Diễn đàn lý luận

Cách mạng Tháng Tám qua hồi ức của các vị tướng

Hoàng Minh Đức
Tác phẩm và dư luận
11:28 | 29/08/2024
Baovannghe.vn - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một chân trời mới, một bước ngoặt lịch sử vĩ đại để đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
aa

Lần đầu tiên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) non trẻ, 15 tuổi đời đã làm nên kì tích tiến hành một cuộc cách mạng long trời lở đất, xây dựng nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

1. Những cuộc tổng diễn tập trước Cách mạng Tháng Tám

Ngay sau khi mới ra đời Đảng ta đã phát động cuộc đấu tranh chính trị và vũ trang, mà đỉnh cao là phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh (1930-1931). Đây là cuộc tổng diễn tập đầu tiên, trở thành một mốc son chói lọi của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Tuy đế quốc đã dập tắt phong trào trong một biển máu, nhưng Xô viết Nghệ - Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này…”

Tiếp sau phong trào Xô viết Nghệ - Tĩnh là các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Nam Kỳ, thành lập các khu du kích trong cả nước. Đó là các cuộc tập dượt có ý nghĩa quan trọng để đi tới thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám sau này.

Khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử, lực lượng văn nghệ sĩ và các cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, những người lính, những vị tướng bắt đầu viết hồi ký về những năm tháng đấu tranh gian khổ này.

Trong hai mảng đề tài chiến tranh, cách mạng và đời sống văn hóa, văn nghệ thì hầu hết các tướng lĩnh thiên về viết hồi ký mảng đề tài chiến tranh, cách mạng mà suốt đời mình tham gia, gắn bó.

Cách mạng Tháng Tám qua hồi ức của các vị tướng
Đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc lời tuyên thệ trong ngày thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại Cao Bằng, ngày 22-12-1944. Ảnh: TTXVN

Đó là các vị tướng Võ Nguyên Giáp, Chu Huy Mân, Trần Sâm, Chu Văn Tấn, Phùng Thế Tài, Song Hào, Đồng Sĩ Nguyên, Vũ Cao, Lê Văn Tri, Mai Xuân Vĩnh, Cao Pha, Võ Bẩm... Đáng chú ý nhất là Tổng tập Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong đó có phần “Từ nhân dân mà ra” do nhà văn Hữu Mai thể hiện; Thời sôi động của Đại tướng Chu Huy Mân; Trọn đời đi theo Bác của Thượng tướng Phùng Thế Tài; Kỷ niệm Cứu quốc quân của Thượng tướng Chu Văn Tấn; Trọn một con đường của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên... Tất cả đều toát lên lòng cảm phục, tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ.

Trong Từ Nhân dân mà ra, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết từ tháng 9 năm 1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, tại Đông Dương bọn thực dân Pháp thủ tiêu nốt chút quyền tự do dân chủ mà nhân dân ta đã đấu tranh giành được từ ngày Mặt trận Bình dân Pháp thắng lợi. Mọi sách báo công khai của Đảng đều bị chúng cấm, nhiều đồng chí của ta bị bắt.

Tháng 4 năm 1940, Đảng ta đã cử hai đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc gặp Bác. Trước lúc lên đường, đồng chí Hoàng Văn Thụ truyền đạt lại những nghị quyết của Đảng trong Hội nghị Trung ương lần thứ sáu cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đảng ta đã nhận định con đường sống duy nhất của các dân tộc Đông Dương là phải đánh đổ đế quốc Pháp, chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông Dương, đánh đổ đế quốc và phong kiến, giải phóng các dân tộc Đông Dương. Đồng chí nói: “Tình hình này sớm muộn thế nào bọn phát xít Nhật cũng chiếm đóng Đông Dương. Như vậy rất có thể quân Đồng minh cũng sẽ đổ bộ vào. Cách mạng ta cần phải có lực lượng quân sự. Chúng ta phải chuẩn bị nhiều mặt để phát động chiến tranh du kích thì mới kịp thời được.” Lúc đó đồng chí Võ Nguyên Giáp nghĩ ngay đến chiến tranh khu du kích của Bát Lộ quân, Tân Tứ quân Trung Quốc, nghĩa quân Lam Sơn chống quân Minh dưới thời Lê Lợi. Đây cũng chính là đường lối chiến tranh nhân dân sau này mà Đảng ta phát động và thực hiện suốt ba mươi năm chống giặc ngoại xâm.

Đầu tháng 6 năm 1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Phùng Chí Kiên dẫn đến Thúy Hồ gặp Bác Hồ. Ngay từ phút đầu tiên, ông đã cảm thấy như mình được ở rất gần Bác, được quen biết Bác từ lâu rồi. Bác nói: “Các đồng chí ra được thế này là tốt. Vài ngày nữa sẽ bố trí công tác cho các đồng chí.” Bác Hồ dự định cho Võ Nguyên Giáp học trường chính trị và quân sự của quân giải phóng nhân dân Trung Quốc tại Diên An. Nhưng đường lên Diên An rất khó khăn, tình hình thế giới và trong nước đã biến chuyển mau lẹ nên phải cấp bách về nước.

Ngày 22 tháng 9 năm 1940, phát xít Nhật đem quân tiến đánh Lạng Sơn, đồng thời cho 6000 quân đổ bộ lên Đồ Sơn, Hải Phòng. Bọn Pháp ươn hèn bỏ chạy. Tên toàn quyền Đờ-cu quỳ gối đầu hàng, dâng Đông Dương cho Nhật. Hệ thống chính quyền của địch ở Thái Nguyên, Lạng Sơn bị lung lay. Khí thế cách mạng của quần chúng sục sôi.

Vùng Bắc Sơn - Vũ Nhai, một số đảng viên quần chúng cách mạng bị bắt nhưng phong trào vẫn tồn tại, phát triển. Một số lính khố đỏ, khố xanh ngả theo cách mạng. Một số đảng viên cộng sản bị giam cầm ở nhà tù Lạng Sơn vượt ngục thoát về. Kết hợp với các đồng chí ở địa phương họ thành lập Ban chỉ huy khởi nghĩa chỉ định đánh đồn Mỏ Nhài. Tri Châu và bọn lính trong đồn bỏ chạy.

Phát xít Nhật nhận thấy rằng lật đổ ngay thực dân Pháp lúc này chưa có lợi nên chúng thỏa hiệp với Pháp để cho Pháp đàn áp quân khởi nghĩa. Chúng tập trung quân chiếm lại đồn Bình Gia, đồn Mỏ Nhài và tổ chức khủng bố trắng.

Tháng 11 năm 1940, Hội nghị lần thứ bảy của Trung ương chỉ rõ: “Một cao trào cách mạng nhất định sẽ nổi dậy, Đảng phải chuẩn bị gánh lấy sứ mệnh thiêng liêng lãnh đạo cho các dân tộc bị áp bức ở Đông Dương vũ trang bạo động giành lấy quyền tự do độc lập.” Hội nghị khẳng định ở những nơi có điều kiện tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Đồng chí Hoàng Văn Thụ được giao nhiệm vụ cùng các đồng chí ở Bắc Sơn - Vũ Nhai làm trung tâm thành lập những đội vũ trang. Khi cần thì chiến đấu chống khủng bố, bảo vệ sinh mệnh, tài sản của nhân dân, phát triển cơ sở cách mạng. Đội du kích Bắc Sơn chia thành từng tổ gây dựng lại cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng.

Trong hồi ký Kỷ niệm Cứu quốc quân, Thượng tướng Chu Văn Tấn kể lại: Cuộc khởi nghĩa diễn ra tự phát, nên khi Chu Văn Tấn là lãnh đạo chi bộ được tin, ông cấp tốc liên lạc với Xứ ủy Bắc Kỳ xin chỉ thị.

Xứ ủy nhanh chóng điều đồng chí Trần Đăng Ninh về Bắc Sơn cùng ông thiết lập ủy ban khởi nghĩa ngày 16-10, thành lập đội du kích gồm 20 người, và tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân.

Lực lượng khởi nghĩa đánh phá nhà cửa của các thành phần phản động, tịch thu thóc gạo, vải vóc và tiền bạc đem chia cho dân nghèo. Họ cũng xử tử các nhân vật làm mật thám cho Pháp.

Ngày 28 tháng 10, khoảng một ngàn người tập trung tại làng Vũ Lăng để nghe diễn văn cách mạng. Quân Pháp theo đường tắt tấn công vào khu mít tinh. Quân Nhật không can thiệp, để Pháp tái lập trật tự, theo thỏa thuận đã ký ngày 22 tháng 9. Đến cuối năm 1940 thì khởi nghĩa Bắc Sơn coi như tan rã hoàn toàn. Sau Hội nghị Trung ương lần thứ bảy, Chu Văn Tấn đã nhiều lần cho cán bộ ra nước ngoài bắt mối liên lạc với Quốc tế Cộng sản và bộ phận đối ngoại của Đảng để xin ý kiến. Có đồng chí sang tới Long Châu (Trung Quốc) đợi hai tháng vẫn không liên lạc được phải quay về. Sang đầu năm 1941, ông nhận được chỉ thị tìm đường và bảo vệ cho các đồng chí Trung ương đi dự Hội nghị Trung ương lần thứ tám do Bác Hồ triệu tập.

Tháng 2 năm 1941, các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt, Trần Đăng Ninh lên khu du kích Bắc Sơn. Trung ương quyết định đổi tên Đội du kích Bắc Sơn thành đội “Cứu quốc quân”.

Ngày 14 tháng 2 năm 1941, Trung đội Cứu quốc quân I làm lễ chính thức thành lập ở khe Khuổi Nọi, bên một dòng suối nhỏ chảy giữa cánh rừng sâu của xã Vũ Lễ, giáp hai châu Vũ Nhai và Bắc Sơn. Toàn đội gồm 24 chiến sĩ là cán bộ, đảng viên miền xuôi và miền ngược đã lớn lên trong phong trào Bắc Sơn khởi nghĩa, đã từng hoạt động trong cuộc đấu tranh sống mái với quân thù.

Ở Nam Kỳ, ngay từ tháng 3 năm 1940, Bí thư Xứ ủy Võ Văn Tần soạn thảo đề cương chuẩn bị đưa các hoạt động lẻ tẻ vào phong trào chống Pháp, chuẩn bị nổi dậy dùng vũ lực cướp chính quyền. Nhân dân góp nồi đồng, mâm thau, lư hương sản xuất vũ khí. Các đội tự vệ, du kích dưới sự chỉ đạo của các đồng chí Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, các xí nghiệp lớn ở Sài Gòn như xưởng Ba Son, bến tàu, nhà đèn Chợ Quán, trường Bách Nghệ và các xã ở vùng nông thôn có từ một tiểu đội đến một trung đội.

Phong trào chống chiến tranh, chống bắt lính với khẩu hiệu “Không một người lính, không một đồng xu cho đế quốc chiến tranh” diễn ra sôi nổi. Phần lớn trong 15.000 binh lính người Việt trong quân đội Pháp đóng ở Sài Gòn sẵn sàng phối hợp nổi dậy.

Ngày 17 tháng 1 năm 1940, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và các đồng chí Lê Duẩn, Vũ Đình Hiếu bị bắt. Mấy hôm sau chúng bắt được tất cả 17 người với nhiều tài liệu quan trọng. Ngày 21 tháng 4 năm 1940, Võ Văn Tần bị bắt ở xã Tân Xuân, Hóc Môn. Đến cuối tháng 7 năm 1940 nhiều đồng chí ở Xứ ủy Nam Kỳ bị giặc bắt trong đó có các tài liệu với những kế hoạch khá tỉ mỉ của cuộc khởi nghĩa.

Tháng 11, đồng chí Phan Đăng Lưu ra dự Hội nghị Trung ương lần thứ bảy và xin chỉ thị của Trung ương. Sau khi nghe báo cáo tình hình, Trung ương đề nghị tạm hoãn thời gian khởi nghĩa lại vì điều kiện chưa chín muồi, hơn nữa kế hoạch có thể đã bị lộ.

Ngày 22 tháng 11 năm 1940, đồng chí Phan Đăng Lưu mới về đến Sài Gòn thì trước đó 2 ngày, Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ đã phát động cuộc khởi nghĩa (khởi nghĩa vào lúc 24 giờ, ngày 22 tháng 11 năm 1940). Vào lúc 16 giờ, ngày 22 tháng 11 năm 1940, đồng chí Bí thư Xứ ủy Tạ Uyên (thay Võ Văn Tần) bị bắt, sau đó là Phan Đăng Lưu và gần 50 người khác cũng sa lưới Phòng nhì Pháp trước giờ khởi nghĩa.

Mặc dù vậy, đêm 22, rạng ngày 23 tất cả 18 tỉnh Nam Kỳ vẫn đứng lên giành chính quyền. Tại Mỹ Tho chính quyền giữ được lâu nhất (49 ngày), 54 trong số 56 xã bị nghĩa quân chiếm giữ. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng và lá cờ búa liềm được treo lên trước nhà làm việc của chính quyền cách mạng.

Lúc này Bác Hồ và đồng chí Phùng Chí Kiên đang ở tại một làng cách Tĩnh Tây Trung Quốc năm chục cây số. Bác cho gọi hai đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp đến để mở lớp huấn luyện trở về Cao Bằng xây dựng căn cứ địa cách mạng. Lớp huấn luyện gồm 40 người, được tổ chức ở một vùng dân tộc Nùng đã từng chịu ảnh hưởng của Hồng quân Trung Hoa trong thời kỳ Hồng quân hoạt động ở Quảng Tây. Cả lớp ngoảnh mặt cả về phương Nam, hoan hô tinh thần Nam Kỳ khởi nghĩa, thề sẽ thẳng tiến không lùi bước trên con đường cách mạng chông gai, một ngày kia sẽ đem lá cờ thiêng liêng này về nêu cao giữa Thủ đô Hà Nội.

Cách mạng Tháng Tám qua hồi ức của các vị tướng

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã mở ra một chân trời mới, một bước ngoặt lịch sử vĩ đại để đưa đất nước. Ảnh Internet

Tháng 4 năm 1941, đồng chí Võ Nguyên Giáp được chỉ thị ở lại Quế Lâm gặp Lý Tế Thâm, một sĩ quan cao cấp của Quốc dân Đảng yêu cầu mở cho những người trong “Việt Nam giải phóng đồng minh” một lớp huấn luyện quân sự. Nhiều đồng chí ở nước nhà được cử sang học như các đồng chí Hoàng Văn Thái, Nam Long, Quang Trung, Thanh Phong... Thời gian này, các học viên thường đi lại giữa Tĩnh Tây và nơi làm việc mới của Bác ở trong nước, tại hang Pác Bó, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.

Tại Trung Kỳ, cuốn hồi ký Trọn một con đường của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên kể lại phong trào cách mạng ở Quảng Bình như sau: Đến năm 1940, lúc mới tròn 17 tuổi, đồng chí được bầu làm Bí thư Chi bộ Thôn Trung, lấy bí danh là Chi bộ Bình. Nhà đồng chí là nơi đón cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ về công tác. Năm 1941, đồng chí vào Huế học tập kinh nghiệm xây dựng cơ sở bí mật. Đồng chí về xây dựng căn cứ ở vùng Troóc, Pheo, một địa bàn rừng núi hiểm trở thông với Lào chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang khi có thời cơ. Đến năm 1942, tỉnh Quảng Bình đã phát triển lên 9 chi bộ Đảng. Tháng 5 năm 1942 với sự chứng kiến của đồng chí Bùi Trung Lập - phái viên Xứ ủy Trung Kỳ, Phủ ủy phủ Quảng Trạch được thành lập.

Cuối năm 1943, một liên lạc viên giữa hai tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình bị địch bắt. Không chịu nổi đòn tra tấn của địch, cô đã khai ra các đồng chí trong xứ ủy. Trong danh sách truy nã có tên của đồng chí Đồng Sỹ Nguyên (Nguyễn Văn Đồng). Một số đảng viên đã sa vào tay giặc. Những đồng chí chưa bị lộ theo thuyền của ông Vũ Lộ, bố của đồng chí Vũ Trung, ngược dòng sông Gianh sang Lào rồi qua Thái Lan. Tại đây họ gặp được bà con người Việt, người Thái, những nơi mà Bác Hồ đã từng sinh sống và hoạt động cách mạng. Họ tiếp tục giáo dục chính trị cho các chi bộ cơ sở trên đất Thái Lan. Đến tháng 2 năm 1945, được tin hồng quân Liên Xô đang trên đà thắng lớn, các đồng chí mới về nước. Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên được bầu làm Chủ nhiệm Việt Minh của tỉnh Quảng Bình. Đồng chí đã lên vùng Troóc, Pheo tước bỏ vũ khí của 200 tàn quân Pháp đang trên đường chạy trốn sang Lào. Quân cách mạng đã vận động được nhiều binh lính người Việt trở về với nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám qua hồi ức của các vị tướng
Quân và dân Thủ đô đánh chiếm Bắc Bộ phủ, cơ quan đầu não của Chính quyền tay sai Pháp ngày 19-8-1945. Cách mạng Tháng Tám đã mở ra thời đại mới ở Việt Nam. Ảnh: TTXVN

2. Tháng tám, mùa thu cách mạng

Như vậy khắp ba kỳ Bắc, Trung, Nam đều sẵn sàng cho cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân. Ở căn cứ địa cách mạng Pắc Bó, Cao Bằng, Bác Hồ đã ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Chi bộ lúc đầu gồm các đồng chí: Xích Thắng, Hoàng Sâm, Hoàng Văn Thái và Võ Nguyên Giáp. Đồng chí Xích Thắng làm Thư ký Chi bộ. Đồng chí Hoàng Sâm, Đội trưởng; đồng chí Xích Thắng, Chính trị viên. Mục tiêu trước mắt là tuyên truyền vận động, sau là dùng bạo lực cách mạng để cướp chính quyền.

Bác chỉ thị: “Trong vòng một tháng phải có hoạt động để gây tin tưởng cho các chiến sĩ và gây truyền thống hành động tích cực nhanh chóng cho bộ đội.” Lực lượng của ta trong thời kỳ trứng nước còn rất mỏng manh. Mỗi khẩu súng trường chỉ có trung bình hai mươi viên đạn. Chỉ cần đánh một hai trận là sẽ bắn đến viên đạn cuối cùng. Bọn chỉ huy người Pháp vốn không tin ở binh lính người Việt, nên khi đi tuần chúng chỉ phát cho mỗi tên lính từ năm đến mười viên đạn. Cuối cùng đội quyết định chọn cách đánh đồn sẽ lấy được nhiều đạn dược nhất.

Từ một đội quân cách mạng ban đầu chỉ có 34 chiến sĩ, sau hai ngày thành lập ta đã đánh thắng hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần.

Lúc này Giải phóng quân nhiều nơi được thành lập, càng đánh càng mạnh. Nhân dân nô nức tham gia phong trào cứu quốc. Khu giải phóng được mở rộng.

Ngày 13 tháng 8, có tin Nhật đầu hàng Đồng minh, quân đội Nhật ở các nơi đã buông súng. Đúng 23 giờ đêm, Ủy ban chỉ huy tạm thời Khu giải phóng hạ lệnh khởi nghĩa. Các đơn vị Giải phóng quân đóng tại Chợ Chu, Tuyên Quang được lệnh chuyển gấp về tập trung tại Tân Trào. Ngày 14 tháng 8, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp. Bác Hồ vừa dứt cơn sốt, cũng gắng gượng tới dự. Hội nghị nhận định “Cơ hội rất tốt cho ta giành quyền độc lập đã tới.” Hội nghị quyết định thống nhất biên chế, kỷ luật, tăng cường công tác chính trị ở những đơn vị Giải phóng quân mới ở ngoài Khu giải phóng.

Sang ngày 15 tháng 8, được tin Nhật Hoàng đầu hàng Đồng minh, Hội nghị quyết định thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc để lãnh đạo tổng khởi nghĩa và thành lập Bộ tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam. Các đại biểu về dự Quốc dân đại hội đều có mặt dưới cây đa Tân Trào để tiễn bộ đội lên đường chiến đấu.

Đồng chí Trần Huy Liệu thay mặt Ủy ban khởi nghĩa khởi thảo Quân lệnh số 1. Giải phóng quân Bắc Kạn tiến đánh vào thị xã. Cờ đỏ sao vàng đã xuất hiện trên bờ tre, mái đình những làng dọc đường tiến quân. Quân địch đã trở nên bé nhỏ giữa vòng vây trùng trùng điệp điệp của nhân dân. Nhưng trại Nhật ở thị xã Thái Nguyên là ngoan cố nhất. Đại đội Quang Trung phải dùng súng Bazooka bắn thẳng vào doanh trại nhưng chúng bắn trả, không chịu đầu hàng. Nhân dân dựng chiến lũy khắp các đường phố, bất chấp đạn địch, mang cơm nước, đạn dược đến cho bộ đội. Sang ngày thứ ba thì tin khởi nghĩa ở Hà Nội thắng lợi được truyền đến. Sau Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam (18-8-1945) là Thủ đô Hà Nội giành được chính quyền. Đây là các địa phương giành được chính quyền sớm nhất trong cả nước. Một bộ phận Việt Nam Giải phóng quân được lệnh ở lại bao vây Thái Nguyên, còn đại quân thì tiến thẳng về Hà Nội.

Trong cuốn hồi ký Mặt đất và bầu trời, Trung tướng Lê Văn Tri cho biết, sau khi trốn khỏi trại giam, ông vào gặp đồng chí Huỳnh Văn Nghệ, một nhà hoạt động cách mạng ở Sài Gòn. Trong cao trào chuẩn bị khởi nghĩa ở Nam Bộ, tháng 3 năm 1945, ông gia nhập đội Thanh niên Tiền phong do Huỳnh Văn Nghệ phụ trách tại Biên Hòa. Ngày 25 tháng 8 năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền tại Sài Gòn. Như vậy tính đến ngày 25 tháng 8, tại các tỉnh Hà Đông, Phủ Lý, Nam Định, Hưng Yên, Tuyên Quang, Phúc Yên, Việt Trì, Bắc Giang, Kiến An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Huế, Nghệ An, Quảng Ngãi... đã giành được chính quyền.

Cả ba tỉnh Bình - Trị - Thiên đều giành được chính quyền trong ngày 23 tháng 8 năm 1945. Đồng chí Tố Hữu, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa của thành phố Huế đọc diễn văn, vua Bảo Đại đánh điện mời đại biểu của Chính phủ lâm thời vào kinh đô để trao ấn kiếm. Ở Quảng Bình, đồng chí Đồng Sĩ Nguyên lệnh cho các huyện, thị khởi nghĩa. Sáng ngày 23 tháng 8 các huyện thị đều đứng lên giành chính quyền. Gần ba vạn đồng bào xung quanh thị xã Đồng Hới mít tinh tuần hành, cướp chính quyền. Ngày 2 tháng 9 năm 1945, đồng bào tập trung tại sân vận động Đồng Hới để nghe Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập qua sóng phát thanh. Nhưng vì bị trục trặc kỹ thuật nên đồng chí Đồng Sĩ Nguyên phải đọc qua loa phóng thanh (bản Tuyên ngôn độc lập mà trên gửi cho Chủ nhiệm Việt Minh từ trước).

Như vậy, chỉ trong 15 ngày cuối tháng 8 năm 1945, cách mạng đã thành công trong cả nước. Đó là sự đấu tranh bền bỉ, kiên cường, không mệt mỏi, một sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Đảng ta, quân đội và nhân dân ta, biết chớp lấy thời cơ trước cơ hội ngàn năm có một để làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Thế mà các thế lực thù địch phản động, lưu vong, muốn hạ thấp uy tín của Đảng ta, chúng rêu rao: “Thắng lợi là một sự ăn may, vì chủ nghĩa phát xít đã thua trong Thế chiến thứ II, nên Việt Nam dễ giành được kết quả nhanh chóng chứ Đảng Cộng sản Việt Nam chẳng có tài cán gì.”

Chặng đường bảy mươi chín năm nhìn lại, Đảng ta đã xây dựng một nhà nước Việt Nam độc lập của dân và vì dân đang trên con đường đổi mới. Hồi ký của các vị tướng giúp ta có cái nhìn mới mẻ về lịch sử, ta càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, con đường mà Bác Hồ đã chọn. Những cuốn hồi ký đã tường thuật lại một cách chân thực, sinh động những năm tháng hào hùng của đời mình gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân tộc. Ta càng tự hào vì mình được sống trong thời đại Hồ Chí Minh.

Hoàng Minh Đức

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

70 năm Hiệp định Geneva: Nguồn cảm hứng to lớn cho phong trào giải phóng dân tộc Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tri ân người có công với cách mạng năm 2024 Khai mạc Trại sáng tác văn học về đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng Mời quý vị đón đọc Báo Văn nghệ số 35+36/2024 Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9: Dân là Nước
Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Nguyễn Đình Thi - Thơ Nguyên Hùng

Baovannghe.vn- Sinh ở Lào nhưng là người Hà Nội/ Một nghệ sĩ hào hoa sắc sảo đa tài
Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Triển lãm nghệ thuật "Sắc màu bừng nở"

Baovannghe.vn - Từ ngày 23/11 đến ngày 15/12/2024, tại Nguyen Art Gallery (Hà Nội), sẽ diễn ra triển lãm tranh màu nước Colors in Bloom - Sắc màu bừng nở của nhóm 6 họa sĩ trẻ.
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...