Chuyên đề

Nguyễn Hồng Nghi, lá thư từ Bác Hồ và những cuộn ảnh, thước phim cách mạng quý giá

Nguyễn Bắc Sơn
Tư liệu
08:00 | 02/09/2024
Baovannghe.vn - Nghệ sĩ nhiếp ảnh và điện ảnh Nguyễn Hồng Nghi (1918 - 1991) từng có cơ hội chụp ảnh và làm phim những sự kiện đặc biệt của Bác Hồ...
aa

Nguyễn Hồng Nghi cùng với nhà làm phim Phạm Kỳ Nam thực hiện tác phẩm “Chung một dòng sông”, một trong những bộ phim đầu tiên và quan trọng của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam.

Nguyễn Hồng Nghi, lá thư từ Bác Hồ và những cuộn ảnh, thước phim cách mạng quý giá
Nguyễn Hồng Nghi (1918-1991)

Nguyễn Hồng Nghi sinh ra tại Nam Định, là một nghệ sĩ nhiếp ảnh và điện ảnh. Ở tuổi 13, ngoài tiếp tục học chữ, cậu bé Hồng Nghi đã đam mê chiếc máy ảnh và theo nghề chụp ảnh tại Hà Nội. Trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Hồng Nghi hăng hái tham gia Phong trào truyền bá chữ quốc ngữ để xoá nạn mù chữ. Từ cuối năm 1946, ông được cử phụ trách Ban Nhiếp ảnh - Điện ảnh (NA-ĐA) thuộc Nha Thông tin - Tuyên truyền. Năm 1947, nghệ sĩ nhiếp ảnh lần đầu tiên được chụp ảnh Hồ Chủ tịch. Trong thời gian phụ trách tại Ban NA-ĐA, Nguyễn Hồng Nghi nhận được thư Bác Hồ gửi, do Người tự tay đánh máy:

Gỡi ông Nguyễn Hồng Nghi (Liên khu 1)

Cảm ơn chú đã gỡi biếu tôi một tập ảnh rất tốt. Tiếc vì tôi bận việc chưa có thể gặp chú. Vậy tôi gỡi bức ảnh chung tặng anh và chị em záo viên BDHV. Nếu có thể thì in ra thành nhiều bản rồi gỡi cho các nam nữ záo viên.

Hồ Chí Minh

Chào thân ái và quyết thắng

8/1948.

Cũng từ đó, Nguyễn Hồng Nghi có nhiều dịp được chụp ảnh Bác Hồ; trong đó có tấm ảnh Bác đội mũ cát, đang cưỡi ngựa lội qua suối, nước gần chấm bụng ngựa. Tấm khăn tay trắng vắt qua hai vai, buông thõng trước ngực. Rồi cảnh Bác mời cơm Đoàn Điện ảnh Nam Bộ ra thăm Thủ đô kháng chiến, và báo cáo với Bác. Bữa ăn ngay trước ngôi nhà lợp lá cọ; xung quanh, nửa phía trước trên thưng bằng liếp nứa đan mắt cáo cho thoáng; phía dưới đan nong đôi. Mâm cơm đặt trên mặt bàn nứa đan nong đôi cho cứng. Mặt bàn đặt trên 5 chân - vốn là một gốc cây có 5 cành từ gốc, sát đất mọc lên, được cắt bằng chằn chặn theo mặt phẳng ngang. Bữa cơm mời khách vào năm 1950, không thấy trên mâm bày biện gì nhưng chắc chắn có món sườn lợn băm kỹ cả xương lẫn nạc, rang muối, đựng trong ống bương đậy kín để ăn dần. Món ăn này vẫn được gọi với cái tên Sườn Việt Minh.

Lại có một tấm ảnh khác có tên Phút nghỉ ngơi chụp năm 1948, Bác gầy gò, giản dị trong bộ nâu sồng đang chăm chú giở một cuốn sách. Mãi đến năm 1990, bức ảnh này mới được công bố và đoạt giải Nhất cuộc thi ảnh toàn quốc nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của Bác Hồ.

Những cái đầu tiên của nhiếp ảnh và điện ảnh Cách mạng

Nguyễn Hồng Nghi, lá thư từ Bác Hồ và những cuộn ảnh, thước phim cách mạng quý giá
Đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi (trái) nghe giới thiệu về máy chiếu bóng KPCM-35 do Liên Xô viện trợ vào tháng 11 năm 1950.

Sau chiến dịch Biên Giới thắng lợi, cùng với triển lãm lưu động Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến, Nguyễn Hồng Nghi được giao trách nhiệm mở Lớp nhiếp ảnh đầu tiên trong chiến tranh chống Pháp, nhằm đào tạo phóng viên nhiếp ảnh cho Ban Thông tin tuyên truyền các tỉnh. Sau đó, ông là người đầu tiên được giao chiếc máy quay phim duy nhất vào lúc đó. Nhờ thế, ông mới ghi lại được nhiều thước phim quý về Bác trong thời gian 1950 - 1951. Năm 1954, cùng Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Phụ Cần quay phim Chiến dịch Điện Biên Phủ (giải Bông sen Vàng liên hoan phim lần thứ 2, 1973). Cũng trong năm đó, Nguyễn Hồng Nghi cùng Ro-man Các-men (Liên Xô) và Mai Lộc, Nguyễn Tiến Lợi, Quang Huy quay bộ phim màu đầu tiên Việt Nam trên đường thắng lợi. Tiếp đó, ông cùng các bạn Việt Nam và Liên Xô làm bộ phim Mừng Hồ Chủ tịch và Chính phủ về Thủ đô. Các sự kiện lớn của Đảng, Chính phủ cũng như của Bác Hồ, nghệ sĩ nhiếp ảnh - điện ảnh Nguyễn Hồng Nghi đều có vinh dự được tham gia.

Chung một dòng sông, bộ phim truyện đầu tiên, dài 90 phút là một đột phá cho nghệ thuật điện ảnh Việt Nam ra đời, do Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Kỳ Nam đạo diễn. Đồng chí Tố Hữu (Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương) đánh giá: “Bộ phim truyện đầu tiên của ta thành công là nền móng cho nền điện ảnh trẻ tuổi của Việt Nam…” Điều này cho thấy đóng góp của Nguyễn Hồng Nghi cho nền điện ảnh như thế nào.

Năm 1960, Nguyễn Hồng Nghi cùng với một số người khác, trong đó có ông Hiếu Dân được tin cậy giao trách nhiệm, xây dựng bộ phim Hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch để mừng thọ Người 70 tuổi. Phim được công chiếu đúng vào dịp mừng ngày sinh Bác 19/5/1960. Một lần nữa, bộ phim này cũng đoạt giải Bông sen Vàng liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 năm 1973.

Thời chống Mỹ, Nguyễn Hồng Nghi còn được giao tổ chức và huấn luyện Lớp quay phim chiến trường. Ngày 2/9/1969, Bác đi xa, ông cùng 2 người nữa được tin cậy, giao quay và dựng phim Tang lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tháng 12 năm ấy, Hội Điện ảnh Việt Nam thành lập, ông được bầu làm Tổng thư ký đầu tiên. Trước đó, Nguyễn Hồng Nghi đã được bầu vào Ban chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.

Những công trình quý giá được ghi nhận

Nguyễn Hồng Nghi, lá thư từ Bác Hồ và những cuộn ảnh, thước phim cách mạng quý giá
Cảnh trong phim Chung một dòng sông của đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi

Nguyễn Hồng Nghi được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhì; truy tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Huân chương Độc Lập hạng Nhất, tước hiệu Nghệ sĩ nhiếp ảnh có cống hiến đặc biệt xuất sắc và Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2007). Đây là sự ghi nhận về nhiếp ảnh nhưng còn về điện ảnh, Nguyễn Hồng Nghi có nhiều đóng góp đáng kể, nhưng lại chưa được ghi công.

Đạo diễn Vũ Phạm Từ (Thế giới Điện ảnh số tháng 6/2000 và Thương mại số ra ngày 8/12/2000) nói: “Nhớ ông Nguyễn Hồng Nghi - Tổng Thư ký đầu tiên của Hội Điện ảnh Việt Nam. Năm 1957-1958, [Nguyễn Hồng Nghi] được sang Trung Quốc học tại xưởng phim Trường Xuân, nên về nước mới được giao làm đạo diễn chính phim truyện đầu tiên của Việt Nam - Chung một dòng sông…”

Nhà thơ, đạo diễn điện ảnh Đỗ Minh Tuấn (Tiền phong Chủ nhật, 16/7/2006) trong bài Cần có sự đánh giá công bằng với điện ảnh đã viết: “Khi một bức ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh của nghệ sĩ Nguyễn Năng An cũng được Giải thưởng Hồ Chí Minh thì bộ phim tài liệu Hình ảnh về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch của đạo diễn Hồng Nghi (Bông sen Vàng, Liên hoan phim quốc gia 1960) không được giải thưởng gì và cả bộ ảnh quý về Bác Hồ của Hồng Nghi lại chỉ được trao Giải thưởng Nhà nước.”

Ông Vũ Đức Tân, Trưởng ban Lý luận phê bình Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cũng phát biểu trên tờ Nhiếp ảnh (16/7/2006): “Cả năm nghệ sĩ này đều xứng đáng, dù tài năng có khác nhau, nhưng cống hiến về nghề, đạo đức cá nhân đều rất tốt. Việc không công nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho các nghệ sĩ trên làm chúng tôi rất buồn vì cảm giác chưa có sự chính xác trong phân loại. Đáng tiếng nhất là trường hợp của nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồng Nghi. Ông có nhiều đóng góp cho nhiếp ảnh. Đó là chưa kể trong lĩnh vực điện ảnh.”

