Sáng tác

Bình minh tím. Truyện ngắn của Nguyễn Xuân Diệu

Nguyễn Xuân Diệu
Truyện
07:17 | 28/11/2024
Baovannghe.vn- Trạm phẫu dã chiến chỉ có một ông Bác sĩ già người Hà Nội và bốn cô y tá kiêm hộ lý. Khốn nạn cho Hành, cái thằng coi trời bằng cái vung ấy, đang bị thương mặt mũi vêu vao mà thoạt nhìn thấy cô y tá Thục, hắn đã như bị hút mất hồn. Thục mảnh mai như cành liễu.
aa

Thế là hắn biến mất tăm, mất tích như chưa hề có mặt dưới vòm trời này. Hắn - một thằng lính vạm vỡ, tóc rễ tre lởm chởm và khả ái nhất là cái bộ râu quai nón như một nét mực tàu trên gương mặt phong trần. Hắn là thằng bạn thân nhất của tôi thời binh lửa. Từ ngày trở thành phóng viên Báo Quân khu, có điều kiện đi đây, đi đó, tôi đã bao phen đi tìm hắn như đi tìm nỗi nhớ một thời. Vậy mà non nước rộng dài, hắn vẫn tăm cá, bóng chim…!

Bình minh tím. Truyện ngắn của Nguyễn Xuân Diệu
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Một hôm tình cờ biết được địa chỉ của Giảo, một đồng đội cũ, tôi hăm hở tìm đến. Giảo - tên người đồng đội ấy - hồi đó cánh lính vẫn gọi là Giảo Róm. Gã tuổi Tỵ, cầm tinh con rắn. Giảo vốn là một mũi trưởng dưới quyền tôi và hắn. Bên cái sự luồn lọt, trời phú cho gã đôi con mắt ti hí, giảo hoạt như mắt hổ mang. Do hơn người cái sự biết nói cười đúng lúc, tự dưng tót cái, gã nhảy lên trợ lý cán bộ Mặt trận, thoát hẳn cái kiếp “khuơ sương, dò mìn, nhìn lựu đạn” của thằng lính trinh sát đặc công. Ngày đó, hắn và Giảo Róm cùng háo hức mang tim mình dâng cho một cô gái tên là Thục. Nhưng thật trớ trêu, thủ đoạn, mồm mép như Giảo mà trong cuộc hiến tế trái tim ấy, gã thất bại ê chề. Giảo đã hạ cánh an toàn với “lon” trung tá. Khi mới hồi hưu, gã kết với vợ một nhân viên thương nghiệp, dù đã hơi quá “đát”, nhưng mánh khoé đầy mình, theo xe tung tẩy buôn chuyến đường dài. Nay đã trường vốn, gã đang là ông chủ của một cửa hàng ăn kiêm dịch vụ tươi mát ở thành Sơn Hạ. Ngôi nhà Giảo nằm chềnh ềnh ở mặt tiền, có đến bốn tầng lầu, dài hun hút, nhiều ngóc, lắm ngách, ngoắt ngoéo hệt cái hang rắn. Dọc lối vào, các em mắt xanh, mỏ đỏ gọi vợ chồng gã là ba mẹ, lượn lờ dưới ánh đèn đục mờ, tênh hênh những vú, những rốn…oặn oẹo, toe toét cười duyên. Nghe tôi hỏi về hắn, Giảo vuốt cái bụng kềnh càng, hấp háy đôi mắt rắn, mập mờ: “ Thằng Hành hử? Hắn vứt đời tám hoánh rồi! Nghe đâu hắn bỏ vô rừng mạn Lao Bảo, Quảng Trị nhập hội lục lâm. Đồ đểu! Ông chưa biết hử? Hắn đã cho cái cô Thục y tá ngày xưa “đi Tây” để lấy một ả người mẫu đẹp ác chiến!” Dù biết chẳng tin gì lắm cái miệng lưỡi của Giảo, tôi cũng giật thót người. Mang cái tâm trạng “thót người” bán tín, bán nghi ấy, tôi tá hoả lần lên Lao Bảo tìm hắn. Đến thị trấn, nghe tôi hỏi han, mấy tay xe ôm vốn thông thạo đường đất hơn cả thổ công, chở tôi một mạch đến trang trại của Hành. Thoạt thấy tôi, hắn trố mắt, đánh rơi cả cái cốc nước đang cầm trên tay, lập cập lao đến, giang rộng hai tay đổ ập vào người tôi. Rồi Hành dụi mắt. Rồi hắn siết tôi vào người, cất tiếng cười quang quác. Ấy là hắn đang vui. Tôi còn lạ gì cái cười của hắn. Tiếng cười đơn giản, ngạo nghễ, nhiều lúc như khinh đời. Cái cười của hắn vừa lây sang tôi bỗng dưng tắt lịm. Buông tôi ra, hắn và tôi cứ đứng giữa cái nắng ong óng tháng tư miền Tây mà nhìn nhau, cứ như hai kẻ yêu nhau mới gặp lại sau cả thế kỷ chia xa vậy. Tôi chợt thấy hình như khoé mắt hắn rân rấn nước. Tôi cũng thấy cay cay nơi sống mũi. Vờ ho khúc khắc, tôi xét nét nhìn cơ ngơi của Hành. Nhà cửa, tiện nghi sang trọng chẳng khác gì một gia đình trung lưu ở thành phố. Ngôi nhà ba tầng toạ lạc giữa một vùng cây trái đủ thứ, đủ loại sum suê. Hẳn do cái mặc cảm của tôi sau những lời kể của Giảo, nên tôi cứ thấy ngôi nhà vắng hoe, vắng hoắt, như lọt thỏm giữa ốc đảo. Tôi ngơ ngác:

- Nghe nói mày vừa cưới một cô vợ người mẫu đep hết xẩy kia mà? Sao tao chỉ thấy mày có một mình? Nàng đâu rồi?

- Bữa nay vợ tao họp trên Phòng giáo dục huyện. Người mẫu, người miếc gì đâu, cô ấy là Hiệu trưởng trường Tiểu học xã này, mày ạ. Còn mày? Ngày ấy ra Thủ đô học Tổng hợp, vậy chứ giờ mày là nhà báo hay nhà văn?

- Tao chẳng là cái thứ nhà nào sất! - Tôi cười nụ - Nói cho đúng, tao chỉ là cái thằng đi tìm đồng đội. Thằng sống tao cũng tìm, đứa chết tao cũng tìm. Tao tìm đến đây là để coi mày còn sống hay đã chết, sau nữa là để hỏi tội mày!

- Tao có tội cứt chi mà hỏi! - Hành văng tục- đất nước có giặc, tao đi đánh giặc. Hết giặc, tao trở về rừng, về nơi tao và lũ bạn tao đã đổ máu, về cái nơi bao thằng bạn đã nằm lại; đổ giọt mồ hôi, sôi giọt nước mắt ra với đất, với rừng, sống cho ra thằng lính hậu chiến mà có tội à? Cứt!

Thấy hắn sửng cồ lên, tôi hơi chột dạ. Tính cách như hắn, hắn thoi cho một quả không chừng. Nhưng nghĩ đến cái điều nghe người ta nói về hắn, tôi vặc:

- Mày bảo mày không có tội hử? Thế tao hỏi mày: Tao biết mày chỉ còn một thân, một mình, chẳng còn có ai thân thích nữa, nhưng vẫn có đất, có nhà ở thành Vinh, hà cớ chi lại bỏ vào đây mà sống? Mày đi làm tướng cướp, đúng không? Bây giờ vợ mày chẳng ở nhà, tao hỏi luôn thể: Cớ sao mày bỏ Thục, người mày yêu say đắm, từng thề sống, thề chết sẽ ở trọn đời với nàng? Tại sao? Mày nói tao nghe coi?

Nghe tôi hỏi một lô, một lốc, tự dưng một nét buồn u uất nhập nhoà trong mắt Hành. Một cái buồn tôi chưa hề thấy ở hắn bao giờ, giọng hắn trở nên là lạ:

- Mày nghe thằng Giảo Róm kể phải không? Nếu thế, mày nghĩ về tao thế cũng phải. Mày dám nói toạc ra với tao lại càng phải nữa. Nhưng đến cái nước nó vu cho tao đi ăn cướp mà mày cũng tin thì mày đếch phải là thằng bạn của tao rồi! Thôi đã lặn lội đến đây, cứ vào nhà nghỉ ngơi cho khoẻ cái đã. Chuyện dài lắm mà mày…

***

Non trưa thì Hạnh, vợ Hành đi họp về. Cô bẽn lẽn chào tôi rồi vào bếp lo cơm đãi khách. Thằng Giảo nói không sai, Hạnh có dáng một người mẫu và một gương mặt đẹp đến huyền ảo. Suốt bữa ăn, Hạnh cứ xăng xái rót rượu cho tôi, gắp thức ăn cho chồng. Mỗi khi nâng li lên, tôi vờ nhìn vào chén rượu, nhưng lại liếc xéo về phía Hạnh. Hạnh có nét gì đó giống Thục mà tôi không sao cắt nghĩa nổi. Ánh mắt thăm thẳm kia. Nụ cười có hai lúm đồng tiền tròn xoe kia. Cái dáng đi vừa điệu đà vừa đoan trang kia…Đúng là của Thục rồi! Duy làn da Hạnh là khác Thục. Làn da Thục mươn mướt màu sốt rét rừng, còn làn da Hạnh thì hồng hào, mỏng mảnh như vầng mây buổi sớm. Hay Hạnh là em gái Thục? Không có lí! Chẳng có cái lí nào một kẻ bạc tình, ruồng rẫy chị mà lấy được em! Hay là…? Tôi không dám nghĩ tiếp nữa. Quay sang Hành, mắt tôi nhoà đi…

…Một quả lựu đạn mỏ vịt ném ra từ ụ súng sót lại trên cứ điểm khét lẹt mùi thuốc súng. Hành vừa kịp kéo tôi nằm xuống thì lựu đạn phát nổ. Trong làn khói mù mịt, Hành chồm lên đáp trả một quả pháo tay. Ánh chớp đỏ rựng soi rõ cái ụ súng vỡ toác. Hành quát um lên: “ Lính với tráng tảo trừ như cứt! Tao dính mảnh rồi. Mày có sao không, chính trị viên?” Tôi thấy lạnh buốt nơi bả vai và đùi bên trái, thò tay xuống, bàn tay nhoè nhoẹt máu. “Mẹ nó chứ! Tao… tao… cũng dính rồi!”. Hai thằng tôi được khiêng về trạm phẫu thuật tiền phương. Quái quỷ thế nào Giảo Róm cũng bị phục kích, mảnh phóng lựu găm béng vào mông. Khi chúng tôi đến, Giảo đang nằm sấp rên hừ hừ, mặt mũi tang tóc như cha chết. Hành thò cổ ra khỏi cáng hỏi: “Đau lắm hả?” Giảo nhăn nhó không trả lời.

Trạm phẫu dã chiến chỉ có một ông Bác sĩ già người Hà Nội và bốn cô y tá kiêm hộ lý. Khốn nạn cho Hành, cái thằng coi trời bằng cái vung ấy, đang bị thương mặt mũi vêu vao mà thoạt nhìn thấy cô y tá Thục, hắn đã như bị hút mất hồn. Thục mảnh mai như cành liễu. Giữa nơi bom đạn ngợp trời, thương binh kẻ rên, người quát, thế mà lúc nào miệng cũng chúm chím cười. Trong khi ba cô gái cùng trạm bị con ma sốt rét rừng vặt trụi đầu, chỉ còn lơ thơ vài sợi tóc thì mái tóc Thục vẫn đen mượt mà, dài óng ả. Cô thoăn thoắt đi như múa lúc nơi này, khi nơi khác, dỗ dành thương binh bằng cái giọng ai nghe cũng ấm lòng: “Em biết! Em biết! Anh đau lắm mà! Gắng chịu một chút để em rửa vết thương cho. Nào anh!” Mỗi lần Thục đi qua, mùi hương bồ kết từ mái tóc cô bay ngan ngát làm mặt Hành cứ ghệt ra, trông đến tức cười. Hành mê mệt Thục. Hình như tình yêu là cái gì đấy vô cùng bí ẩn và có ngôn ngữ riêng của nó. Đâu chỉ vài ba ngày, hai người đã bắt được tín hiệu trái tim nhau từ ánh mắt của nhau. Thục thường đứng lâu hơn ở sạp Hành nằm, vừa líu ríu kể chuyện gì đó vừa cười khúc khích. Những lúc ấy, Giảo Róm không rên nữa. Gã hấp háy cặp mắt ti hí, nhấp nha, nhấp nhổm ngồi dậy, nói kháy. Thục cũng chẳng vừa. Thấy thế, cô nghẹo đầu, xích lại sát người Hành, trêu ngươi. Cũng từ đó, khi đêm xuống Hành chẳng còn rủ tôi ra bờ suối hóng mát như mọi lần, mà thường lẻn đi một mình. Nhiều đêm, khuya lắm hắn mới mò về. Như một đứa trẻ có lỗi, hắn len lén chui vô màn tôi nằm. Tôi thấy mùi hương bồ kết toả ra mơn man trên ngực áo hắn. Tôi biết đó là hương bồ kết lan sang từ mái tóc Thục. Một đêm, hắn xoay người ôm lấy tôi:

- Mày đã bao giờ thấy bình minh tím chưa?

- Bình minh tím? Ôi chao, lãng mạn quá đi mất! Xưa nay tao có nghe mấy ông nhà thơ khi cao hứng vẫn tán về cái màu tím hoàng hôn. Còn bình minh tím? Ô hô! Quả thật từ cha sinh mẹ đẻ tới giờ, tao mới nghe lần đầu!

- Đó là tao nhắc lại lời của Thục. Em bảo ở nơi này nhiều lúc mặt trời lên, em cứ thấy rừng núi chung quanh đẫm một màu tím ngát. Không bình minh tím thì là gì hở mày!

- Úi giời ôi! - Tôi không nhịn được cười - Yêu rồi! Nàng yêu rồi, mày ơi! Trên đời này làm gì có bình minh tím! Nàng bảo màu của con tim đấy! Khốt ơi là khốt!

Hành ho lục khục. Ấy là hắn đang bối rối. Cái kiểu vênh váo thường ngày của hắn biến đi đâu mất. Giọng hắn khụt khịt:

- Phải! Đúng là chúng tao yêu nhau rồi, mày ạ!

- Đó là một thiên thần đấy! Tao cũng lạ, chẳng hiểu sao nàng yêu mày, một thằng bộc tuệch, bộc toạc, chưa nói đã văng tục. Mà này, đã yêu người ta rồi thì đừng có làm hại người ta, đừng có phụ bạc người ta. Làm thân con gái “khôn ba năm, dại một giờ”, lại còn chiến tranh, loạn lạc, đợi chờ…Tội lắm!

- Tao hiểu – Hành rủ rỉ - Tính tao không nói được những lời ngọt ngào, nhưng tao đã yêu là yêu chí chết. Nhất định ngày hết giặc, nếu còn sống, tao sẽ về quê Thục xin được cưới em làm vợ. Chúng tao sẽ sống với nhau trọn đời…!

- Răng anh cứ thừ người ra rứa? Ăn đi chứ! Hay thức ăn em nấu không ngon?

Tiếng nói của Hạnh làm tôi bừng tỉnh. Tôi hỏi như kẻ vô hồn:

- Sau giải phóng tao ra Hà Nội học rồi, mày có gặp Giảo nữa không?

- Thôi ăn đi! Ăn đi cho bà xã tao vui, cho ngon miệng đã. Chuyện đâu rồi có đó. Đã nói là còn dài lắm mà mày…!

Đêm ấy, mặc dù năm lần, bảy lượt tôi bảo Hành lên tầng thượng với vợ, hắn lấy lí do công việc cuối năm của Hạnh bộn bề, để cô ấy yên tĩnh làm sổ sách. Với lại, bạn bè mấy chục năm xa nhau, mấy khi có dịp gặp gỡ, tâm sự, chuyện trò. Hắn kéo tôi lên giường nằm gác chân lên nhau như cái thuở hai đứa nằm chung hầm mấy chục năm trước. Hai đứa đang im lặng, chợt Hành lồm cồm bò dậy vớ cái điếu cày, xoè lửa rít một hơi kêu xoe xoé như tiếng còi. Tôi cũng ngồi dậy theo. Khói thuốc lào khét mù đọng bàng bạc trên đỉnh màn như hơi nước. Tiếng Hành rơi tõm vào đêm:

- Cái thằng Giảo Róm nó bịa chuyện với mày đấy. Nó mặc áo xống của lính mà đếch phải thằng lính. Bụng dạ hắn thối như cứt, mày ạ! Sau này tao mới vỡ lẽ, thì ra ngày ấy hắn cũng mê mệt Thục. Nhưng sau nhiều phen tỏ tình bị Thục phớt lờ, lại thấy tao và em yêu nhau, hắn hận cả hai người. Ngày đó chưa làm gì được tao, nó chĩa mũi dùi vào Thục. Một trưa, tự dưng tao thấy ruột gan như lửa đốt. Nhìn sang sạp nằm của Giảo, thấy trống không, tao vội vã chạy ra đoạn suối Thục vẫn thường đến đó giặt quần áo cho thương binh. Mày còn lạ gì đoạn suối ấy, vắng vẻ, lại xa trạm, có nhiều hòn đá phẳng như tấm phản, nên giặt giũ thật tiện. Còn cách con suối một quãng, tao nghe tiếng vật nhau huỳnh huỵch, tiếng người thở hổn hà, hổn hển. Chạy vội tới, vạch lá cây nhìn, máu tao sôi lên. Mày biết không, trước mặt tao thằng Giảo Róm đã đè ngửa được Thục ra trên hòn đá bên suối. Áo em bị hắn giật tung hết cúc. Hắn đang ngồi quỳ trên người Thục, hai đầu gối kẹp cứng hai bên đùi em. Một tay hắn vừa bịt miệng vừa ghì đầu em xuống. Tay kia hắn đang lập cập cởi cúc quần quân phục của em. Thục giãy giụa, chân đạp tứ tung, nhưng giãy làm sao được với sức hộ pháp của con quỷ dâm dục, đang bốc hoả. Tao gầm lên:

- Dừng ngay lại! Đồ chó dái!

Và chỉ một bước nhảy, tao đã vọt đến, tung một cú đá khiến hắn bay ra khỏi người Thục, rơi tõm xuống suối. Hắn lóp ngóp bò lên bờ, lấm lét quay con mắt rắn lại nhìn tao. Rồi hệt một con rắn phải đòn, hắn chui vô rừng, lủi mất dạng…!

- Sao… sao… ngày đó mày chẳng nói gì với tao?

- Việc hay hớm chi mà nói cho xấu mặt thằng lính hở mày! Tĩnh trí lại, nghĩ cho cùng dù sao hắn cũng đã dám sống nơi bom rơi, đạn nổ suốt cả hai mùa khô, mùa mưa mà không đào tẩu, thế cũng chẳng phải là đứa nhát gan. Nếu nói ra, vì cú rửng mỡ này, hắn sẽ bị kỷ luật, cũng tội. Cho hắn vài cú đá cũng đã là bài học nhớ đời rồi. Ai dè, hắn lấy ân làm oán, mày ạ! Sau vụ đó, hắn thù tao. Giải phóng Sài Gòn, hắn đã leo lên giữ chức Trưởng Ban cán bộ. Lúc mày còn ở đơn vị làm chính trị viên, hắn còn gờm mày, chưa dám làm gì tao. Khi mày rời đơn vị ra Hà Nội học Đại học, hắn lập tức ra tay. Hắn phù phép biến chuyện của hắn thành chuyện tao, trơ tráo tuyên bố là tao tha hoá đạo đức, làm vấy bẩn danh dự người cán bộ, sĩ quan. Thế rồi khi cả sư đoàn xôn xao cái việc tầy trời tay tiểu đoàn trưởng Hành cưỡng bức cô y tá Mặt trận, đúng sai chưa biết mô tê, tao đột ngột có quyết định phục viên. Cầm cái quyết định chính hắn đưa, chân tay tao rụng rời. Từ một chiến sĩ, tao đánh dư trăm trận, trở thành tiểu đoàn trưởng một đơn vị đặc công anh hùng. Vậy mà khi cả nước hân hoan chiến thắng thì tao bị hắn cho ra rìa. Thật lòng, nếu ngày đó, tao lên gặp Sư trưởng hay Chính uỷ nói hết mọi nhẽ thì chắc sự việc đã khác. Nhưng tao không thích thế. Tao chẳng quen xin xỏ. Tính tao, mày còn lạ gì!

Hành lại vớ cái điếu cày, rít veo véo. Ánh mắt hắn gờn gợn:

- Tao mang ba lô rời Sài Gòn về ngay Hà Tĩnh tìm Thục. Mày ơi! Muộn cả rồi! Hết cả rồi!

- Cô ấy bỏ mày đi lấy chồng ư? – Tôi vội vàng hỏi.

- Không! - Giọng Hành khàn đục- Thục đi lấy chồng đã đành một nhẽ. Đằng này, cô ấy ở lại đây, ở ngay bên cạnh tao mà tao mất cô ấy mới đau chứ! Thôi cứ ngủ đi mày. Khuya lắm rồi. Ngày mai tao sẽ đưa mày đến thăm Thục.

Không đợi tôi nói thêm điều gì, Hành với tay tắt đèn. Biết hắn đã quyết rồi thì bom có nổ sau lưng cũng chẳng thay đổi, tôi thở dài nằm xuống. Nhưng cứ trằn trọc mãi, không tài nào nhắm nổi mắt. Lạ lùng! Tại sao hắn và Thục có một tình yêu đẹp như mộng thế lại chẳng sống được với nhau? Chiến tranh đã cướp đi cái quyền làm mẹ của Thục hay Thục bị thương trở nên dị dạng rồi cô trốn chạy tình yêu, trốn chạy cuộc đời?

Ngoài trời, đêm rừng dường như cũng thức. Tiếng gió vật vã trên những tán cây nghe như tiếng thở dài. Tiếng suối chảy đâu đó, lúc vọng lại đều đều, lúc ào lên như tiếng thác. Bên tôi, Hành thỉnh thoảng lại sột soạt trở mình…

*

Trời chưa sáng hẳn, Hành đã kéo tôi dậy. Sáng rừng miền Tây se se lạnh. Sương sa mù mặt cỏ làm cho màu đất đỏ sẫm lại, xin xỉn như màu tiết luộc. Từng đợt gió từ rừng xa ào đến rồi chợt tan nhanh trên những tán cây ngút ngát. Hạnh, vợ Hành lặng lẽ sắp các thứ trái cây và mấy búp nhang vào làn. Nét mặt cô hết sức thành kính.“ Lên chùa rồi! - Tôi chắc mẩm - Hẳn bụi trần vương vấn quá, cay nghiệt quá, khiến Thục tìm đến cõi thiền chăng?” Nghĩ thì thì nghĩ thế, nhưng thấy vợ chồng Hành chẳng ai nói lời nào, tôi đành im lặng. Chúng tôi không đi ra cổng mà vòng theo lối sau nhà. Tới lối rẽ rực vàng một màu hoa vạn thọ, có một ngọn gò ai đó xây bằng đá xanh, to cao lừng lững, Hành im lặng kéo tôi ngồi xuống bên gò. Tiếng Hành đầy xa vắng:

- Giờ thì tao kể hết cho mày nghe. Khỏi lo Hạnh nghe được, chuyện về Thục vợ tao biết cả rồi. Là thế này, ngày tao về Hà Tĩnh tìm Thục mới hay em đã hy sinh, mày ạ. Khốn nỗi trong giấy báo tử, họ chỉ ghi em hy sinh ở mặt trận phía Nam, chẳng biết cụ thể em nằm lại nơi nào. Ở nhà bố mẹ Thục được vài ngày, tao đáp tàu ra Hà Nội tìm ông Bác sĩ già ngày ấy. Nghe tao hỏi, ông rân rấn nước mắt kể rằng: đầu năm 1975, trước ngày giải phóng Sài Gòn vài tháng, một quả bom chẳng hiểu máy bay địch ném xuống từ khi nào nằm sâu dưới đất, phát nổ đúng nơi Thục đi hái rau rừng về cải thiện cho thương binh. Nghe tiếng bom, cả trạm chạy ùa ra thì chỉ thấy trên cành cây cạnh hố bom sâu hoắm một mảnh quân phục đẫm máu, bay phơ phất. Mọi người đổ đi tìm kiếm khắp nơi xem còn sót lại gì không, nhưng vô vọng.

Hành im lặng. Khuôn mặt hắn bỗng trở nên hốc hác:

- Tao tìm được đến nơi em hy sinh, nhìn cái hố bom mà không sao đứng nổi nữa. Từ ngày em mất đến khi tao đến được với em gần 5 tháng rồi. Còn chi nữa đâu mày! Nhưng tao cứ như thằng điên, nhào xuống hố bom dùng hai bàn tay mình vừa bới, vừa đào, may ra thân thể em còn sót lại cái gì, dù chỉ là một cái cúc, vài sợi tóc, một mảnh áo quần hay cái kẹp tóc…Tao săm soi từng vốc đất, từng hòn đá. Rồi tao cuống cuồng chạy ra chung quanh, hết tìm dưới đất lại ngước lên cây, mãi đến khi gần như ngất xỉu. Xoè bàn tay ra, ngón nào ngón nấy tơ tướp, ứa máu, tao mới hoàn toàn thất vọng. Thân thể em ngọc ngà là thế, trắng trong là thế, xinh đẹp là thế mà không còn gì nữa! Mất cả rồi! Hết cả rồi! Giá như lúc ấy tao khóc được. Mày ơi! Với những người chưa yêu, chưa qua trận mạc, chưa từng ôm xác đồng đội chết trong tay mình, mọi việc đối với họ đơn giản hơn. Ít ra trước nỗi đau họ còn khóc được. Còn tao? Nước mắt tao khô khốc. Mắt tao ráo hoảnh. Muốn khóc mà không sao khóc nổi. Đêm ấy, tao vùi mình nằm trong hố bom để được nằm cùng xương thịt của em mà ngủ. Lạ thật mày ạ, suốt đêm hương bồ kết cứ quấn quýt lấy tao. Tao lả người thiếp đi trong mùi hương mông lung ấy. Quá nửa đêm thì em về. Thục còn sống, mày ạ! Em đi bên tao, em nói chuyện với tao vẫn yêu thương, vẫn âu yếm như ngày nào. Nhưng mái tóc dài óng mượt của em cứ che kín khuôn mặt, như không cho tao nhìn rõ. Tiếng em bồng bềnh:

- Anh đã về với em! Vậy là anh chẳng quên em! Em không còn cô quạnh nữa rồi!

Tao ôm ghì em vào lòng. Người em mềm nhũn, lúc thì nóng rực, lúc thì lạnh buốt. Em dụi đầu vào ngực tao, ngất ngây hương bồ kết như ngày xưa. Tao vén tóc em ra định đặt môi mình vào môi em thì em vụt biến mất. Giật mình tỉnh giấc, người tao ướt đẫm mồ hôi. Thì ra tao mơ! Nhưng hình như tao đã ngủ đâu mà mơ! Tao lại nằm xuống, cố nhắm mắt để được sống với dư ảnh của em, với mùi hương bồ kết lãng đãng quanh mình cho đến sáng…!

Tôi nhìn Hành, lại nhìn tôi. Mấy lâu nay nhớ bạn mà đi tìm bạn, nghe thằng Giảo Róm kể, tôi đã nghĩ dại về hắn. Vậy ra ở đời vẫn có những kẻ dẫu đã một thời là đồng đội của nhau, mà chẳng còn chút lương tâm, hại đồng đội mình trên cả nỗi đau của họ. Còn tôi? Đã cùng nhau đi suốt một thời binh lửa, sống chết có nhau mà với một người bạn chí cốt như hắn, có lúc tôi cũng hiểu nhầm!

Hành vẫy tôi lại che gió cho mình thắp mấy nén nhang. Rồi Hành lặng lẽ quỳ xuống bên ngọn gò, thì thầm:

- Thục ơi! Anh Xuân, bạn anh và em tìm đến với chúng mình đây này. Thục ơi…!

Tôi đứng chết lặng như trời trồng, trân trân nhìn ngọn gò, mãi mới nói được:

- Vậy ra Thục đây ư? Thảo nào…!

Rồi thảng thốt, tôi hỏi Hành mà như tự nói với mình:

- Sao không đưa Thục về nghĩa trang liệt sĩ cho có anh em đồng đội mà để Thục nằm ở đây một mình?

Không trả lời câu hỏi trống không của tôi, Hành lóng ngóng trao mấy nén nhang cho tôi và Hạnh. Chúng tôi kính cẩn cắm nhang lên mộ. Trong mùi hương trầm mặc, xa vắng, bỗng dưng tôi nghe mơn man một làn gió là lạ, run rẩy quấn quanh mình. Rồi mùi hương bồ kết cứ như từ một mái tóc vừa gội xong, đẫm nắng, thoang thoảng, có lúc chợt sóng sánh, khi gần, khi xa. Tiếng Hành như vọng về từ đâu xa lắm:

- Lần nào thắp hương cho Thục, tao cũng thấy mùi hương bồ kết thế này. Thục về đấy, mày ạ. Lúc nãy mày hỏi sao không đưa em về an nghỉ ở nghĩa trang. Mày ơi, giá như em còn một chút hình hài, tao sẽ đưa em về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Đằng này, em hy sinh, một tấm hình cũng chẳng có, chỉ còn hình em trong tim tao và ngôi mộ này thôi. Thân xác em đã trộn vào đất thì hương hồn em cũng hoà vào đất cả rồi. Bốc một nắm đất về, bốc sao hết được thân thể của em, tao không đành. Tao nghe nói, những người chết không còn nguyên thể xác, hồn vía vẫn còn vương vít quanh nơi chết. Quả bom giết chết em là một quả bom tấn, nên hố bom vừa to, vừa sâu. Suốt hơn mười ngày trời, tao nhặt nhạnh, vun vén hết đất đá, vun vén tất cả những gì bị bom nổ hất tung lên lấp xuống hố bom, những mong vun hết xương thịt, ruột máu của em bị bom làm tan nát xuống đó, đắp thành ngôi mộ này. Tao sắm một bát nhang, xin em cho tao được ở lại đây với em. Đêm ấy khi khấn xong, tao mắc võng nằm lại bên mộ. Em lại về với tao, mày ạ! Em ngồi xuống bên tao, nhìn tao mỉm cười, lặng lẽ gật đầu. Thế là tao quyết định sinh cơ, lập nghiệp nơi này. Để em vui và để tao và em mãi mãi được sống gần nhau…!

Tôi trân trân nhìn Hành như mới gặp lần đầu. Hạnh từ nãy đến giờ ngồi im lặng bấy giờ mới lên tiếng:

- Khi gia đình em nhận được thư anh Hành báo tin xây mộ cho chị Thục, bố con em liền vô đây. Lúc đó em vừa tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Hà Tĩnh. Em gặp nhà em bây giờ. Cảm tấm lòng anh ấy, tự dưng em thấy nếu mình rời xa nơi này là mình thành kẻ bội bạc. Em xin phép bố mẹ được ở lại với anh, với chị…!

- Với lại, - Tiếng Hành đã tươi tỉnh – Làm cái thằng người mà cứ ngồi ôm khư khư lấy nỗi đau thì sống thế quái nào được! Thục sẽ buồn biết mấy khi thấy tao chẳng còn là thằng Hành của em ngày xưa nữa. Đúng không mày?

Hành kéo tôi đứng dậy. Tôi vẫn còn bàng hoàng vì mấy đợt xúc động quá bất ngờ. Phía Đông mặt trời đang lên. Cả cánh rừng, cả ngôi mộ Thục, cả Hành, cả Hạnh, lung linh trong ánh bình minh huyền ảo. Tôi sững sờ. Kì lạ, sao bình minh nơi này cứ như cháy rừng rực một màu lửa tím…!

VN18+19/2016

Ngày nay các nhà văn, nhà thơ có cảm hứng sáng tác như thế nào

Ngày nay các nhà văn, nhà thơ có cảm hứng sáng tác như thế nào

Baovannghe.vn - Nhà lý luận phê bình Nguyên An cho rằng, cần phải nuôi dưỡng cảm hứng rồi mới bàn đến phát triển cảm hứng, trong thời gian gần, hoặc là ngay bây giờ
Ngày mới - Thơ Bạch Diệp

Ngày mới - Thơ Bạch Diệp

Baovannghe.vn- Những tia nắng sớm/ Mang mùi nhựa cây qua khe cửa
Trưng bày "Dấu ấn Di sản công nghiệp"

Trưng bày "Dấu ấn Di sản công nghiệp"

Baovannghe.vn - Bảo tàng Hà Nội sẽ tổ chức trưng bày chuyên đề Dấu ấn Di sản công nghiệp vào ngày 4/12, giới thiệu đến công chúng một số nhà máy, xí nghiệp trước năm 1975, nhằm tôn vinh các giá trị của nền di sản công nghiệp trong quá trình đổi mới, sáng tạo hiện nay.
Cơm lạnh - Truyện ngắn của Hương Val Malcot

Cơm lạnh - Truyện ngắn của Hương Val Malcot

Baovannghe.vn - Nghĩ lại cảnh chạm trán đó Ngọc vẫn buồn thỉu người. Cảm xúc đầu tiên thường găm thấu vào tim gan, vĩnh viễn cư ngụ ở đó, khó nhạt đi dầu lòng người đã thay đổi...
Gánh xanh trong giót đầy mắt sông ơi - Thơ Võ Văn Luyến

Gánh xanh trong giót đầy mắt sông ơi - Thơ Võ Văn Luyến

Baovannghe.vn- Những con sông ngày đêm thở than/ cạn dòng