Sáng tác

Dưới chân cầu Khụ. Truyện ngắn của Vũ Minh Nguyệt

Vũ Minh Nguyệt
Truyện
15:00 | 29/11/2024
Baovannghe.vn- Gần tết, những cây mận ở góc vườn bắt đầu chồi ra những đám nụ bé tẹo teo trên cái cành khẳng khiu mầu nâu sẫm. Rồi những cái nụ ấy đồng lọat bật tung ra bó bít thân cây trắng xóa như hoa tuyết. Khi nào những quả bé tẹo xanh xanh mầu ngọc bích đậu chit chi trên cành thì mầm non của lá mới bắt đầu nảy nở.
aa

Những ai có dịp đi qua cây cầu Khụ, để vào trang trại nhãn nổi tiếng ven con sông Đào Thôn huyền thoại. Bạn sẽ gặp một xóm ven đồi chắn ngay trước mặt, ở đấy có một cửa hàng sửa chữa loa đài uy tín, ông chủ mến khách là người đàn ông thọt một chân. Thực ra, khi mới sinh, Huân là một đứa bé lành lặn, nhưng sau một cơn sốt, cái chân phải của Huân bị teo, rồi liệt hẳn. Vậy là Huân nhảy lò cò giống trẻ con chơi trò với nhau. Cái chân teo tóp, như một mẩu thịt thừa, cũng chả thấy sao, nếu có đứa nào vô ý đụng vào, Huân còn nhe nhởn cười. Bọn trẻ gọi luôn cái tên “Huân thọt”. Bố mẹ không hề thích cái tên ấy, nó cứ gợi lại sự thiệt thòi thương xót sao sao ấy. Nhưng mãi rồi cũng quen, cả nhà không ai để ý đến cái chân thiếu hụt của Huân nữa…

Dưới chân cầu Khụ. Truyện ngắn của Vũ Minh Nguyệt
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trong làng, bọn trẻ khác chăn trâu, còn Huân chăn bò. Loài vật da vàng, sừng ngắn khôn ngoan, sạch sẽ hơn những chú trâu kềnh càng da đen đúa rất nhiều. Chăn bò cũng nhàn hạ hơn, chúng chả mấy khi ăn ở nơi trũng, vậy là Huân có nhiều thời gian đọc sách, cậu đọc bất cứ thứ gì lọt vào mắt, kể cả mảnh báo “Dân tộc” rách nát mẹ cậu dùng để gói đỗ đen. Tóm lại là hơn chục năm, Huân không hề bận tâm đến cái chân đã chết. Quen trò nhảy như vậy nên các cuộc thi trò chơi, bao giờ Huân cũng thắng trừ chơi bóng đá. Những trò nghịch ngợm chả bao giờ cậu chịu thua kém, lúc bọn trẻ trèo tường vào vườn cây các cụ bứt trộm ổi, Huân trèo nhanh hơn, cậu dựa cái nạng vào bậc đá, bám tay lên, vèo cái, đã ngồi chồm hỗm trên bờ tường, rồi khều khều cái nạng, tụt vào trong, tiện quá. Vào bên trong, lại gác cái nạng, đu một phát lên tận cành phía trên, một lũ bên dưới giơ mũ, giơ nón lên hứng, vậy là ổi chín, ổi ương cứ bay vèo vèo xuống, đầy mũ, đầy túi, lại công kênh nhau trèo qua tường rào nhảy ra ngoài. Mấy đứa còn đang hì hục tìm chỗ bấu để trèo ra, Huân đã đứng bên ngoài cười nhăn nhở. Bọn trẻ con chơi đánh quay thi, chưa bao giờ thắng được Huân thọt. Thật lạ, cậu đứng bổ có một chân, mà cái cù bằng gỗ nhãn chắc nịch quay tít mù. Buổi trưa mùa hè, trẻ con trong xóm nhỏ tụ tập đẽo cù, chặt khăng, cho chào mào ăn, rộn rã một đoạn đường nhỏ nơi chân đồi, ngay dưới chân cầu Khụ.

