Chuyên đề

Dấu chân làng cũ. Tạp bút của ​​​​​​​Dũng Hồng

​​​​​​​Dũng Hồng
Văn học địa phương
06:00 | 12/11/2024
Baovannghe.vn - Như bao buổi chiều xa lắc, chiều nay, tôi chạy về thăm làng, ngập ngừng bước những bước chân trần trên cát.
aa

17 tuổi, dì đi lấy chồng. Chồng dì là người cùng làng Hà My, ven sông Hà Sấu. 18 tuổi, dì sinh con gái đầu lòng. Chiến tranh nổ ra, chồng dì đi tập kết miền Bắc. Ở lại quê nhà, thân gái dặm trường, dì tảo tần nuôi hai đứa con èo ọp, thơ dại, thủ tiết chờ chồng. Chiến tranh ngày càng ác liệt, dì đành gửi đứa con gái ra Mỹ Khê, dắt đứa con trai duy nhất chạy giặc tản cư vào Cẩm Hà, rồi cho anh ra căn cứ, tham gia bộ đội. Hàng ngày, dì buôn rau hành ở chợ Hội An trong con mắt “mang hình viên đạn” của cảnh sát.

Dì bảo, đôi vai gầy này, đôi bàn chân khẳng khiu này đã gánh gồng đi qua bao con đường cát quê nhà. Những năm chiến tranh, đôi bàn chân dì thoăn thoắt, quần xoắn quá gối, đôi guốc mộc kẹp trên đôi gióng mây chất đầy bội, rổ rau hành, khổ qua để khi về mới xỏ vào chân; vì khi đi, gánh cả gánh rau quá đầu thì làm sao mang guốc chạy cho kịp buổi chợ sớm mai? Dì bán rau hành, lúc ở chợ Mai, khi chợ Cồn, chợ Hàn, vào Lai Nghi, khi ngược lên Phong Thử. Dì tảo tần gánh gồng một đời ra phố, đâu đâu cũng in đậm dấu chân trần ốm o, gầy guộc.

Những năm sau ngày thống nhất, dì lại phải gồng gánh một gia đình. Nào vườn trên, ruộng dưới, lúc gánh phân chuồng, khi gánh mạ non ra đồng cấy lúa, lúc gánh thức ăn nửa buổi (dĩ nhiên có mỳ Quảng, chè đậu đen), gánh khoai, gánh lúa về nhà mỗi mùa thu hoạch; vào Lai Nghi, xuống Hội An gánh ngọn khoai, hạt đậu giống về trồng, gánh rau củ quả về chạp mả tộc nhà chồng. Đôi bàn chân dì không ngừng nghỉ. Bây giờ, 85 tuổi đời, lưng dì đã còng, đôi chân đã mỏi mòn, bước chân đã chậm chạp, bước từng bước, đi lại phải chống gậy. Thời gian chất chồng bao hoài niệm, nhớ thương.

Dấu chân làng cũ. Tạp bút của ​​​​​​​Dũng Hồng
Dấu chân làng cũ. Minh họa: Lê Mai

Dì phân trần, đời dì trải qua bao gian truân, chất chồng khổ cực. Mỗi lần, nhìn đôi bàn chân gân guốc, nứt nẻ, bị bệnh phong thấp, móng chân khoét sâu, cong quắp, nỗi u sần đau nhức do “nước ăn chân” của dì, lòng tôi miên man bao nỗi niềm nhớ thương da diết. Tôi lại thao thức. Tôi chợt nghĩ, có biết bao người đàn bà ở mảnh đất miền Nam một thời đau thương nhưng anh dũng, gồng gánh một đời tảo tần nuôi con, chờ chồng như dì. Bàn chân ấy, họ đã đi qua bao năm tháng, bao thăng trầm, được mất của đời người, rồi lặng lẽ sống, lặng lẽ yêu thương, cam chịu khổ đau, lặng lẽ chống cửa ngóng chờ tin chồng, tin con, nhưng “không hỏi đòi chi, hồn giản dị” (Tố Hữu) dù ta đã vỗ về, nâng niu qua bao năm tháng.

Tôi lại nghĩ đến những bước dặm dài theo đất nước, những bước chân hành quân qua bao núi, bao sông, bao đồng bãi, những bước chân của anh bộ đội Cụ Hồ - những “Dấu chân người lính” (nhà văn Nguyễn Minh Châu) đã làm nên những diệu kỳ trong đạn bom lửa khói. Một lần, bà Phạm Thị Thao đã kể cho tôi nghe năm tháng hào hùng của tiểu đoàn thanh niên xung phong do bà phụ trách. Bà bảo, hồi đó những cô gái tuổi mười tám đôi mươi, ra đi chỉ mang đôi dép Nhật, sẵn sàng và hăng hái xin được lên đường nhập ngũ, tham gia vào cuộc trường chinh giải phóng đất nước. Những bàn chân rầm rập bước quân hành, leo núi, băng rừng, lội suối, vượt sông, men theo dãy Trường Sơn hùng vĩ, làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất, làm nên chiến công thầm lặng trong dòng chảy lịch sử đấu tranh chống giặc giữ nước bi hùng của dân tộc, mà những cô gái thanh niên xung phong Tiểu đoàn Bà Thao anh hùng năm xưa đã làm nên huyền thoại. Bây giờ, khi đôi dép Nhật không còn là “tài sản” quý hiếm như ngày ấy, khi cuộc sống vật chất tạm đủ đầy, tôi chợt giật mình không biết còn bao nhiêu cô gái nằm lại lạnh lẽo đâu đó trên đại ngàn Trường Sơn.

Lẽ thường, nếu sinh ra, lớn lên từ đồng bãi quê nhà, thì ta cũng đã bước đi bao nhiêu bước chân trần ở làng. Bàn chân ta in dấu đâu đây bên bờ bãi, ruộng đồng quê xứ. Bước chân trần buổi sáng của mấy chục năm về trước, ta tung tăng cắp sách đi học trong buồn vui bè bạn, thầy cô, trường lớp; những bước chân trần mẹ gánh gồng mớ rau ra chợ mua về cho ta cây kẹo ú giòn tan, bước chân cha gánh gồng những mùa màng thất bát, vết chân tròn của anh thương binh đến trường làng dạy chữ cho em thơ.

Như bao buổi chiều xa lắc, chiều nay, tôi chạy về thăm làng, ngập ngừng bước những bước chân trần trên cát. Tôi chạy ngược trong thông thốc gió bấc cuối mùa, hanh hao tiết giêng hai. Tôi tìm dấu chân xưa, dấu chân trần trên cát, trên đồng bãi quê nhà, lòng rưng rức nhớ thương, tiếc nuối. Những dấu chân quê đâu rồi? Tôi tìm không thấy bóng dáng bàn chân nhập nhòa trong cát dưới ánh trăng bàng bạc, lung linh. Bạn có tìm về chốn cũ với đôi chân trần in trên cát để đong đếm, để vỗ về những bước chân mỗi sáng gánh nước tưới khoai, gánh phân đồng trên ruộng dưới. Bỗng thấy thương chị, thương em một đời tảo tần mưa nắng, những bàn chân gập ghềnh sương gió, bão giông, rau cháo- những bàn chân đi qua thời gian khó. Bạn có quay về làng cũ, đi đôi chân trần trên cát, để nghe thổn thức nỗi niềm, mênh mang lời ru buồn của mẹ, câu ca thương trái mù u đựng chùm lục bát, nghe điệu lý hò khoan bên bến sông con đò cắm sào đứng đợi yên bình, rặng tre xào xạc bên sông nồm nam cơn gió, ngan ngát màu xanh quê xứ.

Mỗi lần về quê, tôi cởi giày cởi tất, cởi bỏ những diêm dúa thường ngày ở phố. Tôi thích đi chân trần. Tôi lại đi qua những bến bờ xóm thôn, làng quê dãi dầu mưa nắng. Bàn chân chạm đất mát lạnh, mùi bùn non nhão nhẹt, thơm nồng dưới chân, nghe thổn thức tháng ngày ngây thơ, nông nổi. Ký ức ruộng đồng, lúa khoai, đồng bãi chập chờn, xốn xang nỗi nhớ niềm thương bè bạn thời khốn khó.

Chiều nay, tôi lại ra đứng trước biển, thả bàn chân trần trên bãi cát mịn màng, mát lạnh. Gió xốn xang ngoài khơi xa ùa về, mưa bấc phập phù. Tôi chạy hùa theo chú còng gió. Tôi nhớ mẹ, nhớ dì, nhớ bàn chân trần của mẹ, của dì mò nghêu, xúc cát, nhớ những buổi chiều xa lắc ở biển Mỹ Khê. Tôi chạy ngược thời gian trôi lờ lững, kiếm tìm ký ức bãi bờ gió cát xa xăm.

Có lẽ, ai cũng có một quê kiểng để về mỗi khi lòng nhung nhớ. Ai cũng chập chững những bước chân đầu tiên nơi chôn nhau cắt rốn trên cát, đồng bãi quê nhà, nếu ra đi từ gốc rạ. Phải không? Dấu chân xưa của tôi, của bạn, dấu của thời gian mịt mù sương khói đời người, sinh ra từ cát, lớn lên từ đồng đất quê nhà. Những bàn chân lấm lem bùn đất nhăn nheo, đi qua mùa xuân ấm áp, mùa hạ nắng cay nồng, cát rát bỏng như rang, thơm lừng canh bầu canh bí, mùa thu vàng rực một trời hoa dại triền sông, mùa đông se sắt bếp lửa bập bùng rơm rạ, lạnh lẽo bùn lầy lạnh giá, ấm áp mùa xuân sẻ chia nghèo khó, lòng bỗng nhớ thương chi lạ.

Dấu chân ấy - dấu xưa ấy của tôi, của bạn bây giờ nơi đâu?

Nguồn: Tạp chí Non Nước số 319 (Tháng 9/2024)

Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Phá vỡ mạng lưới nghệ thuật giả trị giá 212 triệu USD

Baovannghe.vn - Vào ngày 13/11/2024, cơ quan chức năng Ý đã phá vỡ một mạng lưới làm giả tác phẩm nghệ thuật quy mô lớn, với thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 200 triệu euro (khoảng 212 triệu USD). Mạng lưới này bao gồm hàng nghìn tác phẩm giả mạo của các nghệ sĩ danh tiếng như Andy Warhol, Banksy, Pablo Picasso, Amedeo Modigliani, Joan Mirò, Francis Bacon, Wassily Kandinsky, Henry Moore, và Gustav Klimt. Đây là một trong những vụ việc lớn nhất về làm giả nghệ thuật trong hơn 15 năm qua.
Mặt người khác. Truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế

Mặt người khác. Truyện ngắn của Nguyễn Tham Thiện Kế

Baovannghe.vn - Tiếng gã vọng như dưới hố sâu, âm u dương xỉ. Như kẻ vừa bóp cổ, vẫn còn hằn ngón tay, nhưng lại tủi kiểu trẻ con bị cướp kẹo. Đi xa quá thích
Nâng cao năng lực truyền thông chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Nâng cao năng lực truyền thông chính sách về thực hành kinh doanh có trách nhiệm

Baovannghe.vn - Ngày 13/11, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị nâng cao năng lực truyền thông chính sách, pháp luật về thực hành kinh doanh có trách nhiệm năm 2024
Đọc truyện: Những ngày bất thường. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính

Đọc truyện: Những ngày bất thường. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
“Ông lớn” Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HSX

“Ông lớn” Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HSX

Baovannghe.vn - Theo thông tin từ BSR, ngày 21/08/2024, BSR đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết 3,1 tỷ cổ phiếu BSR lên HSX của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn