Sáng tác

Làng Châu. Truyện ngắn của tác giả Tiến Đạt

Tiến Đạt
Truyện
11:00 | 02/10/2024
Baovannghe.vn - Làng Châu có sông nhỏ, đình nhỏ, gò mả nhỏ. Tôi có thằng bạn tên Hiền, mồ côi, tự nhận là người nối dõi duy nhất của ông tổ Mạnh.
aa
Làng Châu. Truyện ngắn của tác giả Tiến Đạt
Làng Châu - truyện ngắn của Tiến Đạt

Đình nhỏ nằm trong khuôn viên vườn tôi. Trước, làng cắt người thờ cúng nhưng đến khi cha tôi lập gia đình chẳng còn ai chăm lo nên cha tôi đem cây cối, tre nứa khô, rơm rạ chất vào nhằm đun mùa lũ. Lũ làng Châu bấy giờ lớn lắm.

Gò mả nhỏ chính quyền tổ chức chuyển dời bởi chẳng còn đất cho người sắp thác. Lí do nữa bởi nó nằm mặt diện của làng.

Bố tôi thuộc người kháng chiến cũ. Giải ngũ ông về giúp việc xã, sau thấy lớp trẻ năng động nên ông giao hẳn cho họ đặng về nhà chăm lo vườn tược. Thằng Hiền đẹp trai nhưng ngu. Được tính lém nên nó làm được việc. Nó ở nhà ông Kế - trưởng làng. Tôi chơi thân với nó. Tôi chỉ chăm bẵm vào sách vở, năm nào cũng nhận được giấy khen còn việc nhà, việc làng mù tịt. Một lần khi tranh cãi về con đường "công danh" sau này nó phán tôi một câu:

- Mày suốt đời là con vịt đực!

Tôi sộ:

- Mày láo!

Nó cười khẩy, bỏ đi. Nếu nhớ không lầm năm ấy tôi và nó học lớp năm trường La Quan Thôn. Cô chủ nhiệm tên Khanh, rất đẹp.

Ông Kế cùng đám cán bộ ở xã đo đi do lại diện tích gò mả nhỏ nhất mất gần tháng. Ông bảo với bố tôi:

- Mình thật khó tính. Trên bảo di dời mà lòng không vui.

- Hay anh làm đơn từ chức cho khỏe?

Ông im lặng, không tỏ ý gì.

Ông Mạnh thuộc hàng tướng giỏi, đánh đâu thắng đó; đi đến đầu thê thiếp đến đó. Việc thằng Hiền tự xưng dòng dõi danh tộc ấy lúc đầu tôi bảo nó láo nhưng về sau nghĩ lại thấy cũng có lí. Biết đâu trong đám thê thiếp của ông Mạnh có bà tổ của tôi thì sao? Tôi hỏi bố, ông bảo ông từng xem cuốn gia phả cũ mềm nhiều lần nhưng chẳng gặp bóng dáng ông Mạnh đâu cả. Ông tổ tôi chỉ là lính lác của ông Mạnh.

Xưa làng Châu có tục chọi trâu. Làng chia nhiều xóm. Mỗi xóm hàng năm cử một người đứng ra tuyển lựa chăm sóc trâu chiến đặng đêm rằm tháng Giêng âm lịch thi thố cùng xóm khác. Nghe đâu tập tục ấy vui lắm, dân làng xem là ngày hội. Thuở ấy có cá cược nhưng không ăn thua tiền bạc mà chỉ công nhật: bên nào thua đến mùa vụ phải làm không công cho bên kia. Cũng theo lời bà nội tôi kể lại thì ông nội tôi thuộc hàng tướng lĩnh nghề này. Sinh nghề tử nghiệp. Trong hội chọi trâu thường lệ con trâu chiến nổi khùng, lúc vào cuộc nó không nhắm đối thủ tấn tới mà nhảy bổ vào ông. Nó hất ông nội tôi lên trời.

Trâu thằng Hiền không hiền. Có lần nó dí ông Kế chạy thục mạng trên cánh đồng làng khi ông không cho nó nghỉ trưa – ruộng làng vào mùa cầu hoàn thành đúng thời vụ. Từ đó ông Kế giao hẳn nó cho thằng Hiền. Sau con vật đen này khỏe bởi ông chủ sắm máy móc dạng nâng cao hiệu quả công việc.

Con gái rượu ông Kế tên Diệu - xinh đẹp, kiêu kì nhất làng. Có người bảo cô gái này từng tuyên bố chẳng bao giờ cô ta chơi với đồng trang lứa ở làng, chỉ giao du dân phố.

Chị Diệu được đài thọ chu đáo trong cuộc sống. Ai cũng cho rằng đời chị phẳng lắm. Chị hơn tôi và thằng Hiền đúng nửa con giáp.

Bà Kế trước thuộc gái đẹp Phố. Tình bà và ông Kế có trục trặc. Chuyện về người đàn bà dân làng Châu này dài lắm - dài lắm. Làng Châu đều biết, làng Châu đều giấu giấu, giếm giếm - Ấy là mẹ tôi bảo thế.

Thằng Hiền không thích tính cô chủ nhỏ. Tuy người ở nhưng nó luôn tìm cách chơi khăm chị Diệu. Nó lấy mấy thứ lặt vặt chị thích rồi đem ném vớ vẩn đâu đó để chị mếu máo đi tìm. Nó kể tôi nghe như vậy. Có lần nó khoe: Nó là thằng đàn ông đầu tiên chiêm ngưỡng tấm thân ngọc ngà ấy hàng giờ. Nó rình chị tắm...

Một hôm, sau giờ học nó lôi tôi ra sông nhỏ để tuyên bố một câu xanh rờn:

- Tao cá cược với mày chị Diệu là con hoang.

Tôi trợn mắt. Nó tiếp:

- Lúc đêm tao nghe lén cuộc cãi vã của vợ chồng ông Kế.

- Họ nói gì mà mày dám bố láo thế?

- Ông Kế chửi bà Kế rằng gái thúi.

- Việc ấy can chi đến việc chị Diệu là con hoang?

- Mày ngu như lợn. Từ ấy mà không suy ra được vấn đề.

Tôi nghi ngờ lời nhận xét của thằng bạn. Đêm, tôi hỏi mẹ. Mẹ bảo:

- Việc ấy có hay không cả làng này đều biết. Mày qua mà kiểm chứng ở bố mày ắt rõ.

Tôi lén qua giường bố. Ông trở mình, cáu:

- Đồ con nít. Lo ngủ đặng mai đến trường.

Tôi đem thắc mắc dồn về nội. Nội trầm tư:

- Thôi cháu à! Việc này cũ rồi, nhắc lại làm chi. Bia miệng của thiên hạ thúi lắm. Người nào có nỗi niềm đều nhục cả, cháu ạ!

Đến đó thì tôi chắc mẩm lời thằng Hiền có lí. Mấy ngày sau, tôi nhìn chị Diệu với ánh mắt khác.

Ông tổ trước khi thác có xây một lăng tẩm phía tây làng. Bên trong độc nhất một lư hương. Vậy mà nội tôi bảo nơi rấy rất thiêng, kẻ nào vào phá phách sẽ tan gia bại sản.

Việc dời gò mả cuối cùng cũng xong. Nơi ấy mọc lên khu văn hóa làng có cổng chính, cổng phụ, rào chắn bằng ximăng, cốt thép hẳn hoi.

Đêm khai trương dân làng kéo tới nườm nượp, đa phần thanh niên nam nữ cùng lũ nhóc như tôi với thằng Hiền. Hôm ấy tôi thấy chị Diệu đứng chen chúc trong đám gái làng. Chị vỗ tay mỗi khi tiết mục bắt đầu và kết thúc.

Ông Kế đọc diễn văn khai mạc khá lâu làm quang cảnh bên dưới tựa đám cháy chợ.

Bố tôi đến trong hàng danh dự. Ông cũng phát biểu, nhưng ngắn lắm.

Mấy ca sĩ Phố tha hồ nhảy múa, la hét trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của đám khán thính giả. Chị Diệu bỏ nhà ra đi không rõ nguồn cơn. Tin đồn chị theo trai Phố. Có người lại bảo chị có thai mấy tháng mà gia đình ông Kế không hay, khi vỡ lẽ phải đem giấu chị đâu đó hòng tránh tai miệng nhân gian... Tôi lân la hỏi thằng Hiền. Nó bảo:

- Tao cũng đang điều tra.

- Thế mày có tin gì sốt chưa?

Nó lắc đầu, bỏ đi, ra chiều không vui.

Ông Kế lần đầu tiên chén thù chén tạc với bố tôi cho đến say bí tỉ. Rồi ông khóc thành tiếng. Nội tôi thấy thế ra vẻ bùi ngùi. Mẹ tôi ngồi góc nhà, im lặng. Lúc tôi cùng bố dìu ông lên giường cũng là lúc nghe ông thều thào:

- Tôi linh cảm điều gì đấy, ông ạ!

Gần tuần sau đột nhiên chị Diệu trở về. Thân thể chị y nguyên. Người báo tin cho tôi là thằng Hiền. Nó cười:

- Hóa ra sự việc không có phức tạp!

Đấy, đấy, cũng tại những lời buông ra nửa úp nửa mở của nó mà mãi mãi tôi chả hiểu nó là con người như thế nào.

Lại một đêm nữa ông Kế uống rượu với bố tôi đến say bí tỉ. Câu cuối cùng lúc ông vào giường không như trước, mà là:

- Tôi muốn sống cho mình đặng thanh thản, ông ạ!

Sông nhỏ hiếm cá. Mùa hè nắng gắt, nước khô, trai làng thường tổ chức đi hàng đàn nhằm đánh bắt nhưng chả thấy cá tép gì nhiều.

Thằng Hiền tuy nhỏ tuổi nhưng cũng thuộc hàng cao thủ trong việc mò cua, bắt cá. Sau mấy đợt ấy nó lè lưỡi:

- Từ nay về sau tao bỏ nghề.

Tôi thì mù tịt mấy thứ tài lẻ như nó.

Bố tôi chẳng hiểu vì sao tự dưng dọn sạch đồ đạc cất trong ngôi đình nhỏ. Đầu, giữa tháng ông thắp hương, bánh nải hẳn hoi. Đêm tối trời cứ trông vào ánh nhang lập lòe ấy mà rùng rợn. Nội tôi tươi hẳn ra. Trong nhà mọi việc nếu quan sát kĩ thấy có vẻ e dè, lẳng lặng.

Thằng nhóc như tôi tuy tò mò đấy nhưng biết quái gì mà can vào. Nếu có ý kiến chỉ nhận những cái lắc đầu không hơn không kém. Mấy lúc như vậy tôi đem tâm sự với thằng Hiền. Nó cười khùng khục.

- Hình như người lớn lúc nào cũng sợ điều gì ấy.

- Còn mày?

- Trời có mây, sông có nước, mặt đất này có tao, thế thôi.

Nói xong, nó lại cười khùng khục.

Hôm trên đường học về. Nó tâm sự với tôi:

- Hình như bây giờ tao thấy cô chủ của tao có điều chi buồn buồn.

- Mày còn...

Nó bịt miệng tôi:

- Mày mà để lộ chuyện cũ của tao ra ngoài thì tao không tha cho đâu!

Lúc chia tay, sực nhớ gì nó kêu tôi lại:

- Thế mày nghe tin gì về làng Châu chưa?

Tôi hỏi. Nó bảo:

- Năm nay làng sẽ chọi trâu.

Chẳng đợi tôi bình phẩm gì, nó đã buông một câu:

- Trâu tao sẽ đạt giải nhất.

- Ông Kế chắc gì cho phép mày?

- Mày lại ngu như... Ông ấy đứng ra tổ chức mà không đi đầu thì ai sẽ ủng hộ chứ!

- Ừ nhỉ!

Đội chớp bóng Phố hàng tuần đem phim về chiếu ở khu văn hóa làng. Tôi và thằng Hiền mê cảnh súng đạn nổ và hò reo phe ta thắng phe địch.

Đội văn nghệ Phố không còn la hét như lần đầu nữa mà là những tiết mục có chọn lọc trước. Nghe đâu hôm khai trương khu văn hóa làng ông Kế bị cấp trên chỉ trích nhiều do ca sĩ chơi những bài không có tổ chức, yêu đương nhì nhằng.

Chị Diệu thời gian sau ít thấy có mặt ở khu văn hóa. Thằng Hiền bảo chị bận thi vào trường đại học nào đó rất to ở thành Nam.

Không bao giờ tôi quên được buổi chiều ấy. Chị Diệu ngồi một mình bên dòng sông nhỏ. Mắt chị chập chờn nơi lô nhô những gốc tre già, măng mục. Thấy chị, tôi nhoẻn miệng cười. Tôi một thời không thích cô chủ nhỏ thằng Hiền.

Nội tôi bảo chị là cô gái hoàn hảo làng Châu. Tôi không tin. Chị đẹp thật nhưng nét đẹp chị tôi không thích. Tôi chỉ thích những cô gái có nét đẹp như mẹ tôi cơ!

Chị ngồi trong nét cô lắng của chiều. Chị dõi cách ăn vận của mình. Hình như trong mắt tôi thân thể chị đang hòa vào chiều vàng: vàng vọt, sâm sẫm... Chị đang ngồi vào chiều. Chắc chị nghĩ về chiều...

Tôi lân la:

- Chị làm gì nơi đây ạ?

- Chị tìm một dòng sông.

- Trước mặt chị là sông kia mà!

Chị lắc đầu. Khi trưởng thành tôi mới hiểu: trong những trường hợp với các cô gái như thế tốt nhất là im lặng.

Tôi tiếp:

- Hay chị định tự vẫn.

Chị cười.

­- Ai bảo với em như thế?

- Thằng Hiền.

Chị lại cười. Tôi mạnh bạo tìm rõ nguồn cơn của mình ngày trước:

- Chị là con hoang của bác Kế, phải không?

Chị im lặng. Để rồi giọng chị chùng xuống:

- Chuyện người lớn sao chị hiểu được!

Giá mà lúc ấy tôi là thằng con trai trưởng thành chắc chắn điều bí ẩn về người con gái làng Châu ấy sẽ không mãi trong tôi, mảnh đất thô ráp ngày cũ day dứt tôi suốt con đường vào đời.

Sau biến cố làng Châu trong ngày chọi trâu, chị Diệu không còn ở làng nữa. Ông Kế sau lời tuyên bố trịnh trọng, lễ chọi trâu bắt đầu. Ông khai trận bằng bó nhang to dùng nghi ngút dưới chân ông tổ.

Cặp thứ nhất giữa trâu ông trưởng xóm Đông và ông trưởng xóm Đoài. Khu văn hóa chật kín người. Khu trung lộ dành riêng cho trận đấu. Bốn phía được bao bọc bằng những tranh tre chắc: dọc theo đó đều được bố trí bởi các tay thanh niên, trung niên to khỏe mình khoác áo chiến xanh hòng phòng bất trắc xảy ra.

Chị Diệu cùng thằng Hiền đứng ở hàng đầu, ngay lối ra vào. Hôm ấy chị mặc chiếc áo màu huyết dụ.

Tôi biết thằng Hiền cay cú lắm vì nó không được trực tiếp làm săn sóc viên cho con vật đen của mình. Một phần do nó còn nhỏ, một phân con vật ấy không thuộc sở hữu của nó - Đó là quy tắc của cuộc chơi. Nó thành khán giả bất đắc dĩ.

Bố, mẹ có cấm nhưng cuối cùng tôi cũng có mặt trong ngày hội.

Bà nội, bố, mẹ tôi đều có mặt trong hàng ghế danh dự làng. Họ ngồi ở trên cao thật cao. Mặc dù mắt luôn hướng ra sân nhưng lâu lâu tôi vẫn thường nhìn trộm lẫn ấy sợ họ phát hiện.

Kết quả trận đầu tiên trâu ông trưởng xóm Đoài thắng. Sau này tôi nghe xầm xì trận ấy ông trưởng xóm Đông thua cả tấn gạo.

Cuối cùng cũng đã đến lượt trâu thằng Hiền. Địch thủ là trâu ông trưởng xóm Bắc. Trâu ông này cũng dữ, từng húc trọng thương một vài người. Loại này thân trắng, được ông trưởng xóm Bắc mua lại của tay lái trâu phương Bắc giá hai chục tấn gạo. Ánh trăng trên đầu vằng vặc.

Sau tiếng trống hồi ngũ liên dồn dập, hai thanh niên mặc áo chẽn đỏ từ từ dắt hai con vật ra bãi chiến, cũng là lúc tôi nhìn thấy trong ánh mắt thằng Hiền có những luồng đỏ, thật nhỏ. Tôi chắc mẩm nó đang khảo khát chiến thắng. Rồi đây nó sẽ thành tướng lĩnh trong đám mục đồng làng Châu cũng như anh hùng trong mắt tụi con gái trường La Quan Thôn. Nghĩ đến đó lòng tôi không được vui. "Nhưng mình là bạn thân của nó cơ mà. Mình sẽ được thơm lây chứ!"

Đúng, trâu ông trưởng xóm Bắc thuộc hạng dữ. Anh chàng mặc áo chẽn đỏ mặt choắt chưa kịp buông dây thì chú chàng đã nhảy lồng lộng về phía đối thủ. Hai chân sau nó vung mạnh lên trời mang theo mảng cỏ thật to. Con đen không kịp trở tay đã lãnh đủ một vố ngay ức. Con đen lùi ra, chững lại, nhìn đối thủ từ đầu tới chân bằng đôi mắt vằn lửa đỏ.

Thằng Hiền nhảy cẫng chân lên, la hét ôm tỏi:

- Xông vào! Xông vào, nào!

Chị Diệu hình như lấy tay mình ấn lên vai nó.

Trận chiến diễn ra rất dữ dội, bãi cỏ khu trung lộ thốc lên từng mảng, bụi bay mù trời. Máu từ con đen con trắng phụt bắn ra ngoài - nếu tôi nhớ không lầm thì những giọt ấy có phun lên người tôi, chị Diệu, thằng Hiền và rất nhiều người khác nữa.

Trận chiến ngang sức, ngang tài.

Tôi biết trước trận đấu thằng Hiền chuẩn bị cho con đen dữ lắm. Nó bỏ học thân chinh lên làng Mục xa thật xa để đem về những bao cỏ xanh um. Nó chuẩn bị cho con đen những thùng nước trong veo mà chỉ có ở núi Vệ cách làng hơn chục ngàn thước chim bay mới tới.

Con đen lắc sừng thúc mạnh vào mõm con trắng làm con trắng lỡ đà hẫng chân sang tả. Thắng thế con đen chúc đầu đánh ót mảng sừng vào mạng sườn con trắng…

Thằng Hiền lại nhảy cẫng lên:

- Xông vào! Xông vào, nào!

Chị Diệu nắm chặt tay nó. Tôi liếc về hàng ghế danh dự. Ông Kế vẫn ngồi bất động. Nội, bố, mẹ tôi hình như xầm xì điều gì ấy.

Cứ thế, cứ thế... Con đen dồn con trắng vào thế kẹt. Con trắng co giò bỏ chạy...

Bất ngờ con trắng dừng lại. Rồi bằng thế độc, nó đảo người quất mạnh vũ khí của mình trong đà lao không thủ của con đen. Con đen ngã nhào, vó chổng lên trời. Con trắng chồm lên...

Bóng thằng Hiền vụt vào sân sau. Sau lưng nó thấp thoáng tà áo đỏ.

Sài Gòn 9/4/1997

----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Búa nước. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Phương Lan Đọc truyện: Huyết lệ chi. Truyện ngắn dự thi của Phạm Hữu Hoàng Đọc Truyện: Gió Cùa se sắt. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp Đọc truyện: Trăng mắc cạn. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Thúy Đọc truyện: Phong lan của núi rừng. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung
Văn nghệ Trẻ, số 26/1997
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Baovannghe.vn - Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Văn nghệ điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.
Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Baovannghe.vn - Con đường ấy mang tên "Đông - Tây". Đơn giản là nó nối hai phương của một thành phố. Con đường lớn, đẹp, lối đi hai chiều.
Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Baovannghe.vn - Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) là cuốn sách có giá trị tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội.
Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Baovannghe.vn- Tôi từ thương nhớ mà đi/ Vọng trong ngày cũ xanh rì chiêm bao/ Nam non ướt ngọn mưa rào/ Nồm già nứt vách chênh chao nếp nhà
Chiều đã Chạp - Thơ Nguyên Hậu

Chiều đã Chạp - Thơ Nguyên Hậu

Baovannghe.vn- Chầm chậm nhé trời chiều nay đã Chạp/ Người tha hương đã kịp về đâu/ Ai rửa phèn chua nhàu nhĩ áo nâu/ Rơi giấc phố tiếng dế ngày xa lắc