Sáng tác

Cội nguồn. Truyện ngắn của Nguyễn Thu Yên

Nguyễn Thu Yên
Truyện
11:42 | 01/10/2024
Baovannghe.vn - Ngày nay, những người làm nghề hát then ở vùng cao Việt Bắc vẫn hoài niệm không nguôi về ông tổ nghề của mình. Họ tin rằng tổ tiên xa xưa đã truyền lại nghề cho họ...
aa
Cội nguồn. Truyện ngắn của Nguyễn Thu Yên
Cội nguồn - truyện ngắn của Nguyễn Thu Yên

Đêm ấy, bên bếp lửa hồng tại bản Ngân tôi đã ngồi lắng nghe bà then Thêm hát trong lễ kì yên giải hạn. Then Thêm đã gần 70 tuổi nhưng giọng hát còn rất vang. Bà là con cháu của một dòng họ hát then nổi tiếng của vùng này. Ngồi trước mâm cúng đặt trước bàn thờ tổ tiên của gia chủ, then Thêm vừa đánh đàn tính tẩu vừa hát các chương đoạn về cuộc hành trình của then lên mường trời cầu bình an. Đó là vào một đêm cuối tháng giêng, bầu trời tối đen. Càng về khuya, tiếng đàn càng dìu dặt, giọng hát của bà càng thiết tha. Rất nhiều người đến dự buổi lễ đã xúc động lặng đi khi nghe bà hát. Một lần, giữa hai chương đoạn bà tạm nghỉ, tôi hỏi:

- Bà ơi, học hát then có khó lắm không?

Bà ngạc nhiên:

- Sao phải học? Cứ vào lễ, cầm cây đàn gẩy lên là khắc hát được!

- Nhưng trước tiên cũng cần phải có người dạy chứ ạ?

Bà thủng thẳng:

- À... đấy lại là chuyện khác. Tổ tiên ta làm nghề hát then, cha ta đã truyền nghề cho ta qua những giấc mơ mà.

Ngọn lửa đêm khuya bập bùng mờ tỏ soi khuôn mặt bà - một khuôn mặt rất cổ xưa.

Tôi đã nghe, đã cảm và đã theo bà đi hết cuộc hành trình qua 12 cửa then để lên tới tận mường trời. Vượt qua Vùng yêu tinh ma quái (1) sẽ đến nơi Bắc cầu vía (2) để nối dài tuổi thọ cho người già. Vượt qua chương Vượt biển (3) với bao ghềnh thác hiểm nguy là đến Chợ Tam Quang (4) đông vui tấp nập dễ khiến lạc lối về... Tuần tự như vậy, lời hát then chứa đựng trong nó bao nỗi niềm sâu xa trắc ẩn lay động lòng người.

Người đàn ông ấy trú ngụ trong một căn nhà nhỏ nép dưới lùm cây um tùm dây leo ở cuối bản Ngân. Đó là một bản hẻo lánh nằm trong vô số những bản làng hẻo lánh của miệt rừng phía bắc này. Lặng lẽ và cô độc, ông đã sống qua mấy mùa chim làm tổ ở đây rồi. Thú vui duy nhất của ông là đi rừng bẫy chim thú và ngồi ngẫm ngợi sự đời. Ông chẳng gây thù chuốc oán cho ai nhưng cũng không thân thiện với ai. Dân bản đã quá quen thuộc với sự hiện diện của ông và gọi ông là "ông họ Ma". Không ai biết thêm gì về gốc gác, tên tuổi đích thực của ông cả. Gương mặt ông âm u thật khó đoán tuổi. Thời gian đã dừng lại ở đó - không có quá khứ mà cũng chẳng có tương lai. Trầm uất và u uẩn.

Là kẻ lánh đời, ông trốn chạy tất cả, dửng dưng với tất cả. Tiếng chim ríu rít cũng làm ông phiền lòng. Ông nhặt hòn đá vừa ném xua đuổi lũ chim vừa chạy vào nhà, bưng tai đóng sầm cửa lại. Trời mùa thu xanh trong mát dịu hay mùa đông điêu tàn, mùa xuân khởi sắc... tất cả đều vô nghĩa lí đối với ông. Không ai biết rằng ông đã từng trải qua những tháng ngày khủng khiếp nhất của cuộc đời. Không ai biết rằng là ông là con duy nhất còn lại của một dòng họ nghệ sĩ nổi danh nhiều đời.

Nhiều ngày đã trôi qua mà trong kí ức ông vẫn không sao phai mờ đi được buổi sáng mùa thu kinh hoàng năm nào. Hai cánh quân Lê Trịnh làm thành thế gọng kìm ào ạt tấn công các cứ điểm của quan quân nhà Mạc. Lửa bốc mù trời, máu chảy thành sông, xương chất thành đống trong hang núi Pác Ngườm. Tại làng Công Đáng, một cuộc tháo chạy hỗn loạn chưa từng có đã xảy ra. Tiếng đàn bà trẻ con kêu gào thảm thiết. Nhà vua phải mở đường máu để rút lui. Trong thế cùng đường, hoàng hậu và các công nương đành phải nhảy xuống dòng sông Lê Sao tự vẫn. Xác những người đàn bà và thiếu nữ vô tội lênh đênh trôi dạt ra tận dòng Bằng Giang. Vợ con ông cũng cùng chung số phận như vậy. Đoạn nhạc nhã của hoàng gia tan tác mỗi người một ngả. Ông cùng người cha già lẩn lút mãi ở trong hang sâu với bao nỗi lo sợ và tuyệt vọng. Nhiều ngày trôi qua, khi chiến trận đã vãn hồi thì cha con ông cũng hoàn toàn kiệt sức. Đói ăn cộng với thời tiết khắc nghiệt và nỗi hoảng loạn về tâm thần đã cướp đi mất người cha già của ông. Trước lúc lâm chung vào cuối buổi chiều mùa đông sập sùi mưa gió ấy, lạ kì thay cha ông lại rất tỉnh táo. Quờ quạng bàn tay xương xẩu đặt vào tay người con trai cây đàn cổ của dòng họ đã lên màu bóng loáng, ông ứa nước mắt thì thào: "Sinh ư nghệ, tử ư nghệ... Nghiệp nhà ta là nghiệp cầm ca, vốn chỉ làm đẹp cho đời. Can qua loạn lạc rồi cũng sẽ lui. Nhưng thời nào, đời nào mà chẳng cần có tiếng đàn lời hát. Con hãy ráng giữ lấy nghiệp nhà... Cha sẽ phù hộ cho con. Cha sẽ trở về với con trong những giấc mơ..."

Chôn cất cho cha xong, ông thay tên đổi họ tìm về bản và cư trú. Ông mang họ Ma từ đây. Dù đã cố gắng hòa nhập với dân bản nhưng trái tim ông vẫn không sao dứt được nỗi ám ảnh triền miên bởi thảm họa của quá khứ. Ông sống tàn tạ về tinh thần và thể xác trong nỗi tuyệt vọng không thể giãi bày được thành lời. Dường như ông đã quên hẳn lời của các bài ca thuở trước. Thậm chí ông không còn nhớ rằng mình đã từng là một nghệ sĩ.

Năm tháng trôi qua. Một ngày nọ ông chợt bừng tỉnh sau một đêm mùa xuân kì diệu. Lần dầu tiên sau bao tháng ngày sống trong hoảng loạn ông đã mơ thấy một giấc mơ kì lạ. Ông thấy mình lướt đi như bay về một xứ sở đầy hoa thơm cỏ lạ. Nơi ấy tràn ngập ánh sáng và âm nhạc. Cha ông, ông nội ông, các cụ kị tổ tiên ông đều có mặt. Họ đang cùng nhau say sưa tấu lên những khúc nhạc lời ca du dương trầm bổng ngợi ca cuộc sống con người. Lời ca như một dòng mật ngọt cứ rót mãi, rót mãi không thôi vào tâm khảm ông.

Ông kinh ngạc nhận ra rằng chưa bao giờ đối với ông mùa xuân lại thanh bình và tĩnh lặng đến như vậy.

