Diễn đàn lý luận

Cảm hứng nơi chốn trong sáng tác Hoàng Ngọc Tuấn

Đỗ Hải Ninh
Lý luận phê bình
08:58 | 13/11/2024
Baovannghe.vn - Hoàng Ngọc Tuấn (1947-2005) là nhà văn gốc Huế, sinh sống ở Sài Gòn. Tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn không chỉ là “nơi đất ở” mà “đã hóa tâm hồn”
aa

Hướng tới kỉ niệm 50 năm đất nước thống nhất, vừa qua Ban Tuyên giáo đã đề ra nhiệm vụ nghiên cứu, tổng kết, đánh giá lại di sản văn học miền Nam giai đoạn 1954 - 1975. Đây là một nhiệm vụ quan trọng và hết sức có ý nghĩa, phù hợp với chủ trương hòa hợp hòa giải dân tộc của Đảng và Nhà nước bởi văn học miền Nam giai đoạn 1954 - 1975 là một khu vực cần được coi như một bộ phận không thể tách rời trong tổng thể lịch sử văn học Việt Nam hiện đại.Ở đó có những tác phẩm, những khuynh hướng với những đóng góp về giá trị tư tưởng và nghệ thuật cần được ghi nhận một cách khách quan, khoa học. Với tinh thần đó, bài viết này đặt vấn đề nghiên cứu cảm thức nơi chốn trong sáng tác của Hoàng Ngọc Tuấn nhằm nhìn nhận và đánh giá lại những đóng góp của một cây bút văn xuôi miền Nam giai đoạn 1954 - 1975.

Hoàng Ngọc Tuấn (1947-2005) là nhà văn gốc Huế, sinh sống ở Sài Gòn. Những địa danh, những vùng đất, những không gian trong tác phẩm của Hoàng Ngọc Tuấn không chỉ là “nơi đất ở” mang tính chất địa lý thông thường mà “đã hóa tâm hồn”, gắn với tình cảm, nhận thức của con người. Từ góc nhìn của phê bình cảnh quan, bài viết tìm hiểu sự kiến tạo không gian cảnh quan cũng như cảm thức về nơi chốn (sense of place) của nhà văn trong ba tập Hình như là tình yêu(1), Cô bé treo mùng(2), Học trò(3).

Xứ Huế, hoài niệm tuổi thơ

Cảm hứng nơi chốn trong sáng tác Hoàng Ngọc Tuấn
Nhà văn Hoàng Ngọc Tuấn (1947-2005)

Mặc dù không tự nhận mình là “một tác giả viết về tuổi thơ” nhưng theo cuộc phỏng vấn “Đi tìm các tác giả được ưa thích hiện nay” của tuần báo Khởi hành, tên của Hoàng Ngọc Tuấn luôn được độc giả nhắc đến nhiều lần, đều đặn trên mỗi số báo. Ông là một trong năm tác giả được giới trẻ yêu thích nhất vì “tính chất thơ mộng của văn chương” (trong bài Ý kiến về sách báo tuổi trẻ, tuần báo Mây Hồng, số 1, 17/7/1971). Hoàng Ngọc Tuấn viết khá nhiều truyện về những kỷ niệm tuổi thơ với không gian xứ Huế mơ màng, trầm lặng nhưng cũng sống động, tươi vui qua lăng kính của các nhân vật học trò, đặc biệt qua các tập truyện ngắn kể trên.

Trong truyện của Hoàng Ngọc Tuấn, bằng sự quan sát tinh tế và tấm lòng sâu nặng với quê hương, Huế hiện lên với những đặc trưng về địa lý, cảnh quan, khí hậu, thời tiết, cảnh quan đáng chú ý của một vùng đất miền Trung sơn thủy hữu tình. Huế của Hoàng Ngọc Tuấn gắn với kỉ niệm thời thơ ấu của nhân vật. Nhiều truyện ngắn của ông đều mở đầu bằng một người kể chuyện ở thời điểm hiện tại hồi cố về quá khứ tươi đẹp của tuổi thơ với một niềm tiếc nuối: “Hơn mười năm qua rồi, ngôi trường nhỏ nằm bên bờ sông Hương đã đón nhận và từ giã biết bao mái đầu xanh, ngày nay vẫn còn âm thầm trong chiếc cổng kín đáo thật cao, loại kín cổng cao tường chính hiệu… Cảnh tượng êm đềm ấy chỉ đẹp khi mình đã đánh mất nó và biết rằng chẳng bao giờ tìm lại được nữa”. Qua hồi tưởng của nhân vật, những kỷ niệm tuổi học trò ùa về cùng với không gian ngôi trường, mái nhà, con đường. Đối với nhân vật trở về, Huế là vùng ký ức êm đềm, và dù mùa nào cũng là mùa thiên đường: “Mùa hè rồi cũng đi qua. Nhưng ở Huế, mùa đông mùa xuân mùa thu hay mùa hè đều là mùa thiên đàng cả” (Thiên đường nhỏ dại).

Cảm thức về mùa và thời tiết luôn được trở đi trở lại trong các truyện ngắn Hoàng Ngọc Tuấn. Trong truyện Mưa mùa đông, những khắc nghiệt của thời tiết trở nên đẹp đẽ hơn: “Tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh mơ màng của mùa đông ở Huế”. Với tác giả, những ngày mưa đầy ắp kỉ niệm “Hình như Huế là một thành phố mưa. Bầu trời mái ngói những ngọn cây đều là một màu trắng mờ chao động”. Thậm chí, với giọng kể dí dỏm, ngang tàng của một nhân vật học trò, mưa lụt, mùa đông ở Huế còn đem lại niềm vui: “Mùa mưa nước sông Hương lên cao, trường Đồng Khánh của Ngâu học lại nằm bên bờ sông, ngày chủ nhật tới này hy vọng sẽ có bão lụt lớn, nhận chìm chết đuối hết đi những sổ điểm thông tín bạ và những bà hiệu trưởng, những cô giáo khó tính, để cho bọn học trò không còn chỉ biết “mùa xuân trong mùa hạ thôi”, mà là tất cả mùa xuân trong bốn mùa, quanh năm suốt tháng học bài vạn vật trên cánh ve sầu, học bài Việt văn trên dòng sông, học bài sử ký trên những lăng tẩm và thành quách cũ, học bài toán pháp trên những ngón tay tiên, học bài địa lý trên đỉnh núi Ngự Bình, học bài nữ công gia chánh trên những dĩa bánh bèo Vĩ Dạ” (Cô bé treo mùng). Lấy tâm điểm là cái nhìn của tuổi học trò, mưa lụt ở Huế không còn đem lại cảm giác buồn thảm, thê lương nữa, mà sinh động, khoáng hoạt hơn. Và hơn hết, Huế trong ký ức của nhân vật đẹp đẽ thơ mộng bởi luôn có một bóng hình thiếu nữ xinh xắn, dễ thương như Bích Câu (Mưa mùa đông), Nga (Thiên đường nhỏ dại), Ngâu (Cô bé treo mùng)…

Cảm hứng nơi chốn trong sáng tác Hoàng Ngọc Tuấn
Bìa sách

Vẻ đẹp thơ mộng, lãng đãng của Huế phù hợp với tâm trạng hoài niệm của hiện tại và cũng hợp với những tâm hồn lãng mạn, những rung động đầu đời trong sáng, đáng yêu. “Những bầy nữ sinh từ những ngôi nhà kín đáo nào cùng nhau lũ lượt ngập tràn màu trắng lồng lộng của tà áo dài, theo vệ đường dưới những tán cây già cỗi, băng qua cây cầu nhỏ dưới chân nhà thờ, màu nước bàng bạc. Những con đường im vắng âm u của Huế trở thành những dải lụa mềm kết bằng tiếng guốc khua vang của tuổi xuân xanh. Nhưng không có tiếng guốc của Ngâu trong đó, Ngâu đi một đôi giày đế mềm không hề vang tiếng động. Ngâu lớn hẳn đi như một thiếu nữ lạnh nhạt xa lạ nào, khác hẳn với cô bé khoác áo nhung đen treo mùng mỗi tối” (Cô bé treo mùng). Hoàng Ngọc Tuấn đã ghi khắc lại hình ảnh cảnh Huế, người Huế và văn hóa Huế từ một góc nhìn riêng và theo cách riêng của mình.

Huế nổi tiếng bởi những địa danh đi vào lòng người như sông Hương, núi Ngự, cầu Trường Tiền… Trong truyện của Hoàng Ngọc Tuấn cũng vậy, những địa danh không chỉ là địa danh mà còn đánh thức những xúc cảm của con người về một miền ký ức. Hoàng Ngọc Tuấn có ý thức gọi tên những địa danh để địa danh ấy một cách sâu lắng “Mai Khôi, không phải là tên của một người con gái nào đâu. Trường cũ của tôi đó” (Mai Khôi), hay “Trên xa kia, ngôi nhà thờ Phú Cam mà anh vẫn còn nhớ, đổ nát lỗ chỗ những vết bom đạn từ một năm nào” (Cô bé treo mùng), “Bích Câu lớn tuổi hơn tôi nhiều, nàng học trường Đồng Khánh nên sáng nào cũng thướt tha điệu bộ đi học ngang qua nhà tôi” (Mưa mùa đông). Ngôi trường Mai Khôi, nhà thờ Phú Cam hay trường Đồng Khánh là những cái tên đậm chất Huế, vang lên tha thiết trong hoài niệm của nhân vật nhớ Huế.

Với Huế, Hoàng Ngọc Tuấn có một cảm thức đặc biệt, bởi Huế gắn với những kỷ niệm tuổi thơ tươi đẹp, bởi vậy ông đã tạo nên một xứ Huế vừa có những nét đặc trưng thổ nhưỡng khí hậu, vừa gần gũi với những hình ảnh quen thuộc chỉ Huế mới có, vừa rất khác biệt ở riêng cảm nhận của Hoàng Ngọc Tuấn, đó là sự kiến tạo nơi chốn qua cái nhìn của tuổi học trò. Qua đó có thể tình yêu tha thiết của nhà văn đối với xứ Huế, người Huế và văn hóa Huế.

Sài Gòn và cao nguyên - những miền nhớ từ góc nhìn soi chiếu

Cảm hứng nơi chốn trong sáng tác Hoàng Ngọc Tuấn

Nếu như Huế là điểm khởi đầu thì Sài Gòn, cao nguyên là nơi ghi dấu những bước chân đi và đến của Hoàng Ngọc Tuấn. Ngoài Huế, Hoàng Ngọc Tuấn có nhiều truyện lấy bối cảnh Sài Gòn và cao nguyên, tiêu biểu là Buôn Ma Thuột hoặc Đà Lạt. Mỗi địa danh, mỗi vùng đất trong truyện của ông đều vang lên tha thiết, gắn với những câu chuyện đời và mang chứa nhiều cảm xúc. Nếu Huế là không gian tuổi thơ êm đềm tươi đẹp thì cao nguyên là nơi nương náu của tâm hồn nghệ sĩ. Ở đó với tất cả đặc trưng thổ nhưỡng và khí hậu đặc biệt của nó đã tạo nên một không gian heo hút, vắng lặng mà lãng đãng, bí ẩn, không gian dường như đánh thức dậy được những khao khát thầm kín nhất của con người. Nàng ca sĩ trong truyện Tiếng hát hoang đường bỏ Sài Gòn lên Đà Lạt và nhận thấy “Trời Đà Lạt lạnh và cô đơn, tôi cần hơi ấm của một người tình”. Gặp được người nhạc sĩ nhận ra chất giọng đặc biệt của mình, nàng ca sĩ đã thỏa sức hát như cánh chim bay về bầu trời tự do, hòa tiếng hát vào không gian cao nguyên. Bằng sự hòa quyện tiếng hát hoang dã vào không gian núi rừng cao nguyên, Hoàng Ngọc Tuấn đã tạo cho cao nguyên một cái “hồn nơi chốn” thực sự. Không gian cao nguyên đã khiến cho nàng ca sĩ tìm được chính mình và chắp cánh cho giọng hát hoang dã của nàng bay xa.

Khi viết về những câu chuyện tình trên cao nguyên, Hoàng Ngọc Tuấn “ngây ngất” trong những cảnh quan núi rừng và thả hồn phiêu lưu cùng nhân vật. Tác giả chú ý đến những chi tiết chân thực đời thường, đậm đặc văn hóa Tây Nguyên. Hoàng Ngọc Tuấn đã thể hiện những trải nghiệm sâu lắng khi quan sát, lắng nghe và miêu tả “đường đất gập ghềnh”, “xe ngựa lóc cóc”, “ngôi chợ nhỏ lúp xúp”, “cảnh tượng trầm tĩnh” của nơi chốn này. Và cũng như đa phần các nhà văn đến với cao nguyên đều cảm nhận được, Hoàng Ngọc Tuấn không giấu nỗi buồn của miền rừng núi vắng lặng, nỗi buồn tỉnh lẻ và nỗi buồn của những phận đời lặng lẽ, những mối tình dang dở trong các truyện Tiếng hát hoang đường, Mùa xuân cuối cùng, Cô bé tuyệt vời trên cao nguyên, Hình như là tình yêu. Cái trầm tĩnh, hoang vắng và lạnh giá của cao nguyên cất giấu trong nó muôn vàn những bí ẩn, đó là tình cảm mơ hồ hình như là tình yêu của cậu thiếu niên Ngự với cô gái hàng xóm tên Châu, của chàng trai đang dưỡng bệnh sau chấn thương với “cô bé tuyệt vời trên cao nguyên”… đó là những tình huống éo le giăng lưới khiến con người không gỡ thoát ra nổi, và kết thúc bằng những nốt nhạc trầm buồn da diết. Nhưng sau hết vẫn đọng lại một tình yêu tha thiết con người và cảnh vật cao nguyên.

Nếu như Huế là nơi chốn tuổi thơ, cao nguyên là không gian mộng tưởng thì Sài Gòn là thực tại. Hoàng Ngọc Tuấn cũng có chung một cảm quan về Sài Gòn như các nhà văn đương thời: Sài Gòn là nơi đô thị phồn hoa, xô bồ, đông đúc, là nơi thân xác con người hiện diện nhưng tâm hồn gửi tận phương xa. Sài Gòn có khi xuất hiện ngay từ đầu truyện, là hiện tại của người kể chuyện nhưng rất nhanh chóng, không gian của đô thị đã nhường chỗ cho không gian hồi tưởng khác. Trong truyện Hình như là tình yêu, nhân vật “tôi” ngồi ở một góc trong thành phố hoài niệm mối tình cao nguyên: “Sự khao khát bóng mát của những cây cổ thụ trong rừng, cơn mưa mát lạnh của miền núi, đám mây đẹp của không khí vùng cao nguyên luôn luôn có một vẻ sầu muộn. Tất cả đã xa tôi trong một khoảng thời gian dài”. Cơn cớ dẫn dắt “tôi” trở về hình bóng xưa của cô gái hàng xóm chỉ là một buổi chiều thành phố nắng nóng thiếu bóng mát, thiếu cơn mưa và đám mây đẹp của cao nguyên. Thành phố, đô thị chỉ là “khai vị” cho “món chính” được bày ra, đó là Huế một thời học trò đẹp đẽ, là cao nguyên xanh mát, phóng khoáng mời gọi tâm hồn nghệ sĩ.

Và có một Sài Gòn dẫu phồn hoa, tráng lệ nhưng mang trên mình dấu vết chiến tranh buồn thảm trong truyện Quán qua đêm: những nhân vật thanh niên trong bóng tối của đêm Sài Gòn và của cuộc đời mình, lang thang đi tìm quán cà phê tiêu nốt những đồng tiền cuối cùng trong ngày nghỉ phép. Sự vắng lặng chết chóc của thành phố sắp đến giờ giới nghiêm, tâm trạng chán nản hoang mang của những thanh niên bao trùm khắp truyện tạo một không khí nặng nề, u uất. Có lẽ, Hoàng Ngọc Tuấn ít dành thiện cảm cho Sài Gòn hơn so với Huế và cao nguyên. Trong truyện của ông, những nhân vật sống trong lòng Sài Gòn đều rất buồn, mất phương hướng, không ít người đã phải bỏ thành phố mà đi. Trong Tiếng hát hoang đường, cô ca sĩ mê ca hát đã rời bỏ “thành phố có những đêm lộng lẫy ở phòng trà ca nhạc, những cặp tình nhân ăn mặc sang trọng như tài tử, những người bồi mặc áo trắng thắt nơ đen thật đẹp cung kính cầm chai sâm banh rót vào ly”. “Sài Gòn có thật nhiều thần tượng, mà người ta đã thi nhau nhào nặn rồi dựng nên, những thần tượng phần nào giả tạo nhưng vững chắc trước đám đông người dễ dãi”. Nhưng rồi sau khi tiếng hát hoang dã của cô gặp được người nhạc sĩ tài năng, cô lại trở về Sài Gòn làm một thần tượng mới. Sài Gòn, với Hoàng Ngọc Tuấn, là một nơi chốn mà ông đã nhận ra tất cả những khó chịu của nó nhưng cũng hiểu thấu nó hơn hết.

Ý thức nơi chốn và sự kiến tạo không gian của của Hoàng Ngọc Tuấn được thể hiện qua sự song hành và hồi cố giữa các nơi chốn để nhân vật bộc lộ thế giới tâm hồn. Trong truyện Mùa xuân thứ ba của cô Vẫn Nghinh, cô gái được đặt cho biệt danh là Vẫn Nghinh quê ở Huế, mới vào Sài Gòn, cô thấy “thành phố chi mà dễ sợ, tiếng xe cộ ầm ầm ngoài đường không ngớt vang vào tai”. Cô đầy hào hứng khi kể về Huế nhớ thương của mình: “Chỉ cần tả một buổi chiều đội mưa đi ven bờ sông Hương là cô kể cả một buổi sáng cũng chưa hết”. Còn chàng trai ở Sài Gòn lại kể cho Vẫn Nghinh về những thành phố xa lạ “nhất là Ban Mê Thuột, thị trấn heo hút nhỏ nhoi nào đó trên cao nguyên, nơi có những cánh đồn điền cao su và cà phê xanh mướt hai bên đường đất đỏ” và về “giấc mơ căn nhà gỗ sơn màu nâu bóng nằm lặng lẽ trong thung lũng ở ven con suối Đê…”. Mỗi nhân vật có một vùng trời yêu dấu và nhà văn để cho các nhân vật đối thoại, hồi đáp, tự nhận thấy nơi chốn bình yên trong tâm hồn. Trong truyện Cô bé tuyệt vời trên cao nguyên, chàng trai nói với con bé như một hứa hẹn hấp dẫn: “tôi sẽ kể cho em nghe nhiều chuyện ở Sài Gòn, Sài Gòn có nhiều chuyện vui lắm”. Nhưng như là vô thức, cuối cùng chàng lại kể về kỷ niệm tuổi thơ của những ngày tháng trọn vẹn ở Huế, chàng “say sưa nói như người giảng đạo tìm được chú tín đồ ưng ý nhất của mình” khiến con bé nghe chuyện cất tiếng cười trẻ thơ trong veo”. Đặt các không gian cạnh nhau, nhà văn làm nổi bật được sắc thái riêng của từng nơi chốn, và thể hiện được tình yêu sâu đậm của con người với nơi chốn ấy. Hoàng Ngọc Tuấn có lẽ ngược lại với Tô Thùy Yên, trong bài Chiều trên phá Tam Giang, sực nhớ tới người em ở Sài Gòn khi đang ở một địa danh xứ Huế. Tuy vậy, cả hai tác giả đều có sự gặp nhau tại một điểm: nơi chốn mà nhân vật nhớ tới, không chỉ là một địa danh, một không gian cụ thể mà là nơi chốn có một bóng hình yêu thương và chất chứa đầy tâm trạng của con người. Từ không gian phá Tam Giang mênh mông xa xôi, nhân vật trữ tình của Tô Thùy Yên nhớ về Sài Gòn, bởi nơi đó có “em”. Hoàng Ngọc Tuấn để cho các nhân vật của mình ở thành phố hoài niệm Huế, hoài niệm cao nguyên, cùng với hình bóng của cô bạn nhỏ thủa ấu thời. Dù hướng về đô thị - hiện tại hay hướng về không gian ngoại vi - quá khứ, các tác giả đều gửi gắm vào đó rất nhiều cảm xúc, đó chính cái mà Yi Fu Tuan gọi là tình yêu nơi chốn.

Mỗi truyện của Hoàng Ngọc Tuấn đều toát lên được không khí của vùng đất, cái hồn nơi chốn bởi cái nhìn rất riêng với cảnh vật, có thể nói riêng với ba tập truyện ngắn này, nhà văn đã góp phần làm nổi lên được bản sắc của nơi chốn. Chính vì vậy, truyện của Hoàng Ngọc Tuấn đã tạo nên được một cảm thức mới mẻ về xứ Huế, về cao nguyên, và cả về đô thị Sài Gòn, khác với những khuôn mẫu đã được tạo nên về những nơi chốn này trước đó.

Cảm hứng nơi chốn trong sáng tác Hoàng Ngọc Tuấn
Cao nguyên Lâm Viên. Ảnh Internet

(1) Quán Văn xuất bản, Sài Gòn, 1971. Gồm các truyện: Hình như là tình yêu, Tiếng hát hoang đường, Quán qua đêm, Mùa xuân cuối cùng, Canh bạc của một vài người.

(2) Trí Đăng, Sài Gòn, 1972. Gồm các truyện: Dấu chân người về, Áo lụa tháng mười hai, Sông Hương nước nhảy lên bờ, Một cành ô-kim-đan tím, Không còn ai trả lời, Cô bé treo mùng.

(3) Vàng Son xuất bản, Sài Gòn, 1973. Gồm các truyện: Mai Khôi, Thiên đường nhỏ dại, Mưa mùa đông, Mùa thứ ba của cô Vẫn Nghinh, Bạn tôi, nhà vô địch, Khi biết thương màu lá, Cô bé tuyệt vời trên cao nguyên, Cuối cùng như nàng muốn.

Học được ở Hoàng Su Phì - Thơ Trần Quốc Toàn

Học được ở Hoàng Su Phì - Thơ Trần Quốc Toàn

Baovannghe.vn- Chúng tôi leo thang ruộng men ngực đất
Tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”

Tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước”

Baovannghe.vn - Chương trình nghệ thuật “Cùng nhau giữ nước” tổ chức vào ngày 18/11/2024, tại sân vận động Cột Cờ, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.
Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Baovannghe.vn - Vào ngày 13/11/2024, cơ quan chức năng Ý đã phá vỡ một mạng lưới làm giả tác phẩm nghệ thuật quy mô lớn, với thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 200 triệu euro (khoảng 212 triệu USD). Mạng lưới này bao gồm hàng nghìn tác phẩm giả mạo của các nghệ sĩ danh tiếng như Andy Warhol, Banksy, Pablo Picasso, Amedeo Modigliani, Joan Mirò, Francis Bacon, Wassily Kandinsky, Henry Moore, và Gustav Klimt. Đây là một trong những vụ việc lớn nhất về làm giả nghệ thuật trong hơn 15 năm qua.
Mặt người khác. Truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế

Mặt người khác. Truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế

Baovannghe.vn - Tiếng gã vọng như dưới hố sâu, âm u dương xỉ. Như kẻ vừa bóp cổ, vẫn còn hằn ngón tay, nhưng lại tủi kiểu trẻ con bị cướp kẹo. Đi xa quá thích
Nâng cao năng lực truyền thông chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Baovannghe.vn - Ngày 13/11, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm năm 2024