Lũng Voi - truyện ngắn của Trần Nhã Thụy |
Chúng tôi đến Vân vào một ngày tháng bảy. Miền Đông đang mùa mưa. Thiên nhiên bất chợt, vô tình. Tôi lấy hàng ở nhà ông chủ Vĩnh. Đây là hàng thuốc lá mới qua sơ chế. Gọi là thuốc rê. Cung cấp chủ yếu cho vùng nông thôn. Chúng tôi ngụ trong một cái nhà nát ngoài rìa thị trấn. Hôm nào không đi hàng thì kéo nhau vào mấy quán nhậu sáng. Gọi món tiết canh, lòng heo nhấm với rượu đế. Suốt ngày say lơ ngơ. Có khi tôi đi hàng về làng nhưng không ghé nhà. Đêm nằm ngủ ở sạp chợ, mắt mở trân trân.
Tôi đi được dăm chuyến hàng thì không đi nữa. Quyết định ở lại Vân. Câu chuyện từ đây bắt đầu.
Ông chủ Vĩnh có bảy người con. Năm trai hai gái. Toàn dân buôn bán mánh mung. Chỉ có cô gái út tên Kim Chi là không làm gì cả. Kim Chi, tuổi mười tám, xinh đẹp. Hương linh tiềm ẩn, chìm khuất tai họa. Kim Chi thường mặc một chiếc quần Jean bạc màu, rách te tua chỗ đầu gối, chiếc áo pull màu đỏ, bên trong không có áo ngực. Mỗi khi nàng khẽ cúi xuống, vầng ngực căng đầy lung lắc nhói tim. Kim Chi thường ngồi dựa trên một chiếc ghế bố, đọc sách. Đọc hết cuốn này đến cuốn khác. Những gì xảy ra xung quanh nàng đều mặc kệ. Coi như cuộc sống ấy không phải của mình, cho mình.
Tôi ở lại Vân, đơn giản là để được gần Kim Chi. Với tôi, bấy giờ không có một hướng đích, dự liệu nào cả. Tôi mơ hồ nghĩ đến tình yêu. Dù biết tình yêu cũng là một thứ phiêu lưu, bất trắc chết người.
Để sống ở đây tôi phải làm thuê cho nhiều người. Ban đầu ông chủ Vĩnh thuê tôi đào một cái hố to để chứa rác. Khi hố đào đến ngang ngực, Kim Chi đi đến, bảo "Anh làm cho bố tôi thì phải làm cho tử tế. Nhưng nhớ phải tính công rẻ. Nếu anh muốn ông cụ còn nhờ?” Tôi bảo: "Tôi không lấy tiền công. Chỉ ăn hai bữa."
Kim Chi không nói gì, bỏ đi. Ông chủ Vĩnh là người lấy tiền làm trọng. Sau này có người kể cho tôi nghe. Thì ra trước đây Kim Chi có quen với một anh thợ mộc. Hai người yêu nhau. Dự tính làm đám cưới. Ông chủ Vĩnh bảo: "Được rồi. Nhưng nhà đang dột. Nên xem sửa lại. Tiền nong sòng phẳng." Anh thợ mộc gọi thêm mấy người nữa đến làm. Khi tính công chỉ lấy chút đỉnh. Nhưng ông Vĩnh bảo: "Quân khốn nạn, nó sắp lấy con ông làm vợ còn dám ăn tiền ông." Ra mặt khinh bỉ. Rồi không may mái nhà làm không tốt. Có lẽ do anh thợ mộc còn non tay nghề. Mùa mưa mái lại dột. Ông Vĩnh chửi, "Đ.mẹ thằng mất dạy." Kim Chi định gọi anh thợ mộc đến chữa. Ông Vĩnh bảo: "Không chữa nữa. Lại mất tiền." Kim Chi bảo: "Không lấy tiền." Ông Vĩnh nhất quyết: "Thằng mất dạy ấy vác xác đến dây. Tao chém." Rồi cứ để mái nhà dột như một điều nguyền. Ngày mưa lại chửi, "Quân mất dạy...".
Mấy lần giáp mặt, anh thợ mộc bị ông chủ Vĩnh chửi cho tan nát. Tủi nhục, anh thợ mộc bỏ đi thành phố. Thề rằng sẽ làm giàu. Kim Chi khóc. Người kể cho tôi nghe chuyện này là Quyến. Một người đã từng được học ở một trường dạy viết văn. Nhưng thất bại vì văn không người hiểu. Nhà Quyến giàu, mở tiệm cầm đồ, cho vay nặng lãi. Quyến không hám tiền, mê gái nhưng thích rượu. Tối ngày say khướt. Có khi tâm thần đốt nhang cắm khắp thị trấn. Bệnh của Quyến có vẻ nặng. Có khi ngủ li bì trong mười ngày. Có khi thức đến nửa tháng. Lúc nào mắt cũng mở thao láo. Có khi nằm xuống chỗ cỏ xanh, gối đầu trên đường ray xe lửa rồi nhắm mắt. Mấy lần suýt bị tàu cán nát đầu. Sau này, đôi khi bố mẹ Quyến thuê tôi làm "bảo vệ" cho anh.
Những người buôn thuốc lá cứ mãi đi, lặn lội, giành giật, chắt bóp. Thành thử nhà hoang chỉ có mỗi mình tôi. Trong bóng tối. Khi nằm xuống, những ý nghĩ trỗi dậy. Như cơn gió loạn. Xô phá những bức tường yếu ớt quanh tôi. Thổi hun hút suốt dọc những con đường.
Một đêm. Trời đang mưa thì anh Quyến xô cửa bước vào. Anh bảo, "Hãy theo tôi vào Lũng Voi. "Nhìn ánh mắt anh, thấy vẻ quan trọng, tôi liền mặc áo, xách chiếc đèn bão bước đi. Lũng Voi nằm cách thị trấn Vân khoảng bảy cây số. Qua sông Ngầu, chảy vòng ôm lấy thị trấn Lũng Voi nằm dưới chân núi Mịch, mê phía Nam. Đất trũng xuống tạo hình một thung lũng nhỏ. Có con suối nhỏ âm thầm chảy qua. Nước trong vắt không bao giờ cạn. Nghe kể rằng trước kia có một đàn voi gồm mười ba con thường đến đây uống nước, nghỉ ngơi. Sau có dân đến khai hoang, dựng nhà, làm rẫy cạnh đấy. Đàn voi bỏ đi, thỉnh thoảng có trở về lúc nửa đêm. Tiếng voi huơ vòi trong gió, nghe như tiếng thở dài.
Dòng suối trong sạch nhưng không dùng được. Nấu cơm, luộc rau đều biến màu đen xám, dùng uống thì bụng đói cồn cào. Sau có đoàn địa chất đi ngang qua lấy mẫu về nghiên cứu bảo là nước khoáng. Thỉnh thoảng có ô tô từ xa đổ về. Nghe đồn, sẽ cho xây dựng nhà máy nước khoáng, phục vụ sức khoẻ nhân dân, làm giàu cho đất nước. Nhưng dân ở Lũng Voi vẫn không dám uống vì sợ bụng đói.
Anh Quyến kể. Có ba mẹ con nhà nọ túng quá đã ra nhà anh cầm cố một số đồ đạc, lại muốn vay thêm. Nhưng mẹ anh dứt khoát không. Họ đói lắm. Anh vừa lấy trộm một số tiền để mang vào giúp họ.
Trước mặt chúng tôi, một căn nhà gỗ cũ nát làm theo kiểu nhà sàn. Tôi bước lên cầu thang, đẩy nhẹ cánh cửa. Một con mèo hay con chồn con sóc gì đó phóng ào qua cửa sổ. Tôi rùng mình. Ngọn đèn chao đi. Ba mặt người trôi lướt dưới quãng ánh sáng mở đục. Anh Quyến bước nhanh về phía họ, cúi người xuống. Rồi hét lên thật to, "thuốc độc." Chúng tôi đã la hét điên loạn như thế. Mấy người ở gần nghe động chạy đến. Ánh đuốc cháy chấp chới trên đường. Tôi và anh Quyến mỗi người cõng một em bé. Hai thanh niên dùng võng khiêng người mẹ. Trạm xá cách đó ba cây số. Đến nơi họ lập tức được đưa vào bên trong. Tôi bước theo, thấy họ tuột quần áo hai trẻ. Đến lượt người mẹ. Cô y tá quát, "Đi ra ngoài" tôi bước ra ngoài. Anh Quyến ngồi xổm dưới đất, người co lại, hai tay nắm trước ngực, mắt ngước lên trời như cầu nguyện. Thời gian chậm chạp trôi qua. Rồi một người mặc áo trắng mở cửa bước lại chỗ chúng tôi, bảo "Bó tay thôi. Trong bụng của họ không có một hạt cơm."
Đường về, anh Quyến bảo tôi, "Đây là một bài học. Nhớ cho kĩ. Người giàu không giúp được gì cho kẻ nghèo đâu. Hãy tự lo lấy cho bản thân mình." Tôi bảo, "Anh nói đúng." Và trào nước mắt.
Tôi đề ra một nguyên tắc, không bao giờ lấy tiền ông chủ Vĩnh dù chỉ một đồng. Không phải tôi sợ ông chủ Vĩnh đuổi việc, cũng không phải tôi không cần tiền. Tôi muốn được ở gần Kim Chi. Điều ấy thật khó hiểu và có vẻ không ra gì.
Tôi đang chặt phá vườn đào cho ông chủ Vĩnh để trồng mới cây cà phê. Buổi trưa, Kim Chi mang cơm ra cho tôi rồi ngồi lại dưới gốc cây đọc sách. Cơn mưa vừa tạnh, thỉnh thoảng có cơn gió thổi lướt qua làm lắc rắc hạt rơi. Phía chân trời hiện lên một chiếc cầu vồng. Tôi ngồi nhai cơm, ngắm nhìn Kim Chi. Lòng cảm thấy gần gũi và ấm áp tựa như một điềm lành. Chợt Kim Chi ngước lên nhìn tôi, bảo: “Tôi muốn đi thành phố lắm." Tôi bảo, tôi đã ở đó được vài năm. Thành phố to lớn và nhiều cạm bẫy. Nhưng Chi đi thành phố để làm gì? Kim Chi bảo tôi muốn đi tìm anh chàng thợ mộc của tôi. Cổ họng tôi nghẹn lại. Kim Chi lại bảo, anh giúp tôi trốn đi nhé. Hãy bỏ công việc ở đây. Tôi bảo, tôi không muốn về lại đấy, nhưng nếu Chi muốn đi tôi sẽ giúp. Kim Chi bảo, anh tốt lắm.Tôi bảo, như thế nào là người tốt. Kim Chi bảo, người tốt là người giúp người khác mà không cần điều kiện. Tôi bảo thế tôi giúp bố Chi giữ Chi lại thì tôi có tốt không. Kim Chi bảo, bố tôi khác, tôi khác. Nói rồi lật sách qua một trang khác.
Hôm sau. Tôi đang chặt cây thì Kim Chi đi ra bảo, bố tôi nhờ anh làm thịt con ngỗng. Hôm nay nhà có khách. Tôi chém phập nhát rựa cho dính vào thân cây rồi bỏ đi vào. Khách tên Bích tuổi khoảng bốn mươi. Đi đứng, ăn nói, ung dung, tự thích. Ông Bích đến đây để mua tận gốc trăn, rắn, rùa, ba ba... với giá cao. Rồi phân chuyển đi khắp nơi. Nghe nói có đường dây ra nước ngoài. Ông Vĩnh cho mời thêm mấy vị nữa, cũng dân buôn bán. Nhưng không hiểu sao lại có anh Quyến lạc vào. Hình như anh vừa uống ở một đám nào đó. Tôi đứng hầu rượu. Rượu say. Một tay cao hứng kể huyền thoại hoa Quỳnh. Chuyện thế này: "Có một ông Vua, mê sắc đẹp của chính em gái mình. Một đêm nhân rượu say mà lẻn vào phòng thiếu nữ. Sáng ra thiếu nữ uống rượu độc mà chết. Nhà Vua tỏ vẻ ân hận lo chôn cất em gái chu đáo. Ngày ra thăm mộ em một lần. Một hôm trên mộ mọc lên một cây lạ, nở hoa trắng muốt, toả hương thơm ngát. Nhà Vua đến thăm mộ em thấy hoa lạ tiện tay ngắt đưa lên mũi thưởng thức. Nhưng lạ lùng thay, hoa vừa lìa khỏi cành thì lập tức héo rũ. Và từ đó hoa không bao giờ nở ban ngày nữa mà nở vào ban đêm. Thầm lén, giật mình. Sau gọi là hoa Quỳnh. Mọi người vỗ tay, đắc ý. Ông Bích bảo, hay lắm. Cao thủ lắm. Các vị ngẫm mà xem. Mọi sự ở đời đều trở về con số không. Nhà Vua là không. Em gái nhà Vua là không. Sự phối hợp giữa hai người cũng là không. Tuyệt vời. Mọi người lại vỗ tay khen hay, rượu thưởng. Bỗng anh Quyến đứng phắt dậy cầm con dao trên bàn nhét vào tay ông Bích rồi bảo: Tay phải của ông là không. Tay trái của ông là không. Con dao này cũng là không. Ông hãy cầm con dao này chặt đứt cánh tay của mình đi. Coi như cũng là không. Ông Bích tái mặt, thả con dao rớt "cạch" xuống nền nhà. Anh Quyến xô bàn bước ra. Ngoài trời đang mưa. Tôi chụp lấy một cái nón chạy theo anh. Anh Quyến bảo, loạn rồi! Tôi bảo, ông Bích thật quá đáng. Anh Quyến ôm lấy vai tôi, nói như khóc: Cũng đáng thương cả thôi, nhưng buồn lắm.
Người thị trấn Vân, dân Lũng Voi vào núi Mịch tìm bắt trăn, rắn, xuống sông Ngẫu kiếm rùa, ba ba... tất cả đều mang đến cho ông Bích. Ông Bích ở chỗ ông chủ Vĩnh. Hàng ngày tự đứng ra cân, đếm, giao tiền. Mỗi tuần có xe đến chở hàng đi một lần.
Một bữa, tôi không có việc gì làm, đang đi vơ vẩn ngoài đường thì gặp anh Quyến. Cả tuần rồi tôi không thấy mặt anh. Trông anh gầy và xanh ánh mắt lạc thần. Anh nắm lấy tay tôi, kêu lên: "Khủng khiếp! Thật khủng khiếp." Tôi hỏi, có chuyện gì. Anh Quyến kể, có nhiều cô gái suốt ngày dầm mình dưới sông Ngẫu để tìm rùa, ba ba... Đến ngày có kinh cũng không cữ. Tất cả vì đồng tiền. Một cơ hội kiếm tiền khó bỏ qua. Nhiều bữa dòng sông đỏ loang từng vạt ở những quãng mà các cô gái bơi. Hôm nay có một cô phải đưa đi cấp cứu nhưng đã chết rồi. Tôi lặng người, một nỗi uất ức, tủi cực dâng đầy lên ngực. Tôi bảo: "Hãy tìm cách ngăn họ lại." Anh Quyến lắc đầu, bảo: "Vô ích thôi. Đồng tiền nó mạnh lắm." Tôi nắm chặt đấm, bảo: "Tôi phải đến chỗ ông Bích để giải quyết chuyện này." Anh Quyến ngăn tôi lại. Nhưng tôi đã bước đi...
Câu chuyện buộc phải dừng lại ở đây và cái điện thoại di động của tôi cứ tút tít liên hồi. Ông Giám đốc nhà máy nước khoáng gọi tôi đến trực tiếp kí hợp đồng quảng cáo sản phẩm nước khoáng "Suối Voi" và làm một số dịch vụ khác. Tôi đã mò lên đến tận đây và chờ đợi. Bây giờ thì không thể rút lui. Tôi xin lỗi chủ nhà và anh. Người đã kể cho tôi nghe câu chuyện vừa rồi. Tôi hứa sẽ quay lại sớm. Nhưng đến gần nửa đêm tôi mới quay trở lại. Sau khi kí xong hợp đồng ông Giám đốc có nhã ý mời tôi cùng mấy đồng sự đi uống và hát karaoke. Ông Giám đốc cứ bảo, cô em và tôi song ca nhé. Rồi gào lên hết bản này đến bản khác...
Ngoài trời mưa lại rơi. Trái sầu riêng rớt "bịch" sau vườn. Con chó to lớn như con bê vội lẻn ra ngoài. Ông chủ nhà bảo: "Con chó này ghiền sầu riêng lắm. Thích ăn trái cây hơn ăn thịt. Cũng lạ." Tôi sốt ruột giục anh kể tiếp câu chuyện. Anh bảo, chuyện dài dòng. Nhưng vì đã khuya, xin được vắn tắt thế này.
Khi đến "nói chuyện" với ông Bích tôi đã bị người của ông chủ Vĩnh rình đánh đến ngất xỉu. Anh Quyến đưa tôi về nhà anh để chăm sóc. Trong thời gian đó xảy ra chuyện đau lòng, động trời. Ông chủ Vĩnh đã nhận một món tiền lớn và "bán" Kim Chi cho ông Bích. Kim Chi đã nhảy xuống sông Ngẫu tự vẫn.
Anh Quyến khuyên tôi nên trở lại trường học và hãy quên tất cả mọi chuyện ở đây. Tôi đã trở lại trường học nhưng quên thì không thể nào. Lần trở lại này tôi muốn đến thăm mộ Kim Chi. Còn anh Quyến nữa, nghe nói anh đang dạy học cho tụi nhỏ ở Lũng Voi.
Tôi không hỏi anh là ai. Còn tôi là Kim Chi. Một Kim Chi khác. Tôi kéo mền trùm kín đầu. Trong bóng tối. Cuối cùng còn lại tiếng mưa rơi.
Tân Phú, 8-1997
-----------
Bài viết cùng chuyên mục: