Điểm 10 - Truyện ngắn của Nguyễn Hữu Hồng Minh |
Chẳng nghĩ gì cũng chạnh buồn. Lúc nào tâm hồn cũng đồng vọng tiếng lục lạc xa xôi của kỉ niệm ngày xưa. Bao giờ tôi cũng dừng lại rất lâu trước ám tượng đẫm nát của những con rắn mối. Nó vẩn vơ bay lượn như điềm không lành. Mặc dù năm tháng đi qua vẫn ở lại lòng tôi nỗi đau trong suốt.
Hời hơn tôi hai tuổi. Nó là thằng bé cộc còi. Giọng nói léo nhéo như con gái, vóc người ẻo lả. Hai mắt Hời lé, nhìn ai thì người đó an tâm là không phải nhìn mình. Sau này tôi nhận ra nó còn dự báo những điều chẳng bình thường. Bàn tay nó đường sinh mệnh ngắn và đứt khúc. Tuổi nhỏ Hời ốm yếu, oèo vặt, thuốc men lắm vợ chồng lão Hoặc mới giữ được nó. Ngày bé Hời luôn khóc nửa đêm, khóc ngặt nghẽo từ hai giờ sáng. Đúng vào thời gian lão Hoặc chọn lợn trong lò mổ. Chẳng hiểu nó bị thức giấc vì tiếng kêu oai oái giận dữ của bầy lợn trước khi bị lão cướp đi sự sống hay còn một điềm gì khác?
Tôi học đàn và Hời rất thích nghe tôi chơi đàn. Ngày bé tôi thường đánh bản Come back to Sorrento. Những âm điệu buồn bã. Hình như đó là một vũ khúc của một tác giả là người Ý đã hành trình một chuyến đi xa rồi trở về quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Niềm vui réo rắt, nỗi buồn chùng lại ảm đạm. Điều cao cả nhất có lẽ là sự thoát tục. Khi ngồi giữa Sorrento ông quên hết chuỗi ngày mỏi mệt tội lỗi. Chỉ còn ăn năn thương nhớ những kỉ niệm xưa cũ như gốc cây, mái phố tiếng chim thánh thót quen thuộc đã từng rơi trên hiên mái nhà tuổi thơ ông. Hời khắc khoải xa vắng. Cái buồn mờ đục đi trong cái nhìn ngờ nghệch, dài dại. Buổi chiều đã xuống từ lâu lắm rồi.
Hai đứa đi học băng qua con đường nhỏ nhiều hoa bìm và cỏ dại. Mùa xuân có trinh nữ chen chúc đua nhau nở những bông hoa tím li ti bụi phấn. Cào cào châu chấu bay rợp bãi. Có con bươm bướm ma to lạ lùng, hai sợi râu loe ngoe như hai que dài, chấp chới đôi cánh màu đen vằn vện nhiều vệt xanh lục, trắng, di chuyển một cách chậm chạp và kỳ dị. Tôi không thích con bướm đó. Riêng Hời rón rén từng bước từ phía sau run rẩy hai tay để bắt được con bướm. Sau này nhà tôi chẳng còn dịp nào quay lại con đường xưa để biết rằng những con bướm ấy chẳng còn xuất hiện nữa. Hay chỉ là ấn tượng đau đớn của kí ức tôi?
Hời học dốt. Sách vở luôn cáu bẩn nhòe nhoẹt vết mực. Văn viết thường sai chính tả, lẫn lộn giữa x và s, d và gi. Toán làng nhàng điểm hai. Đỉnh cao nhất là trung bình. Có cuốn tập xổ tung bìa lộ ra bầy bướm ma, chuồn chuồn, châu chấu bị ép khô, chết chồng lên nhau. Lẫn trong mớ sinh vật hỗn độn ấy còn tìm thấy cả xác cỏ trinh nữ.
Mà kể ra ở nhà chẳng ai quan tâm đến Hời. Nó muốn học thì học, làm gì thì làm. Có bỏ đi chơi cả ngày chẳng sao. Duy nhất đến bữa cơm biết tìm về là được. Lão Hoặc cưng Hời như trứng mỏng. Bởi vì như lão thường nói: khi chết, lão sẽ hoàn toàn bình tâm vì đã có Hời thay thế làm chủ cái lò mổ. Họ nhà lão đã đến hồi tắc: Đẻ một dây chín ả con gái, chỉ được hai đứa con trai. Mà anh Cả lại dở hơi, điên không ra điên, tàng không ra tàng. Thích thì hát, buồn thì gào rú đập phá suốt ngày. Lão Hoặc cứ cười khơ khớ và uống rượu. Cười chẳng hiểu sao cười. Hay lão đau cho phận lão đã tròn ba đời làm nghề đồ tể và đến lượt Hời là đời thứ tư?
Nhưng càng ngày lò mổ càng uy tín vì tấp nập người. Có hôm phải xẻ thịt hàng chục con lợn mà vẫn không đủ. Tất cả các cô con gái lão đều là chủ những quầy thịt lớn ngoài chợ. Son phấn đầy mặt, vàng đeo đầy tay. Nửa đêm thức dậy để giết lợn. Xem lão Hoặc làm việc cứ phăm phăm giống viên tướng tả đột hữu xung chém giết điên cuồng như vào chốn không người vậy. Khách lạ đến vùng này chẳng ai có thể ngủ được vì tiếng lợn rống man hãi khi bị chọc tiết, tiếng dao mài rin rít, tiếng máy nổ phành phạch, tiếng di động náo hoặc của xoong chảo và cuối cùng tiếng gầm gừ tuyệt vọng mắc lại trong cổ khi dòng máu óc ách cuồn cuộn chảy ra. Vào khoảnh khác đó loảng xoảng tiếng đập phá gào rú của anh Cả, tiếng khóc bời bời của thằng Hời và chập chờn những đốm lửa bay. Cho đến gần sáng lú ló mặt người mới trả lại được sự yên tĩnh. Ngoài đường những lớp sương mỏng tan dần như ảo ảnh.
Có những lần đi học Hời lấy trong cặp ra một miếng gan to bằng bàn tay. Nó đưa cho tôi cắn một phát trước khi Hời ăn hết. Lúc đầu tôi rất thích như về sau thì chán. Tôi đã không đủ kiến nhẫn. Hời bảo nó còn thích ăn huyết nữa. Ngọt ngọt, bùi bùi thế nào. Tôi về hỏi mẹ huyết là gì? Mẹ bảo: - Là máu! Tôi lại sợ. Thỉnh thoảng tôi bị chảy máu. Những lúc ấy tê tái và đau đớn. Lẫn lộn giữa huyết và máu tôi thấy ghê ghê làm sao.
Một buổi trưa tôi đang ăn cơm thì Hời đến. Mặt nó tươi hơn mọi hôm. Tôi nhìn thấy bên hông nó cộm lên cái gì dưới lớp áo. Chưa kịp hỏi thì Hời đã hớn hở rút ra một cánh ná. Cánh ná xem chừng cũng đơn giản. Một cái chạc ba cưa ra từ cây khô. Hai nút dây thun buộc hai đầu, ở giữa là miếng da lủng lẳng. Lần đầu tiên tôi bị cuốn hút ở Hời. Hai đứa đi học sớm, băng qua con đường nhiều hoa bìm, bươm bướm ma, cỏ gai. Trông nó như tay thiện xạ lành nghề. Hời tìm viên sỏi nhỏ kẹp vào ná ngắm bắn bông cúc dại. Bông hoa đang lung linh thắm tươi, "phụt" một cái, chớp mi là biến mất, trơ thêm cây cụt đầu. Tôi bàng hoàng. Trong giây phút thôi sao? Sự sống - cái chết đổi chỗ cho nhau? Tôi vừa sợ vừa thích. Mơ hồ không hiểu nổi.
Không chịu được niềm sợ hãi quyến rũ, tôi nằn nì Hời làm cho tôi một cánh ná như nó.
Gần nhà tôi có cái đầm rộng từ lâu chẳng còn ai bén mảng đến. Sau cái chết của lão Bùng. Lão đã tự treo cổ trên một cây đa gần đó. Mặt lão phồng lên, tím ngắt. Từ đó oan hồn như chẳng chịu đi đâu. Ban đêm người ta thường thấy lão chạy lờ phờ, lưng gãy với dáng vẻ ốm đói rũ rượi. Vào những ngày lễ cô hồn mọi người đều cúng rượu cho lão. Cứ như là lão thèm rượu hơn bất cứ một món gì khác.
Mẹ tôi dọa lưỡi của lão Bùng dài lắm, thích thịt trẻ em. Tôi chưa thấy lão lần nào mà đã sợ khiếp vía. Ban đêm đi chơi về ngang đầm là tôi xách dép vừa nhắm mắt, thở dốc, vừa cuống cuồng bỏ chạy.
Tuần tới lớp Hời học sinh vật. Chương loài bò sát. Con vật thực hành là rắn mối. Cô giáo hứa sẽ cho điểm mười đứa nào kiếm được con rắn này để làm thí nghiệm. Hời sửa sang lại cánh ná. Nó thay nhiều sợi thun đứt bằng những sợi còn mới thơm mùi phẩm. Hai đứa quyết định thám hiểm đầm. Tim tôi đập thình thịch giữa nỗi háo hức và sự căng thẳng tột độ. Hời láo liêng cặp mắt lé nhìn đi đâu tôi không biết. Những con ếch ngồi trơ tráo trên đầu khóm lục bình giật mình nhảy lõm bõm xuống nước. Ánh nắng loang lỡ chờn vờn đe dọa. Tay tôi bóp chặt cánh ná. Tôi hối hận vì một thích thú miễn cưỡng và tôi đã theo Hời đi quá xa.
Hời xuýt tôi đứng lại. Nó ngọ nguậy tìm viên sỏi trong túi áo. Tôi trương mắt nhìn. Con rắn mối đang trườn đi sột soạt trong bóng im lau cỏ. Đầu nó dẹp, đuôi dài, thân hình nham nhám xanh. Tim tôi co thắt muốn vỡ. Da con rắn xanh quá. Bầu trời hôm nay cũng rất xanh. Ai biết được cái chết cận kề? Con rắn hiền lành và ngu muội đến mức còn ngóc đầu lên tìm hiểu chúng tôi là ai?
Hời nheo mắt. Tay nó kéo căng ná. Phụt! Viên đạn tin ngay giữa đầu con rắn. Máu rịn ra nhuộm đỏ một khoảng sâu hoắm nát bét.
Từ ngày Hời kiếm được điểm mười đầu tiên trong đời đi học của mình nó còn lôi kéo được bọn trẻ ở xóm vào trò chơi sát sinh. Hình như có nỗi kích thích vừa hãi hùng vừa sung sướng đó là lúc quần xắn ống cao ống thấp, chân lội bì bõm trên bùn rình nó nã những phát đạn vào giữa đầu con rắn mối. Tận mắt chứng kiến cảnh máu chảy, thân thể lỗ chỗ vết thương của con vật đang quằn quại đau đớn với khoảnh khắc cuối cùng.
Bọn trẻ đứa nào cũng có một cánh ná để trổ tài. Hời hết buộc giúp đứa này lại làm cho đứa khác. Mỗi buổi trưa chúng lại í ới gọi nhau bủa xuống đầm dấn thân vào cuộc chơi. Bờ đầm lâu nay vốn uy nghiêm, tĩnh mịch và thiêng liêng chốc bị quấy phá chưa từng thấy. Tôi cũng không còn sợ lão Bùng nữa. Mùa cô hồn vừa rồi cả làng cúng rượu cho lão chắc đến giờ này lão vẫn còn say tít thò lò. Cỏ cây bị đạp ngã rạp đè lên nhau. Lũ dế mèn trốn đi đâu mất. Ếch nhái cũng không còn kêu rên rĩ như trước nữa. Cảnh vật xác xơ hiu quạnh hẳn đi. Rắn mối bị truy nã đến con cuối cùng. Con vật hiền lành ngờ nghệch sống chỉ quen bắt ruồi muỗi trong bụi rậm. Chẳng hại ai bao giờ.
Chiều chiều Hời cùng bọn trẻ xách lủng lẳng từng dây rắn mối đi về xóm. Con cụt đầu, chột mắt, con nát thân, mất đuôi. Không một con nào còn nguyên hình hài. Chúng ồn ào cả lên khi kể chiến công cho nhau nghe sau đó đào lỗ chôn hay vứt bừa bãi cho gà ăn. Riêng Hời không làm gì với con rắn săn được. Hời leo lên gác xép, cẩn thận đếm từng con rồi phơi khô trên mái tôn.
Đó là buổi chiều chủ nhật trời mưa lâm thâm. Đang nắng bỗng tối sầm. Gió từ phương Bắc ùa về thốc tháo từng cơn, đùn bụi cuốn lên mờ ảo. Màn trời u ám nặng nề. Mưa khắc khoải, chừng như vật vã lắm. Lộp độp, lộp độp rồi mưa mạnh lên dần. Buổi chiều ảm đạm chán chường tôi trùm chăn kín đầu nằm trên giường, lòng xa vắng, buồn bã chả ra làm sao. Bỗng nhiên nghe tiếng la hét ngoài cửa. Tôi chạy ào ra. Mưa đan phủ mờ trời kín đất. Kí ức tôi không thể quên hình ảnh mụ Hoặc chới với đôi tay khẳng khiu, hú gọi ba hồn bảy vía thằng Hời trong mưa. Đôi bàn tay run rẩy trong khoảng không cố bám víu lại một điều gì nhưng cơ hồ tuột mất. Mụ khóc rống lên. Tiếng bước chân người sầm sập nháo nhào. Anh Cả kêu gào giữa cơn động kinh nghe hãi hùng hơn bao giờ hết. Ngoài chợ có loạn. Chín quầy hàng thịt của chín bà chị Hời bị gió cuộn thốc mái. Những cái đầu lợn đã được luộc chín, cạo nhẵn lông phút chốc ngoác mồm kêu eng éc inh ỏi. Còn những chân giò bỗng nhiên cử động co giật. Tất cả rú lên kinh hãi bỏ chạy về nhà. Sau này tôi nghe nhiều người kể lại như vậy.
Ở nhà mọi người cuống cuồng vì tin dữ. Lão Hoặc tỉnh cả cơn rượu bí tỉ dẫn đầu đoàn người lao về phía bờ hồ - Giờ này chỉ còn mình Hời ở đó. Nó đang mải mê tìm bắn những con rắn mối trong mưa lạnh.
Buổi trưa Hời lặng lẽ ra khỏi nhà vì nỗi buồn vô cớ. Nó tiếp tục khao khát săn đuổi con rắn mối. Nó cảm thấy cô đơn. Ước gì đạt được những điểm mười vì cú săn bắt rắn mối nhỉ? Như thế thật thích. Nhưng giờ sinh vật thực hành đã đi qua từ lâu và con mười duy nhất trong đời đi học của nó đã khép lại. Tiếp tục trở về với điểm số làng nhàng. Đỉnh cao nhất là trung bình. Tẻ nhạt làm sao. Hời mon men theo bờ nước. Trời nổi gió xoáy, cỏ lau rung lên chờn vờn và khẽ rì rào. Mặc kệ, Hời không cần nghĩ là nó cần quay về. Bây giờ bắn được rắn mối là niềm vui của nó. Nó nghĩ về xác những con rắn đã phơi khô trên mái tôn và đơn độc với trò chơi nhiều điểm mười chói lọi. Nhưng mỗi lúc săn rắn mối càng khó khăn, vì chúng đánh hơi bị tàn sát rồi lẩn đi đâu.
Có tiếng sột soạt. Hời quay lại, mặt tái đi vì mừng rỡ. Một con rắn mối ngóc đầu lên sau bụi gai. Nhận ra Hời nó hốt hoảng bò đi vội vàng. Hời cũng nhận ra nó. Đây chính là con rắn lần trước bị Hời bắn cụt đuôi nhưng kịp biến mất. Chỗ cái đuôi cụt còn chưa lành. Nó vội đuổi theo. Con rắn không sao lẩn được mắt Hời. Tay nó đã kéo căng ná. Cuộc săn đuổi lúc ẩn lúc hiện kéo Hời một ra xa giữa đầm. Chỗ mà bọn trẻ chưa đứa nào dám đặt chân tới. Bỗng Hời thấy choáng váng và hoa mắt. Vì sao thế này? Tay nó buông rơi ná, cố đứng mà không vững nữa. Chìm vào một giấc mơ rờn rợn, huyền bí mà nó chưa hiểu nổi. Gió. Mưa.
Một người đàn bà chèo xuồng đi vớt bèo hoa dâu phát hiện ra đứa trẻ nằm sấp bên mí nước, gọi mãi mà không thưa. Mặc mưa dữ và gió cuốn bà bơi xuồng lại. Đứa trẻ ngửa mặt trên bùn, đôi mắt còn mở trừng trừng ngây ngô và dài dại. Một cánh ná dây thun rớt bên cạnh. Trên vết bùn còn vết trườn đi của một con rắn độc. Người đàn bà hét lên.
N.H.H.M
------------
Bài viết cùng chuyên mục: