Sáng tác

Bên sông giặt áo. Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương

Bảo Thương
Truyện
11:00 | 10/08/2024
Baovannghe.vn - Mày về à? Bà ngước lên, chỉ cần nửa khuôn mặt, đã biết là ai, như nghe được nhịp guốc, quen thuộc ư? Từ ngày tôi còn bé, bà đã đẽo guốc cho tôi
aa
Bên sông giặt áo. Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương
Minh hoạ Lê Trí Dũng

“Cha bố nó chứ, giống y như con mẹ nó”. Con mẹ nó là ai, tôi đâu có biết, chưa từng nhìn thấy, cả cái ảnh cũng không có.

Nó đẹp, bà thủng thẳng. Bà vẽ mẹ cho tôi, treo lên bức tranh kí ức, treo vào sự tưởng tượng, lơ lửng một màu khói lam, của người đàn bà tóc dài da mật, như những đọn khói bay vấn vít ở vùng núi này và quấn vào mắt bố tôi, quấn vào mắt bao người đàn ông.

Nó đẹp, vì thế nó khổ, vì thế bố mày khổ, hay bao thằng khổ nữa. Bà nhìn chú Lương. Chú đang cúi xuống chỗ gốc cây lựu nở những đóa hoa đỏ rực, trôi xuôi một đoạn, là đám hòe đang ra những lớp lá xanh rì, điểm những bông vàng, chạy dọc xuống bến sông, có những người đàn bà đang đập áo, âm thanh chát chúa của tiếng chày cất lên, não nề lắm, mùa thu rồi, lại đông. Thu đến nhớ chồng ai đập lụa/ gió trăng não lắm đá chày ơi

Là bà nhớ ông, cũng tiếng chày đập áo đó, ông đi tìm người đàn bà khác, ở bến sông khác ư, để con thuyền xa bến, xa mãi, dù cây đa hẹn chờ vẫn kiên gan đợi. Bà không cả dám thay cái cầu ao, con đường từ sông lên lầy lội bà cũng không dám sửa. Để ông nhớ lối mà tìm, đàn ông, cái gì lạ thì thích, nhưng cái gì quen mới tìm về.

Bao năm ông cũng không về, sự bất đắc chí nào để lặn vào cả mắt chú Lương. Nó giống y chang bố nó. Bà ngước mắt nhìn chú đang lúi húi ở gốc cây lựu, những đóa hoa vẫn phun ra tia lửa, đỏ như màu áo, đỏ như màu máu. Chú lặng im không trả lời bà.

“Phương, cháu đã về thì tắm rửa rồi vào ăn cơm”.

Từ “tắm rửa” làm tôi hứng chí. Tôi để cả quần áo nhảy ùm xuống sông, lặn sâu vào nước, hú lên. Tôi muốn một ánh nhìn từ gốc cây lựu, nhưng không ai nhìn tôi.

Chú Lương đã rời gốc cây lựu, lúi húi với mấy con cá rô đồng. Chú để cái rổ cật tre treo nơi cành hòe, con mèo đang đứng dưới gốc chờ, nhìn lên kêu meo meo.

Con mẹ nó y như nó… Chú Lương như không nghe thấy gì, tiếp tục rán cá. Lẫn với tiếng kêu xèo của mỡ, là tiếng hú hét của tôi, và xa xa là âm thanh đập áo của những người đàn bà quê. Trong số họ, có người đã quyến rũ cả bố tôi chăng, để ông cũng đi, sau khi dự án về một nhà máy đã được hình thành trên giấy…

“Bố mày chẳng làm ăn được gì, đàn ông phải có túi càn khôn, nhưng bố mày chỉ có túi gàn dở”.

Vì thế mà mẹ theo một người đàn ông khác chăng, khi dự án của bố để nguyên trong hốc tủ, bịt kín bằng bao lần túi ni lon, có lần bà cũng dè dặt mở ra sau ngày bố đi đã lâu.

Nhìn vào bản thiết kế, tôi thấy một nhà máy, thấy cả những cột khói bốc cao. Sao bố tôi lại say mê nó? Thì được học hành tử tế, bà tôi giải thích. Thế thì sao? Thì nó không chịu sống đời sơn tràng. Bà tôi nói thêm. Nhưng bố bắt mẹ về cũng từ nghề sơn tràng. Thì ông ngoại mày cũng giống với ông nội mày, cùng một giuộc mà ra, nên đồng cảm. Là sao bà. Thì cũng có những dự án.

Thì ra việc ông nội tôi ra đi cũng vì một dự án? Có lần tôi cũng lân la hỏi bà, để làm rõ thêm cho bí mật trên cái đồ án chằng chịt nét vẽ, có biết bao nhiêu là cột, tôi cảm tưởng nó nhả khói làm rách toang tờ giấy cũ của bố đã bao năm. Thì cũng như thế. “Nhưng cái người đàn bà kia có giúp ông mày thỏa nguyện không tao đâu có biết. Tao quen với vườn cải rồi, với luống khoai, bãi ma lương, phải, chỉ ma lương mới cho tao thế này.”

Bà nói xong, cầm cây nhọn, xiên những thân ma lương khô cho lên nóc nhà, phần còn lại bó thành bó, dựng ngược xuôi, dựng ngang dọc, từ đầu ngõ đến chật ních hết các góc vườn. “Chính nó đã nuôi sống chúng ta. Mày lớn lên từ cái đó, mày sống được bằng cái đó, bố mày cũng vậy, cả thằng chú, thế mà lớn lên chúng mày bỏ tao, đi tìm một cái gì đó, cái gì chưa đến, mà ma lương thì vẫn còn, vẫn nuôi sống chúng mày.”

Bà lại ngồi bên cối đá để xay ma lương làm bánh. Thứ bột chua nồng qua đôi bàn tay của bà đã không còn mùi hôi ngai ngái, mà thơm đậm đà. Chú Lương, hình như cũng thích nó, hoặc chú cần phải kiêng khem, hoặc theo trường phái tu luyện của ông thầy trên núi rắn đã dạy, mà chú cũng ăn thứ bánh đó, trong khi suốt tháng ngày tuổi thơ, tôi chưa thấy chú ăn bao giờ.

Bà tôi thì chỉ đợi cho những mùa thu đến, khi những chiếc xe công nông chở ma lương từ cánh đồng về, bà sẽ hể hả theo ra, quật những bó to lên, khi những bó cây ngất nghểu trên thùng, bà sẽ chạy đằng trước như dọn đường. Bà chạy qua cánh đồng hoa cải, chạy qua những thửa ruộng nương uốn mình trong gió, qua những bụi cây tần bì đang nở, nơi đó phơi mình của bao chiếc lưng ong phụ nữ, họ chăm chỉ cần cù, vặn người theo năm tháng ruộng đồng, và bà tìm, trong số đó, sẽ có người có giọng nói như tiếng chòe than, một ngày sẽ quyến rũ chú Lương, như họ từng quyến rũ ba tôi hay ông tôi vậy. Nhưng chú vẫn không thấy hợp ai. Chú cũng đi qua những nương lúa rẫy mùa trổ hạt, qua cái vàng rọi của đồng cải bờ sông, qua những cánh rừng mênh mang săng lẻ, qua thửa ruộng bậc thang hiền hòa mềm mại như cánh tay người con gái uốn dẻo trong ngày lễ mừng lúa mới của ông mo làng. Mà chú vẫn không thích. Chú vẫn về đi một mình. Và chú đến ngôi chùa rắn. Chú đang cúng rắn. Một đôi rắn hoang vẫn về ẩn mình. Sư thầy nhìn thấy nó vào những đêm trăng. Nó quấn nhau, tiếng kêu xè xè, động gió cả một vùng, ai cũng sợ, chỉ sư thầy không. Ông sẽ cầm đèn bão, vào tận hang của nó thắp hương và làm lễ. Ông muốn dân làng phía dưới kia no đủ, muốn mùa ma lương nhiều hạt, muốn cánh đồng hoa cải giống cứ vàng rực, và dòng sông, những người đàn bà cứ tắm truồng và đập áo. Nên chú Lương đến làm nghi lễ cùng ông.

Xin thầy làm sao để thằng con tôi lấy vợ. Có lần bà cũng sắm một lễ nhỏ gồm quả cau, lá trầu, cặp bánh ma lương vừa làm nóng hổi, lên thỉnh cầu sư cụ, xin thần rắn cho chú Lương lấy vợ.

Người này nặng kiếp trầm luân

Người này mắt biếc ở gần đây thôi

Người này còn muốn nổi trôi

Trầm luân bể khổ hết bồi lại tan…

Bà không xin cho tôi. Sao bà không xin cho cháu, có lần tôi cự. “Mày láo toét như ranh, khôn lỏi như con mẹ mày, lại đẹp hơn cả thần mãng xà, tao đâu có lo, chỉ lo kiềm mày lại thôi, đã bao thằng con trai qua cái “hốc đời” của mày rồi?”

Bà gọi “cái đó” là “hốc đời”, hoặc “cái mắt trâu”. Bà hình tượng nó bằng đủ thứ ngôn ngữ của người đàn bà vốn con nhà gia giáo được học hành tử tế, chữ nghĩa thâm sâu, vốn văn học dân gian cùng bác học đủ cả, thời vận đảo điên, để giờ bà chỉ biết đến ma lương, đến công thức làm bánh sao cho thơm ngon nhất, cho thằng con gần bốn mươi tuổi thích ăn, còn đứa cháu gái bà ghét như sơn. Nhưng tôi không ghét bà, dù sao bà cũng nuôi tôi bằng bánh ma lương, bằng những con lươn con chạch dưới sông, bằng những thùng hạt cải để giống bán cho người xuôi, bằng những thúng thóc rẫy lượm được trên đồi. Bà đã là người đàn bà miền núi tự bao giờ, hiểu rõ tiết trời thời vụ, đọc được những câu ca, biết được tập quán sinh hoạt, cùng tục canh tác sản xuất của người nông dân nơi đây từ bao đời.

Tháng hai dài ngày lên núi

Con thú còn ngủ ruộng bờ

Săn về làm thịt để phơi

Đợi ngày tháng tư tra hạt…

Cứ câu ca đó bà hát, và công việc đó bà làm, quanh năm, từ tháng hai đến tháng mười, từ mùa xuân đến mùa hè, để đợi bố tôi về, ông tôi xuôi bè, và mẹ tôi lại lê đôi guốc loẹt quẹt cùng mái tóc dài, tà áo phin nõn trắng trên con đường dẫn đến nhà bà ở cạnh dòng sông, ở cạnh dãy núi Hoa này. Nhưng bao năm rồi tôi không thấy họ, bản thiết kế nhà máy của bố tôi đã cũ lắm rồi, khói từ ống khói đã làm lủng hết giấy, thi thoảng chúng tôi giở ra xem, rồi lại cất vào.

Mày có bao nhiêu thằng trai chúi vào cái “hốc đời” rồi? Nhiều lắm bà - tôi trả treo - cháu mà nhảy lên là rơi một đống. Bà lấy gậy đập tôi. Bà đuổi khắp sân. Chú Lương nhìn thế chỉ thở dài. Chú chui sâu vào bếp, sau khi đã cho con mèo ăn thêm một con cá, sau khi đã bỏ ngoài tai tiếng hú hét của tôi ngoài bến nước, sau khi đã bảo, Phương, tắm rửa rồi vào mà ăn. Chú vẫn có cách nói như thế với tôi, không đủ nồng nhiệt, không quá lạnh lùng, nó điềm đạm, chẳng ân cần, song cũng không vồ vập. Sao mỗi lần đi xa tôi lại nhớ đến da diết. Tôi là con ngựa hoang, tôi rong chơi trả thù bà tôi không yêu tôi, rong chơi trả thù bố tôi bỏ bê tôi, để tôi biết đàn ông từ năm mười lăm.

“Thằng Lăng còn về không bà?” “Đi rồi, chết ở đâu đấy, ai biết.” “Con Ngọc thì sao?” “Cũng chết rồi”. “Sao bà cứ nhắc đến cái chết thế?” “Thì chết chứ sao.” Bà nói lạnh lùng như thể sự chết chóc là thường lắm. Với bà, bốn năm không về, người nhà không biết tin tức là chết. Có thể bị bán làm vợ, có thể vùi thân ở những nông trường, có thể bị bán vào nhà chứa, thì cũng coi như là chết chứ sao.

Tôi ngồi nhìn ra sông. Dòng sông chứa bao kí ức tuổi thơ. Tôi đã từng cùng con Ngọc tắm ở đó, tôi cũng cởi truồng cùng thằng Lăng, bơi sâu vào chỗ búi tre để trốn, nó vẫn tìm được, quật tôi vào đám rễ, nó đã làm gì tôi năm tôi mười lăm? “Thích chứ?” “Ai bảo cậu vậy?” “Tôi thấy bố tôi vẫn hỏi mẹ thế.” Nó bản năng hơn con ngựa hoang, nó khỏe mạnh hơn con lợn rừng, nó quật tôi nhiều lần sau nữa, con Ngọc biết chuyện, con Ngọc cười hinh hích, tôi cho nó vài cây kẹo để nó không kể cho thầy cô cùng đám bạn.

“Tôi phải đi thôi Phương”. Cái ngày nó mười bảy, nó đến tìm tôi. Nó xuyên cánh đồng cải vàng, đi tắt trên một con đường có những hàng sam nở, lá lên xanh non nõn vào buổi chiều, nơi có ngôi nhà của nó nép mình trong cánh rừng tái sinh. Nó đến tìm tôi, cầm tay tôi rồi khóc, nó khác với những lần cùng tôi ở bờ sông xưa, làm tôi bối rối, nó lớn ư, hay sự thay đổi tâm tính trước quyết định hệ trọng cuộc đời?

“Mai, tôi sang đấy cùng người anh họ, Phương ráng học hành, chỉ cậu học tốt, ráng lên. Chỉ cần Phương biết, tôi thương Phương, thương thật lòng. Từ ngày tôi bỏ học, từ ngày thấy Phương theo nghiệp sách đèn, tôi biết mình cách xa Phương quá. Tôi xin lỗi những gì đã làm, nhưng tôi thương Phương thật, nếu Phương đợi, nhất định tôi sẽ về”.

Tôi về đã hơn mười lần, nhưng không còn thấy thằng Lăng nữa, hỏi lần nào bà cũng bảo, chết rồi.

Tôi lững thững qua bờ sông, dòng nước vẫn trôi xuôi, những đám bèo hoa tím dập dềnh. Tiếng đập áo vang lên, mùa thu rồi lại mùa đông, não nề lắm. Tiếng đập áo vẫn cất lên đều đều, giọng hò trôi xuôi về phía bến, và tiếng hát khe khẽ của người đàn bà, não nề, thương tình nhân hay thương một bến nhớ, mà bỏ sót suốt thời thanh xuân đến khi về già mới thảng thốt. Như bà tôi sống ở bến sông này năm mươi năm, từ ngày bỏ Hà Nội lên đây, chưa về lại lần nào. Đường quen, ngõ thuộc, dòng chảy con sông cũng nằm lòng, thế mà có ngày vẫn thảng thốt nhìn đám lục bình trôi nổi mà khóc, nhìn những rác rều và hoa tím trôi theo lũ xuống phía bến kia mà ôm mặt tu tu, thu đến nhớ chồng ai đập lụa, gió trăng não lắm đá chày ơi… Lúc đó, tôi thấy bà bác học nhất, bà tư sản nhất, bà là tinh hoa. Tôi rợn lên một nỗi thương bà, thương sâu sắc lắm. Tôi thấy dáng hình ông tôi lãng tử, đầu hất cao bóng mượt, ông hay vận đồ trắng, ông không ăn mặc như những người thợ sơn tràng, dù ông làm nghề đó, ông hay chắp tay ra sau, đội chiếc mũ nồi, và đi trên con đường cải vàng rực, lững đững…Ông làm thơ, ông sáng tác nhạc, hay ông có một dự án gì, dự án gì để cả đời ông bi kịch. “Ông mày, đời nhiều bi kịch lắm cháu ơi.” Bà nói xong, rồi lại nhìn chú Lương, bà sợ chú lại đi tìm sư thầy, nhưng con rắn thần không cứu được chú, con rắn thần chỉ mang chú đi xa hơn. Bố tôi đã bi kịch, để một ngày bỏ bà đi. Bố tôi đã đi rồi, mẹ tôi đi, ông cũng đi, thì bà sợ chú, chứ bà không sợ tôi.

Chú Lương, có muốn tắm sông cùng cháu không? Sự bức bối của câu chuyện bà kể khiến tôi nóng nực. Tôi muốn hú lên, tôi muốn hét lên, nhưng tôi chỉ muốn chú Lương nghe thấy, và muốn chú Lương nhìn thấy tôi tắm mà thôi.

“Phương ăn đi, rồi mà đi ngủ, mùa này quê mình lạnh lắm, chút nữa thôi là gió về, kẻo lại cảm đấy.” Chú vẫn nói cái giọng đều đều buồn buồn, không là ấm áp, cũng không quá lạ xa, cái giọng làm tôi buồn. Từ ngày tôi nằm lên thằng Lăng ở búi rễ tre dạo nọ. Sự trả thù ư, không phải, tuổi mới lớn ư, không phải, dòng sông trong quá, cá đớp buồn chân, mà những người đàn bà thì hát não nề quá, thơ của bà thì buồn, mà cơ thể của tôi thì cựa quậy, đòi giải phóng. Chú Lương vẫn thế, chú vẫn đi về ở bìa rừng có những cung đường uốn lượn, có rừng trẩu hoa vàng, có những bông hồng đất len vào những rễ cây, chú vẫn buồn buồn, đôi khi đi cùng bạn làm nghề sơn tràng.

“Phương còn học được thì ráng đi xa”. Chú động viên. Và đôi lần tôi thấy chú lôi bản thiết kế của bố ra xem, chú ngồi bên cối đá lỗ của bà, ngồi bên con mèo cạnh cây lựu, tiếng giã thập thõm bánh ma lương không làm xao động tâm trí chú. Chú vẽ nó lại ra đất, chú cầm nó lên ngắm từ xa, chú đưa nó lại gần nghiên cứu, chú phác lại bằng bản kiến thiết khác, quy mô hơn, hoành tráng hơn. Bà nhìn thấy lại thở dài. “Ma lương, chỉ ma lương mày ạ, nó mới làm yên ổn, đừng nghĩ gì nữa, chắc thần rắn bắt hồn mày rồi.” Chú lặng lẽ cất đi, chú không muốn bà buồn, việc chú không muốn ai buồn đã ghi điểm trong mắt tôi, cũng như việc chú chưa hề đánh tôi roi nào, từ ngày chú về nhà này. Bà bảo, lúc đó tôi còn bé hỏn, chú đã mười lăm. Chú tắm cho tôi, chú cho tôi ăn, chú dỗ và chơi cùng tôi.

Mẹ tôi bỏ đi rồi, vào một ngày, khi chưa hong khô tóc. Mẹ đứng trước gió, mùi hương nhu tỏa ra phả vào mặt chú, chú đứng nhăn mặt, chú cúi đầu, chú thở dài thườn thượt, tiếng thở chỉ bà nghe thấy, rồi mẹ tôi đi, chú là người điên cuồng nhất. Chú trôi bè dọc bến sông Đa, chú ngược dòng thác Đác, chú đi tìm mẹ cho bà khắp nơi, chú đi tìm mẹ cho tôi khắp chốn, hay chú tìm mẹ cho mình? “Cái con mẹ mày như hồ li ấy, như con rắn trên núi thần, chỉ mái tóc mà quyến rũ được bao thằng, nhưng lại không quyến rũ nổi bố mày, bố mày chỉ có những nhà máy, chỉ có những bản thiết kế mới thu hút được nó”.

Ngôi nhà bà có nhiều chái, nắng chiếu một khu, một khu để lá khô vườn rụng, một chái để chú Lương đem những bắp ngô vàng lên hong nắng, còn lại bà phơi những bó ma lương, khi khô nó vàng như màu bắp, đẹp lộng lẫy, vào những buổi chiều mà bà vẫn nói, “nếu có màu, có bút, tao sẽ vẽ, tao là sinh viên trường Mỹ thuật Đông Dương xưa chứ đâu”.

Bà nói, tiếng hút chìm vào chiều hoàng hôn. Giọt nắng nào đậu vào đôi vai bà, giọt nắng nào kéo chìm đôi mắt bà trĩu xuống, cơn gió nào thổi hết mảng màu đẹp của thiên nhiên đi, để đêm về, cả thung sâu chìm vào màu tối, để bà không thấy hết cái lấp lánh của nắng Đường thi, của màu Đường thi rực rỡ, để bà vẽ bằng trí tưởng tượng, bằng tình yêu hội họa, bằng ước mơ thanh xuân thời con gái ở người con gia đình quý tộc, bị cơn binh biến sơn hà, mà theo cha về vùng sơn cước, sống đời sơn tràng, sống đời thợ rừng, sống bằng nghề săn bắt, sống bằng nghề trồng ma lương, rồi gieo cải hạt, sống bằng việc trồng lúa nương, và ra sông giặt chăn, rũ áo, và thả trúm bắt lươn.

Tôi ngồi bên vạt dong riềng của bà, hương thơm náo nức quá, hương thơm gợi về ngày bé, những bó hoa cắt ở vườn nhà, tôi mang tặng mẹ thằng Thông. Con Ngọc theo sau tôi, thằng Lăng đi trước. Ơi tháng ngày tuổi thơ, Lăng ở đâu, Ngọc đâu rồi. Còn tôi tin chắc Thông đã chết. Là giấc mơ, giấc mơ chết tôi đã nhìn thấy nó. Một cơn gió thổi lạnh, bất giác tôi rùng mình.

Chú Lương ngủ rồi, chú mơ về thần rắn của chú, hay chú chờ một đấng siêu nhân giúp mình thực hiện giấc mơ, chú đang chờ một đấng tối cao, chú thấy mình nhỏ bé qúa ư, chú cô độc, từ ngày mẹ đi, từ ngày tôi lớn. Chú được học hành hơn bố tôi, chú từ Hà Nội về, rồi chú vẫn lên nương ma lương cùng bà. Chẳng thể nào đi khỏi đồng đất này đâu cháu. “Mày lớn lên, nó phải bận rộn hơn, tao yếu đi, thì nó là lao động chính. Ngày đó, không đón nó về nuôi, thì mày chết đói rồi cháu ơi, ân nhân cứu mạng đó.”

Còn chú, chú luôn coi bà tôi là ân nhân. Vì bà tôi là bạn của bố chú, cũng cơn tao loạn cuộc đời, ông lên làm sơn tràng cùng ông tôi, họ cùng phố Hàng Bài xưa, cùng khu biệt thự cũ, cùng thờ một tổ nghề, cùng có nhà máy dệt, rồi nhà máy đóng cửa, rồi bao biến thiên, họ lên làm nghề rừng, thạo nghề săn bắn, cùng nhau trồng ma lương, và cùng nhau chết vì nghề săn bắn, để bà đem chú về nuôi, khi ông tôi cũng ra đi, và một thời gian bố tôi đi nốt, mẹ tôi cũng vì thế mà đi, hay con ma rắn năm nào đã hút sinh khí mẹ rồi, mà chú Lương thì vẫn ở lại, chú đợi mẹ tôi, hay đợi tôi lớn lên.

Cái thằng học hành giỏi nhất vùng, mà phải chịu về làm ma lương. Bà vẫn thở vắn than dài mỗi khi thu về đông đến, mỗi khi tiếng đập áo ngoài sông rộn lên, những người đàn bà đem chăn mùng mền ra bến, những người đàn bà đem áo bông giặt để gửi cho người thân phương xa, để chuẩn bị cho một mùa đông rét mướt sầm sập đến, tôi cũng sầm sập lớn lên, chú Lương cũng sầm sầm già đi, nhờ chú mà tôi được học hành tử tế, còn chú vẫn ngồi bên bản kiến thiết của bố tôi vẽ vời lại, chú vẽ lại hoành tráng hơn, và to đẹp hơn.

Thành thị đã hút hết hồn mày rồi cháu ạ. Bà nhìn tôi, chiếc áo ngắn cũn, chiếc quần tôi mặc hở đến bẹn, bà nhìn những tấm áo lót tôi vừa tắm sông, phơi đầy trên những cành lựu, rồi lại nhìn chú Lương, “thành thị hút hết hồn mày rồi con ranh ơi.”

Bà hay nói với tôi bằng giọng đó, bà hay rủa tôi bằng ngôn ngữ của người đàn bà miền núi, nhưng có cái cay nghiệt của cuộc đời, lại thêm phần có học của người con gái gia đình tư sản xưa, nhưng vẫn không thoát được cái chất nông dân. Điều gì để mất bà, mà giờ bà kì thị thành thị.

“Mày mất cái thuần nhất rồi cháu ơi”. Bà nói rồi lại nhìn chú Lương, bà sợ như tôi là thần rắn sẽ bắt mất con của bà, bà sợ chú cũng vì tôi mà thay đổi bản chất ư?

Tôi rủ chú Lương đi tắm sông, nhưng chưa khi nào chú đồng ý. Càng ngày chú càng ít nói.

Tôi nhìn lên rặng tần, phía đó là nhà thằng Lăng, căn nhà xiêu lệch, tường đất trình lở lói, cây đào ở góc sân in cành vào chỗ giếng, con trâu buộc gày gò ở góc chuồng, bóng mẹ nó còng đi, năm tháng rộng dài quá, làm những người đàn bà miền núi đều cằn đi dưới sức nặng của núi rừng. Bà tôi cũng thế, rồi cả chú Lương.

Chú đã dậy đốt thuốc rồi, chú đốt thuốc đến năm điếu, đốm thuốc lập lòe như ma trơi, đốm thuốc dụi tắt lại bùng, đốm thuốc như mắt những con mèo đêm, như những con đom đóm đỏ bay vào sân, đốm thuốc lá chờn vờn lẫn vào sương đêm, buồn hiu hắt.

“Chú Lương này.” Tôi bất giác gọi, tôi muốn người đàn ông này đừng kiệm lời thế. Tám năm nay tôi ít về, tôi không muốn bà buồn, tôi sợ phải tắm sông, tôi không muốn chú lên hang rắn, không muốn những ánh thuốc về đêm bập bùng mãi.

“Chú Lương này”, tôi đánh tan không khí cô đặc. “Sao Phương?”, chú hỏi, vẫn nhẹ nhàng thế, mà sao tôi không thấy ấm áp.

“Cháu nghĩ rồi, đi mãi rồi đến lúc cũng phải về, con chim bay mãi, thì cũng cần có tổ, con chồn chạy mãi thì cũng cần có hang. Cháu đã đi nhiều quá, cháu đã cống hiến cho bên ngoài nhiều quá, còn quê nhà thì sao?”.

Tôi nhìn chú dò hỏi, như muốn được tiếp thêm sự đồng cảm để nói.

Ngoài xa, sương xuống nhiều, những ảng sương theo gió trôi vào, từng lớp, từng lớp, nó là mây sà, nó là sương mờ, bay vào chỗ tôi ngồi, bay vởn trên điếu thuốc của chú, bóng chú nhập nhòa, lúc rõ rồi không, lúc còn rồi mất, chỉ điếu thuốc là đỏ lập lòe, như con ma rắn trên hang núi rắn kia.

“Tùy Phương, chú không biết phải làm sao để can dự vào công việc của cháu”.

Chú nói nhẹ. Lần này bớt lạ xa hơn. Lần đầu tiên, tôi thấy giọng trầm ấm, lần đầu tiên chú hướng vào tôi và nhả lời rõ ràng vậy.

“Cháu định thế này, chú Lương”.

Tôi ngồi thẳng dậy, nhìn thẳng vào chú, nhìn xoáy vào điếu thuốc. Chú dường như hơi giật mình. Chú dụi điếu thuốc đi, rồi nghiêm trang hơn trong dáng ngồi để chuẩn bị đón lời nghiêm trọng của tôi.

“Cháu đã thấy, ông nội đi tìm lí tưởng, bố cháu cũng vậy, rồi đến chú, chỉ có điều chú về, còn họ không? Điều gì để ước mơ của họ không thực hiện được? Để mất đi những thứ đã có thì dễ, để lấy lại, trong thời vận này thì khó biết bao. Cháu đã xin được một nhà máy với vốn đầu tư nước ngoài về vùng đất này. Thằng Thông đã chết, con Ngọc chết, tha hương như ma lương lạc loài, cháu không muốn, bi kịch đến trầm luân như chú, cháu không muốn, đau đời đến bỏ đi như bố, cháu không muốn chứng kiến, tìm lại lí tưởng, danh vọng đỉnh cao như ông rồi cũng chết chìm ở bến bờ nào đó, cháu không muốn thấy lại. Cháu muốn khác. Cháu đã làm việc với đối tác, cháu đã thuyết phục được họ, rồi nhà máy sẽ mọc ở đây, chú tin không?”.

Điếu thuốc không còn cháy, chú Lương đã ngồi hẳn dậy, chú để thẳng người hướng vào phía tôi. Những bông sương vẫn bay la đà, treo trên con trăng gầy mỏng, trên nóc nhà có những búi ma lương vàng ruộm, nhưng đêm về nó biến thành màu bàng bạc, bay qua ngọn hải quỳ nở hoa tím ngắt, vào bờ sân nơi cây lựu đơm lửa đỏ chói, vào mắt và đầy mặt chú Lương.

“Phương nói thật chứ?”. Chú lạc giọng đi. “Thật chú ạ, cháu đã làm việc rồi. Giờ cháu về, muốn xem lại bản thiết kế của bố cháu xưa, xem có tham khảo được gì không, bởi bố cháu hiểu rất rõ đất đai, thổ nhưỡng, địa lý vùng đất này”.

Chú lật đật chạy vào. Lôi từ cái rương cũ kĩ, bản thiết kế của bố, chồng lên bản thiết kế mới của chú. “Đây Phương, Phương có thể tham khảo”. Giọng chú nhẹ lắm, lẫn vào gió, nhẹ bẫng như cả cuộc đời ngoài bốn mươi tuổi của chú, trút được gánh ma lương đeo nặng một kiếp người, quằn lên vai người học trò giỏi, có bao ước mơ tươi đẹp, khao khát một nhà máy mọc lên giữa đám bụi bờ, giữa cây cỏ dại, giữa rừng già thâm u, giữa nghề sơn tràng rưng rưng nước mắt khi ăn của rừng ư? Giọng chú lạc trôi, như bến nước bờ sông, như tiếng chày đập áo đêm của người đàn bà thiếu tình không ngủ nổi, như tiếng con tác cơ ngoài bãi vắng bay vào, tác cơ cô độc, cô độc tác cơ, nó kêu lên thê thiết của tiếng gọi bầy, nó cô đơn một mình thảng thốt.

Chú có biết, tôi cũng cô đơn lắm không? Đi bốn bể chân trời, làm việc cùng bao nhiêu đối tác, nhưng bước chân tôi chưa bao giờ muốn rời nơi này. Con đường uốn theo eo đồi, con đường đi trên bờ sông, qua những nương cải vàng để hạt, con đường nhìn thấy những lượn cong của ruộng bậc thang, nơi đó có những người đàn bà dịu dàng, mà bà tôi tin, một ngày chú tìm được một tấm lưng.

Chú cầm bàn tay rất nhẹ của tôi lên, chú nắm chặt, lại chặt hơn. “Mình tin tưởng Phương, đó là tâm nguyện truyền kiếp của nhà ta, mình tin tưởng Phương”.

Bà đã dậy rồi. Bà đi những bước rất nhẹ. Bà luồn qua những bông ngô vàng rực. Bà luồn đám ma lương xám bạc. Bà đi ra bụi chuối hoa nở vào đêm. Bà đứng đầu ngọn gió, để nhìn lên chái nhà. Rồi sáng mai đây, một chái, sẻ vàng về mở hội, một chái, lá vàng rơi rắc khô, một chái, để thằng con trai bà phơi bắp, một chái nữa, để lợp lên những bó ma lương. Rồi mai đây, con đường cải vàng vẫn rực rỡ, cánh đồng ma lương vẫn người thu hoạch, những chiếc xe tải, xe công nông vẫn rộn ràng vào vụ, và sân nhà bà, chảo lửa vẫn bắc lên, cối giã vẫn thì thụp, chú Lương vẫn ngồi vun bột, những chiếc bánh nóng hổi vẫn được ra lò. Bà ngồi nhìn con mà cười thầm hạnh phúc, nhìn những cái bánh mà no đủ đầy, và nhìn đứa cháu ngồi cạnh, tay quệt mặt, bột trắng ngoen đầy mắt, nó nhìn bà rồi nhìn chú, bà ơi, tiến tới cháu gọi bà hay gọi mẹ, bà sẽ lấy chổi, đuổi theo nó dọc con ngõ, xuống bờ sông, nó sẽ cởi phăng áo nhảy ùm xuống nước, bà biết bơi như rái cá, nhưng nó biết bà yếu người rồi nên rợn nước, nó sẽ bì bõm cởi quần dài rồi quần ngắn, cởi áo ngoài rồi áo trong, để nước sông vỗ vào ngực trần, rồi hú hét, và chú Lương, sẽ cùng đi ra bến, hòa vào chung một dòng nước với nó ư, xa xa hình hài một nhà máy hiện lên, bố nó sẽ về trong đoạn đường cải trổ, ông nó theo nén hương bà thắp cũng về trên tầng ruộng bậc thang, mẹ nó rồi cũng về nhìn nó mỉm cười khi con bà hạnh phúc. Chú Lương không phải lên núi rắn nữa, chú Lương sẽ ở nhà giúp bà làm bánh ma lương và đợi nó về vào mỗi tối từ nhà máy xa xa kia.

Tiếng con chẫu chuộc đã báo hiệu ngày, tiếng con chùm um đã gọi bạn tình, tiếng chia xa của con tác cơ không còn kêu cô độc nữa, nắm tay chú Lương ngày càng thêm chặt, giọng bà lại ví von vần điệu - người đàn bà vốn có học xưa, biết sách vở thánh hiền, vận thêm những câu ca miền núi:

Chàng ơi thiếp vẫn ở đây

Sông quê có đợi, đò đầy có sang

Đi đâu vẫn nhớ bóng làng

Nhớ người giặt áo, nhớ chàng đứng trông…

Bảo Thương | Báo Văn nghệ

Trở về - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Minh Chung Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng Đọc truyện: Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng Cỏ hương huyền, rượu chiên đàn và người ăn tội - Truyện ngắn dự thi của Vũ Văn Song Toàn Đọc truyện: Lửa trạng nguyên. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân
Khoảnh khắc không mùa - Thơ Đỗ Bạch Mai

Khoảnh khắc không mùa - Thơ Đỗ Bạch Mai

Baovannghe.vn- Người đi trên phố nắng/ Ta về sau cơn mưa
Khoe giọng - Thơ Phạm Đình Ân

Khoe giọng - Thơ Phạm Đình Ân

Baovannghe.vn- Quẩn quanh trong lồng sắt/ năng hót
Thách thức và cơ hội của BSR với "chính sách, thị trường và xu thế mới trong kinh doanh xăng dầu"

Thách thức và cơ hội của BSR với "chính sách, thị trường và xu thế mới trong kinh doanh xăng dầu"

Baovannghe.vn - Chiều ngày 8/11, tại TP HCM, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức Hội thảo về Chính sách, thị trường và xu thế mới trong kinh doanh xăng dầu.
Chính phủ:  Gần 6.000 tỷ đồng được huy động để xóa nhà tạm, nhà dột nát

Chính phủ: Gần 6.000 tỷ đồng được huy động để xóa nhà tạm, nhà dột nát

Baovannghe.vn - Ngày 10/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Viết cho ai cũng nên quên mình đi

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà: Viết cho ai cũng nên quên mình đi

Baovannghe.vn - Nhà văn Võ Thị Xuân Hà có khá nhiều trang viết dành cho thiếu nhi, nơi chị thường lồng vào những thông điệp nhẹ nhàng về lối sống tốt đẹp.