Diễn đàn lý luận

Đại sứ văn hóa - Nhà văn U100

Trầm Hương
Chuyện văn chuyện đời
11:00 | 20/10/2024
Baovannghe.vn - Nhiệm kỳ hoạt động Hội Nhà văn TPHCM khoá VII (2015 – 2020) khép lại với giải thưởng văn chương 2020 rất ấn tượng. Đó là Truyện ký “Đất K” của Bùi Quang Lâm và Hồi ký “Gánh gánh… Gồng gồng…” của đạo diễn Xuân Phượng.
aa

Nhà văn “trẻ” nhất của Hội Nhà văn Thành phố

Đại sứ văn hóa - Nhà văn U100
Nhà văn - đạo diễn Xuân Phượng

Trong những tác giả được trao giải thưởng, điều bất ngờ là hai tác phẩm truyện ký - hồi ký của hai tác giả chưa là Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM. Đó cũng là điều thật thú vị, bởi văn chương luôn là điều bất ngờ. Văn chương dành cho bất cứ ai, nếu được viết bằng sự thôi thúc trái tim, nồng nàn, hướng thiện. Tác giả Xuân Phượng sinh năm 1929. Với sự từng trải, nhân hậu, trí tuệ và tràn ngập nữ tính; những trang viết của bà đã làm sống dậy gần trọn một thế kỷ đầy biến động, đau thương, bi hùng của đất nước. Động cơ thôi thúc bà cầm bút là để hoá giải uẩn khúc được chôn giấu sau hơn nửa thế kỷ, tuôn ra cùng những giọt nước mắt đoàn viên. Tiền thân của “Gánh gánh... Gồng gồng...” là “Áo dài” - hồi ký viết bằng tiếng Pháp, đã được Nhà xuất bản Plon in ấn và phát hành tại Paris. Sách đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Ba Lan. Mùa Covid đầu năm 2020, bà có một quyết định:

“Đã mười chín năm qua với bao cuộc đổi thay. Đã đến lúc viết lại đời mình bằng tiếng Việt như một món quà tình thân gởi đến những người thân mến quanh tôi...”

Bà viết để kết nối yêu thương:

“Tôi mong muốn gia đình thương yêu hiểu rõ thêm những gì tôi đã trải qua.

Và cũng vì những người trẻ chưa hề biết đến chiến tranh, tôi quyết định viết lại ĐỜI TÔI”.

Gánh gánhgồng gồng đậm chất trữ tình, xót xa, bi phẫn... Nhưng trên tất cả là niềm tự hào về người phụ nữ Việt Nam không cúi đầu khuất phục nghịch cảnh, một người mẹ tràn ngập tình mẫu tử cao đẹp, một nghị lực phi thường vượt qua những khúc quanh nghiệt ngã của lịch sử và số phận... Từng mảng ký ức của bà đã ghép lại một bức tranh toàn cảnh về một thân tre mảnh mai mà gánh trên vai cả nước non; gánh trên vai phận mình lẫn số phận dân tộc... Một hồi ký nhưng đậm chất điện ảnh, sâu thẳm nhân sinh; lấp lánh nước mắt, kết nối các thế hệ và ngân vang tiếng cười lạc quan từ trong chiến tranh tàn khốc; trong đói khổ, bóng tối những ngày hậu chiến, khao khát hướng tới tương lai tươi đẹp bằng nỗ lực kết nối, yêu thương con người...

Là nhà biên kịch, đạo diễn phim tài liệu; hồi ký của bà như một bộ phim sống động được viết ra trên giấy, giàu hình tượng, âm thanh, tăng hiệu quả cảm xúc người đọc. Ngôn ngữ văn học và điện ảnh trộn lẫn, “Gánh gánh... gồng gồng…” thuyết phục người đọc mãnh liệt rằng thể loại văn học không quan trọng. Điều qua trọng là tác phẩm được viết bằng trái tim nồng nàn, mang sứ mạng chuyển những thông điệp nhân văn trao gởi đến độc giả.

Sau ngày lễ trao giải thưởng Văn học năm 2020, Đạo diễn Xuân Phượng nhận mình là “nhà văn trẻ tuổi nhất. Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh đón nhận bà là một hội viên danh dự, một báu vật nhân văn sống. Thật ấm áp, cảm động khi nhà văn U100 luôn có mặt, đồng hành cùng Hội hầu hết các sự kiện quảng bá tác phẩm và kết nối của Hội. Sự có mặt của nhà văn U100 kỳ lạ thay có sức hấp dẫn mãnh liệt, truyền cảm hứng, sinh khí mãnh liệt cho người trẻ. Bốn năm sau, tháng 9 năm 2024, Hội Nhà văn TP.HCM và độc giả thêm một lần kinh ngạc về kỳ tích mới của nhà văn Xuân Phượng. Ở tuổi 95, bà gởi đến cuộc đời hồi ký “Khắc đi… Khắc đến” - một tác phẩm văn chương phi hư cấu nhưng chứa đựng nhiều giá trị về ứng xử cuộc đợi, về một quan niệm sống, một phong cách sống… Tôi say mê đọc, thấm từng câu, từng chữ. Và khi khép lại quyển sách, lòng tôi tràn ngập lòng biết ơn, yêu mến và ngưỡng mộ một con người.

Đại sứ văn hóa - Nhà văn U100
Nhà văn, đạo diễn Xuân Phượng ra mắt hồi ký Khắc đi… Khắc đến ngày 24.09.2024 tại Hội Nhà văn TP.HCM

Đại sứ văn hóa - Nhà văn U100

Xin được phép gọi bà là “Đại sứ văn hóa” và nếu như là người có thẩm quyền, việc trao tặng cho bà một danh hiệu cao quý nhất là trách nhiệm, niềm danh dự cho ngưới đang được sống vì những đóng góp tự nguyện, mang lại hiệu quả thật lo lớn cho đất nước của bà. Nếu không có một nguồn năng lượng mãnh liệt từ trái tim tận hiến, bà có lẽ sẽ như bao nhiêu người cao tuổi yên phận khác khi con cái đã trưởng thành, có được một gia đình ấm áp trong căn nhà đầy đủ tiện nghi giữa một thành phố phồn hoa. Về hưu, bà mở phòng tranh Lotus và sự thành công của phòng tranh được bà kể trong hồi ký rất lướt qua nhưng là người yêu mến, đam mê hội họa tôi nghĩ còn thật quá nhiều ẩn số. Làm thế nào bà cảm được những tác phẩm hội họa của những họa sĩ thầm lặng, dám mua nhiều tranh của họ, rồi đưa những con người thầm lặng ấy vượt biên giới, đến nhiều miền đất nước?! Làm thế nào bà trụ lại, đứng vững khi phòng tranh bị cháy, nhà xưởng cũng bị “bà hỏa” viếng thăm?! Làm thế nào bà vượt qua nỗi tổn thương khi bị dối lừa, khi bị mất đi khối tài sản quá lớn mà nếu như bà gục ngã sẽ kéo theo sự sụp đổ của nhiều con người?! Bà không kể nhiều về những tổn thương ấy nhưng chỉ vài trang súc tích, cô đọng khiến người đọc suy ngẫm nhiều hơn về những gì bà viết ra trên trang giấy. Đó là một quan niệm, một phong cách sống, bản lĩnh của một con người, với một nền tảng của trái tim trong sáng, nhân hậu.

Là một đạo diễn, bà thiết kế quyển sách của mình mang phong cách riêng, tinh tế, tạo ấn tượng cảm xúc. Những bức ảnh trong quyển sách của bà không chỉ giúp ấn phẩm sống động mà tăng thêm sự tương tác, kết nối giữa người đọc và tác giả. Ở tuổi U100, cách giữ tư liệu cuộc đời chuyên nghiệp của bà là một điều thật đáng cho người trẻ suy ngẫm và học hỏi!

Bà đã nếm trải tận cùng nỗi đau bị tổn thương, lừa lọc. Mất tiền bạc không làm bà đau đớn, sụp đổ khi mất đi tình bạn, tình người. Nhưng đi qua những đoạn trường, bà có được những tình bạn thủy chung để nương tựa, gượng dậy sau những lần ngỡ mình rơi xuống địa ngục. Đó là chiếc phong bì của nhà sưu tầm tranh Alain Lh. gởi đến bà như một lời an ủi sau khi xưởng mỹ nghệ của bà bị cháy: “Bạn đừng bận tâm việc đền bù. Mất mát của bạn to lớn quá. Tôi mong được chia sẻ phần nào sự thiệt hại này”. Hôm sau anh đến phòng tranh Lotus, lẳng lặng nắm chặt tay tôi và trao một phong bì. Tôi mở ra. Trong thư có 5.000 USD và dòng chữ: “Niềm vui chia sẻ, niềm vui nhân đôi. Nỗi buồn chia sẻ, nỗi buồn chia đôi. Mong được chia đôi tai họa này của bạn”.

Người đàn bà U80 lúc đó không gục ngã vì được tiếp sức bởi tình người như thế: “Cố gan góc chịu đựng nỗi bất hạnh to lớn này, tôi vẫn tìm mọi cách để phục hồi phòng tranh. Không một lời ta thán. Không một giọt nước mắt.

Khi nhận được số tiền và bức thư ngắn của Alain Lh., tôi đã òa lên nức nở khóc”

Ngoái nhìn lại cuộc đời, nhà văn U100 đâu chỉ có những ngày tận hiến tuổi thanh xuân nơi công xưởng làm thuốc nổ ở chiến khu Việt Bắc, đâu chỉ có những bộ phim tài liệu nóng hổi hơi thở chiến trường thời chống Mỹ, đâu chỉ có “Áo Dài”, “Gánh gánh… gồng gồng…”… mà cuộc đời bà còn được dệt nên bởi ý chí, tấm lòng, nỗ lực phi thường của một đại sứ văn hóa, thầm lặng gìn giữ và nâng niu cái đẹp. Bà đã góp phần làm đổi đời nhiều họa sĩ, làm hồi sinh những tác phẩm hội họa, đưa những nét cọ bay xa, hết lòng với bạn bè… Người đàn bà U100 vẫn tràn đầy năng lượng, gửi thông điệp trong “Khắc đi… Khắc đến” một quan niệm sống, một phong cách sống và cũng là một tuyên ngôn một con người tận hiến: “Tôi cảm phục cái chết ấy nên dù tuổi trẻ đã rời xa tôi hơn nửa thế kỷ, nếu phải từ giã cõi đời trong lúc đang làm triển lãm thì cũng thật may mắn. Phải ra đi giữa lúc mình đang say mê công việc sẽ hơn rất nhiều cái chết vật vã, dài ngày trên một giường bệnh viện”.

Trầm Hương | Báo Văn nghệ

-----

Bài viết cùng chuyên mục

Nhà văn Trần Công Tấn với những tác phẩm " Dòng chảy cuộc đời" Nhà văn - dịch giả Đoàn Tử Huyến: Người truyền dẫn tri thức văn hóa Đông Tây Nhà thơ Đoàn Mạnh Phương: Trí tuệ và hồn thơ trong "Mưa ký ức" Phỏng vấn một nhà thơ được nhân bản Trường ca “Những người lính của làng” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đoạt giải Đào Tấn
Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Bản tin Văn nghệ: Ra mắt vở kịch thơ "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương"

Baovannghe.vn - Nhà hát Thế Giới Trẻ (thuộc Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM) sẽ công diễn vở "Nữ sĩ Hồ Xuân Hương" vào ngày 24/10 do NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đạo diễn.
"Cu li không bao giờ khóc" giành giải  FIPRESCI  - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

"Cu li không bao giờ khóc" giành giải FIPRESCI - Liên hoan điện ảnh mới tại Canada

Baovannghe.vn - Sau chiến thắng tại Liên hoan, Phim Cu li không bao giờ khóc cũng đã được ấn định lịch phát hành tại Việt Nam vào ngày 15/11 tới.
Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Đọc truyện: Thương. Truyện ngắn dự thi của Mai Linh

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Bộ GD&ĐT: 5 đối tượng được đề xuất tuyển thẳng vào lớp 10 THPT

Baovannghe.vn - Bộ GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh, trong đó có quy định rõ về các đối tượng được tuyển thẳng, được hưởng ưu tiên cộng điểm trong tuyển sinh vào lớp 10
Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 2 Kỳ họp thứ Tám

Baovannghe.vn- Ngày 22.10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo , dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027.