Ngoài ra còn nhiều báo khác nêu việc này như tạp chí Điện ảnh số 17, kỉ niệm Quốc khánh 2/9/1959; “Chúng tôi đã gặp những anh em làm phim Chung một dòng sông” (tạp chí Điện ảnh số 5/1960); “Nhớ về Chung một dòng sông” - tạp chí Điện ảnh số 4 (12/1979) của Nguyễn Hồ; “Trò chuyện với đạo diễn Hồng Nghi” của Đỗ Văn, “Đất nước - những tình yêu” (tạp chí Nhiếp ảnh số 23, 616/ 1982) của Vũ Huyến; “Ống kính với tình yêu đất nước” (Nhân dân 10/2/1985) cũng của Vũ Huyến; “Đặc sắc Hồng Nghi” (nội san Nghiệp vụ Thông tấn 1985) của PV; “Một tấm gương của tinh thần lao động nghệ thuật” (Sài Gòn giải phóng (3/3/1991); “Nguyễn Hồng Nghi - cái danh và cái thực” (Lao động Chủ nhật số 8/93); “Thương tiếc nghệ sĩ Hồng Nghi” (Điện ảnh - TP Hồ Chí Minh 15/3/1991); “Quay phim ở đồi cây Đón Bác - Nguyễn Hồng Nghi và những tấm ảnh đầu tiên được chụp Bác Hồ” (Diễn đàn văn nghệ Việt Nam số 9, 10/1997) của Dương Thấu Hoa…

Tiếc thương khi người nghệ sĩ Cách mạng qua đời

Nghệ sĩ nhiếp ảnh, điện ảnh Nguyễn Hồng Nghi qua đời ngày 12/2/1991. Một cán bộ hàm vụ trưởng như Nguyễn Hồng Nghi ra đi, là khác thường khi có những người đặc biệt đến đưa tiễn: Tố Hữu, Ủy viên Bộ Chính trị, từng làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng, phụ trách lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; Đào Duy Tùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Theo thông lệ, ban lãnh đạo thường phân công một người đi nhưng Bộ Văn hóa Thông tin Thể thao, Du lịch có cả Bộ trưởng Trần Hoàn, Thứ trưởng Nông Quốc Chấn, Thứ trưởng Đình Quang đều đi là... khác thường. Với Ban Tư tưởng văn hóa Trung ương, cả hai ông Phó ban Thái Ninh và Hồ Anh Dũng cũng đến đưa tang nghệ sĩ Nguyễn Hồng Nghi. Trong thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức lễ tang. Rất đông người đến viếng, trong đó có giáo sư Trần Văn Giàu, nguyên Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, ngày 2/9/1945, tại Sài Gòn, tuyên bố nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời cũng đến viếng, đủ thấy Hồng Nghi sống trong tim mọi người cả Bắc lẫn Nam như thế nào.

Một người đã cống hiến như thế, được dư luận cả hai ngành nhiếp ảnh và điện ảnh đánh giá như thế, công chúng ghi nhận, tổ chức đánh giá như thế, vì những lý do chưa rõ nên vẫn chưa được công nhận chính xác. Hy vọng, nghệ sĩ Nguyễn Hồng Nghi sẽ được đánh giá và công nhận, như các tác phẩm và sự nghiệp quý giá mà ông đã thực hiện.

Nguyễn Bắc Sơn | Báo Văn Nghệ

--------

Bài viết cùng chuyên mục

Kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9 (1945-2018): NGÀY THAY ĐỔI Hướng tới kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9: Chuyện ít biết về 2 Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ lãnh đạo Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội 19/8/1945 Chuyện về tác giả ca khúc Diệt phát xít trong Cách mạng tháng 8 Phát huy giá trị di sản và lịch sử của báo chí Cách mạng Việt Nam Đồng lòng, chung sức gìn giữ cơ đồ
Bão - Thơ Tế Hanh

Bão - Thơ Tế Hanh

Baovannghe.vn- Cơn bão nghiêng đêm/ Cây gãy cành bay lá/ Ta nắm tay em qua đường cho khỏi ngã.
Dấu vết của lời ca. Truyện ngắn của Lê Thị Kim Sơn

Dấu vết của lời ca. Truyện ngắn của Lê Thị Kim Sơn

Baovannghe.vn- Người đàn bà nào lại không biết yêu, cô mỉm cười, những con chim ngu ngốc không tranh đấu ngoài bầu trời gió sẽ lăn ra chết, số mệnh chỉ có vậy. Người đàn bà đó cũng vậy, lăn ra chết mà hằn học không nguôi, nhưng người đàn bà đó mới đáng thương làm sao, mới xao động làm sao.
Svetlana Alexievich: Hãy đứng về phía điều thiện

Svetlana Alexievich: Hãy đứng về phía điều thiện

Baovannghe.vn - Svetlana Alexievich sách của bà đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và dựng thành khoảng 20 bộ phim.
Nhiều “cây viết” ghi dấu trong bộ sách giáo khoa

Nhiều “cây viết” ghi dấu trong bộ sách giáo khoa

Baovannghe.vn - Trong xu thế đưa sáng tác của các tác giả đương đại vào sách giáo khoa, một số “cây viết” ở thành phố đóng góp nhiều tác phẩm.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “Cứu dân là ưu tiên cao nhất”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: “Cứu dân là ưu tiên cao nhất”

Baovannghe.vn - Ngày 12/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến công tác kiểm tra phòng, chống lụt bão tại tỉnh Tuyên Quang