Sáng tác

Chanh hoàng niên bói quả. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Ngọc

Nguyễn Minh Ngọc
Truyện
15:00 | 03/10/2024
Baovannghe.vn- Thời gian như nước chảy qua cầu. Hai làng đã có bước nhích lại gần nhau hơn, nhưng cái lệ truyền kiếp thì mới chỉ được xoá bỏ được có một vế. Nghĩa là con gái bên Quang có thể lấy chồng người làng Vạn
aa
Ông Hoè quật tay xuống bàn nước. Bộ ấm chén úp trên cái khay nhôm nẩy lên rổn rảng.

- Cá không ăn muối cá ươn. Con cưỡng cha mẹ trăm đường con hư. Đừng bao giờ vác mặt về ngôi nhà này nữa. Cút ngay cho khuất mắt tao…

Ông Hoè ôm ngực ho khặc khừ, thứ ho thường thấy ở người già hay trái tính mỗi khi có chuyện không vừa ý trong nhà. Lảo đảo đứng lên, ông lão xiêu xó bước tới đổ vật xuống bộ ván ngựa. Ánh chiều tà xiên qua vuông cửa sổ, quét lên vừng trán khô nhăn nhúm của ông lão một vệt sáng hiu hắt. “Con với cái. Báo hiếu thân già rứa hử!”.

Chanh hoàng niên bói quả. Truyện ngắn của Nguyễn Minh Ngọc

Minh họa Phạm Minh Hải

Tấn nóng mặt lầu bầu toan vọt ra ngõ. Bà Hoè vội chụp lấy tay đứa con trai níu lại. “Thầy mi đang thượng hoả. Cứ từ từ con ạ.” Dẫu đã lường trước nhưng Tấn chẳng ngờ sự việc lại xoay ra cắc cớ. Rõ chán các cụ, thúc giục mãi chuyện lấy vợ, đến lúc thưa chuyện nghiêm chỉnh thì bỗng dưng lại đùng đùng sinh sự. Vừa nghe con mở lời, ông Hoè đã cật vấn ngay:

- Chớ con bé ấy con cái nhà ai?

- Thầy biết rồi thôi. Sa là con ông thầy Bảy hốt thuốc Bắc ở bên làng Vạn.

- Hả…?

Ông lão nhướng hàng lông mày chổi xể giật giật ngỡ như mình nghe lầm. Hoá ra cái điều ông phấp phỏng lâu nay đang phơi ra trước mắt. Thế này thì thật không còn ra thể thống gì nữa. Bà lão ngồi bệt xuống bậu cửa quệt vôi lóng ngóng têm trầu. Tự biết lúc này không thể lay chuyển được ông lão ương ngạnh, bà Hoè kéo con trai ra một góc, thì thào.

- Con ơi, mi ưng đứa mô mẹ cũng chịu, miễn là hắn khoẻ mạnh và ngoan nết. Nhưng đừng có rước cái đám con gái bên đó về làm dâu trong cái nhà này. Trái ý thầy mi là không xong…

- Con gái làng Vạn thì làm sao, người ta có tội tình chi? Hay là dân vạn chài thì không được cao quý như dân làng mình?

Thiếu chút nữa Tấn đã không kìm giữ được bình tĩnh. Bà Hoè rầu rĩ nhìn con. Vẻ mặt bà lão nửa như van lơn, nửa cam chịu, nhẫn nhịn.

- Khổ lắm! Lệ làng như rứa con ạ.

Cố nén cơn giận đang trào lên chẹn ứ ngang cổ, Tấn nuốt nước bọt. Anh lắc đầu:

- Thật con không thể hiểu nổi thầy mẹ nữa. Nói mẹ tha lỗi, người ta bảo dân làng mình dở hơi! Lúc nào cũng dương dương tự coi mình hơn tất cả rồi ra ngó thiên hạ bằng nửa con mắt. Chắc chi đã sánh được với người ta, chứ đừng nói…

- Đừng có hỗn!

Vẫn biết phận làm con không được quyền phán xét cha mẹ, nhưng với chuyện này thì dẫu có mang tội bất kính, Tấn cũng phải lên tiếng. Không thể cứ nhắm mắt mà nghe theo mãi được. Lòng đầy bức bối, người con trai cởi phăng chiếc áo đang mặc vắt lên vai rồi bước nhanh ra ngõ, hướng về phía bờ sông. Nơi ấy có trang trại nhỏ trồng cây ăn quả vừa mới tạo dựng chưa lâu.

*

Bao năm nay, làng Quang và làng Vạn vẫn nằm kề nhau, như thể số phận không thể nào khác được. Con sông cánh hàn nông choèn xắn quần lội qua không ướt, nước lờ lờ mầu mắt cua là ranh giới phân chia hai làng. Một bên là dân có công khai thiên lập địa, mở làng, còn bên kia là cánh ngụ cư. Vì vậy, hai làng như hai thái cực đối nghịch nhau. Nếu làng Quang có ngôi đình làng cổ kính đến nay vẫn còn giữ được các sắc phong của triều đình, thì bên Vạn nhõn mỗi cây đa ngất ngểu đứng trấn giữa làng. “Thần cây đa, ma cây gạo, cú cáo cây đề”. Dân làng Vạn bảo thế. Hơn chục dòng họ ở làng Quang, dòng nào cũng có nhà thờ to vật, thậm chí đến các chi nhỏ cũng còn có chỗ thờ tự riêng. Trong khi bên Vạn, mỗi nếp nhà giống như một con đò neo đậu trên sông, đèn nhà ai nấy rạng.

Người làng Vạn nguyên thủy là dân vạn chài. Cái đám dân quần cư tứ chiếng theo nghề chài lưới dạt về tấp lên bãi soi do con sông Cái bồi lấp, thoạt đầu họ cắm lều trú tạm những khi thời tiết thất thường không thể quăng chài kéo lưới. Đất phù sa mượt mà nom như miếng bánh đúc gạo tám. Chẳng phải nhọc công chăm bón, chỉ vãi ra một nắm hột giống ngoảnh đi ngoảnh lại đã có đám rau tốt như hoá, xanh um rồi. Quanh nhà ngờm ngợp những ngô khoai, đậu lạc. Cái đất thật dễ làm, dễ ăn. Lâu dần, những túp lều tuềnh toàng được thay thế bằng những nếp nhà cột tre, phên nứa hoặc vách đất. Không chỉ dân vạn chài, mà có lắm kẻ không một tấc đất cắm dùi ở tận đẩu đâu cũng ùn ùn kéo về, chẳng mấy chốc mà thành hình cái làng mới. Một cái làng không có văn tự thì đương nhiên là thiếu hẳn cái sự tôn ti, nền nếp rồi. Ấy là theo sự nhìn nhận của các cụ bô lão làng Quang. Quả vậy, xưa nay bên đó, đàn ông con trai vẫn quen thói ngỗ ngược, tục tằn và ngang ngạnh, nói năng thì chẳng khác chi “dùi đục chấm mắm cáy”. Mười người thì hết chín kẻ sa vào cờ bạc, nốc rượu say bét nhè rồi vác gậy nện nhau như cơm bữa. Đám con nít vừa mới nứt mắt cũng đã học được ở cha anh chúng cái thói lếu láo, trợn trạc. Đến cả những lão già tuổi gần đất xa trời vậy mà hễ cứ mở miệng là nói tục như ranh.

Còn như cánh đàn bà con gái làng Vạn lại nổi tiếng về phía khác, vốn nhàn hạ nên họ thảy đều ưa nhìn và lắm người khá xinh đẹp nhưng chua ngoa. Đã vậy, cái đường tề gia nội trợ của họ lại vụng thối, suốt đời chỉ quen chém to kho mặn. Có miếng ăn cũng không biết đường mà chế biến cho vừa cái miệng, cho ngon cái mắt.

Vì những lẽ đó mà xưa nay người làng Quang rất ít giao hảo với dân kẻ Vạn. Có một thứ luật bất thành văn truyền từ đời này sang đời khác ở làng Quang là không bao giờ dựng vợ gả chồng với người làng Vạn. Ai phạm vào điều cấm ấy thì bị cả làng cười chê, bêu riếu, phải bán xới mà đi biệt xứ. Cho mãi đến thời cụ giáo Mai làm thầy đồ dạy học ở làng thì tình hình mới có sự đổi khác. Là người mô phạm và nghiêm cẩn, cụ giáo được cả hàng tổng kính nể. Ra đường gặp cụ, ai ai cũng kính cẩn chắp tay, cúi đầu: “Lạy cụ ạ!” Trong số học trò theo học chữ thánh hiền có cả đám trai làng Vạn, họ khá sáng dạ. Cụ giáo nghĩ, một khi chữ nghĩa giáo hoá đã nhuần thấm vào ai thì con người đó khó lòng mà hư hỏng nổi. Không lẽ cứ để mãi cái cảnh hai làng ở cạnh nhau mà xa cách vời vợi, mà hằn thù, mà khinh khi nhau mãi. Suy nghĩ, đắn đo và cân nhắc mãi, cụ giáo đã bấm bụng làm một việc động trời là đem cô con gái cưng của mình gả cho một anh học trò người làng Vạn. Người đời gạn hỏi lý do, cụ giáo thủng thẳng: “Để treo gương cho thiên hạ!”. Việc cụ giáo Mai phá lệ làng đã làm xôn xao cả tổng Thịnh Quả và khiến cho không ít kẻ phải sửng sốt, nhưng vì uy danh của cụ nên tịnh không ai dám đâm ngang xáo bửa. Đám trai làng Quang thất vọng ngêu ngao hát: “Phí quả hồng ngâm đem cho khỉ vọc. Tiếc con người ngọc để lũ ngâu vầy!”

Thời gian như nước chảy qua cầu. Hai làng đã có bước nhích lại gần nhau hơn, nhưng cái lệ truyền kiếp thì mới chỉ được xoá bỏ được có một vế. Nghĩa là con gái bên Quang có thể lấy chồng người làng Vạn, nhưng con trai thì tuyệt nhiên không được phép rước dân vạn chài về làm vợ. Dẫu họ có đẹp xiêu đình đổ quán cũng kệ. Các cụ cấm chỉ! Lệ làng cứ như sợi dây gai trói mãi lâu ngày thành sẹo. Chẳng biết có phải vì thế mà con nít hai làng thường hay gây sự, khích bác và choảng nhau như cơm bữa. Một bên khiêu chiến “làng Vạn ăn chó cả lông, ăn hồng cả hột”, lập tức bên kia đáp lại: “làng Quang ăn quàng nói bậy”. Thế là nện nhau. Lũ trẻ thường bẻ cành phi lao tuốt sạch nhánh nhóc để nguyên cả chùm quả đằng chót ngọn làm roi quật nhau đến toé máu. Những trận chiến bằng gậy hóp và bằng cả nắm đấm diễn ra ngay bên bờ sông cánh hàn, thường là bất phân thắng bại. Thuở nhỏ, Tấn cũng từng không ít lần bị u đầu mẻ trán bởi những trận “giáp lá cà” như thế. Cái đứa mà Tấn chạm trán nhiều nhất là thằng Long. Vậy mà chẳng ngờ lớn lên hai đứa cùng học cấp 3 rồi đi bộ đội lại ở cùng một đơn vị, trở thành bạn thân tự lúc nào không biết nữa. Mỗi lần được về tranh thủ, Tấn thường đến thăm bố mẹ Long. Bấy giờ, cô em gái tên Sa, tóc vắt vẻo đuôi gà, thấy Tấn đến thì mừng rỡ như gặp chính anh trai mình vậy.

Hết nghĩa vụ, Long thi đậu vào trường sĩ quan, còn Tấn trượt vỏ chuối nên xuất ngũ. Buồn tê tái nhưng mọi sự đã an bài, không còn cách lựa chọn nào khác. Là đảng viên trẻ, về quê, Tấn được phân công nắm xã đội. Học hết phổ thông, Sa ở nhà tham gia công tác Đoàn. Trụ sở uỷ ban đặt ngay làng Vạn, nên hai người có dịp gặp nhau luôn. Sa mỏng mày hay hạt, cái miệng luôn nở nụ cười phô hàm răng như hạt ngô nếp trắng nõn, đều tăm tắp. Chỉ cần một bữa không nhìn thấy nhau là cả hai đã nhấp nhổm không yên. Thế nên cứ phải kiếm cớ liếc thấy bóng nhau cái đã rồi làm gì mới làm. Cứ ngỡ như tình yêu của họ không gì có thể ngăn trở…

Tấn vẫn chưa quên cái buổi chiều lần đầu ngồi mở mòi câu chuyện, anh đã bị ông bố dội ngay cho một gáo nước lạnh.

- Dòng họ nhà ni không chứa dân vạn chài, nha!

- Nhưng bà nội cô ấy là người làng mình đấy thôi.

- Tau không cần biết!

- Vậy cái hồi thầy ốm rụng gần hết tóc, ai bắt mạch kê đơn rồi hốt thuốc cho thầy uống? Thầy chẳng đội ơn ông thầy Bảy là gì?

Ông Hoè ớ ra như người bị hóc xương gà ác. Có một chuyện xảy ra cách nay gần nửa thế kỷ, ông lão vẫn chôn chặt tận đáy lòng. Số là hồi trẻ trai, trong lần đi đò dọc, anh thanh niên làng Quang khoẻ mạnh đã phải lòng một cô gái người làng Vạn, mặt hoa da phấn, mắt đen lay láy. Bất chấp sự ngăn cấm của gia đình và dòng họ, Hoè vẫn bí mật tìm đến với cô gái mà anh tơ tưởng. Thoạt đầu, cô gái cũng dốc lòng theo chàng, nhưng rồi cô nàng bỗng dưng trở chứng nhũng nhẳng, mặc cho Hoè thề bồi đủ thứ. Đã vậy, anh còn bị bọn trai làng Vạn phục đánh cho một trận thừa sống thiếu chết. Mối tình đầu không được đền đáp, lại thêm trận đòn thù khiến chàng trai mãi ôm theo mối hận. Giờ đây, đứa con vô tình khoáy lại vết thương lòng khiến người cha chốc lát trở nên cay cú và cáu bẳn hơn bao giờ hết.

*

Tấn nhớ như in cái ngày anh khoác ba lô về làng. Hôm ấy, trời mưa lây nhây, dầm dề. Lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về ngầu ngã. Khúc sông Cái chảy qua làng, nước bạc dềnh lên mấp mé tràn bờ. Cả làng nhao sang cánh bãi bên kia sông để nhổ lạc chạy lụt Tiểu mãn. Thôi thì non nhà hơn già đồng. Tham một tí có khi lại mất trắng chứ chả chơi. Già trẻ lớn bé chạy rần rật như chạy giặc vậy.

Để nguyên bộ quân phục còn dấp dính nước mưa, Tấn chạy ào lên bến sông. Thuyền nan, thuyền gỗ như con thoi băng qua dòng nước xiết chở lạc ùn ùn về cập bến. Trong dòng người đang hối hả cấp tập chạy đua với trời, Tấn nhận ra bố mẹ mình lọm khọm đang ráng hết sức vừa đẩy vừa kéo chiếc xe cải tiến chất lạc đầy có ngọn. Phù sa mềm vỡ vụn khiến cho bánh xe sa lầy, hai thân già phải gồng hết sức mình mà chiếc xe vẫn không chịu nhúc nhích. Thế nên vừa nhác bóng con trai, mẹ anh đã à lên một tiếng sung sướng như người trút được gánh nặng. Tấn đỡ lấy càng xe lạnh trân từ tay bố. Ông lão hấp háy mắt, ưỡn người đấm lưng thùm thụp rồi bước ra phía sau. Chiếc xe nhẹ tênh bon bon trên đường làng. Cơm nước xong, ông Hoè thủng thẳng khêu ngọn đèn dầu.

- Mi về phép hử? Nghỉ lâu mau?

- Con về hẳn, thầy ạ. Mai con đi nộp giấy tờ…

Tấn trả lời nhẹ tênh, anh đinh ninh là thầy mẹ sẽ vui khi đón nhận tin này. Ông Hoè kẹp chiếc điếu vào giữa hai đầu gối, cẩn thận thông điếu rồi vê một mồi thuốc lào. Thong thả châm đóm rít một hơi dài xoe xóe, ông lão nghênh mặt phà khói. Giọng khê nồng, chì chiết:

- Dạo trong năm gặp ông thầy Bảy, nghe ông ấy bảo cả thằng Long và mi đều được đi học sĩ quan, tao với mẹ bây đã có ý mừng. Rứa mà đùng cái lại đâm đầu về “lấy đít trâu làm thước ngắm”? Hỏng! Làm người mà không biết ngước mắt nhìn lên, không có chí tiến thủ… là vứt!

Ngọn đèn dầu hỏa chấp chới, toả một quầng sáng dạt lúc mờ lúc tỏ. Tấn biết bố đang ê chề thất vọng về anh, giờ chỉ cần thêm một lời thôi cũng đủ làm ông cụ nổi trận lôi đình. Tốt nhất là im lặng coi như tạm hoãn binh, để lấy cái sự êm thấm trong nhà trước đã.

Thực ra, trước khi đi đến quyết định cuối cùng này, Tấn đã suy nghĩ rất nhiều và trao đổi kỹ càng với Long. Ở quê bây giờ đa phần là người già, đàn bà với trẻ con. Cánh thanh niên trẻ tráng, lớp thì đi học, lớp đua nhau kéo ra thành phố kiếm việc làm có thu nhập cao. Việc thoát khỏi cảnh chân bùn tay lấm đang trở thành niềm ao ước của đám trẻ. Làng Quang không hiếm người học hành đỗ đạt cao, nhưng chẳng có ai trong số họ chịu quay về nơi chôn nhau cắt rốn. Bao năm rồi làng vẫn nghèo xơ xải. Được đi ra phóng tầm mắt nhìn thiên hạ mới thấy thương quê đến nao lòng. Nào phải xa xôi cách trở gì cho cam, chỉ cách thành phố chừng hơn chục cây số theo đường chim bay, mà làng Quang vẫn phải chịu cảnh tối tăm, chưa có điện thắp sáng. Ngọn đèn dầu tù mù là hình ảnh quen thuộc từ bao đời nay. Điều đó càng thôi thúc cái quyết tâm trở về trong Tấn thêm cháy bỏng.

Chừng như ông Hoè cũng nhận ra thái độ có phần hơi quá của mình. Ông dịu giọng:

- Mi đã tính cách chi chưa? Hay kiếm ít tiền ra phố học lấy nghề sửa xe máy. Cái nghề này xem ra đang thịnh, thiên hạ tậu xe ngày càng nhiều thì không lo hết việc…

- Cứ tà tà, thầy ạ. Con tính cả rồi. Nhưng nói trước sợ bước không qua.

*

Thoắt cái đã mấy năm. Lắm lúc Tấn cứ ngỡ như vừa tỉnh dậy sau một giấc ngủ trưa đầy mộng mị. Đầu óc thì cứ ong óng, còn tay chân thì bã bượi. Anh xã đội trưởng gần như vắt kiệt sức mình khi chỉ huy lực lượng dân quân và thanh niên xung kích xây dựng xong hai dải kè đá chống sạt lở bờ sông Cái. Mầy mò học hỏi kinh nghiệm dân gian qua các cụ cao niên rồi bấm chí làm tới. Vậy mà khi hoàn thành, công trình được ngành thuỷ lợi của tỉnh đánh giá là rất hữu ích, thiết thực. Việc khóa bớt cái mõm hung hãn của thuỷ thần chuyên ngoạm sục vào đất làng Quang là việc xưa nay chưa ai làm nổi. Nên chi Tấn được người làng nhìn bằng con mắt có phần nể trọng.

Người làng Quang bao đời nay vẫn bám đất đến kỳ cùng. Bom đạn của thằng Mỹ đã không xua được họ rời khỏi làng thì lụt lội chẳng ăn nhằm gì. Nhưng cái nghèo cái khó thì vẫn cứ đeo đẳng mãi. Tấn biết người làng khổ mấy họ cũng chịu được, nhưng chưa mấy ai biết chịu khó học cách làm ăn. Mà ở đời, có khó mới có miếng ăn. Không biết cách chịu khó thì có khi ngồi trên đống vàng mà đói vẫn cứ hoàn đói. Dân thì cứ phải sờ tận tay, nhìn tận mắt họ mới tin. Phải tìm cách kéo được điện về làng thì mới có hy vọng. Có điện rồi sẽ có ti vi. Người dân sẽ học được vô khối chuyện làm ăn qua phương tiện nghe nhìn hiện đại này. Một cái lợi nhỡn tiền, không thể không làm.

Tấn một mình chạy đi gõ cửa khắp nơi từ huyện lên tỉnh. Lo xong cái hợp đồng, anh mới quay về xã đề xuất thành lập tổ làm điện, rồi tổ chức họp dân bàn chuyện đóng góp. Điện thì ai cũng cần nhưng đụng đến tiền bạc thì không ít người giãy nảy như đỉa phải vôi, kẻ nói ra người nói vào, nhức cả đầu. Mãi rồi cũng tìm được tiếng nói chung. Thế nên khi cầm trong tay gần cả trăm triệu đồng tiền đóng góp của bà con, dù đã giao cho cho thủ quỹ tay hòm chìa khoá, nhưng Tấn vẫn lo ngay ngáy. Bố anh thủng thẳng: “Này, bảo cho mà biết, của dân có nọc đó nha! Liệu mà cẩn trọng, không thì khốn, con ơi. Tiền bạc phân minh, ái tình sòng phẳng”.

Khi làng Quang, làng Vạn sáng bừng ánh điện thì Tấn lại được xã mời lên đối chất. Còn chưa kịp hưởng niềm vui đã bị ngay một cú choáng người. Đơn thư tố cáo Tấn biển thủ tiền dân đóng góp làm điện để mua xe máy và nhậu nhẹt lu bù. Lại còn nói rõ chiếc xe ấy hiện đang được gửi tại nhà một người quen. Tấn phải làm bản tường trình để trả lời bà con. Xã chính thức đề nghị công an huyện cử người về điều tra làm rõ sự việc. Hôm gặp Sa ở bến đò, cô thảng thốt. “Có chuyện đó thật không anh?”. Tất cả rối tinh, rối xoè.

Lần theo trí nhớ, Tấn chắp nối các sự kiện lại với nhau. Rồi, nhớ ra rồi! Hôm ấy khi cả bọn đang hối hả dựng cột, kéo dây thì anh nhận được mẩu giấy của thằng quỷ Đức nhắn lên nhà nó gấp. Đức là bạn đồng ngũ cùng ra quân một đợt với anh, hiện nó đang làm chủ một trang trại vườn đồi trồng cam bù rất phát đạt ở vùng Tân Hương, gần chợ Chay. Tưởng có chuyện gì hoá ra cu cậu vừa mới tậu được con xe Dream II đập hộp, sướng quá bèn gọi bạn lên khao. Lâu ngày gặp nhau, bù khú một bữa cho bõ những ngày cực nhọc. Uống sương sương, Tấn dắt xe ra lượn thử một vòng cho biết mùi. “Mẹ kiếp, đúng là giấc mơ!”

Chẳng ngờ lúc Tấn phi xe qua ngõ chợ thì gặp luôn một hội mấy bà sồn sồn người làng đang quẩy gánh về. Thảy họ đều mắt tròn mắt dẹt. Một bà chống đòn gánh liếc xéo, mát mẻ. “Mới về chưa nóng đít mà coi bộ lên hương quá hè”. Đang mê mẩn vì “giấc mơ” nên Tấn đã chẳng để ý lại còn nghênh cái mặt đáng ghét. “Chớ sao! Không lẽ cứ phải chịu mãi cảnh nghèo mạt?”. Câu nói đùa trong hoàn cảnh ấy được coi như một lời thách thức. Đồng tiền liền khúc ruột. Chỉ chừng ấy cũng đủ để cho thiên hạ xầm xì, thêu dệt. Rồi đồn thổi, thêu dệt một thành năm, năm thành mười. Có thanh minh được cũng còn là mệt. Nhưng Tấn không giận ai, anh chỉ buồn. Điều ao ước bao đời của dân làng đã thành, vậy thì có hệ luỵ một chút cũng chẳng sao.

Buồn tình, Tấn lại tìm đến với bạn. “Thôi, quên chuyện đó đi! Đồ hiệp sĩ rởm ạ. Nào cạch một cái”. Hai thằng dốc cạn chén. Đức cười sùng sục. Cái thằng vẫn như ngày nào ở lính, nghĩ sao nói vậy, không rào đón che đậy. Cứ thẳng đuồn đuột…

- Thôi, vác tù và hàng tổng bằng ấy đủ rồi. Giờ lo mà làm mà ăn. Đất phù sa quê mày như vàng ấy chứ. Cứ lập trại đi, tao sẽ hỗ trợ tối đa.

Sau cái đận nuôi ba ba xuất khẩu lỗ chỏng gọng, Tấn vét voi được ít vốn dồn vào các giống cây ăn quả. Đức cất công xuống tận nơi đưa thêm ít tiền và hướng dẫn kỹ thuật. “Cứ vừa làm vừa học, coi thêm sách báo và tivi, học lỏm theo cách riêng của mình. Ai hay hơn, người ấy là thầy”.

*

Gần một tháng kể từ hôm to tiếng với bố mẹ, Tấn ở lì ngoài trại. Anh không đáo về nhà phần vì ngại gây thêm rắc rối, phần vì đám cam chanh bưởi quýt… cuốn hút tâm trí. Mưa thuận gió hoà, trên đất phù sa tơi xốp mịn màng cây cối lớn vùn vụt trông thấy. Suốt ngày, Tấn xoay tròn hết phân bón lại tỉa cành, phun thuốc trừ sâu… chẳng mấy khi anh ngơi tay. Nhìn bãi đất hoang ngày nào giờ thành khu trang trại xanh ngờm ngợp cây trái, người làng ngỡ như có phép mầu, cứ xuýt xoa mãi. “Rõ là đất không phụ người!” Cũng có anh không giấu được ghen tức thì cười. “Thánh nhân đãi kẻ khù khờ”. Những người thiện tâm thì mừng cho Tấn ra mặt. Họ nhắc anh khéo chừng ham làm giầu mà quên cả lấy vợ, rồi ra thành hâm tỉ, chập cheng chứ chẳng phải chơi đâu.

Kỳ thực dẫu bận cách mấy thì Tấn vẫn dành thời gian cho Sa, lắm khi chỉ trong chốc lát. Chủ yếu là để được nhìn thấy nhau, nói dăm ba câu không đầu không cuối cũng được. Anh mắt vời vợi của người con gái đã khiến cho Tấn bối rối. Đã đành là anh không dám hé chuyện trong gia đình nhưng cũng chưa biết ăn nói với Sa thế nào cho phải.

Chừng như vẫn chưa nguôi cơn giận. Cái mặt ông Hòe cứ lành lạnh khiến bà lão cứ chờn chợn. Không đừng được, bà Hòe bấm bụng ra trại coi thử thằng bé vậy vọc ra sao. Nghe dân làng đồn kể cũng mát ruột, nhưng cứ phải mục sở thị thì bà mới tin. Vả lại chuyện làm ăn còn phải gặp thời vận nữa, nếu không thì cứ gọi là trầy vẩy. Cả khu trang trại được chia thành nhiều lô, mỗi loại cây được trồng riêng ngay hàng thẳng lối. Từ xa đã ngửi thấy mùi hương ngan ngát dìu dịu. Chợt nghe có tiếng cười rúc rích, bà lão vội dừng bước nấp nom nhìn. Đằng sau gốc bưởi sơn cao ngang người, con bé Sa đang xới cỏ. Thằng Tấn vạch lá tìm sâu, mồm miệng liến thoắng. Nhìn hai đứa líu ríu bên nhau, bà lão thừa biết chuyện. Làm cha làm mẹ, nỡ nào lại chia uyên, rẽ thúy? Không muốn để hai đứa phải bối rối, bà Hoè lẳng lặng lui gót.

Nghe bà lão thẽ thọt, ông Hoè vẫn im lìm như đá tảng dựng bờ sông. Sống với nhau ngần ấy năm, bà hiểu ông không phải là người xấu, chỉ tội hơi cố chấp và lắm khi ương ách như con nít. Thấy chồng ngọ nguậy trên ghế, bà Hoè biết ấy là dấu hiệu xuôi xuôi. Xưa nay, bà chẳng lạ gì tính khí thất thường của chồng, dẫu trái thè lè nhưng đã có khi nào ông ấy chịu nhận mình sai đâu. Thế nên bà cứ phải tìm cách tháo dần ngòi nổ, giữ thể diện cho ông.

Đùng cái, anh trai Sa về nghỉ phép. Cái tin thằng Long tốt nghiệp sĩ quan lục quân và được phong hàm trung úy loang nhanh khắp xã. Ông thầy Bảy sửa cái tiệc mừng nho nhỏ bô báo có đứa con “công thành danh toại”. Là một trong số ít ỏi thực khách được mời, ông Hoè cứ đắn đo mãi. Chẳng hay người ta thực lòng hay có ý chi đây. Cùng nhập ngũ một đợt, con người ta vậy, con mình vậy, kể cũng xấu mặt. Thấy chồng dùng dằng, bà Hoè ráo riết. “Có quý có trọng thì người ta mới có lời mời. Thì ông cứ chĩnh chện mà đi kẻo mọi người phải đợi”. Ông lão tặc lưỡi. “Ừ thì đi”. Tiện thể xem gia cảnh và dò xem sông lạch ngọn nguồn.

Buổi tối, ông Hoè trở về nhà hơi muộn. Dưới ngọn điện, vẻ mặt ông lão đầy bối rối, sượng sùng. Bà lão gặng:

- Ông đã biết tin con bé thi trúng Đại học Nông lâm chưa? Nay mai là nó lên tỉnh đi học…

Bà lão bỏ lửng câu nói khiến ông Hoè nảy người lên như kiến bồ nhọt chích. Giọng ông lão thảng thốt:

- Thật… rứa hả bà?

- Chớ lại còn không thật. Thì chính mồm thằng Tấn nói với tôi.

Trằn trọc mãi tới gần sáng, bà lão chợt thiếp đi. Lúc tỉnh dậy, cửa nhà vắng ngắt. Quái, ông lão đi đâu sớm vậy hè? Giận mình vô tâm, bà lão nháo nhào rút nắm rơm nhóm bếp đặt niêu cơm nếp. Khéo mà tối qua vui chuyện rồi mải nâng lên đặt xuống, chẳng được mấy hột vô bụng. Khổ, mà cái ông lão nhà này là chúa xấu đói

Đôi chân thập thững dắt ông Hoè đến trang trại của con trai. Lòng đã chín nẫu cái ý nghĩ trong đêm, ông lão chủ đích tìm gặp thằng Tấn ướm xem ý tứ nó thế nào để còn định liệu. Cưới vợ phải cưới liền tay…

Sững sờ, ông lão đứng ngây ra giữa miên man cây quả. Mới có ít lâu không đáo ra trại mà ông cảm như đám cây có ai cắm ống thổi vào gốc vậy. Sau mỗi mùa lụt, đất làng Quang giống như người đàn bà căng tràn sinh lực ngày đêm bú mớm, nâng giấc cho cây cối tốt tươi và đơm hoa kết trái. Ngay trước mắt ông lão, những cây chanh hoàng niên bói quả mùa đầu. Mặt trời leo ngang ngọn tre. Nắng thắc thỏm trải ánh vàng lênh loang khắp cánh bãi. Từ mặt sông gió đùn lên hây hẩy, mát rợi. Ngàn vạn con mắt lá rung rinh, hấp háy liếc nhìn ông lão. Nắng sực lên mùi đất ngai ngái…

Nguyễn Minh Ngọc | Báo Văn nghệ

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Cô chủ vườn. Chùm truyện ngắn của Đào Đức Tuấn Đọc truyện: Mặt nạ. Truyện ngắn dự thi của Trần Ngọc Mỹ Cội nguồn. Truyện ngắn của Nguyễn Thu Yên Cầu thang hẹp. Truyện ngắn của Phong Điệp Làng Châu. Truyện ngắn của tác giả Tiến Đạt
Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Chuyện vãn ở La Thành - Thơ Lê Huy Mậu

Baovannghe.vn- Thi nhân ạ!/ Khó minh định rạch ròi/ Ta đang ở Giới nào trong Tam giới?/ Này thì rượu. Này thì thơ. Này thì em roi rói
Câu chuyện cửa ô xưa

Câu chuyện cửa ô xưa

Hà Nội với 36 phố phường và 5 Cửa ô trong những vần thơ, câu hát đã khắc sâu trong tâm thức biết bao thế hệ người Việt. Cửa ô - danh xưng độc đáo, riêng biệt chỉ có ở Hà Nội, được mở ra tại phần tiếp giáp với sông Hồng, có chức năng như một cửa khẩu buôn bán và được canh phòng cẩn mật. Tuy nhiên, trải qua bao biến thiên thăng trầm của lịch sử, những Cửa ô xưa của đất Kinh kỳ đã chìm dần trong ký ức. Câu chuyện về những Cửa ô của Hà Nội là một nội dung đầy tính hấp dẫn về chính bản thân nó cũng như gắn liền với lịch sử của mảnh đất nghìn năm văn hiến Thăng Long - Hà Nội.
Hoa Ưu Đàm - Thơ Nguyễn Hoa

Hoa Ưu Đàm - Thơ Nguyễn Hoa

Baovannghe.vn - Bóng nhẫy lời khen/ Bài thơ/ Thiếu dòng mồ hôi nhễ nhại mặt người/ Thiếu hoa vân tay trong hồ sơ lưu trữ
"Đổi Tư Thế" MV nhạc dung tục gây tranh cãi

"Đổi Tư Thế" MV nhạc dung tục gây tranh cãi

Ca khúc "Đổi tư thế" của Bình Gold và Andree Right Hand vừa ra mắt vào ngày 2/10/2024 đang gây sốc và tranh cãi mạnh mẽ trong cộng đồng mạng, MV nhanh chóng xuất hiện trong danh sách âm nhạc thịnh hành. Tuy nhiên, thay vì được đón nhận tích cực, sản phẩm âm nhạc này lại bị lên án vì phần ca từ mang tính tục tĩu và phản cảm, dấy lên những lo ngại về ảnh hưởng của nó đối với khán giả, đặc biệt là giới trẻ.
Viết bằng nước mắt đỏ - Thơ Vương Tùng Cương

Viết bằng nước mắt đỏ - Thơ Vương Tùng Cương

Baovannghe.vn- Vẻ trầm lặng khiêm nhường/ nhưng ánh mắt không phải thế/ ánh mắt của mưa nguồn chớp biển/ có sông Lam bến tuổi thơ sạt lở