Sự kiện & Bình luận

Đường về Tổ quốc. Ký của Trình Quang Phú

Trình Quang Phú
Bút ký phóng sự
08:55 | 03/09/2024
Baovannghe.vn - Trong 30 năm bôn ba, Bác đã đón 30 mùa xuân. Nhiều mùa xuân cô đơn, khó khăn, khổ nhục, nhưng cũng có những mùa xuân lịch sử đáng nhớ: xuân 1922
aa

XUYÊN DỌC TRUNG QUỐC

Một ngày cuối tháng 9 năm 1938[1], Bác được Ban Thường vụ Quốc tế Cộng sản quyết định giao nhiệm vụ về Việt Nam để lãnh đạo phong trào cách mạng. Tình hình thế giới lúc đó rất khó khăn, ở Tây Âu Hitle tấn công Áo, ở Tây Ban Nha nội chiến xảy ra kéo dài; Nhật Bản chiếm dải phía Đông đất nước Trung Hoa. Đảng Cộng sản Trung Quốc giữ vững mặt trận phía Tây và kết nối với Liên Xô. Quốc tế Cộng sản chỉ đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc hỗ trợ Bác trở về Việt Nam theo con đường xuyên trục Bắc Nam của Trung Quốc.

Đường về Tổ quốc. Ký của Trình Quang Phú
Urumqi – thủ phủ của Tân Cương. Ảnh Internet

Chuyến xe lửa đưa Bác về phía Đông, vẫn con đường mà năm 1924 Bác đã đi để đến Vladivostok, nhưng lần này chỉ đến phía Nam Siberia thì Bác xuống tàu để đi qua cửa ngõ Anmata vào đất nước Trung Hoa. Tuyết rơi, mùa đông đã rét, ở vùng Siberia này càng rét buốt hơn. Con đường xuyên dọc Trung Quốc bắt đầu từ chân núi Altai, nơi Tân Cương giáp Liên Xô, và đi dọc biên giới Tân Cương của Trung Quốc với sa mạc Gobi của Mông Cổ để vào tỉnh Cam Túc. Người được Đảng Cộng sản Trung Quốc phân công đón Bác ngày đó là đồng chí Ngũ Tu Quyền[2] - Chủ nhiệm Bát lộ quân ở Lan Châu của tỉnh Cam Túc. Đồng chí đã cùng với văn phòng đại diện của Liên Xô ở Lan Châu đón tiếp Bác chu đáo. Về sau, trong hồi ký đồng chí Quyền viết: “Tôi được cấp trên chỉ thị đón một đồng chí Việt Nam quan trọng từ Liên Xô qua Trung Quốc. Lệnh yêu cầu tiếp đãi chu đáo, chúng tôi bố trí chế độ tiểu táo (trong quân đội mức tiểu táo là mức cao nhất). Đồng thời, bố trí đưa Người về Diên An an toàn. Sau này gặp lại mới biết đồng chí Hồ Chí Minh chính là người mà chúng tôi đón và làm giấy tờ mang tên Hồ Quang ngày trước”.

Bác với tên gọi mới là Hồ Quang, trong trang phục sĩ quan Bát lộ quân, đã đi dọc đất nước Trung Quốc từ địa đầu phía Bắc xuống vùng cực Nam có chiều dài đến 2.500 cây số để về biên giới Việt Nam.

Ở Tây An vài hôm rồi đi Diên An, Bác cùng mấy đồng chí Trung Quốc phụ trách “hộ tống” mấy ngày chiếc xe chở vải rách (mua về để bện dép) đến Diên An. Xe này không phải là xe hơi, mà cũng không phải xe bò, vì nhiều khi phải dùng một ngựa, một lừa và một trâu cùng kéo. Mỗi ngày chỉ đi được vài chục cây số. Tối đến, trọ ở nhà nông dân, tiền phòng ngủ và tiền ăn chỉ tốn hai hào. Đi đủng đỉnh, chậm chạp như thế có hơi mệt, nhưng lại thấy được nhiều điều thú vị.

Trên đường gặp nhiều nhóm thanh niên, trai có, gái có, số đông là trí thức, từ các nơi lũ lượt kéo nhau đi Diên An. Phần vì không quen lao động, phần vì đi bộ đã nhiều nên trông họ khá mệt mỏi, nhưng họ vẫn quyết tâm hướng về Diên An - trung tâm cách mạng - như các tín đồ hướng về “đất thánh”. Họ chia thành từng nhóm giúp đỡ lẫn nhau. Hai bên đường, trên gốc cây và tảng đá, thường có những khẩu hiệu viết bằng phấn hoặc bằng than: Anh em ơi! Gần đến X... rồi! Cố gắng lên thôi!...

Diên An là một thị trấn nằm xen với núi, nhà cửa không nhiều mấy, nhưng người lại rất đông, đại đa số ở nhà “hầm” tức là đào móc vào núi đất thành những tổ tò vò khổng lồ ở được hàng chục người. Nhà hầm có ưu điểm là mùa đông thì ấm, mùa hè thì mát. Những dãy nhà hầm khoét sâu vào sườn núi. Học sinh và bộ đội ở nhà hầm. Các đồng chí lãnh tụ Đảng và Chính phủ cũng ở nhà hầm.

Về mặt cơ sở vật chất, Diên An là một nơi cực kỳ giản đơn, chất phác, khắc khổ. Về mặt tinh thần, thì Diên An là một “đất trời tự do” cực kỳ vui vẻ, sôi nổi, phấn khởi, khẩn trương. Ai cũng tích cực tăng gia, ai cũng học tập.

Trường học to nhất là trường “Kháng Đại” (Kháng Nhật quân chính đại học), trong mấy năm đã đào tạo 20 vạn cán bộ quân sự và chính trị. Cơ sở vật chất nhà trường gần như trống rỗng, không ghế không bàn. Khi lên lớp mỗi học sinh mang theo một cái ghế con để ngồi, khi ghi chép thì học sinh kê sách lên đầu gối mà viết.

Lúc đó, Diên An là đại bản doanh, tổng chỉ huy của 18 vạn quân đội cách mạng và 8, 9 khu giải phóng ở Hoa Bắc và Hoa Trung. Một không khí sôi nổi lạ thường bao trùm tất cả mọi người và biểu lộ ra trên nét mặt của mỗi người. Đoàn kết, phấn đấu, thắng lợi - đó là chí khí của Diên An, thật xứng đáng với cái tên vẻ vang mà nhân dân Trung Quốc đã tặng cho nó: “Thánh địa cách mạng”.

Vội đi Hoa Nam cho gần nước ta hơn, nên Bác chỉ ở Diên An hai tuần, rồi trở lại Tây An. Đến Tây An, Bác đi Quảng Tây, vì Quảng Đông hồi đó bị giặc Nhật chiếm. Cùng đi chuyến ấy có một đồng chí là cán bộ đảng Cộng sản Trung Quốc được phân công bảo vệ Bác. Nhưng để đảm bảo bí mật an toàn, đồng chí ấy đóng vai quan trưởng, Bác thì đóng vai trợ lý.

Đến Quế Lâm, thành phố phía Bắc Quảng Tây có sông Li chạy qua, nơi luôn có mùi quế tỏa thơm vì bao quanh thành phố là những vĩa rừng quế, có lẽ vì thế mà thành phố có tên Quế Lâm. Ở đây, có biện sự xứ của Bát lộ quân. Bác vừa tham gia công việc Bát lộ quân, vừa tìm cách liên lạc với các đồng chí trong nước Việt Nam. Các đồng chí Trung Quốc giúp Bác nhiều trong việc này.

Khi đơn vị Bát lộ quân mới đến đóng tại ngoại ô Quế Lâm, nhân dân địa phương tỏ vẻ lạnh nhạt, vì họ đã bị Quốc dân Đảng tuyên truyền. Nhưng Bát lộ quân ra sức thực hiện khẩu hiệu “hết lòng giúp đỡ nhân dân”, nên không bao lâu, thì tình cảm giữa Bát lộ quân và bà con địa phương đã trở nên “như cá với nước”.

Đến Quế Lâm, Bác gặp tướng quân Diệp Kiếm Anh. Thông qua cuộc gặp này, Bác biết nhiều về tình hình Trung Quốc trước âm mưu thâm độc của các thế lực phản động đang bắt tay với Nhật.

Từ Quế Lâm, các đồng chí Trung Quốc giúp Bác qua Liễu Châu, xuống Nam Ninh và về Long Châu sát biên giới Việt Nam, nhưng cũng không gặp được các đồng chí trong nước cử sang. Bác phải ngược lên Quý Châu, rồi trở lại Quế Lâm[3]. Đồng chí Lý Bội Quần của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong hồi ký, theo bản dịch của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia có đoạn:

“Vào khoảng tháng 10, tháng 11 năm 1939, tôi nhận nhiệm vụ từ Quế Lâm qua Việt Nam đi Hồng Kông. Trước lúc lên đường, đồng chí Lý Khắc Nông gọi tôi lên, nói cho tôi rõ cương vị đích thực của đồng chí Hồ Quang và giao thêm cho tôi một nhiệm vụ nữa là tiện đường dẫn đồng chí Hồ Quang đến Long Châu, bắt liên lạc với người của tổ chức Đảng Việt Nam từ trong nước phái ra tìm đồng chí Hồ Quang. Thế là tôi hộ tống đồng chí Hồ Quang rời Quế Lâm, qua Liễu Châu, Nam Ninh đến Long Châu, suốt dọc đường hết sức cẩn thận. Sau khi đến Long Châu, chúng tôi ở lại một quán trọ nhỏ trên bờ sông. Nhưng chờ mãi ba ngày cũng không thấy có đồng chí đến chắp nối với Hồ Quang, Hồ Quang đành theo đường cũ quay lại Quế Lâm. Còn tôi thì từ Long Châu sang Việt Nam rồi đi Hồng Kông. Lần ấy không giúp đồng chí Hồ Quang chắp nối được với tổ chức, tôi cứ lấy làm tiếc mãi. Đến đầu thập kỷ 60, đọc được bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc, tôi mới biết rằng lần đó vì người ở Việt Nam cử sang Long Châu đã bị lừa lấy mất sạch tiền nên đã trở về Việt Nam ba hôm trước khi Hồ Quang và tôi từ Quế Lâm đến được Long Châu”[4].

Không bắt được liên lạc với trong nước, các đồng chí Trung Quốc cho biết ở Côn Minh của tỉnh Vân Nam có nhiều việt kiều, và ở đó có bộ phận hải ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam. Bác nhờ tỉnh ủy Quảng Tây giới thiệu tìm cách liên lạc hỗ trợ để Bác đi Vân Nam.

Ở CÔN MINH

Đường về Tổ quốc. Ký của Trình Quang Phú
Một góc thành phố Côn Minh- Trung Quốc. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Bác đến Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam vào giữa ngày xuân năm 1940. Côn Minh là vùng núi cao, cao hơn mặt nước biển đến gần 2.000 mét, và là nơi bằng phẳng, núi ở phía xa, có nhiều hồ lớn đầy nước quanh năm. Mùa xuân, ở Côn Minh hoa Anh Đào, hoa tu líp và các loại hoa tưng bừng khoe sắc. Bộ phận đại diện hải ngoại của đảng Cộng sản Đông Dương đóng ở Côn Minh. Theo sự chỉ dẫn của các đồng chí tỉnh ủy Quảng Tây, Bác trong vai ký giả với bộ trang phục sang trọng, áo vét, cà vạt, giầy da, mũ phớt, tìm đến hiệu dầu cù là Vĩnh An Đường ở phố Kim Mã của thành phố Côn Minh.

Bước vào cửa tiệm Vĩnh An Đường, thấy một người công nhân đang dọn dẹp ở gần cổng và một người khác đang ngồi đọc sách ở hành lang phía trong, Bác hỏi thăm người công nhân bằng tiếng Trung Quốc:

- Tôi muốn tìm ông Trịnh Đông Hải, ông ấy có ở đây không?

Người đọc sách ở hành lang nghe thấy vội vàng đứng dậy, chạy ra, trả lời cũng bằng tiếng Hoa:

- Tôi là Hải đây, ông cần gì tôi?

- Chào ông, cho tôi hỏi thăm. Bác đáp lại bằng tiếng Hoa, rồi tiến sát anh Hải và nói nhỏ bằng tiếng Việt, theo ký hiệu đã qui định:

- Tôi là Trần.

- Ồ… Anh Hải nắm chặt tay Bác im lặng để xúc động nén xuống, rồi bổng anh vui vẻ nói to làm ra vẻ như Bác vừa hỏi để tìm ai đó.

- Có, có, tôi sẽ đưa anh đi!

Nói xong, Trịnh Đông Hải đưa Bác ra công viên gần đó. Trịnh Đông Hải chính là đồng chí Vũ Anh, cán bộ của Ban đại diện hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương. Anh Hải hàng ngày làm lái xe cho tiệm dầu cù-là để làm đầu mối liên lạc với các đồng chí trong nước.

Vũ Anh vẫn chưa hết bồi hồi xúc động, anh thưa:

- Trong nước được tin anh sẽ về từ cả tháng rồi, cử người đón anh không được. Bộ phận hải ngoại ở đây do anh Phùng Chí Kiên chỉ huy, anh Kiên cùng Lương y Đặng Văn Cáp, hai người đều biết anh trước đây đã đi xuống Long Châu, Quý Châu tìm đón anh mà không gặp. Anh đến được đây, em mừng quá.

- Tốt rồi. Gặp được các đồng chí là quá quí. Ở Côn Minh, tình hình chính trị như thế nào?

- Dạ, vẫn còn xôi đậu[5]. Bọn Quốc dân Đảng phản động theo Nhật vẫn hoành hành, nhưng chúng không làm gì được. Đảng Cộng sản Trung Quốc ở đây hoạt động không công khai, nhưng mạnh. Chúng ta cũng lập được các chi bộ Đảng trong bà con Việt kiều.

- Bà con Việt kiều có đông không?

- Dạ thưa, so với các nơi thì ở đây khá đông. Từ năm 1911, Pháp mở đường sắt Côn Minh – Hồ Kiều[6] – Hải Phòng thì việc đi lại dễ dàng. Ở đây liên lạc với trong nước thuận lợi là nhờ đường sắt này. Thực dân Pháp ra sức khai thác tài nguyên ở đây, nên bà con mình lên đây làm ăn dễ, nên khá đông.

- Đảng viên trong chi bộ có nghèo khó quá không?

- Dạ, nói chung làm đủ sống. Một số nhờ mở quán ăn, quán cà phê, quán tạp hóa thì khá hơn. Các đồng chí tự nguyện đóng góp kinh phí tốt lắm ạ.

- Nhớ đừng để họ góp quá sức, ảnh hưởng cuộc sống của anh em.

- Dạ.

- Bây giờ các đồng chí bố trí tôi ở đâu?

- Anh Phùng Chí Kiên đã chuẩn bị để anh ở trong nhà một Việt kiều, anh này giác ngộ tham gia cách mạng từ những năm 1930, giờ mở tiệm may và ở tầng một. Anh sẽ ở trên lầu.

- Anh ấy tên gì?

- Dạ, tên là Tống Minh Phương, nhà ở 77 đường Kim Bích, gần đây ạ.

Bác gật đầu vui vẻ.

Đến ở vài tuần nhà Tống Minh Phương, thấy tiệm may anh em lui tới khó, Bác đề nghị anh chị Phương nên mở quán cà phê để mọi người đến ít bị để ý. Từ đó, căn nhà 76 đường Kim Bích được gắn biển tiệm cà phê Tân Nam. Các đồng chí Việt Nam, khi cần gấp đã đến gặp Bác dưới dạng khách uống cà phê. Nhưng một hôm, giữa tháng 3, đang lúc khách đông, thì mật vụ Quốc dân Đảng ập vô khám xét. Trong trang phục như người Trung Quốc đến uống cà phê, Bác đã nhanh chóng qua mắt chúng thoát ra ngoài. Từ hôm đó, Bác chuyển qua ở trên căn gác nhỏ nhà 67 đường Hoa Sơn Nam. Căn nhà này có cái sân nho nhỏ lấy nắng phía sau, và từ đây có cửa ra con hẻm thông với khu rừng. Chỉ mấy tháng ở đây, Bác đã chỉ đạo xây dựng nâng cao phong trào yêu nước trong Việt kiều. Bác đề xuất đổi tên tờ báo cách mạng của tổ chức Việt kiều đang mang tên “Truyền Tin” thành “Đ.T.” Người cho in lời “Kính chào độc giả”:

… “Đ.T. vẫn theo đuổi mục đích và tôn chỉ của Truyền Tin mà phấn đấu. Hy vọng kiều bào sẽ giúp đỡ cho Đ.T cũng như giúp đỡ cho Truyền Tin trước, có tiền giúp tiền, có ý kiến giúp ý kiến, và ra sức cổ động cho Đ.T được lan rộng.

Đế quốc chiến tranh đang kịch liệt và mở rộng. Cuộc vận động dân tộc giải phóng đứng trong bước gay go. Đ.T. có thể gánh vác một phần nhiệm vụ lớn của dân tộc, là nhờ sự giúp đỡ của kiều bào.

Còn hai chữ Đ.T. là ý nghĩa gì, kiều bào thử đoán xem”.

Bác dặn anh chị em khi đổi thành Đ.T, có ai hỏi thì với kẻ tò mò có thể trả lời Đ.T. là “Đưa tin”, còn với bà con đồng chí mình thì giải thích Đ.T. là đấu tranh, là “đánh Tây” hoặc là “Đảng ta” cũng được.

Một hôm, bên bờ Thúy Hồ, Vũ Anh dẫn tới gặp Bác một thanh niên rất trẻ, người cao ráo khỏe mạnh.

- Thưa anh, đây là cháu Phùng Thụ năm nay 19 tuổi, vừa được kết nạp vào Đảng. Anh Phùng Chí Kiên quyết định giao cho chú Thụ theo bảo vệ anh.

Bác vui vẻ:

- Cháu sang đây từ khi nào?

- Dạ, được 7 năm rồi ạ.

- Ồ, lâu vậy?

- Dạ, năm 12 tuổi cháu bỏ nhà lang thang kiếm sống, ra Lào Cai và xin làm bốc vác trên xe lửa và theo lên đây.

- 12 tuổi làm sao bốc vác được? Bác hỏi.

- Cháu khiêng, xách, dọn dẹp vệ sinh cho tốp phu ạ.

- Thưa anh. Sáu năm trước em gặp cháu nó ngủ ở ghế đá công viên, hỏi ra biết tình cảnh cháu, đưa về sống chung, chú cháu nuôi nhau và cháu nó tích cực tham gia công tác cách mạng, trở thành người trợ giúp đắc lực của Ban Hải ngoại ạ.

- Chú định bố trí bảo vệ thế nào?

- Anh em bàn nhau, khi nào anh ở nhà thì cháu nó gác bên ngoài, có động tỉnh cháu kịp thời báo để anh xử lý, sau đó báo cho chúng em. Khi anh ra khỏi nhà đi hoạt động, thì cháu nó theo anh, với nguyên tắc “hình với bóng”.

Nhìn Thụ một lúc, Vũ Anh nói tiếp:

- Cháu Thụ có học võ.

- Cháu học môn võ gì?

- Lúc đầu cháu chỉ học để tự vệ bản thân, quen mang theo khúc gậy ngắn, vì sống lang thang hay gặp bọn côn đồ. Ở đây, cuối tuần chú Hải cho cháu ra Thúy Hồ để học khúc côn.

Bác nhìn Thụ từ đầu đến chân, và cười vừa ý, rồi nói:

- Bây giờ thống nhất thế này, Bác và cháu coi như không quen biết nhau. Trên đường đi nếu có chuyện đột xuất Bác gải tai, khi phải vào họp lâu, Bác lấy khăn lau mồ hôi thì cháu hiểu nhá. Còn cần nói gì thì chỉ ở nơi kín đáo.

- Dạ, cháu biết.

- Anh Phùng Chí Kiên đặt tên cách mạng cho cháu nó là Nghĩa.

*

* *

Tháng 4 năm đó, Bác cùng Phùng Chí Kiên, dưới danh nghĩa người của tổ chức Việt kiều “Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng địch hậu viện Hội”, một tổ chức được Nhà nước Trung Quốc công nhận hợp pháp để công khai đi làm công tác Hội. Bác đã đi dọc theo đường xe lửa Côn Minh về đến Hồ Kiều (Hà Khẩu ngày nay), vừa thăm hỏi động viên bà con, gây dựng củng cố phong trào, một phần nữa là Bác muốn thị sát thực tế để có kế hoạch “Đột nội”[7]. Bác đã dừng lại gần một tháng ở Xi Xuyên thuộc huyện Mông Tự (nay là huyện Hồng Hà) giáp với sông Hồng, mà bên kia là Lào Cai và phía trên là Lai Châu.

Trong thời gian ở đây, với tên gọi ông Chen (Trần), Bác đã dự lễ cầu siêu hai chục bà con Việt kiều ở Bích Sắc Trại bị bom Nhật giết chết. Bác có bài sớ ứng khẩu:

Nam mô Phật tổ Như Lai,

Chúng sinh nheo nhóc dưới trời Tây phương,

Trăm tầng áp bức thảm thương,

Thân gầy như củi, xác nhường thây ma,

Thù nhà, nợ nước đôi đường

Đã vì người chết, càng thương giống nòi

Đừng tin vào số mệnh trời,

Mà do quân Nhật giết người gây nên

Hồn ơi! Hồn có linh thiêng

Hãy cùng người sống báo đền nước non

Người còn thì nước phải còn[8].

Sau một tháng công tác, Bác trở về Côn Minh. Tối anh Kiên đến báo với Bác:

- Thưa anh, trong nhà anh Hoàng Văn Thụ có cử hai đồng chí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp sang gặp anh.

- Hai đồng chí ấy đang ở đâu?

- Dạ, các anh đã bố trí nơi ở an toàn rồi ạ.

- Ừ, chú Đồng thì tôi biết, năm 1926 đã sang dự lớp huấn luyện ở Quảng Châu.

- Dạ, ở Quảng Châu về anh ấy được cử vào hoạt động ở Nam Kỳ. Năm 1929, bị địch bắt, mới ra tù được hơn một năm. Đồng chí ấy kiên cường lắm ạ. Còn anh Võ Nguyên Giáp là cử nhân luật, giáo sư dạy sử trường Thăng Long Hà Nội, làm báo cho cách mạng. Cả hai anh đều là trí thức cả.

- Chú bố trí để chúng ta gặp hai đồng chí ấy.

- Dạ.

Một ngày đầu tháng 6, Côn Minh nắng đẹp, cây cối xanh tươi, Thúy Hồ nước trong xanh. Mùa hè nhưng Côn Minh vẫn man mát. Bác ngồi trên một con thuyền, Vũ Anh chèo thuyền lướt ven bờ hồ, vài chú vịt trời lặn ngụp phía trước, lúc bay lúc đậu như đùa giỡn với khách. Anh Phùng Chí Kiên đến với hai người, một người cao gầy, Bác nhận ra Phạm Văn Đồng, học trò khóa ba ở Quảng Châu, bên cạnh là một thanh niên không cao lắm, dáng vẻ nho nhã, Bác đoán đây là Võ Nguyên Giáp. Anh Vũ Anh cho thuyền tấp vào bờ đón ba người. Bác thân thiết:

- Chào hai đồng chí. Bác tươi cười bắt tay Phạm Văn Đồng. Chà, mới đó mà đã 13 năm rồi.

- Dạ. 13 năm là những cuộc bể dâu. Em về nước hoạt động mấy năm sau bị chúng bắt và đày ra Côn Đảo, mới ra tù hoạt động được vài năm, không ngờ được gặp lại anh. Nghe anh Thụ nói đi gặp đồng chí Vương, em đã nghi nghi, thế mà đúng là anh thật. Hạnh phúc cho em quá!

- Chia tay các chú mấy năm sau tôi cũng bị bắt.

- Ở nhà còn nghe tin anh mất, trong tù tụi em đã truy điệu anh rồi.

- Vậy là tôi sống lâu lắm đấy - Bác cười.

- Thưa Bác, Trung ương cử em với đồng chí Võ Nguyên Giáp đây sang gặp anh. Đồng chí Giáp quê ở Quảng Bình.

- Giáp năm nay bao nhiêu rồi?

- Dạ, cháu 29 tuổi ạ. Võ Nguyên Giáp thưa.

- Ừ, chú sinh đúng năm cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc. Hai chú đều là trí thức. Đảng cần trí tuệ lắm.

- Hai chú lên đây bằng xe lửa?

- Dạ! - Võ Nguyên Giáp thưa. Cháu và anh Đồng đi xe lửa, rất tiện ạ.

- Đến bao lâu rồi?

- Da, được hơn ba tuần rồi, anh Phạm Văn Đồng đáp.

- Mấy chú chờ tôi lâu quá!

- Dạ, hàng ngày chúng em ra hồ Thúy để học tiếng Trung Quốc ạ.

- Ừ, ngoài đó vui lắm.

- Dạ. Lần đầu tiên cháu gặp cảnh như vậy. Võ Nguyên Giáp đáp và tiếp: Thanh niên nam, nữ ca hát những bài kháng Nhật rất hùng hồn. Nghe mà thấy lòng rạo rực.

Bây giờ các chú cho tôi nghe tình hình trong nhà trước.

Hai anh báo cáo với Bác những ý kiến của anh Hoàng Văn Thụ và những nét chính của tình hình trong nước. Bác nghe xong phân tích rất kỹ. Bác nhận định đế quốc Pháp đang suy yếu. Nhật đang lôi kéo phe quốc dân đảng phản động để xâm chiếm Trung Quốc. Nhật cũng lăm le muốn nhảy vào nước ta. Đảng Cộng sản Trung Quốc trước đây liên kết với quốc dân đảng nhưng đây chỉ là lôi kéo, hòa hoãn tạm thời để chống Nhật.

- Dạ, đúng ạ. Một bộ phận đông của Quốc dân Đảng giờ là tay sai của đế quốc Nhật rồi ạ. Phùng Chí Kiên thưa.

- Dạ, ở Việt Nam anh Thụ cũng phân tích như vậy. Võ Nguyên Giáp nói.

- Đảng Cộng sản Trung Quốc giờ phải chống Nhật và đối phó với Quốc dân Đảng phản động. Các chú sang đây phải học Trung Quốc cách chống ngoại xâm.

Sau buổi gặp lịch sử này, Bác và các anh phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Vũ Anh. Cao Hồng Lĩnh thường làm việc với nhau. Bác giao anh Giáp làm trợ lý giúp Bác một số việc, đặc biệt là việc nắm tình hình các tỉnh giáp với Vân Nam và Quảng Tây Trung Quốc, Bác phân công anh Đồng cùng các anh ở Côn Minh xây dựng lực lượng Việt kiều, chuẩn bị hậu cần để tìm thời cơ về nước.

- Thưa anh, hôm nay anh Kiên muốn đưa anh đi thăm hồ Điền Trì lớn thứ ba của Trung Quốc và cũng để anh em ta ăn bồi dưỡng một bữa.

- Chà, có sự kiện gì mà sang vậy?

- Da, mừng anh Đồng, anh Giáp trong nước mới qua ạ.

- Được, ta đi. Có xa không?

- Dạ, phải đi xe ngựa, khoảng 15 cây số ạ.

Bác và hai người đến hồ Điền Trì, một hồ lớn mênh mông ở dưới chân núi. Phùng Chí Kiên đã chờ sẵn, anh đưa Bác ra bên bờ hồ ngắm cảnh và ngắm những chú chim hải âu bay lượn.

- Nhiều hải âu quá! Bác nói trong vui thích.

- Thưa anh, mùa hè nó đi nhiều rồi. Mùa đông lạnh, từ phương Bắc cả vạn con về trú rét đậu kín cả cái hồ rộng 300 cây số vuông này.

Nói xong, anh Kiên mời Bác vào một quán của người dân tộc bản địa ở ngay bờ hồ.

Vừa lúc ấy anh Cao Hồng Lĩnh đưa anh Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp cũng vừa đến.

Bảy người ngồi quanh nồi lẩu nấu bằng than. Phùng Chí Kiên giới thiệu: Khu vực này của dân tộc Điền, có lẽ vì vậy nên hồ có tên là Điền Trì. Họ có món lẩu nấm rất độc đáo ạ. Nấm nấu với xương và khách có thể nhúng thêm món thịt gà hoặc thịt thú rừng.

Bác khoác tay:

- Nấm bổ và ngon lắm rồi. Không gọi thịt, thêm tiền, lãng phí.

- Lâu lâu có bữa mà anh.

- Không. Tiền là mồ hôi nước mắt của anh em. Hơn nữa, nấm còn ngon và bổ hơn thịt. Các chú không biết à?

- Thưa Bác đúng ạ. Phùng Nghĩa thưa. Hồi cháu đi làm bồi quán ăn, người ta giới thiệu nấm là thịt của mọi thứ thịt ạ.

- Cháu nói phải. - Bác khen và nói tiếp: Các chú ở đây có nghe câu “uống trà phổ nhĩ, ăn nấm Vân Nam không?”. Ở Quảng Châu, tôi đã nghe câu này rồi.

- Dạ, ở đây nấm đứng số một Trung Quốc[9], có loại nấm kê tùng gọi là vua của loài nấm, còn Trúc tôn là nấm hoàng hậu đó anh. Kê tùng ăn giòn ngon như thịt gà vậy.

- Đấy, việc gì phải ăn thịt.

Quây quần bên bếp lẩu, trong khi chờ quán nấu, Bác nói với mọi người:

- Tôi và Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng biết nhau từ năm 1926 khi hai đồng chí này sang dự lớp bồi dưỡng. Chú Đồng về nước chiến đấu anh dũng trong lao tù Côn Đảo, chú Kiên được đi học và tham gia khởi nghĩa Quảng Châu với đồng chí Trương Thái Lôi. Có thể nói, chú Kiên là nhà quân sự đầu tiên của chúng ta. Về đây chú ấy có gia trưởng với anh em không?

- Dạ, không ạ! Anh Kiên chỉ huy Ban Hải ngoại tốt với anh em lắm ạ. Rất gần gũi, thân thiết như anh em trong nhà. - Vũ Anh thưa.

- Ừ, phải như vậy. Tôi thấy chú Kiên và chú Giáp nên học hỏi, nghiên cứu về quân sự để giúp Đảng. Còn chú Đồng, chú Hồng Lĩnh, chú Vũ Anh lo xây dựng cơ sở, đặt quan hệ tốt với các đồng chí Trung Quốc, chuẩn bị việc lâu dài cho đất nước.

- Thưa Bác, còn cháu ạ. - Phùng Thụ lên tiếng.

Bác nhìn Thụ cười:

- Cháu là thanh niên rường cột, theo chú Kiên, chú Giáp học hỏi.

Mọi người cười vui vẻ.

Bảy Bác cháu, anh em có một bữa ăn dân dã thật thi vị. Ăn xong, chủ quán mời mỗi người một trái xoài chín nhỏ chỉ lọt lòng bàn tay.

Vũ Anh lấy một trái mời Bác và giới thiệu:

- Đây là loại xoài trái chín, chỉ lớn như vầy, là xoài trên cây cổ thụ, ngọt lắm ạ. Ở Vân Nam nhiều lắm, họ gọi là tiểu xoài cổ thụ ạ.

Cuối tháng 6, anh Võ Nguyên Giáp báo với Bác trên nhật báo có tin ngày 20 tháng 6 vừa rồi Pháp đã thất thủ, đầu hàng. Một cuộc họp khẩn. Sau khi phân tích, trao qua đổi lại về tình hình. Bác nói:

- Có thể thấy tình hình chung của thế giới ngày càng có lợi cho chúng ta. Chúng ta phải tìm mọi cách để liên lạc với các tỉnh biên giới, lập kế hoạch chu đáo để về nước lãnh đạo cách mạng, chậm trễ lúc này là có tội với đất nước.

Cuối cùng Bác quyết định:

- Tôi cử chú Đồng, chú Giáp và chú Cao Hồng Lĩnh đi Diên An để vào học trường quân chính. Ba chú cần học để có trình độ chính trị, xây dựng đảng, xây dựng lực lượng cách mạng.

Bác nhìn thẳng vào Võ Nguyên Giáp:

- Chú lưu tâm học quân sự. Tổ quốc cần lắm đó.

TRÊN ĐƯỜNG VỀ BIÊN GIỚI

Tháng 10 năm 1940, Bác quyết định rời Côn Minh để xuống Quế Lâm tìm đường về nước.

Trở lại Quế Lâm, Bác nhận được tin từ trong nước. Ngày 22 tháng 9, Nhật đánh vào Lạng Sơn, quân Pháp hoảng loạn, tháo chạy vứt cả súng ống, du kích thu lượm vũ khí và dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Bắc Sơn đã tổ chức cuộc tập kích đánh chiếm đồn Mỏ Nhài ở Bắc Sơn. Và tin nóng hổi nhất mà báo chí cách mạng Quế Lâm đăng trang nhất là cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ. Thông qua hệ thống điện đài của Bát lộ Quân, Bác dưới tên Hồ Quang đã điện yêu cầu các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Cao Hồng Lĩnh không đi học nữa, mà cấp tốc trở lại Quế Lâm.

Tại một bãi cỏ, dưới tán những cây quế cao tỏa bóng, những cái đầu yêu nước chụm lại bên Bác.

Mọi người đều cho rằng thời cơ đã đến, ai cũng nóng ruột, mong được sớm trở về tổ quốc. Có ý kiến muốn xin lực lượng Bát lộ quân Trung Quốc hỗ trợ để đưa Bác về nước an toàn. Bác điềm tĩnh nói:

- Lúc này Hồng quân Liên Xô và Bát lộ quân Trung Quốc đích thực là đội quân cách mạng, đáng tin cậy. Nhưng chúng ta không thể nhờ bạn được, vì bạn đang lo cho đất nước Trung Quốc rộng lớn, hơn nữa chỉ có người Việt mới hiểu đường đi lối lại, và chúng ta đang hoạt động bí mật. Bác đánh giá: Tình hình Quốc cộng (Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản) hợp tác kháng Nhật từ sau khi cụ Tôn Trung Sơn mất, đã diễn biến xấu, mà cụ thể nhất là năm 1927 Quốc dân Đảng ra mặt chống Cộng sản. Hiện tại, Quốc dân Đảng có một phe vẫn hợp tác với Đảng Cộng sản, còn lại là lực lượng chống Cộng sản. Bác yêu cầu mọi người phải giữ kỷ luật bí mật tuyệt đối, nhất là không để lộ mình là Cộng sản. Tình hình trong nước đang có khí thế nhưng thời cơ chưa đến, khởi nghĩa Nam Kỳ bị đàn áp dã man, sự thể đã nổ ra rồi, chỉ có cách tổ chức rút lui duy trì lực lượng. Còn ở Bắc Sơn thì dựa vào núi rừng để lập căn cứ. Bác đánh giá cao lực lượng Bắc Sơn. Nhận định chung, Bác nói: Pháp thua là thời cơ tốt cho cách mạng Việt Nam, “Quân đồng minh sẽ thắng. Pháp – Nhật ở đông Dương chóng chày sẽ bắn nhau, Việt Nam sẽ giành độc lập”[10].

Người khẳng định: “Muốn giành độc lập thì phải có khởi nghĩa cướp chính quyền, và khởi nghĩa thì phải có vũ khí. Đó là, một trong những vấn đề rất quan trọng[11]”. Sau khi nghe mọi người trao đổi, Bác nói: Tất cả ở nhân dân, có nhân dân giác ngộ sẽ có tất cả. Bác bàn với anh Phùng Chí Kiên phải chuẩn bị để đưa Bác về nước. Hôm đó Bác cũng bàn việc lập ra một Mặt trận để đoàn kết rộng rãi toàn dân giải phóng dân tộc. Có người đề nghị lấy tên Việt Nam giải phóng đồng minh. Có người đề nghị gọi là Việt Nam phản đế đồng minh. Bác đề xuất là Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh - gọi tắt là Việt Minh. Cuối cùng, Bác nói: Để khi trở về nước đưa ra Trung ương bàn thêm[12]

và hôm đó Bác quyết định tất cả về Tỉnh Tây, huyện có biên giới chung với tỉnh Cao Bằng để dễ tìm cách đột nội.

Từ Quế Lâm, Bác đi ô tô về Nam Ninh và từ Nam Ninh đi thuyền về Điền Đông. Trên thuyền đông người, chỉ có anh Phạm Văn Đồng, anh Phùng Chí Kiên và cụ Đặng Văn Cáp là biết Bác. Bác đóng vai một “tân văn ký giả” Trung Quốc. Bác nói tiếng Pháp, anh Đồng dịch lại, ai cũng tưởng Bác là một nhà báo nước ngoài. Thuyền đi có đoạn ngược nước, phải kéo, Bác cũng xuống kéo cùng mọi người. Lúc ngồi thuyền ai có hỏi thì phải có người dịch lại Bác mới trả lời. Có một chị người Việt khát nước, toan uống nước sông, Bác nói tiếng Pháp, anh Đồng dịch lại bảo nên mua mía ăn, đừng uống nước lã đau bụng. Nhưng có một lần, một đồng chí để rơi tàn thuốc làm cháy áo, Bác ngồi bên cạnh, buột miệng nhắc khẽ: “Kìa cháy! Cháy!”. Khi về, nhắc lại chuyện này ai cũng không nhịn được cười.

Bác về Tĩnh Tây huyện cuối cùng của Trung Quốc, có biên giới chung với Cao Bằng. Mấy tuần sau thì liên lạc được với Trung ương. Các đồng chí: Hoàng Văn Thụ, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt - những lãnh đạo chủ chốt của Trung ương ngày đó đã tìm sang gặp Bác. Đó là một ngày vui. Bác nói: ngồi giữa các đồng chí, tôi thấy như đã ngồi trong lòng tổ quốc.

Đồng chí Hoàng Văn Thụ báo cáo với Bác cụ thể tình hình trong nước, nhất là cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ và tình hình ở Bắc Sơn. Báo cáo việc chuẩn bị Hội nghị Trung ương 8. Bác khẳng định phải về nước. Lúc đầu, các đồng chí định đưa Bác về qua ngả Lào Cai, nhưng thấy không ổn. Đồng chí Hoàng Văn Thụ bàn tính đưa Bác về Lạng Sơn, nhưng đồng chí Võ Nguyên Giáp thấy chưa an toàn, nhất là nơi ở hoạt động.

Cuối năm 1940, Bác cho người đi Cao Bằng tìm địa điểm để về nước. Bác dặn địa điểm về nước cần phải bảo đảm bí mật, có hàng rào bảo vệ tốt nhất là quần chúng và có đường rút lui khi cần.

Cũng vào tháng cuối năm, các anh Lê Quảng Ba, Hoàng Sâm dẫn một đoàn 43 thanh niên cơ sở từ Cao Bằng qua để nhằm đào tạo xây dựng lực lượng. Bác nghe báo cáo liền chỉ thị anh Lê Quảng Ba đưa số anh em này đến nơi an toàn, thuận lợi để mở lớp đào tạo. Lớp huận luyện ngắn ngày được mở ở vùng ngoại ô huyện lỵ Tỉnh Tây. Lớp huấn luyện rất sôi nổi, dân chủ và vui vẻ. Bà con Trung Quốc trong làng không hiểu lớp dạy cái gì, nhưng đều khen thanh niên Việt Nam đoàn kết, chăm học, siêng làm. Bà con trong làng, nhất là những người cho mượn nhà rất thương mến vì vò nước nhà họ bao giờ cũng đầy, đống củi bao giờ cũng cao, nhà cửa bao giờ cũng sạch, trong nhà có việc gì, anh em đều ra tay làm giúp. Đặc biệt, các em nhi đồng luôn luôn vây quanh anh em ta để học hát, học nhảy múa, không nghịch ngợm và đánh nhau như trước nữa. Cả đoàn đã góp phần làm cho cái làng vốn tịch mịch trong thung lũng âm u vui hẳn lên... Bác bảo các đồng chí thanh niên: “Đó là một cách dân vận thiết thực đấy”. Trong hồi ký của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại như sau:

“Đầu tháng 12, Bác và anh Phùng Chí Kiên về một làng cách Tỉnh Tây năm chục cây số. Bác cho người đến gọi anh Đồng và tôi về để mở lớp huấn luyện. Chúng tôi lên đường về nơi Bác hẹn gặp. Từ đó còn phải đi bộ khá xa mới đến địa điểm chọn để mở lớp. Đường đi toàn đồi núi. Bác đi bộ rất nhanh, tất cả chúng tôi không ai theo kịp. Dọc đường, thỉnh thoảng Bác lại dừng lại đứng chờ.

Lớp huấn luyện được tổ chức ở một vùng dân tộc đã từng chịu ảnh hưởng của Hồng quân Trung Hoa trong thời kỳ Hồng quân hoạt động ở Quảng Tây. Nhân dân ở đây rất quý những người cách mạng Việt Nam. Chúng tôi phân chia nhau ở trong hai làng.

Hai việc trước tiên phải lo là việc chuẩn bị lương thực và làm chương trình huấn luyện.

Nhân dân ở các làng biên giới này giàu tinh thần và tình cảm với cách mạng, nhưng đời sống thì còn rất nghèo khổ. Việc lo ăn một lúc cho năm chục con người hàng nửa tháng, không phải là việc dễ. Đồng chí Cáp được giao nhiệm vụ tiếp tế lương thực, nhưng mọi người đều phải góp sức. Mỗi buổi sáng, chúng tôi đều đi lấy gạo, bắp về giã, kiếm củi để nấu ăn và để giúp đỡ đồng bào. Bác cũng bổ củi rất khỏe.

Các anh Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng và tôi được Bác hướng dẫn làm chương trình huấn luyện. Bác phân công mỗi người viết một mục: điều tra tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, đấu tranh. Khi mỗi người phác xong, tất cả họp lại thông qua đề cương, rồi mới viết. Viết xong lại họp lại, đọc chung và sửa. Cách làm việc của Bác kiên nhẫn, chu đáo. Nội dung chính trị phải đúng đắn, lời lẽ phải rõ ràng, ngắn, gọn, dễ hiểu, hợp với ý nghĩ quần chúng. Bác rất chú trọng đến việc thực hiện sau này. Mục nào, cuối cùng có những câu hỏi: Học xong về địa phương thì làm gì, làm thế nào? - Bước thứ nhất như thế, bước thứ hai làm ra sao?...

Trong khi theo dõi học tập, Bác thường hỏi đi, hỏi lại để kiểm tra sự thâu nhận của mọi người. Nếu còn có những người chưa hiểu thì người giảng phải nói lại, học viên cũng phải trao đổi thêm.

Từ lần đầu làm việc với Bác, tôi đã nhận thấy cách làm việc của Bác là: cụ thể, chu đáo, đến nơi đến chốn.

Lễ tốt nghiệp tổ chức giữa một khu rừng vắng vẻ.

Sau những ngày học tập, mọi người phấn khởi, náo nức hẳn lên. Anh em chúng tôi đứng vây quanh Bác, biết rõ ông cụ mảnh khảnh mặc bộ quần áo Nùng giản dị này là người gắn liền với vận mệnh của dân tộc Việt Nam[13].

MÙA XUÂN BÁC VỀ TỔ QUỐC

Tết Tân Tỵ năm 1941 đến trên đất Quảng Tây, đồng bào Nặm Quang trang trí nhà cửa, treo lồng đèn đỏ và các chữ đỏ đón năm mới cùng với hoa tết, cũng vạn thọ, cúc vàng như ở Việt Nam, làm cho nỗi nôn nao giục giã Bác về nước càng tăng lên. Tối 29, Bác dẫn cả nhóm thanh niên đi xem địa phương tổ chức kịch Choang ngoài trời. Kịch Choang là một loại kịch dân gian được mọi người yêu thích, dân làng, già trẻ, trai gái nô nức kéo nhau đi xem. Con trai trong trang phục áo không cổ cài nút vải. Con gái váy gấp nếp, áo ngắn viền hoa to ở cổ chạy chéo qua khuôn ngực đầy và khép ở nách, đầu đội khăn hoa quấn rất khéo có hai tai xòe hai bên rực rỡ như bông hoa nở trên đầu mà cũng như dang đôi cánh màu để bay... Kịch Choang là những vở tuồng dẫn theo chuyện, những lời thoại theo ca cổ, múa như tuồng cổ ở ta, có phục trang rất đẹp và công phu. Bác và anh em ra xem vở kịch Choang với đồng bào trong không khí đón xuân. Bác khen “Loại hình nghệ thuật này độc đáo, kết hợp cả kịch, múa và ca cổ rất phong phú”.

Đường về Tổ quốc. Ký của Trình Quang Phú
Ảnh TL

Sáng mồng một Tết, Bác cùng anh em đi chúc Tết theo phong tục của người Choang. Lương y Đặng Văn Cáp chuẩn bị những đồng bạc tròn bọc trong giấy đỏ để Bác mừng người cao tuổi và kẹo lì xì cho các cháu bé. Sau đó, ai ở nhà nào về chúc Tết nhà ấy và dự bữa cơm đầu năm. Người Choang nổi tiếng với món cơm nếp ngũ sắc và các loại cơm nếp nấu với bí đỏ, cơm nếp nấu với khoai lang, các loại bánh để ăn với thịt lợn quay. Họ còn có món cơm trắng ăn cùng với thịt kho truyền thống.

Đồng bào dân tộc Choang rất hiếu khách, theo phong tục ngày đầu năm tiếp nhiều khách xa thì cả năm càng có nhiều lộc, nên họ vui mừng chào đón anh em Việt Nam. Anh em ta, có anh phải đi chúc, ăn tết uống rượu đến chục nhà trong ngày đầu năm.

Cuối chiều, Bác cho hội ý. Bác phân công anh Giáp, anh Đồng và vài anh em nữa ở lại, trong đó có Phùng Nghĩa, người cận vệ trong suốt những tháng Bác ở Côn Minh. Bác dặn:

- Tôi về nước, nhưng phía sau phải có hậu cứ. Các chú lo xây dựng cơ sở, chuẩn bị hậu cần và vũ khí, có tiền tuyến phải có hậu phương.

- Dạ!

- Số thanh niên Cao Bằng đã xong lớp học ta tổ chức để họ về nước. Trong dịp Tết, bọn mật thám và lính lệ cũng lo ăn Tết, việc tuần tra canh gác sẽ lơ là, mọi người đi chúc Tết đông vui, anh em trở về trong lúc này sẽ thuận lợi.

Nhìn một lượt hết những người có mặt và với vẻ mặt nghiêm trang. Bác nói:

- Chú Thế An đã dò la đường đi lối lại rồi. Sáng mai giờ Mão, chúng ta lên đường. Khi chào đồng bào để đi, các đồng chí nói ta về Tỉnh Tây. Bí mật tuyệt đối việc về nước. Các đồng chí rõ chưa?

- Thưa rõ ạ! Tất cả đáp lại lời Bác.

Sáng mồng hai Tết[14], trong trang phục người Nùng, quần áo màu chàm, khuy cài bằng vải, khoác áo lông chồn, chào tạm biệt bà con Nặm Quang, Bác cùng cả nhóm lên đường. Sáng sớm, trời rét, sương mù phủ trắng. Đoàn có các đồng chí: Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba, Hoàng Văn Lộc, lương y Đặng Văn Cáp do anh Thế An vừa từ Cao Bằng qua dẫn đường. Thế An đi trước, dừng lại nhắc Bác:

- Sương mù dày quá. Cụ chú ý dễ bị vấp.

- Ừ. Bác nói cho mọi người cùng nghe: Người sau theo chân người trước. Trời che giữ bí mật cho ta đó. Đi được vài ba tiếng đồng hồ trong sương mù dày đặc như đi trong mây, cách nhau một thước không nhìn thấy nhau. Bác cho cả đoàn dừng chân ăn sáng. Thế An giở mo cau đựng món cơm nếp ngũ sắc và gói thịt lợn quay của đồng bào tặng để cả đoàn ăn sáng. Ăn xong, mọi người uống nước trong các ống bương lấy lộc đầu năm mang theo. Ai cũng thỏa thuê. Bác nói vui: “Tết vẫn theo ta”. Mặt trời lên, sương mù tan bớt mới hay cả đoàn đang ngồi ở đồng trống không. Mọi người nhìn nhau ngỡ ngàng, giật mình. Bác nói: Phải đi nhanh, không ở giữa đồng trống thế này được. Thế An vội vàng dẫn cả đoàn đi vào chân núi. Lên dốc, xuống dốc, trên tay cầm một cây gậy tre, nhưng Bác đi thoăn thoắt, không chống, chỉ khi xuống dốc Bác mới chống. Người nói: Mọi người cứ sợ lên dốc, nhưng thực ra khi xuống dốc mới bị chùn chân, dễ ngã. Lên dốc, xuống dốc, lại lên dốc. Cả đoàn phải vượt qua sườn núi đá lởm chởm. Và hàng lau ngã màu nâu, đứng thẳng rung rinh trước gió như chào Bác. Một cây si to sum suê hiện ra trước mặt. Thấy cây to, mọi người định xin Bác dừng nghỉ chân, thì anh Lê Quảng Ba bước lên và reo to: Cây mậy rẩy đây rồi, (tiếng dân tộc: cây mậy rẩy là cây si) sắp đến rồi, đến bia giáp ranh rồi. Một cột mốc biên giới bằng đá hiện ra. Bác bước đến, dừng lại, xúc động đặt tay lên bia đá, rồi Bác quỳ xuống đặt cả hai tay xuống nền cỏ xanh trên đất, im lặng mấy giây, như muốn nói với giang sơn đất trời Bác đã về đến Tổ quốc Việt Nam yêu dấu sau 30 năm đi vòng quanh thế giới. Người cúi khom đọc những dòng bằng chữ Trung Quốc và chữ Pháp ở cả hai mặt tấm bia đá và Bác khẽ reo lên: “Cột mốc 108”. Bác đứng lên, lòng lâng lâng vui sướng. Nhìn về phía Nam núi non trùng điệp. Không xa lắm, mấy bụi mận rừng đang nở hoa trắng xóa, có cả hoa đào và một mùi thơm thoang thoảng theo gió đưa đến. Bác hỏi:

- Hoa gì thơm vậy?

- Dạ thưa, hoa bjoóc, chỉ có ở vùng này thôi ạ - Thế An trả lời.

Xuống núi được một lúc thì gặp một hồ nước nhỏ, mạch nước ngầm từ trong núi chảy ra, và từ đây tạo thành dòng suối lượn theo chân núi chảy xuống làng Pác Bó. Bác đưa tay khoát nước rửa mặt, mọi người làm theo. Ai cũng khen nước trong và sạch.

- Ở đây là đầu nguồn của suối ạ, tiếng Tày gọi là Pác Bó ạ - Thế An thưa.

- À, Pác Bó, đầu nguồn. - Bác nhắc lại - Các chú có thấy duyên trời định không? Ta về đúng đầu nguồn. Cách mạng chắc chắn sẽ từ đầu nguồn này lan tỏa nhanh.

Nhìn kỹ bốn bề, Người nói:

- Ở đây, dễ đường lui khi gặp khó khăn và thuận đường tiến. Từ đây thông về Tuyên Quang, Thái Nguyên rồi thông cả nước để phát động vũ trang, tốt lắm!

Trong những ngày ở hang Pác Bó, “Sáng nào Bác cũng dậy rất sớm và gọi mọi người cùng dậy. Bác tập thể dục rất đều, tập xong lạnh mấy cũng đi tắm suối, rồi bắt đầu làm việc. Khi Bác khai hội, khi Bác nghiên cứu, khi Bác xuống làng nói chuyện với đồng bào, có khi Bác đi lấy củi. Bữa cơm của Bác chỉ có chút thịt muối hoặc con cá con vừa bắt được dưới suối.

Trời tối, trong hang rất lạnh, phải đốt lửa sưởi suốt đêm. Không có đèn, nên buổi tối ít khi làm việc. Anh em thường ngồi quây quanh đống lửa nghe Bác nói chuyện. Một lần, Bác nhắc lại những cuộc chiến tranh lớn, những cuộc cách mạng từ trước tới nay, rồi Bác phỏng đoán độ bốn, năm năm nữa, chiến tranh sẽ tới bước quyết định, và lúc đó là một cơ hội rất tốt cho cách mạng ta.

Khuya khuya, mọi người ngủ chung cả trên sàn. Những cành cây ngổn ngang dưới lưng, nằm vừa đau vừa lạnh”[15].

THEO DẤU CHÂN NGƯỜI

Chúng tôi đã từ Quảng Châu đáp máy bay đến thăm Côn Minh. Căn nhà Bác ở tại đường Kim Bích, cũng như nhiều con phố của Côn Minh đã bị được đập phá theo qui hoạch mới để xây những ngôi nhà cao tầng tráng lệ. Nhưng may thay, nhà 67 (nay là 91) đường Hoa Sơn Nam, nơi Bác ở lâu nhất tại Côn Minh vẫn còn. Nhà văn, Đại tá Nguyễn Bình Phương cùng đi với tôi nhận xét: Có lẽ vì có di tích của Bác mà đoạn phố Hoa Sơn Nam này khi qui hoạch Trung Quốc vẫn giữ lại.

Đường về Tổ quốc. Ký của Trình Quang Phú
Nhà lưu niệm Hồ Chí Minh với nhân dân dân tộc Choang (hay Di tích văn phòng “Việt Minh” Tĩnh Tây), nằm tại số nhà 302 phố Tân Sinh, thành phố Tĩnh Tây (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).

Chúng tôi đã đến thăm căn phòng nhỏ chín mét vuông Bác đã ở, cạnh giường ngủ là bàn làm việc với chiếc máy đánh chữ rất cũ xưa, sát phòng Bác là một phòng nhỏ nữa để làm và in báo Đ.T. Căn nhà có ngách sau ra con ngõ để đến với khoảng rừng dẫn đến Thúy Hồ mỹ lệ đã in nhiều dấu tích lịch sử.

Năm 2023, tỉnh Vân Nam đã xây dựng nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi Bác đã từng ở và làm việc trên đường Hoa Sơn Nam. Đây cũng là nơi năm 1959 khi là Chủ tịch Nước Bác đã trở lại thăm.

Chúng tôi đã giành nhiều giờ đến thăm Thúy Hồ, một danh lam thắng cảnh, nơi Bác đã thường đến đây gặp gỡ anh em đồng chí. Tôi nhìn những chiếc thuyền nhỏ lướt trên mặt hồ và nghĩ đến lần đầu Bác đã gặp gỡ Võ Nguyên Giáp và gặp lại Phạm Văn Đồng. Con thuyền cũng đã nhẹ lướt trên Thúy Hồ để Bác bàn việc quốc gia.

Thúy Hồ không rộng lắm, được mệnh danh là Viên Ngọc Lục Bảo của Côn Minh bởi nước trong xanh và phong cảnh đẹp hữu tình ở đây. Thúy Hồ nằm ở ngay trung tâm thành phố, gồm 4 hồ nhỏ nối nhau bằng những chiếc cầu rất kiểu cách, mỗi hồ có một hòn đảo nhỏ. Mùa xuân ở đây ấm hơn các nơi. Một loài chim giống như vịt trời, dân địa phương gọi là mòng biển đầu đen, và chim hải âu mỏ đỏ, có cả thiên nga nhiều đàn, có đến cả ngàn con bay về tránh rét, nô đùa trên nước và lượn quanh, chào đón du khách, làm cho hồ thêm nhộn nhịp và cũng như đánh thức trong chúng tôi những quá khứ lịch sử trên 80 năm trước về Bác kính yêu.

Từ Hoa Sơn Nam, có con dốc, chạy qua cánh rừng nhỏ xanh um xuống với Thủy Hồ, con đường ngày xưa Bác vẫn đi. Chúng tôi theo con đường này để cố tưởng tượng ra bước chân của Bác và các nhà cách mạng tiền bối. Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng là những học trò của Bác ở Quảng Châu, một người là vị tướng quân đội đầu tiên đã hy sinh ở Bắc Sơn khi còn rất trẻ. Phạm Văn Đồng sau là Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt tại đây, Bác đã nhìn ra Võ Nguyên Giáp một cử nhân Luật, một giáo viên dạy Sử (đúng như bí danh của ông: Anh Văn) để đào tạo thành một tướng tài cho cách mạng Việt Nam. Tôi lại nghĩ đến Phùng Thụ - chú cận vệ Nghĩa của Bác ở Côn Minh, sau trở thành Thượng tướng Phùng Thế Tài, Tư lệnh Phòng không Không quân, góp vào một Điện Biên Phủ trên không lịch sử. Cảm ơn Thúy Hồ, trong niềm xúc động tôi nói với nhà văn Nguyễn Bình Phương: Giá như ở đây có tấm bia ghi rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến đây, gặp và đào tạo các vĩ nhân cho dân tộc Việt Nam, thì Thúy Hồ sẽ lung linh, sẽ rạng rỡ hơn.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại cuộc gặp Bác Hồ tại đây như sau:

“Một hôm, anh Phùng Chí Kiên rủ chúng tôi đi Thúy Hồ. Dọc đường, anh Kiên nói:

- Đồng chí Vương đã đến và hẹn chúng mình tới gặp ở Thúy Hồ.

Đến Thúy Hồ, tôi thấy anh Vũ Anh ngồi trong một chiếc thuyền với một người đứng tuổi, gầy gò, có đôi mắt rất sáng, mặc một bộ quần áo Tôn Trung Sơn màu xám, đội mũ phớt.

Tôi nhận ra ngay chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc. Nếu so với bức ảnh ngày trước tôi đã được xem thì trông Bác ở ngoài linh hoạt và sắc sảo hơn nhiều (hồi đó Bác chưa để râu).

Trước khi gặp Bác, tôi đoán con người Bác chắc hẳn phải có những cái gì rất đặc biệt, khác thường. Gặp Bác, tôi thấy Bác hoàn toàn không giống như những điều mình hằng tưởng tượng. Ngay từ phút đầu, tôi đã cảm thấy như mình được ở rất gần Bác, được quen biết Bác từ lâu rồi. Con người của Bác toát ra một cái gì rất trong sáng, giản dị. Tôi không nhận thấy ở Bác có gì là đặc biệt, là khác thường cả. Chỉ có một điều làm chú ý lúc bấy giờ là trong câu chuyện, Bác thường nói chen nhiều tiếng địa phương miền Trung. Không ngờ một người xa nước lâu năm như Bác mà vẫn giữ được tiếng nói quê hương.

Bác và chúng tôi rời thuyền lên bờ, vừa đi dạo quanh hồ vừa nói chuyện. Bác hỏi chúng tôi về những khó khăn khi đi đường hỏi tình hình trong nước gần đây, hỏi tình hình Mặt trận dân chủ, và hỏi chuyện chúng tôi làm báo. Bác nói:

- Các đồng chí ra được thế này là tốt. Vài ngày nữa sẽ bố trí công tác cho các đồng chí”[16].

Chúng tôi đã theo con đường từ nhà ở Hoa Sơn Nam lượn theo con dốc uốn quanh xuống Thúy Hồ. Chúng tôi cũng đã đến hồ Điền Trì mênh mông như biển trên độ cao hai ngàn mét so với mực nước biển, và cũng đã vào một quán có cô gái mặc quần áo dân tộc ở cửa chào đón khách để ăn món “Hua de Sheng Kua” có nghĩa là lẩu nấm thiên nhiên hoang dã, chúng tôi cũng tráng miệng bằng quả xoài chín mọng chỉ để lọt lòng bàn tay, to bằng quả cóc nhỏ ở Nam Bộ nhưng rất ngọt, gọi theo tiếng Hoa là “Xẻo mản cua”… Và chúng tôi cũng ngồi xe lửa 500 cây số từ Côn Minh để đi Hà Khẩu. Ngày trước Bác ngồi xe lửa với tốc độ 35km/giờ, còn bây giờ tàu cao tốc Côn Minh - Hà Khẩu loại nhanh là 350km/giờ, loại thường cũng có tốc độ 160km/giờ. Và đường sắt hôm nay có 155 hầm Tuynel, con đường cứ băng băng như không có đèo dốc. Chúng tôi đã đi và nhớ Bác. Không phải ở Quảng Châu và ở Côn Minh có khu di tích về Bác, mà cả Trung Quốc có đến 70 địa điểm có di tích về Bác, nhiều di tích xếp loại lịch sử cấp Quốc gia. Càng đi, càng xem, chúng tôi càng tự hào về Bác. Ba mươi năm Bác đi nhiều nơi, nhiều nước trên thế giới nhưng không có nước nào là xa lạ, mà Bác không thích nghi. Và ở cả bốn phương trời đó, Bác đã làm việc, chiến đấu không mệt mỏi, đã đúc kết, đã rút tỉa, tích lũy để trở thành một lãnh tụ trở về lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

*

* *

Chúng tôi trở lại thăm Pác Bó, nơi đầu nguồn cách mạng. Trong đoàn chúng tôi có đồng chí Hà Ngọc Chiến, người dân tộc Tày, nguyên là Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng và Anh hùng tàu không số huyền thoại, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh. Anh Thạnh nói: “Tôi đã dọc ngang, giữ thông đường Hồ Chí Minh trên đại dương. Giờ được đặt chân đến mảnh đất đầu nguồn này, nó thiêng liêng làm sao”.

Từ dòng suối trong mà Bác đã đặt tên là suối Lênin, in bóng núi cao mà Bác gọi là núi Các Mác, chúng tôi đã vào thăm hang Cốc Bó, một hang nhỏ chưa đầy 100m2, nhưng có đường xuyên qua biên giới rất an toàn. Đồng chí Hà Ngọc Chiến cho biết Cốc Bó tiếng Tày có nghĩa là cửa nguồn. Bác đã ở hang “cửa nguồn” này. Hang Cốc Bó đã trở thành căn cứ đầu nguồn của cách mạng Việt Nam. Bác đã ở đây những tháng ngày đầu tiên và tổ chức hội nghị Trung ương lần thứ tám. Một hang đá ẩm lạnh, nước từ những mạch đá nhểu xuống ngưng tụ lại thành những măng đá và nhũ đá nhiều hình thù lấp lánh dưới những tia nắng rọi. Ngắm nhìn những măng đá, nhũ đá này, Bác đã cảm hứng viết thành thơ:

“Sáng ra bờ suối, tối vào hang,

Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng.

Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng,

Cuộc đời cách mạng thật là sang”.

Vùng đất Pác Bó nói riêng và Cao Bằng nói chung là vùng núi, nên đồng bào chủ yếu trồng bắp, miền Bắc gọi là ngô, đồng bào Tày gọi là “bẹ”. Những ngày đó, với Bác cũng chỉ có cháo bẹ, cháo ngô chứ không có cháo gạo, nhưng Bác vẫn thấy sang, có lẽ cái sang của Bác là bữa tiệc đời, tiệc cách mạng thành công đã ở trước mắt Bác. Tư tưởng Lênin, chủ nghĩa Mác đã nhập tâm, Bác khắc tạo từ một măng đá thành tượng Các Mác và đặt tên cho mạch suối ngầm vô tận là suối Lênin. Từ đây, từ nơi đầu nguồn này, Bác Hồ đã lan tỏa chủ nghĩa Mác và tư tưởng Lênin về với mọi miền Tổ quốc. Bác quyết tâm “Hai tay xây dựng một sơn hà”[17].

Trong 30 năm bôn ba, Bác đã đón 30 mùa xuân. Nhiều mùa xuân cô đơn, khó khăn, khổ nhục, nhưng cũng có những mùa xuân lịch sử đáng nhớ. Đó là mùa xuân 1922, Bác được đón Tết với những người đồng chí và đồng bào Việt Nam yêu nước ở Pháp (trong đó có cụ Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh, Nguyễn Thế Truyền...), với Paul Vaillant Couturier và các đồng chí cộng sản Pháp thân thiết. Mùa xuân 1924, Bác được sống trong tự do của đất trời Xôviết. Mùa xuân 1927 là xuân đoàn tụ với sáu chục thanh niên yêu nước, những nhân tố cách mạng của ba miền đất nước Việt Nam về Quảng Châu dự lớp bồi dưỡng lý luận cách mạng. Mùa xuân 1930 là mùa xuân, là những ngày Tết Bác cùng các đồng chí của mình thành lập nên Đảng Cộng sản Việt Nam. Và mùa xuân này, mùa xuân Tân Tỵ 1941 là mùa xuân lịch sử Bác về với Tổ quốc sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước.


[1] Bác rời Moscow ngày 30 tháng 9 năm 1938

[2] Đồng chí Ngũ Tu Quyền sau này là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc.

[3] Ngày 10 tháng 11 năm 1939, hai đồng chí Phùng Chí Kiên và Đặng Văn Cáp được cử đi đón Bác, nhưng đến Quý Châu thì Bác đã đi 3 ngày. (Theo Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, Sdđ).

[4] Hồ Chí Minh biên niên sử, Sdđ.

[5] Xôi đậu: Ý nói lẫn lộn giữa cách mạng và bọn phản động.

[6] Hồ Kiều nay gọi là Hà Khẩu.

[7] Đột nội: về trong nước

[8] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3. NXB Chính trị Quốc gia 2011, trang 190.

[9] Vân Nam có 850 loại nấm ăn, chiếm 90% nấm ăn của Trung Quốc và 43% giống nấm ăn của thế giới.

[10] Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch. NXB Chính trị Quốc gia 1994, trang 85.

[11] Vũ Anh: Bác Hồ về nước. Hội Văn học Nghệ thuật Cao Bằng 1986.

[12] Theo Võ Nguyên Giáp “Những chặng đường lịch sử” thì ở Hội nghị TW8 tại Pắc Bó đã thảo luận việc này.

[13] Võ Nguyên Giáp “Những chặng đường lịch sử”. NXB Chính trị Quốc gia 1994. Trang 34-35.

[14] Ngày 28 tháng 01 năm 1941.

[15] Võ Nguyên Giáp - “Những chặng đường lịch sử”, Sdđ trang 41.

[16] Võ Nguyên Giáp - “Những chặng đường lịch sử”. Sđd trang 23.

[17] Trích thơ “Pác Bó hùng vĩ” của Bác.

Trình Quang Phú | Báo Văn Nghệ

Đường về Tổ quốc. Ký của Trình Quang Phú
GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú

"Đường về Tổ quốc" được trích từ tập Truyện ký "Theo dấu chân Người" của GS.TS, nhà văn Trình Quang Phú .

Hiện ông có 6 tác phẩm viết về Bác Hồ, gồm: “Miền Nam trong trái tim Người,” “Người là niềm tin,” “Đường Bác Hồ đi cứu nước,” “Theo Bác Hồ đi kháng chiến,” “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” và “Theo dấu chân Người.”

Trong đó, tác phẩm “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” trong 27 năm đã tái bản 22 lần, nhận giải A giải “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2023

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Đường về Tổ quốc - Trích truyện kí của nhà văn Trình Quang Phú Bên dòng Châu Giang Một cuốn sách quý viết về Bác Hồ Một kỷ niệm đẹp của nhà thơ miền Nam với Bác Hồ Nguyễn Hồng Nghi, lá thư từ Bác Hồ và những cuộn ảnh, thước phim cách mạng quý giá
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.
Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Bản tin Văn nghệ: Cuộc thi "Đưa Văn vào đời" - trao thiệp gửi yêu thương

Baovannghe.vn - Cuộc thi thiết kế thiệp Văn học: Đưa Văn vào đời 2024, do Nxb Hội Nhà văn phối hợp tổ chức, Hội Nhà văn Việt Nam bảo trợ chuyên môn