Sáng tác

Cầu thang hẹp. Truyện ngắn của Phong Điệp

Phong Điệp
Truyện
06:00 | 02/10/2024
Baovannghe.vn - Khi nào có người ra vào y như rằng cái cổng sắt lại rít lên kèn kẹt. Có hôm mười hai giờ trưa, đang thiu thiu ngủ cũng nghe cái tiếng dùi khoan ấy xói vào màng nhĩ
aa
Cầu thang hẹp. Truyện ngắn của Phong Điệp
Cầu thang hẹp - truyện ngắn của Phong Điệp

Ăn mày bây giờ lịch sự quá đáng. Nào mở cổng, bấm chuông và những lời thở than hết sức bài bản. Tranh thủ được mấy tí đảo qua nhà mà chẳng bõ. Người cứ tơi ra như vừa lên sới vật. Quay đi quay lại vẫn thấy bà ngồi thu lu như con mèo ốm trên ghế bành da cũ kĩ, miệng lẩm bẩm những gì không rõ ràng.

Bao nhiêu việc có ra đâu vào đâu. Trần nhà vữa long nham nhở. Động mưa một tí là nước lại thấm tí tách xuống nền. Cái gác xép trăm thứ bà dằm chất đống hết ngày này sang tháng khác. Không tối nào chuột không gặm tổ, đuổi cắn nhau chí chóe trên ấy. Rõ khổ, động vật cái gì cũng tiếc. Thì đấy, có cái ghế bành kê sát chân cầu thang bà ngồi bó gối suốt ngày. Người đờ dẫn, nghe tiếng mọt nghiến rào rào. Thằng em bàn kế:

- Hay chủ nhật tới, em đưa bà đi sinh hoạt tổ phụ lão, anh tranh thủ lên dọn. Cái gì không cần cứ bảo xe rác nó giải quyết hết cho. Lưu cữu mãi chẳng bõ cho chuột nó làm tổ.

Bà có đi ra đi vào một tí là về. Cái bệnh đau cột sống cấm có rời nhà được lâu. Mà về đến nhà là dáo dác ngóng lên mấy cái bậc cầu thang phủ đầy mạng nhện và bụi băm. Xót xa:

- Bà cứ kê ghế ra gần cửa cho thoáng. Chẳng ai nỡ vất cái gì đâu.

Bà chỉ lừ lừ, giương chút ánh sáng héo hắt nhìn hai thằng cháu to như con trâu vật rồi lúc đầu. Nhắc đấy, quên đấy. Ào ào đi, ào ào về như bão cuốn. Rồi lăn ra ngủ. Quần áo không biết cái nào giặt, cái nào chưa. Thành thử chỉ có mỗi bà lão suốt ngày ngồi bó gối trên ghế, nghe mọt nghiến gỗ và thấp thỏm đếm số lần cái cổng sắt rít lên.

Không có lịch, những ngày ba mươi, mười rằm ta cứ nhấm loạn cả lên. Vòm cửa kính đùng đục chẳng lọt nổi một mẩu trời. Thằng em xách hồ sơ đi xin việc đến méo mặt. Chẳng biết có ai mách mà quay ra tính ngày tính giờ, xì xụp cúng vái. Thở dài nhìn xuống, thấy bà đang bấm đốt ngón tay, lầm bầm một mình.

*

Trời trở gió sớm hơn mọi năm. Nửa đêm bà kêu lạnh nằm rên hừ hừ, chân tay co quắp lại. Công tắc điện trong bếp bị chờn, bật tành tạch như súng liên thanh một hồi đèn mới sáng. Ông em đập gừng. Ông anh lần lần từng khớp xương nắn nắn, bóp bóp. Cái bếp lò nhóm vội kê sát chân giường. Mùi than bùn nồng nồng, ngai ngái suốt dêm.

Nhập nhoạng sáng đã thấy nhà hàng xóm dọn hàng gánh đi sớm. Cái cổng sắt rít lên eo óc. Tiếng ông già bánh mì chọc vào. Tiếng phanh xe máy ở trạm xăng dầu đầu phố. Mắt cứ mở chòng chọc, không ngủ nổi.

- Sao lại để nhà cửa bị thế này? Có gác xép mà không chuyển cụ lên cho thoảng.

Ông bác sĩ càu cạu miết tay vào tấm kính đầy bụi rồi vội vã thu dọn dụng cụ. Cái gì cũng sạch sẽ một cách thái quá và gây gây mùi thuốc sát trùng.

- Không có biến chứng gì nguy hiểm cả. Nhưng phải tránh làm việc nặng nhọc. Buổi sáng cố gắng dẫn bà đi dạo. Mà sao các anh lại để nhà cửa thế này nhỉ.

Ông già thở dài khó hiểu. Hai thằng con trai đần mặt ra chịu trận. Mãi đến khi cái cổng sắt đóng sầm lại mới ngơ ngẩn nhìn nhau.

Rồi cũng thu xếp được một ngày. Ông em đưa bà cụ đến viện để kiểm tra sức khỏe định kì, tiện thể hét thêm mấy thằng bạn chí cốt. Ông anh ở nhà, huỳnh hụych leo lên gác xép, chuyển "tài khoản" luôn cho đống đồ cũ. Đám chuột rùng rùng chui ra khỏi các ngóc ngách, chạy loạn cả lên. Phân rác lâu ngày thành đống ở góc trong cửa sổ cũ kĩ chếch bản thờ lâu ngày mới mở, vôi vữa rụng lả tả. Gián xô vào cắn ngứa ran cả mình mẩy. Chống tay đứng dậy mới chợt nhớ cái trần gác xép cao không quá mét rưỡi. Cũng lạ, sinh ra cái trò gác lửng gác cộc cao không khỏi tầng một, thấp không kề mặt đất, ngoảnh đi ngoảnh lại vẫn trong phòng ấy. Dòm xuống thì chóng mặt, dòm lên thì khuất mắt. Rồi cũng sống được cho mấy thế hệ...

Công đoạn tiếp theo là dập hết lượt vữa trát trần đã đến thời kì thoái hóa. Cả đám bạn lỏng chỏng xúm vào, nhào nhào trát trát. Mỗ hồi ròng ròng như tấm. Quá nửa buổi chiều khâu vôi ve cũng có vẻ xuôi xuôi. Ông em liên hệ được cái máy bơm bên nhà hàng xóm, bắt với lên gác xép cọ rửa. Cái cầu thang được đóng choãi thêm một bậc và thành vịn hai bên nom dở Tây dở Tàu. Chép miệng: "Thế cũng tốt chán. Tiết kiệm được khoảng không."

Lịch kịch chuyển giường, kê lại bàn ghế. Hì hà hì hục mãi đến hơn mười một giờ đêm. Lũ bạn lếch thích chào ra về, mặt mũi tơi tả. Quái quỷ thế nào, sáng hôm sau ông anh dậy muộn. Thường thì có cần chuông báo đâu. Bằng ấy thứ âm thanh buổi sáng có người trâu mới ngủ được. Cái trò dậy muộn, chân nam đá chân chiêu, đầu dập "cốc" vào trần, chân suýt bước hụt bậc cầu thang. Láo nháo đến cổng bệnh viện đã thấy bà đứng chờ ở đó lâu lắm rồi.

- Cầu thang thêm một bậc bà ạ. Nhưng cửa sổ thoáng gió lắm, nhìn tận ra ngoài phố được. Chiếc đài cũ con đặt ở đầu giường bà ấy.

Cái cổng sắt vẫn rít lên như mọi bận.

- Bà mới ở viện về đấy ạ?

Mấy bà hàng xóm chống cửa nhìn sang. Chào hỏi ríu rít một chặp rồi lại quây quả trở về với công việc thu dọn tất bật của ngày chủ nhật như thường lệ.

- Thế thằng Hiếu đâu?

- Chủ nhật nó không được nghỉ việc đâu bà ạ. Thôi con đưa bà lên gác xép nhớ chứ đợi nó thì biết đến bao giờ.

- Ừ thôi cũng được.

Bà cụ luýnh quýnh bám vào vai thằng cháu. Có mỗi đoạn cầu thang mà run rẩy lần dò đến gần chục phút.

- Bao giờ thằng em mày mới về hả con?

- Hôm nay nó phải làm nửa buổi thôi bà ạ.

Thấy im lặng, cứ ngỡ bà đi nằm nghỉ luôn. Ai dè nhìn lên vẫn thấy bà lần lần sờ nắn, ngó nghiêng cái cầu thang dông dốc và tối hỏm.

Trời bắt đầu mưa to. Cuối mùa mà còn mưa to thế. Nước giăng mờ ngoài cửa sổ. Từng vũng mây đùng đục mầu nước gạo chực bưng lấy tầm nhìn. Bà ngẩn ngơ bó gối ngồi xo ro dưới chân giường. Hai mắt hấp háy nhìn ra cửa sổ mặc cho gió đã làm bật tung tấm kính khép hờ, thốc nước vào giường.

Mãi đến quá trưa, ông em bùng nhùng giũ người khỏi tấm áo mưa, chạy lên xem bà mới phát hiện ra. Giường chiếu ướt nhoẻn. Nước bò lan trên sàn gỗ, theo khe nhỏ lập bộp xuống nhà dưới. Ông anh khép cửa sổ, thay chiếu khác và đặt bà lên giường. Nhìn trộm lịch nhà bên cạnh giật mình nhớ đã sắp tới ngày giỗ ông.

*

Sểnh ra được ngày nghỉ việc lũ bạn lại nhào tới, rùng rùng kéo nhau đi. Cái cổng sắt đập sầm sầm. Anh đi đằng anh, em đi đằng em. Đống quần áo bẩn dúi đầy chậu nhôm to.

Còn lại mình bà cụ giữa căn nhà vắng hoe. Mọt vẫn nghiến gỗ rào rào nhưng thưa hơn trước. Chuột không còn lịch rịch đuổi nhau trên tầng gác ẩm mốc. Ánh sáng lùa vào khung cửa hẹp với vài ba cơn gió hiếm hoi vuốt qua những tòa nhà cao tầng bao khắp chung quanh. Bà cụ phấp phỏng lần cầu thang hẹp đi xuống. Chốc chốc cái cổng sắt bên ngoài lại rít lên kèn kẹt. Tiếng trẻ giành nhau chí chóe. Điện tối sầm vào giờ cao điểm.

Hai anh em lò dò về đến nhà thì đã quá muộn. Đèn tuýt nhảy phập phà phập phù. Quạt quay như đuổi ruồi. Định lăn ra ngủ thì linh tinh đánh thức dậy. Nhìn lên thấy bà đang ngồi bó gối ở bậc cầu thang. Mâm cơm nguội lạnh nằm lỏng chỏng giữa manh chiếu cá nhân. Lẩm bẩm:

- Sao bây giờ ông ấy còn chưa về?

Thằng cháu ngáp lấy ngáp để:

- Ai cơ hở bà?

- Thì còn ai nữa. Ông ấy đã lên cầu thang đâu. Tao ngồi đợi từ chiều mà.

Hai thằng cháu ngó nhau bần thần. Quay sang thấy mắt bà ỉu xuống, biết là đã nhớ ra.

- Mai con dẫn bà đi dạo. Các cụ phường mình tập dưỡng sinh đông lắm. Bà đi nhé.

- Ừ, bà đi, bà đi.

Chốc hai đứa đã lăn ra ngủ. Bà cụ vẫn trở mình kẽo kẹt trên gác хéр.

Chập sáng, cái cổng sắt đã reo lên nhộn nhạo. Mùi xôi đỗ sớm thơm ngào ngạt. Bà trở dậy, mình mẩy đau ê ẩm. Nhìn cái cầu thang hun hút định thôi. Rồi cũng đặt được chân xuống. Lẩm bẩm vừa rò rẫm vừa đếm.

Hà Nội 8-1996

--------

Bài viết cùng chuyên mục

Đọc truyện: Đời hoang. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Đình Tú Đọc truyện: Tiếng chuông chùa. Truyện ngắn dự thi của An Chinh Đọc truyện: Hoang đảo giữa thành phố. Truyện ngắn dự thi của Phát Dương Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa Đọc truyện: Kí ức Ngoi. Truyện ngắn dự thi của Hà Phạm Phú
Văn nghệ Trẻ, số 25/1997
Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Baovannghe.vn - Cả một đồi cây sau làng là thế giới của các loài chim, nhiều lắm, chúng bay thành từng nhóm, từng bầy, có khi từng đôi, cũng có khi riêng lẻ…
Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Đổi mới sáng tạo Giáo dục Đại học: Cần định hướng và xây dựng chiến lược dài hơi

Baovannghe.vn - Trong khuôn khổ " Ngày hội đổi mới sáng tạo" - hội thảo “Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong giáo dục đại học Việt Nam: Năng động và hợp tác” đã đặt ra và giải đáp nhiều vấn đề về Đổi mới Giáo dục đại học hiện nay.
Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Nhớ làng - Thơ Trần Chấn Uy

Baovannghe.vn- Chào mào hót: cởi quách cái thử nào/ Cô gái trẻ giật mình cài lại yếm.
Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Giải thưởng - Thơ Thanh Quế

Baovannghe.vn- "Tác phẩm có ảnh hưởng tốt đến tư tưởng và tình cảm của nhân dân”/ Trong hội trường/ Anh vận bộ veston đỉnh đạc bước lên sân khấu nhận giải thưởng
Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Baovannghe.vn- Thi nhân ạ!/ Khó minh định rạch ròi/ Ta đang ở Giới nào trong Tam giới?/ Này thì rượu. Này thì thơ. Này thì em roi rói