Văn hóa nghệ thuật

Cách mạng Tháng Tám và hai ca khúc đi cùng năm tháng

Đỗ Anh Vũ
Âm nhạc
06:00 | 01/09/2024
Baovannghe.vn- Có lẽ trong lịch sử ca khúc Việt Nam hiện đại, chưa bao giờ có một ca khúc nào mà nhan đề lại là tên một ngày tháng cụ thể như ca khúc của nhạc sĩ Xuân Oanh. Mười chín tháng tám đã được tác giả viết ngay trên đường phố, trong thời điểm biểu tình giành chính quyền của đông đảo quần chúng nhân dân.
aa

Cách mạng Tháng Tám là sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước Việt Nam bước sang một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của độc lập tự do. Cách mạng Tháng Tám cũng đã trở thành nguồn cảm hứng cho biết bao tác phẩm văn học nghệ thuật ngay từ năm 1945 đến mãi về sau này. Xét riêng trong lĩnh vực âm nhạc, phải kể đến hai ca khúc vô cùng độc đáo, gắn với thành công vang dội của sự nghiệp cách mạng như một bước chuyển mình huy hoàng của dân tộc. Đó là các tác phẩm Mười chín tháng tám của nhạc sĩ Xuân Oanh và Ba Đình nắng (nhạc Bùi Công Kỷ, thơ Vũ Hoàng Địch).

Cách mạng Tháng Tám  và hai ca khúc đi cùng năm tháng
Cách mạng Tháng Tám là sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Ảnh Internet

1. Có lẽ trong lịch sử ca khúc Việt Nam hiện đại, chưa bao giờ có một ca khúc nào mà nhan đề lại là tên một ngày tháng cụ thể như ca khúc của nhạc sĩ Xuân Oanh. Mười chín tháng tám đã được tác giả viết ngay trên đường phố, trong thời điểm biểu tình giành chính quyền của đông đảo quần chúng nhân dân. Ông viết những ca từ và nốt nhạc đầu tiên lên một mẩu giấy của vỏ bao thuốc lá, viết được câu nào hát luôn câu đó, hướng dẫn cho đoàn biểu tình hát luôn từng câu nhạc đồng thời mọi người cũng có thể góp ý cho tác giả. Khi đoàn biểu tình đi đến quảng trường Nhà hát Lớn thì ca khúc cũng vừa kịp hoàn thành. Mười chín tháng tám được ký âm ở giọng sol trưởng, viết theo phong cách hành khúc vô cùng lôi cuốn, sôi nổi. Tiếng hát vang lên như muôn ngàn đợt sóng tràn bờ với cảm hứng dạt dào, cuốn cả biển người vào dòng thác lũ bất tận: Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai. Mười chín tháng tám khi khối dân căm hờn kêu thét. Đứng lên cùng hô: Mau diệt tan hết quân thù chung. Mười chín tháng tám, ánh sao tự do đem tới. Cờ bay nơi nơi, muôn ánh sao vàng. Máu pha tươi hồng trên lá cờ, đi khắp chốn giang san. Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề: Mười chín tháng tám, chớ quên là ngày khởi nghĩa. Hạnh phúc sáng tô, non sông Việt Nam. Điệp khúc Mười chín tháng tám được trải đều, lặp lại ba lần từ đầu đến cuối ca khúc như một điểm nhấn quan trọng về thời khắc lịch sử vĩ đại, hào hùng. Và tác giả của ca khúc chỉ mới 22 tuổi. Tên bài hát cũng trùng khít với thời điểm sáng tác. Ca khúc lập tức được lan tỏa rộng rãi từ Bắc vào Nam, từ thành thị đến nông thôn. Chỉ ít ngày sau đó, Mười chín tháng tám được thu âm và phát sóng liên tục trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9 năm 1945. Tên tuổi nhạc sĩ Xuân Oanh đồng thời được công chúng biết đến rộng rãi. Sau này, Mười chín tháng tám là bài hát đứng đầu cụm tác phẩm giúp nhạc sĩ Xuân Oanh nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt II năm 2007.

Nhạc sĩ Xuân Oanh, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ và nhà thơ Vũ Hoàng Địch đều đã về miền mây trắng, song tác phẩm của các ông vẫn còn trường tồn mãi mãi cùng đất nước Việt Nam và con người Việt Nam.

2. Nếu như Mười chín tháng tám được viết ngay vào thời điểm lịch sử nổ ra cuộc biểu tình thì Ba Đình nắng ra đời sau đó hai năm, vào mùa thu năm 1947. Khi ấy, nhà thơ Vũ Hoàng Địch về công tác tại Ty Thông tin tỉnh Phú Thọ cùng nhạc sĩ Bùi Công Kỳ. Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và quốc khánh 2/9 năm ấy, đồng chí Trưởng ty đã thân mật vỗ vai Vũ Hoàng Địch hỏi: Anh có thể làm một bài thơ chào mừng ngày độc lập được không? Lời đề nghị ấy làm bao ấn tượng, cảm xúc, kỷ niệm cách đó 2 năm ùa về trong lòng nhà thơ Vũ Hoàng Địch. Bởi chính vào buổi chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945, nhà thơ Vũ Hoàng Địch hòa trong dòng người cùng tham dự đại lễ tại quảng trường Ba Đình, được nghe từng lời ấm áp xúc động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài thơ đã được hoàn thành một cách nhanh chóng với hai điểm nhấn quan trọng. Một là câu nói của Bác Hồ đã đi vào lịch sử: Tôi nói đồng bào nghe rõ không? Hai là, bốn câu thơ của nhà thơ Vũ Hoàng Chương (anh trai nhà thơ Vũ Hoàng Địch) trong bài Nhớ về Hà Nội vàng son đã được thi sĩ dùng lại trọn vẹn trong bài Ba Đình Nắng: Ba mươi sáu phố ngày hôm ấy/ Là những dòng sông đỏ sắc cờ/ Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại/ Năm cánh xòe trên năm cửa ô. Bài thơ Ba Đình nắng được Vũ Hoàng Địch thể hiện với hình thức tự do, nhịp điệu tung tẩy hào hứng, tràn đầy rạng rỡ tự hào: Gió vút lên! Ngọn cờ trên kỳ đài phấp phới/ Gió vút lên! Đây bao nguồn sống mới dạt dào/ Tôi về đây lắng nghe trong tiếng gọi/ Của mùa thu cách mạng, mùa vàng sao/ Tôi về đây trong nắng nhớ thu nào/ Sao vàng mọc muôn sao vàng tung cánh/…Hoan hô! Ta đón Cha về, ta đón Cha về/ Đón trong nắng vàng tươi ngày độc lập/ A ha! Có tiếng người reo, sao vàng vừa mọc/ Cha hiện lên, lời nói hẹn thành công/ - Tôi nói đồng bào nghe rõ không?/ Ôi thân mến, lời Cha già dân tộc/ Bộ kaki đã bạc với gió sương/ Người hiện thân sức mạnh của hòa bình/ Nắng Ba Đình dậy tia sáng anh linh/ Còn ghi lại trên cỏ hoa đương nở/ Chiều nay về lòng ta vẫn nhớ/ Tiếng Cha già xen lẫn tiếng hoan hô…

Điều thú vị là nội dung bài thơ gần như được giữ nguyên vẹn khi đưa vào ca từ ca khúc. Bài hát Ba Đình nắng được viết với một điệu thức vô cùng phóng khoáng. Tác phẩm mở đầu với giọng rê trưởng, nhịp hơi chậm và nhẹ nhàng. Từ câu thứ mười, tốc độ chuyển sang nhanh hơn, linh hoạt hơn đồng thời ly điệu từ rê trưởng sang sol trưởng. Phần cuối của ca khúc chuyển nhịp từ 2/4 sang 3/4, nhịp nhàng như một điệu valse lôi cuốn mê say: Tôi về đây, lắng nghe trong gió mùa thơm ngát/ Đoàn thiếu nhi đang tưng bừng ca hát vang trời/ Tôi về đây lắng nghe trên quãng đường tiến bước/ Anh thương binh trong chiều vàng đang hát vang lừng/ Nhìn cờ trên kỳ đài phơi phới/ Anh thầm tin sắp tới thu nào/ Thu ngày mai thu thanh bình đời sẽ hết điêu linh/ Thu ngày mai thu chiến thắng/ Cờ vươn lên trong nắng hồng tươi. Nếu như Mười chín tháng tám đầy ắp những hình ảnh, màu sắc, âm thanh của thời hiện tại thì Ba Đình nắng lại có độ vang vọng của hồi tưởng, có thêm nhiều nhân vật, từ quần chúng nhân dân cho đến Bác Hồ, đoàn thiếu nhi, anh thương bình… Hai hình ảnh ánh sao và lá cờ hiện diện trong cả hai ca khúc Mười chín tháng tám và Ba Đình nắng. Trong bài hát của nhạc sĩ Xuân Oanh, ánh sao và là cờ xuất hiện trong đoạn giữa của tác phẩm: Ánh sao tự do đem tới. Cờ bay nơi nơi muôn ánh sao vàng. Máu pha tươi hồng trên lá cờ đi khắp chốn giang san. Còn ở Ba Đình nắng, lá cờ xuất hiện ngay từ câu đầu tiên: Gió vút lên! Ngọn cờ trên kỳ đài phấp phới. Và sau đó là sao vàng: Sao vàng mọc muôn sao vàng tung cánh/…Có tiếng người reo vang sao vàng vừa mọc. Hình ảnh lá cờ tiếp tục trở lại trong phần cuối của Ba Đình nắng: Nhìn cờ trên kỳ đài phơi phới…/ Cờ vươn lên trong nắng hồng tươi. Có thể nói, bắt đầu từ hình ảnh sao vàng trong bài thơ Thụy bất trước trong tập Nhật ký trong tù của Bác (Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh), lá cờ đỏ sao vàng đã trở thành một hình tượng lộng lẫy trong thơ ca cách mạng Việt Nam sau này, có trong nhiều tác phẩm mà Mười chín tháng tám Ba Đình nắng là hai đại diện tiêu biểu.

Hai ca khúc Mười chín tháng támBa Đình nắng có thể nói đã đồng hành cùng lịch sử cách mạng Việt Nam. Gần 80 năm qua đã có rất nhiều bản thu âm, nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thể hiện hai ca khúc. Nếu như Mười chín tháng tám thường được trình bày với hình thức tốp ca/ đồng ca thì Ba Đình nắng lại phù hợp với hình thức đơn ca. Nhạc sĩ Xuân Oanh, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ và nhà thơ Vũ Hoàng Địch đều đã về miền mây trắng, song tác phẩm của các ông vẫn còn trường tồn mãi mãi cùng đất nước Việt Nam và con người Việt Nam. Mỗi lần nghe lại hai ca khúc cũng chính là để bồi đắp thêm lòng yêu nước và niềm kiêu hãnh, tự hào về lịch sử hào hùng của dân tộc chúng ta.

Đỗ Anh Vũ

---------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Bộ Chính trị "tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" Tân Bí thư Thành ủy Hà Nội: Nỗ lực xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh Bộ Chính trị trao Huân chương Sao Vàng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì Phiên họp thường kỳ Bộ Chính trị Bộ Chính trị kết luận về Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn