Mùa dông đã bắt đầu. Thành phố ngập ngụa trong những cơn dông xé hoàng hôn toang hoác. Nước bò trên cửa kính ngoằn ngoèo. Mùa dông cũng là mùa triều dâng. Tôi biết lúc này nước đang tràn qua cống bò lên những con đường sâu hút dẫn về căn phòng trọ của tôi. Tất nhiên là có nước mưa rồi. Thành phố công nghiệp mưa nhiều a-xít. Vài kiến thức lổm chổm trong đầu, chẳng để làm gì. Kiến thức chẳng có ý nghĩa gì trong cuộc đời này, trừ khi nó mang lại tiền bạc, nghĩa là mang lại hạnh phúc. Tôi nhớ người đã nói câu này. Nhớ thực sự chứ không phải là kí ức lưu lại một sự kiện. Nhớ nhung ghê gớm, không biết hôm nay anh đã vào lại chưa, rồi có nhớ tuyến đường ít ngập từ bến xe dẫn về hẻm trọ mà tuần trước tôi đã chỉ hay không?
“Xoạch.”
Cuốn sách bị đẩy rơi xuống sàn. Nghĩ miên man nhưng may là tôi không giật mình. Thằng bé nhạy lắm, nó mà biết tôi đang nghĩ đâu đâu thì thể nào cũng ra chuyện. Tháng trước tôi có nghe điện thoại trong giờ dạy, có lẽ lúc đó tôi lỡ miệng “bà tám” mấy câu, cuộc gọi chưa tới hai phút mà hôm sau phụ huynh đã nhắn tin. Thật ra thì có trừ bớt tiền công của tôi cũng được thôi nhưng mà kiểu nói chuyện quá dịu dàng lịch sự, quá nhã nhặn tinh hoa của vị nữ tiến sĩ mà tôi ngưỡng mộ ấy làm tôi thấy như mắc cục chì trong họng vì chị đã không trừ tiền. Thằng oắt con quái quỷ, cái gì cũng bén chỉ trừ học. Tôi phải ngồi suốt mười lăm phút chỉ để chờ nó chép xong ba câu trong cuốn sách Tiếng Việt ra. Nếu tôi nói gì đó để thúc nó trong lúc chờ nó vẽ từng chữ trên giấy thì thể nào nó cũng cày mũi bút xuống đến bật cả mực ra hoặc là rách tờ giấy và phải bắt đầu lại từ đầu. Thật, tôi thề là thằng nhóc vẽ chữ chứ không phải viết chữ, vẽ cứ như kiểu nó lạc vào một hang động tiền sử nào đó, gặp một mớ kí tự ngoằn ngoèo và nhiệm vụ của nó là phải vẽ lại cho chính xác tác phẩm của tổ tiên loài người.
Dông - Minh họa Nguyễn Đăng Phú |
“Con vẫn không phân biệt được chữ “pờ” và chữ “quờ” hả? Cô nói rồi, chữ “pờ” là cái bụng nó nằm bên phải mà.”
“Cô, cô. Chữ “rờ” tiếng Việt viết sao hả cô?” Thằng bé nói trong khi chuồi người trên ghế, thả đầu treo ngược. “Con biết viết chữ “rờ” tiếng Anh mà quên chữ “rờ” tiếng Việt rồi cô.” Nó tịnh nhiên như không biết tôi vừa nói gì. Hoặc là nó không nghe thấy.
“King!”
Tôi nâng tông giọng mình lên mấy nấc. Nó đã với tay lấy được cái iPad.
“Hôm sau rồi cô bày con chữ “rờ” tiếng Việt cũng được. Chừ hết giờ rồi cô.”
“King, ngồi lại!”
Tôi dằn mạnh tay xuống bàn. Cả bằng giọng nói và ánh mắt nữa mặc dù thằng bé chẳng nhìn và hình như tai nó cũng điếc.
“Vẫn còn năm phút nữa.” Tôi nói, giọng dịu lại. Thằng bé vẫn không nghe, nó mở iPad lên bấm lia lịa.
Chẳng hiểu sao tôi phải dịu dàng với nó, nhưng mẹ thằng bé, vị nữ tiến sĩ có giọng nói quyến rũ ấy bảo rằng chị đã cho thôi việc rất nhiều gia sư trước đây vì họ không biết cách làm việc với trẻ con, họ quá thô lỗ và có xu hướng làm tổn thương tinh thần thằng bé, hoặc bằng cách nạt nộ hoặc chê bai. Chị đã đuổi tất để bảo vệ cu King nhạy cảm mong manh yếu đuối của mình. Chị nói rằng chỉ có kỉ luật bằng yêu thương dịu dàng, kỉ luật không nước mắt mới tạo ra được đứa trẻ hạnh phúc. Tôi tin chị. Tôi là một đứa trẻ không hạnh phúc nên tôi tin chị. Tin vô cùng. Và bực cũng vô cùng. Bực đến điên lên được. Như năm phút cuối này đây, tôi chẳng biết phải làm gì với đứa trẻ hạnh phúc của chị.
“Rầm!”
Có tiếng động vừa phát ra. Hình như là cũng ở tầng hai. Lạ nhỉ, từ hôm tôi đến đây dạy đến nay, khung giờ này ngôi nhà luôn tịnh không một bóng ngoại trừ tôi và thằng bé cùng chiếc camera đặt trên tủ sách hướng đối diện, góc chéo chỗ tôi ngồi. Nhưng tôi biết là chẳng ai xem camera vào lúc này. Giờ này chị tiến sĩ đang ở câu lạc bộ yoga còn anh chồng hình như cũng là tiến sĩ thì ở câu lạc bộ tennis hay làm gì đó mà chẳng khi nào có nhà lúc tôi dạy. Năm giờ chiều, người giúp việc của gia đình chị cũng về. Họ không ở qua đêm. Thường chỉ có chị đón tôi, cùng một ly nước cam hoặc chanh muối hoặc thứ gì đó hay ho. Ly nước pha sẵn để trên bàn, đúng giờ tôi đến là chị đi yoga. Nhưng tôi buộc phải từ chối cái sự hay ho hiếm thấy này vì tôi không thể uống nước mà không cho thằng bé uống, và một khi nó uống, nó sẽ liên tục xin đi vệ sinh đến nỗi giờ học chỉ là khoản thời gian nó kêu “cô ơi, con mắc tè” rồi chạy tới chạy lui giữa nhà vệ sinh và phòng học. Buổi học nào cũng thế, trước khi bắt đầu tôi bảo nó phải đi tè và không ra khỏi phòng cho đến khi hết giờ. Và cũng bảo chị không cho thằng bé ăn thứ gì mát bụng trước giờ học. Có hôm thằng bé xin đi và ngồi hơn nửa buổi trong nhà vệ sinh với cái iPad trên tay. Thế đấy, thằng bé có tâm hồn nhạy cảm mong manh luôn làm tôi phát điên. Cuộc đời này đúng là toàn những điều phi lí.
“Là ba con về đó cô.” Thằng bé nói.
Đấy, đúng là toàn điều phi lí thôi, điển hình là cái cách thằng bé lém lỉnh đọc suy nghĩ của tôi vậy mà nó không nhớ nổi chữ “pờ” với chữ “quờ” viết khác nhau thế nào. Phi lí hơn nữa là thằng bé vẫn được lên lớp. Mà phi lí nhất có lẽ là mấy tấm giấy chứng nhận năng lực học tập toàn trên mức khá giỏi của nó. Nói đến là muốn nổi điên, nhưng tôi vẫn đang dò dẫm và giữ bình tĩnh, một phần vì không tìm được cơ hội nào tốt để thực sự nói chuyện với phụ huynh, một phần vì khoản tiền hậu hĩnh chuyển vào tài khoản tôi tháng trước.
“Mấy bữa nay ba con toàn về lúc mẹ đi vắng.”
Thằng bé nhìn tôi, chẳng biết có phải nó đang dò xét điều gì hay không mà tôi cảm thấy thế. Tôi làm mặt lạnh như thể mình chẳng quan tâm vì tôi vẫn còn tức chuyện nó viết sai chữ “pờ”.
“Mà chuyện của nhà con cô đừng quan tâm.”
Thằng nhóc láo thật, nó biết cả chuyện tôi đang quan tâm nữa cơ. Tôi gấp sách vở của nó lại, viết và kí vào cuốn sổ lưu bút sau mỗi buổi học rồi lấy cặp đi về. Tôi vẫn ghi vào đấy là thằng bé chưa phân biệt được chữ “pờ” và chữ “quờ”. Thủ tục thôi, hình như chẳng ai trong ngôi nhà này đọc nó.
*
Chỉ là một trận dông đầu tối, bây giờ trời đã tạnh và mát. Lâu lâu mới có một đêm thế này và hiếm lắm tôi mới có cảm giác lành lạnh muốn kéo chăn lên đắp. Từ hôm anh về quê, tôi toàn đi ngủ mà không tắt điện. Và hôm nay tôi thấy lạnh, không biết vì trời trở mát sau mưa dông hay vì cảm giác thiếu vắng anh. Hôm nay chúng tôi không facetime với nhau, nhưng tôi đã xem video mới nhất trên tiktok của anh. Tôi xem vì nhớ và đi dạy về cũng không biết làm gì chứ mấy chuyện triết lí của người thành đạt ấy tôi nói cũng hay không kém gì anh. Bây giờ chỉ cần với tay lên đầu giường thể nào cũng trúng một cuốn dạy làm giàu. Hoặc là dạy cách sống hạnh phúc. Nói chung là “self-help”. Đúng là sách gối đầu giường thật, vì chẳng có chỗ nào hơn dành cho chúng trong căn phòng mười mấy mét vuông này. Góc đằng kia để một cái tủ to đềnh đoàng, mấy bộ đồ vét của anh luôn cần phải được treo lên cho thẳng thớm, thỉnh thoảng tôi còn phải lôi ra là lại một lượt cho thật là “là lượt”. Tôi vừa phát hiện một cái áo vét sút chỉ nhưng vẫn chưa tìm cách khâu lại. Phải tìm cách thật vì nếu vụng về không khéo làm hỏng cả bộ vét thường mặc đi hội thảo với khách hàng của anh. Trong tủ ấy còn có giày tây, cặp táp, cà vạt và một góc nhỏ để đồ của tôi. Nếu tôi may mắn trúng tuyển vào đâu đó thì không khéo cả hai phải thay nhau mà “là lượt” mất. Tôi cực kì thích cái từ “là lượt” này, nó vừa khiến tôi hình dung đến một công việc vừa khiến tôi hình dung ra anh. Lần này anh không mang nhiều áo quần về quê mà lại ở quê lâu nhất, mọi khi chỉ về một hai hôm rồi vào lại. Có lẽ anh về thưa chuyện. Tôi đã ra trường được nửa năm, còn anh thì lúc nào cũng có công việc. Anh không rơi vào cái bẫy ổn định như người ta mà muốn đạt đến tự do tài chính và tôi thì lúc nào mà chẳng ủng hộ anh.
Có lẽ tôi cần đọc một chút trước khi ngủ. Tôi với tay lên lấy đại một cuốn. Sách của một người đàn ông sở hữu những thứ triệu đô sống ở một thành phố rộng lớn, xa hoa. Và xa lạ. Mọi thứ thật kì diệu và cũng thật mơ hồ. Ở đây không đến nỗi quá rộng quá xa hoa nhưng lần đầu tiên tôi thấy thành phố mình sống sao mà mênh mông. Và tôi thì bé nhỏ biết bao. Tôi phải dừng cuốn sách lại trước khi để nó nuốt chửng tôi đi. Có lẽ phải nhắn cho anh một tin, hỏi xem chính xác ngày nào anh vào lại mới được.
“Ck phải bàn chuyện quan trọng với ba. Xong việc ck vào liền. Xoxo.”
*
Hôm nay tôi ổn hơn mọi ngày và cơn mưa chưa đến nỗi làm tôi nổi đoá. Thứ nhất, còn tháng rưỡi nữa là thi cuối kì rồi nên mẹ thằng bé muốn tăng buổi dạy của tôi lên, và chị đã không quên lời hứa sẽ bồi dưỡng xứng đáng cho sự hi sinh này của cô giáo. Thứ hai là vì tim tôi vẫn còn rung rinh lắm. Chắc chắn là anh và ba đang bàn chuyện cưới hỏi, đêm qua tôi yên chí mê man nhắm mắt ngủ chẳng cần hỏi gì thêm sau tin nhắn của anh. Anh đã ba mươi tròn, ba mẹ ở quê vẫn thường nhắc chuyện này suốt. Chỉ có chuyện này là quan trọng nhất.
Công việc của anh ở đây và lí tưởng làm giàu anh theo đuổi ấy ba anh có biết chi mà bàn. Mấy cái hội thảo với mấy cái đầu tư tài chính của anh tôi còn không hiểu nổi nữa huống chi là người già ở quê. Tôi thấy mấy dãy số mà anh nuôi trên mạng thôi cũng đủ mệt rồi. Và đúng là may cho tôi, anh không cần tôi nhúng tay vào, anh chỉ cần tôi nghe anh nói mỗi khi anh có dự án mới hay nảy ra một ý gì đó sáng sủa từ những cuốn sách. Nói chung, anh chỉ cần người nghe tâm sự và gật gù tán dương. Mấy cái này thì tôi có thừa. Tôi vẫn thường xuyên tán dương học trò. Dĩ nhiên anh không phải là con nít nhưng nói chung là tôi biết cách khiến người khác hạnh phúc. Có lẽ vì thế mà anh yêu tôi nhất. Và tôi sẽ sớm làm cô dâu của anh. Một cái đám cưới. Cũng chẳng có gì nhiều nhưng thôi vậy cũng là ổn rồi. Cưới nhau. Dĩ nhiên sinh con. Những đứa trẻ hạnh phúc trong thành phố. Và tôi sẽ dạy con phân biệt chữ “pờ” và chữ “quờ”, dễ ợt à. Sau này, khi mà chúng tôi khá giả lên và nhỡ có cần phải thuê gia sư về nhà kèm thì đầu tiên tôi sẽ dạy con mình là đừng có ăn rồi soi mói giáo viên, hở tí là mách mẹ và đừng có giở trò láo toét, trứng cứ đòi khôn hơn vịt. Tôi đã rải đơn xin việc khắp thành phố mà mãi chưa có cái gì phù hợp chứ tôi có việc đàng hoàng tử tế tôi cũng nghỉ quách cái mối gia sư cho ông “vua con” này.
Lạ thật, hôm nay cửa chẳng khoá như mọi khi. Bình thường, khi tôi bấm chuông, chị tiến sĩ tâm lí học xinh đẹp dịu dàng chủ nhân của ngôi nhà này sẽ ra mở cửa, chị luôn mặc sẵn áo khoác cùng bộ đồ tập yoga nóng bỏng. Dẫn tôi vào nhà, nói mấy câu dặn dò cu King rồi chị lái xe đi, con bốn bánh màu đỏ. Tôi thường nhìn dáng chị rất lâu, nhìn chị mở cửa ô tô, vào xe, khởi động cho đến khi chiếc xế hộp màu đỏ ấy mất hút. Cu King cũng nhìn theo như tôi. Thằng bé chắc chắn cũng đang nghĩ gì đó. Hẳn nhiên là khác tôi.
Tôi thận trọng lôi điện thoại ra đọc lại tin nhắn của chị để chắc chắn là sẽ không có một sự hớ hênh nào. Nhỡ mà có sơ suất gì thằng nhóc ấy sẽ cười đến thối mũi ra. Lạ thật, từ lúc nào tôi thấy mình cứ phải ở trong trạng thái chiến tranh với đứa oắt con chưa tròn mười tuổi vậy chứ. Thật, chỉ có thằng oắt con này mới khiến tôi thành ra thế này, nó quả là một “thế lực”. Tôi thận trọng như sắp bước vào lãnh địa của địch thật. Đúng là chị bảo bắt đầu chương trình ôn luyện cấp tốc cho thằng bé từ hôm nay thật. Tôi đẩy mạnh cửa, dắt xe vào. Bên trong nhà điện đang sáng trưng nhưng nhìn muốn hút mắt cũng không thấy ai ra vào.
“Em chào chị!”
Tôi nói trống không như nói vào hố đen của vũ trụ ấy. Chắc chắn là không có chị ở nhà vì nếu có hẳn là chị đã nghe thấy tiếng đẩy cửa và tiếng xoạch xoạch xếp áo mưa của tôi. Có thể ba thằng bé đang ở nhà. Vậy thì càng phải tế nhị hơn nữa. Tôi chỉ nhìn thấy mặt ba thằng bé đúng một lần. Hôm tôi tới nhận việc qua một kênh môi giới gia sư xịn sò nhất thành phố, cả hai vợ chồng chị đã tiếp tôi. Tôi đưa chứng minh thư và bảng điểm cùng bằng đại học cho họ đối chiếu với thông tin mà tôi đã đăng kí trên mạng lưới gia sư ấy. Họ nhìn nhau, trao đổi bằng ánh mắt rồi hỏi tôi đủ điều. Cả buổi nói chuyện chỉ có chị tiến sĩ là nói, còn anh tiến sĩ chỉ nghe rồi gật gù. À, ba thằng bé có nói một câu, đúng một câu duy nhất đó là “Tiếng Anh thì cô không cần quan tâm, thằng bé toàn học với người bản ngữ. Nói chung người Việt mình phát âm không có chuẩn, tốt nhất là không nên can thiệp, cứ để chúng nó hoà nhập, học một cách tự nhiên với người bản ngữ.” Và tôi cho đây là lời khuyên đúng đắn nhất dành cho tôi khi dạy thằng bé vì thằng bé rất hay bắn tiếng Anh. Những câu đâu đâu nó học ở trường, trong phim hoặc là trong game. Tôi thừa biết mấy đứa này nên tôi chẳng dại gì mà đáp lại nó. Để yên ổn với mấy ông “vua con” này là phải sử dụng cái đầu, sử dụng hết năng lực của cái đầu mới được. Một bữa, tôi bắn vào nó một tràng tiếng Hàn, thực ra thì tôi cũng không chắc là khi ấy mình nói gì đâu, tôi chỉ bắn vào nó bằng ngữ điệu, biểu cảm và sự tự tin cao nhất mà tôi có. Sau dạo ấy, chẳng thấy thằng bé khiêu khích nữa. Thường, trước mỗi giờ học, thằng bé xem gì đấy trên iPad mà toàn nghe ra tiếng Anh, nó hay lăn đùng ra cười vật vã.
Nhưng hôm nay ngôi nhà hoàn toàn vắng vẻ. Không một bóng người. Không một tiếng động. Điện đóm sáng trưng, chỗ nào cũng sang trọng, tiện nghi, hiện đại thế mà tôi thấy rờn rợn. Một cõi không người giữa lòng thành phố nhốn nháo, nhặng xị và chen chúc nhau đến từng cen-ti-mét. Phòng học của thằng bé nằm sát ban công tầng hai. Tôi cầm sẵn điện thoại trên tay. Phải đi hết những bậc thang này rồi vào phòng xem thế nào trước khi gọi cho chị chủ. Cửa phòng học cũng đang mở. Hẳn là thằng nhóc trốn trong đó chơi iPad rồi đây. Tôi đẩy rộng cửa ra.
“King. Cô gọi từ nãy sao không trả lời vậy hả?”
Không có thằng bé ở đó. Tôi cảm giác có chuyện gì đó đang xảy ra trong ngôi nhà này.
Máu!
Có ba vệt máu trên sàn, đã hơi khô lại. Ngay trước cửa thông với phòng ngủ của thằng bé. Tôi đã ngưỡng mộ kiểu bố trí sinh hoạt này biết bao. Linh cảm về điều gì xấu lắm khiến tôi đẩy ngay cánh cửa phòng ngủ ra mà chẳng phải giữ phép tắc. Dưới chân tôi là một dãy máu, từng đốm từng đốm in trên sàn.
Não tôi đông cứng. Tôi là đứa sợ máu. Tôi là đứa trẻ không hạnh phúc và tôi sợ máu kể từ ngày chứng kiến vệt máu loang trên nền đất ẩm rồi ba tôi bỏ đi biền biệt. Rồi mẹ tôi cũng bỏ đi biền biệt. Chỉ còn tôi trong căn nhà trống hoác, nó tuềnh toàng như cái chòi thôi nhưng mà cảm giác trống hoác ấy cũng từa tựa như lúc này, trong ngôi nhà này. Tôi sang ở với ông bà ngoại rồi sang ở với ông bà nội rồi vào thành phố này nhưng căn nhà cứ mãi trong tôi. Trống hoác. Đêm từng đêm trống hoác.
Tôi đã đến bên một cái tủ lớn, lần theo vết máu.
Thằng bé rất nặng, nhưng có một sức mạnh hay một sự sợ hãi khủng khiếp nào đó khiến tôi bế bổng nó ra khỏi tủ và làm rơi cái khung ảnh khổ A4 thêm lần nữa. Ảnh của một đôi tình nhân. Nhưng nó đã không vỡ thêm ra. Ngôi nhà này có bao nhiêu thứ hiện đại xịn sò thế kia mà cái khung ảnh cũ rích này họ vẫn không thay đi. Hồi này đâu còn ai trưng ảnh với cái khung cải lương và tấm kính nguy hiểm thế đâu chứ. Tôi biết chỗ mà họ đã đặt nó. Ngay trong phòng khách, đối diện chỗ tôi ngồi hôm đầu tiên tôi đến. Mỗi lần đi qua phòng khách để lên tầng hai tôi hay nhìn nó rồi thầm tấm tắc ngưỡng mộ. Hẳn nó là một kỉ vật ngọt ngào nên họ mới giữ khư khư như thế và nằm ở một vị trí trang trọng hút ánh nhìn như thế. Hôm nay thì tấm kính đã vỡ mất rồi. Và nó làm cu King bị thương. Vết cứa khá sâu, tôi đã băng lại và đang lau mọi vết máu trên người thằng bé.
“Là con tự làm vỡ chứ không phải là do mẹ con ném nó vỡ đâu.” Thằng bé nói.
Tôi đã rơi vào trạng thái thất thần đến nỗi chỉ thấy thằng bé trước mắt mình chứ không nhớ là mình có cần hỏi nó điều gì không.
“Ừ. Cô biết.”
Thật chân thành, tôi trả lời thằng bé.
“Cô biết thật sao?”
“Thật. Cô biết King nói đúng.”
Hình như thằng bé có vẻ bất ngờ.
“Hình như King chưa ăn gì nhỉ. Cô kiếm gì đó cho con uống nhé.”
Tôi đặt thằng bé nằm xuống trên giường rồi đi nhanh ra. Vừa ra khỏi cửa lại phải trở vào trong. Điện thoại có tin nhắn lại.
“Em đến dạy cu King rồi chứ? Hôm nay, chị…”
“Rồi ạ.”
Tôi trả lời cụt lủn và đi ra. Một cảm giác bực dọc cay đắng dâng lên khiến tôi không muốn đọc hết tin nhắn của chị. Tôi đã nghĩ là chỉ những đứa trẻ sinh ra ở một cái làng heo hút có một người cha nghiện rượu có một người mẹ đánh đề như tôi mới không hạnh phúc chứ! Là họ hay là cuộc đời này đã phản bội chút niềm tin ít ỏi của tôi.
*
Là họ hay là gì đi nữa thì tôi cũng đã mặc kệ cuộc đời. Cứ sống đi thôi và đừng lí luận. Cứ sống đi thôi, cuộc đời sẽ cho ta những cú bẻ lái ngoạn mục. Tôi và thằng bé đã không còn ở hai bờ chiến tuyến nữa rồi. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được trọn vẹn niềm hạnh phúc của người dạy học. Những ngày này, tôi không đọc sách làm giàu mà đọc sách tâm lí sư phạm, tôi vào mạng tìm thêm nhiều hoạt động cho cu King vừa học vừa chơi và tìm mọi cách để có thể giải thích mọi bài toán thật đơn sơ theo tư duy của học sinh tiểu học. Và cả dạy tiếng Việt, dạy chính tả nữa chứ. Thằng bé đã không còn nhầm giữa “pờ” và “quờ” nữa rồi. Tôi chưa bao giờ nghĩ là thằng bé kém thông minh, mà tôi nghĩ ngược lại, nó quá thông minh, vấn đề chỉ là nó không thèm học. Bây giờ thì ổn rồi, buổi học nào cũng tất bật việc để làm, thằng bé còn phải cố gắng ngoan ngoãn, cố gắng hợp tác với cô để xong bài vở và có thể dùng iPad một lúc. Thằng bé vẫn dùng thường xuyên khi ở nhà mà không có tôi nhưng nó vẫn thích được dùng khi có tôi để chỉ cho tôi biết cái phần mềm mà cu cậu dùng để vẽ những bức tranh “siêu viễn tưởng” của nó, thằng bé nói rằng tôi là người đầu tiên xem và quan tâm đến chúng.
Hôm nay, nó còn khiến tôi phát điên khi hỏi mượn cuốn truyện An An vui vẻ. Tôi kể với nó hời hợt thế thôi vì thằng bé cứ nằng nặc đòi cô kể câu chuyện mà cô thích nhất như đề bài ở trường của nó chứ tôi biết câu chuyện của tôi làm gì có đĩa bay với người hành tinh Z như các tác phẩm “siêu viễn tưởng” của nó để nó thích cho được. Ô, thế mà thằng bé lại thích ra mặt. Không biết nó thích truyện hay là thích cô của nó nữa. Nó đòi tôi ngồi ráng thêm năm phút để kể lại một lượt câu chuyện về “An An vui vẻ”. Tôi từ chối ngay, thằng bé hỏi xin, tôi không cho, thằng bé lại hỏi mượn, còn hứa sẽ đọc hết từ đầu đến cuối. Có lẽ nó không biết cuốn sách dày trăm trang và tất nhiên là chỉ có chữ mà không có tranh nào.
Mưa đã ngớt dần. Tôi đứng dưới mái hiên trên vỉa hè, thấm lạnh. Thành phố này vẫn vắng anh nhưng không còn quá trống trải với tôi. Tôi không bao giờ nói chờ đợi là hạnh phúc nhưng cái cảm giác háo hức về chuyện quan trọng của chúng tôi khiến tôi thấy mình ổn và sự chờ đợi này cũng rất ổn.
“Ting, ting.”
Thông báo từ điện thoại đã cắt ngang dòng suy nghĩ đang rất vui vẻ của tôi mất rồi. Một thông báo thay đổi số dư trong tài khoản. Là cộng chứ không phải trừ. Nội dung chuyển khoản ghi “Me cu King ck tien hoc 22 buoi”. Đúng là tiền 22 buổi dạy của tôi với một khoản nhỏ tiền bồi dưỡng như chị đã nói. Sớm nhỉ. Chưa tròn tháng mà đã được nhận lương rồi. Lẽ nào chị thấy sự thay đổi của cu King nên muốn gửi tiền sớm cho tôi thêm động lực. Chị thật đúng là nhà tâm lí!
“Ting, ting.”
Tin nhắn của chị ấy. Lần trước cũng thế, nó đến liền ngay sau khi có thông báo chuyển khoản.
“Chị gửi tiền học 22 buổi của cu King. Cảm ơn em đã dạy cháu. Chị rất tiếc phải cho cháu nghỉ với em đột ngột thế này. Cô ở trường bảo cháu dạo này học sút, có lẽ chị phải gửi cô ở trường kèm cháu thôi em ạ.”
Mưa dội xuống mặt đường tơi tả. Cơn mưa dông của đất trời. Cơn mưa dông của tôi. Sấm chớp rạch từng đường và đì đùng trong não tôi. Không có sự hụt hẫng nào có thể đắng họng hơn. Tôi thấy mình như lỗi nhịp, như là mất kết nối. Cuộc đời lạ quá. Con người cũng lạ quá.
“Dạ.”
Tôi nhấn nút gửi đi. Không có sự hụt hẫng nào có thể đắng họng hơn, vì vậy chắc chắn đây là điều tồi tệ nhất rồi. Nghĩa là, ngoài nó ra, mọi thứ ắt hẳn sáng sủa hơn.
*
Cuối cùng thì cũng lê lết về tới nhà trọ. Mà kìa, phòng tôi đang sáng điện. Tôi dựng bừa con xe xuống lao lên tầng hai. Anh đang nằm trên giường, tay lướt điện thoại.
“Ơ anh. Sao không nói gì với em?”
Tôi đã vọt vào trong phòng, ngồi xuống trên giường. Đúng là ngoài cái tồi tệ nhất ra thì mọi thứ đều sáng sủa hơn, Chẳng hạn như việc tôi nhìn thấy anh trong phòng mình ngay vào lúc này. Hạnh phúc này cũng đủ bù cho nỗi cay đắng tôi vừa nhận từ cuộc đời.
“Anh bàn chuyện với ba đến đâu rồi?”
Anh vẫn còn lướt điện thoại. Có lẽ là lại có phi vụ gì căng lắm đây.
“À, cũng đang chuẩn bị dần.”
Tim tôi rung rinh. Anh đã bỏ điện thoại xuống kê hai tay dưới đầu mắt nhìn lên trần nhà. Anh nói tiếp.
“Anh đang làm hồ sơ mà nó cũng nhiều thứ lắm. Nhưng mà nếu như ba anh tính thì sẽ vào biên chế sớm.”
“Ủa, biên chế gì anh?”
“Phòng tài chính kế hoạch huyện anh đang trống một chân. Ba đang nhờ chú Sáu lo lót vụ này. Lèng èng ba cái giấy tờ bữa giờ nên hôm nay anh mới vào lại được đây.”
Cuộc đời thật kì cục. Đôi khi người với người cùng tiếng mẹ đẻ nói chuyện với nhau mà cứ như lỗi nhịp lạc phách cứ như người này nói ngoại ngữ với người kia cứ như một trong hai vừa rớt từ hành tinh nào đó xuống Trái đất. Và tôi luôn là cái đứa rớt từ đâu đâu xuống. Đắng họng quá, tôi phải rót cho mình một ly nước thật đầy mới được, tôi đã chẳng uống gì ở nhà thằng bé. Giá mà anh đừng nói gì về tụi dân văn phòng sáng xách cặp táp tới cơ quan chiều lang thang quán nhậu, đừng nói gì về tự do tài chính, đừng nói gì về lí tưởng. Giá mà như thế thì tôi đã không nghe chát đắng thế này.
Tôi chẳng còn kết nối gì với thành phố này nữa rồi. Bây giờ, bắt đầu cuộc sống mới ở một nơi mới, nhiệm vụ mới, công việc mới biết đâu lại chẳng tốt hơn.
“Vậy chừng nào mình về hả anh? Còn hơn tuần nữa là đến ngày đóng tiền phòng lại rồi. Hay là em nói sớm với chị chủ nhé.”
“Không được.”
Anh choàng bật dậy sốt sắng. Giờ thì tôi đã lờ mờ hiểu ra ý nghĩa của việc anh thờ ơ với tôi khi tôi vào phòng, cũng như ý nghĩa của sự sốt sắng kia, cả ý nghĩa của cái tin giật gân anh vừa thông báo ấy nữa.
“Ý anh là ở đây là thành phố lớn, việc làm nhiều, thượng vàng hạ cám gì cũng có. Em chịu khó tìm việc một thời gian thể nào cũng ra chứ ở quê anh xin việc làm khó lắm. Với lại, kiểu sống ở quê nó không phù hợp với em đâu. Em ở thành phố này chắc chắn sẽ hạnh phúc hơn.”
Tôi nhìn ra ngoài. May mà cửa sổ không đóng sập, vẫn còn khoảng trời nhỏ cho tôi nhìn ra dù chẳng thấy gì nhiều. Tôi đã mắc kẹt trong trận dông giữa lòng thành phố này hơn hai tiếng đồng hồ, giờ thì nó đã qua nhưng nước vẫn rỉ xuống từ trời, đây đó từng giọt một. Hạnh phúc hơn? Là hạnh phúc nào?
Ngoài anh?
*
Bây giờ tôi đang ngồi ở nhà ga. Sáng nay tôi đã làm xong vài việc, những liên kết cuối cùng của tôi với nơi này. Tôi sẽ mua vé tàu. Làng quê nghèo heo hút của tôi và một vài thứ trong kí ức ập về như một trận dông. Trở về. Nơi ấy liệu có cho tôi hạnh phúc? Tôi lại nghĩ về điều anh nói, hạnh phúc, là hạnh phúc nào?
Thực ra tôi rất đơn giản. Nỗi bất hạnh của tôi, cuộc chia tay của tôi với anh cũng đơn giản nữa. Mấy nay tôi toàn nghe người ta thuyết giảng về kỉ luật không nước mắt, còn tôi, tôi nói là chia tay không nước mắt. Nhưng có lẽ chúng ta đã quá tập trung vào nước mắt trong khi vấn đề không nằm ở đó. Tôi không thấy có gì khác biệt giữa “nước mắt” và “không nước mắt”, sự tổn thương nào cũng là đau đớn cả.
An An vui vẻ, tôi đang cầm cuốn sách trên tay. Tôi đã giữ lại cuốn sách này khi bán ve chai một mớ thứ bỏ thì thương mà vương thì tội trong căn phòng ấy. Lúc sáng tôi đã đọc lại mấy trang. Càng đọc càng nghĩ về thằng bé. Tôi thực sự muốn gửi cuốn sách này cho nó, như một món quà cuối cùng. Phải rồi, giờ này thằng bé chắc đã đi học về và đang ở nhà. Tôi tin giữa tôi và thằng bé có điều mà người khác không thể hiểu được. Đơn cử là một sự tổn thương mà chúng tôi không có quyền phản kháng.
Tổn thương. Liệu tôi có làm thằng bé thấy tổn thương khi tôi biến mất cùng lời hứa về “An An vui vẻ”? Không được, tôi không thể rời đi thế này được, tôi phải giữ lời hứa với thằng bé. Và tôi chỉ đến gửi cuốn sách này mà thôi. Nhất định thế.
*
Tôi bấm chuông. Tay cầm sẵn cuốn sách, miệng đã soạn sẵn câu cần nói. Chỉ một câu thôi. Tôi lẩm bẩm phải đến chục lần mới có người đi ra. Nhưng không phải là chị ấy. Một người phụ nữ trẻ măng ra mở cổng.
“Anh chị chủ không có nhà. Em là gia sư của cu King. Chị có cần em nhắn gì không hay lúc khác lại ghé.”
Cuốn sách nằm bất động trong tay tôi, nó bắt đầu hoá thạch.
Trời lại bắt đầu làm dông, mưa lắc rắc. Tôi tạt vào một trạm đợi xe buýt ngồi dưới mái che. Tôi thật không tìm được cho mình một định nghĩa nào về hạnh phúc, hay một cái gì đó dễ hiểu về hạnh phúc. Anh từng nói với tôi câu nói mà anh thích nhất của Steve Jobs “hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ” và bảo đó là chìa khoá để có một cuộc đời hạnh phúc.
Có tiếng huýt gió bên tai tôi. Giờ tôi mới sực tỉnh. Một cơn dông đang quét qua thành phố. Điện đèn loang loáng. Người người ngập ngụa trên những con đường như dẫn về vô tận.
“Uầy, đi đâu mà mắc mưa thế?”
Tôi quay sang. Trước mắt tôi là một người đàn ông với cái áo sơ mi ướt nhẹp, nước từ mái tóc loà xoà rỏ xuống miên man. Tôi liếc nhanh. Có một con xe dựng sát ghế chờ. Có một con người vừa mắc kẹt giữa cơn dông, giống như tôi. Anh ta nhìn tôi như chờ đợi một câu trả lời...
Báo Văn Nghệ số 25/2024