Sáng tác

Chú Mười Ba - Truyện ngắn dự thi của Vĩ Nguyên

Vĩ Nguyên
Truyện
14:28 | 17/07/2024
Năm đó Lam mười hai tuổi, ba má cất nhà ngói, mướn ông Tư Thợ làm nhà. Ông Tư có mười hai người con, bảy trai, năm gái. Bảy người con trai theo ông làm nghề mộc, mỗi năm dựng không biết bao nhiêu căn nhà, càng làm càng có tiếng, càng có tiếng lại càng được nhận nhiều nhà.
aa

Đội thợ tám người, tính luôn ông Tư, tới nhà Lam vào một buổi sáng. Ai cũng da ngăm mắt sáng, nhỏ người, chỉ có một người da trắng, trán cao, ra dáng thư sinh chứ không chắc nịch như những người còn lại. Đó là chú Mười Ba, con út ông Tư. Có lẽ do đẻ nhiều con, hết tên để đặt nên từ chú Mười trở đi, ông Tư đặt tên theo thứ, chú mười ba tên là Nguyễn Văn Mười Ba. Chú rất ít đi làm thợ, trừ khi nào thiếu người.

Ba Lam cất một cái trại để mấy chú cưa bào, đục đẽo. Hai mẹ con Lam bận túi bụi trong bếp nấu cơm thợ ăn. Cơm thợ ngày nào cũng có cá có thịt nên thằng Điền, em Lam vui lắm. Nó bảo thích thợ mần hoài luôn, ngày nào cũng được ăn sướng. Lam cũng vui, mà niềm vui của Lam khác, Lam sắp được ở nhà ngói rồi, ở nhà lá hoài người ta khinh. Mỗi ngày hai bận dọn cơm, hai lần bưng ly tách đi rửa, Lam nhìn kĩ từng cái kèo cái cột được bào gọt, đánh vẹc-ni láng bóng. Mùi vẹc-ni trộn lẫn mùi gỗ dăm bào bay phảng phất.

Một bữa Lam đang hốt dăm bào vào thúng, đem vô bếp nấu cơm chiều thì nhìn thấy chú Mười Ba đang ngồi gần đó đục đẽo. Chú ngoắc nó lại, móc túi đưa tiền. Ê nhỏ, mày đi mua cho tao ba điếu thuốc. Nhìn lịch sự vậy mà hút thuốc. Lam nghĩ thầm. Mấy chú kia nhìn xấu xấu, dơ dơ nhưng không ai hút thuốc, có ông Tư hay quấn thuốc rê thôi. Từ đó về sau, bữa nào có chú Mười Ba là bữa đó Lam phải chạy lên quán bà Hai mua thuốc. Chú im lặng làm việc, không nói chuyện gì với ai. Má nói chú với ông Tư khắc khẩu nên nói hai ba câu là có chuyện. Vì vậy chú làm thinh. Mua thuốc năm bảy bận chú mới hỏi được vài câu cho có lệ. Mày tên gì? Học lớp mấy rồi? Chú bào một cái thước kẻ bề ngang ba phân, bề dài hai mươi phân, đánh giấy nhám láng o, kẻ vạch tỉ mỉ. Thấy Lam bưng thúng đi ngang, chú nói cụt ngủn: Biểu. Rồi chú bỏ cây thước vô thúng dăm bào.

Cuối cùng nhà cũng làm xong. Ăn đám dựng nhà, lúc người ta đang cụng ly rôm rả thì chú đứng ngắm nghía mấy quyển sách trong tủ, mấy khung tranh trên tường. Chú nhìn giấy khen của hai chị em Lam rồi nói một mình: Đúng nhà Nho, đặt tên con toàn tên đẹp: Yên Lam, Lam Điền. Chú nói với mẹ Lam: Chắc đây là cái nhà cuối cùng em làm. Sau này người ta ở nhà tường, không ai làm nhà ngói cột kê nữa. Tưởng chú nói chơi vậy thôi, không ngờ chú làm thiệt. Chú học làm thợ hồ, học xây nhà tường, nhà gạch, xây được mấy cái sân phơi lúa, vài cái sàn nước quanh xóm thì chú bỏ. Quay lại nghề mộc nhưng không làm nhà, chú học làm gỗ mĩ nghệ.

Lam học hết lớp chín thì nghỉ. Má nói con gái không nên học nhiều, biết viết chữ, kí tên, biết cộng trừ nhân chia là đủ, học cao khó lấy chồng. Lam giống má, từ khuôn mặt dáng người tới cái móng tay, móng chân. Lam nhớ mãi hình bóng má nhỏ nhắn đứng trong căn bếp sạch bóng, gọn gàng, một tay chống nạnh một tay xào nấu, miệng nhắc liên hồi. Khéo đổ đó con. Không phải chén đó, chén ăn cơm phải dày, cầm trên tay không bị nóng. Lam ở nhà cho má dạy bếp núc, quán xuyến trong ngoài, vài năm đủ tuổi thì lấy chồng, giống như mọi đứa con gái xóm này. Nhưng mà đang đi học, tự nhiên ở nhà, nhớ sách vở nhớ bạn bè, trong lòng nó cứ bồn chồn làm sao ấy.

Chú Mười Ba - Truyện ngắn dự thi của Vĩ Nguyên
Chú Mười Ba - Truyện ngắn dự thi của Vĩ Nguyên. Minh họa: Tô Chiêm

Thấy con gái buồn buồn, má cho đi học may để tập tính kiên nhẫn, khéo léo. Tiệm may lại đối diện trại mộc, nơi chú Mười Ba học nghề. Lam chăm chỉ, chịu khó, không phải vì thích nghề may mà vì đi học may là được ra đường, được nói chuyện với chị em bạn. Bà chủ cũng thương. Bà nói học ra nghề mà không thích mở tiệm thì ở đây làm thợ rồi bà kiếm chỗ nào tử tế ở chợ làm mai cho, về chợ dù sao cũng sướng hơn về đồng. Lam không để ý mấy chuyện đó, dù hàng ngày các chị hay nhìn sang trại mộc bình phẩm anh này anh kia, hỏi bà chủ là trong mấy anh kia có anh nào ở chợ không. Lam chỉ cắm cúi làm, trưa giở cơm ra ăn, nhìn bâng quơ bên đó một tí rồi thôi. Trong tiệm ai cũng nói chú Mười Ba đẹp trai nhất trại, như tài tử Hồng Kông. Họ còn bảo ảnh mà bận sơ mi trắng là chết hết con gái nhà người ta. Nhưng Lam không thấy gì, chỉ thấy chú ngày ngày cắm cúi như Lam, chà chà, thổi thổi, ngắm nghía mấy miếng gỗ nhỏ xíu.

Như mọi ngày, Lam giở cơm trưa ra ăn, thỉnh thoảng nhìn qua bên đó. Ăn xong, đang dọn dẹp thì thấy chú đưa tay ngoắc. Lam sợ mấy chị thấy nên nhìn chỗ khác. Có lẽ chú cũng thấy Lam lớn bộn rồi, thành con gái rồi chứ không phải là đứa nhỏ chú sai vặt năm nào nên chú bước qua, đặt hai cuốn sách xuống bàn máy may. Gửi hai cuốn sách trả chú Tám giùm tui, hổm rày mắc công chuyện không ghé trả được. Dạ, chú để đó con. Chú quay lưng đi nhanh về bên trại. Chị Hiền nói với theo: Hông may áo hả anh? Mấy chị ôm nhau cười khúc khích. Đẹp trai vậy mà mày kêu chú hả Lam? Bạn của ba em mà, chú hơn em một giáp lận, hay qua nhà em mượn sách. Ê Lam, hay làm mai chú mày cho tao đi, mai mốt chú có mượn sách mày để tao đưa nha. Nhưng mà chú đâu có mượn sách qua Lam, chú tới tận nhà, mượn sách, trả sách, uống trà, nói chuyện văn chương chữ nghĩa với ba. Má Lam hay cằn nhằn: Nhiều sách nhiều chữ nhưng không lòi ra được đồng xu cắc bạc nào còn tốn nửa bó lá dừa nấu nước.

Chú làm cho Lam một cây thước may bằng gỗ mun cẩn ốc xà cừ. Cây thước nặng tay, hoa lá bằng xà cừ uốn lượn nổi bật trên nền gỗ đen bóng, mặt sau có hai chữ Yên Lam. Không dám mang thước ra tiệm, sợ chị em hỏi han rồi trêu chọc, Lam để trên bàn cắt ở nhà, mà ở nhà cũng không cắt may gì nhiều nên được mấy ngày thì Lam bọc vải rồi cất tủ. Cái thước đó là món cuối cùng chú làm ở trại mộc mĩ nghệ. Nghỉ làm mộc, chú không làm gì cả, ăn rồi vác đờn đi tới tối mịt mới về.

Dạo đó Lam nghe chú kể chuyện đi hỏi vợ. Ông Tư là người rất khéo. Ông để cái chai không trên bàn, nói với chú rằng: Kiếm cái nút bần đậy lại để mùng chín ba má đi hỏi vợ cho mày. Ý tứ trong câu này là nếu chú muốn lấy vợ thì chú ra sông, đẽo một cái rễ bần làm nút chai đậy lại. Còn nếu hai ba ngày sau không có nút chai, tức là chú không muốn đi hỏi vợ. Tới mùng tám, cái chai vẫn còn trên bàn, không có nút. Bà Tư biết con không muốn, nhưng bà lại muốn lo liệu cho xong, bà tự đi đẽo cái nút chai. Ông Tư thấy chai đã có nút, chắc chú ưng rồi nên mùng chín ông với bà sửa soạn đi coi mặt con dâu. Quần áo xong xuôi không thấy chú đâu, bà vô giường hối mới biết chú vác đờn đi từ sáng sớm. Chú đi mười ngày, chờ ông Tư nguôi giận mới dám về.

Chú về cũng không làm gì, vác đờn đi đầu trên xóm dưới ca hát nghêu ngao. Ngày nào không tụ tập được bạn đờn, chú qua nhà Lam học chữ Nho. Má Lam hay cắc cớ: Nó nói nhà cây không ai làm nữa nên bỏ nghề mộc đi học làm hồ, rồi học tùm lum cái mà nó tính toán là năm mười năm sau người ta cần nhiều, phải học trước để kiếm tiền. Vậy sao giờ đi học đờn học ca, lại học đờn cò, đờn kìm? Ca chưa ra tiền thì học ba cái đồ quỷ chữ Nho này làm được cái gì? Ba im lặng. Chính ba cũng vậy, một bụng chữ Nho, hai ba tủ sách nhưng sinh kế trong nhà do một tay má buôn bán làm ăn mà có. Má thấy khó chịu khi hai người đàn ông sức dài vai rộng suốt ngày viết chữ, làm thi cũng phải. Ba không có vẻ gì là phiền lòng, chú cũng vậy. Mỗi ngày ba dạy chú luyện chữ, viết đầy một bộ ván, nhúng ướt khăn lau đi rồi lại viết đầy, lau ba bốn lần như vậy chú mới đi về. Chữ chú rất đẹp, dù viết bằng phấn trên ván hay viết bút lông trên giấy, nét nào ra nét đó, ba khen nhiều lắm.

Lam học xong, ra nghề, ở lại tiệm làm thợ để được học mẫu mới, khách ở chợ người ta trả công cũng cao hơn ở vườn. Sáng đạp xe đi, chiều đạp xe về, Lam chỉ gặp chú vài lần nhưng không nói chuyện. Có khi Lam đứng ở hàng ba nhìn vào trong nhà thấy chú ngồi thẳng lưng, cầm bút lông viết chữ, tay phẩy nhẹ nhàng. Mấy ngón tay thon dài đúng là hợp cầm bút hơn là cầm cưa, cầm bào. Gương mặt sáng ngời, nhìn nghiêng lại càng thanh tú, từ cái mũi thẳng đến đôi lông mày rậm đều toát lên vẻ gì đó rất là tài tử. Đúng là đẹp trai thật. Lam nghĩ bụng rồi quay đi, tự nhiên thấy xấu hổ vì mình vừa nhìn trộm.

Tròn mười tám tuổi, má bắt đầu rục rịch chuẩn bị gả Lam đi, nghe nói ai có con trai muốn đi hỏi vợ má đều dò hỏi lai lịch nhà người ta coi có mấy mẫu ruộng mấy công vườn, có máy cày máy xới gì không. Cũng có mấy đám đi coi mắt rồi nhưng Lam không ưng. Má hỏi lí do, cái lí do nhiều khi nó vô lí lắm. Có một điều má không bao giờ biết: Lam mong muốn lấy được một người chồng giống như chú Mười Ba, người cao lớn, giọng trầm ấm áp, nói chuyện nhẹ nhàng, từ tốn, không rượu chè bài bạc. Đọc nhiều sách nên chú nói chuyện rất hay. Có khi, cả nhà đi ngủ rồi mà ba với chú vẫn còn nói chuyện đông tây kim cổ. Lam buồn ngủ lắm nhưng cũng cố thức để nghe, lăn sát vào vách ván, nghe giọng chú thì thầm, như những lời tâm sự. Nhiều đêm Lam rón rén trở mình, sợ gây ra tiếng động, sợ chú biết mình còn thức.

Lam hai mươi, má đổi hướng về chợ. Nhà trai hiền lành, bán tạp hóa bề thế, làm dâu chắc không phải tay lấm chân bùn. Mối này do bà chủ tiệm may giới thiệu nên Lam cũng yên tâm gật đầu. Hôm sau nhà trai đem trầu cau qua thì hôm trước má đi chợ bị chóng mặt, té xuống đường rồi mất. Lam thôi làm thợ ở tiệm may ngoài chợ, về lo việc nhà. Nhà có tang nên đàng trai họ không bước tới nữa. Lam mất má, lại phải làm tiếp những việc buôn bán đang dở dang của má nên không có thời gian mà buồn, mà nghĩ ngợi xa xôi. Ba từ xưa tới giờ không xen vào chuyện bán buôn, Lam biết chút ít nhưng không quen làm nên hơi vất vả.

Từ ngày nhà có chuyện buồn, chú Mười Ba chỉ phụ đám tang mấy ngày rồi không tới nữa. Ba đâu có lòng dạ nào mà nói chuyện văn chương. Lâu lâu, chú qua giúp sửa lại cái chuồng heo, hoặc phụ lợp lại chái bếp trước mùa mưa. Giỗ đầu má, Lam mới thấy chú. Chú ngồi nhà trên, Lam lo bếp núc củi lửa nên thấy chú nhìn mình Lam chỉ gật đầu rồi thôi. Xế chiều, chú ra sau nhà, chỗ Lam đang rửa chén, đi tới đi lui một hồi, châm thuốc lên rồi dụi. Rất lâu sau chú mới hỏi Lam có muốn mở tiệm may ở nhà không, chú đóng cho cái bàn cắt. Lam dạ nhỏ rồi cúi xuống tiếp tục chà cái đáy nồi. Tiếng vỏ trấu chạy sàn sạt như ai đó chà xát lòng mình, xót xa. Lam không biết mình buồn mình đau vì cái gì, chỉ biết cúi xuống chà, cúi thật thấp để lỡ có giọt nước mắt nào rơi xuống cũng không ai nhìn thấy. Mà ráng ăn uống vô, nay coi bộ ốm quá rồi đó. Chú nói rồi đi thẳng lên nhà trên.

*

Má mất mấy năm, một mình Lam thay má làm hết trong ngoài. Lam không giỏi buôn bán như má nên cụt vốn dần dần, chỉ còn mối buôn bán hột gà. Mỗi tuần đạp xe quanh xóm gom một lần, về lựa ra lau sạch rồi mối họ tới lấy, không phải chở đi đâu. Dọn một góc nhà làm tiệm may, đứng cắt trên cái bàn của chú, kẻ phấn bằng cây thước cẩn xà cừ đôi khi Lam thấy buồn nhớ mông lung. Nỗi buồn ấy thoáng qua thôi. Nó bị thực tại khó khăn, bị cơm áo gạo tiền dìm xuống, chìm nghỉm.

Một tay Lam nuôi em đi học, nuôi ba bệnh tật. Hồi má còn sống ba hay nói với Lam rằng môn đăng hộ đối nó quan trọng lắm. Ba với má bề ngoài xứng đôi vừa lứa nhưng bên trong đồng sàng dị mộng. Má không hiểu những cái ba nói, ba cũng không hiểu được má thực sự muốn gì. Ba khó chịu vì má luôn miệng cằn nhằn, nói năng đôi khi hơi chợ búa. Vậy mà khi má mất, ba suy sụp dần dần. Cảnh nhà quạnh hiu vì Lam mải miết làm lụng, không để ý tới ai, không muốn nói chuyện gì. Thằng Điền lại giống tính ba, ít nói. Nhà vắng má như cái nhà hoang. Ba suy nghĩ nhiều nên mất ngủ, ăn ít rồi đổ bệnh. Nằm được mấy bữa, ba ráng ngồi dậy nói chuyện với Lam, chuyện gả chồng cho Lam. Ba sợ không kịp. Cũng mai mối, cũng coi mặt nhưng không ai bước tới. Lam không muốn lấy chồng lúc này. Ba đang bệnh, Điền sắp lên Sài Gòn học đại học năm đầu tiên.

*

Ngày ba mất, Lam như cái cây khô đã rụng đi chiếc lá cuối cùng, ai sai gì làm đó, ai nói cũng dạ thưa nhưng không nhớ gì. Điền đã là cậu thanh niên hai mươi bốn tuổi, ra dáng chủ gia đình lo liệu trong ngoài. Kèn trống nổi lên, Lam không khóc, gần chục năm nay Lam khóc đã đủ nhiều rồi thì phải. Lam lướt qua một lượt cái không khí ồn ào trong nhà mình rồi dừng lại chỗ lá triệu màu đỏ. Một người trong ban nhạc lễ đang chấm bút lông vào cái nghiên mực. Nét chữ ấy, bàn tay ấy, cách phẩy bút, cái dáng ngồi, cái góc mặt lúc nhìn nghiêng sao mà giống… Đúng rồi, chú Mười Ba. Chú viết xong, nhìn một lúc lâu rồi mới đưa ra treo trước quan tài. Hai mắt chú đỏ hoe. Lam bị đẩy đi trong đám đông bà con dòng họ đến phụ giúp đám tang. Con cho dì mượn cái dĩa. Hết nước đá rồi, sai đứa nào chở thêm đi Lam. Làm gì Lam cũng không quên để ý ngó chú Mười Ba. Chú ngồi trong ban nhạc lễ kéo đờn cò. Lúc nhạc nghỉ chú đi quanh nhà sắp xếp cái này lại, sửa cái kia cho ngay ngắn, nhắc thằng Điền ăn cơm, cắt bớt vải thừa của cái vòng tang trên cổ con chó mực.

Đám đã xong, bà con tản mát về hết, chỉ còn hàng xóm ở lại vài người dọn dẹp. Điền mệt rã rời, nó nằm dài trên bộ ván, vắt tay qua trán. Bây giờ hai giọt nước mắt mới chảy ra. Chú ngồi một góc ván, lưng dựa vào vách, nhìn lên bàn thờ. Lam ngồi ngoài hàng ba, co gối lên đụng cằm, lâu lâu cúi xuống quệt nước mắt vào hai đầu gối. Chú bước ra ngoài rồi ngồi xuống bên cạnh, đưa cho Lam một cái thẻ giấy. Bất cứ khi nào và bất cứ chuyện không tự mình giải quyết được thì gọi cho tui liền. Chú chảy nước mắt. Lam òa khóc thành tiếng. Chú ngồi đó, chờ một cái ngả đầu để đưa vai ra đỡ. Nhưng Lam gục mặt xuống hai đầu gối mà khóc. Lam đã quen với việc mình không có bờ vai nào để dựa, tự bươn chải một mình cả chục năm nay.

Cúng thất ba, đang lúc ăn cơm Điền nói bâng quơ: Chú Mười Ba muốn về ăn cơm cúng thất ba cho tới bốn mươi chín ngày được không chị. Chú là khách tới nhà thì mình tiếp, không lẽ mình đuổi sao mà hỏi được không. Tới bây giờ chị vẫn coi chú là khách, hèn chi. Hèn chi cái gì. Hèn chi suốt mười năm người ta muốn đổi “chú” thành “anh” mà không đổi được. Lại tào lao xàm xí rồi, ăn cơm đi. Để em kể chị nghe chuyện này, hồi em học năm thứ hai chú tới gặp em, cho tiền em đi học nhưng em không lấy. Em bảo mượn nợ chú rồi mai mốt gả chị cho chú để trừ nợ hay gì. Khi nào chú cưới chị đi rồi hãy cho tiền em. Chị không biết nhưng em biết hết. Chị có để ý không, từ lúc má sắp xếp cho người ta coi mặt chị, chú nói chuyện với ba nhiều hơn, nói xa nói gần, nói lớn để cho chị nghe thấy đó. Rồi chị gật đầu với anh kia ngoài chợ. Chú buồn, bỏ xứ đi luôn. Cái chuyện rõ ràng như vậy, ai nhìn vô cũng hiểu, chỉ có má với chị không hiểu.

Lam hiểu chứ, hiểu đúng nữa nhưng có ai nói gì với mình đâu. Lam sợ mình hay mơ mộng, tự tưởng tượng, thêu dệt nên một câu chuyện tình nên cứ im ỉm mà vui mà buồn. Vô lí thật, người ta nói thương mình mà người ta bỏ đi biền biệt tận mười năm, mặc kệ mình vất vả, khó nghèo. Có lúc buồn quá Lam khóc một mình. Ba bệnh không thể để ba bận lòng. Em trai đang học không để nó suy nghĩ nhiều. Kể cho chị em bạn sợ họ cười chê. Những lúc vậy chú ở đâu mà chú nói thương mình. Thương mình mà một chữ thương cũng không nói được, hồi ba còn sống thì nói xa gần với ba, bây giờ thì nói với thằng Điền, có bao giờ chú tự nói với mình đâu. Tại sao vậy chú?

Tại vì tui thương em không giống người ta, như một người cha thương con lúc tui cho em cái thước kẻ đi học, như một người anh thương em khi tui ngồi bên trại mộc nhìn em bặm môi tháo chỉ cái cổ áo sơ mi. Tui tưởng mình chỉ thương em có vậy thôi nhưng không phải. Lúc tui ngồi đọc sách Tam Thiên Tự ở nhà em, biết em đứng xa xa ngoài vườn nhìn qua cửa sổ tự nhiên chữ nghĩa trôi đi đâu hết. Khi tui viết chữ, em cắt may ở ngoài, cách một cái vách ván mà tui không dám thở mạnh, không dám nhìn lệch đi chỗ khác, tui vừa muốn nhìn em vừa sợ em biết tui nhìn. Sáng em dắt xe ra cửa, hồn tui đi theo em ra chợ. Tui tưởng tượng thấy em đạp xe dọc bờ sông, hai bên đường nở đầy những bông sao nhái, tóc em bay bay. Em tới tiệm, ngồi may giữa bốn bề nhung lụa, nhìn rất bình an. Chiều về, đi ngang cửa, em gật đầu chào tui. Hôm nào em cười tui vui, hôm nào em không cười tui lo lắng, không biết em bị chủ la rầy, hay may hư phải đền khách. Tui không biết mình u mê em, nhưng ba tui biết. Ba tui nói chuyện với ba em. Ba em bảo em còn nhỏ chưa tính chuyện cưới gả, tui biết đó là một lời từ chối khéo. Thấy tui lông bông hoài, ông bà già ép cưới vợ, nhưng làm sao tui cưới được ai khi trong lòng tui chỉ nghĩ tới em.

Nhà em cho người ta đến coi mặt, toàn những đám kha khá. Tui thấy mình không có gì để lo cho em. Người ta thường nói một nghề cho chín còn hơn chín nghề. Tui học đủ thứ nghề nhưng không thích nghề nào. Tui chỉ thích đờn ca, thích đi chơi chứ không thích đi làm. Hồi đó tui có trách em ham giàu muốn lấy chồng về chợ. Nhưng sau khi má em mất tui mới thấy con gái nên lấy chồng giàu, thương một người gái mà để người ta nghèo khổ, vật lộn với cơm áo gạo tiền thì không gọi là thương. Tui bỏ đi, một là mong muốn làm giàu có tiền để giúp đỡ em. Hai là xa em đi để em còn lấy chồng, dù sao tuổi đời tui cũng nhiều hơn em, tui biết em nghĩ gì qua mỗi lần nhìn trộm tui sau ô cửa sổ. Tui đi chứ chuyện ở nhà tui biết hết, lúc em khổ quá tui lại muốn về, rồi lại thôi. Về không có tiền để giúp em, lại không cam lòng nhìn em vất vả.

Vậy chú đi luôn là giúp được sao? Đi luôn sẽ làm người khác bớt khổ sao? Tui cũng không biết, tui nghĩ không ra, tui chỉ cắm đầu làm thôi. Tui đi đờn đám ma, học hết bao nhiêu thứ đờn, chữ Nho học mấy năm trước cũng đem ra viết triệu. Một đồng một cắc kiếm được tui để dành hết. Đờn ca có giỏi thì cũng làm công, làm công chỉ đủ nuôi thân. Tui đi học lái xe, mua một chiếc xe tải cũ, sắm đồ rồi gom mấy anh em lại thành ban nhạc lễ. Có người cười tui, đọc sách cho nhiều, học một bụng chữ, biết cả chục nghề lại mang cái bộ dạng thư sinh, cái mặt tài tử gắn vô ban nhạc đám ma. Nhưng tui kệ hết. Hồi đó tui không thích nghề mộc dựng nhà là vì làm nhà cho người ta mà mình suốt đời ở trại, cái trại chủ dựng cho thợ mộc cưa cây. Bây giờ làm chủ ban nhạc, cũng nay đây mai đó, ngủ trại nhiều hơn ngủ ở nhà. Sương gió với thức khuya nhiều, em có thấy tui già đi không? Mà em cũng vậy. Em buôn bán, bon chen với bạn hàng rồi em cũng không còn điềm tĩnh, bình an như ngày xưa nữa. Mọi thứ đều thay đổi, duy nhất có một thứ không bao giờ thay đổi. Đó là việc tui thương em. Nhà em là căn nhà cuối cùng có công tui dựng, cái thước cẩn xà cừ là món mĩ nghệ cuối cùng tui làm khi bỏ luôn nghề mộc. Em là người con gái cuối cùng tui nghĩ tới trong suốt cuộc đời này.

Lam ngồi yên nghe chú nói, nói đến đâu nước mắt Lam chảy dài đến đó. Lam nhìn chú, râu ria xồm xoàm, hai má hõm sâu, ngón tay ốm dài như mấy cái que, tóc lún phún vài sợi bạc. Em có thương tui không? Lam bất giác giật mình vì câu hỏi đó, không biết trả lời sao thì chú tiếp. Nếu khó quá thì thôi, không trả lời cũng được. Em đã ba mươi tuổi, tui bốn mươi hai, từng tuổi này ai còn thời gian mà chờ đợi một câu trả lời. Chú nắm lấy tay Lam, siết nhẹ. Lam hơi sợ, lật đật đứng dậy và lùi lại một chút. Lùi một chút nữa thì đụng cái tủ thờ, Lam kêu lên khe khẽ: Chú. Chú cúi sát mặt Lam: Em có thể đổi “chú” thành “anh” được không? Lam ngập ngừng một chút rồi nói lí nhí: Nhưng mà anh phải cạo râu đi…

Dòng sông giữa hai ta - Truyện ngắn dự thi của Tống Ngọc Hân Phòng số 9 - Truyện ngắn dự thi của Lưu Thị Mười Chạy dưới mưa - Truyện ngắn dự thi của Đặng Chương Ngạn Vua không ngai - Truyện ngắn dự thi của Phan Đức Nam Hoa cải bên sông - Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung
Báo Văn nghệ số 28/2024
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn