Minh hoạ Phạm Hà Hải |
1.
Chiều hôm đó nắng phai, vàng vọt đi ngang qua những tán cây chò nâu. Mấy trái chò xoay xoay trong không gian, rơi lả tả như những con chuồn chuồn lá. Gió đưa thứ không khí mát rượi hiu hiu, phất phơ đầu cành. Nước dưới hồ vỗ vào bờ kè ì oạp. Mặt trời làm như cũng trở nên lười biếng trong buổi chiều thanh cảnh như vậy. Ông ta lặn từ tốn, nhàn nhã, để cho tụi nắng có dịp nắm tay nhau trải màu vàng óng lên khắp lề đường đá ong.
Dưới gốc chò nâu cổ thụ, tiếng nhạc cất lên vang vang. Ở đâu lại có thứ âm thanh khô ráo như nắng vầy nè? Âm thanh khi thì thánh thót, khi thì thâm trầm, nhưng nó ít ngân vang, rung lắc. Đôi khi lại có phần éo éo, lúc lại có tiếng tạp âm rè rè. Một bản nhạc xưa lơ xưa lắc, giọng cô ca sĩ quá đỗi nghẹn ngào. Ơ kìa thời đó đâu có hát bè? Cũng không có phối kiểu này kiểu nọ. Tiếng nhạc nền yên trí làm nhiệm vụ duy nhất của nó, trải một con đường tít tắp cho giọng hát bay là đà bên trên. Đó là một bài hát của ông nhạc sĩ mang kính kể về chiếc võng đu đưa của mẹ.
Giữa ngổn ngang đống máy móc cũ xì cũ xịch, nào là cassette, nào là radio, dăm cái loa gỗ, vài cái amply rỉ sét, một gã tứ chiếng râu dài đang ngồi lau lau chùi chùi. Anh để râu dài lắm, phải gần tới ngực. Chòm râu xác xơ, nối vào mái tóc cột xi-nhông cao trên đầu như thời vua chúa, làm cho anh y chang nhân vật trong phim cổ trang đi ra. Anh ăn mặc lôi thôi. Đúng ra là người ta nói vậy, chớ anh thì tự thấy mình “bảnh” dữ thần, với áo sơ-mi phanh ngực và chiếc quần lính rách gối. Đôi bốt lò-sô càng làm anh trở nên bặm trợn, dù cái mặt như tướng cướp thế kia đôi lúc cũng làm khiếp vía người qua đường rồi. Anh ăn mặc như vậy ngồi bày đống máy móc cổ lỗ sĩ ra lề đường làm chi? Ờ, anh tên Râu (chắc cũng chẳng phải tên thật), làm nghề sửa máy hát cũ.
Anh Râu ngồi ở lề đường này cũng lâu, từ lúc người ta đã nghe CD chớ không thèm xài cassette hay băng cối nữa. Tới tận bây giờ, thiên hạ cũng đã nghe nhạc bằng điện thoại, lướt âm thanh trên mạng. 4.0 rồi mà, có đâu mà ăn mày dĩ vãng hoài vậy? Nhưng mà như vậy, tính ra anh là vua ăn mày, bởi vì với anh, dĩ vãng là thứ hồi ức vàng son quý báu nhứt trần đời.
Thứ âm nhạc lề đường, sinh ra ở lề đường, bởi những ca nhạc sĩ du ca, về đây với anh Râu như cá gặp nước. Anh giăng tiếng nhạc tung toé trong không gian như tàng cây xoè che phố. Bà Tư bán cà phê đối diện vẫn hay chọc: “Thằng Râu nó khùng âm nhạc!”
Ô! Đoạn này bà chị lên điệp khúc hay dữ vậy trời! Anh Râu ngẩn ngơ, buông cái giẻ lau, nhìn lên trời, làm như nhìn thấy từng nốt nhạc nhào lộn trên đó. Bỗng nhiên nhạc đứt ngang. Cái loa của chiếc máy cassette sinh năm 1970 tự nhiên nín thinh. Tiếng rè rè rột rột dội ra thì thầm như con nít hút cạn ly nước mía. Mất hứng!
Anh Râu nhăn mặt, nhớ lại lúc nãy mình bỏ cuốn băng nào vào máy? À! Cuốn băng mới. Mới là mới với anh thôi, chớ nó cũng phải hơn 50 tuổi. Cuốn băng cũ xì, mạng nhện cả đống, dơ hầy lem nhem anh vừa soạn ra từ thùng phế liệu lúc sáng. Cuộn băng này từ đâu mà đến đây? Anh hay nhập hàng kiện, là những thùng đồ âm thanh hỗn tạp, chứa tạp nham từ băng, đĩa, máy móc, loa liếc… trộn một đống rồi cân kí. Anh mua về từ những nguồn phế liệu quen biết. Đối với anh đó là hành trình “đi tìm kho báu”.
Nhớ có lần, anh Râu moi ra một chiếc loa Sansui còn gần như mới nguyên. Sửa một tí bán hơn chục triệu. Lần khác, anh lụm được cái băng Sơn Ca 7, bản gốc, lần thâu thanh đầu tiên. Kì đó mới đưa lên mạng “nhá hàng” mà dân chơi âm thanh rần rần kéo đến đấu giá, vui hết biết! Nhưng cũng nhiều khi, cả kiện hàng khui ra là vất vô thùng rác, chả có chi giá trị. Vậy đó, đãi cát tìm vàng!
Trong mấy món đồ cũ, nó có cái thú với anh Râu như vầy. Món đồ này trước kia là của ai? Nó đã trải qua đời sống gì? Nó thuộc gia tài của một ông xì thẩu ngày xưa? Hay là món bảo bối của một gã nhạc sĩ nghèo kiết xác? Băng nhạc này từng gối đầu nằm một ông giáo sư? Hay băng nhạc kia từng là lưu bút ngày xanh của một nữ sinh? Nghe nhạc có thể đoán ra con người, có thể hiểu ra tâm hồn và cảm xúc của người xưa trong đó. Anh Râu thích nhất là nghe bất kì một băng nhạc không hộp, không tựa, có cái tem lem nhem tên người. Đây là dạng băng tự thâu. Mấy thứ băng này có thể còn nằm kẹt trong khay của một chiếc máy bị lãng quên, hay vùi mình trong hàng tấn băng từ khác cùng loại. Và chủ cái băng này có lẽ không chừng cũng đã lìa đời từ lâu. Từ kỉ vật, nó trở thành di vật.
Anh Râu lấy cuộn băng ra ngó cái tên. Miếng nhãn phai màu, nhìn chỉ ra vài chữ Nguyễn… L… N… gì gì đó. Anh nhăn nhó, dùng cây viết chì xỏ vô lỗ băng, thủ công xoay từng vòng. Anh lau lại từng milimet âm thanh xưa cũ. Đoạn lắp ngược vào máy, trả từ đầu mà nghe. Tiếng nhạc lại cất lên, đến khúc ban nãy lại tiếp tục mất tiếng. Quái lạ! Không lẽ máy hư?
Tiếng lè rè, rột rột như tivi mất sóng. Âm thanh trắng. Anh Râu cảm thấy đầu óc mình trắng trơn theo khi bất ngờ nghe thứ phát ra tiếp theo. Tiếng nói con người.
“Má ơi... Con… è… má!”
Da gà da vịt nổi lên hết, anh Râu vểnh tai xoay volume lớn hơn.
“Cỡ này má c… mạnh… giỏi… không?”
Tán cây chò nâu buổi chiều tà xoè ra khắp lòng đường. Dưới gốc cây có gã râu dài ngồi ngẩn ngơ nghe một lời nhắn từ ai đó trong quá khứ. Tiếng nói gãy đổ dòng thời gian.
2.
Bà Nguyễn Thị Đẹt.
Sinh năm: 1935, Ất Hợi.
Nguyên quán: ấp… huyện... tỉnh…
Nghề nghiệp: không.
Tình trạng: neo đơn, thuộc diện gia đình chính sách.
Lưu ý: có tiền sử bệnh tim, cẩn trọng trong tiếp xúc.
Ông thủ trưởng thảy tờ giấy dài sọc có đoạn mở đầu như vậy cho cô văn thư mới vào làm rồi trỏ tay vô người đàn bà cao một mét rưỡi, còng lưng, gương mặt rõ nét “quê hương là chùm khế ngọt”. Ông có cả một xấp hồ sơ dày tự sưu tầm về các “đối tượng” cần lưu ý ở địa phương. Cô văn thư ngơ ngác, bà già như vậy mà “đối tượng” gì anh? Ông gãi đầu gãi tai, thật ra bà ta rất rắc rối. Chắc cô chưa biết bà già nom có vẻ vô hại đó đã gởi đơn thưa kiện mấy chục năm nay hết phòng ban này tới phòng ban khác, thậm chí còn gởi lên cả trên tỉnh. Lần nào tới đây bà cũng gân cổ lên cãi rất dữ, mấy lần lên máu chở đi cấp cứu. Không có gia đình, nên cuối cùng trách nhiệm cấp cứu nuôi bệnh toàn thuộc về cơ quan mình.
Cô văn thư thắc mắc bà thưa kiện cái gì mà miệt mài dữ vậy anh? Ông thủ trưởng lắc đầu, bà già thưa cái chuyện vô lí, chẳng thấy ai làm bao giờ. Lúc đó thì bà già lầm lũi tiến tới, đặt tờ đơn trước mặt hai người. Tờ giấy viết tay bằng giấy tập học sinh, nét chữ ngoằn ngoèo rối rắm, sai chính tả nham nhở như cuộc đời bà già. Đầu tờ đơn chẳng có quy củ, đập vào mắt luôn cái tiêu đề tô đậm:
“ĐƠN XIN TRUY PHONG LIỆT SĨ”.
Ông thủ trưởng nhăn nhó: “Tôi nói với bà hàng trăm lần rồi! Con bà trước đây thuộc phía bên kia! Làm sao truy phong danh hiệu liệt sĩ được trời?” Bà già im lìm nhìn thẳng vào mắt hai cán bộ. Mắt bà ướt lên nỗi ấm ức, nó đỏ hoe và ứa ra làn sương ngầu đục. Bà trả treo bằng cái giọng không ra hơi: “Nó nằm vùng mà!” Ông thủ trưởng hết kiên nhẫn sau hàng trăm lần đối đáp như thế: “Không có bằng chứng, văn bản nào hết! Chúng tôi cũng đã lục tung cục lưu trữ! Không có thông tin gì ráo! Bà nói làm sao chứng minh được con bà là chiến sĩ nằm vùng?”
Cũng như mọi lần, bà già đuối lí thì chuyển qua chửi mắng dữ dội. Ông thủ trưởng lúng túng, cơ quan náo động rất mất mặt. Cô văn thư liền nhảy ra dìu bà già, nói nhỏ nhẹ ngọt lạt để bà hạ hoả. Cô hỏi thăm đủ thứ cho bà già kể chuyện mà quên đi cơn tức. Nói lòng vòng thì hết chuyện, mèo vẫn hoàn mèo. Cuối cùng, bà già quay lưng đi trong ánh mắt ngán ngẩm của cả cơ quan.
Bà xuôi theo con đường quê sình lầy, cỏ ôm chân lao xao. Gió thốc một cơn, sao nhái rì rào. Tiếng chim sâu lích rích nhảy trên đọt cây. Bà về qua bến sông, nghe liu xiu con nước, mấp mô mùi sình non. Dưới bụi tre ngà, cục đá lớn đã lên rêu xanh rì sau mấy trận mưa đêm. Bà già cứ thế mà ngồi phịch xuống, mặc kệ thứ vi sinh kia mọc rêu lên đời bà. Bà ngồi ngó ra bến sông, nhớ về khoảng đất trước kia là căn nhà lợp bằng lá dừa nước. Căn nhà đó đủ vợ chồng con cái. Căn nhà đó là nơi bà còn được làm vợ, làm mẹ, chớ không phải làm bà già neo đơn như bây giờ. Bên kia sông, cây ô môi vẫn còn trổ lên những chùm bông rụng hồng con nước. Cây cầu ván ngay đây đã biến mất. Cái vó cá dạo xưa cũng không còn. Nước cũng chẳng còn đo đỏ do vạt tràm ở đầu nguồn đã biến mất. Căn nhà xưa nhạt nhoà, bà cũng lờ mờ không rõ cái cửa chính nằm bên phải hay trái của vách hướng ra sông. Dĩ vãng là để phôi phai.
3.
Ngày hôm đó, buổi sáng, trời Sài Gòn ậm ừ không nắng không mưa. Nó ui ui buồn hiu. Anh Râu bấm “play”, máy hát xoay tròn những vòng băng. Tiếng hát cô ca sĩ ra rả nỗi buồn về chiếc võng đu đưa của mẹ. Anh nhấp miếng cà phê, kéo những thanh trượt trên bảng hoà trộn, bật công tắc cho nhạc tràn ra khắp thành phố theo những cái loa trên cột điện. Sóng radio sẽ đưa lời hát này tới từng nhà. Sau những bài phát biểu, cảnh báo, kêu gọi, nhắc nhở, phân trần của các vị cấp trên mấy ngày nay, người ta đã mệt mỏi lắm rồi. Người ta sẽ cần nhớ về mẹ, nhớ về cái võng ở nhà. Bây giờ, người ngoài kia sẽ làm gì? Có người ngược dòng? Có người xuôi dòng? Còn anh đang kẹt giữa dòng. Chắc mẹ anh ở nhà cũng loay hoay chẳng biết làm sao. Nhưng, điều duy nhất anh biết là âm nhạc lúc này sẽ chữa lành. Cũng vì thế mà anh mở bài nhạc đó lúc này.
Chắc anh sẽ ra khỏi thành phố, sẽ trở về cái võng đó mà dúi đầu vào chân mẹ. Nhưng âm thanh vang dội từ cửa thành phố vừa cất lên nhắc anh là “khó lắm!” Bão đã tới trong cái ngày thời tiết ui ui vô thưởng vô phạt. Tiếng người ta náo loạn cộng hưởng dội khắp nơi. Anh cố gắng tách lớp âm thanh hò reo vui mừng và lớp âm thanh kêu gào ra làm hai, nhưng chúng trộn vào nhau xoay tròn, khó mà phân biệt được nữa. Những lá cờ sao chấp chới bay trên tay người ta ngập tràn đường phố Sài Gòn rồi. Tiếng quạt trực thăng phần phật đâu đó. Những đàn kiến đụng đầu nhau tán loạn, không còn hàng ngũ khi nước mưa tràn vào tổ. Anh lắc đầu, lại nhấp thêm miếng cà phê rồi nghe câu điệp khúc:
“Mẹ ngồi ru con tiếng hát lênh đênh
Mẹ ngồi ru con ru mây vào hồn
Mẹ dạy cho con tiếng nói quê hương
Mẹ nhìn con đi phút giây bàng hoàng…”
Đột nhiên như có điện giật, anh đưa tay bấm ngưng tiếng nhạc và ngắt nó khỏi đường dây phát sóng. Bây giờ thứ âm nhạc nào sẽ ru cho lòng người ngủ yên trong thứ âm ba vang trời ngoài kia? Anh đưa tay ấn vào nút REC màu đỏ. Máy bắt đầu thu âm. Anh ghé miệng vào micro, cất lên chất giọng miền Tây đặc sệt, khác xa với lời giới thiệu chương trình tròn vành rõ chữ mà anh vẫn làm hằng ngày. Lời nhắn mở đầu bằng: “Má ơi, con nè má…”
Những áo lính, mũ nồi, giày bốt văng tứ tán như bướm bay chấp chới dọc đại lộ rồi. Những con ve sầu đã thoát xác. Mùa hè tan nát. Anh rút cuộn băng khỏi máy, bỏ vào hộp rồi nhanh tay nhét nó vào bụng một chiếc loa thùng ngay kẹt cửa. Đoạn vùng dậy mở cửa len ra ngoài, hoà vào dòng người í ới. Anh biến mất, không giáp xác, không cánh mỏng. Con ve sầu vụt bay. Tiếng ve râm ran gọi một mùa hè tắt nắng. Rồi nắng lạ xứ nào sẽ chiếu cho đường nó bay?
4.
Anh Râu dừng bánh chiếc Vespa cổ trước một vàm sông quê im lìm. Trời bữa nay ui ui, buồn hiu. Cái thứ thời tiết mưa nắng không rõ ràng này sao mà ủ dột quá. Anh nghe cuộn băng cassette trong túi xách ấm lên trước bụng. Thứ năng lượng nó toả ra làm anh nửa dờn dợn, nửa ngậm ngùi. Cuốn băng là một tiếng vọng từ quá khứ. Đó là một lời nhắn. Đối với một người hoài cổ như anh thì thứ âm thanh nó mang trong những vòng băng từ kia rất quý giá. Nó mang ý niệm của một sinh mệnh. Anh đã phải lau nó rất kĩ, chép nó ra hai bản, mang lên phòng thu lớn mà phục hồi. Đủ thứ kĩ thuật tiên tiến đã được áp dụng để cứu sống một ông già hấp hối. Ông già sống sót, nhưng yếu xìu. Nhưng lời ông nói thì anh Râu lờ mờ đoán được. Lời nhắn đó, đúng hơn là lời kể chuyện về một miền quê thơ ấu quen thuộc. Lần đầu nghe, anh Râu trợn tròn mắt, há hốc mồm vì biết chắc đang mô tả quê hương của chính anh. Nó đề cập tới cái xóm nhỏ làm nghề đan lưới, kế sông Đình, khúc Vàm Cá Chốt. Nó tả về một ngôi nhà lá cặp bờ Lở, ngó qua bên kia thấy cây ô môi cổ thụ nở hồng mặt nước. Cái cây đó anh đã từng leo hái trái ăn, té gãy tay lúc nhỏ. Tay thì đã cán vá cong vòng, nên anh không quên được. Lời nhắn cũng có nhắc về những ngày trời trong, nhìn về hướng cuối dòng sông thấy núi Chén nhô lên mờ xanh, như cái chén vừa rửa xong úp trên chạn phơi nắng ráo. Cái đoạn quê hương đó như khúc ruột thừa, bình thường nằm ở đó im re, gặp chuyện thì nhói lên, cắt đi rồi thì không bao giờ quên được mình đã mất nó. Anh Râu bỏ quê gần hai chục năm lẻ.
Gia đình anh tản cư ráo trọi. Quê hương mà không còn người thân có gọi là quê hương? Anh đã quen với đời sống ở một nơi khác, với những thói quen khác. Đất lạ hoá tâm hồn rồi mà. Nắng lạ cũng hong khô đời anh rồi mà. Nhưng lạ lắm, chuyện tắm ở sông Đình, bị cá chốt nẻ chân đau nhói, hay chuyện té lọi tay ở cây ô môi thì anh vẫn không bao giờ quên được. Cũng tại vậy mà anh ở đây, lúc này, cầm cuốn cassette để gởi cho ai cũng không biết. Cuốn băng nó xui khiến anh dùng nó làm cái cớ để trở về một miền kí ức. Hay là tại bà mẹ được nhắc đến trong lời nhắn, nói gợi lên cho anh trăn trở về người mẹ cũng thất lạc của chính mình? Anh muốn bà mẹ kia được nghe tiếng nói đó. Anh muốn nhìn bà khóc chết ngất, ôm anh mà rú lên vì nhớ đứa con. Anh muốn thứ tình cảm đó phải tồn tại trên đời, rõ ràng và hiện hữu. Vậy là anh tìm về đây.
Chỗ bến sông Lở, đối diện cây ô môi cổ thụ không có căn nhà nào hết. Thì phải rồi, nhà lá mà chớ có phải biệt phủ đâu mà trường tồn? Dòng đời cuốn nó đi đâu mất tiêu rồi. Anh ngó xung quanh, ráng kiếm bụi tre ngà và cục đá mòn nhẵn. Trời đất, cái nhà thì mất chớ mấy thứ thiên nhiên tạo tác thì vẫn còn. Bụi tre ngà còn đó, chỉ bị già chát, còn cục đá thì rêu phong. Trên cục đá cũng còn nguyên một bà già ngồi dàu dàu. Hỏng lẽ mấy chục năm nay bà già ngồi đó?
Anh Râu lững thững tiến tới, bắt đầu mò cây kim chìm sâu dưới đáy sông Đình.
Bà ơi, bà có biết ở đây hồi xưa có cái nhà lợp lá dừa nước…
Bà già nhìn anh bằng đôi mắt phủ màn sương giăng. Bà ngác ngơ, chưa hiểu chú này chào mình bằng câu hỏi thăm gì lạ? Đã mấy chục năm đâu ai nhắc về cái nhà đó? Bà nói một câu, trả lời cho sự trùng hợp của số phận:
Cái nhà đó bị dỡ lâu rồi. Chỗ này người ta tính xây cái chợ đầu mối.
Bà có quen ai sống trong căn nhà đó không?
Bà già tự nhiên xúc động khi nghe nhắc nhớ về thứ không gian ấm áp vô thực ngày xưa. Bà bấu vô ngực mà nói như khóc:
Cái nhà đó của tui…
Anh Râu chết trân. Cả cuộc đời anh mua vé số chưa từng trúng. Không lẽ hồn vía cuốn băng nó xúi mình tới đây, gặp đúng ngay bà già này? Tay anh tự nhiên run lên bần bật. Không dài dòng nữa, anh mở túi xách, moi ra ngay cái máy cassette chạy pin. Anh ấn nút play mà nghe nặng như mình vừa ấn vào cánh cửa thời gian.
“Má ơi… con… è… má!”
Bà già nghe một mạch máu trong tim mình vừa nhói lên.
“ …Cỡ này má c… mạnh giỏi không? Con trên đ… v… khoẻ…”
Âm thanh lè rè lúc được lúc mất. Tiếng phát ra khi eo éo, khi thì kéo dài. Nhưng cái chất giọng đó còn vang vọng hơi miền Tây, rằng rặc như thế không lẫn đi đâu được.
“Tự nhiên con nhớ cái nhà lợp lá dừa ngay bờ sông Đình của mình quá má. Má có còn đan lưới không? Bờ Lở có còn sạt không? Mùa nắng má nấu ăn cẩn thận. Nhớ bận má kho cá mà quên, làm bắt lửa cái chái, sợ muốn chết…”
Sau đó là tiếng bật cười ha ha, nhưng nghe giọng mũi nghèn nghẹn sụt sịt như khóc.
“Cây ô môi bự, đối diện bên sông trổ bông chưa má? Má có đi ngang hái giùm con vài trái, con thèm quá trời! Không biết tóc má bây giờ nhiều tóc sâu không hén? Má cứ để đó, khi nào về cứ ngồi ngay cục đá dưới gốc tre, con nhổ tóc cho má như mọi lần nghe…”
Anh Râu ngó qua mái tóc bạc lưa thưa xác xơ của bà già bay bay trong gió. Đã còn cọng tóc sâu nào đâu? Tóc sâu bay biến mất vào một mùa hè nào đó rồi.
“Giờ này Sài Gòn nắng lắm. Thèm nhảy ùm xuống tắm sông Đình ghê nơi! Chỗ vàm Cá Chốt giờ này chắc nước mát rượi. Đảm bảo mùa này ngó ra đầu sông thấy núi Chén rõ mồn một luôn má!”
Anh Râu ngó về núi Chén. Trời ui ui làm mịt mù màu xám xịt. Núi ẩn khuất mất rồi.
“Con đi bận này chưa biết khi nào về. Nhưng mà con khoẻ lắm, má đừng lo cho con. Con trên này cũng nhớ má dữ lắm, nhưng má ráng đi, xong hết con về liền!...”
Nước mắt bà già đã không cầm được, rơi ra từng hạt lăn theo những rãnh nhăn chằng chịt trên gương mặt bà. Lối mòn ngập nước, len lỏi, chảy hoài chẳng thấy đường ra. Bà vẫn há hốc miệng mà nghe.
“Má ơi… Thôi, con đi nghe má!”
Lần này thì tim anh Râu cũng nhói lên như bà già ban nãy. Tiếng nói eo éo, lè rè, dập nát. Anh đã biết sẽ có đoạn mất tiếng này. Anh đã nghe đi nghe lại hàng trăm lần lời nhắn này lúc phục hồi cuốn băng, trước khi tới đây. Anh thuộc làu từng tình tiết trong đó ráo trọi. Nhưng sao lần này, vừa nhìn bà già, vừa giẫm lên mớ sình non của bến sông Đình, anh thấy ruột mình như vừa có ai moi ra hết, vò nát rồi nhét vô trở lại.
“…Con thương má…”
Sau chữ “má” là một tràng âm thanh chát chúa. Cuốn băng muốn nói tui bất lực với thời gian rồi. Ngay cả tiếng gió vi vu và tiếng chim sâu lích rích của bến sông Đình cũng không chữa lành cho nó nổi. Không có âm thanh nào khác đè lên được tiếng đổ vỡ loảng xoảng của tâm hồn. Những mảnh kí ức rơi tung toé rồi trôi lình bình theo dòng nước đục ngầu, cuồn cuộn ngoài vàm.
Bà già im re. Từng bó cơ tay chân bà đuối sức không cử động nổi. Cái lưỡi cũng từ chối phân trần hay bình luận cho loạt lời nhắn vừa nãy. Cả bờ sông lắng xuống tận đáy, chỉ còn hai thứ nhúc nhích được là những sợi tóc bạc bay bay và dòng nước mắt của bà già. Anh Râu đã đoán sai, bà không ôm anh mà khóc lên hù hụ. Không nức nở, không đau đớn, không vật vã chết đi sống lại. Tình cảm đẩy tới tận cùng thì nó trở nên bình yên một cách kì lạ. Lúc đó, đoạn băng vừa trở lại về dòng âm thanh ban đầu mà nó sinh ra để mang. Đoạn tin nhắn đã qua đi thật rồi. Hết trơn rồi.
“Mẹ ngồi ru con
Đong đưa võng buồn
Đong đưa phận mình
Mẹ ngồi ru con
Nghe đất gọi thầm
Trọn nợ lưu vong
Mẹ ngồi trăm năm
Như thân tượng buồn
Để lại quê hương
Tuổi còn bơ vơ
Thế giới hận thù
Chiến tranh ngục tù”
5.
Cô văn thư và ông thủ trưởng lâu rồi không gặp bà già ấy nữa. Chắc bà đã bỏ cuộc chứng minh con trai mình là liệt sĩ. Quá khứ rồi mà, bây giờ chứng minh được thì có khác gì đâu? Dù sao thì ông anh ấy cũng đã không còn. Lâu lâu cô văn thư về ngang, vẫn thấy bà già ngồi trên cục đá dưới bóng tre, ngó ra sông Đình im lìm không nói. Cô có nhiều chuyện, hỏi sao bà không làm đơn nữa vậy? Bà trả lời, thôi, tui biết con tui nó thương tui, thương quê là được. Tui biết chắc nó là thằng có tình mà! Vậy là đủ rồi, không cần danh phận chi nữa hết.
Hai năm sau thì chính tay cô soạn văn tự chứng tử cho bà. Bà mất vì tuổi già. Ba năm sau nữa thì cấp trên gởi văn bản xuống, nói cơ quan phối hợp với các đoàn thể xây mộ gió và truy phong cho một liệt sĩ địa phương. Mọi người ngạc nhiên, chỗ để họ tên mẹ của anh liệt sĩ là bà Nguyễn Thị Đẹt. Văn bản rất dài, kể chuyện anh nằm vùng lâu năm, các đồng đội chịu trách nhiệm liên lạc với anh lúc đó đã hi sinh hết nên không ai chứng minh được. Chuyện về thân phận thật sự của anh đã bị lãng quên. May mắn, một số hồ sơ mật vừa được tìm ra trong hầm chứa ở quân khu cũ, có nhắc về anh. Người ta muốn truy phong anh, để tri ân sự hi sinh của anh cho quê hương đất nước. Ngay cả danh phận của bản thân mà anh cũng bỏ sang một bên vì lí tưởng.
Nhưng mà… danh phận của anh lúc đó bị mất. Nhưng thân phận của anh đã đánh mất bao giờ đâu? Không bao giờ!
Vương Đình Khang | Báo Văn Nghệ
---------
Bài viết cùng chuyên mục: