Sáng tác

Phong lan của núi rừng. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung

Lê Nhung
Truyện
11:00 | 02/09/2024
Baovannghe.vn- Rất nhiều năm về trước, khi chưa luân chuyển về công tác tại thành phố, tôi đã có quãng thời gian lâu dài giảng dạy ở một miền sơn cước quanh năm chìm đắm trong màn sương mù
aa
Phong lan của núi rừng. Truyện ngắn dự thi của Lê Nhung
Minh hoạ Ngô Xuân Khôi

Ngôi trường tôi giảng dạy dựng trên một ngọn đồi thoai thoải. Trường gồm hai dãy nhà gỗ lợp tôn fibrociment, nền được đắp đất cho cao lên và nện rất chặt. Nhưng khi trời mưa, chất đất bazan đỏ nhão ra, chảy sền sệt như súp dẻo, bám dính vào chân bàn, chân ghế và đế dép. Chất đất nhớp nháp ấy dưới bàn tay những đứa học trò trở thành thứ màu vẽ có một không hai. Chúng lấy tay làm cọ, vạch lên vách trường những hình ảnh kỳ lạ, phần nào giống một bức tranh trừu tượng, xoay đầu nhìn ngang ngó dọc vẫn không hiểu tác giả muốn truyền tải điều gì. Những tác phẩm nham nhở ấy sẽ biến mất khi mùa mưa đi qua, trong buổi tổng vệ sinh cuối kỳ, để năm học sau, một lần nữa được những bàn tay tài hoa khác thêu dệt lại.

Khu lán trại cho giáo viên dựng cách trường không xa, ở lưng đồi. Lán lợp mái tranh, chia thành nhiều gian. Tôi sống ở gian ngoài cùng, ngay cạnh bếp ăn tập thể. Tư trang của tôi chẳng nhiều nhặn gì, ngoài những vật dụng thiết yếu chỉ có khẩu súng săn là giá trị nhất.

Những ngày rỗi rãi không lên lớp, tôi một mình vác súng vào rừng. Tôi không giỏi đi rừng, lúc rời giảng đường đại học, tôi chỉ là một cậu thư sinh mặt trắng, không biết nhiều về cuộc đời, ngoài lòng nhiệt thành sôi sục. Tôi cũng không phải là một tay thiện xạ, tôi vác súng theo chẳng để săn bắn, mà để trấn an chính mình, để sải bước qua lèn đá, lội qua suối sâu mà không cảm thấy mỏi gối chồn chân.

Một mình lạc bước giữa rừng sâu, trông ra bốn bề mịt mù xanh ngắt, người ta dễ rơi vào cảm giác cô đơn, nôn nao và bồn chồn. Tôi hỏi tiếng lòng đang gào thét: “Sao ta lại đứng ở đây? Cơ duyên nào đẩy ta trôi dạt đến nơi này? Ta đã tự chọn cho mình lối đi khó khăn nhất giữa muôn vàn ngả rẽ thênh thang khác.”

Khi còn trẻ, người ta dễ tủi thân vì những quyết định tự cho là sai lầm. Trong cái thênh thang của rừng thiêng và trong nỗi cùng cực của tâm hồn, tôi vô thức đếm bước chân mình bằng nỗi xao xuyến mê sảng. Tôi cứ đi như vậy, mãi cho đến khoảnh rừng ẩm thấp, một mùi hương dịu ngọt vướng vất đâu đây khiến tôi choàng tỉnh khỏi cơn mộng mị. Tôi ngoảnh nhìn quanh, hoá ra ngay trên đầu, mọc lan từ kẽ đá khóm hoa lan trắng muốt. Lòng dịu hẳn lại, tôi rướn người khẩy nhánh hoa ra, hai tay nâng niu những cánh trắng như ấp ủ một trái tim còn sự sống.

Quên hết mục đích của chuyến đi, tôi quày quả ngược hướng trở về. Một toán săn người bản địa vẫy gọi khi tôi ra đến cửa rừng. Ông lão lớn tuổi nhất nhìn nhánh phong lan đang chảy nhựa, rung râu hỏi:

- Chào ông giáo, ông giáo tìm đâu ra nhánh hoa đẹp quá?

- Thưa cụ, ở khe suối đằng kia.

- Mỗi gốc cây ngọn cỏ trong rừng đều có linh hồn, nhánh hoa này nó tự tìm đến với ông giáo đấy, do cơ duyên cả.

Cậu thanh niên nhỏ tuổi nhất đoàn săn có đôi mắt mênh mông, tay xách con gà rừng, tặc tặc lưỡi:

- Ông giáo đem hoa về treo trong lán, nửa đêm nó biến thành cô tiên. Cô tiên sẽ dọn dẹp nhà cửa cho ông.

Tôi mỉm cười:

- Thế thì tôi sẽ là chàng thư sinh Tú Uyên, còn nhánh phong lan này là nàng Giáng Kiều hóa thành.

Cậu thanh niên chất phác lắc đầu:

- Tôi chẳng hiểu ông giáo nói gì.

Cậu ta nhìn nhanh khẩu súng trên vai tôi rồi chìa con gà rừng lông vồng tía đang thoi thóp:

- Ông giáo nhận lấy, chắc ông đi săn mà không săn được.

*

Tôi sống ở miền sơn cước ấy cứ thế hết năm này sang năm khác. Những mùa mưa, những mùa nắng, những mùa đói, những mùa no qua đi cũng đếm được trên một bàn tay. Nhánh phong lan ngày xưa treo trên vách lán nứt mãi ra những cái chồi non, rễ bén dày trên khoanh gỗ. Nó đã là nàng Giáng Kiều trong tranh, không thể hóa thành người, cũng chẳng biết dẹp dọn. Nó chỉ thầm lặng và bền bỉ làm cái nhiệm vụ tinh thần cao cả là yên ủi tâm hồn tôi trong tháng ngày cô quạnh.

Nhưng cũng như mọi lẽ hợp tan, nhánh phong lan không hẹn mà đột ngột giã biệt tôi trong một trận lũ quét bất thần, khi đất đá từ thượng nguồn tuôn trào đỏ quạch cuốn phăng khu lán trại trôi mãi xuống hạ lưu.

Buồn rầu và đầy thất vọng, tôi không khỏi cám cảnh thân mình. Tôi tiếc nhánh hoa như tiếc một người tri kỷ. Tôi nằm trong căn chòi mới dựng, mái che dột ngay đuôi giường, nước mưa rỏ tong tong vào cái nồi nhôm, mà trùm chăn đến tận cằm, mắt trừng trừng thao thức nghe tiếng mưa rơi.

Một ngày giữa tháng Mười Một, sau khi kết thúc buổi dạy chiều, tôi vẫn chưa rời bục giảng. Tôi ngồi bên chiếc bàn giáo viên khấp khểnh, đầu gục xuống ngực. Đây không phải lần đầu tiên tôi thấy bế tắc trước cuộc đời, nhưng cứ thế này thì trái tim nhiệt huyết của tôi sẽ bị ngập úng bởi những cơn mưa và nỗi cô độc mất thôi.

Tôi lại ngẩng mặt lên, qua lớp nước đọng trong khóe mắt, thấy một cô bé học trò đang đứng sát cạnh bàn. Cô bé không nói lời nào, nhưng trong đôi mắt nông, sắc và hoang vắng dưới hàng mi rậm như bao đôi mắt của con người vùng này ánh lên những tia sáng thông cảm.

Trên gương mặt đỏ ửng vì lạnh của cô thấp thoáng nụ cười. Khi cô cười, thấy rõ những chiếc răng đều tăm tắp, sáng lấp lánh như hòn sỏi dưới suối trong ngày nắng. Rất từ tốn, cô lấy từ dưới vạt áo một chùm hoa phong lan héo rũ.

Cô học trò nhỏ hai tay cầm hoa, đôi tay run lên không biết vì gió lùa hay xúc động, thận trọng trao cho thầy giáo. Một ngón tay cô vô tình chạm vào tôi, tôi tưởng đâu vừa chạm vào tảng băng trôi cực Bắc. Hình như xấu hổ vì hành động vừa rồi, cô bé vùng chạy ra khỏi lớp.

Cái dáng nhỏ bé trong tấm áo phong phanh cùng mái tóc rối bời lúp xúp chạy trong làn mưa bụi và cái lạnh tê tái vùng cao giống hệt con sói rừng đang xù lông tìm đường về tổ.

Tôi bước ra cửa lớp đứng trông theo cô bé mãi đến khi khuất hẳn. Tôi lại nhìn xuống chùm hoa trên tay, thầm nghĩ có lẽ đây là món quà tri ân đầu tiên, độc nhất vô nhị từng nhận được trong sự nghiệp đời mình.

Một buổi chiều cách buổi chiều hôm trước vài tuần lễ, khi trường tan, cô học trò ấy cố ý nán lại lớp học cùng tôi. Bấy giờ tôi mới có cơ hội nói lời cảm ơn về món quà hôm nọ. Cô bé không nói gì, chỉ mỉm cười nhìn ra màn mưa trắng núi rất lâu, rồi đưa tay chỉ hướng xuống xuôi:

- Ở dưới ấy có gì, thưa thầy giáo?

- Có đèn điện, có đường phố, có nhà cửa san sát và tiếng động cơ của máy móc vận hành.

Cô bé lắc đầu:

- Em đã biết những điều này qua bài học và lời giảng của thầy. Em chỉ muốn hỏi ở dưới ấy có hạnh phúc không?

- Hạnh phúc thì ở đâu cũng có, nhưng phải biết tìm kiếm. Hạnh phúc không đến với kẻ lười biếng.

- Em không lười biếng! - Cô bé nói rất cương quyết - Em sẽ tìm ra hạnh phúc!

Hôm sau tôi đến lớp nhưng không thấy cô bé ở chiếc bàn cạch bức vách vẽ những hình thù bằng đất như mọi khi. Hôm sau nữa cũng vậy. Đến hôm thứ ba, một em học trò bước lên bàn giáo viên trao cho tôi một mảnh giấy gấp tư. Đó là đơn xin phép nghỉ học của cô bé, không biết bị mồ hôi hay bị nước mưa làm cho nhòe hẳn mực. Trong đơn ghi là bị ốm, xin nghỉ vài buổi.

Lúc tan trường, tôi đi cùng các em học sinh vào làng tìm nhà cô bé. Đường làng đã bị nước mưa và trận lũ quét hôm trước làm cho lầy lội, loang lổ vết chân trâu và những vũng nước đục ngầu. Người ta tìm cách đi xe và lội bộ trên hai bờ cỏ ven đường. Lũ trẻ xăm xăm bước, có lẽ đi cùng thầy giáo nên chúng chỉnh tề hơn. Tôi vừa đi vừa hỏi chuyện học trò, từng em thay nhau kể về núi đồi, về nương rẫy, về cái nồi sứt quai hay hũ gạo sắp vơi bằng giọng hồn nhiên muốn khoe khoang chứ không phải để gợi lòng thương cảm. Đi giữa bầy chim rừng đủ màu sắc và những giọng cười, tôi vừa yêu thương vừa đau xót. Càng đi xa, học trò càng ít lại, chúng lần lượt rẽ những ngả khác nhau. Đến cuối làng, chỉ còn đơn độc một mình, tôi tìm thấy nhà cô bé, một ngôi nhà gỗ trên dốc cao.

Con chó cỏ tai cụp nghe động nhổm dậy sủa váng lên. Bị bà lão ngồi trên bậu cửa rút gậy ném cho một phát, nó ăng ẳng cong đuôi chạy biến. Tôi cất tiếng chào và hỏi thăm cô bé học trò. Bà lão chỉ tay vào nhà, thốt lên điều gì rất nhỏ bằng thổ ngữ.

Tôi bước vào gian nhà tối om. Cô bé nằm ngay góc bếp, ánh lửa sắp tàn soi mờ khuôn mặt bé thơ vùi giữa mớ chăn dạ. Thấy bóng người quen thuộc, cô khẽ cựa mình, mấp máy muốn nói nhưng có lẽ không đủ sức nên đành yên lặng nhìn tôi, chốc sau lại chìm vào giấc ngủ mệt nhọc.

Con sói rừng bị ốm mất rồi, mới hôm trước nó còn tung tăng chạy trong sân, đã nhúng mười ngón tay xuống lớp đất đỏ quạch in lên vách trường cười khanh khách, đã hồn nhiên hỏi thầy giáo về cuộc sống miền xuôi và con đường đi tìm hạnh phúc. Nhưng tôi tin rằng chỉ đến sáng ngày mai là nó sẽ khỏe ngay thôi. Nó là con sói rừng kiên cường và quả cảm, con sói ấy đâu dễ dàng bị quật ngã chỉ vì một trận ốm xoàng.

Tôi nắm lấy tay cô bé ủ dưới lớp vải dày. Cô vẫn thiêm thiếp ngủ, đôi môi hé nở nụ cười.

Trong giấc mơ cô thấy điều gì? Có phải cô thấy mình đang ngồi trong lớp học, khoanh tay trên bàn nghe thầy giáo giảng về hạnh phúc?

Tôi nấn ná thêm một lát, dém lại chăn rồi đứng lên thật khẽ. Lúc bước xuống con dốc, sương mù và khí núi tỏa như khói xám, quấn quýt theo từng bước chân tôi. Mắt mờ đi vì gió lạnh và nỗi xót xa, tôi lảo đảo như đi trong cơn mơ. Đến một khoảnh đất rộng thì sương tan, mở ra trước mắt vùng núi đồi bát ngát muôn trùng. Mặt trời đang lặn xuống biển mây, cảnh tượng huy hoàng tráng lệ. Ấy thế mà chẳng hiểu sao giữa cảnh trời mây hùng vĩ ấy, tôi thấy tất cả chỉ độc hai màu đen trắng như bức họa bằng mực tàu trên vuông lụa mịn.

Từ cõi lòng hỗn mang như trời đất buổi sơ khai nhói lên một nỗi buồn thân phận. Hạnh phúc là gì? Ôi hạnh phúc! Khi còn là một cậu bé con, tôi cũng hỏi người thầy hết mực yêu kính của mình về hạnh phúc. Câu trả lời của thầy giáo đã đẩy tôi trôi dạt đến đây, cũng như câu trả lời của tôi hôm nào sẽ đưa cô bé về miền xuôi, nơi mà cô định đoạt cái tương lai hẳn là vô cùng rực rỡ của mình.

Lê Nhung | Báo Văn Nghệ

----------

Bài viết cùng chuyên mục

Xin lỗi Hungary - Truyện ngắn dự thi của Yen Platz Nghệ thuật khắc kỉ. Truyện ngắn dự thi của Phan Ngọc Chính Đọc truyện: Trăng mắc cạn. Truyện ngắn dự thi của Nguyễn Thị Thanh Thúy Núi vỡ - Truyện ngắn dự thi của Lữ Hồng Bờ sông lặng sóng. Truyện ngắn dự thi của Vũ Ngọc Thư
Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Baovannghe.vn - Trong chín lần về Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hai lần tới thăm Đền Hùng.
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Baovannghe.vn - Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Văn nghệ điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.
Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Baovannghe.vn - Con đường ấy mang tên "Đông - Tây". Đơn giản là nó nối hai phương của một thành phố. Con đường lớn, đẹp, lối đi hai chiều.
Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Baovannghe.vn - Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) là cuốn sách có giá trị tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội.
Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Baovannghe.vn- Tôi từ thương nhớ mà đi/ Vọng trong ngày cũ xanh rì chiêm bao/ Nam non ướt ngọn mưa rào/ Nồm già nứt vách chênh chao nếp nhà