Ông trời thật công bằng khi lấy đi của Huân một cái chân lại bù cho cậu đôi tay khéo léo và cái đầu thông minh ít đứa trẻ nào sánh kịp. Huân như thủ lĩnh của lứa trẻ con trong làng.

Thời gian như nước chảy bèo trôi, Huân đã thành một chàng trai bảnh bao, cường tráng trừ cái cục thịt thừa cứ nhăn nheo lại, vô tri vô giác trong ống quần.

Từ ngày làng xây cái sân bóng mới, có sân bóng thì bọn choai choai đá đấm suốt ngày, hết tốp này đến tốp khác. Lần này thì Huân chịu thật rồi, có muốn cũng chả đá được. Mấy hôm đầu Huân ngồi trên đống gạch kiếm được cái loa thuyết minh như giải bóng đá quốc gia, làng trên, xóm dưới ai cũng lắng tai nghe. Xóm Ven Đồi không đìu hưu xa vắng nữa.

Những ngày nông nhàn, bọn chúng kéo nhau đến quán Karaoke, hát hò ì ỗng chán rồi kéo nhau về, bên cạnh mỗi anh chàng lại có một cô nàng ríu rít. Lúc hát trong phòng tối, bọn con gái chanh nhau ngồi bên, hát đôi với Huân thọt, hoặc chúng ngồi nghe Huân hát rồi đu đưa hát theo. Nhưng ở ngoài đường, chả có đứa nào muốn khoác vai một thằng thọt. Đi hết rồi, phòng hát còn lại một mình Huân, chai cốc lăn lóc dưới sàn, mùi bia cỏ đổ ra khai nồng nặc, đống vỏ trái cây lả tả vương dưới chân. Huân thọt hát, gào lên trong Mic. Chỉ có một mình, có gào lên cũng không ai gào theo.

Tự nhiên đôi mắt thông minh lấp lánh của Huân trở nên buồn bã rồi cụp xuống. Buồn và chán, trăng ngoài kia sáng lắm, phía chân đồi gió thổi hưu hưu, dưới những lùm nhãn là bóng đêm trùm kín, hoa nhãn thơm như mùi mật chín phảng phất quyện đan đồng lõa. Bọn chúng nhấm nháy nhau tìm nơi riêng tư kín đáo nhất.

Gần tết, những cây mận ở góc vườn bắt đầu chồi ra những đám nụ bé tẹo teo trên cái cành khẳng khiu mầu nâu sẫm. Rồi những cái nụ ấy đồng lọat bật tung ra bó bít thân cây trắng xóa như hoa tuyết. Khi nào những quả bé tẹo xanh xanh mầu ngọc bích đậu chit chi trên cành thì mầm non của lá mới bắt đầu nảy nở. Cụm lá dong bên bờ ao vừa bị cắt trơ cọng sắc nhọn hăng hăng mùi nhựa mới, người làng tranh thủ gieo nốt mảnh mạ để ăn chơi mấy ngày tết. Bạn bè của Huân nhắn nhe rủ nhau về gần đủ. Đứa com lê ca vát, có đứa chỉ phong phanh sơ mi, trông đứa nào cũng bảnh bao ra dáng.

Đêm giao thừa, ông bố bắt gặp Huân thẫn thờ bên cửa sổ. Hiểu nỗi niềm của con trai, ông bảo: “Đứng đấy làm gì cho lạnh con?”. Cậu chui vào chăn im thin thít. Cả cái tết ấy cậu buồn bã cắm mặt vào đống đài bán dẫn hỏng mà chẳng làm cho lành lặn được cái nào.

Ăn tết xong, xóm Ven Đồi vắng vẻ, đứa thì lên đường nhập ngũ, đứa lại lên thành phố học ôn để thi năm nữa, những đứa khác theo nhau đi xây, đi làm thợ kiếm tiền. Xóm ven đồi còn lại Huân và mấy đứa con gái, đội bóng cũng tan rã, cái sân nhẵn lỳ mịn đất cỏ gấu mọc xanh um. Chỉ thỉnh thoảng mấy đứa trẻ con mang bóng nhựa ra chanh nhau sút. Mặc kệ bọn trẻ, Huân chả thèm để mắt.

Chàng trai chủ hiệu sửa đài cứ thẫn thờ ra vào, đôi mắt tư lự nhìn ra ngoài ngõ.

Bên nhà hàng xóm có cô bạn gái. Tóc cột cao trên đỉnh đầu như cái đuôi ngựa, chạy soạt soạt trên cái máy đa năng, tự nhiên Huân có ý nghĩ, giá như có đủ hai chân, mình sẽ chạy 10 vòng, 20 vòng quanh cái sân bóng ngoài kia. Rồi mình sẽ vào đội tuyển bóng đá quốc gia, sẽ nổi tiếng hơn cả Công Vinh, Văn Quyến, cả thế giới sẽ biết đến mình. Bên kia tường Liên vẫn chạy soàn soạt, mồ hôi ướt dính chặt áo thể thao mầu da trời. Thân thể tròn lẳn tươi mơn mởn. Ngắm cô em hàng xóm, ý nghĩ độc ác chợt đến trong đầu: “Giá như cô ấy cũng bị khuyết tật gì đó, sẽ vừa đôi phải lứa với mình”. Vậy là cứ rảnh rỗi, Huân lại ra bên cửa sổ ngóng sang vườn nhà hàng xóm. Như một sự tra tấn hành hạ dã man nhất dành cho Huân.

Huân trở nên tương tư cô hàng xóm nhưng bên ngoài vẫn tỏ ra rất bình thản. Một hôm, Liên đi gặt về, bỏ cái khăn gấp chéo buộc ngang trán, mồ hôi bết những sợi tóc mai lại, hai má ửng hồng, khuôn mặt Liên bừng lên như quả táo chín. Huân đứng bên vườn, dưới gốc cây nhãn ngắm say sưa quả táo chín ấy. Dường như không chịu được nữa, cậu chống nạng bước ra vườn mía, giả vờ rứt những cái lá chưa kịp già úa, miệng huýt sáo vang một bản nhạc quen thuộc.

Liên cũng chả lạ lẫm gì bản nhạc vui nhộn của người huýt sáo, cô đi ra bờ giếng thả cái gầu xuống kéo nước, nheo nheo mắt nhìn Huân cười rõ tươi:

- Nay nắng anh nhỉ?

- Ừ…em gái đi gặt về sớm thế?

- Em trốn nắng mà

- Cố làm đi, mai kia lấy chồng lại ko giúp được bố mẹ nữa

- Có ai lấy em đâu…

“Có ai lấy em đâu” sao mà yêu thế, giá mà anh được làm ai nhỉ? Trong lòng trào dâng một cảm giác thật khó tả. “Có ai lấy em đâu”, Huân được vui cả mùa hạ, cậu hì hục làm những cánh diều thật đẹp cho bọn trẻ con. Chiều đến, Huân đưa bọn trẻ ra đồi, những cánh diều vi vu, vút cao. Huân thả luôn cả lòng mình lên không trung vào những cánh diều chấp chới. Mùa trái chín, chào mào tu hú ở đâu kéo về, kêu ríu ran trong những vườn nhãn, vườn na. Xóm nhỏ ven đồi rộn lên. Người ta đánh xe bò về thu mua nhãn, bánh xe lăn nghiến xuống đường đồi trèo trẹo. Trong đám ấy có cả những chàng trai trẻ, họ buộc cái khăn sọc đen quanh đầu như thợ đấu, chàng nào cũng đeo kính đen và phì phèo thuốc ba số.

Chưa có năm nào, vườn nhãn nhà Liên sai như vậy. Từng chùm từng chùm trĩu xuống, phủ kín cả lớp lá già xơ xác dồn mật ngọt nuôi những cùi trắng ngần mọng nước. Lúc chưa vào mùa, khách vãng lai đã qua lại, ngó nghiêng rồi đặt cọc sẵn. Họ chanh phần mua giá cao hơn những nhà khác. Thường, mọi năm, ông bố của Liên chỉ bán cho người quen, họ đến có khi nấu cơm ăn rồi ngủ lại, thu hoạch xong những túm nhãn cuối cùng cũng là lúc tình cảm khách nhãn và người trong xóm đồi đã chan hòa thân thiết.

Năm nay, người ta đến đông nhưng khách mua quen không còn sở hữu được vườn nhãn trĩu trịt kia nữa. Được người giới thiệu, Tấn viết giấy đặt trước ít tiền mua trọn cả vườn. Tấn không thắt cái khăn thợ đấu trên đầu như những chàng trai khác. Tấn phi xe SH đến, đỗ dưới bóng mát của những lùm nhãn trong góc vườn. Tấn ngã giá xong thuê đám thợ bẻ xuống và bóc rồi đắp lò ngoài bãi sông sấy khô. Ông chủ nhãn mặc quần Jean và áo Lacoste, đeo kính mắt đen giọng chạm trổ đôi rồng quấn quằn quại lang thang khắp xóm ven đồi. Chiều nào, Tấn cũng ôm đàn ra bãi sông vừa gảy phừng phừng vừa hát. Hàng chục gái làng tụ tập đến nhà Liên, rúc rich cười mãi tận đêm khuya.

Bấy giờ đang là mùa thu, cái nắng hanh vàng chan chứa như mật ong rải xuống xóm thôn làng mạc. Nắng muộn hắt bên sườn đồi như một dải lụa óng ánh vàng rực rỡ. Xóm nhỏ ven đồi đang say mùa quả ngọt, bao nhiêu đôi lứa, ở xa về tìm cảnh chụp ảnh kỷ niệm. Huân yêu những tia nắng mặt trời rực rỡ xuyên vào lòng con sông cạn trước nhà. Cây cầu Khụ dập dìu người qua lại. Chiều nào cũng vậy, nắng cứ lặng lẽ khuất dần, khuất dần rồi lẫn vào hoàng hôn. Cất dấu một ngày trôi vào đêm tĩnh lặng…

Bà mẹ hài lòng vì đã sinh ra được thằng con trai chăm chỉ và khéo léo. Không lành lặn thì đã sao. Huân chẳng phải đi đâu lặn lội kiếm việc xa xôi làm gì, Huân sẽ ở bên bố mẹ mãi mãi. Đầu tiên là sửa ngôi nhà cho khang trang rồi hỏi cho thằng con một cô vợ, đấy là ý định của bố mẹ Huân.

Sửa nhà, Huân dọn cho mình một góc nhỏ sát đường đi, có cửa sổ be bé trông ra vườn. Càng tiện, muốn nói chuyện với Liên, Huân chỉ việc mở cánh cửa sổ là hai anh em có thể chuyện trên trời dưới bể mà chẳng ai biết. Mà thiên hạ có biết càng tốt, chỉ có điều Liên quá ngoan ngoãn như một đứa em gái, nói gì cũng vâng dạ vô tư, và cười tươi, làm cho cái lõm đồng tiền xoáy xuống, cuốn theo ánh mắt đờ đẫn say đắm của Huân.

Một đêm thu khó ngủ…Huân nằm nhìn lên trần nhà, nghĩ vơ vẩn về những đứa bạn cùng thời đã ra đi khỏi làng, đứa thì lên đường nhập ngũ, nhiều đứa học xong đại học, cũng tìm mọi cách ở lại thành phố. Không có đứa nào về lại xóm ven đồi, cây cầu Khụ im lìm phủ một lớp bụi dày trên mặt những tấm đá ghép xám buồn . . Lặng im nghe tiếng bước chân ai khe khẽ ngoài đường. Họ dừng lại bên cạnh cửa sổ ngay lối rẽ vào nhà hàng xóm, họ nói chuyện rì rầm rồi cười với nhau rúc rich... trái tim Huân đập loạn xạ, chàng ngồi dậy he hé mắt qua kẽ cửa…Liên đang tựa đầu vào vai chàng trai buôn long nhãn, họ say sưa hôn nhau... rồi tiếng cười khúc khích rồi tiếng nũng nịu xa dần… xa dần.

Lần đầu tiên trong cuộc đời, Huân nguyền rủa cái chân thọt của mình. Nước mắt chảy ra, Huân úp mặt xuống gối khóc rưng rức. Không thể như thế này nữa. Chỉ tại cái chân chết tiệt.

Sau cái đêm thu ấy…

Huân quyết định đến bệnh viện. Ông Bác sỹ sờ nắn bên chân thọt của chàng hỏi:

- Có thấy cần thiết phải cắt bỏ nó không?

Mọi ý nghĩ đều để vào cái cục thịt thừa, tự nhiên Huân căm ghét nó vô cùng. Ý chí nung nấu, phải phẫu thuật cái chân, cắt đi cho bằng được. Bây giờ công nghệ tiên tiến lắm, đeo một bên chân giả là xong ngay.

- Cháu nghe nói, nhiều người đi bằng chân giả y chang chân thật.

Ông bác sỹ phì cười:

- Không đơn giản thế đâu chàng trai ạ.

Cháu có thấy đau, nhiều hôm cháu còn thấy nhức nhối nữa cơ.

Bác sỹ quyết định cắt đi khúc thịt thừa ấy, rồi giới thiệu cậu đến trung tâm chỉnh hình tậu một cái chân giả, đảm bảo công nghệ cao y như chân thật.

Cuộc phẫu thuật tiến hành sau đó vài ngày, tỉnh lại Huân cứ nhìn chằm chặp vào cái ống quần lủng lẳng, dù trước đó nó là cái khúc thịt thừa vô tích sự, nhưng nó vẫn là một cái chân. Và cơn đau hành hạ cậu đến khổ sở. Mày chết rồi, đừng hành hạ tao nữa, chả có ý nghiã gì đâu, đau nữa thì tao vẫn chịu đựng được, Huân thầm nghĩ như thế, rồi lén cất những viên thuốc ngủ vào túi áo…. Không ai hiểu sẽ có lúc Huân cần đến nó.

Ra viện, cậu không về nhà mà phi thẳng lên thành phố tìm mua cái chân giả. Thêm một lô quần áo hợp với cái chân mới nữa, Huân hoan hỉ tưởng tượng đến giây phút được ung dung sải bước trên những con đường thênh thang của xóm ven đồi. Hẳn mọi người sẽ ngạc nhiên, Huân sung sướng nghĩ đến cái chân giả, “Công nghệ mới, khoa học kỹ thuật tiên tiến, người ta sẽ làm cho mình cái chân mới đảm bảo như thật”.

Ôi cái chân mới tuyệt vời làm sao? Huân ôm ghì lấy cái chân giả, lòng phơi phới như vừa được sinh ra… từ nay ta sẽ là một chàng trai lành lặn, có khi còn đá bóng được ấy chứ. Cậu cảm thấy yêu quý cái chân giả hơn cả cái chân thật của mình. Cảm ơn mày, vậy mà tao đã quên, giá như có mày mấy năm trước, bây giờ… ôi. Cứ như vậy, Huân ngắm nghía, vuốt ve cái chân giả của mình. Tháo ra, lắp vào, Huân chỉ chờ mọi người đi ngủ, sẽ đi thử. Chàng sung sướng như được chắp đôi cánh bay lên, như một vùng thảo nguyên mênh mông đầy nắng, đầy gió, đang đợi con đại bàng… Huân đã thiếp đi trong niềm hứng khởi vô biên, cậu quên khuấy cả gói thuốc ngủ trong ngăn bàn.

Huân may mắn kiếm được cả lô hàng hỏng, mấy tháng liền chàng cặm cụi sửa chữa lắp và bán, số tiền thu được thật đáng kể. Cắm cúi làm Huân cũng thấy đỡ chán, chỉ thỉnh thoảng Huân mới đứng dậy chống nạng ra ngõ nhìn trời đất một lúc lại cắm mặt vào đống đài đóm ở góc nhà. Hôm đứng tì tay vào nạng gỗ nhìn sang vườn nhãn nhà hàng xóm. Đâu rồi, trái mọng trĩu cành thân thiết. Vắng rồi những riú ran của lũ chào mào tu hú. Người mua nhãn lái SH đi xa không quay lại. Người ta đã thu hái xong, tự lúc nào, khu vườn trơ lại cành cây và những đám lá khô xơ xác. Nhãn có đau không khi trút hết mình vào quả ngọt, Huân thẫn thờ tiếc nuối mùa đi qua.

Nào, anh bạn, lên đường thôi.

Huân thì thầm với cái chân giả như vậy rồi tháo lắp và bắt đầu tập đi. Nhất định ta sẽ đi được. Nhưng cái chân không thèm nhúc nhích, Huân nhảy cóc từng bước, cái chân vẫn oặt ẹo rồi tự rời ra.

Bực mình quá, nhất định mày sẽ phải khuất phục tao. Huân chồm lên phía trước, sao nó tệ thế, mệt Huân ngồi thở một lúc rồi lại dò dẫm đứng dậy, lấy hết sức Huân tháo ra, lắp vào. Cái chân vẫn trơ lì như không, đầu mẩu thịt thừa vẫn vô nghĩa…Huân thở hồng hộc rồi ngã lăn ra, bên chân phải đập vào cái chân giả đau điếng. Sư bố mày, tao chưa quen thôi, nhưng tao sẽ cố, Huân lại lồm cồm bò dậy, chỉ vì chưa quen. Nhấp một hớp rượu, người nóng sực, lại cố nhé, không thể thất bại được. Một ý nghĩ điên cuồng với cái chân giả… nó sẽ như một đôi cánh thiên thần tung bay trên thảo nguyên lộng gió. Vô ích, đôi cánh thiên thần vẫn không hề nhúc nhích. Cái chân đã chết rồi, thực sự thì nó đã chết từ lâu rồi.

Huân ngã vật xuống giường, tiện thể, đá phắt cái chân giả lăn lóc dưới nền không thương tiếc. Huân vùi mặt vào gối khóc không thành tiếng, trong sự bất lực hoàn toàn, cậu nghĩ đến gói thuốc ngủ có dễ mấy chục viên…

Mẹ của Huân thức dậy sớm hơn mọi ngày. Lòng bà như lửa đốt, bà mở cửa phòng con trai, tay bưng cái khay, một tô mỳ nấu rau cải với thịt bò tươi, thêm một cốc nước chanh với tấm lòng yêu thương vô bờ bến. Nhưng bà đã hét lên rồi ngất xỉu. Tô mỳ đổ tung tóe, mấy cái mảnh vỡ bắn vào người Huân đang nằm sùi bọt mép tím tái trên gường. Đầu cậu vẫn để trên gối, nhưng cái chân duy nhất vắt ngang gường và 1 cánh tay sõng sượt bên cạnh.

Người ta đưa Huân vào bệnh viện cấp cứu, đặt máy thở, tiêm rồi truyền dịch. Mấy chục lít nước muối sinh lý bơm vào rồi tháo ra. Cậu nằm bẹp dí xuống cái nệm ga trắng toát, mặt mày tái xanh như đít nhái. Cái máy đo nhịp tim vẫn chạy yếu ớt, nhưng chẳng còn chút hy vọng gì đâu. Phòng cấp cứu lạnh, sực nức mùi cồn, mùi e te, và cả mùi tử khí của một bệnh nhân vừa đưa xuống nhà xác nữa…

Mẹ của Huân cũng được ai đó đưa đến bệnh viện, bà gục đầu trên cái ghế ngoài cửa phòng, khóc không thành tiếng.

“Tại sao con lại làm như vậy?” Bà cứ lặp đi, lặp lại mãi câu hỏi ấy.

Ông bố toát cả mồ hôi, mặt cắt không còn giọt máu. Ông ngồi phịch xuống cái ghế trước cửa phòng cấp cứu, ngay gần gường của con trai nằm. Con trai ông đã được người ta cắm cái ống dây truyền chằng chịt một bên tay, và cả trong miệng nữa.

“Khó lắm, chẳng còn hy vọng nữa, sao cậu ấy dại thế? Nghề điện tử đang hái ra tiền vậy mà…”

Mãi tới chiều, mọi người tưởng như Huân không thể qua được thì đôi mắt rợp mi khẽ động đậy, đôi môi nhợt nhạt mấp máy.

Ông bố đứng xô dậy ghé sát vào khuân mặt nhợt nhạt im lìm của con trai, giọng tắc nghẹn:

“Con ngủ đi, bố đây mà”.

Huân khẽ cựa mình rồi lại lơ mơ chìm vào cõi vô thức. Bà mẹ đứng ngoài cửa thấy vậy xô cô y tá rồi dúi dụi bước vào, bà khóc nấc lên. “Con ơi!” Sức mạnh của tình mẫu tử đã lôi Huân từ cõi chết trở về… Đôi môi lại mấp máy... “nó có sống được không... lạy trời cứu con tôi...” Người ta đẩy bà mẹ ra ngoài, bà nghẹn ngào ngoái đầu lại: “Con ơi…”.

- Mời ông bà ra ngoài, chúng tôi sẽ cố giắng cứu anh ấy... vấn đề bây giờ là tùy thuộc vào chính anh ấy có muốn sống hay không.

Ông bố níu tay vị bác sỹ trẻ: “Xin hãy cứu con tôi… nó dại dột”. Ông sững lại lại vài giây trên khuôn mặt của vị bác sỹ trẻ... Hình như… hình như nó chỉ bằng tuổi Bác sỹ thôi… nó còn trẻ lắm.

Chàng bác sỹ cúi xuống tránh cái nhìn của ông già.

Ông bố ngồi một mình, cách xa cửa phòng hồi sức một đoạn. Vợ ông vẫn khóc tức tưởi. Trong phòng, Huân cố giẳng mở mắt và cố giắng mấp máy đôi môi khô và nặng nề.

Sang ngày thứ ba, Huân đã tự mở mắt và thều thào nói được, tuy nhiên giọng vẫn còn yếu ớt lắm. Người ta vẫn truyền dịch vào cơ thể gầy gò của cậu. Bà mẹ bớt khóc lóc, bà đã linh cảm có một cái gì đó, mông lung diệu vợi sẽ sảy ra từ khi bà bắt gặp ánh mắt tư lự của con trai nhìn con bé hàng xóm ngồi vắt vẻo sau cái xe SH của người mua nhãn. Bà đâu biết rằng, đã có những đêm mùa thu, con trai bà không ngủ…

Huân vẫn nằm như ngày mới vào, hai con mắt mở chòng chọc. Tay vẫn cắm đầy ống dây truyền. Thấy Liên, Huân kinh ngạc nhìn lên, Liên khẽ vén áo ngồi xuống bên cạnh, nắm lấy bàn tay hơi lạnh của Huân, xoa nhè nhẹ. Khuôn mặt Huân tươi tỉnh đôi chút, những ánh hồng nhợt nhạt rõ dần. Cậu khép hờ hai mắt, giả vờ bình thản như người đang ngủ. Liên buông tay Huân ra, rồi gọi khẽ, Anh Huân, Anh…Huân nhắm chặt mắt lại, chỉ có đôi môi thả ra từng tiếng thoang thoảng nhẹ nhàng như tiếng gió.

- Đừng… Anh rất xấu hổ… anh… ích kỷ quá phải không?

- Anh ngủ một chút đi.

Liên vẫn ngồi như thế đến lúc chai dịch chỉ còn một chút dưới đầu nút, cô y tá đi vào thay chai mới, Liên cúi xuống thì thầm:

- Anh nghỉ đi, mai em lại vào…

Liên khẽ khàng đứng dậy định bước ra thì Huân mở mắt:

- Cảm ơn em, đừng vào nữa, anh ổn rồi.

Tối hôm ấy ông bố vào thăm, thấy con trai tươi tỉnh và nói chuyện được, ông bố nâng cậu con trai dậy, kê 2 cái gối cho cậu tựa lưng, tay ông đụng vào cái đầu mỏm chân đã bị cắt, Huân không có cảm giác gì nhưng bố cậu thấy đau nhói.

Một tuần sau Huân hồi phục hẳn, cậu ngồi trên gường, thả cái chân lành lặn xuống dưới, khẽ khàng tháo lắp chiếc đài bán dẫn hỏng của bác bệnh nhân gường bên cạnh. Khi có người hỏi sao lại sảy ra cơ sự này. Huân trả lời nho nhỏ: “Trời tối quá, em uống nhầm thuốc”.

Trên trần nhà, có con Thạch sùng ngó ngó nghiêng nghiêng lơ láo cái mắt lồi, nhanh như chớp, nó đớp được một chú nhện bé tẹo đang nhả tơ. Cái giống tệ vậy. Không phải mình Huân chăm chú nhìn con thạch sùng, mấy ông già trong phòng cũng đợi nó chui vào khe cửa mới thôi. Một ông già kể: “Cái giống nó đến lạ, đày õng một bụng rồi vẫn kiếm thêm mồi về cho con cái đấy. Vậy mà giao phối xong, nó bị con cái cắn chết ngay lập tức… Giống cái nó tệ vậy”. Ông già khác dở mình xong cũng góp chuyện: “Cái giống cái, bao giờ cũng ác”. Huân chỉ mỉm cười.

Ánh nắng xuyên qua cửa sổ, ngoài kia, buổi sáng tháng tám xao động, trong nhịp điệu trầm lắng của đời sống, hương quế bốc thơm lừng, Huân nhớ về xóm ven đồi, lại một mùa nhãn sắp ra hoa.

VN1+2/2016

Bản tin Văn nghệ ngày 29/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 29/11/2024

Baovannghe.vn - Tối 28.11, tại Nhà hát Hồ Gươm, Đoàn nghệ sĩ Nhà hát Ballet quốc gia Cuba đã biểu diễn tại Nhà hát Hồ Gươm. Tổng Bí thư Tô Lâm và phu nhân dự chương trình
Thuở cỏ đang xuân

Thuở cỏ đang xuân

Baovannghe.vn - Lao động sáng tạo, là sự phấn đấu tột cùng của mỗi người nghệ sỹ. Vũ Quần Phương là người luôn có ý thức vươn lên với chính mình, làm mới mình...
Hà Nội sẽ xây dựng nhà hát trị giá 10.000 tỉ VNĐ

Hà Nội sẽ xây dựng nhà hát trị giá 10.000 tỉ VNĐ

Baovannghe.vn - Quy hoạch chi tiết khu vực trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An có điểm nhấn là sẽ xây dựng một nhà hát có quy mô lớn, hiện đại, tiêu biểu cho thủ đô.
Một năm - Thơ Tùng Bách

Một năm - Thơ Tùng Bách

Baovannghe.vn- Một năm đóng cửa/ chả dạy nhau được gì
Ban nhạc Rock nổi tiếng - Imagine Dragons sẽ biểu diễn tại Hà Nội

Ban nhạc Rock nổi tiếng - Imagine Dragons sẽ biểu diễn tại Hà Nội

Baovannghe.vn - Imagine Dragons, một trong những ban nhạc nổi tiếng nhất thế kỷ 21 sẽ biểu diễn trong Lễ trao giải VinFuture 2024 được tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm, Hà Nội.