của Edogawa Ranpo là Con thú mùĐảo kì dị. Con thú mù gồm 31 mảnh ghép có nhan đề, tường thuật chuyện một ác ma giàu có, mê cái đẹp nhưng bị mù, đã lần lượt giết 7 người phụ nữ đẹp tuyệt trần, phân xác họ, rải khắp nơi và thưởng thức nỗi kinh hoàng của mọi người khi phát hiện các mảnh thân thể. Đảo kì dị có 25 phần kể ngắn, với nhân vật chính là nhà văn quèn ôm mộng làm nên tác phẩm để đời, đã hoán đổi thân xác với một người bạn cũ để đoạt tài sản và thực hiện giấc mộng xây nên hòn đảo tuyệt trần, kì bí nhưng nhuốm màu chết chóc. Cả hai tiểu thuyết ngắn này đều khai thác yếu tố của loại truyện kinh dị với những kẻ tội phạm có tâm lí quái đản tăm tối, gây khiếp đảm bởi hành vi tàn bạo, song lại gắn với chủ nghĩa duy mĩ tận cùng.

Con thú mù mê cái đẹp hoàn mĩ, khao khát tận hưởng mọi thân thể đẹp nhất nhưng phải sống kiếp mù lòa đau khổ nên đã tạo nên một căn phòng bí mật dưới lòng đất đầy những bộ phận phụ nữ bằng cao su. Lần lượt hắn đã lừa đưa nhiều người đẹp đến căn phòng để thỏa mãn dục vọng rồi chặt giết và phân xác họ. Thậm chí hắn còn làm nghề đấm bóp để có thể tìm kiếm và tiếp cận các thân thể đẹp đẽ. Hắn nghĩ ra vô vàn ý tưởng để dẫn dắt con mồi vào chỗ chết, hắn đồng thời “muốn cho con mồi run rẩy rồi ngồi ngắm nhìn sự sợ hãi ấy phát tiết ra ngoài. Ngắm nhìn sự sợ hãi đến phát điên của một phụ nữ đẹp trước cái chết, hắn muốn chìm đắm trong khoái lạc vô hạn này.” Thú vui giết người của gã mù bệnh hoạn còn nhằm phục vụ cho đam mê thực hiện một tác phẩm điêu khắc vĩ đại. Hắn tự cho rằng vì cái đẹp, hắn phải hiến tế sinh mệnh của bảy người phụ nữ. Bức tượng tuyệt vời “chứa máu tươi của bảy người phụ nữ” lại được tạo hình một cách kì dị thành hình dạng một cơ thể phụ nữ khỏa thân có ba gương mặt, bốn cái tay, ba cái chân, mọi thứ đều méo mó, điên rồ, đáng sợ. Vẻ đẹp của nó chỉ có thể được cảm nhận bằng xúc giác, trở thành bản tuyên ngôn về nghệ thuật rằng điêu khắc không chỉ được thưởng thức và sáng tạo duy nhất bằng thị giác. Kẻ mù tàn ác bằng xúc giác cảm nhận từng bộ phận cơ thể đẹp đẽ mà hắn đã hủy hoại và sau đó điêu khắc chân thật nên bức tượng kì dị vô song. Hình ảnh cuối cùng trong câu chuyện là con thú - nghệ sĩ - mù sau khi thỏa mãn mọi đam mê đã tự sát và chết trong tư thế ôm chặt lấy bức tượng.

Có thể nói, các sáng tác của Edogawa Ranpo mang đậm truyền thống thẩm mĩ Nhật Bản, làm nên một sức hấp dẫn và tính độc đáo đặc trưng trong dòng chảy văn học kinh dị, trinh thám Nhật nói riêng và thế giới nói chung.

Một thế giới kinh diễm không chỉ kích thích những ham muốn hoan lạc trong nỗi sợ hãi giày vò, mà còn khơi gợi niềm nghĩ suy về cõi người tăm tối đảo điên

Đảo kì dị nằm ở một vùng biển cô độc xa xôi, thuộc sở hữu của nhà Kododa, phú hào có tiếng ở tỉnh M. Hòn đảo được xây dựng kì công rồi trở thành hoang phế, nguyên nhân bí ẩn lần lượt được người kể chuyện xưng “tôi” tiết lộ. Tất cả bắt đầu từ nhân vật nhà văn nghèo Hitomi Hirosuke, tuổi ngoài 30, sống rách nát bằng nhuận bút viết truyện ba xu nhưng ôm mộng xây một thiên đường trên mặt đất. Thế rồi khi hắn nghe tin người bạn thời đại học vốn có hình dáng giống mình vừa qua đời, bỏ lại di sản cự phách của dòng họ Komoda và người vợ trẻ xinh đẹp thì một toan tính kì quái man rợ đã hình thành. Hành trình rắp tâm hoán đổi thân xác với kẻ đã chết được thực hiện một cách táo bạo bằng kế hoạch lớp lang sắc bén. Mọi diễn biến từ lúc hắn ngụy tạo thân phận tự sát để chôn đi tên tuổi gã nhà văn quèn, đến lúc đi khảo sát vùng đất của nhà Komoda và tiến hành quật mộ, đóng giả người chết sống lại, vào được lâu đài giàu có và có quyền sử dụng mọi gia sản vào việc thực hiện giấc mộng thiên đường… thực sự lôi cuốn mãnh liệt người đọc. Lối trần thuật chậm rãi, chi tiết, trầm tĩnh và tinh tế đã phơi bày được ác tâm đen tối của một kẻ cuồng say cái đẹp kì dị ma quái. Hòn đảo nơi hắn thiết kế thành một chốn bồng lai mê hoặc có tên Panorama, ngập đầy ảo giác hoà lẫn với cái chết rốt cuộc đã bị người vợ trẻ Chiyoko của Komoda phát giác. Hắn đã siết cổ nàng tàn bạo giữa khu vườn ma quái.

Hai tiểu thuyết ngắn đều thấm đẫm vẻ đẹp quái dị, tàn ác, dâm đãng hòa quyện sự giết chóc của những kẻ cuồng si đen tối, được tường thuật bằng một văn phong thấm đẫm chất thơ cùng nhiều miêu tả tâm lí tinh tế, gây sởn gai ốc cho người đọc. Các hình ảnh, chi tiết trong hư cấu của Ranpo gợi nhắc cái đẹp giữa ranh giới thiện ác trong niềm hoài nghi của Akutagawa Ryunosuke, hoặc cái đẹp giữa sự hủy hoại như kẻ đã đốt ngôi đền vàng trong tiểu thuyết của Mishima Yukio, hay cái đẹp suy đồi của những kẻ biến thái dị thường trong sáng tác của nhà văn Tanizaki Junichiro… Có thể nói, các sáng tác của Edogawa Ranpo mang đậm truyền thống thẩm mĩ Nhật Bản, làm nên một sức hấp dẫn và tính độc đáo đặc trưng trong dòng chảy văn học kinh dị, trinh thám Nhật nói riêng và thế giới nói chung. Một thế giới kinh diễm không chỉ kích thích những ham muốn hoan lạc trong nỗi sợ hãi giày vò, mà còn khơi gợi niềm nghĩ suy về cõi người tăm tối đảo điên. Rốt cuộc, cái đáng kinh khiếp nhất là tận sâu bên trong con người, nơi “bốn bề bờ bụi” thiện ác, đẹp xấu chìm trong cõi hoang mịt mờ.

Nguyễn Phương Khánh

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Nhà văn và con đường đưa tác phẩm đến với bạn đọc Số hên* - Tác phẩm của nhà văn Mỹ Mark Twain Từ tác phẩm Văn học đến bạn đọc hôm nay Hòa mình vào cuộc sống người khác để thấy tác phẩm của ta trong xã hội Khi người đọc tạo nên số phận cho tác phẩm
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn