Sáng tác

Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng

Đặng Ngọc Hùng
Truyện
11:17 | 06/08/2024
Baovannghe.vn - Gần hai tiếng đồng hồ nữa tàu đi Hà Nội mới dừng ở ga để nhận thêm khách, tôi ngả người ra ghế ở gian phòng chờ để đọc cuốn sách mỏng cho đỡ sốt ruột. Có tiếng gì chạy đều đều trên mái tôn của nhà để xe. Liền đó là một cơn mưa phi nước đại qua con phố ga. Ga gần núi. Cơn mưa từ trong đó nhoài ra.
aa
Chờ người trong tranh - Truyện ngắn dự thi của Đặng Ngọc Hùng
Minh họa: Tranh của họa sĩ Phạm Hà Hải.

Một người đàn ông dừng xe máy rất gấp ngay quầy bán thức ăn nhanh ở tiền sảnh. To con, nhìn từ sau cứ như một anh Tây ba lô với đôi vai như ách trâu. Tôi lấy làm tức cười vì sự so sánh quái lạ của mình và tiếp tục quan sát. Quần áo, mặt mày, tóc tai của anh ta ướt sũng. Quen quá. Ây da, nhớ rồi. Tôi đứng dậy:

- Chú Mẫn phải không? Chú Mẫn hồi đó ở chùa Châu Minh…

Đến lượt cái anh “Tây” to lừng lững mở to mắt nhìn tôi rồi nhoẻn một nụ cười thật thà không thể lộn với ai được:

- Chú Dũng, đúng là chú Dũng. Chú còn ở chỗ cũ không? Chú còn dạy học không?

- Chú vẫn ở chỗ cũ. Còn chuyện dạy thì cũng chán vì cái khoa của chú bây giờ gần như xã hội không cần nữa.

Những người cùng chờ tàu đều nhìn tôi và Mẫn. Một phần chúng tôi nói chuyện quá to một cách vô ý vô tứ. Một phần, có lẽ là vậy, do hai chúng tôi đều gọi nhau là chú. Để được tự nhiên, tôi kéo Mẫn xuống tam cấp để ra ngoài đường nói chuyện cho đã, có đốt thuốc lá cũng không ảnh hưởng đến ai. Trời tạnh nhanh, mát mẻ. Ra đến ngoài đường, tôi tiếp tục câu chuyện:

- Có lẽ khoa của mình sẽ bị đóng cửa, về hưu sớm chút cũng được. Còn Mẫn sao rồi…Nà, mình gọi nhau là anh em đi, mình hơn Mẫn cũng không nhiều tuổi lắm, gọi chú nghe xa cách quá. Đồng ý nha.

Chúng tôi bắt tay. Mẫn nhìn xa xăm qua đám mía, về phía rặng núi có mây mù như khói phía núi Ông:

- Dạ, chuyện dài lắm chú… à anh Dũng ơi… Buồn… Không biết sao nữa.

- Mẫn lên ga làm gì?

- Dạ, chờ đón một khách quen từ Sài Gòn ra. Tự nhiên thích cái nghề xe ôm, có khi đưa khách tới nơi mà quên lấy tiền. Không ràng buộc vào ai cả, không bị áp lực thời gian, lại được lang thang trên đường.

- Mẫn hoàn tục gần ba chục năm rồi phải không?

- Chính xác là hai bảy năm. Trải qua đủ thứ nghề.

Mẫn là một trong những chú tiểu ở cái chùa đối diện nhà tôi. Ngôi chùa đó vốn là một tịnh thất của ông cư sĩ tên Khâm, người gốc Quảng Nam vào khai phá và tạo dựng. Theo cha mẹ tôi thì sau đó hai vợ chồng ông không còn tu tại gia nữa và tịnh thất trở thành chùa. Tôi nhớ pháp danh của ông là Thích Thiện Khâm. Hồi tôi học lớp 4, lớp 5 gì đó thì hai ông bà nối nhau viên tịch. Giáo hội cử một ông đại đức về tiếp quản, trụ trì ngôi chùa. Từ đó, chùa liên tục có các chú tiểu đến tu tập chứ không còn u tịch như thời thầy Thiện Khâm. Mẫn có lẽ là chú tiểu lớn tuổi nhất trong số các chú tiểu hồi ấy. Tôi nghe nói Mẫn đã có vợ, có con. Có thời gian, tôi nghe nói Mẫn hoàn tục. Rồi bỗng đâu thời gian sau, lại thấy Mẫn xuất hiện ở chùa, đôi mắt u uẩn như màu nước sông mùa lũ. Có lần, vì quá tò mò, tôi hỏi chuyện Mẫn thì được biết con Mẫn bị bệnh nặng, phải nhập viện, gia cảnh khó khăn quá nên Mẫn ra đời để đi làm mướn kiếm tiền phụ vợ. Hoàn cảnh và tâm tính đó, khó tu lắm, tôi nghĩ vậy. Từ đó, dù thương Mẫn nhưng tôi không còn trao đổi với Mẫn về cuốn Pháp bảo đàn kinh của Huệ Năng nữa vì nghĩ đường tu cũng có chữ duyên, kinh kệ chỉ là phương tiện.

Lúc nào Mẫn cùng buồn buồn. Má tôi nói Mẫn vẽ đẹp lắm. Tôi ngạc nhiên. Má tôi kể thầy trụ trì khoe Mẫn là tay ngang mà vẽ như họa sĩ, nhất là tranh phật thoại, vẽ trên tường mà không cần chia khung, lấy tỉ lệ hay đánh dấu trước gì cả. Cứ bắt thang lên mà vẽ và tô màu. Mấy hôm sau, do không thể vào trai phòng của các chú tiểu nên tôi lững thững vào nhà tổ thắp nhang. Ở đây không có tranh Phật thoại nào. Nhưng toàn bộ mảng tường lớn là bức tranh Đạt Ma Sư Tổ quẩy cây gậy trúc, đi trên đường con đường hoa cỏ mà như đang vân du. Lạ một điều là tôi thấy đôi mắt buồn buồn của Mẫn lại có gì đó giống đôi mắt uy mãnh của đức Đạt Ma. Tôi chỉ nghĩ vậy nhưng không nói với ai.

Một bữa tôi đi dạy về thì thấy má tôi đang lể cho Mẫn. Nghe tiếng Mẫn nghèn nghẹt, một biểu hiện đặc trưng của cảm cúm. Biết các chú tiểu bên chùa sống kham khổ lắm, tôi vù ngay ra hiệu thuốc mua một ít thuốc cảm về đưa cho Mẫn. Má tôi nói Mẫn coi to xác vậy mà yếu lắm, hay ngã bệnh. Má tôi nói thêm là hồi nãy, lúc lể và đánh gió cho Mẫn, má tôi nghe Mẫn khóc, hay là Mẫn tủi thân vì bệnh mà không có ai chăm, mấy chú tiểu độc thân thì khác, còn Mẫn thì từng có vợ…Tôi nói rất ư là lý thuyết, rằng đã đi tu thì vô úy, bệnh cảm ăn thua gì. Nhưng tối đó, do mất ngủ, tôi nằm nghĩ miên man và tự hỏi biết đâu Mẫn khóc vì một lý do gì đó.

Cho đến môt ngày, không thấy Mẫn, tôi hỏi thì được thầy trụ trì cho hay Mẫn hoàn tục lại rồi. Tôi nghĩ, thôi, Mẫn về lại đời để làm người chồng, người cha tốt cũng coi như là tu nhà.

Tôi mời Mẫn một điếu Craven đỏ nữa.

- Vợ chồng sống ổn chứ Mẫn?

Mẫn phun khói vào giàn mồng tơi của ngôi nhà ven đường, không nói gì. Tôi thấy ngại nên cũng im lặng. Ồ, một giọt nước mắt ứa ra, Mẫn đưa bàn tay rám nắng quẹt, nhưng nhiều giọt nước mắt khác lại ứa ra từ đôi mắt buồn.

- Anh xin lỗi, thật lòng, đừng nói gì nữa Mẫn, thôi em – tôi vỗ vai Mẫn.

- Dạ, để em kể cho anh nghe – Mẫn rít sâu một hơi thuốc, nước mắt đầm đìa – Hôm nay tự nhiên gặp anh ở đây như là cái duyên, kể cho anh nghe, em cũng thấy nhẹ lòng chút nào.

Mẫn lớn lên mà không biết cha mình là ai. Nhìn nét mặt buồn buồn của mẹ, Mẫn cũng không bụng dạ nào mà hỏi mẹ điều đó. Nhà nghèo nhưng vòng tay của mẹ luôn ấm. Mẹ Mẫn làm miếng ruộng nhỏ và đi làm mướn khắp làng vừa đủ để hai mẹ rau cháo qua ngày. Từ nhỏ, Mẫn đã vẽ rất đẹp. Tự nhiên Mẫn biết vẽ, không cần ai chỉ dạy. Tốt nghiệp cấp ba, Mẫn thi đậu trung cấp mỹ thuật. Học được một năm, Mẫn bỏ học vì gia cảnh quá khó khăn. Vả lại, với Mẫn, những kiến thức lý thuyết chừng đó là đủ. Chẳng hạn, khi học luật xa gần, Mẫn phát hiện trước khi học, cái cảm giác đã có ở mình.

Mẹ Mẫn tự nhiên ngày càng yếu đi, không có tiền đi khám nên không biết bị bệnh gì. Một hôm, mẹ chép miệng: Giá mà có đứa con gái nào không chê nhà mình nghèo, chấp nhận lấy con thì mẹ hạnh phúc biết mấy. Mẫn ứa nước mắt, nhớ lại ánh mắt của Phan, cô bạn cùng lớp thời cấp ba, từng có với nhau những ngày chung đường đi học, những câu chuyện vụng về nhưng rất đỗi thân tình. Mẫn thích Phan lắm nhưng cảm giác tủi phận không cho phép Mẫn mở miệng. Phan hiền hậu, dễ nhìn, nhà thuộc loại khá trong làng. Trằn trọc mấy đêm, Mẫn liều đón đường Phan ở gần một đại lý thuốc nông nghiệp để cùng đi một quãng qua đập nước và ngỏ lời. Phan nhìn xuống, mặt như có lửa. Trời chuyển mưa, chạng vạng rất nhanh. Phan để tay mình trong tay Mẫn, cả hai đều cảm nhận sức nóng khủng khiếp của cái siết nhẹ mà tê dại cả người.

Phan trót có mang, mẹ Mẫn làm mâm cơm, mời một vài người trong họ và xóm giềng đến chia vui. Gia đình Phan không chấp nhận Mẫn nên không có chuyện đám cưới. Họ từ mặt con gái. Phan yêu Mẫn, thương mẹ chồng nhưng buồn buồn. Nỗi buồn từ đôi mắt vợ chảy qua mắt chồng. Mẫn hạnh phúc vì được Phan yêu và hi sinh, nhưng thấy vợ buồn, Mẫn buồn lắm. Món nợ này đến kiếp nào mới trả nổi, nhiều lần Mẫn tự hỏi mình như vậy.

Đứa con ra đời, gia đình càng thêm túng thiếu. Mẫn đi vẽ truyền thần, vẽ quảng cáo… nhưng vì làm công cho người ta và công việc bữa đực bữa cái nên thu nhập chẳng bao nhiêu. Mẫn không có vốn để thầu. Mẹ Mẫn ngày càng yếu, lúc nào cũng như lả đi. Đã vậy, mỗi khi máu nghệ sĩ trỗi dậy, Mẫn không lấy tiền công khi vẽ cho người ta. Trong Mẫn luôn bừng bừng một cơn sốt vẽ một bức tranh để đời. Một bức tranh nghệ thuật. Một bức tranh mang phong cách Mẫn. Cùng với cơn sốt sáng tạo trong Mẫn là cơn sốt mấy ngày chưa dứt của mẹ Mẫn. Chiều đó, Mẫn đi dựng mấy tấm biển quảng cáo và được người ta mời nhậu. Đang thao thao bất tuyệt về nghệ thuật thì có người khều vai, Mẫn quay ra và thấy Phan với vẻ mặt hoảng hốt. Mẫn lảo đảo bước ra:

- Có chuyện gì vậy em? Anh chơi chút nữa về ngay.

- Anh, mẹ đi ngoài phân đen, nói không thành tiếng, em lo quá.

- Em về trước đi, chút xíu anh về mà. Nha.

Khi Mẫn được một người bạn chở về là lúc Phan đang cho quần áo, đồ đạc vào một cái túi vải.

- Làm gì vậy Phan?

- Phải đưa mẹ đi bệnh viện ngay bây giờ anh à.

Do có rượu ngà ngà nên Mẫn ngồi sau ôm mẹ, Phan điều khiển chiếc xe máy Lifan mua trả góp chạy liêu xiêu trên đường quê. Thật đau đớn khi bệnh viện không cứu được mẹ Mẫn. Hóa ra bà bị sốt xuất huyết. Xung quanh nhà bụi rậm um tùm, muỗi vo ve suốt ngày. Không bao giờ Mẫn quên được câu của bác sĩ: “Chúng tôi lấy làm tiếc. Cô chuyển qua xuất huyết nội mấy hôm rồi, người lại suy nhược. Giá mà hai em đưa cô đến sớm hơn…”.

Giá mà hai em đưa cô đến sớm hơn. Câu nói thật thà của người bác sĩ như nhát búa bổ thẳng vào đầu Mẫn. Mẫn bỏ ăn suốt một tuần. Anh ném hết chỗ bột màu sơn, cọ… mà bạn học cũ từ thành phố ra cho để nuôi dưỡng tình yêu nghệ thuật ở anh. Anh ném hết. Anh im lặng. Suốt cả tuần mẹ anh ốm, anh gần như đi suốt ngày, thỉnh thoảng sờ tay lên trán mẹ với vài câu hỏi thăm vội vàng. Anh không nghĩ bệnh tình của mẹ lại trầm trọng như vậy. Chỉ có Phan, một tay Phan thuốc thang, cháo sữa, bồng ẵm. Sau đó Mẫn khóc. Khóc một tuần. Trong vòng tay vợ. Mẫn khóc như những cơn mưa mùa áp thấp nhiệt đới. Tiếp đó là những ngày rống rỗng. Mẹ yêu thương Mẫn, Mẫn yêu thương mẹ biết nhường nào.

Sau những ngày im lặng như một cái bóng, Mẫn nói với Phan:

- Em tha lỗi cho anh, chắc anh đi tu để sám hối với những gì đã gây ra cho mẹ và cho em.

Phan im lặng, cúi xuống. Như cái buổi chạng vạng mấy năm trước nơi cái đập nước giữa làng, Phan nắm tay chồng, vẫn với sức nóng khủng khiếp của ngày Mẫn ngỏ lời yêu.

- Em yêu anh, nên em tôn trọng sự lựa chọn của anh. Em lo cho con được. Em chỉ muốn nói một điều là anh có làm chủ được tâm mình không? Anh tốt và trong sáng, em yêu anh ở điểm đó, như hồi đi học anh nhất quyết không chịu chép tờ giấy nháp môn toán của các bạn giỏi toán trong lớp và chấp nhận thi lại. Anh nghĩ gì nói đó, em thích cái tính này của anh. Nhưng anh ít có khả năng kiềm chế. Em hay nghe thầy ở chùa Sơn Bình làng mình giảng tâm viên ý mã. Em lo cho anh. Em cũng muốn nói là khi anh là người của Phật thì em vẫn yêu anh.

Mẫn như ngây dại khi nghe vợ nói. Phan thường ít nói. Vậy mà hôm nay vợ anh nói dài và hay như vậy.

Nhưng Mẫn vẫn đi tu.

- Em có người bạn là anh con bác ruột của vợ em, tốt bụng lắm. Mấy lần em hoàn tục mà anh biết là mấy lần bạn ấy đến tận chùa báo con em bệnh nặng, vợ em lại túng quẫn, vậy là em nhào ra đời làm đủ thứ việc mấy tháng rồi đi tu trở lại.

- Đứng lâu mỏi chân, mình vào quán làm ly cà phê đi Mẫn.

- Cám ơn anh nhưng em đau bao tử triền miên, có chất kích thích càng đau dữ dội. Với lại em mới ngồi xe máy cả mấy chục cây số, giờ đi qua đi lại như vầy cho máu huyết lưu thông.

- Mẫn kể tiếp đi.

Một buổi sáng sớm, em còn nhớ như in là đang đi bộ tập thể dục ở con đường hẻm trước chùa, anh con bác của Phan đến báo tin. Lần này, em biết em tâm viên ý mã thực sự. Hai mẹ con Phan nằm viện. Có điều…

Mẫn khóc nấc lên. Gần hết cái tuổi tri thiên mệnh, tôi biết là cứ để Mẫn khóc, cho Mẫn khóc rốt ráo như suối lũ rửa trôi những vết buồn thương cũ vì đôi khi nỗi buồn đau lại giàu tính người hơn dũng khí. Có khi khóc lại làm lành đau thương nhanh hơn. Mẫn quẹt nước mắt, xin tôi điếu thuốc và kể tiếp.

Con Mẫn bị gãy chân do ngã xuống cái hố mà những người làm đường chưa lấp lại. Phan không chạy đâu ra tiền. Trời hạn bà chằn, hoa màu chết rũ. Bí quá, Phan chạy về vay tiền cha mẹ mình. Không những không mượn được tiền, Phan còn bị nhiếc móc, mai mỉa đau đớn. “Mày mở mắt ra chưa?”, cha Phan nói.

Lúc đó, có người đàn bà quen cùng làng đến rỉ tai Phan: Con trai nhà ông Mạnh đưa mấy bạn từ Sài Gòn ra chơi. Họ cần một người ngồi làm mẫu vẽ loại tranh nghệ thuật không mặc quần áo gì đó, ngồi một chút thôi là được hai triệu. Hai triệu hồi ấy lớn lắm, đủ để mua mấy loại thuốc ngoài danh mục cho con, đong gạo, mua sữa tẩm bổ cho thằng bé suy dinh dưỡng... Tụi nó thấy Phan một hai lần gì đó ở tiệm tạp hóa, tụi nó nói thích Phan ngồi làm mẫu.

Hai triệu. Một phần tư số đó mà cha mẹ Phan còn không cho Phan mượn. Hai triệu. Phan đi đến quyết định, nhận đặt cọc một triệu. Đầu hôm Phan đến, làm theo lời hướng dẫn của đám “họa sĩ”. Ngượng chín mặt nhưng phải liều. Chưa bao giờ Phan chịu để chồng vẽ một bức tranh khỏa thân cả. Bao nhiêu lần Mẫn năn nỉ trong tiếng yêu, Phan cũng đều từ chối. “Ngượng lắm anh, em cắn lưỡi bây giờ đó”, Phan đỏ mặt trong bóng đêm. Vậy mà…hai triệu và con đang gãy chân. Phan đỏ mặt dưới ánh đèn sáng quắc trong ngôi biệt thự của nhà giàu mới nổi. Phan thấy máu như sôi trong người mình, như muốn xé mao mạch mà tràn ra. Phan nuốt ngược nước mắt. Nhưng dường như đám “họa sĩ” kia lại thấy nét rầu rầu với đôi môi mím chặt ở Phan có cái gì đó hấp dẫn.

Lúc đầu, tụi nó cũng nhìn Phan và vẽ. Bốn thằng đều vẽ. Rượu bia rót tràn. Tiếng cười nói bắt đầu nghiêng nghiêng. Rồi một thằng dừng vẽ, đến gần và ve vuốt vai Phan. Anh mắt Phan bớt đi nét rầu rầu. Một thằng khác đi ra phía sau và bất ngờ ôm Phan, nồng nặc mùi rượu.

- Bỏ tôi ra – Phan nói nhỏ nhưng dứt khoát.

Thằng nồng nặc rượu ghì chặt hơn, rồi nới lỏng và bất ngờ đưa tay sờ lên ngực Phan, cười sằng sặc: “Đúng là gái một con. Nghe nói chồng em đi tu phải không. Đúng là thằng…Đi với tụi anh đêm nay, cát- xê mười triệu”.

Cách chỗ Phan ngồi có một cái bàn tròn thấp, trên có một dĩa thanh long đang ăn dở, một con dao. Phan nhào tới chụp lấy con dao, quơ về phía thằng nồng nặc rượu. Một tiếng ối. Mấy thằng khác xô lại, chụp tay cầm dao của Phan và giằng co. Thằng nồng nặc rượu bị đâm một nhát nữa ở bả vai. Nhưng Phan cũng bị một thằng khác bóp vào tay cầm dao và giật mạnh, đầu mũi dao quẹt sướt hông của Phan. Máu rịn ra. Một nguồn năng lượng từ đâu trào lên trong Phan, cô khỏe như một con hổ. Cầm chắc con dao, Phan lao về phía chỗ để quần áo, quắp gọn quần áo trong tay còn lại và phóng ra ngoài.

- Ê, con kia, mày chạy đi đâu – đám đàn ông dợm chân chạy theo, la lên.

- Tụi mày đụng tới tao, tao đâm chết liền, tao la lên tụi mày hiếp dâm.

Cả bọn sững lại và tỉnh rượu. Nó la lên là chết cả đám.

Phan chạy trong đêm tối, đến một bụi rậm thì dừng lại mặc quần áo. Rồi chạy qua những vườn thanh long xen lẫn ruộng lúa héo vàng. Con dao trong tay, Phan chạy, người lảo đảo vì một tay phải vịn vào chỗ rỉ máu ở hông. Qua những bãi cỏ úa mà ban ngày người ta thả bò vì không còn chỗ nào để thả. Qua nghĩa địa làng. Cô chạy đến nhà anh họ gõ cửa và òa khóc nức nở như thuở lên ba bị lũ trẻ trong làng ăn hiếp.

Trên đường từ chùa về, người bạn mà cũng là người anh họ tốt bụng của Phan, dặn đi dặn lại Mẫn: “Coi như mày nghe tin vợ bệnh, bỏ về, nhớ chưa. Con Phan nó nói, tao mà kể với mày chuyện nó làm người mẫu, nó tự tử ngay tức khắc. Hiểu chưa Mẫn? Nhớ nha. Thề với tao nha. Tao nói vậy cũng vì vợ chồng mày”.

Mẫn về, ghì lấy vợ và khóc. Thôi thì không tu kiểu tinh tấn được, anh sẽ đốn ngộ nhờ một cơ duyên nào đó vậy. Ai kêu gì Mẫn cũng làm. Chuyện vẽ vời đã cắp nón bỏ đi khỏi nỗi nhớ của Mẫn. Vậy mà một đêm, Mẫn xoa hông vợ và khóc.

- Sao anh khóc vậy?

- Anh thương em quá – Mẫn khóc òng ọc.

Mẫn đã quên lời thề với người anh họ của Phan. Phan nằm yên như một tảng đá. Mẫn tưởng Phan buồn ngủ. Một lúc sau, Mẫn ngủ thiếp đi sau mấy ngày liên tục giẫy cỏ mướn.

Ngủ sâu thường dậy sớm. Mẫn mở mắt nhìn qua khe liếp thấy trời còn tôi tối. Mẫn nghiêng người qua, Phan không còn trên giường. Thằng bé cũng không có trên chiếc giường nhỏ do Mẫn “độ” lại từ giường của bà nội. Một cơn ớn lạnh chạy dọc xương sống Mẫn. Mẫn bật đèn. Trên chiếu, chỗ Phan nằm, vương mấy sợi tóc. Mẫn sờ tay, thấy còn ấm. Mùi hương ngòn ngọt, nồng nồng của Phan còn đó. Cơn ớn lạnh chạy vào tim Mẫn. Mẫn phát hiện cửa mở, anh đẩy vội chiếc Lifan cũ kỹ ra miếng sân bé tí nhão nhoét vì nước mưa. Mẫn khát quá, quay vô nhà uống miếng nước trước khi đi tìm vợ và con. Dưới cái chai đựng nước có một tờ giấy, mấy dòng chữ viết vội nhưng rất đẹp, như nét chữ ngày nào Phan và Mẫn trình bày cho tờ báo tường của lớp: “Mẫn ơi, em không xứng đáng với anh. Em có lỗi với anh. Em không tự tử đâu, lý trí em mạnh hơn anh. Em sẽ ở một nơi mà anh không thể tìm ra, em sẽ nuôi con tử tế. Khi nào nhớ anh đến mức không chịu nổi nữa, em sẽ về với anh”.

Mẫn phóng chiếc Lifan cùn ra quốc lộ, gặp ai cũng hỏi thăm. Mẫn sục khắp làng mình, cả các làng bên cạnh. Mẫn đến từng nhà bà con của Phan mà Mẫn biết. Thời đó chưa có điện thoại di động, Mẫn mượn điện thoại bàn gọi cho tất cả người thân, bạn bè của cả hai người. Phan như bốc hơi ra khỏi cuộc đời này. Mẫn ôm ngực, tim anh đập liên hồi cho bao nhiêu đổ vỡ, mất mát.

Hai mươi mấy năm qua, Phan chưa bao giờ đi ra khỏi đời Mẫn.

Sau khi không còn nước mắt để khóc, Mẫn bó tấm chiếu có dư hương ngòn ngọt, nồng nồng của vợ, cho vào cái túi nhựa và treo trong buồng. Ban ngày Mẫn đi làm “bá nghệ”, tối Mẫn vẽ. Có khi Mẫn vẽ đến sáng mà không biết mệt. Vẽ cho ngược gió. Vẽ cho trái mùa. Vẽ cho tàn rụng. Vẽ cho rời ruỗng. Vẽ cho phai tróc. Vẽ về tuổi thơ. Vẽ nát thời trai. Vẽ tới mờ mịt. Vẽ rách chân mây. Bạn cũ ở Sài Gòn ra chơi, đem tranh của Mẫn về triển lãm, bán cho khách xa gần. Tiền bán tranh, Mẫn gửi hết vào ngân hàng. Đợi ngày Phan và con trở về. Phan sẽ trở về, Mẫn nghĩ.

Trong số tranh mà Mẫn vẽ trong mê phờ, rã rạc, có bốn bức anh không cho ai động đến. Bức thứ nhất vẽ Phan trong chiếc áo dài màu cà rốt, ngượng nghịu đứng bên cái bàn nước sứt sẹo chào khách hôm mẹ Mẫn làm mâm cơm “đám cưới”. Người Phan hơi ngả sang bên trái, đoan trang đến lạ. Bức thứ hai vẽ mẹ của Mẫn mặc chiếc áo màu tro lỗi mốt nghe đâu của bà ngoại cho lúc sinh thời, được Mẫn trộn màu mờ đi, nhìn qua con dâu trong cái ngày trọng đại, đôi mắt hạnh phúc đến sững sờ. Bức thứ ba cũng vẽ mẹ Mẫn đôi mắt lạc thần, nằm nghiêng trên giường, người héo quắt, khung nhà và hậu cảnh tối. Xem bức tranh này, người ta như nghe tiếng sự sống đang róc rách rời bỏ thân xác của chủ nhân. Đó chính là buổi chiều Mẫn đang nhậu chạy về khi nghe vợ nói mẹ yếu quá. Bức tranh thứ tư rất đặc biệt, Mẫn vẽ cảnh vợ vừa rặn đẻ xong, chưa kịp mặc lại quần áo, cái bụng tóp, thằng bé con Mẫn là nhúm thịt nhăn nheo bết máu trong hai bàn tay cô y sĩ. Đó là cảnh thật mấy chục năm trước, khi vì một lý do nào đó, không ai ngăn lại, Mẫn ngờ nghệch chạy thẳng vào phòng sinh của bệnh viện huyện. Nó ở trong não Mẫn, trong tim Mẫn. Bức tranh không gợi một cảm giác thô tục nào, bố cục và sắc độ của nó mang đến cho người ta một sự xúc động khôn tả, người xem như nghe được dư thanh tiếng kêu thét đau đớn và hạnh phúc của thiếu phụ và tiếng khóc ngơ ngác của một sinh linh đơn nhất vừa chào đời. Chỉ có bức thứ nhất được Mẫn sử dụng chất liệu sơn dầu, còn lại đều là loại chất liệu “lỗi thời” là bột màu với một cách hòa phối màu sắc lạ đến mức không thể diễn đạt thành lời, không thể chia sẻ. Thậm chí có những đêm thâu, Mẫn thử vẽ lần thứ hai ở những chất liệu khác nhưng đều thất bại. Một khách hàng Thái Lan đề nghị Mẫn bán bức tranh thứ tư với bất cứ mức giá nào, Mẫn lắc đầu.

Khi có tiền, Mẫn chuyển qua nghề chạy xe ôm tài tử, tối về vẽ. Từ khi có cái gọi là mạng xã hội, Mẫn dùng đủ thủ thuật tìm kiếm nhưng không thấy một vết bóng nào của Phan.

- Câu nói “Em không xứng đáng với anh” của Phan khiến em hạnh phúc tột cùng và cũng đau khổ đến tận đáy. Người nói ra câu đó phải là em, phải không anh Dũng? Em mong Phan trở về để em nói với Phan một câu là “Anh không xứng đáng với em” rồi sau đó Phan có bỏ em đi cũng được. Em muốn Phan phải nghe câu đó từ em dù chỉ một lần trong đời, anh Dũng à.

Tàu đến. Tôi và Mẫn cho nhau số điện thoại và chia tay. Trời lại mưa. Mẫn đưa tôi đến tận lối ra. Tôi quay lại, Mẫn nói:

- Anh Dũng à, em nghĩ Phan sẽ trở về.

Tôi gật đầu, vẫy tay và quay lưng bước lên tàu rất nhanh để Mẫn không nhìn thấy mắt tôi cũng rân rấn.

Khi tôi chuẩn bị xuống ga Hàng Cỏ, một bà cụ đồng hành móm mém hỏi tôi:

- Này chú, tôi đáng tuổi mẹ chú, tôi hỏi khí không phải, chú bỏ quá cho.

- Dạ, có gì không cô? Cô cứ hỏi ạ – Tôi lễ phép.

- Suốt từ cái ga miền Trung ra tới đây, chú cứ lẩm bẩm “Phan sẽ trở về, Phan sẽ trở về...”, chú có sao không?

- Dạ, a…ư…d…ạ…

Đặng Ngọc Hùng | Báo Văn nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Con ve sầu ngân mãi - Truyện ngắn dự thi của Phạm Quốc Toàn Cuốn sổ trắng - Truyện ngắn dự thi của Bùi Việt Phương Lưng chừng ban mai - Truyện ngắn dự thi của Tịnh Vũ Đọc truyện: Bản gốc của trái tim - Truyện ngắn dự thi của Trịnh Minh Hiếu Trở về - Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Minh Chung
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn