1.
Tâm bước vào phòng họp đã thấy mọi người có mặt đông đủ. Vị Thư ký Ủy ban tỉnh hướng dẫn Tâm ngồi vào chiếc ghế còn trống bên cạnh đại diện Tổng Công ty Vinaco, đối diện với chủ tọa. Hội nghị ưu đãi đầu tư hôm nay sẽ bàn về nội dung ưu đãi cho hai dự án lớn: Trung tâm thương mại Lam Sơn (17 Lê Lợi) do Vinaco chủ đầu tư và Trung tâm Thương mại 15 Lê Lợi do Công ty Thanh Mai chủ đầu tư. Giám đốc các ngành hữu quan và Chủ tịch thị xã được mời dự. Các vị Phó Chủ tịch tỉnh cũng đều có mặt
Ngồi ghế chủ tọa là Chủ tịch tỉnh Đô, nhà lãnh đạo quyền uy và rất được trọng vọng. Ông có tướng mạo và phong thái của kẻ làm quan: mặt vuông chữ điền, mày xếch, miệng rộng, tiếng nói vang động, đi đứng oai vệ. Đã ở tuổi gần 60 rồi mà không thấy nếp nhăn nào trên khuôn mặt da dẻ hồng hào. Người ta đồn rằng ông có cái uy khuynh loát cả Bí thư tỉnh ủy, điều trước đây chưa từng có ở cái tỉnh nhà quê này. Những vấn đề trong phạm vi tỉnh lớn đến đâu nếu đã được ông gật đầu coi như là xong, các việc còn lại chỉ là thủ tục
Vị Thư ký nói lời khai mạc rồi trịnh trọng mời Chủ tịch tỉnh điều khiển hội nghị. Chủ tịch đi thẳng vào vấn đề: Thưa các đồng chí! Thực hiện Nghị quyết Đại hội tỉnh đảng bộ lần thứ XV, tỉnh đã có chủ trương ưu đãi đầu tư, đặc biệt là thu hút các doanh nghiêp lớn vào đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách làm, tạo những điều kiện để “chim đại bàng” về làm tổ. Cách đây mấy ngày tôi đã ký Quyết định 102 giao cho Vinaco làm chủ đầu tư Dự án Trung tâm thương mại Lam Sơn. Đây là dự án rất lớn, một khi đi vào hoạt động nó sẽ góp phần đáng kể thay đổi cảnh quan đô thị tỉnh lỵ, thúc đẩy văn minh thương mại, tạo cú huých cho phát triển. Chính vì vậy yêu cầu các ngành quán triệt chủ trương của tỉnh, vận dụng một cách linh hoạt các chính sách Nhà nước để xem xét ưu đãi đầu tư cho các dự án. Hôm nay có cả đại diện chủ đầu tư ở đây, các anh sẽ cùng trao đổi, đề xuất. Xin mọi người cho ý kiến!
Ông vừa dứt lời thì Tâm đã nhanh nhảu xin phát biểu. Tâm không nêu đề xuất của Công ty Thanh Mai với tư cách là đại diện của một trong hai chủ đầu tư. Anh từ tốn trình bầy ý kiến của mình: Tôi xin được hỏi: Khuôn viên 17 Lê Lợi là đất vàng của tỉnh mình, ví như Bách hóa Tràng Tiền của Hà Nội, cũng có thể ví như cô công chúa xinh đẹp của nhà vua. Ai muốn làm phò mã thì phải dâng lễ vật cho nhà vua chứ cớ sao nhà vua lại phải ban lễ vật cho người ta. Chúng ta chỉ có thể ưu đãi đầu tư đối với những dự án …
Bỗng có tiếng quát lớn: Anh im đi! Đó là tiếng của chủ tọa. Tâm không nói nữa. Anh chậm rãi ngồi xuống, bộ dạng thản nhiên của kẻ vô tội. Trước mắt anh là hình ảnh một tướng quân uy vũ bừng bừng giận dữ. Quai hàm bạnh ra, mặt đỏ như máu ứa, mắt long lên. Mọi người ngơ ngác đổ dồn ánh nhìn về phía chủ tọa.
Căn phòng chết lặng dễ đến vài phút. Nhưng rồi ông Đô kịp lấy lại bình tĩnh. Bản lĩnh của nhà lãnh đạo kỳ cựu đã thể hiện đúng lúc. Ông với ly nước nhấp “ực” một cái rồi nói: Thôi, ta tiếp tục làm việc, mời các anh cho ý kiến!
Phó Tổng Giám đốc Du, đại diện Tổng Công ty Vinaco được ưu tiên phát biểu trước. Kính thưa đồng chí Chủ tịch tỉnh kính mến! Kính thưa các đồng chí phó Chủ tịch, các đồng chí Giám đốc các Sở! Du mở đầu một cách trang trọng. Du giới thiệu về Tổng Công ty của mình, một đơn vị chủ lực của ngành xây dựng trong những năm qua đã có sự phát triển mạnh mẽ. Tại thời điểm này có thể tự hào là đơn vị đi đầu trong đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại. Rồi Du nhanh chóng quay về nội dung của hội nghị, rằng đầu tư xây dựng và vận hành trung tâm thương mai lớn ở địa phương kinh tế còn nghèo như tỉnh ta là một vấn đề rất nhiều thách thức. Vốn đầu tư lớn, sức mua dân cư thấp, văn hóa mua sắm siêu thị còn chưa hình thành nên kinh doanh không hiệu quả. Mà hiện nay Vinaco đang phải căng mình trên rất nhiều dự án. Thực ra Vinaco đầu tư vào dự án này cũng là vì tình, vì nghĩa. Anh Bằng, Chủ tịch Tổng Công ty là người con quê hương này, anh rất muốn có công trình xứng đáng kỷ niệm quê hương. Chính vì thế rất mong có sự hỗ trợ của tỉnh. Chỉ khi có sự ưu đãi thật sự từ phía tỉnh thì dự án mới có thể thành công được.
Thật là một sự khơi mào khéo léo. Các vị Giám đốc các Sở Kế hoạch & Đầu tư rồi Tài chính, Xây dựng, Thương mại, Cục thuế, Chi nhánh Hỗ trợ phát triển, Chủ tịch thị xã sau đó lần lượt phát biểu. Các ý kiến đều thể hiện sự nhất trí với cách đặt vấn đề của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt thống nhất cao đề nghị sửa cái tên dự án do Vinaco làm chủ đầu tư thành “Trung tâm xúc tiến thương mại Lam Sơn” vì chỉ có dự án “xúc tiến thương mại” mới thuộc danh mục ưu đãi đầu tư của Nhà nước. Dù công năng, mục đích của nó không dính dáng gì đến “xúc tiến” cả nhưng chỉ cần có cái tên như vậy là đủ. Còn việc di rời mươi hộ dân lẫn trong khuôn viên dự án thì đã có phương án chuyển đổi Cửa hàng thực phẩm số 4 thành khu dân cư rồi. Trường hợp chủ đầu tư Vinaco có khó khăn thì ngân sách tỉnh có thể hỗ trợ đến 30% chi phí đền bù giải phóng mặt bằng. Giám đốc Chi nhánh Hỗ trợ phát triển cam kết: Với dự án xúc tiến thương mại đương nhiên sẽ được cấp tín dụng ưu đãi (lãi suất thấp, thời hạn cho vay dài). Không khí ngày càng sôi nổi. Chủ tọa chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng chen vào một câu, người trình bầy hoặc “xin tiếp thu ý kiến Chủ tịch” hoặc cụ thể hơn thể hiện tinh thần vận dụng ưu đãi tối đa. Riêng dự án Trung tâm thương mại 15 Lê Lợi không ai đề cập đến ngoại trừ phát biểu của Cục trưởng Cục thuế. Theo Cục trưởng, dự án của Thanh Mai sẽ được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng và miễn thuế nhập khẩu những trang thiết bị chưa sản xuất được trong nước theo đúng quy định Nhà nước hiện hành
Kết luận hội nghị, Chủ tịch nhắc lại rành rọt những điều các ý kiến đã thống nhất trong đó nhấn mạnh việc cần thiết phải đổi tên dự án của Vinaco làm chủ đầu tư, rồi hỏi: Ai có ý kiến gì nữa không? Không ai. Thế ta kết thúc hội nghị hôm nay ở đây!
Ông Đô trở về phòng làm việc riêng của mình. Ông lôi mấy bản báo cáo Thư ký đã trình từ hôm qua ra đọc, nhưng đọc câu sau thì quên câu trước, không nhớ câu trước nói gì. Câu chuyện hội nghị chiều nay không thể nào gạt ra khỏi tâm trí. Cái thằng hỗn xược! Nó cho là ông ăn hối lộ rồi làm bậy chắc. Mà nó đã nói toẹt như thế còn gì. Thái độ rất ngang nhiên, nói năng lại văn hoa nữa chứ. Nhà vua với phò mã… cái tiên sư bố nó. Đúng là đồ mất dạy. Hay là có thằng nào mớm mồm cho nó. Tự nó có mà ăn gan hùm, dám nói thế. Chiều nay ông để ý hai tay phó của ông chỉ ngồi lim dim, chắc trong lòng thích thú lắm. Ông vẫn biết các lão, đặc biệt là lão Lê, phó trực, lâu nay chỉ bằng mặt chứ không bằng lòng, ngấm ngầm chống đối.
Gấp tập tài liệu rồi đẩy ra xa trên bàn, ông đứng dậy đi đi lại lại trong phòng, trong đầu lan man nghĩ ngợi. Đúng là làm Chủ tịch tỉnh như mình chỉ có hy sinh. Kể từ khi giữ cương vị Chủ tịch tỉnh ông đã làm cho tỉnh này khá lên nhiều. Các mặt kinh tế, văn hóa xã hội… đều có tiến bộ. Mới có hơn hai năm mà làm được nhiều hơn cả nhiệm kỳ trước đấy. Công thì chúng nó không nhìn thấy, hễ tý gì là chúng nó xuyên tạc. Ngay cái dự án này, mình làm vì sự cấp thiết của nó, chứ chia chác gì đâu. Quà cáp thấm tháp mẹ gì. Mà có, không có chúng nó đều xuyên tạc. Vinaco, không Vinaco làm chủ đầu tư thì ai làm, dễ mấy công ty sở tại nghèo kiết xác đó làm chắc? Nếu không tốt ưu đãi thì làm sao thu hút được “đại bàng” cơ chứ. Chúng nó không hiểu hay cố tình không hiểu?
Tâm cũng trở về phòng làm việc của mình ở Công ty. Anh hình dung lại toàn bộ diễn biến của cuộc họp chiều nay. Các tình tiết nối tiếp nhau như trong phim phóng sự. Tua đi tua lại trong đầu rồi anh tự hỏi: Mình có gì sai không nhỉ? Không, mình không sai! Mình chỉ nghĩ việc ưu đãi đầu tư cho Vinaco không đúng, và vì đang xin ý kiến thì mình phải góp ý kiến chứ. Mình không hề có chủ ý nói “đểu” Chủ tịch. Chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Nhà nước chỉ dành cho những địa bàn cụ thể, ngành nghề cụ thể ghi rõ trong danh mục Nhà nước ban hành. Dự án giao cho Vinaco hoàn toàn không thuộc danh mục ưu đãi đầu tư Nhà nước quy định. Mình đã nói đúng, mình hoàn toàn không có lỗi!
Nhưng rồi một cảm giác lo lắng ập đến. Tình cảnh Công ty đang hết sức khó khăn, cả mấy trăm con người mấy tháng qua xao xác, bất an về việc tỉnh thu hồi đất của Công ty để giao cho Vinaco làm Trung tâm thương mại, không biết rồi sẽ đi đâu, về đâu. Ngay cả Dự án Trung tâm thương mại 15 Lê Lợi, trên đất của Cửa hàng số1, mặc dù đã có quyết định của tỉnh phê duyệt để Công ty tiến hành, song gần đây Chủ tịch tỉnh lại đang muốn thu hồi lại để giao cho một “đại bàng” khác. Cái doanh nghiệp nhà nước của mình đã gần 50 năm truyền thống giờ đây đang bị mang ra để xẻ thịt ăn dần. Trong cơn hoạn nạn mọi người chỉ biết trông cậy vào mình, hy vọng mình có thể xoay sở tìm lối thuát. Thế mà bây giờ mình lại chọc giận “nhà vua”. Thế nào cũng sẽ có những động thái mới bất lợi thêm cho Công ty. Mình có lỗi với anh em quá!
2.
Trung tâm thương mại Lam Sơn đương nhiên sẽ là biểu tượng đầy ý nghĩa của sự hợp tác giữa một bên là một Tổng Công ty trung ương hùng mạnh với một bên là một tỉnh đất rộng, người đông, đầy khát vọng đi lên. Chỉ lần đầu tiên gặp gỡ và làm việc giữa Chủ tịch Vinaco và Chủ tịch tỉnh tại Văn phòng Ủy ban tỉnh, hai bên đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong nhau. Vinaco nhận thấy những kế hoạch to lớn và điều kiện vô cùng thuận lợi của địa phương này, nhất là khi có vị chủ tịch uy tín và quyết đoán. Chủ tịch tỉnh cũng nhận thấy năng lực của Vinaco và tin rằng Chủ tịch Tổng Công ty là tay hiểu biết, chịu chơi. Biên bản làm việc giữa đôi bên về việc giao Vinaco làm chủ đầu tư dự án Trung tâm thương mại Lam Sơn theo hình thức BO (xây dựng, khai thác) đã được ký. Ngay sau đó công việc triển khai hợp tác theo một chương trình nhiều bước nhưng đã rất khẩn trương và đầy hứng khởi
Khuôn viên 17 Lê Lợi là một khuôn viên vuông vắn, diện tích gần 15 ngàn mét vuông được giới hạn bởi 4 trục đường lớn nằm ở vị trí trung tâm thị xã, đối diện với Bưu điện tỉnh. Trừ gần 2000 mét vuông phía đường Trần Hưng Đạo là đất ở của 10 hộ dân, phần còn lại đã năm mươi năm nay, kể từ thời Mậu dịch nội địa (trước 1954) là địa điểm kinh doanh của Công ty Thanh Mai. Hiện có đến 200 lao động thuộc 5 cửa hàng, chiếm khoảng hai phần ba lao động và năng lực kinh doanh Công ty đóng trên khuôn viên này. Cách đây không lâu tỉnh vừa cho Công ty thuê tiếp theo hình thức trả tiền thuê đất hàng năm, thời hạn 50 năm. Khốn nỗi đất thì đẹp mà cửa hàng, cửa hiệu cũ kỹ, toàn nhà cấp 4 đã hết khấu hao, không có tiền đầu tư xây dựng mới, đã trở thành nỗi lo lắng cho Công ty. Nhiều đại gia và… quan gia thèm khát
Từ những ngày đầu lên chức Chủ tịch tỉnh ông Đô đã đặc biệt chú ý đến mảnh đất này. Đúng là mảnh đất vàng còn sót lại của ngành Thương mại. Trước đây ngành này có nhiều cửa hàng, kho, trạm trên địa bàn thị xã, toàn những vị trí đẹp, nhưng những năm gần đây, bằng những cách khác nhau đã sang tên cho mấy công ty tư nhân, sân sau của mấy vị quyền chức trong tỉnh. Ông biết cả, nhưng việc đã rồi. Còn mảnh đất này, ông tự nhủ, mình phải có trách nhiệm trong nhiệm kỳ chủ tịch của mình xây dựng lên một trung tâm thương mại thật hoành tráng, hiện đại, một công trình mang dấu ấn của ông để lại cho hậu thế.
Ba tháng sau ngày Biên bản làm việc được ký bởi đôi bên, Vinaco đã hoàn thành Hồ sơ dự án trình lên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Đó là dự án rất đồ sộ bao gồm một tòa nhà thương mại 3 tầng, hình thước thợ, diện tích sàn mười tám ngàn mét vuông bám theo hai trục đường Trần Hưng Đạo và Lê Lợi và một tổ hợp khách sạn- văn phòng năm sao 15 tầng ở phía góc vuông đối diện, tổng trị giá dự án lên tới 200 tỷ đồng. Thời gian thi công năm năm. Tại thời điểm này ở các tỉnh phía Bắc chưa có trung tâm thương mại nào hoành tráng như thế. Nhìn vào bản vẽ phối cảnh long lanh của tập hồ sơ, ông Đô đắc ý lắm: Phải thế chứ, xứng đáng là điểm nhấn kiến trúc, là mốc không gian tuyệt vời của một thành phố hiện đại!
Truyện ngắn của Hải Đăng |
Phó Tổng Du, một người nhiều kinh nghiệm được Chủ tịch Vinaco tin cậy giao nhiệm vụ phụ trách Dự án, ngay từ những ngày đầu đã thể hiện năng lực xuất sắc của mình trong sứ mệnh con thoi chuyển tải ý muốn, thông tin và tình cảm giữa lãnh đạo đôi bên. Chẳng mấy khó khăn Du đã có được quan hệ thân tình với Chủ tịch tỉnh. Nhiệm vụ quan trọng của Du là sớm có Quyết định bàn giao mặt bằng dự án. Theo sự chỉ đạo từ cấp trên, Du cố gắng thuyết phục ông Đô yêu cầu đơn vị ở trên khuôn viên tự di rời và bàn giao lại mặt bằng cho mình. Ông Đô triệu tập gấp các tham mưu. Các tham mưu ý kiến rằng muốn có đất để giao thì phải thu hồi đất của doanh nghiệp sở tại trước, mà việc thu hồi chỉ xảy ra hoặc khi doanh nghiệp đó có văn bản trả lại đất hoặc khi có vi phạm đến mức tỉnh phải thu hồi đất. Cả hai tình huống đó đều khó xẩy ra. Hơn nữa về đạo lý cũng không ổn. Người lao động sẽ đi đâu, về đâu, doanh nghiệp mất hết cơ sở kinh doanh sẽ tồn tại như thế nào? Không thể đuổi anh em đi để giao cho người ta! Lim dim một lát ông Đô gợi ý: Hay mình ra quyết định bàn giao nguyên canh toàn bộ các cửa hàng kinh doanh trên khuôn viên đó cho Vinaco, bàn giao cả đất đai, con người, hàng hóa, tài sản… theo sổ sách thời điểm. Lao động vẫn sẽ có công ăn việc làm sau khi công trình đi vào khai thác, lại được chuyển sang Tổng Công ty trung ương? Một ý kiến còn băn khoăn: Có khi phải lấy ý kiến của người lao động theo quy chế dân chủ cơ sở cũng như văn bản đề nghị của Công ty Thanh Mai, anh ạ. Ông Đô ngắt lời: Vẽ, chả cần thế, mất thời gian. Chỉ cần Sở Thương mại có văn bản đề nghị cùng với văn bản đề nghị của Vinaco là đủ!
Thế là Quyết định số 102 của Chủ tịch tỉnh về việc bàn giao các cửa hàng kinh doanh thuộc Công ty Thanh Mai cho Vinaco để xây dựng Trung tâm thương mại Lam Sơn đã được ban hành. Quyết định ghi rõ nguyên tắc bàn giao là nguyên canh, nguyên cư. Chiều hôm trước Du được xem dự thảo và đã xin gặp Chủ tịch Đô. Chủ tịch vui vẻ tiếp vị “đại sứ” lịch lãm. Thế nào? Quyết định như thế được chưa? Ông hỏi. Sẽ rất khó khăn cho bọn em anh ạ! Du đáp. Khó thế nào? Ông Đô vặn lại. Thưa anh, bọn em là doanh nghiệp xây dựng, nếu nhận nguyên canh nguyên cư thì nguy hiểm lắm. Lao động già cũ và khác ngành nghề thì dùng vào việc gì. Trung tâm thương mại sau này chỉ là để cho thuê sàn kinh doanh. Hàng hóa năm nắm bảy mớ của họ thì bọn em biết bán chác làm sao được. Còn công nợ, danh sách công nợ của họ rất dài, con nợ toàn là hộ tư nhân, thay chủ nợ là họ quỵt luôn, Du trình bày. Chủ tịch cười lớn: Lo bò trắng răng! Lao động người ta sẽ chẳng sang anh đâu, sang anh thì thất nghiệp nên sẽ xin ở lại Công ty cũ. Sắp tới tôi cũng sẽ cho cổ phần hóa phần còn lại của Công ty này, ai về thì đã có chính sách Nhà nước. Hàng hóa bên đấy chủ yếu là hàng riêng mậu dịch viên nhận khoán, tồn kho trong sổ sách Công ty không đáng kể đâu. Công nợ vì thế cũng rất ít. Tài sản cố định ư? Tỉnh cho luôn các anh đấy, tha hồ mà làm lán trại. Có gì trở ngại tôi sẽ xử lý tiếp. Vấn đề là phải triển khai nhanh. Cậu nói với Chủ tịch Bằng nhà cậu như thế nhé! Dạ, cảm ơn anh, em sẽ báo cáo lại anh Bằng để anh ấy yên tâm ạ!
Là người thông minh, nhậy cảm Du hiểu thấu sách lược của ông Đô và tin tưởng ở ông. Trên đường về trong đầu Du cứ còn mãi dư âm câu nói “Có gì trở ngại tôi sẽ xử lý tiếp. Vấn đề là phải triển khai nhanh!”.
3.
Hội nghị ưu đãi đầu tư đã sớm được tổ chức ngay sau khi có Quyết định 102 và kết quả như Vinaco mong đợi. Sau hội nghị, tên dự án “Trung tâm thương mại Lam Sơn” đã được đổi thành “Trung tâm xúc tiến thương mại Lam Sơn”, chủ đầu tư được tận hưởng tối đa các chính sách ưu đãi Nhà nước quy định và sự vận dụng của tỉnh. Song việc tiếp nhận bàn giao mặt bằng dự án diễn ra không được suôn sẻ. Căn cứ vào lời văn trong Quyết định 102 và sự chỉ đạo ban đầu của Chủ tịch tỉnh, hai Sở Tài chính và Thương mại đã phối hơp chỉ đạo kiểm kê tài sản, hàng hóa, công cụ, dụng cụ, công nợ để bàn giao. Kết quả kiểm kê số liệu chính thức: Hàng hóa tồn kho trên 10 tỷ và công nợ phải thu trên 3 tỷ đồng, một con số rất lớn. Du lo lắng liền điện thoại cho ông Đô. Ông Đô không tin, hỏi: Có nhầm lẫn gì chăng? Nó chỉ dăm trăm triệu đồng hàng tồn kho là cùng chứ gì mà lớn thế? Dạ, không nhầm đâu ạ, em đã trực tiếp kiểm tra! Ông Đô vội trấn an: Được rồi, cứ bình tĩnh!
Ông Đô chỉ thị ngay cho Sở Tài chính phối hợp với Sở Thương mại chỉ đạo Công ty Thanh Mai bằng mọi cách đẩy mạnh bán ra và thu hồi công nợ. Cần thiết cho hạ giá thật sâu để giải phóng kho hàng và phải báo cáo tiến độ hàng ngày cho Chủ tịch. Giá bán buôn, bán lẻ đều được hạ xuống mười rồi hai mươi phần trăm.
Đã mười ngày trôi qua mức giảm tồn kho không nhiều như mong đợi. Khích, phó Giám đốc Sở Tài chính, thay mặt Sở đặc trách công tác này, đứng ngồi không yên. Khích bàn với lãnh đạo Sở Thương mại mở cuộc họp với cán bộ chủ chốt của Thanh Mai, có đại diện Vinaco và hai Sở tham dự để bàn đẩy mạnh bán ra. Cần phải quán triệt cho đội ngũ chủ chốt của họ nhận thức rõ mục đích, yêu cầu, tầm quan trọng của công việc và phát huy dân chủ để tìm ra những giải pháp tốt. Khích bị bất ngờ. Tại cuộc họp, cán bộ Công ty chỉ thay nhau chất vấn: Tại sao trong Quyết định 102 là bàn giao nguyên canh, bây giờ lại bắt buộc bán hết hàng hóa mới bàn giao được? Tại sao hàng hóa đang nguyên phẩm lại phải hạ giá sâu dưới giá vốn, có thứ đã hạ đến 30 phần trăm, vốn mất ai chịu trách nhiệm? Tỉnh muốn hạ giá hơn nữa, muốn bán đổ bán tháo sao tỉnh không ra quyết định? Tại sao… và tại sao? Khích tối tăm mặt mũi, như gà mắc tóc, nhưng rồi cũng cố gắng để cứng cỏi: Công ty cứ hạ giá tiếp để bán, lỗ chúng tôi sẽ xử lý! Nói rồi Khích cho kết thúc sớm hội nghị.
Đầu giờ làm việc sáng hôm sau Khích cùng Du được mời vào phòng Chủ tịch tỉnh. Khích và Du đều xác nhận rằng tình hình tiêu thụ một khối lượng hàng hóa tồn kho lớn như vậy trong thời gian như đã định là rất khó khăn. Thế tình hình tư tưởng cán bộ, công nhân thế nào? Ông Đô hỏi. Khích thưa: Chần chừ anh ạ, nhiều tay nói bậy lắm, nhất là mấy tay thương binh. Nói chung a dua theo tay Tâm, Giám đốc. Phải có cách xử lý tay này thì mới mong công việc xuôi được! Cách nào? Ông Đô hỏi lại. Thì cứ điều về văn phòng Sở Thương mại ngồi chơi xơi nước, chẳng hạn! Khích đáp. Ý kiến anh Du thế nào? Ông Đô quay sang Du. Theo em thì anh cứ ra lệnh cho Công ty tự di chuyển tất tật hàng hóa, tài sản… khỏi mặt bằng, hạn cho 10 ngày phải hoàn thành, đồng thời cho người có uy tín đến làm việc, nói rõ điều hơn lẽ thiệt với tay Tâm. Chả có lẽ dám chống lại Chủ tịch tỉnh. Thế là gọn nhất, anh ạ! Du đáp.
Ba ngày sau, đúng vào ngày thứ Hai, vào cuối buổi sáng, Công ty Thanh Mai đã nhận được công văn từ Ủy ban tỉnh.
Đó là Công văn 202 do đích thân Chủ tịch Đô ký, trong đó Chủ tịch tỉnh “nói rõ thêm về nội dung bàn giao trong Quyết định 102 để các Sở và Công ty Thanh Mai nghiêm chỉnh chấp hành: Tài sản bàn giao là đất và tài sản trên đất, tài sản lưu động Công ty Thanh Mai phải tự di chuyển về địa điểm mới để tiếp tục quản lý kinh doanh, có khó khăn gì báo cáo UBND tỉnh xem xét giải quyết sau. Giám đốc Sở Tài chính mời Vinaco vào để kiểm kê bàn giao theo nguyên tắc bàn giao tài sản chuyển giao vốn. Thời điểm bàn giao mặt bằng: ngày 10/6…”. Công văn đóng dấu KHẨN đỏ chót. Cuối công văn còn chua thêm: “Sở Thương mại cùng Ban đổi mới doanh nghiệp tỉnh lập ngay đề án tổ chức lại Công ty Thanh Mai sau thời điểm bàn giao”
Đọc công văn, Tâm ngồi thừ ra. Tâm không bất ngờ về sự ưu đãi vô lối cho Vinaco của Chủ tịch tỉnh hay những hành xử mà ông dành cho Công ty. Tâm choáng váng vì kinh ngạc việc ông Đô “nói cho rõ” nhưng lại ngang nhiên đổi trắng thay đen. Một văn bản đóng dấu quốc huy hẳn hoi. Chủ tịch tỉnh sao lại có thể làm như vậy?
Buổi chiều hôm đó diễn ra cuộc họp cán bộ mở rộng Công ty. Tâm muốn khẩn trương triển khai Công văn 202 vì thời gian chỉ còn 9 ngày cho công tác di rời. Cả một núi công việc đang chờ đợi. Đặc biệc là việc tìm kho để thuê và di chuyển hàng tồn kho. Tâm cố gắng động viên anh em chấp hành chỉ đạo của tỉnh, rằng việc đã thế không có cách nào thay đổi được đâu, rằng sau khi di rời chúng ta vẫn còn cơ hội tổ chức lại và phát triển, rằng thời gian gấp gáp anh em phải tập trung cố gắng. Song Tâm không thể nào kiểm soát được những bất bình đang sôi lên trong mỗi con người. Chốc chốc phòng họp lại bùng lên không tuân theo sự điều khiển của chủ tọa… Anh em yêu cầu phải để anh em kéo sang Ủy ban tỉnh để nghe Chủ tịch tỉnh “nói cho rõ nội dung…” mà sao lại như vậy? Vinaco là thằng nào mà Chủ tich phải ưu đãi bất chấp tất cả như thế. Số anh em là cựu chiến binh càng phản kháng dữ dội… Nhiều ý kiến yêu cầu Giám đốc phải viết đơn tố cáo lên Thủ tướng. Nếu Giám đốc sợ không ký thì chúng tôi ký. Chúng ta không thể chấp nhận sự bất công này. Khó khăn lắm Tâm mới đưa phòng họp về trạng thái tạm thời im lặng. Tâm nói với anh em: Công việc xin anh em triển khai theo kế hoạch còn việc kiến nghị lên trên ta vẫn đang nghiên cứu tiến hành!
4.
Khu kho mà Công ty Thanh Mai sẽ chuyển hàng hóa đến là khu tập thể bao gồm bốn chục gian nhà dột nát lâu nay chỉ còn dăm gia đình ở, nằm sâu bên trong Cửa hàng Vải sợi. Thực ra Tâm đã cho anh em lùng sục trong thị xã nhưng không thể nào tìm được kho để thuê. Thôi thì tạm tấp vào đây vậy. Một phương án bất đắc dĩ. Mái nhà thì rồng rắn uốn lượn, cửa nả thì long chóc, mối mọt, nền nhà thì ẩm mốc, hang chuột. Mùa bão lụt đã tới. Mấy hôm nay Công ty chạy đua với thời gian để sửa chữa, chắm chói, dọn đường vào. Làm cả ngày cả đêm. Phương án di rời cũng đã được thông qua chi tiết cho từng cửa hàng, kho hàng.
Sáu giờ sáng ngày 9 tháng 6 cuộc di rời bắt đầu. Mới sớm ra mà vòm trời đã cao xanh lồng lộng báo hiệu một ngày nắng gắt. Xe tải ghé sát vào các cửa kho đã được mở. Đội quân bốc vác, áp tải, kế toán, thủ kho khẩn trương vào cuộc, tuy nét mặt ai nấy đều lầm lì, u uất. Đến 7 giờ thì đường vào kho mới ùn tắc, do đường hẹp chỉ vừa một ô tô đi. Phải có ngay phương án khác thay thế. Hiền, phó Giám đốc Công ty được phân công tổng điều hành ngoài hiện trường đã nhanh chóng cho đưa vài chục xe ba gác vào cuộc. Giá thuê xe đồng loạị theo chuyến, cao hơn hàng ngày một chút. Đến trưa, nhận thấy tiến độ chậm, Hiền đề xuất phải thuê thêm nhiều xe ba gác nữa. Các chủ xe ba gác đồng loạt đòi giá thuê tăng lên gấp đôi. Tâm bảo Hiền cứ tùy tình hình mà quyết định. Hầu như tất cả xe ba gác của Thị xã đã được huy động, Hai giờ chiều giá thuê ba gác đã lên gấp ba. Trời nắng như đổ lửa. Một mình với bao nhiêu công việc phát sinh, Hiền mồ hôi đầm đìa, lúc thì ở đầu kho bên này lúc thì ở đầu kho bên kia, có mặt ở tất cả các điểm nóng.
Đường phố Lê Lợi người qua lại đông đúc. Ai cũng ngạc nhiên không hiểu có sự cố gì đang xảy ra mà hàng hóa ùn ùn chở đi, quang cảnh như ong vỡ tổ. Di rời để xây dựng Trung tâm thương mại ấy mà! Có người giải thích. Di dời để xây dựng Trung tâm thương mại sao lại như chạy giặc ấy nhỉ? Nhiều người vẫn thắc mắc, tò mò dừng lại bên đường để nghe ngóng.
Chừng sáu rưỡi, bảy giờ chiều thì những hàng hóa cuối cùng rời khỏi khuôn viên 17 Lê Lợi.
Nhưng tối hôm đó ông Đô không thể có tâm trạng để hưởng niềm vui công việc. Ông đang hoang mang tột độ. Ông gọi điện hết cho người này đến cho người khác. Nguyên do là từ đầu giờ chiều Bằng, Chủ tịch Vinaco đã điện vào cho ông: Có nhóm phóng viên tuần Báo Doanh nhân viết bài về dự án Trung tâm xúc tiến thương mại Lam Sơn. Bài báo tố cáo gian lận trong việc đổi tên dự án để hưởng ưu đãi đầu tư và việc cưỡng bức trái pháp luật, phi đạo lý doanh nghiệp sở tại. Lời lẽ sắc sảo, đanh thép. Bài báo đã được duyệt và chuẩn bị đưa in. Tay Hà, phó Tổng biên tập, tác giả chính của bài báo, là bạn học thời đại học của tay Tâm. Rất nguy hiểm. Anh phải có biện pháp ngay. Phải bằng mọi giá dừng bài báo đó lại!
Ngay lập tức Quỳ, phó Văn phòng Ủy ban tỉnh, được ông Đô mật phái ra Hà Nội để điều đình với Tổng biên tập báo, Tổng biên tập hẹn 8 giờ tối gặp nhau. Mãi 9 giờ Quỳ mới báo tin mừng về cho ông Đô: Bài báo đã được dừng lại.
Thực ra bài báo được dừng đăng không phải nhờ cuộc gặp gỡ giữa Quỳ và Tổng biên tập. Từ sáng Hà đã gọi cho Tâm, hỏi bài bảo có cần bổ sung sửa chữa gì không để đăng trong số này. Tâm trả lời không cần sửa gì nữa nhưng đề nghị Hà hãy khoan cho đăng, để cân nhắc thêm tí nữa. Hà phản đối: Phải đăng ngay chứ, một con người dã tâm như thế ông còn thương ná nỗi gì? Tâm vẫn giữ quan điểm của mình nên cuối cùng Hà đành phải chiều bạn nhưng trong lòng vẫn ấm ức. Hà liền gọi điên cho Bằng, cũng chỗ quen biết, rồi fax cả bài báo cho Bằng. Hà biết thế nào Bằng cũng chuyển tới cho Chủ tịch Đô. Hà nghĩ: Chưa đăng nhưng coi như có lời cảnh cáo!
5.
Ông Đô đã được toại nguyện: Khu thương mại ba tầng của Trung tâm xúc tiến thương mại Lam Sơn hoàn thành và đưa vào khai thác trước thời điểm ông nghỉ hưu. Tuy nhiên Vinaco chỉ thực hiện dự án đến đó. Phần tổ hợp văn phòng- khách sạn 15 tầng đã bị “lãng quên” mặc dù nhiều lần Sở Xây dựng nhắc nhở. Khai thác được dăm năm Vinaco đã bí mật chuyển nhượng cho một doanh nghiệp địa phương chuyên doanh hàng điện máy
Hôm ấy nghe thông tin từ thằng cháu công tác bên Cục thuế tỉnh đến thăm ông ốm, nó bảo Vinaco bán cho doanh nghiệp nọ với giá ghi trên hợp đồng và hóa đơn 120 tỷ đồng. Ông nhẩm tính sơ sơ: với cái diện tích khuôn viên ấy nếu chỉ toàn nhà tranh vách đất, giá chuyển nhượng cũng 200 tỷ có dư rồi. Đằng này… chúng nó đã để ngoài sổ sách cả trăm tỷ đồng! Chợt những ký ức năm tháng cuối cùng tại nhiệm ùa về. Ông đã phải vất vả đối phó với bao nhiêu khó khăn, phải đánh đổi bao nhiêu thứ, phải chiụ bao nhiêu tai tiếng, vì nó, cho nó. Suýt “hạ cánh không an toàn” cũng vì nó. Tự dưng ông thấy uất nghẹn dâng trào trong lồng ngực. Rồi ông vừa ho vừa chửi, càng chửi càng ho sặc sụa: Bọn lừa đảo, tiên sư bọn lừa đảo!
Nguồn Văn nghệ số 41/2022