Trong bản Tuyên ngôn độc lập bất hủ đọc tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và toàn thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”
79 năm qua, kể từ ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - ra đời, toàn dân ta đã đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập, lần lượt đánh bại những thế lực xâm lược hùng mạnh bậc nhất thế giới. Cuộc trường chinh vệ quốc vĩ đại kéo dài ngót ba mươi năm, đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Tiếp đó lại phải tiến hành 2 cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, trong lúc Việt Nam đang bị Mỹ và phương Tây bao vây, cấm vận tứ bề. Cùng đó là những yếu kém, ấu trĩ, rập khuôn... trong tư duy kinh tế và quản lý xã hội, mà đỉnh điểm là những hệ lụy trong việc xử lý mối quan hệ Giá-Lương-Tiền những năm giữa thập niên 80, khiến đất nước như lên cơn sốt với “tốc độ phi mã” của lạm phát, trượt giá… kéo theo những tiêu cực xã hội và sự ly tán lòng người…
Đúng như cổ nhân đã dạy: “Cùng tắc biến, biến tắc thông.” Công cuộc Đổi mới do Đảng ta phát động và lãnh đạo, như một sự “bừng thức” tất yếu của thời cuộc, với khẩn trương “Những việc cần làm ngay!” và tinh thần “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu” đã được toàn dân háo hức đón nhận. Tuy nhiên, quá trình đổi mới tư duy để đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và quản lý xã hội là một cuộc chiến đấu không kém phần gay go quyết liệt. Bởi đó trước hết là cuộc chiến đấu để vượt qua chính mình, để tấn công vào những định kiến già cỗi trong ý thức và tiềm thức của dằng dặc mấy chục năm chiến tranh và hậu chiến tranh. Và Đảng ta đã dũng cảm lãnh nhận phần trách nhiệm, để khởi xướng, tổ chức và lãnh đạo công cuộc đổi mới mạnh mẽ và toàn diện suốt gần bốn chục năm qua.
79 năm trước, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam mới ra đời, gắn liền với mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc. Theo tiến trình lịch sử, xu thế thời đại và kiên định trên con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn, sau khi hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trở thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhưng mục tiêu Độc lập - Tự do - Hạnh phúc vẫn bất di bất dịch. Dẫu rằng trong quá trình đấu tranh để giành và giữ nền Độc lập, thực hiện Tự do và dựng xây Hạnh phúc, trong từng giai đoạn lịch sử, những khái niệm trên đây cũng mang tính lịch sử và cụ thể. Theo đó, để đạt được mục đích của Độc lập - Tự do - Hạnh phúc trong ý nghĩa trọn vẹn của nó, sự nghiệp cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhất quyết phải tựa vào chủ nghĩa yêu nước của dân tộc và nguyên lý lấy dân làm gốc; đặc biệt là chủ trương Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội.
Mọi thành quả cách mạng không thể đến dễ dàng, cũng không thể một sớm một chiều mà có. Cuộc sống đâu chỉ có hoa hồng, mật ngọt. Kẻ thù bên ngoài và kẻ thù bên trong - giặc nội xâm, tham nhũng và tiêu cực như những con vi-rút truyền nhiễm phá phách, đục khoét. Trên các trang mạng xã hội trong nước và ngoài nước, với những động cơ khác nhau, không ít ý kiến trái chiều, xuyên tạc, bôi nhọ, chống phá. Nhưng nhân nghĩa và chính nghĩa là điều không ai có thể cản bước, càng nhiều gian nan, thử thách thì đất nước ta, nhân dân ta càng vững một niềm tin yêu, chung sức đồng lòng đoàn kết bên nhau, vượt qua gian nan thử thách một cách ngoạn mục.
Với sự chèo lái của Đảng quang vinh, con tàu Việt Nam vẫn vững vàng ra khơi, tiến vào biển lớn, để cập bến bờ vinh quang. Giữa trùng khơi và giông bão, đòi hỏi vững tay chèo, bản lĩnh và tầm trí tuệ vượt trội. Thành công được khẳng định từ đời sống người dân, từ thành quả công cuộc Đổi mới, đất nước sống trong sự ổn định và hòa bình, dù tình hình thế giới và khu vực có nhiều bất ổn, đó mới là những giá trị cốt lõi. Hãy nhìn lên tấm bản đồ chính trị thế giới để thấy nơi nào ổn định và bình yên, nơi nào đang chao đảo, mưa sa bão giật? Thế giới đương đại đang chuyển từ đơn cực sang đa cực, chiến lược và sự toan tính giữa các nước lớn đẩy thế giới vào nguy cơ bùng nổ chiến tranh và xung đột bất cứ lúc nào. Rồi nữa, tình hình Trung Đông hầm hập như núi lửa sắp phun trào, riêng dải Gaza thì gần một năm nay đang chìm ngập trong bom đạn tang thương. Tại khu vực Mỹ Latin, khu vực Nam Á, châu Phi... và nhiều nơi khác cũng đang âm ỉ các cuộc xung đột, chực chờ nổ súng, dội bom...
Chiến tranh, dù với bất kể lý do gì, cũng là điều hết sức tồi tệ và vô cùng bất hạnh. Là một đất nước đã phải trải qua biết bao cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ để giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, nhân dân Việt Nam hiểu rõ hơn ai hết sự khốc liệt của chiến tranh. Trong tâm trí của nhiều thế hệ người Việt còn in đậm hình ảnh những cuộc tản cư chạy giặc lếch thếch, nháo nhác; những trận địch càn xóm làng dậy tiếng la thét hoảng loạn, rừng rực lửa cháy, nhà đổ; những trận mưa bom B52 rải thảm khiến trong chớp mắt làng mạc, phố xá, trường học, bệnh viện tan hoang, người chết nằm đè lên người chết… Những thảm cảnh đó đã lùi xa nhiều chục năm, nhưng di chứng của nó thì vẫn còn nhức nhối trong đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của nhiều số phận, nhiều gia đình, nhiều thế hệ trên đất nước này, thống thiết nhắc nhở mỗi người về giá trị vô bờ bến của cuộc sống hòa bình hiện nay. Hạnh phúc nào hơn được sinh sống và làm ăn trên một đất nước yên ổn, hơn thế nữa là một đất nước yên ổn và đang từng bước đổi mới và phát triển như đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta hiện nay? Đó là lý do căn cốt và thiết thực nhất mà chúng ta kiên quyết phản đối chiến tranh, bất kể chúng đến từ đâu và xảy ra ở bất kể nơi nào trên trái đất này.
Và để vượt qua những thách thức, trở ngại trên con đường tiến tới giàu mạnh văn minh, thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đòi hỏi phải huy động sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân, của dân tộc và thời đại; đồng thời phải tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Trong đó, phải gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường… với củng cố quốc phòng và an ninh; đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển. “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay!” Đó là điều không chỉ chúng ta tự hào nhìn nhận, mà còn là sự thật được bạn bè quốc tế công nhận. Đó là thành quả vô giá mà toàn thể nhân dân Việt Nam quyết giữ gìn và phát huy.
Phạm Quốc Toàn | Báo Văn nghệ