Hít một hơi thật căng lồng ngực, ông từ từ bước vào nhà đem cây đàn cũ ra nâng lên soi dưới ánh mặt trời. Cây đàn bắt nắng phát ra muôn ngàn tia sáng óng ánh. Ông so lại dây đàn, ngồi xếp chân bằng tròn, mặt hướng về phía mặt trời mọc. Thận trọng, ông khẽ lấy từng sợi dây đàn. Những âm thanh của tổ tiên ngân rung. Mây ngừng trôi, gió cũng ngừng thổi.

Cùng với tiếng đàn, lần lượt những lời ca trong giấc mơ tiên tổ chợt trở về trong ông. Ông hát, quên đi cả thực tại cùng với quá khứ khổ đau, quên đi cả mọi nỗi niềm u uẩn. Khúc hát ngợi ca cuộc hành trình vĩ đại của con người đi tìm hạnh phúc. Ở đó có khổ đau, bất hạnh và cả những bất trắc nhưng cũng chứa chan niềm tin và hi vọng. Ta là một tiểu vũ trụ - vũ trụ ở ngay trong ta. Cuộc hành trình ấy đi từ nơi bàn chân - từ mặt đất nhân gian lấm ưu phiền để lên đến đỉnh cao là tâm não ta, đến sự thức ngộ vô cùng tận về cuộc đời và thế sự.

Như mạch suối ngầm tuôn chảy, lời ca và tiếng đàn mỗi lúc càng hòa quyện vào với nhau. Sang trọng mà bình dị, khổ đau mà kiêu hãnh, hư ảo mà gần gũi... ba ngày trôi qua - ba lần mặt trời mọc và lặn – ba lần mặt trăng soi tỏ trên trời. Càng hát giọng ông càng vang xa, tiếng đàn càng ngọt, giọng hát càng luyện. Bao số phận con người quằn quại đi qua lời hát với nỗi khát khao suy tư muôn thuở về tình yêu, hạnh phúc. Cõi trần ai lắm nỗi gian truân, biển đời người lắm thác nhiều ghềnh và chiến tranh tương tàn đầu rơi máu chảy... tất cả đều không đáng kể gì so với khát vọng được sống làm người. Bởi là tiếng đàn của duyên nghiệp, là tiếng hát được cất lên từ một con tim quá mẫn cảm với cuộc đời nên nó hay tới mức làm chao đảo đất trời, chim muông ngơ ngẩn và thời gian thì như ngừng chuyển vào cõi vĩnh hằng!

Cuối cùng, người đàn ông ngẩng mặt lên. Không hiểu tự lúc nào dân chúng từ những mường xa mường gần đã kéo về quần tụ lớp lớp xung quanh ông - từ những đứa trẻ ốm yếu cho đến các cụ già đã quá mỏi mòn vì bệnh tật. Tất cả lặng im để lắng nghe tiếng hát của ông trong niềm xúc động rưng rưng, nước mắt chảy thành dòng. Những người khỏe mạnh như được tiếp thêm sinh lực. Những đứa trẻ ốm yếu tật nguyền chợt nhoẻn miệng cười. Còn những gương mặt ốm đau, già cả lại được bùng lên sức sống. Hạnh phúc, tình yêu và niềm tin đã mỉm cười với họ...

Ấy là bình minh của ngày thứ tư. Dứt tiếng đàn, gió lại tung hoành lướt trên ngàn cây. Cỏ cây hoa lá bừng thức dậy, những chồi xanh cựa mình như lộc. Không gian bao la phập phồng trong hơi thở mùa xuân. Đất trời bình yên, thanh thản và vô cùng tận như từ thuở khai thiên lập địa, như chưa hề từng có những điêu tàn của chiến tranh.

Với gương mặt rạng ngời hạnh phúc, người đàn ông nọ sung sướng đưa tay lên miệng hú một hơi dài - tiếng hú gọi bầy nên vang dội lên trời xanh lớp lớp không dứt.

Ông loạng choạng bước đi, cây đàn truyền kiếp lắc lư đeo bên người. Rừng người lặng lẽ rẽ lối nhường bước cho ông. Ông đi đến đâu, các loài hoa phong lan vốn khô héo gầy guộc chợt nở bừng lên đến đấy. Phút chốc, núi rừng tràn ngập trong mọi sắc màu của các loài hoa. Thập thững, bóng ông lẫn vào đại ngàn. Thanh thản và kiêu hãnh, đó là lúc ông đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Ông đã trở thành ông tổ của các nghệ sĩ dân gian, những con người vô danh đã làm nên một phần giá trị cuộc sống cho con cháu muôn đời.

Dân bản vẫn kể mãi không thôi huyền thoại về người đàn ông kì lạ năm nào mặc dù thời gian đã phủ bóng lên chuyện cũ. Rồi cả cái tên bản và cũng dần đi vào quên lãng lẫn với vô số những bản Ngân, bản Buốc, bản Khau, bản Ngườm...

Người ta kể rằng ông lại tiếp tục đi về các bản làng xa xôi để mang tiếng đàn lời ca sưởi ấm cho đời. Người con gái đẹp nhất vùng đã đem lòng yêu mến ông. Họ lấy nhau, sinh con đẻ cái và sống hạnh phúc bên nhau trọn đời. Con cháu họ sau này nối nghiệp cha ông.

Ngày nay, những người làm nghề hát then ở vùng cao Việt Bắc vẫn hoài niệm không nguôi về ông tổ nghề của mình. Họ tin rằng tổ tiên xa xưa đã truyền lại nghề cho họ qua những giấc mơ. Họ đã nhớ và hát với tất cả các sức nặng truyền cảm của hàng trăm năm dồn lại.

Dòng hát then Việt Bắc đã trở thành linh hồn của xứ sở. Như một mạch suối trong lành, nó chảy mãi không thôi trong tâm hồn người dân Tày từ đời này qua đời khác.

(1), (2), (3), (4): Tên các chương đoạn của lời hát then.

-----------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc truyện: Lửa trạng nguyên. Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân Đọc truyện: Đêm định mệnh. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Việt Hòa Đọc truyện: Bên sông giặt áo - Truyện ngắn dự thi của Bảo Thương Đọc truyện: Cây gạo ở chợ chiều - Truyện ngắn dự thi của Cầm Thị Đào Đọc truyện: Huyết lệ chi. Truyện ngắn dự thi của Phạm Hữu Hoàng
Văn nghệ Trẻ, số 27/1997
Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Nhà thơ Chu Thùy Liên: Ngẩn ngơ nhìn hoa mận trắng

Baovannghe.vn - Mùa hoa mận của Chu Thùy Liên là mùa xuân rộn ràng của núi rừng Tây Bắc, ở đó tác giả gửi gắm những điều tốt lành như ước mơ ai cũng được thả lên trời cao và lời chúc cho những người con của quê hương dù đi đâu xa đều gặp may mắn, duyên lành để "nhớ lối trở về".
Di sản bất hòa ở Đông Âu

Di sản bất hòa ở Đông Âu

Baovannghe.vn - Tinh thần dám đối diện với quá khứ, dám chấp nhận sự đa dạng của văn hóa đã giúp các quốc gia Đông Âu và cả châu Âu bước qua nhiều trở ngại để bảo tồn và khai thác khối di sản kiến trúc XHCN ở Đông Âu.
Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Sầm Sơn trong thơ ca xưa và nay

Baovannghe.vn - Sầm Sơn đang góp phần đưa tỉnh Thanh Hóa đứng top đầu các tỉnh phía Bắc trong phát triển kinh tế, văn hóa...
Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Quả chuối dán trên tường được bán với giá 6,24 triệu đô la

Baovannghe.vn - Ngày 20 tháng 11 năm 2024, quả chuối mang tên Comedian của Maurizio Cattelan đã được bán tại nhà đấu giá Sotheby’s với giá 6,24 triệu đô la, trở thành tác phẩm nghệ thuật gây tranh cãi nhất trong giới nghệ thuật đương đại. Một quả chuối dán tường với cuộn băng keo đã tạo nên cơn sốt toàn cầu, không chỉ vì giá trị vật chất, mà còn vì các câu hỏi nó đặt ra về giá trị thực sự của nghệ thuật.
Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 22, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Năm, ngày 21/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 22 (Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.