Dạy dỗ - truyện ngắn của Trần Ngọc Nam |
Hôm Dung dẫn con bé đến nhà, tôi ngẩn ra nhìn. Thấy điệu bộ ngó của tôi, Dung cười toét, phô ra cái răng khểnh thời xưa. Con gái Dung trố mắt ra nhìn mẹ và thầy. Cười chán, Dung bảo:
- Em đem cháu đến cho anh rèn cặp cho ra người. Tên cháu là Vũ Ngọc Nương, nhớ đấy nhé!
Tôi khoái lắm:
- Yên chí, anh sẽ rèn ra rèn, cặp ra cặp, mà nó đã ra người rồi còn định bắt anh rèn thành cái gì nữa đây?
Dung nghiêm mặt lại:
- Nỡm ạ! Vẫn cái kiểu nói năng tếu táo ấy. Cháu nó cười cho!
Tôi xoa lên đầu con bé:
- Con gái thông cảm cho mẹ và thầy, mười lăm năm mới gặp lại nhau. Vui quá! Con gái không biết ngày xưa đi học mẹ hay bắt nạt thầy lắm.
Con bé mắt long lanh nhìn tôi, nhoẻn nụ cười. Trời, bản sao của mẹ - cũng cái răng lẫy khóe miệng. Dung lườm tôi và nhìn con cười sung sướng.
Con bé bảo:
- Ngày xưa thầy học có giỏi không?
Tôi nháy Dung:
- Thầy học giỏi chứ, mẹ cháu toàn chép bài của thầy thôi!
Dung cấu tôi: "Xạo vừa chứ!"
Vợ tôi đi làm. Tôi để con bé ở nhà rồi đèo Dung ra chợ. Trên đường đi, tôi bảo:
- Vợ chồng khéo đúc, con bé xinh thế, da trắng, môi đỏ. Này, lớn lên không được gả cho ai mà phải gả cho con anh đấy nhé! Động viên cháu là con thầy ấy học giỏi, đẹp trai như bố, hơi thấp tí thôi, nhưng cũng như mẹ ngày xưa, cao thế mà vẫn yêu thầy thấp hơn mẹ đấy thôi!
Dung chí tôi một cái đau điếng:
- Anh không khác ngày xưa một tí nào. Ghét thế!
Đó là cách đây mười lăm năm, hai chúng tôi học cùng cấp ba. Tôi được ngồi sau Dung. Tôi chỉ nhìn thấy mái tóc dài mượt và cái gáy cao cao trắng ngần. Một lần ngẩn ra nhìn, tôi đã bị thầy gọi lên bảng vì không nghe câu hỏi của thầy. Tôi còn hay rướn người mượn cớ nhìn bài của nàng khi thầy giáo quay đi. Tôi hay dứt tóc nàng, viết giấy buộc vào đuôi tóc làm nàng giận sôi lên. Kỉ niệm đáng nhớ là một lần tôi lấy nhựa đường phết vào thành ghế. Nàng dựa tóc vào bị dính. Thế là nàng khóc. Mếu xệch. Tôi bị phạt. Hôm sau nàng không đến trường. Tôi ngồi học, phía trước thấy khoảng trống. Tôi nhìn bảng đen cứ mờ đi...
Tan buổi học, tôi đến nhà nàng. Bố mẹ nàng đi vắng. Nàng ra mở cửa. Đầu trùm khăn. Tôi xót xa quá ấp úng nói lời xin lỗi. Nàng nguýt tôi một cái rồi bảo:
- Ghét cái mặt! Nghịch ác!
Thế mà rồi xa nhau. Nàng vào đại học. Tôi đi bộ đội. Chiến tranh bặt tin nhau là lẽ thường. Với lại, tôi chưa một lần ngỏ lời. Tôi mặc cảm nhà nghèo, còn nàng bao nhiêu kẻ săn đón. Ra trường nàng bị đẩy đi miền núi. Con một ông có cỡ ở bộ giúp đỡ xin cho công tác ở thành phố. Để tri ân, nàng gật. Thế là họ làm đám cưới. Xong, chàng bay đi nước ngoài lao động hợp tác. Khi ấy tôi đang khoác ba lô ở chiến trường Campuchia.
Tôi xuất ngũ, về học tiếp, ra trường làm thầy giáo. Sau mười năm công tác ở vùng núi, tôi chuyển về trường cơ sở chuyên của tỉnh. Tôi có biết tin nàng nhưng hôm nay mới gặp lại.
Ở thành phố, các nhà giàu có phong trào thuê gia sư dạy học cho con họ. Kể ra thế cũng hay. Họ đã thấy được cái cần thiết của sự học - đó là biểu hiện của dân trí. Còn giáo giới chúng tôi cũng có điều kiện đi sâu nghiên cứu chuyên môn, bớt lao vào nghề phụ nhếch nhác như trước đây làm mất tác phong người thầy. Nhưng làm gia sư cho con Dung thì tôi không ngờ tới.
Dạy cháu được một tháng, con bé mang một phong bì đến dúi vào tay tôi:
- Mẹ con bảo gửi thầy tiền học phí tháng đầu!
Tôi cầm phong bì dúi lại vào tay cháu mà bảo:
- Về bảo mẹ là thầy không thu tiền con gái nhé!
Hôm sau, Dung phóng xe máy đến nhà tôi:
- Anh dạy con em không lấy tiền thì uống nước lã mà dạy à? Nếu nhiều con bạn bè gửi anh thì sao? Đổi mới đi chứ. Không thu chúng em cũng áy náy. Dứt điểm là không phải nghĩ ngợi gì. Anh đừng giận. Có người nghĩ anh không thu là để nhận quà đấy!
Tôi ngớ người ra: "Ừ nhỉ, kể cũng đúng, bây giờ không dùng tình cảm xét đoán việc mà bằng lí trí. Chỗ thân quen cũng cứ dùng tiền theo nguyên tắc sòng phẳng." Ra tôi còn cổ hủ, lạc hậu. Tôi cứ gật gật. Cuối cùng Dung ấn phong bì vào tay tôi và ra về, tôi cũng không biết mình đã cầm nó như thế nào.
Tôi giở sổ. Kiểm tra những trường hợp không thu những tám người - vừa hàng xóm, bạn bè, anh em. Những trường hợp này lễ tết đều mang quà đến nhà mình. Mình nhận vô tư vì cứ nghĩ là... Chết thật! Hóa ra cái mình tưởng là tình cảm thì lại là sự trả nợ giả dối. Ơ, nghĩ thế có đúng không nhỉ? Tôi thần cả người. Hay cứ làm theo lời Dung, sòng phẳng là tốt nhất!
Vợ tôi bảo
- Gì mà anh khó nghĩ. Tiền cứ thu, quà cứ nhận. Họ quý mình, muốn mình quan tâm chăm sóc đặc biệt đến con họ chứ sao?
- Ừ, vậy là quà cáp có ý nghĩa vụ lợi trong ấy...
- Chứ sao nữa, ông mất của kia, thầy chìa của nọ, hòn đất ném đi hòn chì ném lại. Lời ông bà ta cấm có sai!
Tôi tỉnh cả người. Hóa ra lâu nay mình không sống theo nguyên tắc nào, hoặc để tình cảm chi phối dễ dãi tùy tiện. Đây là cách nghĩ cũ, cách làm cũ. Bây giờ phải rạch ròi, dứt khoát, sòng phẳng. Tình cảm cũng sòng phẳng. Đúng đấy! Tôi bảo vợ:
- Anh dạy con cho em, em cũng phải trả học phí một nửa.
Vợ tôi nguýt:
- Một nửa. Tôi trả cho anh cả cuộc đời mà còn chưa đủ sao? Chập mạch.
Đời mà cứ rắc rối thế này thì cũng đến chập thật. Tôi làm thầy giáo mà cũng thấy khó giải quyết, những người khác không biết có bị những gói quà tấn công ngụy trang dưới dạng tình cảm như vậy.
Năm ấy con Dung thi vào được lớp chuyên toán của trường tôi, Dung đến cảm ơn.
- Em gửi cháu cho anh học phí hết có ba triệu mà vào được là rẻ rồi. Có trường hợp hết năm triệu mà có vào được lớp chuyên đâu. Hôm nay, rủ anh đi nhà hàng!
Tôi bảo: "Trả nợ nốt hả? Bia ôm nhá!"
Dung nhe cái răng lẫy: "Thầy giáo là phải đứng đắn. Bia lịch sự thôi."
Hôm ấy tôi say quá. Nhìn nàng cũng son phấn, mắt xanh, mỏ đỏ như cô tiếp viên. Nào uống tiếp. Uống cho tình cảm tan theo bong bóng, sự sòng phẳng lên ngôi. Bia đổ ồng ộc vào họng tôi. Bỏng. Đắng. Rát.
-------------
Bài viết cùng chuyên mục: