Câu thơ ấy tôi dẫn ra từ bài thơ Nấm mộ và cây trầm của thi sĩ mang áo lính Nguyễn Đức Mậu để đặt tên cho bài viết này. Một câu thơ ấn tượng trong bài thơ nổi tiếng (được giải A cuộc thi thơ báo Văn nghệ thời chống Mĩ). Tôi nghĩ, có lẽ đó cũng là cái tứ độc đáo của bài thơ Nấm mộ và cây trầm.
Một người lính, một đồng đội, một người bạn thân vừa ra đi. Cái chết của anh gây xúc động lớn trong lòng người làm thơ. Hùng là tên người chiến sĩ, nhân vật trong thi phẩm khó quên này. Đồng đội đắp cho anh nấm mộ đất còn sạm màu bom đạn bên cạnh một cây trầm nghi ngút cháy, hương thơm ngàn ngạt giữa bộn bề tan hoang. Hùng mất đi để lại nhiều kỉ niệm của một chặng đời làm lính. Đau xót khôn nguôi. Thương tiếc khôn nguôi. Tưởng nhớ… Hùng ơi, mai gió mùa đông bắc/ Võng bạt canh khuya lại nhớ Hùng/ Những đêm hai đứa xong phiên gác/ Bao gạo gối đầu chăn đắp chung… Thổn thức quá nỗi nhớ thương đồng đội, và hồi niệm cứ như một thước phim quay chậm, rất chậm để ai cũng nghe được, thấm được cái buốt lạnh của ngọn gió mùa đông; ai cũng thấy được tình đồng đội, tình bạn gắn bó đến dường nào. Tình đồng chí không hề mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ, ta không thể không nhớ tới Chính Hữu: Súng bên súng, đầu sát bên đầu/ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ… Câu thơ viết thời chống Pháp và thời chống Mĩ cùng có mẫu số chung: tình đồng chí luôn luôn bền chặt của người lính Cụ Hồ. Tuy nhiên, trong Nấm mộ và cây trầm nhân vật thơ chính là bạn thân của Nguyễn Đức Mậu nên sự tưởng nhớ cũng rất cụ thể, riêng biệt. Hình ảnh chiến sĩ Hùng cứ thế hiện lên như sự bất tử làm cho tôi mỗi lần đọc lại đều rưng rưng: Nhớ khi mình ốm giữa rừng/ Vị thuốc Hùng tìm qua ba trái núi/ Quả khế rừng nấu con cá suối/ Thương mình Hùng hóa trẻ đi câu… Nỗi thương tiếc, xót xa được đẩy tới tận cùng nhưng không bằng ngôn từ, âm sắc to tát mà chỉ là lời khóc bạn thủ thỉ, lắng sâu đầy sức truyền cảm: Chúng mình có ở cách xa nhau/ Một thước đất sao Hùng không nghe mình gọi…?/ Một thước đất hóa khoảng trời vời vợi/ Từ nay mình thương nhớ Hùng hơn xưa… Và đây nữa: Những lá thư Hùng chưa kịp đọc mình nghe/ Thơ đánh giặc Hùng còn viết dở/ Vết máu đỏ nhòa đi không rõ chữ/ Mình đọc bao điều xúc động sâu xa… Theo tôi, khúc I Tưởng nhớ tạo được ấn tượng sâu nhất, xúc động nhất trong thi phẩm. Điều đó cũng dễ hiểu, vì đấy có thể coi như là phần “riêng tư” được gói lại bằng những hồi ức có thật của nhân vật và tác giả. Với thơ, cái thật trong xúc cảm, chất liệu tạo thi tứ, thi ảnh có thể làm nên hiệu ứng nghệ thuật không ngờ. Nó như từ cuộc sống đi thẳng vào thi ca làm bùng tỏa cảm xúc và thăng hoa tài năng tạo ra được tác phẩm mang tính nghệ thuật cao.
Khúc II Hi sinh, khắc họa sâu hơn lòng dũng cảm, tinh thần xả thân vì Tổ quốc của người chiến sĩ. Tầm vóc của người lính từ bình thường đã được nâng lên phi thường. Đấy chính là sức mạnh của lòng yêu nước; sự hi sinh chính là điểm nhấn của văn hóa truyền thống Việt Nam. Hi sinh trong đời thường Một đời người mà chiến chinh nhiều quá/ Em níu giường níu chiếu đợi anh… (thơ Hữu Thỉnh) và hi sinh trên mặt trận như Nguyễn Đức Mậu viết ra bằng những câu thơ cháy bỏng: Cái chết bay ra từ nòng súng quân thù/ Nhận cái chết cho đồng đội sống/ Ngực chặn lỗ châu mai. Hùng đứng thẳng/ Đồng đội xông lên nhìn rõ Hùng cười… Sự hư cấu có lẽ đã tham gia vào việc tạo dựng thi ảnh này. Nên để bù lại cái khác biệt so với hiện thực là sự nâng cao, khái quát hóa tinh thần yêu nước, lòng lạc quan của người chiến sĩ. Có thể hôm nay khi cuộc chiến đã lùi xa mấy chục năm rồi, đọc lại những câu thơ tôi vừa trích dẫn sẽ có những cảm nhận phân tích trái chiều kiểu như câu thơ Đường ra trận mùa này đẹp lắm của Phạm Tiến Duật. Nhưng không sao cả, nên nhớ thi ca sinh ra ở thời nào thì nó sẽ thấm đẫm hơi thở, nhựa sống của thời đó, đặc biệt là dòng thơ đánh giặc luôn phải hướng về phía trước khi dân tộc ta đội triệu tấn bom để hái mặt trời (thơ Chế Lan Viên). Thơ phải vượt lên bom đạn, vượt cả đời thường để đạt được tầm kích chiến lũy và chiến sĩ, đến như chú bé Trần Đăng Khoa của thời đội mũ rơm đi học đường dài cũng có cái nhìn thật bình tĩnh và lãng mạn: Ao trường vẫn nở hoa sen/ Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu… Vì thế những câu thơ nói về sự hi sinh của người chiến sĩ trong Nấm mộ và cây trầm cũng chả có gì là “quá đáng” hay “tô hồng” trong giai đoạn lịch sử được Tố Hữu khái quát Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai. Hi sinh cho Tổ quốc đã trở thành khúc giao hưởng mang chất anh hùng ca bất diệt: “Chết - Hi sinh cho Tổ quốc” Hùng ơi/ Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất/ Hi sinh lớn cũng là hạnh phúc/ Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng. Nếu khúc thơ I là xúc động nhất thì khúc II là đẹp nhất. Cái chết của người chiến sĩ không hề u ám, ảm đạm và bi lụy. Trái lại sự mất mát đã tạo ra sức sống mới mang âm hưởng mùa xuân đất nước. Và, nó thực sự lộng lẫy tỏa sáng: Hùng nằm trong nôi của đất rộng vô cùng/ Khoảng trời biếc hương trầm thơm hơn trước/ Những đoàn quân đi đánh giặc/ Có hoa rừng mang đến từ xa… Bất giác tôi lại nhớ tới bài thơ Khoảng trời hố bom mang vẻ đẹp nhân văn cao cả của Lâm Thị Mỹ Dạ: Tên con đường là tên em gửi lại/ Cái chết em xanh khoảng trời con gái/ Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em…
Đấy là cái chết gieo mầm sống, là ánh sáng vinh quang vẫy gọi bao người bước tiếp trên con đường ra trận chống giặc ngoại xâm giành lại độc lập tự do, hòa bình thống nhất non sông. Cũng như cây trầm tuy bị lửa bom đốt chảy vẫn tỏa hương thơm bát ngát đất trời. Cuộc ra đi của những người lính từ Tấm biển gỗ trên mộ người chiến sĩ/ Thành bàn tay chỉ hướng quân thù trở thành cuộc Ra đi (khúc III) trong thi ca. Cuộc ra đi ấy vẫn phải băng qua muôn vàn gian khó, hi sinh mới đến đích chiến thắng. Cuộc ra đi ấy không phải của riêng ai cả mà của toàn quân, toàn dân. Cả dân tộc vào trận như những người lính đang mải miết hành quân về phía quân thù và cả những người đã ngã xuống như chiến sĩ Hùng: Cây trầm thơm từ gốc thơm ra/ Như nhắc nhở với người đang sống/ Thù riêng lớn, thù chung càng lớn/ Hờn căm này nhân tiếp những hờn căm… Lời nhắn gửi cũng là lời thề Quyết thắng trước những chiến sĩ đã hi sinh anh dũng: Thôi mình đi Hùng nhé! Hãy yên nằm/ Trận đánh đêm nay vắng Hùng gài bộc phá/ Trận đánh trường kì vắng Hùng tham dự/ Trận đánh cuối cùng chiến thắng phải về ta…
Trận đánh cuối cùng đã dựng nên đích Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975. Sang năm, tròn nửa thế kỉ dân tộc ta hoàn thành nhiệm vụ lịch sử Đánh cho Mĩ cút, đánh cho ngụy nhào (Thơ chúc Tết 1969, Hồ Chí Minh). Trong hòa bình, vẫn không ai bị lãng quên, không điều gì bị quên lãng. Sự hi sinh của người chiến sĩ vẫn được khắc ghi trong tâm tưởng, trong sự tri ân của dân tộc. Chúng ta chẳng bao giờ quên Nấm mộ và cây trầm đã trở thành một tượng đài thi ca khắc ghi sự hi sinh của người lính: Thơm rất xa theo gió thoảng hương trầm/ Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ/ Sống tươi tốt bao niềm tin bình dị/ Thân hi sinh thơm đất, thơm trời.
Nghĩa trang liệt sỹ Quốc gia Nầm xây dựng từ năm 1978, nằm trên ngọn đồi thoải rộng 22.000 m2 dưới núi Nầm, giáp ranh giữa hai xã Sơn Châu và Sơn Bình (huyện Hương Sơn). |
Nấm mộ và cây trầm
NGUYỄN ĐỨC MẬU
I. Tưởng nhớ
Đất đắp mộ Hùng gom trộn lẫn
Cây trầm cháy dở thay nén nhang
Cây trầm cháy rồi hương cứ thơm
Hùng ơi, mai gió mùa đông bắc
Võng bạt, canh khuya lại nhớ Hùng
Những đêm hai đứa xong phiên gác
Bao gạo gối đầu chăn đắp chung
Nhớ khi mình ốm giữa rừng
Vị thuốc Hùng tìm qua ba trái núi
Quả khế rừng nấu con cá suối
Thương mình Hùng hóa trẻ đi câu
Chúng mình có ở cách xa nhau
Một thước đất sao Hùng không nghe
mình gọi…?
Một thước đất hóa khoảng trời vời vợi
Từ nay mình thương nhớ Hùng hơn xưa.
II. Hi sinh
Cái chết bay ra từ nòng súng quân thù
Nhận cái chết cho đồng đội sống
Ngực chặn lỗ châu mai, Hùng đứng thẳng
Lửa bén vào áo lính tuổi hai mươi
“Chết - Hi sinh cho Tổ quốc” Hùng ơi
Máu thấm cỏ, lời ca bay vào đất
Hi sinh lớn cũng là hạnh phúc
Một cây xuân thành biển khắc tên Hùng
Hùng nằm trong nôi của đất rộng vô cùng
Khoảng trời biếc hương trầm thơm hơn trước
Những đoàn quân đi đánh giặc
Có hoa rừng mang đến từ xa
Đất Hùng nằm bom đạn đào trơ
Ngày hoa nở, đêm ngời sao tỏ
Tấm biển gỗ trên mộ người chiến sĩ
Thành bàn tay chỉ hướng quân thù.
III. Ra đi
Cây trầm thơm từ gốc thơm ra
Như nhắc nhở với người đang sống
Thù riêng lớn, thù chung càng lớn
Hờn căm này nhân tiếp những hờn căm
Thôi mình đi Hùng nhé! Hãy yên nằm
Trận đánh đêm nay vắng Hùng gài bộc phá
Trận đánh trường kì vắng Hùng tham dự
Trận đánh cuối cùng chiến thắng phải về ta
Anh trinh sát hi sinh trao lại tấm bản đồ
Anh xung kích hi sinh phất cao cờ chuẩn
Xin Hùng hãy trao cho mình khẩu súng
Trận đánh vẫn còn tiếp diễn, Hùng ơi!...
Quân mình đang pháo kích nơi nơi
Hùng có thấy đất rùng rùng sấm dậy
Mặt trận chuyển vào sâu rồi đấy
Thôi mình đi, Hùng nhé: hãy yên nằm
Thơm rất xa theo gió thoảng hương trầm
Cây trầm đẹp như cuộc đời chiến sĩ
Sống tươi tốt bao niềm tin bình dị
Thân hi sinh thơm đất, thơm trời.
Mặt trận miền Tây mùa đông 1969.
Nguyễn Hữu Quý |Báo Văn nghệ