Minh hoạ Vũ Đình Tuấn |
Con chim không bay về trời, con chim trú trong kẽ lá, trú trong đám gai xương xẩu và cáu bẩn của đông còn sót lại trên nền tuyết trắng. Con chim ngơ ngác, nhìn, đám lá khô xao động một cách mỏi mệt, vô tình với những đợt gió tuyết mới. Mây vẫn xám chình chịnh, trĩu nặng lê thê kéo bầu trời ảm đạm đến gần đôi mắt tròn xoe đang nghiêng nghiêng ngơ ngác. Con chim sẽ làm gì? Con chim ngơ ngác. Chim mà không hót, không sắc mầu, không bay thì sinh ra làm gì nhỉ? Cô đưa tay khép cửa, không tưởng tượng nữa. Cô cần nghỉ ngơi, cô cần thư giãn, cần tìm lại những cảm xúc mất mát của cô, ấy mới là nhiệm vụ hàng đầu quan trọng nhất của cô, không khí lạnh lẽo và xua đuổi người ở nơi đây có vẻ hợp với việc đó, ngoại trừ việc cô bị dị ứng với không khí lạnh. Nên cô chỉ suốt ngày ngồi nhà, quấn chăn, và suy nghĩ, và nghiền ngẫm, và câm lặng.
Đêm thứ hai không ngủ.
Đêm không đêm
đêm cùng ngày trơ trụi,
người không người
cũng người sinh sôi…
Cô cau mày, mấy câu thơ vớ vẩn, vô nghĩa này ở đâu tạt ngang qua cô. Đêm đã không ngủ được rồi mà còn lẩn thẩn, em cô nói có dưỡng da bao nhiêu đi nữa thì cũng không bằng một đêm mất ngủ thức trắng đâu. Cô xoa mặt, có cảm giác như đã có những nếp nhăn rất khẽ in trên làn da mịn màng, như là vết chân rất khẽ của con chim sẻ nâu ủ dột đâu đó ngoài kia đã lén lút hằn lên ngang mắt cô tối nay vậy. Toàn những điều bực mình đáng ghét. Cô khoanh tròn, kéo chăn lại cao hơn, năm nay chán chả muốn làm gì, chả muốn nói gì, cô bẫng đi như bị tước đoạt tất cả trong đêm thức trắng thứ hai. Mọi thứ vẫn trống rỗng, chả có gì thay đổi ngoài im lặng, lạnh, gió, tuyết, và con chim ngu ngốc vẫn nhất quyết không chịu di cư, không chịu hót vẫn đang cố náu mình trong đám cành lá gai góc băng giá.
Đêm thứ ba mất ngủ.
Người đàn bà nào lại không biết yêu, cô mỉm cười, những con chim ngu ngốc không tranh đấu ngoài bầu trời gió sẽ lăn ra chết, số mệnh chỉ có vậy. Người đàn bà đó cũng vậy, lăn ra chết mà hằn học không nguôi, nhưng người đàn bà đó mới đáng thương làm sao, mới xao động làm sao. Cả cuộc đời chỉ như một bài toán đầy mưu mô, toan tính và sắp đặt, không có cái gì gọi là rung động, mà chỉ là toan tính, tính toan, có được đôi khi tưởng như là tất cả, tiền tài, danh vọng, địa vị nên tự mãn, nên xa hoa ngồi đợi cái định mệnh tình yêu như thuốc độc ngấm dần. Trái tim vốn không già nua vì trái tim không có tuổi, con người già nua vì tuổi tác ngấm dần, bất hạnh, điên cuồng chống đỡ thì cũng có được đâu. Nhưng thật ra nếu muốn người đàn bà đó có thể giành được người đàn ông trong buổi chiều mưa bão tái tê đó, và điều đó sẽ dẫn đến điều gì, đến điều gì người đàn bà có toan tính được không? Sự rung động sâu xa của bà có thể hiểu trước một con người như vậy không có gì đáng nói, chỉ đáng nói là sự cao ngạo hay sự thất vọng vì bản thân đã ngăn bà lại. Không có cơ hội lần thứ hai, mãi mãi, mọi thứ tuột khỏi tầm tay, câu đố không lời giải vì người đố không dám đặt mình vào vị trí đó để giải đố, cái thân hình kia hoàn mĩ đến thế, như một bức tượng đầy kiêu hãnh đến thế mà bị một thân hình lố bịch bó buộc bởi tuổi tác kia đụng đến thì thế nào? Ô danh thánh thần ư? Nhục mạ ư? Hay là khinh thị?
Cô khép quyển sách lại, đọc đến bao nhiêu lần vẫn vậy, cô thích người đàn bà kiêu hãnh và quá quắt này, cô mỉm cười, người đàn bà cho cơn ghen của mình lộng hành để cùng chúa trời trừng phạt hai con người kia. Cô nghĩ kết thúc của số mệnh con người thật ra là do sắp đặt, những kẻ kia đã hả hê trong tình yêu, trong toan tính của riêng mình mà không nghĩ có một tình yêu đơn phương mãnh liệt như vậy bị vùi dập đến tuyệt vọng. Trả giá là điều tất yếu. Nhưng còn mấy ai suy nghĩ và cùng cô mơ mộng hay bàn luận đến những điều như vậy nữa chứ, người như cô không nhiều, người đọc sách quái lạ như cô càng hiếm. Cô quay ngoắt ra phía cửa, tìm về phía đám cành lá gai góc xem con sẻ nâu ngu ngốc đâu mà không thấy, chắc nó lại lẫn vào lá khô. Mà cô cũng không cần nhìn xem nó làm gì, sợ lại càng ảm đạm thêm.
Đêm thứ tư của những vì sao.
Không gian không đong đếm được, thời gian lại rỗng tuếch, trôi ngược về phía xa theo những vì sao vô chủ lấp lánh. Cô không có cảm xúc làm thơ, cô không có cảm xúc để viết, cô chỉ có ảm đạm, chỉ có những con chữ lười biếng không động đậy trong những quyển sách đang dõi theo. Người ta lại gạt cô ra khỏi danh sách những người trẻ triển vọng, cô ngần ngừ. Thật ra, cô mong chờ gì ở những điều ấy, ở những con người ấy? Cô đã từng nói là cô sẽ không cần gì, không bon chen với những ngôn ngữ đôi khi rỗng tuềnh rỗng toàng và khuôn sáo đấy, bởi vì dẫu sao mọi thứ sẽ qua, đời người như một chiếc lá, sáng non nhưng chiều đã rụng, dẫu sao thì cũng chỉ là thoáng chốc rồi thời gian sẽ qua che mờ tất cả mà thôi. Vậy cô suy nghĩ vì gì? Cô buồn vì gì? Vì những đồng tiền giải thưởng sao? Có thể, cô bật cười, tiền là gì? Là gì chứ mà không tiếc với một người như cô? Phải, nói trắng ra là cô tiếc tiếc tiền, tiếc cái danh vốn chưa phải và giờ không phải của cô thôi, có gì đâu mà phải quanh co giấu giếm với chính mình, như thế vốn không tốt. Chỉ vậy thôi sao? À, không chỉ vậy, thật ra còn có nhiều bực bội hơn tất thảy. Cô vốn không tự thấy mình ngu khi vướng chân vào những con chữ như thế này, nên khi mẹ và mọi người can ngăn, đàn bà mà vướng vào chữ nghĩa đa đoan lắm, khéo sinh khổ về sau. Cô chỉ cười, khổ hay sướng, đa đoan hay không chỉ là do mình quyết định thôi mà, chả thiệt đi đâu mà sợ. Viết đấy, biết đấy, có tiền đấy, trút được đâu đó thì viết, không viết được thì thôi, tránh vô công rồi nghề, lại nhàn cư vi bất thiện.
Đấy nói thì nói giỏi thế, nhưng cô nào có nổi danh với ai mà lên mặt, cái xứ xở của những người viết lách càng ngày càng bị bó chặt lại bởi những nghệ thuật không tên, có tên, vội vàng, vụn vặt vui đùa đâu đó. Cô tự biết phân biệt mình chỉ là hạt cát trong sa mạc, không tự huyễn mình thành cái ốc đảo vang danh được, vì như mọi người trẻ, nếu không bước chân vào con đường viết lách, cô nhất định sẽ không cần biết những nhà văn nhà thơ làm gì. Thời mơ mộng là thời của bố mẹ cô, thời của cô là thời của tiền bạc, của thời gian, của công việc, của hẹn hò, của vui chơi, của sai lầm, ai hơi đâu ngồi nhà ôm một quyển sách nặng nề và đọc khi có khối thứ để chơi, để hẹn hò cơ chứ. Vậy mà giờ cô như thế, lạc thời như bà lão của thế kỷ nào đó còn sót lại, khoác một chiếc áo len dài kín sụp, cái mũ lông xù che kín mái tóc rối, chân đeo tất dầy cộp, nặng nề trĩu một mầu nâu ngồi đung đưa bên bếp lò với bàn tay gảy gảy, giả sử không có cái máy tính trên đùi cô người ta có thể cho cô lên chức cụ và đẩy cô về thời những thập niên sáu mươi mất.
Đêm thứ năm của đêm.
Không gì mất dấu, con người là phải rung động. Rung động thì đã sao? Sợi dây đàn căng nhưng nhức, lạnh băng, bụi bặm thì chỉ ngân lên tiếng trầm khe khẽ buồn thôi. Như tiếng rên khàn đục thì giống hơn nhỉ? Cô ngồi bệt xuống sàn độc thoại, làm sao cho vừa ý, làm sao cho vừa lòng mọi người? Một người chỉ có một cuộc đời mà lựa chọn thì nhiều, bước chân ngả này thì bóng lại ngả nẻo kia, hồn vương lại ngả nọ, tâm tư trĩu nặng chốn này, thử hỏi sao cất bước mà không ngoái đầu nhìn lại cho được chứ? Vậy mà vẫn phải bước đi, chẳng biết có gì phía trước mù xa, chỉ biết còn sức, còn con đường thì cứ bước tới, cô nhủ thầm, bước tới gần con người sẽ thấy cô ở đó với những hờn ghen, xỉ vả, với so đo toan tính hơn người và rất người. Và cô bật cười, tự thấy mình lẩm cẩm, cô không là người thì là gì nữa, dạo này toàn ngấm triết lý dở hơi.
Cô ngửa đầu ra, cô không nhìn ngắm, cũng chả bật khóc gì. Đêm giấu đêm đi đâu mà cô tìm không thấy, người giấu người đi đâu mà cô kiếm chả ra. Hay cô sinh ra trên đời để chỉ một mình? Cô sợ mình muộn màng và bị tuổi tác che lấp trước tình yêu giống người đàn bà đó, nỗi sợ mơ hồ bám lấy cô, thấm vào như sương lạnh giá. Cô yếu đuối thật rồi, đa đoan thật rồi, làm đàn bà bám vào chữ nghĩa thật sợ. Cô giật mình vùng dậy, lao về phía tủ sách, điên cuồng quẳng ra từng cuốn, rồi lao vào xé nghiến ngấu, tung vào lò, tung ra sàn tuyết. Cô muốn nghiền hết tất cả, nghiền hết dấu vết của chữ nghĩa đang vây quanh cô. Cô phải thanh trừng cô, thanh trừng tất cả.
Đêm của ngày rạng.
Thần thánh không sinh ra con người. Dĩ nhiên, ai chả biết điều đó, chỉ có con người mới sinh ra con người. Toàn những điều không đâu. Cô nhăn mặt, thực tế là một vòng quay, con người, tiền và con người, thế thôi. Không còn gì nữa sao? Tất nhiên, cứ thử không có tiền đi rồi biết, cô nhếch mép. Ôi đứa trẻ ranh mơ mộng, đã bao nhiêu tuổi rồi mà vẫn cứ trông mong vào cổ tích. Cô đứng thẳng người sửa lại nếp váy, liếc ngang qua cái gương trong buồng thang máy thấy mình thật hợp thời với tóc đuôi ngựa buộc thấp, áo sơ mi trắng in hoa rực rỡ, váy và áo vét mầu ghi, đôi giầy và túi xách cùng tông với hoa trên áo. Cô thoáng giật mình khi nhận thấy ở đuôi nụ cười của cô có thoáng nếp chân mảnh dẻ của con sẻ nâu, cô lắc mạnh đầu tự nhủ: “Hôm nay đủ rồi, tạt qua nhà thăm mẹ rồi về thôi, mai có lịch làm đẹp, kia có dịp đi nghỉ, bận rộn chết”. Cô mỉm cười. Giáng sinh năm nay thật bận rộn, có lẽ cô đã đúng khi rời bỏ đám chữ nghĩa vô hồn đó.
Con chim chết, cô thấy nó, ở ngay góc hang đá của siêu thị, nơi người ta vừa dựng một tiểu cảnh mừng giáng sinh, cô thấy trái tim của nó vẫn đập, cô thấy cái gai nhọn xuyên suốt hết bộ lông nâu xù ảm đạm của nó, cái tư thế ưỡn người ra như kiêu hùng, bất khuất, ở đầu bên kia cái gai nhọn, có đọng những vệt, những vệt, rồi thành giọt, thành giọt máu nhỏ từ từ xuống tuyết, cái hơi ấm mỏng manh của những giọt máu khe khẽ đó không đủ sức lay động một cơn gió buốt của mùa đông, cô tái mặt lắng nghe. Cô muốn nghe tiếng ca tuyệt đỉnh nhất của loài chim ngốc nghếch này, lấy tang thương để đổi lấy cái gì? Cô nhìn trời, bầu trời xám lừ lừ nặng xuống muốn đè bẹp cô, muốn nhấn chìm cô. Cô vẫn muốn nghe, cô vẫn muốn nghe tiếng hót cuối cùng của con chim dù bị nhấn chìm, dù bị đè bẹp. Chiếp, chiếp ieepsppp…Nhưng hỡi ôi, tất cả những gì cô nghe được lại cũng như vậy, lại chỉ như vậy, chỉ là tiếng kêu vô nghĩa của những con sẻ nâu ngốc nghếch thôi mà, có phải như vậy không? Cô vùng dậy, lấy hết sức chống đỡ lại tấm mây nặng nề ảm đảm đang cố dồn bẹp cô, cô nhoài về phía bụi gai, con chim vẫn cố nghiêng con mắt tròn xoe về bên phía cô như biết mong muốn của cô, phải rồi, cô đã sẵn sàng rồi, cô đã sẵn sàng để nghe tiếng ca huyền thoại mà cô tưởng chừng không có, không thấy, hoặc chưa từng có. Cô muốn nghe, muốn nghe và muốn nghe.
Giây phút chờ đợi muốn siết chặt tim cô, lồng ngực cô dội lên khô khốc và dữ dội nhịp đập nặng nề của con tim. Cô như muốn vồ lấy cả bụi gai để kéo nó về phía mình, cô cần thấy lại cô trong tiếng ca này, cô đã bỏ đi mất gì khi cô rời bỏ ngôi nhà tuyết, rời bỏ căn phòng tĩnh tâm đó để lao đến chốn ồn ào này, cô phải biết, phải biết. Bàn tay cô buốt nhói, cô đã chụp lấy bụi gai, nhanh hơn cô tưởng, cô kéo nó về phía mình, mặc kệ bộ váy áo hàng hiệu bằng cả tháng lương mới mua, mặc kệ những cái gai xám xì nhọn hoắt đâm vào ngực con chim đe dọa sẽ đâm thêm cho cô vài vết thương nhỏ máu, cô thấy ngột ngạt trong bộ váy áo đắt tiền, trong quy chuẩn văn phòng máy lạnh mà cô đã khép cô vào. Cô muốn bung ra theo lời giải đáp duy nhất cô có trong tay, con chim nhỏ đang giãy chết trong đôi bờ hư thực, cô phải nắm bắt được giây phút vĩnh cửu này, cô sẽ là người duy nhất biết được phút giây linh thiêng kỳ diệu này.
Đêm của đêm.
Thế cô làm gì? Thế cô là gì? Cô không biết, con chim đã chết, thời gian đã mất. Khoảnh khắc là mãi mãi, cô để tuột cái nắm tay của cô ở đâu? Những cuốn sách, những con chữ vương vãi bên cô như một trò chơi xếp hình, cô nhặt lên, nối chúng lại, chắp chúng lại, rời rạc, vô nghĩa. Cô hất tung, rồi lại sắp lại, rồi lại nối lại, không đọc, không nghiền ngẫm, mà cứ sắp, như vô thức, nhặt, xếp, nhặt, xếp, nhặt xếp không đoán không định, không ước chừng, không áp đặt theo những mục tiêu hay lý tưởng nào nữa, cô để mọi thứ trong cơ thể tự do dẫn dắt và thể hiện những gì cô đã bỏ lại trong căn nhà lạnh giá và con chim côi cút không theo bầy. Cô cứ viết, cứ viết, vậy thôi.
Những tàn tro nghi ngút, ngôi nhà heo hút gió, ảm đạm đón cô, cô dị ứng với xứ lạnh, cô thích hợp với khí hậu nhiệt đới, cô hợp với chính cô, cô hợp với ai cô hiểu nhất. Vậy mà cô chối bỏ, vậy mà cô lẩn trốn làm gì. Cứ viết đi đã, cứ sống đi đã, đừng vội bẻ gãy mình chỉ vì cơn gió, hay vì một câu nói nhất thời của ai đó, mình trước tiên phải là mình với những ý nghĩ của mình trước đã. Không phải sao con chim nhỏ? Cô thì thầm dụi cái lọ nhỏ vào tay, câu trả lời nào cho những ước vọng của cô, cô sẽ không đi tìm, cô sẽ không đi trốn, cô sẽ đợi và cô sẽ làm theo ý của cô,…
P/S: Tôi chỉ muốn hỏi cô, con chim nhỏ đó cất lên tiếng ca như thế nào để đánh thức cô trở dậy với việc viết lách của mình được không ạ? Đó có phải là tiếng ca huyền thoại cả đời người không mong thấy được lần thứ hai không? Cô bụm miệng, cười rũ, rồi nhìn tôi thân thiện “Chị vẫn mong có bài ca đó sao? Vậy thì đừng đi tìm, hãy lắng nghe tiếng của những con chim nhỏ hàng ngày quanh chị đi, sẽ có ngày chị tìm ra tiếng ca tuyệt diệu ngay trong những tiếng ca chộn rộn và tầm thường ấy đấy và quan trọng hơn là đừng bao giờ quay lại hỏi mình đã bỏ mất điều gì trong khi may mắn đã hiện ra trước mắt và đi mất đấy”.
Lê Thị Kim Sơn | Báo Văn nghệ
-----------
Bài viết cùng chuyên mục: