Tôi và chồng tôi thường đi làm chung xe, tôi làm công nhân của nhà máy tinh bột sắn còn chồng tôi là giáo viên dạy giáo dục công dân ở trường huyện. Trường học và nhà máy nằm trên cùng tuyến đường. Đi qua nhà máy là đến trường học nên mỗi ngày chồng tôi “thả” tôi xuống sau đó đến trường, chiều lại đón tôi về. Đi như thế tiện, phần để tiết kiệm xăng. Thu nhập của chúng tôi thuộc mức trung bình nhưng cuộc sống vẫn dễ thở, chúng tôi không lo lắng nhiều về các khoản chi tiêu. Từ khi mẹ chồng tôi mất, nguồn hỗ trợ sụt giảm đáng kể, nếu không có lương hưu của bố chồng, chúng tôi sẽ rất khó khăn với nhiều khoản.
Tôi lên kế hoạch chi tiêu. Nào là ABCD, về thứ hạng ưu tiên mức chi tiêu cho gia đình. Dinh dưỡng cho bố là ưu tiên hạng A, B là các khoản học phí, ăn ở cho con trai chúng tôi, cháu học Khoa Triết ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. C là thứ hạng dụng cụ gia đình và các chi tiêu thiết yếu. Còn hai vợ chồng tôi có gì ăn nấy, có gì dùng nấy, chúng tôi thuộc hạng D. Khi ngồi vạch kế hoạch chi tiêu, chồng tôi không quên vẽ sơ đồ, anh nối những điểm lại rồi nói câu thật hài hước.
- Chúng ta hạng D nhưng chúng ta là lãnh đạo tất cả thứ hạng khác… anh cười, môi tươi và mắt lấp lánh.
- Không, bố là hạng A, bố từng làm lãnh đạo, lương cao nhất nhà, bố là lãnh đạo - tôi đáp trả anh, chồng tôi cười giòn.
- Thế em là công nhân nhà máy, em là giai cấp công nhân.
- Anh là giáo viên anh là đội ngũ trí thức…
Giây phút đó thật vui, chúng tôi cười đến chảy nước mắt, kể từ đó, tôi lưu vào điện thoại mình. Số điện thoại của bố là Lãnh đạo, tôi lưu là LĐ, chồng tôi là Đội ngũ trí thức, tôi lưu là ĐNTT. Anh cũng sửa lại tên tôi từ vợ yêu 1, vợ yêu 2 thành GCCN1, GCCN2… thỉnh thoảng chúng tôi trêu nhau, riết rồi quen, giờ chúng tôi gọi nhau bằng tên lưu trong điện thoại. Có hôm thấy chuông điện thoại tôi reo, cô bạn làm cùng ca thấy lạ liền hỏi.
- ĐNTT là gì.
- Thôi chết, tôi hốt hoảng. Đội ngủ trí thức đón, không để ý điện thoại. Tôi cuống cuồng lấy đồ dùng cá nhân và chạy ra đường. Bận sau cô bạn bảo, chồng mà lưu cái tên kì lạ, Đội ngũ trí thức! Kinh thật. Đúng không hiểu mày. Tôi cười, lão cũng gọi tao là Giai cấp công nhân mà. Nó cười, vợ chồng lạ quá, may mà không trúng mấy ca làm gái, nếu có, lưu bằng giai cấp cave hoặc đội ngũ con điếm á. Bậy quá. Tôi đáp trả rồi đi rất nhanh, tiếng cô bạn vẫn cười lảnh lót.
Bố tôi đổ bệnh, tưởng chỉ vài ngày nhưng một tuần trôi qua vẫn không thuyên giảm, bệnh viện bảo mang về nhà chờ chết, ở đây cũng chỉ mức độ nằm vậy thôi, có khi chết luôn trong viện mất công lập đàn chiêu hồn về nhà. Tôi nói rõ tình trạng với bố, bố đồng ý về nhà, ông mừng là đằng khác. Ở nhà mọi thứ khó khăn hơn, chồng tôi đổi giờ giảng để trực, tôi cũng đổi ca làm để lo cho bố vì thế chúng tôi không có thời gian để nghỉ ngơi nhưng chẳng biết làm cách nào. Chúng tôi duy trì được như thế hơn một tháng, thấy không ổn nên chồng tôi bảo.
- Giai cấp công nhân này, Lãnh đạo ốm mãi, đổi giờ giảng và ca làm không phải là cách. Có khi Lãnh đạo chưa chết mà Giai cấp công nhân và Đội ngũ trí thức đã ra đi.
- Đừng có gở mồm, bố nghe được phải tội, em cũng chẳng biết làm thế nào, nhà mình neo người quá. Hay là anh nhờ chị gái anh xem.
- Bên trường chính trị, chẳng khác gì anh là mấy đâu, đó là còn chưa kể người ta xáo xào đủ chuyện.
- Chính trị gì thì cũng phải xuất phát từ đạo đức và luật pháp chứ, chị ấy là con đẻ của bố. Có ai không cho con gái đi chăm bố đẻ ốm đâu…
Làm theo lời tôi, anh hẹn gặp chị gái, lúc về anh đứng bần thần. Tôi chờ một lúc rồi hỏi rõ còn tính chuyện lâu dài. Anh ngập ngừng.
- Giảng viên bảo ghê lắm, nhưng thôi anh nói, em chín bỏ làm mười…
- Tóm lại là có đến không? - Tôi cục súc, rất vắn.
- Không, chị bảo của cải vật chất vợ chồng mình hưởng hết, nhà cửa đất đai, tiền lương của bố. Rồi còn bảo sau này không khéo cụ cho cô tất, chị ấy và tôi là con ghẻ…
- Thôi, dừng, đừng mất thời gian, con ghẻ với chả con ruột, đến giờ anh chăm bố, em đi làm rồi nghĩ cách sau.
Tôi dắt xe, vừa đi vừa lẩm bẩm, chín cộng sáu bằng mười lăm. Mười lăm trừ sáu bằng chín, chín trừ sáu còn ba; ba trừ sáu còn trừ ba… tôi cộng lương của bố và tôi, sau đó trừ lương tôi nếu tôi ở nhà rồi trừ luôn sáu triệu khoản chi tiêu của tôi và tiền con tôi học, như thế thiếu ba triệu. Tôi bắt đầu tính vào lương anh, trừ đi khoản còn thiếu và khoản anh chi tiêu: bảy trừ ba còn bốn, bốn trừ bốn còn không…tôi thở dài, đấy, tôi nghỉ việc không phải là phương án tốt.
Dọc đường đi gần mười hai ki lô mét âm thanh ấy vẫn văng vẳng bên tai, ba trừ sáu bằng trừ ba…. Bốn trừ bốn bằng không. Lúc đến xí nghiệp, tôi lắc đầu, kiểu như để âm thanh đó rớt ra khỏi màng nhĩ nhưng nó cứ ong ỏng như nước trong tai, tôi định thét lớn nhưng cuối cùng tôi kìm nén bằng cách nhíu mày lại.
Trưa, tôi đang ăn cơm thì nhận được tin nhắn của anh, đó là một dãy số: 9 – 9 = 0; 0 + 6 + 7 = 13; 13 – 3 – 3 – 4 = 3. Tôi đọc tin nhắn, tôi đã khóc, tôi điện thoại lại cho anh.
- Anh khốn nạn tầm cỡ nhỉ, sao anh giống chị gái anh thế?
- Đó là sự thật, kể cả nó cay đắng. Mà bố đưa di chúc cho cô chưa?
- Di chúc gì?
- Cô điêu vừa phải…
Kể từ sau chuyện này, tôi thấy anh đổi tính. Và tôi đã không thể có thái độ sống đối với anh như trước đây, phần vì bận bịu, phần vì tôi đã nhìn thấy anh ở một góc độ khác.
Chiều hôm đó, tôi chạy thật nhanh về nhà, tôi đi thẳng vào giường bố chồng tôi, tôi nắm tay bố, nước mắt tôi rơi trên bàn tay nhăn nheo của ông. Bố tôi thì thào.
- Bố sống như thế này là có tội với con Quyên à…
Chiều trôi qua rất nhanh, tối đến cùng tiếng mưa buồn bã. Tôi đặt bố chồng tôi lên chiếc xe lăn rồi đẩy bố ra hành lang, mặt hướng ra phía cột đèn. Ngoài kia, mưa lất phất bay, ánh đèn vàng cũng như đang chảy xuống. Tôi đặt hai tay lên vai bố chồng, bóp nhẹ cho ông đỡ mỏi, tôi nói với bố rằng, dù trong bất kì hoàn cảnh nào thì con vẫn mong bố có mặt ở trên đời này, không có bố con sẽ không còn điểm tựa…bố vỗ nhẹ vào tay tôi, ông nói, nhiều người trẻ bây giờ họ không có nhu cầu sống đến già vì sợ rất nhiều thứ. Mưa rơi đến hết đêm thì tạnh, tiếng xe thưa thớt, một vài bóng người dật dờ, có bài hát về tình yêu: phố vắng đêm nay đâu rồi, anh chờ em có đến không.... nhớ có dạo bố nghe khúc này, bố bảo, khi yêu mọi thứ đều hay lắm, bố đã đợi chờ mẹ các con như thế…
Sáng, tôi gặp Giám đốc nhà máy để xin nghỉ việc một thời gian, Giám đốc hỏi.
- Cô nghỉ bao lâu.
- Tôi cũng không biết nữa, bố chồng tôi ốm và không có ai coi sóc -Tôi trả lời.
- Như thế nghỉ cho đến khi ông ấy lành bệnh hoặc không lành bệnh…
- Vâng.
- Cô cứ nghỉ đi, nếu thời gian dài quá thì nguồn phúc lợi xã hội sẽ hỗ trợ cô một phần chi tiêu và bảo hiểm xã hội nếu cô còn quay trở lại làm việc…
Tôi chẳng thể tin vào tai mình, chẳng thể tin nổi trước mắt mình là vị Giám đốc rất hà khắc từng trừ tiền lương, đuổi việc công nhân khi họ vi phạm. Dù rằng đủ nhận thức về hoàn cảnh của mình và đủ năng lực phán xét theo dự báo nhưng mọi việc khác xa với những suy nghĩ của tôi trước đó và hiện tại. Tôi vốn rạch ròi, định hỏi rõ ràng ngay lúc đó nhưng Giám đốc cũng vốn rất gọn ghẽ, nên nói xong vấn đề ông liền đi, tôi đứng một lúc rồi quay về nhà, dọc đường đi không khỏi những nghi vấn.
Từ khi tôi ở nhà, chồng tôi về nhà muộn hơn thường lệ, mỗi ngày trên gương mặt anh có những màu sắc khác nhau, lúc đỏ au, lúc tím tái, lúc trắng nhợt… tùy thuộc vào nồng độ cồn. Mỗi lần như thế anh nhì nhằng, có khi khinh miệt tôi. Có lần anh bảo.
- Cô cứ chăm bố tôi đi, ông ấy là lãnh đạo. Như cô nói đó là điểm tựa. Không có điểm tựa cô rơi xuống vực. Tôi thì không, vì quan điểm của tôi khác, tôi là tôi, chẳng phải tựa vào ai…
Lần khác anh bảo.
- Cô biết thân phận mình thế là tốt, cô nuôi bố tôi với mức lương chín triệu đồng một tháng, 9 : 2 = 4,5. Mỗi người có bốn phẩy năm triệu, như thế ngon đáo để rồi. Cô không có gì cả, chỉ là kẻ làm công ăn lương. Nhưng còn đỡ nhé, rất nhiều công nhân trở thành hàng hóa ở nước người…
Tôi chẳng thêm mắm muối gì vào chuyện của anh. Mặc, nói gì thì nói tôi vẫn tận nghĩa với bố chồng. Ông ấy vừa là cha của anh, vừa là người nhặt tôi về từ góc chợ. Năm 1972, bố mẹ tôi chết trong đợt bom. Tôi trở thành đứa trẻ mồ côi khi vừa bước qua hai tuổi. Bố chồng tôi đã mang tôi về nuôi nấng nhưng không nhận làm con, bởi một lẽ bố chồng tôi muốn tôi làm con dâu của ông…
Con trai tôi đi thực tập, nó bảo cần một chiếc xe. Tôi nói chuyện qua điện thoại với vẻ lo âu, bố tôi bảo rằng.
- Con bán một ít đất đi để lo một số việc…
Lúc chồng tôi đi làm về, tôi nói với anh về chuyện đó. Anh gầm gừ, mặt lạnh băng bởi nồng độ cồn quá ngưỡng.
- Đấy là tư liệu sản xuất của cô đấy à.
- Bố bảo bán, tôi mới nói với anh.
- In tiền từ đất ai chả làm được, đến bố cũng vậy.
- Nhưng không còn cách nào khác.
- Đất của bố, quyền ông ấy.
Vài hôm sau bên mua đất đến, có cả nhân viên công chứng và người làm chứng. Bố chồng tôi kí xong rồi lăn tay. Họ ra về, bố bảo.
- Con mua cho thằng Hậu một chiếc xe tốt để sau nó còn đi làm, số tiền còn lại con dùng theo kế hoạch.
Hai trăm triệu, tiền bán 5m ngang đất. Giờ nhà tôi chỉ còn vẻn vẹn bốn mét đất vừa đủ để căn nhà đứng khít. Chồng tôi bảo, nhà giờ đã nhỏ hơn đường rồi, mỗi ngày đi về mình giẫm đạp lên 240 triệu một cách không thương xót, có khi giá đất lên không khéo cứ đạp lên tiền tỉ ấy. Tôi nhíu mày, anh tính đến cả con đường 6m vào nhà.
Ảnh: pixabay |
Tôi trở lại làm việc ở nhà máy theo mong muốn của bố chồng tôi. Từ tờ mờ sáng, tôi dậy vệ sinh và bón cho bố ăn để đi làm còn kịp giờ. Tôi mừng là ông ăn được, bữa hơn bát cơm hoặc cháo là chuyện thường, có khi hơn. Trưa tôi lại trở về cho bố ăn, uống nước rồi sau đó đi làm. Chỗ xí nghiệp biết được hoàn cảnh của tôi nên đồng nghiệp không nề hà, có khi họ còn giúp tôi để khối lượng công việc sớm hoàn thành. Giám đốc cũng gặp tôi để động viên, có lần ông hỏi về thân thế của tôi, gia đình, cha mẹ… tôi bảo rằng tôi mồ côi, ông ấy nghe xong rồi lặng lẽ đi. Bao nhiêu người cứ nhìn tôi, bảo Giám đốc có gì đó rất lạ với tôi, có người còn bảo.
- Tao thấy giám đốc có phần quan tâm đặc biệt với mày.
- Có lẽ Giám đốc thấy hoàn cảnh tôi đặc biệt.
- À, gần đây còn bảo Trưởng phòng hành chính mang hồ sơ của mày lên để xem.
- Không khéo được cân nhắc ấy nhỉ? - Tôi cười, mọi người cười theo. Nhưng sáng hôm sau tôi chẳng thể nào cười được, dù tôi đứng trước mặt Giám đốc và nghe ông tuyên bố bổ nhiệm.
- Từ tháng tới cô làm Quản đốc nhà máy, thời gian cũng chẳng rảnh rang nhưng công việc phù hợp hơn với cô, sắp xếp thời gian để làm việc.
Tôi đem chuyện này kể với bố, bố nắm tay tôi rồi bảo. Tốt quá. Chồng tôi biết tin, ảnh bảo. Không khéo cô được người ta nặng lòng rồi, từ giai cấp công nhân lên tầng lớp lãnh đạo, sau này thành giám đốc, từ vô sản qua tư bản, mấy hồi…
Tôi thấy thật nực cười, mọi thứ giữa tôi và anh ngày một xa dần. Ngay cả anh và bố đẻ của mình cũng có khoảng cách. Hay nói đúng hơn là không còn chút dính líu gì ngoài chuyện cha con hợp pháp. Sáng anh đi dạy, trưa về ăn rồi ngủ, chiều cũng thế. Giờ nghỉ đợi tiết tranh thủ trầm trà, cuối buổi thì rượu chè. Tôi không nghĩ anh đã tha hóa, nhất là tình cảm giữa anh và bố mình. Tôi không cần biết đâu là chức vị, đâu là giai cấp, đâu là thể chế… phàm con người trước tiên phải có đạo đức, nhất là đối với người sinh ra mình. Tôi nói với anh, anh gạt.
- Cô buồn cười nhỉ, cô lo cho bố rồi bố cũng chết đi thôi, bố già rồi. Đó không phải là sự đầu tư cho loài người. Ở trường tôi dạy dỗ hơn bốn trăm học sinh, chúng sẽ trở thành những công dân tốt, có ích cho xã hội và đặc biệt là chúng còn rất trẻ, cống hiến nhiều hơn người già, đấy tôi cũng lo cho bố, lo cho truyền thống gia đình này.
- Bỏ lớp già, lo lớp trẻ, xã hội và công dân nó mới bắt đầu từ anh, còn của loài người phải là nền tảng của ngàn năm đấy.
- Chà chà, mới vài hôm thay đổi giai cấp mà gớm thật đấy. À tôi quên, cô cũng tốt nghiệp đại học, cũng được xem là đội ngũ trí thức…
Tôi không nói chuyện với anh, kể từ hôm đó. Chỉ những lúc cần thiết tôi với anh mới giao tiếp. Bố gầy đi do ăn ít hơn. Da lưng của bố có dấu hiệu không tốt do thời gian nằm quá nhiều. Tôi theo dõi khá kĩ và tôi không hiểu được, bố ăn ngon nhưng lại ăn ít đi. Có bận tôi nói chuyện huyên thuyên, bố ăn được hai bát. Hôm rồi tôi vẫn trò chuyện, bố dừng ăn.
- Quyên này…
- Vâng.
- Bố ăn ít thôi, như thế con sẽ không mất nhiều thời gian nấu thức ăn.
- Nhiều ít cũng vậy mà bố.
- Nhưng…
- Bố làm sao thế?
- Ăn nhiều con mất thời gian bón.
- Không sao đâu bố à?
- Nhưng…
- Bố làm sao thế bố?
- Bố sẽ đại tiện nhiều, con sẽ vất vả hơn…
Tôi ngừng bón cơm cho bố, một vài lần, bố bảo để bố ăn ít thôi, tôi nhìn bố rồi khóc. Tôi biết bố thương tôi, hy sinh cả sức khỏe của mình. Bố nghĩ đến việc đó, tôi buồn. Tình người không phải khi nào cũng ấm áp. Và sự ấm áp không phải khi nào cũng là niềm vui sướng. Tôi lau nước mắt rồi nói với bố.
- Công nhận bố hay thật đấy, không gì nghĩ ra được cách ăn ít đi.
- À không phải...
Bố ngập ngừng, tôi hỏi thì bố bảo không có gì. Tôi lau mặt cho bố, tôi nhớ lại hình ảnh chồng tôi mấy ngày trước đây, anh đã chân cao chân thấp bước ra khỏi phòng bố với ánh mắt khó hiểu và tiếng đằng hắng liên tục, anh chui vào nhà vệ sinh rồi ở đó rất lâu. Tôi nghe tiếng nước chảy, tiếng nôn ọe. Khi anh trở ra, đôi mắt đỏ hoe, tóc ướt rũ rượi. Tôi kiệm lắm nhưng vẫn buông lời.
- Sướng lắm thế, uống đến nôn.
- Tôi uống lắm cũng không nôn bằng ấy, của bố…
Tôi lặng người. Thì ra, sáng kiến “bố ăn ít thôi” là của chồng tôi chứ không phải của bố. Mặc dù rất bực bội, thậm chí mâu thuẫn với điều đó nhưng tôi cố nhẫn nhịn để tập trung cho công việc và gia đình. Từ gia đình này bao gồm cả anh, nhiều lúc tôi tự hỏi, nếu cứ để anh buông thả với bố đẻ, với con trai của anh như thế thì tôi còn là người đàn bà xây tổ ấm nữa không. Rất nhiều lí do, tôi chậc lưỡi cho qua. Có lần chẳng nhịn được tôi đã khóc trước mặt anh, hôm nay cũng thế, tôi nói với anh rằng.
- Tôi không biết vì lí do gì khiến anh thay đổi, nếu vì bố, vì gia đình này thì tôi mong anh suy nghĩ…
Tôi chưa dứt lời, anh chìa ra trước mặt tôi tờ giấy, bản di chúc của bố chồng tôi. Ông ấy để lại cho tôi mọi thứ. Tôi nhìn bố, không phải hàm ơn mà thấy buồn tủi và khó xử. Anh cười cợt.
- Cô làm công tác dân vận khéo, rất khôn ngoan và xảo trá. Do xuất phát điểm là công nhân, nếu đội ngũ trí thức, cô ngang tầm thường vụ ấy nhỉ. Giá trị thặng dư mà cô làm ra là 4m đất, một ngôi nhà, những tài sản gắn liền với nó…
- Anh…
- Cô biết đất bây giờ mét bao nhiêu tiền rồi chứ, thời điểm này nó là hai trăm triệu trên một mét, cô có tám trăm triệu, nhưng cô đã làm mất đi số tiền trước đó bao nhiêu cô biết không. Tám trăm triệu đấy, năm mét đất bán rẻ mỗi mét mất một trăm sáu mươi triệu. Cô nhân đi, năm nhân một trăm sáu mươi có phải bằng tám trăm không. Tám trăm bị thiệt trừ tám trăm đất hiện có là bằng không, cô chẳng làm được gì ngoài nuốt chửng cái nhà này…
Tôi lặng im. Cầm tờ di chúc, nước mắt tôi chảy ròng ròng, nước mắt bố cũng nhòe ra. Bố, tôi nói chỉ đủ mình nghe. Bố đã làm khổ con thật rồi.
Bố chồng tôi mất, để tang xong, tôi làm giấy tờ sang nhượng đất cho anh. Chị gái của chồng tôi cười.
- Ông cụ buồn cười, cứ như tôi là con ghẻ.
- Thế cô muốn gì? - Chồng tôi hỏi.
- Tình cảm có thể thiên vị nhưng tài sản phải công bằng. Tôi muốn chia đất.
Bốn mét đất chia đôi, tôi chẳng hiểu chị em nhà họ định làm gì. Thật trớ trêu, tôi muốn rời khỏi đây càng sớm càng tốt. Nhưng tôi phải lo nhang khói cho bố chồng tôi. Không thể để bát hương ông lạnh. Tôi nán lại một thời gian, đồng nghĩa với bao giằng xé, bao sự việc xảy ra. Chồng tôi nói với tôi.
- Tôi nhượng 6x25m cho chị gái, cô cứ ở đó đi, để rồi tôi tính.
Anh lật tờ bản đồ, 6x25m đường đi đó trong hồ sơ thửa đất không phải là đường mà đất thổ cư của nhà tôi. Thật lạ, tôi chưa hề nghe bố nói về điều đó. Hay là anh đã giở trò gì để phù phép từ đất đường thành đất ở. Anh cười khinh bỉ.
- Đội ngũ trí thức không làm việc bằng cái đầu đất.
Chị gái anh gọi cán bộ địa chính về tách thửa, tôi đứng ngẩn ngơ. Nếu thửa đất ấy thuộc về chị gái đồng nghĩa với căn nhà hiện tại không có đường để vào. Cái quái gì thế? Có nửa mét anh cũng phải chừa đường để đi chứ. Không chỉ riêng mình, còn thửa đất đã bán cho người ta? Tôi hỏi anh. Anh bảo, cô buồn cười nhỉ, lo cho cả thiên hạ, chị ấy đã làm nhà đâu, mình vẫn có đường để đi. Nhưng nếu chị làm nhà, hoặc bán. Anh cười cùng cục.
- Cô buồn cười nhỉ, cô biết vì sao tôi không để bất cứ con đường nào vào nhà này không. Nó không xứng đáng với gia đình này, chí ít là bố. Hơn nữa, chúng ta ở dí trong nhà rồi về với bố để chị ấy vui. Thế nào bảy bảy bốn chín ngày chúng ta gặp bố, rồi chị ấy cũng gặp bố, chúng ta lại làm người thân, vui phết.
Chị gái anh cắm biển cho thuê đất nhưng thực chất để thu thuế đường của chúng tôi, hai trăm ngàn đồng một tháng, chúng tôi trả tiền thuê đường. Hai năm như thế, ngôi nhà mọc lên, đường về nhà chúng tôi bị bịt kín. Anh thôi việc ở trường, nhận hưu non, cứ ngày ngày ngồi trong nhà. Anh xin ván vụn đóng nguyên cái bè gỗ, thiếu thức gì thì trèo lên bè chèo qua hồ để mua. Ở đó có quầy tạp hóa, mỗi lần như thế anh mua đủ cho một tháng, anh ăn ít, uống nhiều rượu, mỗi lần say, anh đều nguyền rủa chị gái.
- Nói cho cùng, cô ấy cũng là đội ngũ trí thức, cô ta bịt kín đường của mình không nói gì, lại bịt kín đường của lãnh đạo. Bố tuy đã thành ma nhưng đó là ma lãnh đạo chứ không phải ma bình thường, trong lòng người dân thành phố bố vẫn là lãnh đạo, khốn thật…
Có dạo anh lại cười:
- Nghĩ cái mẻo gì ngồi trong bốn bức tường vẫn hay, trọng tình với bố. Tôi nghĩ khác rồi, đạo đức của hơn bốn trăm học trò đang tung tẩy ngoài kia không bằng một tí đạo đức của tôi trong này, nó mong manh lắm. Nhất là dính đến lợi ích cá nhân, tiền tài những thứ khác còn dễ vỡ huống hồ gì cái trừu tượng gọi là đạo đức. Con người ta, nhất là đội ngũ trí thức phải được nhốt kín lại đạo đức mới không bị thối rữa…
Tôi vẫn đi về căn nhà cũ, với anh và con trai mình bằng một con đường khác. Tôi đi vòng phía bờ hồ, gửi xe máy ở cái quán nhỏ, lúc đầu họ không thu phí, sau 5 ngàn đồng/đêm. Tôi lên bè, chèo ra giữa lòng hồ. Chiều nào cũng thế, anh đứng trên bờ đợi tôi. Lúc bè cập bến, anh lúi húi giữ chiếc bè cho tôi khỏi ngã, nhất là những mùa mưa…