Sáng tác

Bờ sông lặng sóng. Truyện ngắn dự thi của Vũ Ngọc Thư

Vũ Ngọc Thư
Truyện
10:00 | 02/09/2024
Baovannghe.vn- Đêm mùa đông trên bờ sông lạnh lắm, gió bấc từ bên làng An Thượng thổi sang, tiếng gió thổi vào tấm phên nứa nghe rin rít, nó giống như tiếng gió luồn vào ống sáo
aa

Đất nước im tiếng súng, ba năm sau bố tôi mới khoác ba lô về làng, cái ba lô lép xẹp, nó rúm ró trên lưng theo đôi chân ông bước về nhà. Bố về lúc nhà tôi đang ăn cơm tối, tôi cũng không hiểu vì sao ông lại chọn thời điểm ấy để về nhà. Mẹ tôi nhìn thấy bố tôi, bà sững người, bát cơm trên tay rơi xuống chiếc chiếu rách trải trên nền đất, những hạt cơm bắn tung tóe. Bố lẳng lặng bước đến chỗ tôi, ông nói thật khẽ, khẽ như chỉ để đủ cho một mình tôi nghe thấy. “Nhung, bố về rồi đây, con vào gom hết quần áo vào cái túi này, bố con mình đi nơi khác.” Bố nói và đưa cho tôi cái túi khâu bằng tấm vải dù hoa loang lổ.

Bờ sông lặng sóng. Truyện ngắn dự thi của Vũ Ngọc Thư
Minh hoạ Phạm Hà Hải

Ngày nào mẹ cũng kể về bố cho tôi nghe. “Bố con khỏe nhất làng, lại hiền lành chăm chỉ, cả làng ai cũng yêu quý kính trọng bố con.” Những câu mẹ kể về bố đã hằn sâu vào trong tôi từng ngày như thế. Tôi mơ có ngày bố về, trong tôi hình ảnh người bố thật thân thiết luôn thường trực, nên nghe thấy bố nói vậy, tôi làm theo ngay.

Mẹ tôi quỳ xuống chân bố tôi, giọng mẹ nhòa trong nước mắt, tiếng nấc nhiều hơn tiếng nói. “Em xin anh cho con được ở lại với em, không có nó làm sao em sống nổi.”

Thằng Cang cũng ôm lấy chân bố tôi, nó khóc, cái mồm méo xệch. Giọng nó thỉ thỏm: “Bố… Bác… Bác đừng đưa chị Nhung đi, để chị Nhung ở lại với cháu. Chị Nhung ơi…”

Nó lại quay sang ôm chân tôi, ngước nhìn tôi cầu cứu. Bố tôi bảo. “Mình đi thôi con!” Ông nói và kéo tay tôi đi, cái túi quần áo tôi cầm kéo lê trên mặt đất. Thằng Cang tru lên. “Chị Nhung… Chị Nhung ơi…ơ…i.” Mẹ tôi đổ vật vào mâm cơm, tiếng bát xô nhau loảng xoảng. Hai bố con tôi dắt nhau ra xa đầu ngõ mới nghe thấy tiếng mẹ gào lên thảm thiết.

*

Đêm mùa đông trên bờ sông lạnh lắm, gió bấc từ bên làng An Thượng thổi sang, tiếng gió thổi vào tấm phên nứa nghe rin rít, nó giống như tiếng gió luồn vào ống sáo mà lỗ chưa được đục thông. Tiếng rin rít siết vào tấm phên nghe mà rờn rợn. Bố tôi ngồi cùng chú Thân, chén rượu sóng sánh trên tay hai người.

“Anh không biết rồi cuộc đời sẽ đi đến đâu, anh dắt cái Nhung đi cũng là bất đắc dĩ. Đời anh chỉ còn mỗi mình nó, nó là chỗ anh dựa những ngày tháng còn lại của anh chú Thân ạ.”

Bố tôi nói và ngửa cổ đổ cả chén rượu đầy vào miệng, ông nhăn mặt nuốt, ông nuốt cái đắng cay vào mình. Cái đêm bố dắt tay tôi ra khỏi cổng nhà, ông đi vòng vèo thế nào mà đến nửa đêm lại quay về ngõ nhà tôi. Trong nhà, ngọn đèn dầu vẫn còn leo lắt, con chó thấy có bóng người đi qua sủa vang ngõ, nhưng rồi nhận ra bước chân quen thuộc, nó ngoáy đuôi mừng tít. Bố vội kéo tôi đi như chạy, ra đến cổng làng, ông ôm tôi ngồi tựa vào góc cổng làng đợi sáng. Bố không dám đưa tôi đi nữa, ông sợ lại cứ bước quẩn quanh làng. Mờ sáng tiếng người đi chợ sớm rộn phía xa, bố kéo vội tôi ra con đường cái chạy ngang qua làng. Một chiếc xe tải bật đèn chiếu con đường thành một vệt dài tít tắp, bố vẫy, nó dừng lại. Trong làn sương sớm, làng tụt lại dần trong đôi mắt trẻ con của tôi.

Bố con tôi dừng lại trên bờ đê bãi Hàn, đứng trên mặt đê nhìn xuống, bãi Hàn nhấp nhô những lò gạch cao thấp, cái đang nhả khói, cái vừa ra lò xong, bãi ngổn ngang gạch mộc gạch chín, chỗ đỏ tươi, chỗ thâm xịt. Người ta chỉ cho bố con tôi cái lò gạch của chú Thân. Bố tôi bước qua cửa ngôi lều quây bằng phên nứa. Chú ngồi đấy, cái áo bộ đội cũ sờn bạc phếch lấm lê đất bãi, nó lốm đốm chỗ màu gạch non chỗ màu đất phù sa phơi bạc. Cái dáng ngồi mệt nhọc, đôi mắt quầng thâm vì mất ngủ, chú Thân đã thức trắng hai đêm với cái lò đang đốt kia, mà nó vẫn chưa thông. Bố tôi vất chiếc ba lô vào góc cái sạp làm giường nằm, rồi ông ra nơi cái lò gạch đang đốt dở. Nửa ngày xoay xở, cái lò gạch đã nhả khói đều ngun ngút. Ngày chưa nhập ngũ bố đã theo ông nội tôi đi đốt gạch thuê, nên kinh nghiệm của ông đầy trong đôi bàn tay chai sạn. Tối ấy chú Thân trải cái chiếu ở trước cửa lán, bố tôi và chú nâng cốc rượu lên, hai chiếc cốc chạm nhau kêu tiếng keng, cả hai cùng ngửa cổ nuốt tiếng ực. Chú chìa bàn tay, bố tôi cũng chìa bàn tay, họ cam kết cùng làm cùng chịu. Bố tôi cảm ơn chú vì ông chỉ có hai bàn tay trắng. Chú cám ơn bố tôi đã ghé vai gánh vác trong lúc chú đang gặp khó khăn nhất của cuộc đời. Hai chiếc áo màu xanh bạc lá rừng ôm lấy nhau, trong làn gió từ dòng sông thổi lên mát rượi.

*

Không biết tin đồn từ đâu mà đến được với bố mãi tận chiến trường, rằng mẹ tôi đã đi bước nữa. Tin ấy bố tôi nhận được khi đoàn quân đang tiến vào trận đánh cuối cùng. Sài Gòn giải phóng, những người lính mới dám tin là mình đã đi qua cuộc chiến mà còn sống. Họ cho mình được quyền vui chơi trong cái phồn hoa của hòn ngọc Viễn Đông. Chỉ có bố là buồn, nỗi buồn kéo ông suy sụp. Gần mười năm ở rừng ông chỉ mong hòa bình, vậy mà khi đất nước hòa bình ông không biết niềm vui chiến thắng, ông không có nhà để về. Ông xin ra quân rồi lang thang ở Sài Gòn làm thuê. Đã có lần bố tôi về nhà, về nơi ông đã ra đi. Đêm tháng chạp trời lạnh thấu xương, bố đứng trân trân nơi cổng nhà từ nửa đêm đến gần sáng, nhìn vào ngôi nhà đầy ắp kí ức tuổi thơ của ông. Ở đấy có tiếng khóc chào đời của tôi, có những chiều ông bế tôi, tiếng à ơi vọng vào từng khóm tre trước ngõ. Bố tôi đứng, chiếc áo trên người phủ sương ướt đẫm, cây bưởi đầu ngõ ướt sương long lanh, vậy mà ông lại vội vã ra ga bắt vội chuyến tàu vào Nam. Ông không dám đối chứng với những gì đang xảy ra trên đất nhà mình.

Thế là đã năm năm bố con tôi ở bãi Hàn. Ngày mới đến tôi còi cọc như cái nấm mùa đông, da tôi sạm đen cóc cách, đã thế tôi lại còn lăn vào than với đất. Mùa hanh tháng một chạp, da bàn tay tôi nứt đến chảy máu. Chú Thân bảo. “Để bố cháu với chú làm là được rồi.” Nhưng tôi sao đành, bố và chú vất vả quá, hai người làm từ gà gáy đến tối sẫm mặt, ngồi vào mâm cơm đã chín giờ đêm. Một bữa chú Thân nâng chén rượu lên, tự tay chú chạm chén rượu của mình vào chén rượu của bố tôi vẫn để trên góc mâm.

“Phải cho cái Nhung đi học tiếp anh Thảo ạ. Đời anh em mình đã không được học hành nên vất vả thế này đây, nó phải học anh ạ.”

Nửa ngày tôi đi học, nửa ngày tôi phụ với bố và chú. Chú để lại cho hai bố con tôi cái lán cũ rồi quây gạch lợp phên cái lán mới. Tối học bài xong tôi sang lán chú. Chú Thân hay ngồi đọc sách, đôi mắt dán vào từng trang những cuốn sách dày. Tôi không dám lại gần, sợ làm mất cảm hứng của chú, nên bước ra bờ sông Thái Bình, ngồi bên dòng sông nước êm đềm chảy, dòng nước chảy chui qua cái cầu sắt, mà mỗi khi đoàn tàu hỏa đi qua, tôi lại nghe thấy tiếng xập xình, xập xình của bánh tàu hỏa lăn qua, như tiếng ru trên mặt nước. Trên kia là đầu nguồn, nơi dòng sông Cầu, sông Đuống, sông Thương vẫn lầm lụi mang nước vào cho dòng Thái Bình ăm ắp.

Tôi ngồi bờ sông, thỉnh thoảng lại ngước nhìn về nơi cái lán nhỏ, ánh sáng ngọn đèn lọt qua khe những hòn gạch xếp. Ở đấy có một người mà càng lớn tôi càng thấy mình muốn gần gũi, muốn được nghe giọng nói êm nhẹ như làn gió man mát về đánh thức mùa xuân. Mỗi lần chú Thân đọc thơ cho tôi nghe, sao mà nó truyền cảm. Giọng chú êm êm, có lúc nhẹ như người đang bước dạo trên cánh đồng lúa xanh ngắt mênh mang, có lúc lại vút bay như cánh diều no gió và tiếng sáo ngân lên vang vọng bầu trời. Tôi càng lớn chú càng chăm sóc cho tôi nhiều hơn. Cả những việc mà nếu ở trong nhà thì chỉ mẹ tôi chỉ bảo. Đấy là một lần chú đèo tôi vào cái thị xã bé nhỏ, đưa tôi đến một sạp hàng bán đồ phụ nữ, chú bảo cô bán hàng tư vấn cho tôi mua những thứ dành cho người con gái mới lớn. Tôi thầm cảm ơn chú. Cũng là đàn ông, mà sao bố tôi không để ý đến những việc như thế này cho tôi chứ.

*

Ngày tôi còn bé xíu, một hôm nhà tôi người làng nườm nượp đến đông chật sân. Cô tôi thắt lên đầu tôi tấm khăn trắng, vừa thắt cô vừa khóc. “Thế là mất bố rồi con ơi.” Tôi không có khái niệm mất bố là gì, bởi tôi chưa nhìn thấy bố bao giờ. Tôi vẫn nô đùa nhảy nhót trong cái sân đông nghịt người, trong tiếng khóc thảm thiết của mẹ tôi, trong những đôi mắt đỏ hoe của người làng. Cái dải khăn trắng ở đằng sau có lúc lại văng về trước ngực rồi rơi xuống đất, ai đó nhặt lên thắt lại cho tôi. Mùi khói hương làm tôi khó chịu. Tôi chạy nhào ra cổng, lại gặp những đoàn người mang vòng hoa đến, họ lại thắp hương. Bác Cảnh cạnh nhà tôi ôm lấy tôi bảo. “Về đi cháu. Về lạy bố đi!”

Nửa đêm, sân nhà tôi hoang vắng, mảnh trăng nhỏ cong vắt lắt leo trên bầu trời, mẹ tôi ngồi nơi hiên cửa. Từ lúc người đến chật sân mẹ đã ngồi nơi ấy, giờ sân là một khoảng không mênh mông chơi vơi, mẹ vẫn ngồi nơi đấy. Mẹ ôm tôi vào lòng, hai bàn tay ghì siết, mẹ tôi ghì như bà sợ tôi trôi tuột khỏi tay bà. Sau ngày ấy mẹ tôi nằm liệt giường, cô tôi luôn bên cạnh. Có một người nữa cũng luôn bên cạnh mẹ tôi: chú Huấn. Chú Huấn nhập ngũ cùng bố tôi, vào Nam được ba năm thì về, chú về với mảnh bom vẫn còn nằm trong phổi, mỗi khi đụng đến việc gì nặng nhọc hay trở trời là chú thở, tiếng thở khè khè như tiếng gà hen. Chú về được sáu tháng thì có một hôm sân nhà tôi đông nghịt người như thế.

Người làng bắt đầu xì xào khi chú Huấn đến chăm sóc mẹ con tôi thường xuyên như vậy. Ai nói gì thì nói chú vẫn đến, lúc chú rào lại mảnh vườn, lúc chú phát cây tre đổ xòa ngang cổng, chú đèo tôi đi mua quần áo mới. Mẹ tôi chỉ vào chú nói. “Tôi không nhờ anh mà sao anh cứ đến quấy rầy mẹ con tôi thế? Tôi van anh, hãy để cho mẹ con tôi sống bình yên, anh đừng bao giờ đến nữa được không? Anh có biết cả làng đang nhổ vào mặt tôi không?”

Chú Huấn bình thản ngồi nghe mẹ tôi trút những câu thịnh nộ, giọng chú cũng bình thản.

“Anh chỉ đến giúp người đồng đội anh đã khuất thôi mà.”

Chú Huấn lẽo đẽo theo mẹ con tôi suốt ba năm, khi mẹ làm giỗ hết cho bố tôi, chú ngỏ lời với mẹ. Mẹ tôi không thể khước từ, với một người đã ba năm bên cạnh bà những lúc lẻ loi nhất của cuộc đời.

Sau ba năm tôi đã biết, ngày mà sân nhà tôi chật kín người khóc lóc là ngày báo tử bố tôi, là bố đã hi sinh, là từ nay tôi không còn bố và thành đứa trẻ mồ côi. Có lần mẹ đã nói với tôi. “Chú Huấn sẽ thay bố con cùng mẹ lo cho con hết cuộc đời, con hãy coi chú như bố mình con nhé.” Mặc cho chú Huấn lo cho tôi còn hơn những đứa có bố đẻ, vậy mà sao tôi không thể cất câu gọi bố với chú Huấn được. Một năm sau thằng Cang chào đời, dù đã có thằng Cang, chú Huấn vẫn chăm lo cho tôi, tôi thấy chú lo cho tôi còn hơn lo cho thằng Cang. Mỗi lần nó chạnh chọe với tôi, người bị mắng là nó chứ không phải là tôi. Năm thằng Cang được năm tuổi thì bố tôi về, hai bố con tôi đến bãi Hàn với chú Thân.

Chú Thân dạo này đã hoàn sức, từ ngày có bố tôi đến, lò gạch nào cũng đẹp, tỉ lệ gạch loại một đạt tới tám mươi phần trăm. Chú giao phần kĩ thuật cho bố tôi, chú lo phần vật tư và sản xuất. Khu lò của bố tôi và chú phát triển thêm mấy lò nữa, thợ làm gạch, thợ ra vào lò có đến mấy chục người, bãi cứ như công trường. Hình ảnh chú Thân càng ngày càng phảng phất trong tôi, nó lẽo đẽo theo bước chân tôi cả ngày. Tôi đến trường nó theo đến trường, tôi về bãi nó theo về bãi. Đi học về là tôi nhao sang lán chú ngay, không thấy chú đâu là tôi hỏi bố. Bố đã có lúc gắt lên: “Tao quản lí chú ấy hay sao mà mày cứ hỏi tao.” Tôi lí sự lại: “Nhà chỉ có bố và chú, con không hỏi bố thì hỏi ai?” Bố cười xòa rồi ve điếu thuốc lào châm lửa rít, ông ngửa cổ nhả làn khói bay che phủ khuôn mặt sạm nắng. Mãi tối đó chú Thân mới về, dựa chiếc xe vào vách lán, chú lặng lẽ bước ra bờ sông. Chú ngồi bên dòng sông nước đang trôi lờ lững, bàn tay vê vê hòn đất ném xuống dòng nước. Hòn đất lọt thỏm vào mênh mông, chỉ để lại tiếng rơi rất khẽ. Tôi ngồi xuống bên cạnh, ngước nhìn khuôn mặt chú, khuôn mặt mà đã có lúc tôi so sánh. Chú Thân kém bố tôi mười tuổi, hơn tôi mười hai tuổi. Mười hai tuổi thì đã sao? Tôi tự vấn mình như thế. Tôi cầm bàn tay chú và nắm chặt, tay chú cũng nắm lấy tay tôi, đột nhiên chú hỏi.

“Nhung có nhớ mẹ không?”

“Cháu nhớ, nhớ mẹ cháu và nhớ cả thằng Cang nữa.”

“Ừ, chỉ có chú là không còn ai để mà nhớ, hai ông bà bỏ chú đi cả, hôm nay là ngày giỗ bà, mấy anh em chú làm mâm cơm cúng bà cho đỡ tội.”

Rồi chú kể những ngày ấu thơ vắng tình thương của chú. Giờ thì tôi hiểu nét mặt buồn, giọng nói buồn buồn ở chú là nó xuất phát từ đâu. Vài năm sau ngày người ta báo tử bố tôi, tôi đã nhận biết được mình không còn bố, tôi đã nhận biết được mình là đứa trẻ mồ côi. Rồi bố về kéo tôi ra bãi Hàn, tôi lại như không có mẹ, nỗi buồn cứ canh cánh trong lòng. Vậy mà chú Thân mất cả bố mẹ từ nhỏ sao không buồn cơ chứ, sao mà vui được trong hoàn cảnh như thế. Trong lòng tôi lại cuộn lên lòng thương, con tim tôi lại cồn cào xa xót. Tôi tựa đầu vào bờ vai của chú, mắt tôi đăm đăm vào khuôn mặt có ánh mắt như đang chìm đắm trên dòng nước sông mênh mang. Trái tim cô gái mười sáu không kìm chế được cảm xúc, hai tay tôi bá vào bờ vai chú, tôi ngửa mặt lên giọng tôi ấp úng.

“Chú Thân… chờ cháu nhé, lớn lên cháu sẽ… lấy chú.”

Tôi nghển lên hôn vào đôi má có làn da chai sạm gió sương và khói súng.

“Ơ cái con bé này!”

Chú Thân đẩy tôi ra. Tôi vụt chạy, tiếng tôi vọng trên mặt sông âm âm vang mãi sang bờ bên An Thượng.

“Cháu nói thật đấy…”

*

Tôi dựa cái xe vào vách lán thì nghe thấy tiếng nói vọng ra quen quen.

“Tao xin lỗi mày Thảo ạ. Tao chỉ nghĩ là cái Nhung nó phải có bố, mày hi sinh rồi thì tao sẽ là bố nó, tao sẽ thay mày nuôi dạy nó, chứ không thể để nó bơ vơ, nó khổ. Chiến tranh đã gây nên bao nỗi đau, nhưng sao nó để lại nỗi đau đến tê tái thế này? Nhầm lẫn ư, một nhầm lẫn để rồi tan nát tất cả ư? Mày về với Mai đi, từ hôm mày dắt cái Nhung đi, tao cũng dắt thằng Cang đi, Mai ở một mình, tao không được quyền ở đấy khi mày đã trở về.”

Tôi nhào vào lán.

Chú Huấn kéo tôi ngồi xuống bên chú.

“Chú đi tìm bố con cháu mấy năm, mãi rồi mới gặp được người quen bảo bố con cháu ở đây.”

Tôi khóc nức nở, chú Huấn vỗ về tôi.

“Về với mẹ đi con. Về đi.”

Bố tôi ngồi lặng câm, trông ông như tượng đá khắc chìm trong cái lán nhỏ, khuôn mặt ông thiểu não xót xa. Tôi nhào vào ông.

“Mình về đi bố, mẹ ở một mình con đau xót lắm, bố con mình về nhé bố.”

Tôi ôm lấy bố, tay tôi lắc đôi vai ông như thúc giục, như van xin. Ông vẫn lặng câm. Trong khoảng lặng ấy nơi đầu ông những tiếng nổ xé trời, một quầng sáng bùng lên đất đá bay ào ào đổ xuống. Ông bay theo đất đá lên cao rồi rơi xuống đánh bịch, đất đá lại rơi phủ lên người ông. Ông nghe thấy tiếng gọi. Tiếng của Huấn nhưng mà sao nó gọi như người không còn hơi thế. Ông đâu biết Huấn đang ôm ngực, một dòng máu đang phun ra mỗi khi Huấn cất lên tiếng gọi. Tiếng gọi xa dần, ông thấy tưng tức nơi ngực rồi khoảng đen trùm lên ông dày đặc. Tỉnh lại, người nặng trịch, ông cố gạt hết lớp đất phủ trên người. Ông nhoài người trườn đi, hai bàn tay đẩy đất, mãi rồi lớp đất phủ trên người ông cũng tuột trôi. Đêm nhờ nhờ như tráng lớp mạ bàng bạc, quanh ông hoang vắng, khoảng hoang vắng mênh mông. Chống hai tay xuống đất ông đứng lên, bầu trời như lộn ngược, ông lảo đảo quay tròn ngã nhào xuống nơi ông vừa đứng lên. Người ông như không có trọng lượng, nó nhẹ bẫng chao đảo. Đau ê ẩm, đau như bị dần bằng những khúc gậy đập xuống người. Ông lại chống tay đứng lên, vẫn lảo đảo như người say, ông cúi xuống khom người chống hai tay xuống đất để lấy lại thăng bằng. Khi đã cân bằng được cơ thể ông bước đôi chân nặng như đeo đá trong cánh rừng mênh mông. Ba ngày sau một tốp người gặp ông nằm ngất bên bờ suối, họ đưa ông vào bệnh viện dã chiến. Một tháng sau ông tìm về đơn vị, đơn vị đã chuyển đi, ông được biên chế vào đơn vị mới. Ở đơn vị cũ ai cũng bảo ông đã bị chôn vùi trong loạt bom tọa độ ấy, họ làm báo tử về địa phương.

Đêm ấy bố tôi không ngủ, ông trằn trọc trở mình, hết quay vào lại quay ra, trong cái lăn mình lại bật lên tiếng thở dài. Mờ sáng tôi dậy đã thấy bố ngồi hút thuốc, áo quần của hai bố con đã được gói vào mấy cái túi. Tôi hỏi:

“Mình về hả bố?”

Bố không nói gì, ra dắt cái xe Honda năm mươi phân khối chú Thân mua cho, xếp mấy cái túi lên lòng xe. Chiếc xe lăn bánh trên con đường đất bãi. Tôi ngoái lại nhìn nơi cái lán quây gạch, ánh sáng ngọn đèn chập chờn theo ngọn gió, lúc chìm như sắp tắt, lúc nhoàng sáng ngôi lán nhỏ. Tôi đăm đăm đôi mắt, cố tìm bóng hình một người mà không thấy.

*

Chú Huấn phải nằm viện, cái mảnh bom găm trong phổi giờ trở chứng, nó xoay thế nào mà làm đứt mạch máu, máu từ phổi chú trào ra, mỗi lần chú bật tiếng ho là máu lại theo tiếng ho phun như phun mưa. Chú gầy xọm hốc hác. Mẹ tôi xin được đón thằng Cang về chăm sóc. Bệnh viện chạy chữa cho chú Huấn, càng điều trị chú càng mệt, tiếng thở ngày càng yếu. Mẹ tôi ở bên chăm sóc chú ba tháng. Cho đến ngày người chú chỉ còn như một bộ xương. Chú Huấn ra đi trong một ngày mưa tầm tã. Bệnh viện xác định, nơi mảnh bom ghim trong phổi chú đã hình thành một khối u, chú ra đi vì cái khối u ấy. Khi người ta bắt đầu lấp mộ chú Huấn, mẹ tôi vất hòn đất đầu tiên, theo hòn đất rơi là chiếc khăn tang bà tháo trên đầu. Mẹ tôi muốn trả lại chú Huấn một mối tình ngang trái và tội lỗi. Bố tôi là người cuối cùng đứng lại bên mộ chú. Rồi ông bước đi, dáng chệnh choạng thầm lặng như cái bóng đổ vào chiều mưa. Ông bước theo tiếng kèn rước vong chú Huấn đã về gần tới cuối làng.

Ở bãi Hàn về bố tôi sống trầm lặng, ông không ra khỏi cổng nhà. Bố không giận gì mẹ tôi nhưng ông cũng không vồ vập, việc cần nói ông mới nói, nói xong ông lẳng lặng đứng lên đi ra cái bàn có cái điếu cày và xuyến nước. Ông ngồi cả ngày nơi đấy, ngồi trầm ngâm ve điếu thuốc, ve mãi, ve đến săn lại ông mới cho vào nõ điếu. Cái đóm chẻ bằng tre ngâm phơi khô châm vào ngọn đèn bùng cháy, nó cháy rần rật chả mấy đã đến tận cùng, ông vất đi lại châm cái khác. Có lúc ba lần châm đóm ông lại gác chiếc điếu vào góc chân bàn không hút. Nhìn cảnh ấy mẹ tôi ruột như thắt lại, con tim bà như có mũi kim đâm. Bà cho tội lỗi ấy do bà gây nên, nếu bà cứ ở vậy nuôi con thì đâu có cảnh này. Ngày bố con tôi rời bãi Hàn, chú Thân mở hòm, còn đồng nào chú đưa cho bố tôi hết. Một khoản tiền lớn. Bố tôi xây mấy gian nhà, mua sắm những thứ thật cần thiết, còn lại bố đưa cho mẹ tôi cầm. Đã năm năm bố con tôi trở về, năm năm ông sống như thế, trong ông nỗi day dứt như không có lối thoát. Chỉ có điều đến lạ, nỗi ám ảnh ông như vậy, mà sao ông yêu quý thằng Cang hết lòng. Đón nó ở trường về là ông và nó lại nha nhẩn quanh nhà, nó bám ông như gà con bám mẹ, ông ấp ủ che chở nó như cá chuối che đàn con, cứ thế cho đến ngày bố tôi đổ bệnh.

*

Chú Thân đến. Bố tôi chồm ngồi dậy, hai cái áo bạc lại gắn vào nhau như hôm ở bãi Hàn. Chú Thân bóc phong bánh đậu xanh đưa vào miệng bố tôi một thỏi, ông ăn ngon lắm, nhoáng đã hết. Nhìn bố vui mà tôi rơi nước mắt, chả trách lúc nào tỉnh là bố lại hỏi đến chú, ông chờ mong chú từng giờ. Đã mấy tháng nằm bệnh hôm nay tôi mới thấy bố ăn ngon lành và vui như thế. Chú Thân ở bên cạnh, bố đuổi hai mẹ con tôi về, ông bảo để hai người đàn ông nói chuyện.

Nhưng rồi một chiều ông gọi tôi đến, tôi thấy bố cầm bàn tay chú Thân thật chặt, ông ngước nhìn chú, giọng ông trầm trong hơi thở.

“Anh không qua được nữa rồi, anh nhờ chú chăm lo cho thằng Cang, phải nuôi nó trưởng thành, học hành đến nơi đến chốn. Cái Nhung nó quý mến chú, nếu được chú lo cho nó thì anh mừng.”

Bố tôi ngừng lại để thở.

“Còn bà ấy, chú hãy động viên cho bà ấy trút bỏ nỗi dằn vặt ấy đi, lỗi không tại bà ấy.”

Tôi thấy đôi tay chú Thân run run trong đôi bàn tay bố tôi, hình như chú cảm động lắm, mắt chú rưng rưng. Đã có giọt nước lăn trên đôi má, giọng chú cũng run run. “Anh đừng lo nghĩ quá như thế, chính anh mới cần trút bỏ nỗi day dứt chứ không phải chị. Em hỏi bác sĩ rồi, bệnh anh không nặng, mà nó kiệt quệ bởi tinh thần anh bị bào mòn. Em đã nói với chị, em sẽ đưa anh về bãi Hàn một thời gian, để anh thấy lại dòng sông cánh bãi, và cũng để em thu xếp công việc, về đây ở với anh chị.”

*

Chú Thân mời cả họ đến ăn bữa cơm ngày bố tôi trở về. Khi chén rượu ửng đỏ mặt người trong bữa, chú Thân đứng lên, một tay chú cầm tay bố tôi, một tay cầm tay mẹ tôi, chú bảo tôi và thằng Cang đi theo vào nhà, chú thắp ba nén hương. Với tôi mỗi khi mùi hương cuộn lên là tôi lại thấy khó chịu, là tôi lại cảm thấy có điều gì đấy không vui đến với tôi. Chú Thân cắm ba nén hương rồi quay sang nói với bố mẹ tôi.

“Từ hôm nay em xin được làm em của anh chị, chú sẽ là chú ruột của Nhung và Cang.” Chú quàng hai tay sang hai chị em tôi. Thằng Cang nhảy cẫng lên hò reo mừng rỡ, bố tôi cũng quàng tay ôm chặt cả nhà. Như hôm ở viện, nước mắt chú Thân rơi, giờ nước mắt bố tôi lại chảy thành dòng trên má.

Tôi gỡ tay bố chạy vụt ra ngoài, tôi không vui như thằng Cang, khi chú Thân là em ruột bố mẹ tôi, chân tôi bước những bước vô định ra nơi dòng sông quê, dòng sông không con sóng gợn. Lòng tôi lặng chìm. Có cái gì đó đang nhấn lòng tôi xuống nơi dòng sông không con sóng. Chú Thân đến bên tôi từ lúc nào, giọng chú vẫn êm ngọt nhẹ nhàng.

“Cháu chú lớn rồi mà, không còn như cô bé mười sáu ngày nào bên sông Thái Bình nữa, năm nay ra trường rồi nhỉ, phải không cô sinh viên.”

Tôi nhào vào gục đầu trên vai chú, nước mắt tự nó trào ra. Tôi buông thả dòng nước mắt để cho nó tự chảy, tôi biết chỉ đêm nay thôi, chỉ lúc này thôi, nó được chảy trên vai áo chú, sau lúc này mãi mãi tôi không được gục thổn thức trên bờ vai ấy nữa.

Đêm bàng bạc trôi, dòng sông bàng bạc trôi, nó trôi nhẹ êm vì nơi ấy không gợn sóng.

Vũ Ngọc Thư | Báo Văn Nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đọc Truyện: Gió Cùa se sắt. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Hiệp Xin lỗi Hungary - Truyện ngắn dự thi của Yen Platz Nghệ thuật khắc kỉ. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính Đọc truyện: Trăng mắc cạn. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Thúy Núi vỡ - Truyện ngắn dự thi của Lữ Hồng
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn